Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tô Đăng Khoa - NGUYỄN LƯƠNG VỴ - THƠ NĂM CHỮ NGÀN CÂU VÀ CÚ-NHẢY-LÙI

27 Tháng Năm 20174:55 SA(Xem: 16782)
Tô Đăng Khoa - NGUYỄN LƯƠNG VỴ - THƠ NĂM CHỮ NGÀN CÂU VÀ CÚ-NHẢY-LÙI

TÔ ĐĂNG KHOA

 

NGUYỄN LƯƠNG VỴ - THƠ NĂM CHỮ NGÀN CÂU

VÀ CÚ-NHẢY-LÙI QUA NHỮNG GIẤC MỘNG ĐỜI

 Nguyen Luong Vy

Tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu” của Nguyễn Lương Vỵ (NLV) ra đời đúng một năm sau tập thơ “Năm Chữ Năm Câu” và cũng là tập thơ thứ 9 của ông. Hai tập thơ tiếp liền trong hai năm, tuy tựa đề của tập thơ chỉ khác nhau có một chữ, nhưng về nội dung, thần thái, và mục đích hướng đến thì khác nhau rất nhiều. Trong tập “Năm Chữ Năm Câu, NLV đã tự mình thực hiện “cú nhảy sau cùng vàng câm trên bến lạ,” vượt qua giới hạn của ngôn ngữ để kinh nghiệm trực tiếp cái-không-lời. Từ kinh nghiệm đó, ông khai triển thiết lập ngôn ngữ để phơi bày cái-thấy “Có-Không thiệt rốt ráo” trong lãnh vực Thi Ca. Lần này trở lại với độc giả, NLV lại ung dung thực hiện những “cú-nhảy-lùi” rất ngoạn mục từ cảnh giới “vàng-câm-trên-bến-lạ” để trở về lại giấc mộng đời của nhân gian trong tập “Năm Chữ Ngàn Câu”:

 

Nhảy qua một giấc mộng:

Nhảy qua một bầu trời

Giấc mộng thì nửa vời

Bầu trời thì lộn ngược… 

(Không Đề I)

 

“Giấc mộng nửa vời,”“Bầu trời lộn ngược,”  đó là ngôn ngữ tiêu biểu được NLV dùng để mô tả thực chất giấc mộng đời trong cõi người ta. Nhận thức này là điều tất nhiên đối với NLV, người đã có được một cái thấy rốt ráo cùng tột bản chất hư ảo của ngôn ngữ và khổ nạn của đời sống nhân gian. Thật không dễ dàng gì khi phải sống trong một “bầu trời lộn ngược” vì điều đó đòi hỏi một tâm hồn thật trầm tĩnh, an nhiên tự tại, được nuôi dưỡng trong một nếp sống thăng bằng ẩn dật, và trên hết, một trí tuệ tâm linh có khả năng dung thông tất cả nghịch lý và điên đảo của cuộc đời.

Sống hài hòa, không dính mắc với “giấc mộng nửa vời” trong một “bầu trời lộn ngược” của nhân gian chính là phong cách “nhập thế” của ẩn sĩ. Thông thường, những nhà thơ thực hiện thành công“cú nhảy lùi” sau khi đã tự mình bước tới “bờ hương chín” là người có tâm hồn rất thanh khiết và yêu thương trần gian hết mực. Ngoài ra, họ còn có tính kham nhẫn rất thâm sâu.  Nói cách khác, lòng yêu thương và sự kham nhẫn là hai đức tính cần thiết để thi sĩ an trú và thi triển sức thấy, sức nghe giữa nhân gian. Thiếu hai đức tính này, thi sĩ sẽ tự hủy vì không thể nào (với trí tuệ và tâm hồn mẫn cảm của chính họ) lại có thể sống chung hài hòa với cái “giấc mộng nửa vời” trong “bầu trời lộn ngược” của nhân gian được. Chính trí tuệ và nhận thức của họ về cuộc đời sẽ biến họ thành những người cô đơn, “cuồng sĩ” trước con mắt nhân gian. Lịch sử thi ca và triết học đã chứng kiến biết bao nhiêu nhà thơ, triết gia tự hủy như thế chỉ vì trong “cú-nhảy-lùi” trở lại nhân gian, có thể vì họ đã bị “ma sát với thế tục” và tự mình “bốc cháy”. Đây là sự hiểm nguy luôn rình rập ở những “cú-nhảy-lùi” nhập thế của nhà thơ, và lắm khi còn nguy hiểm gian nan hơn việc phải “tự mình bước tới bờ hương chín.”

 

Vì sao NLV lại chấp nhận sự hiểm nguy, và đơn độc đến tột cùng như vậy để thực hiện “cú-nhảy-lùi” trở lại giấc mộng đời? “Cú-nhảy-lùi” đó mang ý nghĩa gì?  Hỏi như vậy thì chợt nhận ra đó vốn là những lời tự hỏi, tự đáp mà thi sĩ đã dùng để mở đầu tập thơ trong bài “Tự Hỏi Tự Đáp,” đoạn I:

Vì sao ghiền mần thơ?

Mần thơ là mần thinh!

“Mần thơ là mần thinh!” Phải chăng đó cũng là cái bí quyết trong toàn bộ thi nghiệp của nhà thơ NLV? “Mần thinh,” theo chỗ tôi hiểu có hai nghĩa: Trước hết “thinh” cũng có nghĩa là âm thanh. Thinh âm là đơn vị nhỏ nhất và căn bản nhất của Thi Ca. Thi sĩ là người biết phối hợp một cách tài hoa, tâm ý của chính mình và phong cách xếp đặt các thinh âm để tạo ra Lời và ý nghĩa trong từng câu thơ, bài thơ.“Mần thinh” còn mang ý nghĩa khác tức là “sự tĩnh lặng.” Vì thế, ta có thể khai triển rộng ra như sau đối với cõi thơ của NLV: “Mần thơ tức-là mần thinh, mần thinh tức-là mần thơ, mần thơ không-khác-gì mần thinh, mần thinh không-khác-gì mần thơ.”“Mần thinh”“mần thơ”: Đó là mối quan hệ mật thiết giữa “thể” và “dụng” trong thế giới Thi Ca NLV. Trọn đời NLV, ông sống trọn vẹn chí tình với từng con âm con chữ, ông chỉ “ghiền” một việc, đó là việc “mần thinh mần thơ”:

Nay còn ghiền chi nữa?

Ghiền mần thinh mần thơ!

(Tự Hỏi Tự Đáp – Đoạn II.)

 

Có thể nói rằng “mần thinh mần thơ” vừa là phương tiện vừa là cứu cánh của đời thơ NLV.  Lầm lũi “mần thinh mần thơ” đã từng là phương tiện giúp NLV vượt qua các khổ nạn ngút ngàn của giấc mộng đời: Chính “Nàng Thơ” đã cứu rỗi đời ông. Nhưng khi đã tự mình vượt qua các khổ nạn đó,“mần thinh mần thơ” cũng chính là cứu cánh của đời ông. Nhưng giờ đây, Thơ đã thăng hoa và ở một mức độ càng lúc càng thâm sâu hơn. Trong tập thơ này, NLV “nhảy lùi” để nhìn lại các kinh nghiệm đời thường và rất thật của chính mình với một bút pháp rất thi vị, uyên áo và bình tĩnh lạ thường. Những ký ức buồn vui xa xưa và những khổ nạn mà ông đã từng trải qua trong đời được ông dìu về trong hồi tưởng nhưng không còn sức bùng lên như lửa ngọn mà chỉ tái hiện lại như những thước phim “câm,” lặng lẽ, nhưng không thiếu chất thơ qua tuyệt bút tài hoa của mình. Cả đời khổ nạn của ông đã được thi vị hóa trở thành một “Đời thơ không lửa ngọn” nhưng chắc chắn sẽ “Ngún mãi giấc xưa sau.” Vì lẽ? Vì ông đã rất tận tình với Thơ và với nhân gian. Dẫu cho nhân gian không lời đáp lại, thi sĩ vẫn tự móc mắt moi tim, tự mình kinh nghiệm tất cả nghịch lý điên đảo của cuộc đời mà bình thản “mần thinh mần thơ” để chuyển hóa tất cả khổ đau của giấc mộng đời. Vì nhân gian đau khổ, nên thi sĩ cũng đã đau khổ. Vì nhân gian bệnh, nên ông cũng bệnh. Nhưng thi sĩ “Nằm bệnh nhớ trăm nơi / Thấy bóng mình ngàn chốn”:

Đời thơ không lời đáp

Tự móc mắt moi tim

Thời gian vút bóng chim

Không gian chìm tăm cá

Đời thơ không quán xá

Chữ buốt giá tủy trời

Nằm bệnh nhớ trăm nơi

Thấy bóng mình ngàn chốn

Đời thơ không lửa ngọn

Ngún mãi giấc xưa sau…

Đời thơ không ngóng đợi

Mà động địa kinh thiên

Lóng xương mây tất nhiên

Rất thương ta thương bạn

Đời thơ không khổ nạn

Làm sao thấu được Thơ?!...

(Không Đề IV)

 

“Đời thơ không khổ nạn / Làm sao thấu được Thơ?” Những khổ nạn ngút ngàn cùng tột trong giấc mộng đời này, NLV đều đã tự thân trải nghiệm qua tất cả. Ông đã tự mình “nhảy qua” chúng nên có cái nhìn rất mới về bản chất của chúng. Với “cú-nhảy-lùi” trong tập “Năm Chữ  Ngàn Câu” nầy, độc giả chúng ta sẽ có cơ hội được nhìn lại các khổ nạn của nhân gian qua lăng kính định tĩnh của hồn thơ NLV. Trong biển khổ của giấc mộng đời đầy những “Ru. Thét. Gào. Im. Ngất. Động” đó, duy chỉ có NLV thấy ra được sự kiện rằng:“Nắng chảy dài trên vách mộ”“Mộ chảy dài trong kẻ tay.” Đó chính là thời gian và cái chết đang gậm nhấm và cuốn trôi tất cả giấc mơ nhân gian. Thế mà“Đời chẳng hay! Người chẳng hay!”

Sóng như bông – Bông như sóng
Ru. Thét. Gào. Im. Ngất. Động
Sóng nở gió – Bông nở em
Em nở ta. A! Cồi mộng!!!

Cồi mộng bay! Cồi mộng bay!
Đời chẳng hay! Người chẳng hay!
Nắng chảy dài trên vách mộ
Mộ chảy dài trong kẽ tay

Thấy hết! Không cần thấy nữa!
Biết hết! Không cần biết nữa!
Nghe không? Nghe không? Nghe không?
Nghe hết! Không cần nghe nữa!!!

(Ghi Chú Thơ Nguyễn Xuân Hoàng)

Nghe không? Nghe không? Nghe không? Chúng ta đã nghe ra được gì qua những thước phim “câm” từ “cú-nhảy-lùi” tuyệt kỹ này của NLV? 

Tựa đề của tập thơ này là “Năm Chữ Ngàn Câu.” Như NLV đã tâm sự trong lời tựa:“Ngàn Câu, là cách nói ước lệ, phỏng chừng, vì khi viết xong 50 bài Thơ năm chữ, nhẫm tính đã trên con số ngàn câu.” “Ngàn câu,” phải chăng, cũng là cách nói ước lệ cho sự phơi bày vô tận phương tiện lực của một ẩn sĩ có nội lực rất thâm hậu về chữ nghĩa? Vô tận phương tiện nhưng chỉ có một mục đích duy nhất. Cái mục đích duy nhất đó, đã được nhà thơ Bùi Giáng chỉ ra một cách rất thiện xảo như sau:

“Nói nghìn lời để dìu cái-không-lời về trong cái-không-nói.”

Bùi Giáng thật uyên thâm:“Dìu” được “cái-không-lời” về trong “cái-không-nói” là trách nhiệm vô cùng khó khăn cho những ai trầm mình trong lĩnh vực Thi Ca và Tư Tưởng. Đó là sự khác biệt giữa một bậc thiên tài và kẻ tài tử: Trong khi sự non nớt của kẻ tài tử được lộ ra trong sự “hợp lý” của cái-được-nói ra, thì sự vĩ đại của thiên tài lại được cảm nhận ở sự chiêm nghiệm về cái-không-nói tới.

Thành công của thơ của NLV chính là làm cho độc giả cảm nhận được cái-không-nói ra giữa những thước phim “câm” được đạo diễn từ những câu thơ “câm.” Tuyệt chiêu thơ “câm” của NLV nằm ở cái bí quyết:“Mần thơ là mần thinh.” Chỉ khi nào nội tâm thi sĩ đạt tới sự “mần thinh” một cách rốt ráo, thì bút pháp thơ “câm” mới đạt tới cảnh giới thượng thừa.

Chỉ với năm chữ rất đơn giản và bình dị“Mần thơ là mần thinh,” “cái-không-lời”“cái-không-nói” đã về “an trú” ngay trong ngôn ngữ “câm” nhưng lại rất thâm hậu, với thi pháp “năm chữ” rất điêu luyện, biến ảo kỳ tuyệt của NLV.

Xin tri ân thi sỹ NLV đã suốt đời “mần thinh mần thơ” và trải lòng mình cho nhân gian bước vào chiêm nghiệm cái-không-nói bàng bạc trong từng nổi khổ nạn của giấc mộng đời. Cảm ơn cái ngôn ngữ thi vị, uyên áo và định tĩnh trong tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu” này.

Và sau cùng xin cảm ơn “cú-nhảy-lùi” ngoạn mục qua những giấc mộng đời trong tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu” của thi sỹ NLV. Nó giúp cho chúng ta nhận biết được bản chất thật của đời sống này: “Thì ra là mộng đầy”. Đó cũng chính là nhận thức cần thiết để một ngày nào đó, khi đầy đủ trí tuệ và kinh nghiệm của tự thân, tất cả chúng ta sẽ cũng sẽ sớm nhận ra:“Mộng hết trốn trong mộng!!!”

 

Calif., 11.2014

Ghi chú: Những câu thơ năm chữ in nghiêng trong bài viết được trích từ tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu của Nguyễn Lương Vỵ.

13 Tháng Bảy 2010(Xem: 97593)
Một tuần đã đi qua, nhưng dư âm ngày cũ, của Ngày Họp Mặt Ngô Quyền, của càri dê ở nhà Hóa vẫn còn đâu đây.
13 Tháng Bảy 2010(Xem: 96525)
Bài viết nầy của tôi như là một lời tạ lỗi gửi đến những người bạn đã quen thân từ bao năm nay cũng như những người bạn mới quen. Tạ lỗi vì tôi đã hứa với các bạn mà không thực hiện được lời hứa, tạ lỗi vì đã bỏ mất cơ hội để nói lời “chia tay”, “tạm biệt”, “good bye my friends” hay “Au revoir mon ami”.
12 Tháng Bảy 2010(Xem: 95729)
Gặp lại Võ Hải Vương, Đặng Văn Toản, Đỗ Cao Thông, Hóa và nhiều bạn cũ của lớp 1968, lòng tôi đầy những xúc cảm nghẹn ngào. Những hình ảnh của trường Ngô Quyền năm xưa bỗng đâu lại hiện về. Những kỷ niệm của ngày tháng cũ tưởng đã yên nghĩ trong một quá khứ xa xôi nào của tiềm thức.
29 Tháng Sáu 2010(Xem: 89406)
Vào hạ tuần tháng 5/2010, từ Cali em đã gửi email báo trước cho tôi biết tin em sẽ về thăm quê nhà ở Nha Trang khoảng hai tuần lễ kể từ ngày 23/05/2010, nhưng trong email em đã kín đáo không cho tôi biết là thân phụ em vừa mất và mục đích chuyến về Việt Nam lần này của em là để lo tang Cha.
18 Tháng Sáu 2010(Xem: 92331)
Một trong hai tai nạn lớn nhất đời người vừa xảy ra với chúng tôi khi Ba vĩnh viễn bỏ cuộc đời, bỏ Mẹ và chúng tôi, Những năm gần đây, nhiều người bạn cùng thời với Ba, những người sinh vào cuối thập niên 20s đến cuối thập niên 30s của thế kỷ hai mươi lần lượt bước sang thế giới vĩnh hằng, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho ngày Ba về với ông bà, nhưng lòng vẫn đau như cắt.
12 Tháng Sáu 2010(Xem: 152717)
Cùng với Mẹ, Cha là người có công sinh thành nuôi nấng và dạy dỗ các con dù trải qua nhiều khó nhọc. Nhưng khác với Mẹ, Cha là đàn ông nên tính trầm lặng, ít biểu lộ tình cảm hay gần gủi con cái, nói chung, nên con cái thường ít cảm nhận lòng thương yêu từ Cha như cảm nhận tình thương từ trái tim người Mẹ. Xin bấm vào các tựa bài bên dưới để thưởng thức:
11 Tháng Sáu 2010(Xem: 91883)
chợt nhớ ba tôi đã qua đời hơn 23 năm qua, tôi chỉ là một đứa con bất hiếu để quảng đời còn lại của tôi bao ân hận và tiếc nuối vì chưa một lần nói với ba rằng “con thương ba lắm ” trong việc làm hay trong tâm tưởng…
05 Tháng Sáu 2010(Xem: 101282)
Tôi là học sinh trung học Ngô Quyền, BH từ NK 1970-71 đến nay, 2010, cũng 40 năm rồi, nếu có chi tiết nào sai sót về ngày tháng, họ tên xin các anh, chị khóa trước và các bạn cùng khóa 1970 -77 giúp sửa lại cho chính xác.
07 Tháng Năm 2010(Xem: 140379)
Mẹ là đề tài xưa cũ nhưng không bao giờ lỗi thời trong Thơ Văn; nhờ thế mà hôm nay, nhân Ngày Lễ Mẹ 9/5/2010, chúng ta có dịp giới thiệu trên Trang Web Nhà những bài viết ngắn qua lời văn chân thật, những vần thơ giản dị mà tràn ngập hình ảnh, hồi ức, kỷ niệm thân thương về Mẹ . Xin bấm các tựa bài bên dưới để thưởng thức:
07 Tháng Năm 2010(Xem: 91545)
Ngày nay, má tựa như ngọn đèn dầu trước gió, nếu một mai ngọn đèn tắt đi, e rằng cuộc đời còn lại của tôi sẽ mang nhiều ân hận và tiếc nuối. Ân hận vì không có những giây phút kề cận bên má lúc tuổi già, tiếc nuối vì không còn được một lần ăn lại món thịt nọng kho, cá trê chiên dầm nước mắm mỡ hành và nghe giọng nói của má với “ Hương vị ngọt ngào”.
06 Tháng Năm 2010(Xem: 80519)
Chúng ta hãy cài một hoa hồng cho những ai còn Mẹ! và một đóa bạch hồng cho những ai mất mẹ. Dù Mẹ còn hay mất, chúng ta cũng phải nên nhớ cho rằng, tất cả ai sống trên đời nầy, thân thể nầy cũng chỉ là một phần tách rời từ thân thể Mẹ mà ra.
25 Tháng Tư 2010(Xem: 93965)
Đầu thập niên tám mươi, trước những bế tắc không lối thoát, Mẹ thu xếp gởi anh chị em chúng tôi, từng đứa, vượt đại dương để đến một vùng đất tự do, ở đó không có khủng bố tinh thần, ở đó không có trại cải tạo giam giữ những người hoàn toàn lương thiện, và ở đó chúng tôi sẽ được học hành thành người.
11 Tháng Tư 2010(Xem: 73010)
Bài viết như một nén nhang tưởng niệm người đã khuất. Ở môt nơi bình an nào đó, tôi tin rằng anh đang mĩm cười. Không phải nụ cười khinh bạc, ngạo mạn mà là nụ cười hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò...
06 Tháng Tư 2010(Xem: 84115)
Ngày đầu bước vào ngưỡng cửa Trung học của tôi không được đẹp và dễ thương như các nhà văn đã miêu tả. Tuy nhiên nó vẫn cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
31 Tháng Ba 2010(Xem: 94559)
Đêm qua thức giấc một mình, nhìn trăng sáng tôi chợt nhớ đến ánh trăng ở VN, nhất là trăng miền biển, trông rất hiền hòa và trong sáng, nơi tôi đã sống 2 năm với nghề “gõ đầu trẻ” sau năm 1975, khi tôi vừa tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn, thời gian này đã để lại trong tôi một dấu ấn khó quên.
30 Tháng Ba 2010(Xem: 84631)
Thế rồi hoàn cảnh đẩy đưa, vận người đưa đẩy, tôi xa luôn quê nhà, xa luôn cái bàn học con con cạnh cửa sổ đêm đêm được dỗ dành bởi một loài hoa quen thuộc, không vương giả, không quê muà, chỉ đủ làm xao xuyến lòng tôi khi nhớ đến.
02 Tháng Ba 2010(Xem: 65351)
Cái kinh nghiệm khổ đau của kiếp người có phải là một ấn chứng để tâm hồn vượt lên trên bão dông, để ngôn ngữ yêu nhau vẫn còn dù đã nhiều nghịch cảnh. Và, theo tôi, Nguyễn Tất Nhiên là một thi sĩ thực sự mang đời sống mình làm ví dụ cho một trường hợp của khoan dung và từ ái?
18 Tháng Hai 2010(Xem: 87659)
Xuân Con Cọp lại sắp đến rồi. Mà ở cái nơi "phong trần luân lạc" nầy, Tết nhất cũng chả có gì vui. Thôi thì xin mời bạn cùng tôi nhâm nhi dăm ba câu thơ cũ, để gọi là tạm "mua vui" trong khoảnh khắc chờ đợi đón giao thừa nơi xứ lạ.
16 Tháng Hai 2010(Xem: 80037)
Trước hết, bước qua năm mới, Thủy xin kính chúc mọi người được một năm an khang, hạnh phúc và thịnh vượng. Nhân đây, với tư cách là mẹ của hai đứa con của anh Nguyễn Tất Nhiên, Thủy xin trân trọng gửi đến quý Thầy, quý Bạn lời tri ơn chân thành sâu đậm nhất.
06 Tháng Hai 2010(Xem: 89878)
Xin tạm biệt Xuân xưa, ngày tháng cũ. Hy vọng những chồi non, lộc mới… mang hết những ưu phiền của tôi đi thật xa, đi vĩnh viễn. Tình yêu của tôi ơi, xin ngủ yên!