Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Song Thao - CÀ CUỐNG

24 Tháng Mười 202012:30 CH(Xem: 8456)
Song Thao - CÀ CUỐNG

CÀ CUỐNG

                                    *SONG THAO

image002

 

Tôi phải cám ơn ông bạn đã chuyển cho tôi bài viết về cà cuống của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung. Vừa đọc được hai chữ “cà cuống” là đầu óc tôi cuống cả lên. Cả một thời nhỏ dại ùn ùn trở về. Nhưng đọc bài “Cà Cuống” của Vũ Thị Tuyết Nhung trước đã. “Tôi còn nhớ, mẹ tôi thuở sinh thời, cứ vào cữ tháng Bảy mùa thu trở ra đến tháng Mười chớm đông, lúc Người đi chợ Hàng Bè, thi thoảng lại được mấy bà hàng tôm hàng cá quen gọi vào, thầm thì giúi riêng cho mấy con cà cuống mà các bà thường chỉ để dành cho khách ruột sành ăn”. Tác giả Vũ Tuyết Nhung còn nhớ “mùa” cà cuống, tôi thì chịu. Ngày nhỏ ý niệm thời gian chưa vướng vào đầu óc, tôi chỉ nhớ bất chợt vào những buổi tối liên tiếp, cà cuống bay bổ vào những ngọn đèn đường là lúc chúng tôi chạy đuổi theo bắt cà cuống. Cà cuống là con gián cồ, lớn gấp nhiều lần. Vậy mà gián thì chúng tôi sợ mà cà cuống thì chúng tôi… thương, thi nhau chạy theo chộp bằng tay không. Chộp xong, kiếm mấy cành cây khô, nổi lửa, nướng ăn ngay tại chỗ, thơm cách chi!

Cà cuống nướng là thứ ăn lấy được của bọn trẻ chúng tôi. Người lớn ăn khác, trân trọng hơn nhiều. Họ phân biệt cà cuống đực và cà cuống cái. Chuyện tưởng chỉ có chính con cà cuống mới quan tâm đến, nhưng đực cái cũng là thứ mà các người lớn săm soi đầu tiên khi nắm được chú cà cuống. Bởi vì cà cuống đực mới có bọng nước thơm, thứ quý giá nhất của cà cuống. Mỗi con đực có hai bọng, nhỏ bằng đầu tăm, chứa thứ nước thơm tho. Với cà cuống đực thì thứ nước có mùi thơm này là để dụ con cái. Với con người thì thứ nước thơm này để khoái khẩu. Bởi vì món chi có tí tinh chất này cũng biến thành món ngon được. Từ chén nước mắm chấm rau muống luộc dân dã cho tới những món cao cấp hơn như bún thang, bánh cuốn, chả cá. Người Tràng An chỉ lấy đầu chiếc tăm, chấm vào chiếc lọ nhỏ chứa tinh chất cà cuống một hai chấm là món ăn dậy mùi, thơm ngát. Mỗi người Hà Nội đều có những kỷ niệm với cà cuống. Với tôi là chén bún thang ngày tết. Lòng phơi phới trước giờ khắc tinh khôi của ngày đầu năm, gắp miếng bún thang nhè nhẹ hương cà cuống, thấy tất cả cái tết trong người. Với tác giả Vũ Tuyết Nhung là một thứ cũng rất tết: bánh chưng. Bao năm nay, từ ngày đi lấy chồng, tôi đã nhiều lần đặt bánh chưng ở các cửa hàng nổi tiếng trong thành phố, hay là tự gói lấy bằng các thứ gạo đỗ, thịt thà thơm ngon nhất, mà sao ăn cứ không được như hương vị bánh chưng mẹ gói lúc sinh thời. Thì ra, ngày xưa, mẹ tôi khi ướp nhân bánh trước khi gói, bao giờ cũng nhớ rảy vào một chút tinh dầu cà cuống mà bà để trong một chiếc lọ bé xíu, gọi là lọ penexilin nút cao su, quấn mấy lần nilon như một thứ đồ gia bảo, cất trong ngăn trên của chiếc tủ chùa ở gác hai. Nếu không cho vào nhân bánh, thì khi xóc gạo gói bánh, bà cho nhàn nhạt muối đi một chút. Đến lúc bóc bánh ăn, mới chấm thêm chút nước mắm cà cuống, thì cũng hợp giọng khôn tả”.

image006

Nói tới món ngon Hà Nội, người ta không thể không vời tới những Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài. Trong “Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường”, Thạch Lam nói tới cà cuống trong một món ăn thông thường là phở mà chúng ta tưởng cà cuống chẳng có vai trò chi. “Trong nhà thương vốn có một bà bán các thứ quà bánh ở một gian hàng dựng dưới bóng cây. Cái quyền bán hàng đó là cái quyền riêng của nhà bà, có từ khi nhà thương mới lập. Bà là người ngoan đạo nên tuy ở địa vị đặc biệt đó bà cũng không bắt bí mọi người và ăn lãi quá đáng. Thức gì bán cũng ngon lành, giá cả phải chăng. Nhưng gánh phở của bà thì tuyệt: bát phở đầy đặn và tươm tất, do hai con gái bà làm, trông thực muốn ăn. Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”.

Thứ “thoảng nhẹ như một nghi ngờ” này, Tô Hoài miêu tả trong “Chuyện Cũ Hà Nội” với một món ăn khác: “Từng lá bánh được bóc ra, trắng tinh, xếp lên đĩa. Đĩa giò lụa cả khoanh đã cắt khía ra từng miếng. Nước mắm Nam Ô được thửa đã rót ra cái bát nhỏ của nhà hàng. Mùi nước mắm phảng phất thơm ngát cà cuống”. Cũng món bánh cuốn chấm nước mắm cà cuống này, trong cuốn “Món Ngon Hà Nội”, Vũ Bằng da diết:“Để làm nổi hẳn vị của nước chấm lên, người hàng bánh cuốn thường gia thêm vào chai nước chấm một hai con cà cuống băm nhỏ, nó đem đến cho ta một cái thú đậm đà hơn là cái thú cà cuống nước bán từng ve nhỏ ở các hiệu bán đồ nấu phố Hàng Đường hay một chút mắm tôm cà cuống đệm vào làm tăng vị của bún thang lên đến cái mức ăn ngon gần như không thể nào chịu được”.

Thứ mà nhà văn Vũ Bằng gọi là “cà cuống nước bán từng ve nhỏ” mà ông chê ỏng chê eo không biết có phải là các lọ cà cuống chế bằng hóa chất không? Tôi không nghĩ vậy tuy từ thập niên 50 của thế kỷ trước, người ta đã phân chất tinh dầu cà cuống. Đó là một hợp chất gồm nhiều chất dễ bay hơi. Mãi tới gần đây, nhờ tiến bộ của ngành sắc ký khí (gas chromatography) người ta mới xác định rõ hơn thành phần của tinh dầu cà cuống. Trong một nghiên cứu, Đại học Suranaree bên Thái Lan đã nhận diện được 22 chất tạo hương ở cà cuống đông lạnh, và 27 chất ở cà cuống luộc. Thành phần chính là hai chất: hexenol acetatehexenyl butyrate. Tất cả các hợp chất này cấu thành mùi hương đặc trưng của cà cuống. Từ những kết quả phân tích này, người ta dùng kỹ thuật phối hương để chế ra tinh dầu cà cuống nhân tạo.

Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi biết tới thứ cà cuống nhân tạo này khi đang tu nghiệp ở Manila. Một anh bạn sinh viên Việt Nam ở Phi, dân Bắc kỳ di cư, đã bất ngờ kiếm được một chai tinh chất cà cuống do Thái Lan sản xuất tại một cửa hàng trên phố Tàu Manila. Cuối tuần, khi tới nhà một Việt kiều tại Phi chúng tôi làm món bánh cuốn Thanh Trì. Trịnh trọng mở nút chiếc chai nhỏ xíu, mùi cà cuống xông lên làm nức chí mọi người. Nhưng, như gió thoảng mưa sa, chỉ trong chớp mắt, mùi hương bay đi mất. Của giả chẳng thể so sánh được với của thật. Khi qua định cư tại Montreal, ăn bánh cuốn, tiệm cũng hỏi khách, nếu khách thích có mùi cà cuống thì chi thêm ít tiền để có được vài giọt chất cà cuống… giả mạo. Gọi là… để tưởng nhớ mùi hương. Chưa kịp nhớ, hương đã cao bay xa chạy!

Cà cuống làm bằng hóa chất như vậy là hàng nhái. Chẳng ai chuộng. Tinh dầu cà cuống chính tông chỉ có con cà cuống được đóng vai trò nhà sản xuất, một loại nhà sản xuất bủn xỉn. Mỗi con cà cuống chỉ cho được 0,02 mililitre tinh dầu. Tính ra muốn có 20 mililitre tinh dầu phải cần tới một ngàn chú cà cuống đực. Tinh dầu này ở dạng lỏng, nhẹ hơn nước nên dễ bị bay hơi kiến cho việc bảo quản khá khó khăn. Tôi nhớ ngày đó ông bà tôi thường đựng tinh dầu này trong những chai  dùng để đựng thuốc chích penicillin có nắp đậy bằng cao su. Sau khi đã dùng hết thuốc, lấy chai không, rửa sạch để đựng tinh dầu cà cuống. Muốn chắc ăn hơn, lấy giấy ni lông bao thêm nhiều lớp bên ngoài nắp, cất vào tủ chè có khóa. Tết nhất hoặc giỗ chạp mới đem ra dùng.

Bắt được cà cuống, đè ra lấy tinh dầu cũng phải có nghề. Đây là công việc đòi hỏi khéo tay, tỉ mỉ, nhẩn nha. Nếu nóng vội bọng tinh dầu có thể bể, uổng một đời cà cuống! Đầu tiên, người ta bẻ gập đầu cà cuống xuống tận ngực, hai bọng dầu sẽ lòi lên trên sóng lưng. Bọng dầu này, gọi là “chỉ dầu”, dài khoảng từ 2 tới 3 milimetre, trông giống như sợi bún tàu. Lấy một cây tăm tre nhọn, khẽ khều bọng dầu lên, bỏ vào chai. Cần phải tách dầu ra khỏi bọng, nếu không tinh dầu sẽ có mùi hôi.

Dân ta biết tới hương vị cà cuống từ rất lâu, khoảng 2.200 năm trước, từ thời Triệu Đà lận. Con cà cuống dĩ nhiên không biết tự đặt tên. Tên của muôn loài do con người đặt. Nhưng tại sao lại là cà cuống? Nhà văn Vũ Bằng, trong cuốn “Thương Nhớ Mười Hai”, đã cà kê dê ngỗng như thế này: Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống. Thấy thơm một cách lạ kì, ông ta bèn gửi dâng vua Hán một mớ và gọi nó là “quế đồ”, nghĩa là con sâu của cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ trong đám có một ông lắm chuyện tâu rằng: “Đó không phải là con sâu sống ở trong cây quế mà chỉ là một con sâu sống ở dưới nước “thuỷ đồ”. Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã”, nghĩa: đó là lời nói láo của Đà. Từ đó, cà cuống thành ra đà cuống. Nó còn một tên nữa là “long sắt”, nghĩa là con rận rồng. Con rận rồng! Nghe tên có quý không? Ta có tám món ăn quý nhất gọi là bát trân : nem công là một, chả phượng là hai, da tây ngu là ba, bàn tay gấu là bốn, gân nai là năm, môi đười ươi là sáu, thịt chân voi là bảy, yến sào là tám. Con rận rồng không phải là một thứ trân, mà chỉ nên coi là gia vị, nhưng nghe tên thì quý có phần hơn cả bát trân là khác”. Cà cuống hay rận rồng không nằm trong bát trân nhưng chen chân được với ngà ngọc. Trong các món đồ Triệu Đà triều cống vua Hán ngày đó, người ta ghi nhận được các món sau: một đôi ngọc bích trắng, một ngàn bộ lông chim trả, 10 sừng tê, 500 vỏ ốc màu tía, 40 đôi chim trả sống, 2 đôi chim công và một giỏ cà cuống. Như vậy, nằm kề bên cạnh các thứ chi bảo, cà cuống cũng thuộc loại oai lắm rồi!

Thứ oai phong như vậy hình như trời chỉ cho miền Bắc nước ta? Không hẳn vậy, miền Nam cũng cà cuống như ai nhưng người ta không biết dùng. Tác giả Tuyết Nhi, một người mà tôi chắc là sinh trưởng trong Nam, đã viết: Nhiều năm trước, cứ vào mùa nước nổi là tôi lại theo cha giăng lưới, dở dớn, kéo chài… Tôm cá miền Tây thì nhiều vô số kể còn cà cuống thì thỉnh thoảng cũng thấy vài con. Tuy vậy, ở xóm lưới quê tôi dường như không ai biết con cà cuống có thể ăn được cả. Như bây giờ, khi hỏi cha tôi con cà cuống ăn được không, ông kinh ngạc bảo: “Trời, con đó mà ăn uống gì! Nhìn thấy ghê!”. Vậy đấy, có những thứ đặc sản mà đôi khi mình không biết, lại bỏ qua”. Một tác giả khác kể lại chuyện bắt cà cuống ở Cần Thơ: “Hằng năm, cứ vào mùa mưa là cà cuống xuất hiện. Chúng rất thích ánh đèn, mỗi khi màn đêm buông xuống, nơi nào có ánh đèn sáng chúng thường bay ra. Biết được những đặc điểm nêu trên, chúng tôi thường tụ tập dưới những cột đèn đường sau những cơn mưa để bắt cà cuống. Lúc bấy giờ, công trình làm Bến Xe Mới ở Cần Thơ quê tôi, đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động. Đây là điểm tập kết của chúng tôi hằng đêm để rượt bắt cà cuống. Mỗi đêm, nếu may mắn chúng tôi bắt được vài trăm con cà cuống rất dễ dàng”.

Chuyện khá lạ lùng. Dân Cần Thơ cũng đuổi bắt cà cuống dưới ánh đèn đường y chang như chúng tôi ở Hà Nội. Ngạc nhiên hơn nữa khi tác giả Vũ Thế Thành kể chuyện bắt cà cuống ngay tại Tân Định, Sài Gòn. “Hồi nhỏ tôi vẫn theo lũ bạn đi bắt cà cuống ở những cột đèn đường, đem bán cho mấy người ve chai. Cà cuống rẻ rề, cả chừng hai chục con mới được 5 cắc. Họ thu gom cà cuống, bỏ trong thùng sắt tây, sau này tôi mới biết, họ đem bán cho một tiệm thuốc tây ở đường Hai Bà Trưng, Tân Định, trích lấy tinh dầu. Chỉ con đực mới có tinh dầu. Hồi bắt cà cuống, tôi đâu có biết đực cái thế nào, hễ thấy cà cuống là chộp. Vậy mà đực cái gì họ cũng mua. Con đực được khều lấy tinh dầu. Rồi sau đó, đực hay cái gì cũng lên… chảo chiên hết”.

Chuyện cà cuống bay la đà dưới ánh đèn đường đã đi vào cổ tích. Chúng tuyệt giống nơi phố thị. Nhưng ngày nay cà cuống lại nở rộ ở miền Nam do có cả một kỹ nghệ nuôi cà cuống. Nghe nói có rất nhiều trang trại nhưng có lẽ trang trại nuôi cà cuống của anh Lê Thanh Tùng ở ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thành lập từ năm 2007, là quy mô nhất. Đất Củ Chi bên cạnh nhà anh Tùng là vùng đất rộng mênh mông bị bỏ hoang từ lâu, cỏ cao lút đầu người. Đó là nơi anh Tùng hội ngộ với cà cuống. Vì là đất hoang nên môi trường không bị ô nhiễm, các loài côn trùng mặc sức sinh sôi nảy nở, trong đó có cà cuống. Anh Tùng là người mê nuôi các loại côn trùng. Anh khởi đầu bằng cách nuôi dế. Gia đình anh sống nhờ trại nuôi dế này cả chục năm trước khi anh nghe nói tới cà cuống. Anh cũng chỉ nghe sơ sơ biết cà cuống là đặc sản hiếm hoi trên Sài Gòn nên tìm đọc sách vở nói về thứ côn trùng lạ lẫm này. Anh biết được là cà cuống thường sống trong hồ, ao, đầm lầy, ruộng lúa, ban ngày ở dưới nước, ban đêm bay lên. Thức ăn của chúng là tôm tép, nòng nọc và cả cá lẫn ếch nhái. Sau bốn tháng lặn lội vừa bắt côn trùng, vừa có ý tìm kiếm cà cuống, anh bắt được đúng năm con. Anh khởi nghiệp nuôi cà cuống từ năm…tù nhân này. Anh nuôi chúng trong hồ xây, thả dày đặc lục bình. Anh chia sẻ: “Khi càng hiểu nhiều về nó, tôi càng mê. Xem trên sách báo, nhiều nhà khoa học cho rằng việc nuôi cà cuống là điều không thể càng làm tôi thêm quyết tâm. Mày mò nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thiết kế những ao hồ có đặc điểm giống hệt môi trường thiên nhiên. Từ năm con cà cuống đầu tiên, tôi thả trong hồ, bỏ cá con vào làm thức ăn cho chúng. Chỉ vài tuần, chúng đẻ trứng và nở ra đến vài trăm con”. Ngày nay, trang trại của anh lúc nào cũng có khoảng năm ngàn cà cuống. Anh làm đông lạnh và bán cho khách thu bạc triệu mỗi ngày. Nhưng anh Tùng là một nông dân có tâm. Anh không giữ độc quyền. Những nông dân nào muốn theo nghề, anh sẵn sàng nhượng con giống, chỉ cách nuôi và mua lại thành phẩm. Theo anh, có như thế mới phát triển được một ngành nuôi mới.

Chắc chúng ta đều biết câu thành ngữ: cà cuống chết đến đít vẫn còn cay. Ngoài nghĩa đen khen ngợi tinh dầu cà cuống, câu này còn có nghĩa bóng, ám chỉ những người ngoan cố, bảo thủ, cố chấp, cay cú trước sự thất bại hoặc cái sai trái rành rành của mình. Tôi vốn có lòng thương cà cuống, ít nhất chúng là một phần tuổi thơ của tôi, nên rất bất mãn với cổ nhân. Cà cuống đâu có cay như ớt, như gừng để gừng càng già càng cay. Tinh dầu cà cuống thơm tới mê đắm. Vậy có nên chăng sửa lại câu thành ngữ trên: cà cuống chết đến đít vẫn còn… thơm!

 

 

                                                                                                              10/2020

                                                                                         Website: www.songthao.com

 

 

 

 

 

 

 

30 Tháng Mười Một 2013(Xem: 53555)
Viết về anh cũng như tôi đang nhớ tới những kỷ niệm đầu tiên của tôi với cây bút. Bài viết ngắn này cũng ngắn ngủi như mối giao tình (chưa hề gặp mặt nhau) của hai anh em mình...
29 Tháng Mười Một 2013(Xem: 46655)
Con gái Ba đây chỉ muốn nói với Ba lòng biết ơn Ba đã nuôi dạy con khôn lớn, đã yêu con bằng tình yêu không điều kiện, đã để lại cho con một di sản tinh thần vô cùng quí báu.
29 Tháng Mười Một 2013(Xem: 38903)
Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia đình họp mặt, những người đi làm xa nhà đều trông đợi vào ngày này để cùng về nhà xum họp, quây quần bên bữa cơm gia đình.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 41278)
Tôi lặng lẽ dọn dẹp nhà cửa từng ngõ ngách... tôi sắp xếp lại đời tôi từng góc cạnh... và bắt gặp mình vẫn miên man mong nhớ, mân mê từng mảnh kỷ niệm… thật chẳng muốn buông tay... thật không nỡ rời xa.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 50816)
Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Đắc Kiên. Hai nhà thơ. Hai thế hệ- Hai hoàn cảnh một từ trong cảnh tù đầy 27 năm cộng lại tại miền Bắc- một trong hoàn cảnh đất nước đã độc lập với tư cách nhà báo-.
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 41653)
Nếu tôi phải làm một tuyển tập những truyện ngắn hay nhất ở hải ngoại sau năm 1975, trong số các tác phẩm được chọn, nhất định phải có truyện ngắn “Tự truyện một người vô tích sự” của Nguyễn Xuân Hoàng.
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 54113)
Nghe Hoàng đau, nhóm anh em báo Người Việt nóng lòng muốn đi thăm. Chuyến đi đã được thực hiện ngày thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013, chúng tôi sáu người từ quận Cam đi San Jose lúc 6 giờ sáng, phải đi sớm vì còn phải lái xe về trong ngày.
14 Tháng Mười Một 2013(Xem: 55983)
Hàng chữ nhảy nhảy, bay bay, múa múa, nhợt nhạt rồi nhòe nhòe dần dần. Tôi lẩm bà lẩm bẩm "Trí sún ơi! Tao ngàn lần xin lỗi, xin lỗi và cám ơn mày".
14 Tháng Mười Một 2013(Xem: 40089)
Riêng Nguyễn Thế Hùng, đây là lần gặp lại sau 43 năm, khi bè bạn rời ghế học của trường trung học Ngô Quyền, để bước chân vào giảng đường đại học.
09 Tháng Mười Một 2013(Xem: 42053)
Cái ranh giới giữa hiện tại và quá khứ nhỏ quá, mỏng quá, nhanh quá, nhanh còn hơn một cái chớp mắt. “Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.”
08 Tháng Mười Một 2013(Xem: 43932)
Dù biết rằng vui mừng có giới hạn nhưng đau khổ vô bờ bến. Ước chi… ước chi…sương đã tan và nắng đã lên ở cuối đường.
01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 52721)
Biết cùng ai chia sẻ sự suy nghĩ riêng mình, chỉ biết nhìn lên bầu trời âm u bên kia đồi, để rồi ước mong, mong một ngày nắng lên...
25 Tháng Mười 2013(Xem: 66979)
Cảm ơn tình bạn anh cho tôi, như cánh diều bay êm ả trên những tầng mây khi tụ khi tan, khi gần khi xa, như có như không, một tình bạn chân thật, giản dị,...
17 Tháng Mười 2013(Xem: 49483)
Mỗi lần tan học, ở các lớp cuối Trung học, chắc là cũng có các em học sinh mới lớn ngâm nga "em tan trường về anh theo Ngọ về" như chúng tôi...
17 Tháng Mười 2013(Xem: 36506)
Dường như đã thành người nhà dù màu da có khác, tiếng nói có khác, phong tục có khác mà sao thật quyến luyến vô cùng.
14 Tháng Mười 2013(Xem: 56212)
Nhớ điều này nha anh Hoàng, như anh đã viết năm nào. “Sau cái chết là gì? Là không gì hết. Có chăng là những ngọn gió. Ngọn gió thổi những lời bay đi. Ngọn gió thổi trả những lời trở lại.”
14 Tháng Mười 2013(Xem: 55441)
Xem lịch mới biết hôm nay là ngày đầu thu. Từng mùa thu đến, từng mùa thu đi. Đến rồi đi, đi rồi lại đến như bao kiếp người luân lạc trên dòng đời chảy miên man.
12 Tháng Mười 2013(Xem: 43547)
Tôi lại nghĩ. Chỉ có mấy quyễn sách long bìa, rách gáy, tôi còn không nở vứt đi, thì làm sao tôi có thể yên tâm mĩm cười bỏ cái thân nhục dục này xuôi tay nhắm mắt. Thì ra, nói một chuyện mà thực hành không phải dễ dàng.
11 Tháng Mười 2013(Xem: 52194)
VÌ EM LÀ NỖI NHỚ - Nhạc và Lời: Ngô Càn Chiếu - Hòa âm: Ngô Càn Chiếu - Ca sĩ trình bày: Ngô Càn Chiếu Vì em là nỗi nhớ Là Sài gòn nắng ấm bình minh Bên phố phường rôn rã thanh âm Là ngựa xe trong ngày đang đến
10 Tháng Mười 2013(Xem: 64047)
Xin cầu chúc mọi điều tốt đẹp cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cho một người bạn văn chương của tôi. Anh là một homo literatus với ý nghĩa đáng trân trọng của nó.