Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Hữu Hạnh - MỘT THỜI KỶ NIỆM

14 Tháng Tư 201810:37 CH(Xem: 18696)
Nguyễn Hữu Hạnh - MỘT THỜI KỶ NIỆM

MỘT THỜI KỶ NIỆM


sad-love-680x3801


Trăng cuối tháng trăng về non lạnh, chiếc lá lìa cành không đợi nắng mùa xuân. Nhưng những tiếng chim non kêu ríu rít trên cành, vẫn hân hoan đón chào một mùa xuân mới. Đời người thoáng nhanh quá, tưởng như mới ngày nào, những ngày đi học của tuổi thơ, những bước trưởng thành với bao gian nan và vất vả. Hạnh phúc chan hòa bao nỗi khổ đau, gia đình bạn bè thân quen kẻ còn người mất và những mối tình đi qua đời chỉ còn là một thời kỷ niệm.

Trong tâm tưởng của một đời người, những chuyện mình muốn quên, nhưng vẫn nhớ dù tưởng rằng đã quên. Muốn quên đi để tập tành tha thứ, quên đi để bao dung, quên đi như thế sự an bài, và tự dặn lòng với quãng đời còn lại luôn làm điều lành, mang đến cho đời những nụ cười, dù biết rằng cuộc đời đã mang lại cho mình sự khóc thầm không nước mắt.

Hóa An quê tôi. Bên kia sông Đồng Nai là chợ Biên Hòa, bên nầy sông là xã Hóa An, tên ấp là Đồng Nai nhưng đa số dân địa phương vẫn quen gọi là xóm Lò Lu, vì bên cạnh bến đò Hóa An ngày xưa là lò lu, do ông Trần Lâm làm chủ. Mặt sau lò lu nằm sát sông Đồng Nai là một bến bãi, luôn  tấp nập ghe thuyền thương lái, từ miền Hậu Giang theo giòng sông nước Đồng Nai, với con nước ròng rồi nước lớn, từng chiếc lu chiếc hủ được mang về cung cấp cho miền Tây sông nước. Lò lu Trần Lâm cũng là nguồn nuôi sống người dân xã Hóa An với bao lớp thợ sống đời cha truyền con nối.

Con đường đất đỏ nối dài từ bên đò tới đình Hóa an, ở ấp An Hòa có tên gọi là Gò Chùa, vì vùng đất nầy có hai ngôi chùa cổ, chùa Làng và  Chùa Hóc Ông Che, bên nầy là núi Châu Thới bên kia là  rừng Cò Mi. Xóm Lò lu nằm ngày ngả tư Liên Tỉnh 16 con đường huyết mạch, ngày xưa nối liền Tân Vạn, Chợ Đồn, Hóa An, Tân Hạnh, Tân Ba,Tân Uyên lên đến Bình Dương. Chợ Lò Lu là nơi họp chợ vào mỗi buỗi sáng, người dân buôn bán trong xóm lấy hàng từ Chợ Đồn lên hay từ Tân Hạnh xuống.

 Quầy thịt heo của ông Chín Kiệt, hàng cá đồng lóc cá trê của chị Sấu, thúng bán xôi của bà sáu Vẹo, sạp bán bánh mì bì của Thím Tư Trí và 2 tiệm Hủ tiếu mì của Bác Hai Lúa và Ông Một được mở cửa đón khách từ sáng sớm. Độc nhất vô nhị là gánh cháo cá của Bà Tám tại quán chị Tình con bác ba Bèo, nồi cháo cá được giữ trong rỗ lớn, giữ than hồng đủ cháo đun sôi, chỉ thêm một chút giá một chút rau thơm một muỗng tương hột và vài hạt đậu phọng rắc lên, là thấy cuộc đời hạnh phúc! Nơi đây cũng là nơi tập họp các ông, các bác trong xóm. Những bậc trưởng thượng, được ba tôi lúc sinh thời xem như là những ba nuôi, vì ông nội tôi mất sớm, do đó tôi có được nhiều ông nội nuôi, như ông nội Hai, ông Nội By, Ông Hai Việc, Ông Hai Cò, Ông Bảy Kình, Ông Bảy Vẹn, Ông Tư Quới và những người bạn người em của ba tôi như Bác Tư Công Tạo, Bác Hai Đò, Bác Ba Bèo, Bác Hai Bảnh, Bác Bảy Thạnh, chú Tư Minh Chí, Chú Tư Trí, chú Chín Suổi, Chú Năm Bạch, chú Nghĩa Lãi, chú Năm Bé, chú Bảy Trung Lynh, chú Năm Bé, chú Hai Nuốc... Vang bóng một thời không phải là trả dư tửu hậu mà là những bài học nghĩa nhân, tình xóm giềng đùm bọc, với những câu chuyện tích xưa qua những tiếng đàn kìm, đàn cò, những bài ca Sơn Đông Hớn Mã, điệu Xuân Tình hiên ngang, bài ca Lý Con Sáo não lòng, xuống xề câu vọng cổ khơi động lòng người…

Thời đó chưa có chiếc cầu mới bắc ngang, chưa có máy đuôi tôm, nên những chuyến đò đưa khách qua chợ Biên Hòa, với những tay chèo của những con người Hóa An luôn vững tay chèo trên sóng nước. Những chiều tan chợ về muộn, khách hàng không thể cất tiếng gọi đò bên sông, trong một không gian tỉnh mịch. Bên nầy thành phố Biên Hòa với ánh đèn điện sáng, bên kia bờ sông Hóa An quê tôi là ánh đèn dầu leo lét… .

Tiếng chiêng trống dập dồn trong những ngày cận tết, của đội Lân Tái Khánh Đường Hóa An, gồm những trai tráng trong làng chú Sáu Tửng, Chú Bảy Tý, anh Tâm, Anh Thương, anh Lang, chú Xình Chây, qua sự dẫn dắt của các võ sư ngang dọc một thời Ông Tư Keo, ông Phan Bỉnh, Bác Ba Hoặc, bác hai Mạnh, bác Ba Lường, Dượng Tư Ôi. Sinh động nhất vào những lần làng cúng kỳ Yên hằng năm, những hình ảnh lễ nghi, những tập tục thỉnh sắc thần, chầu quan, trong những lễ phục trang trọng, được truyền đạt và gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Những ngày học lớp học vỡ lòng tại nhà Thầy Tám Rột, trường sơ cấp Hóa An trong Gò Chùa với bác Tám Rèn làm Hiệu Trưởng. Những thầy cô giáo gắn liền với tuổi thơ như thầyNhơn, cô Kiều.

 Trên con đường đất đỏ từ xóm Lò Lu vào xóm Gò Chùa, hai bên là ruộng lúa mênh mông, tôi luôn được người chú của tôi, chú Chín Suổi từng buổi chiều đã tập cho tôi đạp xe đạp, chú Chín đã nhiều lần đỡ tôi đứng dậy mỗi khi tôi đạp xe lao xuống ruộng. Tình cảm của chú Chín dành cho tôi nhiều lắm… hơn cả ba tôi.Thời ấu thơ đến lúc trưởng thành, chú đã từng vào quân trường Thủ Đức thăm tôi trong những tuần huấn nhục, đôi mắt chú cũng tỏ vẻ lo buồn, khi tôi ra trường về đơn vị tác chiến sư đoàn 21 bộ binh, chú đã vội vã theo xe đò từ Biên Hòa xuống bệnh viện Chương Thiện khi hay tin tôi bị thương trận và cũng chính chú đã từng vác bao, xách bị lên Phú Lợi đi thăm nuôi tôi sau 1975.

 Lúc tôi còn nhỏ ba tôi là lính, má tôi theo ba những nơi đóng quân Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Lộc Ninh. Năm 4 tuổi tôi đã về ở với bà nội tại xóm Lò Lu Hóa An trong tình thương của bà nội, cô ba, cô tám và chú chín.

Bà nội là người gần gũi tôi nhất từ lúc bé đến trường thành, gần gũi đến nỗi tôi không muốn xa bà, tôi nhớ lại thời trẻ thơ có những lần má tôi từ Đồng Xoài về thăm con, thay vì mừng rỡ gặp má, tôi lại vội vàng chạy bỏ trốn, trốn vì sợ má tôi bắt tôi lên Đồng Xoài ở trong trại lính của ba tôi. Bà nội có nghề làm bánh tét, bánh ú thường ngày bưng bán dạo trong Lò lu Trần Lâm và các bà con trong xóm. Tôi vẫn phụ bà lau lá chuối, chẻ dây, nhưng khi bỏ bánh tét vào thùng chuẩn bị đốt lửa là lúc bà nội tôi đuổi tôi đi chỗ khác. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của bà: “Mầy lì lắm bánh sẽ không chín”. 

Nhớ nhất lần tôi chuẩn bị đi Tú Tài, bà nội tôi nhang đèn quỳ lại trước bàn thiên khấn vái và cầu nguyện cho tôi thi đậu.

Hình ảnh thời ấu thơ tôi vẫn nhớ hoài, nhớ lúc mùa mưa bà nội mua cho tôi 1 chiếc áo mưa ny lon để tôi đi học. Với niềm vui mong muốn mặc chiếc áo mưa mới, một buổi chiều tan học về, trời vần vũ không mưa nhưng tôi vẫn mãi chờ đợi mưa, bước chậm không muốn về nhà. Cơn mưa bắt đầu rớt hột tôi vui mừng mặc chiếc áo mưa chậm bước về nhà. Những giọt nước mưa tung tóe trên đường đất đỏ, khi về đến lò lu tôi thấy bà nội tôi đứng đón đợi tôi ở đầu đường, với chiếc nón là trên đầu và áo bà ướt đẫm những hạt mưa.

 Tôi nhớ đến từng anh Nghĩa quân: anh Tý Mỹ, anh Chà, anh Thương và bác xã trưởng Hai Tốt, nhớ từng ánh mắt ân cần và nhân hậu. Trên con đường dẫn vào Gò chùa để đi học, tôi cũng như bạn bè trong sớm đã từng mài mình xuống ruộng, để tránh lằn đạn của người bên kia về, trước sự bảo vệ mảnh đất lò lu của các anh  Nghĩa Quân.

Tiệm hớt tóc của bác Tám Ô Môi ngay trước nhà của cô ba tôi, cũng là một trung tâm văn hóa, với những tờ nhựt báo SàiGòn Mới và Ngôn Luận. Bác Tám Ô Môi là chủ cũng là thợ chánh, nhưng cũng sẵn sàng đóng cửa bất cứ lúc nào đề cùng các bác, các chú đối ẩm và xướng hát đờn ca. Đại Sĩ là thằng bạn trong xóm, theo bác Tám Ô Môi học nghề hớt tóc và tôi cũng thí thân đưa đầu cho bạn tôi ngày đầu thực tập.

 Xóm Lò Lu của tôi nhỏ và nghèo lắm, những cô bác trong xóm phải vất vã buôn gánh bán bưng và đổ mồ hôi trong các công việc tại lò lu lò gạch, khi xưa phần đông con cái không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng đến thời chúng tôi, đã xuất hiện trên chuyến đò Hóa An những bộ đồng phục màu trắng, áo dài xanh của trường trung học Ngô Quyền, lớp đàn anh có anh Dũm, anh Thơm, anh Thông và thời của tôi có Châu Kim Mỹ, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Văn Lê, Lâm Phước Vân, Võ văn Nghĩa và tôi nữa chứ…

Những người bạn học của tôi phải nói là may mắn hơn tôi, dù nhà không giàu nhưng được ba má lo đầy đủ, riêng tôi vì ba đi lính giải ngũ về gia đình rất nghèo, ba má phải về tá túc trên mảnh đất quê ngoại,  Bình Đa lúc bấy giờ còn hoang vu anh em tôi mỗi đứa một nơi, riêng tôi vẫn còn ở với bà Nội tại Lò Lu để tiếp tục học hành, tôi phải đi binh xập xám mướn, phải đi phá hỏa (chung tiền) cho các sòng me, sòng bông vụ trong các sòng bài vào lúc ban đêm, để có tiền đi học. Bạn học cùng lớp Ngô Quyền thân thiết với tôi như Giang Hưng, Đỗ Đình Tâm, Nguyễn Nhựt Hoành, Phạm Ngọc Nhanh, Lê Bá Kim v.v... nào ai biết, vì tôi vẫn là người bạn hiền lành mẫu mực, từ một học trò giỏi bỗng dưng không còn giỏi..

 Nhưng chắc trời còn thương kẻ khổ, tôi đã đậu tú tài 1. Khi hay tin tôi thi đậu, bà Nội đã vội vã đội nón lá đi bộ theo ngã cù lao và qua bến đò kho xuống Bình Đa, để báo tin cho má tôi trong niềm vui hớn hở “Thằng Hạnh thi đậu rồi... nó thi đậu rồi”. 

Năm sau tôi tiếp tục học thi Tú Tài 2, nhưng bà nội tôi đã ngã bệnh vì tuổi già, bà qua đời khi tôi vừa đậu tú tài 2, Nội  không còn dịp xuống Bình Đa để báo cho má tôi tin tôi thi đậu lần nữa. Nội ơi! Nội chết rồi… Nội ơi!!!

Nội chết đi, căn nhà tôi sống với bà nội hoang vắng và cũng không còn. Khi tôi lên Sài Gòn học, cô chú tôi đã bán căn nhà đầy kỷ niệm ấu thơ. Gia tài của tôi là 1 tủ sách cũ kỹ, chứa đựng tất cả những vở học cũ, những bằng ban khen, bằng danh dự từ lớp nhì đến lớp 12, được chuyển sang nhà của cô ba tôi, tôi được xem như là kẻ không nhà, tài sản tôi còn giữ được là những kỷ niệm, những sách vở của thời đi học.

Ngôi nhà của chú Bảy Thinh (Trung Lynh) cũng ngay ngã tư Lò Lu sau nhà của bác Bảy Rơi, là nơi tôi đến ngủ đêm sau nầy cũng  là nơi tụ họp của nhóm trẻ chúng tôi, vì tôi được nhiều bạn bè Ngô Quyền trên tôi một lớp đã là các sinh viên của các phân khoa đại học Sài Gòn, những người bạn không là người lò lu nhưng đến với nhau, vì tình bạn cùng trường mến thương theo nghĩa khí giang hồ, có Phan Kỳ Hiệp sau về cán bộ kỹ thuật ở xã, Đỗ Thái Hùng, Phan văn Hết, Trương Văn Út, Lê Quang Luật, Nguyễn Minh Hoàng...  lại thêm Trung úy Dương Minh Đức, Pháo binh sư đoàn 18 quê ở Tân Hạnh cũng về nhập bọn. Những người đàn anh của xóm lò lu đầy tình nghĩa, anh Ba Kiền, anh sáu Đặng sau thời gian làm phó xã trưởng hành chánh xã Hóa an đã vào Thủ Đức ra sư đoàn 9 về phép qua tác phong người lính, cũng có anh Phùng văn Yến, Đại úy đại đội trưởng đại đội 254 ĐPQ ở Long Thành góp mặt trong nhạc bản “Mùa Đông của Anh”  và có cả nhà tướng số Thạch Mai Kim với tiếng hát rặc miền Trung “Ai Ra Xứ Huế” sau những màn say sưa qua những chầu rượu đế. Chúng tôi đã cùng tiếp tay vận động cho chú Bảy Thinh, từ một người lính, đắc cử nghị viên hội đồng tỉnh đơn vị quận Dĩ An, Tổng Thư Ký của Hội đồng tỉnh Biên Hòa.

Các cô bác trong xóm Lò Lu lúc bấy giờ rất vui mừng, vì xóm mình đã có cậu Tú Hạnh và ông Nghị Thinh…

Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được làm một người cháu, người bạn, người em của những bậc trưởng thượng, những đàn anh tràn đầy tình nghĩa của xóm Lò lu, tôi đã hấp thụ và học được tâm tính từ những con người Lò lu chân thật quê mùa nầy nhưng đầy nghĩa nhân, qua những nhân vật của lớp tuồng Tống Tửu Đơn Hùng Tín và Tần Quỳnh khóc bạn. Những vận mệnh đã đi theo suốt cuộc đời tôi. Hạnh phúc một đời được nhận đầy nghĩa ơn, chỉ e rằng quãng đời còn lại không sống cho tròn với ơn với nghĩa.

Năm 1975, sau những năm dài qua những trại tù, tôi trở về nhà ba má ở Bình Đa bắt đầu một cuộc đời mới. Bình Đa thuộc khu công nghiệp nhiều nhà máy nhưng không có nơi nào cho tôi 1 chỗ dung thân. Tôi trở lại Lò lu quê nội của mình nhưng không tránh khỏi đau lòng, trước cảnh gia đình cô Ba và chú Chín của tôi đều xuống dốc, phải bán cả chiếc xe lam một phương tiện làm kế sinh nhai, phải gở từng mái nhà  bán đi để sống. Tôi phải đi làm công cho các lò đường quay máy ly tâm, làm mỹ nghệ, dù rằng chưa làm những công việc nầy bao giờ. Lò lu ông Tám Bình trong Tân Bản, đã từng được xem là nhà, nơi trú ngụ qua đêm của tôi. Sau cùng tôi về chợ Biên Hòa với sự giúp đỡ của gia đình của những bạn tù, tạo cho tôi việc làm mới là bán nước đá, đây là bước ngoặc cho tôi tồn tại và tiếp tục nhìn đời…

Những ngày còn lại tôi đã chứng kiến sự ra đi của Chú Chín, cô Ba của tôi trong nghiệt ngả và đói khổ và bản thân tôi cũng không khá gì hơn. Ba tôi cũng mất trong những năm đó.

”Lò Lu” hai tiếng gọi êm đềm không thể nào quên, tôi đã thường trở lại nơi đây để tìm thăm lại những người bạn cùng thời với ba và chú. Cùng uống từng ly rượu nhắc chuyện đời xưa, như mong tìm lại hình ảnh của ba và chú. Tôi đã cùng bác Bảy Thạnh từng là xã trưởng xã Hóa An ngày xưa, song hành cầm nén nhang lên bàn thờ Thần trong ngày cúng đình kỳ yên. Tôi nghe tiếng của người trong đình “ông quan đi với  ông làng”. Cũng được nghe tâm tình rất thật của lớp đàn em, ngày nay chắc đã vào đoàn vào đảng “Hình ảnh của anh Hạnh ngày xưa tụi em vẫn không thể nào quên, có một thời tụi em ao ước khi lớn lên sẽ giống như anh Hạnh”.  Cũng may là xóm Lò Lu không tìm đâu ra một người cách mạng 30 tháng 4 của những ngày “Giậu đổ bìm leo”.


Người lò lu đã nghèo lại nghèo hơn, hình như không còn gì để bán. Từng người ông, người bác quý mến của xóm lò lu đã ra đi, tôi lần về là đưa tiễn một người. Nhớ chú tư Minh Chí, chú tư Trí, bác tư Công Tạo với những nụ cười pha nước mắt. Với bác tư Công Tạo, chuyện khó tin mà có thật, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, bác tư Công Tạo được chỉ định làm trưởng công an xã chỉ vì xóm Lò lu không tìm được ai là cán bộ nằm vùng, tập kết, cách mạng dù là cách mạng 30 tháng 4.  Với chú tư Minh Chí, người đã mang theo cây đờn cò theo phái đoàn Tổng Liên Đoàn Lao Công VN sang Hoa Kỳ, đứng giữa New York chú đã so dây kéo đờn cò theo nỗi nhớ quê hương và chú Tư Trí với biệt danh “Tư Trời Biển” với bản tánh thẳng ngay.

Chỉ tiếc là lần sau cùng gặp mặt hai chú Tư tại chợ Biên Hòa, tôi bận giao nước đá buổi sáng, nên đã không tạo dịp 3 chú cháu gặp nhau tại quán soda Hoàng Kỳ, xừ Quang xừ Tỷ (chỉ cần một lời mời) như một lời đưa tiễn để hai chú vui lòng gặp lại ba và chú của tôi Sáu Xường và Chín Suổi nơi chín suối…

- Anh Hạnh phải là người Hóa An không?

- Hạnh Hóa An đây… xin lỗi cô là ai?
- Đúng là anh Hạnh rồi. Em là Hồng Phượng đây anh quên em rồi sao? 

- Hồng Phượng… Hồng Phượng

- Có người Hóa An đang tìm anh, khi đọc những bài viết của anh trên đặc san Biên Hòa. Anh còn nhớ Thu không? 

- Thu?

- Thu nói ba Thu và bà anh là bạn vong niên thời Hóa An xưa cũ. Em là bạn học cùng lớp với Thu ở Trần Thượng Xuyên. Em đã có dịp gặp anh Hạnh nhiều lần ở nhà Thu, em vẫn không quên hình ảnh anh mặc đồ lính.

- Nhớ rồi nhớ rồi … Thu con gái lớn của chú Tư Minh Chí đây mà.
- Còn Hồng Phượng…

- Anh Hạnh còn nhớ có lần anh trao tặng cho em bản nhạc “Bao giờ biết tương tư” của Phạm Duy không?
- À ha, nhớ rồi… nhớ rồi


Không biết tôi quên do trí nhớ già nua, hay mình tặng nhiều bản nhạc “Bao giờ biết tương tư“ như lời tỏ tình kín đáo cho nhiều em quá. Chung cuộc là em nào cũng lạnh lùng không đáp lại tình tôi, để riêng tôi ôm những mối tình si không chờ đợi.

Phải chi? Phải chi? Tôi chợt nhớ đến cô em hàng xóm, vẫn thường gặp nhau trên đường đi học trên lối đi về của chuyến đò ngang, của tuồi hồn nhiên và ngây thơ. Chúng tôi chỉ biết trao đổi cùng nhau chuyện học hành trường lớp, chuyện thầy cô kéo dài hết niên học nầy đến niên học khác, hết chuyện học hành đến chuyện con đò bến nước Lò lu. Tôi và em chỉ nhìn nhau qua ánh mắt, chưa một lần thố lộ cùng nhau.

Thế rồi em xuống Sài Gòn ”Từ khi em lên tỉnh về, Hoa đồng cỏ nội vơi đi ít nhiều”, tôi sẽ không bao giờ nhận được cánh thư màu hồng trong quyển lưu bút ngày xanh. Phải chi? Phải chi ông nhạc sĩ PD sáng tác bài nhạc “Bao giờ Biết tương tư” sớm hơn!!! Tôi sẽ không mang mối  tình si với lời yêu chưa tỏ…

Định mệnh an bài, thà ôm giữ một kỷ niệm tình đẹp còn hơn đón nhận sự thật phủ phàng, vì đời tôi là người lính chắc gì em dám dấn thân và phiêu lưu???

Bao năm lưu lạc xứ nguời, tôi đã có lần cuối cùng thăm lại xóm Lò Lu của Xã Hóa an, nhìn lại con đường từ ngã tư xuống bên đò, lòng tôi như se lại. Con đường đã thu hẹp hơn, con đò ngang không còn và bên đò cũng vắng bóng. Tôi thẫn thờ như một người xa lạ, tôi không tin chính mình vì không còn ai để tôi nhận cũng như không còn ai nhận ra tôi. Những người quen cũ của tôi còn lại đã dạt vào cấm đất gần khu nghĩa địa Triều Châu nay là Hóa An. Ngã tư Lò Lu với những khuôn mặt và những tiếng nói dường như xa lạ. Tôi lạc lõng trên quê hương tôi. Lò lu quê hương của tôi đây sao? Không phải lạ người và lạ cảnh, nhưng vật đổi sao dời..”Đồng Nai ơi tôi trở về đây sau nhiều năm xa xứ. Sông vẫn còn đây với ngày đêm trăn trở có nhận ra tôi đang đứng lặng yên trước con nước êm đềm''. Xóm lò Lu Hóa An quê tôi bây giờ cũng lặng yên với tháng ngày trăn trở, tôi cố quay mặt đi để tránh đôi giòng nước mắt.

 Những người muôn năm cũ của xóm Lò lu, hầu như không còn nữa. Tiền tài danh vọng, mọi việc trên cõi đời nầy rồi sẽ qua đi, tất cả sẽ trở về cát bụi. Có còn chăng là những tấm lòng. Gọi tên người thân trong gia đình, của các ông, các bác, các chú, các anh và những người bạn. Như một sự nhắc nhớ, một lòng kính dâng lên hương hồn của những người đã khuất... Nhớ lắm tình cảm xóm giềng làng xã, thân thương đùm bọc, tình cảm anh em bạn bè chan hòa, sống hết lòng cho nhau qua những chén rượu mềm môi. Lò lu quê hương của tôi như thế đó… của một thời kỷ niệm…


NGUYỄN HỮU HẠNH




 

24 Tháng Tư 2009(Xem: 69725)
 Khi bạn nhận được tờ lịch này, rồi treo đâu đó trong nhà, thỉnh thoảng nhìn thấy nó thì hãy nhớ rằng bạn bè ở khắp nơi xa cũng đang nhớ về bạn, đang gửi về bạn lời chúc luôn an lành & hạnh phúc…  
14 Tháng Tư 2009(Xem: 88328)
Cám ơn trận mưa đêm nay, đã đưa tôi trở về thăm lại những nhánh sông đời đã từ lâu rẽ nguồn, khuất lối. Mưa ở quê người chắc không sao bằng mưa ở quê nhà, nhưng dù là kẻ lạ, cũng xin được tri ân những giọt mưa đã làm tươi mát, rực rỡ thêm phần đất mà biết bao người Việt tha hương đã chọn làm nơi trú ẩn và làm một cõi để đi về.
03 Tháng Ba 2009(Xem: 72472)
“ Cầm tờ đặc san Ngô Quyền trong tay, lòng em như chùng lại, hình như em đã khóc, những giọt nước mắt cho hạnh phúc. Cám ơn anh với món quà quí giá hơn tiền hơn bạc này”.
03 Tháng Ba 2009(Xem: 66115)
  Nhưng dù gì đi nữa, khi các bạn đọc được những dòng nầy, tức là quyển Kỷ Yếu một lần nữa lại đã vượt lách qua bao khó khăn để được nằm êm ái trong tay các bạn rồi đó.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 64236)
  “ Đọc Trang Báo Cũ”, chủ đề của mục này, hôm nay xin giới thiệu trích đoạn “Phác Họa Vương Quốc 12A1” - một bài viết được tìm thấy trên “Thềm Cuối”, đặc san của lớp 12A1 vào mùa hè năm 1973 - để chúng ta cùng cười vui với những trang báo của thời đi học.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 65687)
  Tôi cũng cám ơn cuộc đời đã cho tôi một người bạn rất tâm giao, chúng tôi đã cùng trải qua thời thơ ấu vui vẻ hồn nhiên và cùng chia sẻ ngọt bùi với nhau trong những lúc thăng trầm của cuộc đời. Cuối cùng đã cho tôi tìm lại được người bạn thân thương tưởng chừng như không bao giờ có thể gặp lại.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 62583)
  Ngày nay bạn cũ thầy xưa vẫn còn đó, có nhiều người đã thành công nơi mảnh đất tạm dung, không ít người vẫn còn lận đận cố gắng để hòa nhập cuộc sống mới, và có người đang còn khốn khổ nơi chốn quê nhà.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 65184)
Mặc dù đang quá bận rộn đưa tờ Đặc San NQ 2003 lên mạng lưới CHSNQ, tôi cũng cố gắng nhớ lại một vài kỷ niệm về mái trường xưa thân yêu, về những người bạn học cũ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” của mình và về những cô thầy quý mến.  
02 Tháng Ba 2009(Xem: 65623)
  Tôi cứ mơ ước là có ngày tôi cũng được khoác lên người chiếc áo dài trắng dịu dàng thướt tha đó ôm cặp đến trường. Thật là mơ mộng làm sao!
02 Tháng Ba 2009(Xem: 63707)
Bé Tèo năm nay 6 tuổi học lớp năm trường tiểu học. Học được một tuần thì bé Tèo chán học không chịu làm bài vở nữa, cô giáo bèn hỏi nguyên nhân tại sao thì bé Tèo nói là tại chương trình học quá thấp so với trình độ của bé Tèo, và bé Tèo xin cô cho lên học bậc trung học .
25 Tháng Hai 2009(Xem: 63937)
CHS Nguyễn Trần Diệu Hương là một cây bút sáng tác rất dồi dào, từng được trao tặng giải thưởng “Viết Về Nước Mỹ” do nhật báo Việt Báo tổ chức. Tuy rời Việt Nam rất trẻ và theo học đại học tại Hoa Kỳ, tâm tình của Diệu Hương lúc nào cũng dạt dào niềm mến yêu quê hương đất nước trong đó có ngôi trường cũ thân yêu của một thuở đầu đời.
25 Tháng Hai 2009(Xem: 68518)
  Ôi! Những ngày đầu áo trắng nữ sinh, tuổi mới lớn, sao mà êm đềm và dễ thương quá. Dù ngày nay tuổi đã hơn nửa thế kỷ, thế mà mỗi lần có dịp nhắc lại hoặc do một động cơ nào làm cho nhớ lại thì tâm trí ta vẫn thấy man mác làm sao!
24 Tháng Hai 2009(Xem: 68113)
  … Tôi tưởng chừng sẽ không tìm thấy những kỷ niệm của trường khi sống ở Mỹ, nhưng sau hai lần gặp lại bạn bè, thân hữu và các học sinh cũ, tôi thấy ấm áp quá với những gì cựu học sinh Ngô Quyền đã mang đến cho nhau …
24 Tháng Hai 2009(Xem: 67009)
  Tiệc Tất Niên hằng năm của nhóm thân hữu trung học Ngô Quyền, Bắc California, đã được tổ chức một cách trọng thể vào chiều thứ bảy 10 tháng 1, 2004 tại nhà hàng Royal Garden, Santa Clara.
20 Tháng Hai 2009(Xem: 63192)
Trần Kim Vy là bút hiệu cuả 1 chsNQ, và hiện là chủ nhiệm tuần báo "Đẹp Magazine" tại Texas, một tờ báo tầm cỡ đã xuất bản tới số 650.
17 Tháng Hai 2009(Xem: 70227)
  Thật sự kỷ niệm ngày đi học, chất đầy trong đầu óc, nhưng muốn viết lại thật là khó, vì mình đâu phải là nhà văn hay nhà thơ. Đành liều, tạm gởi đến các bạn, một hoài niệm có thật mà Tuyết còn nhớ mãi vào năm học đệ ngũ hai.
12 Tháng Hai 2009(Xem: 70072)
Tháng Năm, tôi cứ ngỡ mình lầm, thời gian vốn ơ hờ, thế mà chu đáo. Vòng quay địa cầu đã trở về khởi điểm, để bắt đầu lại một định kỳ, để nhắc nhở lại một quá khứ, mặc dù người đi chưa hẳn đã lãng quên.
12 Tháng Hai 2009(Xem: 72001)
Rất nhiều năm sau này, tôi bắt đầu hiểu được những hạt giống tốt thầy đã ra công gieo vào tâm hồn mới lớn của chúng tôi. Hạt giống năm đó, chưa đúng điều kiện, chưa thể nẩy mầm. Đến khi chúng tôi lớn lên, khôn ra, đúng thời điểm, hạt giống tốt ngày xưa nẩy mầm, đơm hoa, kết trái.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 57270)
  Bạn có còn nhớ những “ngày nào tan trường về chung lối” và có còn nhớ những cặp “mắt huyền xưa” chỉ cần nghiêng nón là đã đủ làm cho bạn “ngất ngây đời”? Có còn nhớ những tà áo trắng tung bay trong những chiều lộng gió?
09 Tháng Hai 2009(Xem: 78377)
  Riêng dòng sông Đồng Nai, với nguồn nước thanh khiết từ trên thượng nguồn đổ xuống, đã tạo nên một môi trường sống cho người dân tỉnh Biên Hòa và các tỉnh lân cận.