Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tô Đăng Khoa - DU TỬ LÊ VÀ NHỮNG CON CHỮ / NHƯ NGƯỜI

17 Tháng Mười Hai 201912:36 SA(Xem: 12205)
Tô Đăng Khoa - DU TỬ LÊ VÀ NHỮNG CON CHỮ / NHƯ NGƯỜI

 

TÔ ĐĂNG KHOA


Du Tử Lê Và Những Con Chữ / Như Người



chiều rớt / xanh / lưỡi dao,

tôi khứng! chờ… mưa tới.

 Du Tử Lê


Tôi đọc và yêu thích thơ Du Tử Lê đã lâu, nhưng thực sự có nhân duyên quen biết và trở nên thân cận với ông khoảng 7, 8 năm gần đây. Trong những năm cuối đời thi sĩ Du Tử Lê và tôi có nhiều dịp uống café với nhau vào sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại Tài Bửu Paris hay Hạt Ngò Bistro. Qua những câu chuyện văn học, những mạn đàm về tư tưởng triết học Đông Tây, giữa chúng tôi, một già một trẻ, hai thế hệ đã thiết lập được một mối tương giao thâm quý.

 Tháng 10/2018, tức là khoảng một năm trước khi ông mất, Du Tử Lê sáng tác bài đêm, treo ngược tôi: dấu chấm than! Bài thơ này được đăng trong tập thơ cuối cùng của ông, em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình. Tháng 10 năm ngoái trong một bài viết, tôi có ghi lại vài cảm nhận riêng của mình khi đọc bài thơ này, xin ghi lại trích đoạn nơi đây:

(trích)

Tôi rất cảm phục cách Thi Sĩ đặt tựa đề cho bài thơ, đêm, treo ngược tôi: dấu chấm than! Dấu chấm than (!) nhìn giống như một người bị treo ngược; và hơn thế nữa, trong màn đêm, khi mọi người đều đang an giấc thì Thi Sĩ đang rất “ngược” với thế giới vì ông vẫn còn thao thức không ngủ được. Bên ngoài, đêm mưa vẫn đang nặng hạt:

mưa chưa đi khuất, ngày chưa tới

đêm, treo ngược tôi: dấu chấm than!

mùa hoen đôi mắt, như vừa khóc

gọi hết tàn phai, gõ một lần.

trời đem mây xuống neo chân sóng

gió hú đường bay ngang ngọn cây

tử / sinh vốn dĩ như hình / bóng

linh hồn nào còn quẩn quanh đây?

nến tôi cháy đỏ mùa chia, biệt

người ghé qua rồi, cũng bỏ đi

những con dế sớm khan, khô tiếng:

cũng tự chôn mình theo tiếng ve.

sương nhìn tôi xa dần sớm mai.

 

Con người chúng ta sống trên cõi đời này, bị quy luật vô thường chi phối, luôn luôn thay đổi. “Nến tôi cháy đỏ mùa chia, biệt” là một lối ẩn dụ rất tài tình về thân phận của con người. Chúng ta sinh ra, sống, và tồn tại trên cõi đời này trong một khoảng thời gian nhất định cũng như ngọn nến. Khi hết nhiên liệu, ngọn nến cũng sẽ tự tắt. Đó là lẽ tử / sinh rất đơn giản qua hình ảnh ẩn dụ của ngọn nến. Trong lúc ngọn nến còn sáng lung linh, ánh sáng của nó cho ta những hình / bóng trên tường. Đó là những nhận thức phóng giọi chủ quan của chúng ta về thế giới xung quanh.

tử / sinh vốn dĩ như hình / bóng.

hồn nào còn quẩn quanh đây?

 

Hình ảnh ngọn nến, nhiên liệu của nến, sự tương tục cháy sáng nhưng thực ra là đang thay đổi từng phút từng giây, đang tiến dần một cách chắc chắn đến “sự tắt ngấm” tất nhiên của ngọn nến, tất cả là một hình ảnh hết sức linh động và cụ thể giúp cho độc giả như tôi chiêm nghiệm về thân phận của con người.

Câu hỏi bỏ lửng, linh hồn nào còn quẩn quanh đây? thật độc đáo! Có chăng một linh hồn nào, hay chỉ là ảo giác? Còn nhiên liệu, còn sự cháy đỏ, chỉ còn ngọn nến. Còn ngọn nến thì còn những hình, những bóng soi giọi. Hết nhiên liệu, nến tắt. Hình / bóng cũng khép lại cho trọn vẹn một cuộc tử / sinh. Nào có linh hồn nào quẩn quanh đây, như ta vẫn hay lầm tưởng?!!

nến tôi cháy đỏ mùa chia, biệt

người ghé qua rồi, cũng bỏ đi

những con dế sớm khan, khô tiếng:

cũng tự chôn mình theo tiếng ve.

 

Vậy đó, ngọn nến tôi cháy đỏ mùa chia, biệt. Nhưng người ghé qua rồi nào có mấy ai ở lại. Vạn vật vô thường mà, người cũng vậy, ngọn nến tôi cũng thế. Có gào thét, có gáy vang đến khô tiếng như những con dế sớm, thì cũng vậy thôi. Sẽ có lúc nến tắt, con dế gáy khan đến khô tiếng ngày nào cũng tự chôn mình theo tiếng ve, khi hè qua, thu sang và đông lại về. Chúng ta có nhìn thấu qua màn sương để bắt gặp ánh mắt này không???

sương nhìn tôi xa dần sớm mai.

Thời tiết sang mùa: một cơn mưa đêm, một “ngọn nến tôi” cháy đỏ, những con dế sớm khan, khô tiếng tự chôn mình theo tiếng ve, và sương nhìn tôi xa dần sớm mai. Tất cả là hình ảnh linh động và ẩn dụ rất khéo léo và tài tình về sự hiện hữu của tất cả chúng ta trên cõi đời này: Một sự hiện hữu tiến dần về cái chết, sự tắt ngấm của “ngọn nến tôi cháy đỏ”!

 Sau những đêm mất ngủ, chúng ta có nhận ra như Thi Sĩ hay không sự thật này: Sương đang nhìn tôi xa dần những sớm mai?

 Vì lẽ? Sẽ có một sớm mai nào đó chính chúng ta cũng sẽ không thức giấc nữa!

(ngưng trích)

Ngày 30/9/2019, tức là đúng một năm sau bài đêm, treo ngược tôi: dấu chấm than!, Thi Sĩ Du Tử Lê sáng tác bài thơ chiều rớt / xanh / lưỡi dao với lời đề tặng cho tôi.  Tôi không ngờ rằng bài  này cũng là thi phẩm cuối cùng của Thi Sĩ Du Tử Lê.  Nội dung bài thơ nàycũng bắt đầu bằng hình ảnh của một ngọn nến. Nhưng ngọn nến lần này không còn là “ngọn nến tôi cháy đỏ” nữa, mà lại là ngọn nến “cháy nham thời thiếu máu” tuồng như là một linh cảm về một bất trắc đang rình rập:

cháy nham thời thiếu máu

tôi nhìn tôi nám, thô

đối mặt với hư vô:

-mù, câm kiếp nào vậy?

.

sống những ngày củi mục

tôi nhìn tôi trôi sông

tai họa như bóng đen

chập trùng đêm: ám độc.

. đợi nắng về bầu bạn

cuối đời / tôi ngồi đây /

bằng hữu như sẹo cây:

bị xóa dần dấu vết.

.

ngày tịch liêu tiếng gọi

hỏi khan: - kẻ nào đây?

hồn treo ngược xác dơi!.!

đợi hà hơi cứu rỗi?

.

từng hồi chuông riết róng:

định mệnh: những cơn điên

thân, tâm / khôn an nhiên/

khi một đời mất bóng!?!

.

trong ngôi đền kỷ niệm,

người ảnh, tượng trên cao.

nhưng một thoáng chiêm bao,

người hiện thân… dáng mẹ!.!

.

cảm ơn người: bao dung,

che, ủ tôi khánh kiệt.

.

chiều rớt / xanh / lưỡi dao,

tôi khứng! chờ… mưa tới.

Và quả thực, đúng như Thi Sĩ đã dự cảm:  chiều rớt / xanh / lưỡi dao là thi phẩm cuối cùng của Thi Sĩ tài hoa Du Tử Lê, người mà theo tôi nghĩ, với giác quan Thi Sĩ vô cùng tinh tế và nhạy cảm của ông, đã biết trướcvề sự ra đi của mình. Từ hình ảnh “treo ngược dấu chấm than!” tới hình ảnh “hồn treo ngược xác dơi!.!”, từ hình ảnh một “ngọn nến tôi cháy đỏ” đến ngọn nến “cháy nham thời thiếu máu” là một sự chậm lại để tiến dần tới cái chết.

 Triết gia Heidegger có nói ý nghĩa của sự hiện hữu chỉ được tìm thấy trong cái chết, nói cách khác, hiện hữu tức là hiện hữu dần tới cái chết (being means being towards death.)  Hiện hữu như bức tranh: lấy cái chết làm nền. Du Tử Lê viết “tử/sinh vốn dĩ như hình/bóng” là thế đó! Bóng dáng của thời gian, thấp thoáng trong sự phơi bày của lẽ tử/sinh. Thời gian vô hình, tiềm ẩn nhưng tác dụng thì thần sầu quỷ khốc và chắc nịch, không bao giờ thất bại, chắc nịch như trọng trường của trái đất. Hãy lắng lòng nghe thời gian gõ nhịp tàn phai qua bút pháp tài tình của Thi Sĩ Du Tử Lê:

buổi sáng tôi ra đi,

thấy chiều trong đáy cốc.

buổi trưa tôi trở về,

thấy cây ngồi thở dốc.

chúng ta: những con đường.

xuôi về một nghĩa địa.

đời thâm, bầm nhát dao.

chỉ riêng mình nấn / níu.

(đời thâm, bầm nhát đao)

 

Vậy đó: đời thâm, bầm nhát dao, chỉ riêng mình nấn / níu. Sáng sáng chiều chiều, đi đi về về, những con đường xuôi về một nghĩa địa. Tất cả chỉ vì cái thói quen nấn / níu của chúng ta. Một sự níu kéo vô vọng trước cơn lốc thời gian vô song!

 Thi Sĩ Du Tử Lê là người có cái nhìn rất mới lạ về tác dụng của thời gian lên sự hiện hữu của con người, mà theo tôi, ông là người “dịch” (dời chuyển) được cái hồn, cái tinh túy nhất của triết học bí hiểm của Heidegger (Being and Time) sang Thi Ca Việt Nam một cách rất tài tình qua bài thơ thời gian là vết thương / tìm tôi để chảy máu:

một người hỏi bức tường:

- nhớ gì sau đổ, vỡ?

một người hỏi dòng sông:

- xót xa mùa nước, lũ?

.

bức tường nói: cảm ơn!!!

trần gian là khoảng trống.

dòng sông trả lời: không!

biển khơi hoài dậy sóng.

.

chúng ta là đám đông,

sống trong hình nộm, mới.

thời gian là vết thương,

tìm tôi để chảy máu.

.

đằng sau, mỗi sớm mai,

mặt trời riêng, vẫn mọc.

đằng sau, những nụ cười,

chói chang nghìn thất lạc.

“Bức tường” không hề tiếc nuối hay hờn giận gì sau những “đổ, vỡ.” Vì lẽ? Vì “bức tường” thực ra chỉ là “cái ngăn che!” Sự đổ vỡ của “bức tường” tiết lộ sự thật “trần gian là khoảng trống” –

Sự thật về “tính không” của tất cả hiện tượng. Dòng sông cũng không xót xa gì mùa nước lũ! Vì lẽ? Vì biển khơi vẫn hoài dậy sóng đó thôi, đó là cái lẽ dĩ nhiên từ xưa tới nay.

 Chúng ta nếu không biết học hỏi bài học can trường, không biết chấp nhận thực tại, mà sợ hãi đổ vỡ, cứ than thân trách phận của “bức tường,” của “dòng sông” thì chúng ta sẽ bị biết bao nhiêu vụn vặt của đời sống chi phối, và như thế chúng ta chỉ sống theo đám đông, như một hình nộm, và thời gian tàn phá, nhận chìm chúng ta không thương xót như dòng song mùa nước lũ.

chúng ta là đám đông,

sống trong hình nộm, mới.

thời gian là vết thương,

tìm tôi để chảy máu.

 

Một bài thơ ngắn, đầy nội lực thâm hậu, nói lên trọn vẹn ý nghĩa của hữu thể (being) trong mối tương quan nghịch đảo với thời gian (time) cùng mối nguy hiểm của một lối sống theo tâm ý của đám đông như một hình nộm. Theo tôi nghĩ nếu không phải là một thi sĩ tài hoa, nhạy cảm thì không thể gom về  trọn vẹn cốt lõi sự hiện hữu con người và hệ lụy của nó trong bao nhiêu đó ký tự được.

 Cuối năm 2019, “ngọn nến tôi cháy đỏ” vẫn “cháy nham thời thiếu máu” để cống hiến cho nền văn học Việt Nam những bài thơ trác tuyệt và ý nghĩa thâm sâu, gần gũi. Hai câu cuối của sự nghiệp Thi Ca Thi Sĩ Du Tử Lê là sự chấp nhận sau khi đã làm xong việc cần làm, đã sống một đời sống sáng tác sung mãn với trên 70 tác phẩm văn học, ngọn nến ấy đã chấp nhận yên long chờ cơn mưa tới để được mát lạnh, chấm dứt sự “cháy đỏ mùa chia, biệt” của một đời “thâm bầm vết dao,” vì đã không còn chi nấn/níu. Lời cuối của Thi Sĩ là một lời tri ân tới người thân và bằng hữu, xin nhắc lại nơi đây trong mùa lễ Tạ Ơn 2019, cũng là lễ viếng 49 ngày của Thi Sĩ Du Tử Lê:

cảm ơn người: bao dung,

che, ủ tôi khánh kiệt.

chiều rớt / xanh / lưỡi dao,

tôi khứng! chờ… mưa tới.

 

Với riêng tôi, thơ Du Tử Lê là “những con chữ như người”: nó là những bóng/hình của Du Tử Lê, những con chữ lầm than mà ông đã cưu mang bằng máu và lệ của chính mình.  Đó là cái  mà tôi sẽ giữ mãi, sẽ “cầm tù” những con chữ ấy trong ký ức của tôi về ông.

giọt máu nào cưu mang

lầm than từng con chữ

ai ngồi trên ngạch cửa?

bàn tay nào nhện giăng?

cầm tù nhau / ký ức.

(trích những con chữ như người-Du Tử Lê)

 

T.Đ.K, Garden Grove, 2019


Phụ Đính:

 

Văn Học Press

22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978

email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press

 


PR 12/13/2019

SÁCH MỚI

nguoivenhubui

Trân trọng giới thiệu:

  

người về như bụi

  

tuyển tập tưởng niệm thi sĩ

DU TỬ LÊ [1942-2019]

Văn Học Press xuất bản, 12/2019

 

Thơ, văn, họa của 39 tác giả, 39 dòng cảm nhận cùng hợp lưu về một tâm hồn thi ca trác tuyệt.

 

Cung Tích Biền  Nguyễn Thị Thanh Bình  Lê Phương Châu  Nhật Chiêu  Đinh Trường Chinh  Nguyễn Đức Cường  Võ Chân Cửu  Duyên  Khuất Đẩu  Lê Lạc Giao  Bùi Bích Hà  Lê Minh Hà   Phan Tấn Hải  Trần Yên Hòa  Tô Đăng Khoa  Đặng Mai Lan  Trần Vấn Lệ  Trần Thị Nguyệt Mai  Nguyễn Thị Khánh Minh  Đỗ Hồng Ngọc  Như Quỳnh de Prelle  Đỗ Quyên  Orchid Lâm Quỳnh  Hoàng Xuân Sơn  Phan Ni Tấn  Song Thao  Nguyễn Xuân Thiệp  Trịnh Thanh Thủy  Trịnh Y Thư  Vũ Hoàng Thư  Đỗ Quý Toàn  Xuyên Trà  Lê Giang Trần  Lý Kiến Trúc  Trần Mộng Tú  Nguyễn Đức Tùng  Hạnh Tuyền  Trần Dạ Từ  Nguyễn Lương Vỵ

 

Sách in đợt đầu không bán, chỉ để tặng.

Muốn có sách tặng, xin tham dự đêm tưởng niệm thi sĩ tại:

 

Café Hạt Ngò Bistro

10752 Westminster Ave., Garden Grove, CA 92843
lúc 5:30 chiều ngày 14/1/2020

(Vé vào cửa: $50. Điện thoại l/l: 714-856-8189)

 

 

 

 

29 Tháng Sáu 2010(Xem: 89395)
Vào hạ tuần tháng 5/2010, từ Cali em đã gửi email báo trước cho tôi biết tin em sẽ về thăm quê nhà ở Nha Trang khoảng hai tuần lễ kể từ ngày 23/05/2010, nhưng trong email em đã kín đáo không cho tôi biết là thân phụ em vừa mất và mục đích chuyến về Việt Nam lần này của em là để lo tang Cha.
18 Tháng Sáu 2010(Xem: 92311)
Một trong hai tai nạn lớn nhất đời người vừa xảy ra với chúng tôi khi Ba vĩnh viễn bỏ cuộc đời, bỏ Mẹ và chúng tôi, Những năm gần đây, nhiều người bạn cùng thời với Ba, những người sinh vào cuối thập niên 20s đến cuối thập niên 30s của thế kỷ hai mươi lần lượt bước sang thế giới vĩnh hằng, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho ngày Ba về với ông bà, nhưng lòng vẫn đau như cắt.
12 Tháng Sáu 2010(Xem: 152690)
Cùng với Mẹ, Cha là người có công sinh thành nuôi nấng và dạy dỗ các con dù trải qua nhiều khó nhọc. Nhưng khác với Mẹ, Cha là đàn ông nên tính trầm lặng, ít biểu lộ tình cảm hay gần gủi con cái, nói chung, nên con cái thường ít cảm nhận lòng thương yêu từ Cha như cảm nhận tình thương từ trái tim người Mẹ. Xin bấm vào các tựa bài bên dưới để thưởng thức:
11 Tháng Sáu 2010(Xem: 91849)
chợt nhớ ba tôi đã qua đời hơn 23 năm qua, tôi chỉ là một đứa con bất hiếu để quảng đời còn lại của tôi bao ân hận và tiếc nuối vì chưa một lần nói với ba rằng “con thương ba lắm ” trong việc làm hay trong tâm tưởng…
05 Tháng Sáu 2010(Xem: 101262)
Tôi là học sinh trung học Ngô Quyền, BH từ NK 1970-71 đến nay, 2010, cũng 40 năm rồi, nếu có chi tiết nào sai sót về ngày tháng, họ tên xin các anh, chị khóa trước và các bạn cùng khóa 1970 -77 giúp sửa lại cho chính xác.
07 Tháng Năm 2010(Xem: 140276)
Mẹ là đề tài xưa cũ nhưng không bao giờ lỗi thời trong Thơ Văn; nhờ thế mà hôm nay, nhân Ngày Lễ Mẹ 9/5/2010, chúng ta có dịp giới thiệu trên Trang Web Nhà những bài viết ngắn qua lời văn chân thật, những vần thơ giản dị mà tràn ngập hình ảnh, hồi ức, kỷ niệm thân thương về Mẹ . Xin bấm các tựa bài bên dưới để thưởng thức:
07 Tháng Năm 2010(Xem: 91441)
Ngày nay, má tựa như ngọn đèn dầu trước gió, nếu một mai ngọn đèn tắt đi, e rằng cuộc đời còn lại của tôi sẽ mang nhiều ân hận và tiếc nuối. Ân hận vì không có những giây phút kề cận bên má lúc tuổi già, tiếc nuối vì không còn được một lần ăn lại món thịt nọng kho, cá trê chiên dầm nước mắm mỡ hành và nghe giọng nói của má với “ Hương vị ngọt ngào”.
06 Tháng Năm 2010(Xem: 80500)
Chúng ta hãy cài một hoa hồng cho những ai còn Mẹ! và một đóa bạch hồng cho những ai mất mẹ. Dù Mẹ còn hay mất, chúng ta cũng phải nên nhớ cho rằng, tất cả ai sống trên đời nầy, thân thể nầy cũng chỉ là một phần tách rời từ thân thể Mẹ mà ra.
25 Tháng Tư 2010(Xem: 93947)
Đầu thập niên tám mươi, trước những bế tắc không lối thoát, Mẹ thu xếp gởi anh chị em chúng tôi, từng đứa, vượt đại dương để đến một vùng đất tự do, ở đó không có khủng bố tinh thần, ở đó không có trại cải tạo giam giữ những người hoàn toàn lương thiện, và ở đó chúng tôi sẽ được học hành thành người.
11 Tháng Tư 2010(Xem: 72997)
Bài viết như một nén nhang tưởng niệm người đã khuất. Ở môt nơi bình an nào đó, tôi tin rằng anh đang mĩm cười. Không phải nụ cười khinh bạc, ngạo mạn mà là nụ cười hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò...
06 Tháng Tư 2010(Xem: 83995)
Ngày đầu bước vào ngưỡng cửa Trung học của tôi không được đẹp và dễ thương như các nhà văn đã miêu tả. Tuy nhiên nó vẫn cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
31 Tháng Ba 2010(Xem: 94536)
Đêm qua thức giấc một mình, nhìn trăng sáng tôi chợt nhớ đến ánh trăng ở VN, nhất là trăng miền biển, trông rất hiền hòa và trong sáng, nơi tôi đã sống 2 năm với nghề “gõ đầu trẻ” sau năm 1975, khi tôi vừa tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn, thời gian này đã để lại trong tôi một dấu ấn khó quên.
30 Tháng Ba 2010(Xem: 84514)
Thế rồi hoàn cảnh đẩy đưa, vận người đưa đẩy, tôi xa luôn quê nhà, xa luôn cái bàn học con con cạnh cửa sổ đêm đêm được dỗ dành bởi một loài hoa quen thuộc, không vương giả, không quê muà, chỉ đủ làm xao xuyến lòng tôi khi nhớ đến.
02 Tháng Ba 2010(Xem: 65338)
Cái kinh nghiệm khổ đau của kiếp người có phải là một ấn chứng để tâm hồn vượt lên trên bão dông, để ngôn ngữ yêu nhau vẫn còn dù đã nhiều nghịch cảnh. Và, theo tôi, Nguyễn Tất Nhiên là một thi sĩ thực sự mang đời sống mình làm ví dụ cho một trường hợp của khoan dung và từ ái?
18 Tháng Hai 2010(Xem: 87642)
Xuân Con Cọp lại sắp đến rồi. Mà ở cái nơi "phong trần luân lạc" nầy, Tết nhất cũng chả có gì vui. Thôi thì xin mời bạn cùng tôi nhâm nhi dăm ba câu thơ cũ, để gọi là tạm "mua vui" trong khoảnh khắc chờ đợi đón giao thừa nơi xứ lạ.
16 Tháng Hai 2010(Xem: 80021)
Trước hết, bước qua năm mới, Thủy xin kính chúc mọi người được một năm an khang, hạnh phúc và thịnh vượng. Nhân đây, với tư cách là mẹ của hai đứa con của anh Nguyễn Tất Nhiên, Thủy xin trân trọng gửi đến quý Thầy, quý Bạn lời tri ơn chân thành sâu đậm nhất.
06 Tháng Hai 2010(Xem: 89859)
Xin tạm biệt Xuân xưa, ngày tháng cũ. Hy vọng những chồi non, lộc mới… mang hết những ưu phiền của tôi đi thật xa, đi vĩnh viễn. Tình yêu của tôi ơi, xin ngủ yên!
06 Tháng Hai 2010(Xem: 84472)
Tôi chỉ nhớ mong manh rằng buổi trưa hôm ấy đứng ở sân thượng với gói quầ n áo trong tay nhìn ra phía xa, ngọn đồi huyền bí của tôi nay chỉ còn là một bóng mờ, chập chờn sau những đám khói đen mù mịt.
30 Tháng Giêng 2010(Xem: 91479)
Vậy khi một nhà thơ, nhà văn nào đã qua đời, thì, làm ơn, nếu không vì nhu cầu nghiên cứu tiểu sử để tìm hiểu cặn kẽ về bối cảnh và điều kiện sáng tác của họ, xin đừng khai thác đời tư của họ để phục vụ cho bất kỳ một mục đích nào khác hơn là góp phần cống hiến cho đời ba điều thật đơn giản, nghe rất nhàm tai, nhưng vô cùng cao quý, đó là: Chân, Thiện và Mỹ.
25 Tháng Giêng 2010(Xem: 97904)
Tôi nhớ câu nói của một ông anh trong vùng tôi đang sống, rằng sau khi hoàn tất một công việc, bao giờ người ta cũng thấy hai túi áo chứa đầy những lời cảm tạ và những lời xin lỗi.