Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

LPQ - SÂN GA XƯA

28 Tháng Chín 20198:13 CH(Xem: 11312)
  • Tác giả :
LPQ - SÂN GA XƯA

SÂN GA XƯA


san-ga

1.
Đã gần bốn mươi năm hắn mới bước vào thăm lại ga xưa.

Một buổi tối cuối tuần sân ga thưa vắng bóng người. Đi quanh một vòng sân ga cố tìm lại một chút gì còn vương trong ký ức, nhưng hắn chỉ nhìn ra duy nhất còn sót lại là mảng tường nhỏ quét vôi màu vàng ve phía ngoài căn phòng của trưởng ga ngày xưa giờ vẫn còn như cũ.

Bước vào một quán cà phê cóc bên cạnh nhà ga khi cơn mưa hạ bất chợt đổ xuống, hắn đăm chiêu ngồi nhớ lại bao kỷ niệm lãng mạn của tuổi học trò...
   
“... Bỏ mặc mưa về, bỏ chiều phai.
         Bỏ mặc hư vô, bỏ ngậm ngùi...”.

Biên Hòa ngày xưa là một tỉnh lỵ nhỏ nằm cạnh Sài Gòn có tuyến đường sắt chạy qua trung tâm. Ga xe lửa Biên Hòa mặc dù qui mô nhỏ chỉ là trạm dừng, đi của các chuyến tàu chợ nhưng lại nằm ngay trung tâm, vả lại thời chiến tranh có sân bay quân sự Biên Hòa rất lớn, lính “ta” lính “tây” rất đông, việc vận chuyển hành khách và hàng hóa mua bán qua ga rất nhộn nhịp nên không ai gọi là ga xép mà gọi là ga nhỏ Biên Hoà. Nhưng với người dân trong tỉnh nhỏ nầy lại thường hay gọi gần gũi hơn là ga Biên Hùng, vì ngay đường ngắn dẫn vào nhà ga có rạp hát chính của tỉnh lỵ tên là rạp hát Biên Hùng.

Ngày đó giữa thập niên 60-70 mỗi lần cúp cua nghỉ học, hắn cùng mấy thằng bạn thường chui qua cái lỗ chó phía sau trường trung học Ngô Quyền rồi đi bộ dọc dài theo đường ray xe lửa, băng qua phía ngoài nhà ga xuống đình Lân Thị để tắm rạch và câu cá. Ga xe lửa vô tình trở thành điểm hẹn của những cậu học trò mơ mộng đầy tinh nghịch.

Khi vào đại học, hàng ngày hắn xuống Sài Gòn bằng xe lửa, sáng tinh mơ đi và tối về. Khoảnh khắc nhớ nhất là mỗi khi tàu rúc còi để qua cầu Gành là hắn vội rời băng ghế gỗ để ra đứng ở đầu nối giữa hai toa tàu. Vừa nhìn thân tàu lắc lư vừa hít lấy hít để làn gió mát lạnh từ sông Đồng Nai len qua các vòm cầu sắt thổi tạt vào mặt và hắn thường hay nhắm mắt lại tưởng tượng gương mặt cô bé học trò trường trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức quen nhau trên tàu rồi cười một mình ên.

Một buổi chiều tối mùa Noel cuối năm 73, trên chuyến tàu muộn khởi hành từ ga Sai Gòn về Biên Hoà, mọi khi đi tàu hắn thường lên toa đầu rồi đi dọc dần xuống các toa sau để tìm người quen, chợt nhìn thấy một cô nữ sinh tóc thắt bím mặc đồng phục huy hiệu trường ngồi một mình tì tay trên thành ghế nhìn ra ngoài ô cửa. Bước chân dừng lại, hắn đến ngồi cạnh bên và làm quen.
- Em học trường Kiểu Mẫu hả?
- Dạ!
- Sao hôm nay em đi từ Sài Gòn về?
- Dạ em theo bạn đi xuống Sài Gòn để lựa mua quà tặng Noel.
- Hèn chi anh thấy tàu tối mà còn học trò về trễ...

Sau vài ba câu chuyện có lẽ thấy anh sinh viên nói chuyện cũng hài hước có duyên nên cô bé vui vẻ bắt chuyện và cười tủm tỉm hoài, trước khi tàu dừng lại sân ga hắn cũng vừa kịp viết vào tấm thiệp Noel có hình cái chuông vàng cột nơ đỏ với dòng chữ “Tặng nhỏ, chuyến tàu làm quen. Giáng sinh 73”.

Hắn và cô bé đang học lớp đệ tam (lớp 10) quen nhau như vậy. Và sau đó hắn trở thành thầy dạy kèm tại nhà cho cô bé là con gái của một vị Trung tá VNCH, mẹ và hai em trai của cô bé đều xem hắn như người trong gia đình, chỉ có ngài Trung tá thỉnh thoảng về thăm nhà vẫn giữ khoảng cách và gọi hắn bằng anh chứ không kêu tên hắn như người mẹ. Có những buổi hắn từ SG về sớm, xuống ga Thủ Đức ngồi hàng giờ trong sân ga chờ đón cô bé tan học ra rồi cả hai lên xe lửa về nhà. Ăn cơm tối chung với gia đình, đôi khi mẹ của cô bé hay nhẹ nhàng nhắc lại câu nói: “Mẹ mong tụi bây luôn bên nhau như vầy”. Sau những buổi dạy, ra ngồi ngoài phòng khách nơi bày biện đầy các kỷ vật binh nghiệp của Trung tá, hắn thường đàn và hát chung với cô bé các bài nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt cô bé rất thích nghe hắn vừa đàn vừa hát bài “Đại Bác Ru Đêm”. Trước nhà có hai cây sứ, buổi tối trước khi hắn ra về cô bé thường hay ngắt một bông hoa sứ trắng cài vào ghi đông xe đạp của hắn và luôn mĩm cười “anh thầy về ngủ ngon!”. Hắn đạp xe từ nhà cô bé gần hãng Dầu leo dốc Kỷ Niệm về đến nhà còn mang theo mùi hoa sứ thơm vào giấc ngủ muộn.

2.
Biến cố tháng 4/75, các trường học tạm đóng cửa, riêng trường trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức thì đóng cửa hẳn, cô bé đang học dang dở lớp 12 cũng nghỉ học luôn. Hắn vẫn lui tới nhà của cô bé thăm gia đình, ở nhà chỉ còn bốn mẹ con và vú Sáu, những buổi tối không khí lặng buồn nhất là mỗi khi hắn nhìn thấy người mẹ ngồi nơi phòng khách cũ nhìn các con và nhớ đến chồng đang đi cải tạo ở xa mà nước mắt lăn dài. Cuộc sống ngày càng khó khăn, cũng như bao gia đình quân nhân chế độ cũ, gia đình cô bé cũng bán dần tư trang, đồ đạc trong nhà để sống, bữa cơm hàng ngày độn khoai và thịt cá vơi dần, vơi dần.

Một buổi chiều cuối năm 78 khi chiến sự với Kampuchia xảy ra, hắn từ SG đạp xe về tới nhà dự định tối sẽ đến thăm gia đình cô bé, thì anh hắn đưa một lá thư và nói “con TT có đến nhà gửi mày lá thư nầy”. Trong thư chỉ viết ngắn gọn vài dòng nói là bốn mẹ con không sống nổi ở thành phố, bán nhà dọn về quê và sẽ đi thật xa, “vĩnh biệt anh thầy”, và hắn không còn biết tin tức gì về cô bé học trò nữa.
Từ đó, hắn không còn thiết tha vào ga đi xe lửa, hay nói đúng hơn là hắn sợ cái cảm giác mỗi khi đi giữa các toa tàu, quay quắc nhớ nụ cười cô bé và cảnh người lên xuống tiễn đưa. Mỗi khi từ Sài Gòn về nhà Biên Hoà hắn vẫn đạp xe dọc theo đường tàu, từ Bình Triệu qua Thủ Đức rồi qua cầu Gành về ngang ngôi nhà cũ của cô bé. Nỗi nhớ về những kỷ niệm đẹp của gia đình cô bé dành cho hắn, nhất là cảm giác rung động khó tả những lúc hai đứa ngồi đàn hát bên nhau hay chở nhau đi dạo vòng phố, qua vòng xoay nhà thờ rồi vào chợ ăn cháo đêm, vừa chở vừa cùng hát đưa nhè nhẹ:

...”môi nào có còn thơm, cho ta phơi cuộc tình
   tóc nào có còn xanh, cho ta chút hồn nhiên...” 

Hắn ra trường đi dạy học rồi lập gia đình, lăn xả làm thêm đủ nghề để mưu sinh, bao nhiêu kỷ niệm xưa theo năm tháng cũng dần phôi pha. Bẵng đi ba mươi tám năm sau, trên trang facebook của hắn bỗng hiện ra dòng tin nhắn “chào thầy, em là học trò xưa, thầy còn nhớ em không? em là TT đây!”. Tưởng rằng đã quên, bao hình ảnh ngày xưa lại ùa về...

Cô bé của hắn giờ đang sống tại Mỹ hạnh phúc cùng với gia đình, đã có con và cháu ngoại. Thì ra lúc gia đình dọn nhà về quê là tìm đường vượt biên và may mắn được tàu vớt rồi sang Mỹ định cư, ngài Trung tá sau khi học tập cải tạo về cũng theo diện H.O sang Mỹ đoàn tụ với gia đình.

Cách nay hai năm, TT lần đầu tiên về lại Việt Nam họp lớp cùng bạn bè trường cũ sau nhiều năm xa quê hương, TT gặp lại hắn và có đưa cho hắn xem lại tấm card Giáng sinh xưa mà TT đã giữ kỹ cho tới ngày này, và đó cũng là lần cuối cùng TT và hắn gặp lại nhau. Vì sau đó về lại Mỹ, một năm sau TT đột ngột qua đời vì bạo bịnh.

3.
Cơn mưa cũng vừa tạnh, hắn rời quán cà phê cóc bên sân ga ra về. Hôm nay hắn nhớ cũng đúng tròn một năm ngày mất của TT “cô bé học trò xưa”. Hắn về Biên Hòa thăm lại sân ga Biên Hùng, để nhớ lại những chuyến tàu trong ký ức đã gắn liền mối duyên tình học trò ngây thơ của hắn với TT.

Đâu đó hắn chợt nghe bài hát phát ra bên đường trên lối ra từ nhà ga xưa:
... ”Em đi bỏ lại con đường
   Bờ xa cỏ dại, vô thường nhớ em...” 


LPQ
(Mùa mưa 2018)
03 Tháng Hai 2009(Xem: 80547)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74014)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65698)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78468)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68763)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76197)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76789)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73838)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73936)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72682)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72023)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75557)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74228)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80509)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74103)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75851)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69101)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73749)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69349)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66524)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .