Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Kiều Oanh Trịnh - THU TRONG KỶ NIỆM

15 Tháng Chín 20165:04 CH(Xem: 16171)
Kiều Oanh Trịnh - THU TRONG KỶ NIỆM

Thu Trong Kỷ Niệm

 

Sau Lễ Lao Động là ngày Tựu Trường của tất cả học sinh Trung và Tiểu Học ở Quận Fairfax, Virginia. Hôm nay cũng là ngày đầu tiên cháu gái của tôi, Mila bắt đầu vào Mẫu Giáo. Không như các trẻ con khác mới 3 tuổi đã vào “Nhà Trẻ”, nên quen với những buổi sáng thức sớm đến trường, riêng Mila, vì Mẹ sinh em bé Olivia thiếu tháng, Mẹ cháu phải nghỉ ở nhà chăm sóc chị em Mila, nên cháu chưa bao giờ xa Mẹ lâu quá 1 giờ.

thu trong ky niem
Mẹ dạy Mila học, chơi sắp chữ, nên dù chưa hề đến trường mà cháu đã biết đọc, biết viết. Buổi sáng đầu tiên, Ba-Mẹ đưa cháu ra trạm xe bus ở đầu đường, con bé thoăn thoắt trèo lên xe một cách tự nhiên như đã quen thuộc, còn quay lại vẫy tay:

-         Bye Mommy, bye daddy, bye Bà, bye Olivia

Tuy vậy, chắc cô nàng cũng nhớ lắm. Vì sau 4 giờ ở trường, buổi trưa, khi xe bus vừa thả học trò xuống trạm, thấy Mẹ và em đến đón, Mila chạy vội đến ôm xiết lấy em như thể chị em đã xa nhau lâu lắm rồi.

Nhìn con bé 5 tuổi, ngày đầu đi học thật oai hùng và tự tin làm tôi nhớ lại hình ảnh rụt rè của tôi ngày xưa khi mới bắt đầu đi học mà ngậm ngùi…


***



Ngày Ba Mẹ đem cả gia đình từ Lào về ở lại căn nhà lầu trên phố Gia Ngư (Hà Nội) được khoảng hơn 1 năm thì Ba tôi phải đổi xuống làm việc tại phi trường Cát Bi (Hải Phòng) và cũng để thu xếp di cư vào Nam.

Tôi còn nhớ một ngày đầu Thu, Ba chở tôi đến 1 ngôi trường cách nhà tôi cũng khá xa. Ba dắt tôi vào lớp Năm (Lớp 1 bây giờ). Lớp có 2 dẫy bàn dài đã đầy học sinh trai lẫn gái, thầy giáo mặc chiếc áo dài đen, quần trắng. Trên đầu thầy đội một cái khăn đống màu đen, dưới chân thầy là đôi giày đen bóng loáng, thầy cầm 1 cây thước kẻ và cứ luôn tay nhịp lên, xuống như 1 nhạc sĩ đang gõ nhịp đàn. Nhìn Thầy, tôi run quá, đưa mắt đảo một vòng chung quanh, thấy khoảng vài chục đứa trẻ trạc tuổi tôi, ngồi khoanh tay, im phăng phắc, mặt thật trang nghiêm, càng làm tôi khiếp sợ.

Ba nói chuyện với Thầy giáo xong, quay sang dặn tôi ở lại học cho ngoan, chiều Ba sẽ đến đón tôi về, Ba đưa cho tôi 5 xu để ăn quà. Rồi thầy giáo dắt tôi đến ngay đầu bàn nhất, gần bàn của Thầy. Tim tôi đánh thùng thùng, sợ quá. Khi Ba ra về, tôi lại càng run, chỉ muốn òa khóc, nhưng nhìn gương mặt nghiêm nghị của Thầy, tôi sợ không dám rớm nước mắt…

Đến giờ chơi, một mình thui thủi ra gốc cây phượng, mân mê 5 xu Ba cho mà không dám đi mua quà, tôi tìm trong cặp thấy Mẹ đã gói cho tôi 1 gói xôi bắp, tôi đành lấy xôi ra ăn… Ăn xong gói xôi, tôi nhớ Mẹ quá. Không muốn trở vào lớp học nữa, thế là tôi len lén, thừa lúc cửa trường chưa đóng, tôi lẻn ra và men theo đường về nhà.

Con đường từ nhà đến trường cũng khá xa, tôi cứ theo vỉa hè, vừa đi, vừa chạy, thật run, về đến cổng nhà thì đúng lúc Mẹ tôi cũng vừa đi chợ về, nhìn thấy tôi, Mẹ ngạc nhiên:

-         Sao con không ở trường mà về sớm vậy?

Tôi òa khóc:

-         Con không đi học đâu, con nhớ Mẹ

-         Đừng dở hơi, con phải đi học, nếu không lớn lên sẽ mù chữ

-         Nhưng con nhớ Ba-Mẹ

-         Học xong thì chiều về nhà với ba-mẹ. Thôi, vào nhà chờ trưa Ba về chở con đến trường

(Ngày xưa học trò phải đi học cả ngày, không phải chỉ có nửa buổi như sau này).

Sau bữa cơm trưa, Ba lại chở tôi đến trường, nhìn gương mặt nghiêm nghị và cây thước trên tay thầy giáo, tôi lại run cầm cập… Khi thấy Ba dắt tôi vào lớp, thầy bước lại mỉm cười bảo Ba tôi cứ yên trí ra về, thầy dắt tôi lại bàn ngồi, nhẹ nhàng bảo:

-         Chỗ này là chỗ ngồi của con, hằng ngày vào lớp con ngồi đây, học chung với các bạn. Thầy sẽ dậy các con biết đọc, biết viết, có kiến thức để trở thành người hữu dụng sau này, con sẽ có bạn bè cùng vui học. Không có gì phải sợ…

Những lời thày nói cứ văng vẳng bên tai tôi từ dạo đó. Thế là tôi bắt đầu đi học, dần dần tôi quen bạn, quen thầy, ngôi trường bây giờ không còn làm tôi sợ sệt nữa. Mỗi sáng tôi đều thức sớm hăng hái sửa soạn đến trường… Tôi đã quen với thầy, bạn và rất thích được đi học ...

Học được vài tháng, thì một hôm, Ba bảo Mẹ và chị em chúng tôi lo sửa soạn thu xếp để di cư vào Nam… Thấy Mẹ sụt sùi, gọi người đến bán món này, món kia, từ cái tủ đứng, giường phản đến nồi niêu, v.v... Mẹ chỉ cẩn thận gói vài chục chén bát mẫu và một chiếc lọ cổ bằng Giang Tây, đó là những món kỷ niệm mà Mẹ cất giữ từ ngày Mẹ vu quy về nhà chồng. Đi đâu Mẹ cũng đem theo, dù có một vài cái hơi bị mẻ cạnh.

Một tháng sau gia đình tôi di cư vào Nam trên chiếc máy bay 2 mình từ phi trường Cát Bi (Hải Phòng). Ra đi bỏ lại đằng sau căn nhà yêu dấu với bao kỷ niệm thân thương, và nhất là ngôi trường yêu quý cùng các bạn bè mà tôi đã có một lần sợ sệt không muốn đến trường, nhưng bây giờ tôi lại quyến luyến, không muốn rời xa…

Gia đình tôi di cư vào Nam vào một ngày cuối Thu năm 1954 cư ngụ trong Cư Xá không Quân Biên Hòa chung với mấy chục gia đình cùng trên một chuyến bay….

Đến định cư tại Phi Trường Biên Hoà, Ba tôi cũng chở tôi đến trường Sơ Cấp ở đây, lúc bấy giờ chỉ có 3 lớp: Năm, Tư và lớp Ba, hết lớp Ba thì phải thi lên lớp nhì vào trường Nguyễn Du.

Ngày đầu đến trường tôi vẫn sợ sệt, bỡ ngỡ vô cùng. Thầy giáo ở đây không mặc áo dài đen như Thầy giáo của tôi ở ngoài Bắc, thầy mặc quần Tây đen, áo trắng, tóc thầy để trần, chải gọn gàng, Thầy cũng mang giầy đen đánh bóng, giọng Thầy rất lạ, thoạt nghe hơi khó hiểu, nhưng dần dần tôi cũng quen. Học được nửa năm Thầy cho tôi lên lớp Tư, vì lúc đổi trường từ Bắc vào Nam, Ba sợ tôi theo không kịp nên xin cho tôi vào học lại lớp Năm. Sau năm lớp Ba tôi thi đậu vào trường Tiểu Học Nguyễn Du, rồi Trung Học Ngô Quyền…

Thời gian trôi nhanh, vận nước nổi trôi, mấy chục năm qua, rời quê hương bỏ lại sau lưng những kỷ niệm thân thương của một thời son trẻ.

Hôm nay một Mùa Thu nữa trở về, lá trên cây đang từ từ ngả màu, vài chiếc lác đác rơi nhanh, nhìn các cháu ngoại với book bag và hộp lunch box, đứng sắp hàng từ từ bước lên những chiếc xe bus màu vàng, tôi cũng rộn ràng vui lắm. Trẻ con ở đây không rụt rè bỡ ngỡ vào ngày học đầu tiên như tôi thuở nào. Các cháu tôi tươi cười hớn hở, đến trường thật hân hoan. Lòng tràn ngập niềm vui nhìn tuổi trẻ đang lớn dần và tương lai sẽ là những công dân hữu ích để cùng góp phần vào xây dựng cho đất nước đang cưu mang những người tỵ nạn chúng tôi.

 

***

Lại thêm một mùa Thu tha hương, chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung Thu, các tiệm thực phẩm đã thấy bày bán những hộp bánh dẻo, bánh nướng đủ các hiệu, những chiếc bánh nướng hình vuông màu vàng đậm xinh xắn, được xếp gọn gàng 4 cái 1 hộp, bên cạnh những hộp bánh dẻo “Bảo Hiên Rồng vàng” nhìn thật hấp dẫn. Những chiếc bánh ngày xưa tôi rất mê. Cứ háo hức mong cho mau đến Tết Trung Thu để được Ba Mẹ chia bánh cho chị em tôi vào mỗi đêm rằm tháng Tám…

Nhớ lại những đêm rằm Trung Thu ngày xưa, vui và đầm ấm biết bao! Ba mẹ thì ngồi ngắm trăng bên tách trà nóng nhâm nhi bánh dẻo, bánh nướng, chè hột sen, cốm vòng. Còn chị em chúng tôi thì được Ba làm cho mỗi đứa 1 cái đèn ngôi sao để cùng họp đoàn với các bạn đi rước đèn rồi về nhà ăn bánh. Tôi còn tham gia ban ca vũ cùng các bạn lên sân khấu trong Phi Trường múa những bài hát trẻ thơ: “Trăng Sáng Trong Làng, Tuổi Thơ, Thiên Thai” v.v...

Kỷ niệm xưa hiện dần và tôi thì vẫn đứng tần ngần, nhìn những chiếc bánh Trung Thu hấp dẫn mà ngần ngại không dám mua… Không phải tôi hà tiện, mà từ khi đọc cách làm bánh Trung Thu tôi sợ không dám cho cả nhà ăn bánh Trung Thu nữa. Loanh quanh một lúc tôi bèn chọn mua vài cái đèn xếp đem về cho các cháu, treo lên cây để có hương vị Tết Nhi Đồng…và thay vào bánh thì tôi sẽ nấu 1 nồi chè hạt sen, trái táo cho các cháu vừa ăn, vừa ngắm trăng cùng nhìn những chiếc lồng đèn đong đưa theo làn gió mát trên những cành cây thông trước cửa nhà.

Cứ mỗi mùa Thu sang là một lần nhung nhớ, mùa Thu là mùa đẹp nhất trong năm, mùa Thu với những kỷ niệm buồn vui, mùa Thu của lá vàng rơi, của mây tím giăng mắc đầy trời, mùa thu là nguồn cảm hứng để các thi sĩ thi nhau dệt những vần thơ lãng mạn, trữ tình... Riêng tôi, mùa Thu lại là mùa buồn nhất, khó quên, vì mùa Thu đã đem Mẹ tôi đi thật xa và mãi mãi không về.

Hình ảnh Mẹ tôi nằm yên bình trong giấc ngủ nghìn thu cách đây 6 năm như còn hiên mãi trong tôi. Làm sao quên được người Mẹ hiền đã chu đáo lo cho chúng tôi từ ngày ấu thơ đến khi trưởng thành. Nhớ Mẹ, tôi nhớ từng mùa.

Mùa Xuân Mẹ chải đầu, thắt bím, cài những đóa hoa xinh lên mái tóc dài của tôi. Mùa Hè, Mẹ tự tay may cho chị em chúng tôi những bộ quần áo ngắn màu sắc nhẹ nhàng tươi mát. Mùa Thu, Mẹ đi chợ lựa bánh Trung Thu ngon mua về trước cúng sau cả nhà cùng quây quần ngắm trăng, ăn bánh, Mẹ còn mua từng xấp giấy bóng kiếng, xanh đỏ đem về cho Ba làm đèn cho chị em chúng tôi chơi “Rước Đèn Tháng Tám”. Rồi sang Đông, với đôi tay thoan thoắt, Mẹ ngồi đan từng tấm áo len cho các con. Mùa nào Mẹ cũng bận rộn, Mẹ rất vui khi ngắm nhìn các con của Mẹ no đủ và ăn mặc tươm tất.

Bây giờ không còn Mẹ nữa. Nhớ Mẹ, tôi ngồi ôm kỷ niệm, ru hồn về thời ấu thơ, tuổi 12-13, nhớ đêm Trung Thu đi múa hát … chính tay Mẹ đã ngồi cặm cụi may từng bộ quần áo cho cả đoàn chúng tôi mặc lên sân khấu trình diễn. Ôi! Cả một thời kỷ niệm, gợi mãi trong tôi. Mẹ tôi đã đi rất xa, và xa mãi rồi!

Nhân Mùa Trung Thu, Kiều Oanh xin mời qúy vị cùng thưởng thức những ánh trăng Rằm “Mùa Trung Thu” qua youtube “Hình Ảnh Một Đêm Trăng” của nhạc sĩ Văn Phụng với tiếng hát nhẹ nhàng của nữ ca sĩ Mai Hương, một bài hát trẻ thơ thật dễ thương, mà mấy chục năm trước chúng tôi đã cùng nhau ca hát vào ngày Rằm Trung Thu tại sân khấu ở trong Phi Trường Biên Hoà.

 

Kiều Oanh, Virginia

Mùa Trung Thu 2016


 

*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức:

HÌNH ẢNH MỘT ĐÊM TRĂNG - Nhạc văn Phụng - Mai Hương hát

Kiều Oanh thực hiện youtube

18 Tháng Chín 2014(Xem: 26251)
Hóa ra, anh và Nguyễn Xuân Hoàng dù rất khác nhau về nhiều điểm nhưng quả đã chung một điều - Cả hai chưa hề nói với nhau về văn chương, chữ nghĩa,
16 Tháng Chín 2014(Xem: 24804)
Sáng nay một lần nữa tôi lại cảm nghiệm được lẽ vô thường của đời sống khi vào thăm Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, Thầy dạy Triết của các đàn anh đàn chị Ngô Quyền , Thầy dạy văn chương của tôi.
15 Tháng Chín 2014(Xem: 16874)
Tác giả của “Người Đi Trên Mây” và của “Bụi Và Rác” đã trở về với cát bụi trong sự thương yêu, luyến tiếc của các thân nhân, bạn hữu, bạn văn và các cựu học sinh từng một thời ngồi trong lớp học của “thầy Hoàng.”
13 Tháng Chín 2014(Xem: 30870)
Bốn mươi bốn năm đời sống hôn nhân, bao nhiêu lần em nuốt nước mắt vào lòng câm nín. Niềm riêng canh cánh bên lòng em không thể nói với ai.
13 Tháng Chín 2014(Xem: 24945)
Đường đời dù muôn ngàn lối rẽ – từng xô dạt “ ngũ long” trôi tận cuối đất cùng trời – thì vẫn còn có ngày, nhóm “ngũ long” chúng mình cùng lúc tìm về thăm bến sông xưa…
12 Tháng Chín 2014(Xem: 29407)
Không cần xem lịch hoặc đọc báo, cũng không cần bước ra ngoài sân hoặc lên “nét,” tôi vẫn biết mùa thu đang đến qua ánh mắt buồn hiu hắt của vợ.
11 Tháng Chín 2014(Xem: 38243)
Viết cho Nguyễn Xuân Hoàng - người bạn đã một thời cùng chung dưới mái trường của Platon, hiện đang ở bên bờ tử sinh.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 18678)
Tối hôm qua mưa ào ạt tới hai lần. Một lần vào lúc nửa đêm và một lần vào lúc gần sáng. Mưa bay qua cửa sổ tạt ướt chỗ nằm ta đánh thức cơn mê ngủ quá khứ, khơi dậy những hoài niệm tưởng đã chết.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 16744)
Hai tay đặt lên trên mặt bàn, chị Thúc nhìn chăm vào tờ giấy. Tôi có cảm tưởng như chị không còn nghe thấy gì ngoài những dòng chữ trên tờ giấy đã viết sẵn kia đang ám ảnh đầu óc chị.
04 Tháng Chín 2014(Xem: 14492)
Hắn bỗng đổi cách ngồi, thả một chân xuống ghế, mặt chồm về phía tôi. Hơi thở hắn nồng nặc mùi thuốc lá nặng.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 22549)
Để trân trọng những kết quả sau cùng hiện tại là một mái ấm gia đình bền vững, viên mãn. Anh chị Phương & Loan đã làm được điều đó để cuộc sống vợ chồng luôn tươi mát và nhiều màu sắc.
29 Tháng Tám 2014(Xem: 16908)
Nhưng mà tôi vui, vì tôi biết rằng từ nay tôi sẽ không còn phải đứng trên bục gỗ nói những điều hoàn toàn trái nghịch với những gì tôi đã từng nói trước đây cũng trên cái bục gỗ ấy.
28 Tháng Tám 2014(Xem: 20798)
Cho nên cái áo lính do vải, do hồ, do nhiều thứ của một thời chinh chiến cộng lại. Quyện với mồ hôi chồng tui cho tui có những hồi ức đẹp khó quên trong đời.
27 Tháng Tám 2014(Xem: 13533)
“Chị nên nhớ, cả gia đình chị là một ổ phản động. Chồng chị và hai con trai chị đều là sĩ quan ngụy, có nợ máu với nhân dân. Rể chị, chồng của cô Thùy đây là một viên chức ngụy quyền.
23 Tháng Tám 2014(Xem: 30319)
Năm nay, lần thứ ba tôi về họp mặt với những người yêu tiếng Việt, những người muốn tiếng Việt ngày càng phát triển theo chiều hướng đi lên ngay cả trên quê người.
22 Tháng Tám 2014(Xem: 33315)
hai em đã tô điểm cuộc sống bằng chữ tâm với lời nhắn nhủ, con người sống trên đời cần có một tấm lòng….
22 Tháng Tám 2014(Xem: 27882)
Cái góc bếp ấy thật là dễ thương. Nói không phải nhiều chuyện. Đó là nơi phát nguồn vui buồn và sự hưng thịnh của một ngôi chùa.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 16505)
Tôi trở về Nhà Từ Đường sau 15 năm đi xa. Thật ra con số 15 năm là không đúng. Nó chỉ đúng tính theo ngày tôi bỏ nước ra đi, chứ không đúng tính từ ngày tôi trở lại Nhà.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 15109)
Tôi đưa tay chùi nước mắt. Không có trận mưa nào đang xối xuống đám tang của anh tôi. Chỉ là một chút nước trong ly làm sóng sánh đại dương. Chỉ là một hạt bụi hóa thân làm thành một kiếp nhân sinh tàn lụi.