Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XVI)

27 Tháng Tám 201412:15 CH(Xem: 13532)
Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XVI)
BUI VA RAC-nxh-2-large

Kỳ XVI

“Chị nên nhớ, cả gia đình chị là một ổ phản động. Chồng chị và hai con trai chị đều là sĩ quan ngụy, có nợ máu với nhân dân. Rể chị, chồng của cô Thùy đây là một viên chức ngụy quyền. Làm tới phó quận mà không hối lộ tham nhũng à? Con chị làm tới đại úy cảnh sát mà không ác ôn à? Nhưng chị không thấy là chính quyền cách mạng đã khoan hồng hay sao khi để cho chồng chị một sĩ quan ngụy mang cấp tá mà không phải đi học tập lấy một ngày?”

“Khoan hồng?” Chị hỏi. “Bộ mấy ông muốn khiên một người sắp chết, tay chân tê liệt, không cử động được đưa vào tù mới là đúng sao? Bộ mấy ông giam cả những người tù hấp hối sao?”

“Chị Thúc!” Tiếng Hòe kêu, “Chị có im đi không! Có phải chị muốn chống lại chính quyền cách mạng không?”

“Mấy ông nói như vậy là thế nào?” Tôi hỏi.

“Anh không được quyền phát biểu.” Tên cán bộ giữ tấm thẻ công nhân viên của tôi trong túi nói như ra lệnh. “Chúng tôi sẽ làm việc với anh sau.”

“Nhưng gia đình chúng tôi có tội tình gì chứ?” Quỳnh hỏi, hai tay ôm chặt con vào lòng.

“Một gia đình phản động chưa đủ là cái tội sao?” Hòe nói.

“Trời ơi! Trời ơi!” Tôi nghe tiếng bà chị dâu rên rỉ.

“Nhà nước có đuổi gia đình chị ra đường đâu mà chị kêu trời. Chúng tôi đã tìm cho chị một căn nhà nhỏ dưới chợ. Tạm thời chị cứ dọn về đó. Ngày mai phường sẽ mang giấy tờ lại cho chị ký. Còn anh chị đây,” y tiếp, mắt nhìn về phía tôi, “Mai xuống công an phường làm việc. Chúng tôi muốn biết anh chị có ý đồ vượt biên hay không?”

Cả ba quay lưng bước ra cửa sai khi Hòe chấm dứt lời đe dọa.

Tôi đứng ở cửa ngó ra sân đêm. Những đốm lửa của đầu điếu thuốc dưới gốc cây nhãn đã biến mất. Tiếng nói cười của đám công an cán bộ xa dần tan loãng ngoài mặt đường.

Bên trong nhà mấy ngọn bạch lạp cháy bập bùng. Mọi người đã tắt tiếng khóc. Không khí chùng hẳn xuống như thể một chiếc bong bóng bị xì hơi.

Những người chết đã chết.

Những người sống đang phải cúi xuống gánh tiếp những tai ương còn đầy rẫy trong một thời đại của “chủ nghĩa.”

“Hỏi ai?” Tên công an áo vàng chận tôi ở cửa khi thấy tôi lớ ngớ chưa biết có nên bước vào hay bỏ đi.

“Tôi muốn gặp ông Hòe!” Tôi trả lời.

“Đồng chí Hòe đi công tác ở quận rồi. Có chuyện gì tôi giải quyết.”

“Ông Hòe có hẹn với tôi sáng nay.”

“Chuyện chi?” Tên công an hỏi dấm dẳng.

“Tôi không rõ. Hôm qua ông ấy đến nhà tôi và hẹn tôi sáng nay đến đây.”

“Nhà ở đâu?” Y hỏi giọng trịnh thượng.

Tôi nói địa chỉ. Tôi cũng cho y biết là tôi từ Sài Gòn ra. Tôi đưa đám ông anh tôi.

“Tôi biết! Tôi biết.” Y tiếp, “Xin mời anh vào đây!”

Y đưa tôi vào bên trong kéo ghế ngồi xuống.

Trước mặt y là một tờ giấy màu vàng xỉn mỏng.

“Có phải anh là Trần Lâm Thăng?”

“Phải.”

“Đồng chí Hòe nói anh cư trú bất hợp pháp, không có giấy đi đường và có ý đồ vượt biên. Anh có biết vậy không?”

“Tôi về đây là để làm đám tang cho ông anh tôi.”

“Tôi biết. Nhưng có gì bảo đảm anh không có ý đồ vượt biên.”

Tôi có nghĩ đến chuyện vượt biên nhưng dù sao cũng chỉ là trong ý nghĩ thôi. Tôi chưa hiểu ý tên này muốn gì.

“Anh mang theo chuyến này bao nhiêu lạng vàng?”

“Tôi không có vàng.”


Tôi trả lời thật nhanh. Tôi bỗng nhớ Quỳnh trước khi đi có mua được năm chiếc nhẫn vàng để đóng góp trong chuyện ma chay với bà chị dâu, luôn tiện, nếu mà gặp chuyến đi, Quỳnh nói thòng, “anh cứ đi trước, em ở lại với con tính sau.” Bà chị dâu tôi mấy lần biên thư đều cho biết có tổ chức đưa người đi, đến nơi rồi chừng nào có tin về, người nhà mới phải chồng tiền, như vậy không phải bị gạt.

Trạm công an buổi sáng vắng. Tên công an hỏi chuyện tôi còn khá trẻ, nhưng hút thuốc dữ, chưa hết điếu này đã châm ngay điếu khác. Y ngồi kiểu nước lụt, hai chân bỏ cả trên ghế, hai đầu gối sát nách, đầu chồm về phía trước.

“Không có gì qua mắt được chúng tôi đâu. Anh có quen biết thằng Tư xích lô Mã Vòng không?” Y hỏi một câu bất ngờ.

Tư Xích Lô Mã Vòng là ai? Tôi chưa nghe bao giờ. Gần mười lăm năm trời xa quê, tôi chỉ về nhà có đôi ba lần. Mỗi lần về là để đưa tiễn người thân ra đi vĩnh viễn. Thành phố này chỉ còn trong trí nhớ tôi như một kỷ niệm. Nó là tuổi thơ tôi. Biển xanh. Rừng dương xanh. Những bụi cây dọc ven đường từ nhà bưu điện xuống Cầu Đá cũng xanh. Bầu trời xanh.

Thành phố này chứa trong tôi cái thời xanh xao vàng vọt của một đứa bé bị hất hủi. Tôi muốn quên nó đi. Tư xích lô Mã Vòng? Không, tôi không thể nào nhớ ra một cái tên kỳ lạ như vậy.

“Tôi không biết ai là Tư xích lô Mã Vòng.”

“Nhưng mà Tư xích lô Mã Vòng biết anh thì sao?

Mã Vòng. Tôi nhớ ra ngôi nhà lợp mái dừa của dì tôi nằm trên một con đường hẹp gần chùa Nha Trang. Mã Vòng là đầu con đường vào thành phố. Nơi tôi đã sống với dì tôi, một người đàn bà luống tuổi, ăn mặc nâu sồng, sống khắc khổ, không bao giờ đụng đến chất tanh. Bữa cơm của dì chỉ có rau, rau và rau. Có lần tôi ngồi nhìn dì ăn, trước mặt là hai con thằn lằn bò quanh những hột cơm dì rải xuống.

Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng dì nói như thể đang trò chuyện với một người nào đó nhưng tôi không nhìn thấy ai. Ngoài hai con thằn lằn. Những hột cơm rải trên mặt bàn. Một tô rau luộc. Một hũ chao. Hai con thằn lằn. Đó là tất cả cuộc đời dì tôi. Một lu nước mưa đằng sau nhà, dưới một cây khế ngọt. Cây chùm ruột sai quả phía trước sân. Hàng rào là những bụi dâm bụt. Những chùm hoa tỉ muội trắng và nhỏ như chiếc bông tai của các cô gái quê, hương thơm ngào ngạt. Sau lưng nhà dì tôi là một ngọn đồi, trên cao là Tháp nước của thành phố. Con đường leo lên Tháp đi lòng vòng theo trôn ốc. Một vài ngôi mộ, có lẽ của người Chàm, dọc theo đường đi với những lùm cây dại. Đó là Mã Vòng thời tuổi nhỏ của tôi. Thơ mộng. Tôi nghĩ như vậy. Đó là thời kỳ tôi quen Goering, Lưu, Lân, Trung, Odette Bouquet, Marthe Thúy, Bạch Mai... Có buồn cười không? Nhưng mà Tư xích lô Mã Vòng là ai? Tôi không cách nào biết được, nhớ ra được.

“Chúng tôi vừa bắt được một tổ chức vượt biên. Tư xích lô Mã Vòng khai có tên anh và gia đình sẽ đi trong chuyến này.”

Tư xích lô Mã Vòng là ai? Không. Tôi chắc chắn là không bao giờ có một tên người như thế, hay gần gần như thế, trong mối quen biết tôi.

Tên công an cúi xuống tờ giấy màu vàng xỉn mỏng đọc những hàng chữ nhỏ li ti. Tôi có cảm tưởng như hắn đang xem tờ cẩm nang vẽ cách bức bách tôi như thế nào cho có hiệu quả. Một lúc, không lâu lắm, hắn ngửng mặt lên:

“Anh nên khai báo thành thật, chuyến vượt biên này, gia đình anh đóng cho Tư Mã Vòng mấy lượng?”

“Không. Tôi không biết Tư Mã Vòng là ai cả. Tôi về đây là để làm lễ chôn cất ông anh tôi. Tôi không có vượt biên.”

“Ông Thăng. Ông tưởng ông ngoan cố, chúng tôi không làm gì ông được hay sao?”


(Còn tiếp)
19 Tháng Chín 2014(Xem: 23031)
Cầu nguyện ơn trên trong giấc ngủ an lành, dẫn đưa hương linh của Thầy sớm về cõi Phật.
18 Tháng Chín 2014(Xem: 26246)
Hóa ra, anh và Nguyễn Xuân Hoàng dù rất khác nhau về nhiều điểm nhưng quả đã chung một điều - Cả hai chưa hề nói với nhau về văn chương, chữ nghĩa,
16 Tháng Chín 2014(Xem: 24804)
Sáng nay một lần nữa tôi lại cảm nghiệm được lẽ vô thường của đời sống khi vào thăm Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, Thầy dạy Triết của các đàn anh đàn chị Ngô Quyền , Thầy dạy văn chương của tôi.
15 Tháng Chín 2014(Xem: 16867)
Tác giả của “Người Đi Trên Mây” và của “Bụi Và Rác” đã trở về với cát bụi trong sự thương yêu, luyến tiếc của các thân nhân, bạn hữu, bạn văn và các cựu học sinh từng một thời ngồi trong lớp học của “thầy Hoàng.”
13 Tháng Chín 2014(Xem: 30868)
Bốn mươi bốn năm đời sống hôn nhân, bao nhiêu lần em nuốt nước mắt vào lòng câm nín. Niềm riêng canh cánh bên lòng em không thể nói với ai.
13 Tháng Chín 2014(Xem: 24944)
Đường đời dù muôn ngàn lối rẽ – từng xô dạt “ ngũ long” trôi tận cuối đất cùng trời – thì vẫn còn có ngày, nhóm “ngũ long” chúng mình cùng lúc tìm về thăm bến sông xưa…
12 Tháng Chín 2014(Xem: 29401)
Không cần xem lịch hoặc đọc báo, cũng không cần bước ra ngoài sân hoặc lên “nét,” tôi vẫn biết mùa thu đang đến qua ánh mắt buồn hiu hắt của vợ.
11 Tháng Chín 2014(Xem: 38239)
Viết cho Nguyễn Xuân Hoàng - người bạn đã một thời cùng chung dưới mái trường của Platon, hiện đang ở bên bờ tử sinh.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 18678)
Tối hôm qua mưa ào ạt tới hai lần. Một lần vào lúc nửa đêm và một lần vào lúc gần sáng. Mưa bay qua cửa sổ tạt ướt chỗ nằm ta đánh thức cơn mê ngủ quá khứ, khơi dậy những hoài niệm tưởng đã chết.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 16740)
Hai tay đặt lên trên mặt bàn, chị Thúc nhìn chăm vào tờ giấy. Tôi có cảm tưởng như chị không còn nghe thấy gì ngoài những dòng chữ trên tờ giấy đã viết sẵn kia đang ám ảnh đầu óc chị.
04 Tháng Chín 2014(Xem: 14492)
Hắn bỗng đổi cách ngồi, thả một chân xuống ghế, mặt chồm về phía tôi. Hơi thở hắn nồng nặc mùi thuốc lá nặng.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 22548)
Để trân trọng những kết quả sau cùng hiện tại là một mái ấm gia đình bền vững, viên mãn. Anh chị Phương & Loan đã làm được điều đó để cuộc sống vợ chồng luôn tươi mát và nhiều màu sắc.
29 Tháng Tám 2014(Xem: 16908)
Nhưng mà tôi vui, vì tôi biết rằng từ nay tôi sẽ không còn phải đứng trên bục gỗ nói những điều hoàn toàn trái nghịch với những gì tôi đã từng nói trước đây cũng trên cái bục gỗ ấy.
28 Tháng Tám 2014(Xem: 20793)
Cho nên cái áo lính do vải, do hồ, do nhiều thứ của một thời chinh chiến cộng lại. Quyện với mồ hôi chồng tui cho tui có những hồi ức đẹp khó quên trong đời.
23 Tháng Tám 2014(Xem: 30318)
Năm nay, lần thứ ba tôi về họp mặt với những người yêu tiếng Việt, những người muốn tiếng Việt ngày càng phát triển theo chiều hướng đi lên ngay cả trên quê người.
22 Tháng Tám 2014(Xem: 33313)
hai em đã tô điểm cuộc sống bằng chữ tâm với lời nhắn nhủ, con người sống trên đời cần có một tấm lòng….
22 Tháng Tám 2014(Xem: 27877)
Cái góc bếp ấy thật là dễ thương. Nói không phải nhiều chuyện. Đó là nơi phát nguồn vui buồn và sự hưng thịnh của một ngôi chùa.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 16504)
Tôi trở về Nhà Từ Đường sau 15 năm đi xa. Thật ra con số 15 năm là không đúng. Nó chỉ đúng tính theo ngày tôi bỏ nước ra đi, chứ không đúng tính từ ngày tôi trở lại Nhà.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 15106)
Tôi đưa tay chùi nước mắt. Không có trận mưa nào đang xối xuống đám tang của anh tôi. Chỉ là một chút nước trong ly làm sóng sánh đại dương. Chỉ là một hạt bụi hóa thân làm thành một kiếp nhân sinh tàn lụi.