Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Bùi Thị Lợi - XÓM LÒ BÒ

04 Tháng Ba 20164:40 CH(Xem: 18501)
Bùi Thị Lợi - XÓM LÒ BÒ

XÓM LÒ BÒ

 

chieuque

 


      Quê tôi đó, một địa danh có tên gọi thật ấn tượng nằm giữa lòng thành phố Biên Hòa. Trước năm 1975, ai có đi ngang con đường Trịnh Hoài Đức từ rạp hát Biên Hùng chạy xuống tòa Tỉnh, chưa đến Bệnh Viện, nhìn bên trái là rạp ciné Khánh Hưng, bên phải là con hẻm lớn. Đầu hẻm có cái chợ chồm hổm chỉ họp vào buổi sáng. Chợ bán đủ các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau quả đến các nhu yếu phẩm như gạo, muối, đường, nước mắm… Cả quần áo, giày dép, chẳng thiếu thứ gì. Đến trưa chợ tan, hẻm vắng thênh thang. Cuối hẻm là một khu vực dùng để giết mổ gia súc mà người ta gọi là Lò Bò. Không có bảng hiệu gì cả, chỉ là một dãy chuồng được dựng tạm bợ để nhốt những con thú sắp bị giết mổ trong một vài ngày, và một lò mổ thú đơn sơ với 4 bức tường rào song sắt có mái che. Thường thì việc giết mổ thú diển ra vào nửa đêm lúc gần sáng, nhưng thỉnh thoảng cũng có giết mổ vào lúc xế chiều. Không chỉ giết Bò mà có cả Trâu, Heo. Nhưng không hiểu sao lại đặt tên là Lò Bò và cư dân quanh vùng tự nhận mình là người Xóm Lò Bò. Tôi sinh ra và lớn lên nơi đây.

Má tôi kể rằng trong trận lụt năm Nhâm Thìn 1952, nước sông Đồng Nai dâng cao đột ngột. Chẳng mấy chốc hẻm Lò Bò ngập chìm dưới dòng nước chảy xiết. Lúc ấy tôi còn ẵm ngửa, trong đêm tối khi lội ngược dòng nước ra đường lớn tìm chỗ đứng cao hơn má tôi lúng túng để tôi bị rơi xuống nước, may mà chỗ ấy có hàng rào nhà cô Giáo Danh nên tôi bị vướng vào nhờ vậy má tôi mới vớt được tôi lên. Bây giờ trong hẻm nhà cửa san sát, không còn nhà nào có hàng rào. Thời buổi tấc đất tấc vàng mà, nhà hẻm bây giờ đã thành nhà phố. Lò Bò cũng đã bị phá bỏ từ lâu, không ai còn giết mổ gia súc bằng phương pháp thủ công nữa, cả dãy chuồng trại cũng như lò mổ không còn chút vết tích. Nơi ấy bây giờ là khu phố chợ, cái chợ chồm hổm ngày xưa chỉ có một đoạn hẻm ngắn bây giờ kéo dài suốt con hẻm. Không ai còn nhận ra nơi nào là chỗ đã từng cung cấp thịt tươi cho cả thành phố Biên Hòa.

 

    Tôi nhớ cái lần duy nhất theo bọn trẻ con trong xóm lén đi xem giết mổ thú lúc xế chiều. Vì cấm trẻ em đến gần nên chúng tôi phải trèo lên bờ tường rào, bám vào song sắt vắt vẻo như những con khỉ nhỏ trong sở thú mới nhìn thấy được cảnh tượng bên trong. Con bò được cột 4 chân vào 4 cọc sắt, người đồ tể cầm cái búa lớn giang tay đập thật mạnh vào trán bò làm cho nó khụy xuống rồi mới cắt cổ, xong treo con bò lên cái móc sắt bắt đầu lột da rồi mổ bụng, xẻ thịt. Làm heo thì đơn giản hơn, heo được cột chụm 4 chân đặt nằm nghiêng xuống nền nhà xi măng, người ta thọc dao vào cổ heo cho máu chảy ra đến chết sau đó dội lên mình heo từng thùng nước đun sôi trong cái chảo lớn gần đó để cạo sạch lông rồi mới mổ bụng xẻ thịt. Đêm đó về nhà tôi nằm ngũ mơ nghe tiếng heo kêu en éc giật mình phát khóc mấy lần. Tuy không còn dám đi xem nữa nhưng mỗi lần nhìn thấy người ta dẫn bò đi vào hẻm là tôi nhớ ánh mắt con bò bị cột 4 chân vào cọc sắt. Một thời gian dài tôi chỉ ăn cơm với cá và rau.

 

        Kế bên Lò Bò hồi đó còn có một điểm đến hấp dẫn tôi, đó là lò bánh mì của Bác Ba Tước. Buổi tối thức khuya học bài đói bụng, tôi thường đi mua bánh mì mới ra lò về ăn. Tôi thích thú đứng nhìn những người thợ trẻ nhồi bột bằng tay, đập cục bột mì xuống bàn nghe thình thịch, rồi ngắt bột ra từng viên bỏ lên cân, xong xoe tròn viên bột kéo dài ra thành khúc rồi đặt vào khay nhôm, lấy dao lam rạch 3 đường dài trên mặt bánh để khi bánh chín nở đều rồi cho vào lò nướng được đốt bằng củi. Tôi chịu khó ngồi đợi bánh chín để mua những chiếc bánh nóng hổi dòn tan. Chỉ cần xé bánh chấm vào chén đường cát trắng hoặc ly sữa đặc pha nước sôi là khoái khẩu lắm rồi.

 

     Bên cạnh lò bánh mì là lò làm bánh hủ tiếu của chú Tiều. Những miếng bánh trắng phau được hấp chín như bánh tráng được đưa vào máy cắt thủ công có tay cầm quay quay cho ra thành những sợi nhỏ chảy xuống những túi đệm, người thợ nhanh thoăn thoắt cột miệng túi rồi cho lên xe Honda chở ra chợ bán sĩ. Còn hàng xóm đến mua lẻ thì được bán với giá rất rẻ.(Bây giờ lò bánh mì cũng như lò hủ tiếu không còn.)

       Tôi nhớ nhà Thầy Thơm – Cô Giàu ở gần lò hủ tiếu. Thầy Thơm dạy Pháp Văn

trường Trần Thượng Xuyên còn cô Giàu làm giám thị trường Ngô Quyền. Thầy cô có 2 người con trai lớn là anh Trung và anh Toàn, có chị Thủy và Thành bằng tuổi tôi, riêng với hai anh Trung-Toàn tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên. Lần đó tôi đi học thêm ở nhà cô Lệ Hoa về ngang gặp lúc hai anh đang chơi đùa trước sân, không hiểu vì sao anh nầy ném đá anh kia, vô tình một hòn đá to trúng vào đầu gối tôi, đau quá tôi té xuống ôm chân máu chảy dầm dề, cô Giàu phải ẵm tôi về nhà xin lỗi ba má tôi. Bây giờ chân tôi còn vết sẹo mà nhà Thầy Cô không biết đã dọn đi đâu, nghe nói Thầy Cô đã mất còn các anh chị lưu lạc phương nào?

 

    Nhà Thiếm Tám Ngọc kế bên cũng vậy. Tôi quen biết hết những người con của Thiếm vì Thiếm là bạn của má tôi. Từ chị Nhàn, chị Huệ đến anh Năm Cà Nhom, Sáu Hoa đi học thì gọi là Mai Hoa, cả thằng Tám Dũng nhỏ xíu còn gọi là Tám Ròm bạn của em tôi. Mấy chị em đều là học sinh Ngô Quyền. Năm 2012, tôi tình cờ gặp đông đủ anh chị trong đêm Đại Hội Ngô Quyền ở San Jose. Sau đó tôi có dịp đến thăm nhà chị Huệ, nhà Tám Ròm, tiếc là nhà Sáu Hoa ở Sacramento xa quá tôi không lên được (xin anh chị thứ lỗi vì tôi gọi tên anh chị theo lúc nhỏ để gợi nhớ kỷ niệm thời thơ ấu chứ không dám có ý xúc phạm).

 

     Trong xóm tôi còn có rất nhiều anh tên kèm theo thứ tám như anh Tám Tài là em cô Danh, cô Công nhà đầu xóm, kế là anh Tám Teng có chị tên Bảy Sét và cô em Chín Nghĩa cùng học thêm với tôi ở nhà cô Lệ Hoa trong xóm. Anh ruột tôi cũng tên Tám Điểm. Gần nhà tôi là anh Tám Địa là con rể chú thiếm Hai Đồ. Vợ anh tên Tâm, chị là em của chị Mộng Uyên có em trai tên Bảy Minh bằng tuổi tôi và hai em gái Mộng Thu, Mộng Hoàn cùng sinh hoạt Hướng Đạo với tôi. Năm 2012 tôi có gặp Bảy Minh ở tiệm phở Bolsa, Minh rất trẻ trung khỏe mạnh, vui vẻ yêu đời. Vậy mà đầu năm nay tôi thấy aihuubienhoa báo tin Minh đã mất ở Cali, mấy tháng trước đó tôi củng được tin Mộng Thu đã mất ở Canada. Ngẫm cuộc đời thật quá vô thường. Năm 2014, tôi có gặp hai vợ chồng Nhân – Mộng Hoàn ở Úc và được cả hai đưa đi dạo một vòng xem thành phố Sydney rực rỡ dưới ánh đèn đêm. Những người bạn hàng xóm thân thương của tôi dù bôn ba xứ người bộn bề công việc mưu sinh nhưng khi gặp đồng hương luôn ân cần niềm nở nhiệt tình đón tiếp. Rất tiếc cũng có người tôi không liên lạc được như Võ thị Trai, ngày xưa một thời cùng đánh đũa nhảy dây với tôi. Bây giờ nghe nói cũng ở Cali, Mai Hoa có cho tôi số điện thoại nhưng gọi mãi không được. Trong xóm tôi còn có nhỏ Dung Tẻo rất dễ thương, lần nào ở Mỹ về Dung cũng ghé thăm nhà tôi ở Saigon. Má của Dung là Thiếm Mười Ngãi vẫn còn trong xóm, bà là người lớn tuổi duy nhất còn ở đây. Kế nhà Dung là nhà Thầy Sanh có cô con gái tên Hồng Thạnh vào Ngô Quyền trước tôi một năm.

 

      Tôi chưa kể một gia đình cũng rất nổi tiếng trong xóm Lò Bò. Đó là nhà chú Ba Phạm Lung. Chú có cửa tiệm chụp hình ngoài chợ. Người Biên Hòa chắc không ai không biết Ảnh Viện Phạm Lung. Nhà chú có rất nhiều con: Danh, Dũng, Phước, Đức, Hạnh… tôi không nhớ hết. Tôi bằng tuổi Dũng nhưng chơi cả với Danh vì trong xóm không có nhiều con nít. Hồi đó phía sau khu giết mổ gia súc là ruộng rau muống, mùa mưa nước ngập lấp xấp, mùa nắng ruộng cạn khô, chúng tôi dùng làm sân đá banh, thả diều. Thỉnh thoảng tôi cũng được nhận vào đội banh dự bị. Lúc nhỏ Dũng ốm yếu lại được cưng chìu nên hay nhỏng nhẻo, có lần Dũng không được cho vào sân, Dũng dậm chân khóc nhè khiến Danh phải bỏ cuộc chơi dẫn em về, Danh tức lắm nhưng không nỡ đánh em. Lớn lên tôi đi học xa không có dịp gặp lại Danh, Dũng. Nghe nói hai bạn cũng đã dịnh cư ở Mỹ. Chú Thiếm Ba cũng đã mất, ngôi nhà lớn trong xóm còn mấy đứa em nhỏ ở. Tiệm ảnh ngoài chợ vẫn còn.

      Tôi cũng nhớ một người bạn rất thân với tôi nhà khít vách. Anh tên Sinh, bằng tuổi tôi nhưng vóc người cao to, chuyên bày trò nghịch phá. Có lần anh rủ tôi chui hàng rào qua vườn nhà ông Giáo gần đó hái trộm vú sữa, bị chó sủa dữ quá anh sợ nhảy xuống trước té trặc chân. Còn tôi ngồi im trên cây chờ ông Giáo cho người ra đỡ xuống rồi còn hái cho hai đứa một túi vú sữa đem về. Từ đó anh hết dám đi hái trộm. Bây giờ không biết anh lập gia đình rồi định cư ở đâu.

 

      Trong xóm tôi còn có chị Long, ba má chị bán thịt heo. Nhà nghèo chị phải đi gánh nước mướn để có tiền mua sách vở. Mùa hè năm 1965, chị cùng tôi được trường Ngô Quyền cho đi dự trại hè học sinh giỏi các trường trung học miền Đông Nam Phần. Trong lúc nô đùa ngoài biển chị sơ ý dẫm phải vỏ con hào về nhà vết thương ở chân bị nhiễm trùng không đi gánh nước được. Chị lo lắng khóc hoài. Lúc đó tôi đang có “nghề” vớt con lăng quăng đem bán cho cửa hàng cá cảnh ngoài chợ, tôi chỉ cho chị cách làm giống tôi. Cũng buôn bán được một thời gian.Chị rất thân với tôi. Sau nầy chị lấy chồng rồi dọn đi kinh tế mới biệt tăm.

 

        Thật thiếu sót nếu tôi không nhắc đến một người nhà cuối xóm, đó là anh Phát. Anh học trường Mỹ Nghệ Thực Hành Biên Hòa cùng với anh Tám của tôi nên anh thường qua nhà tôi chơi. Anh vẽ rất đẹp, tôi thường nhờ anh trang trí cho Tập Lưu Bút Ngày Xanh và nhờ anh vẽ bìa cho tập chép nhạc và thơ. Sau nầy anh đi lính Không Quân và mất tích sau biến cố 75. Ba Má anh qua đời, anh Tài em của anh cũng dọn nhà đi nơi khác.

 

      Tôi suýt quên một người hàng xóm cũng rất thân thương, anh cùng học trường Nông Lâm Súc Bảo Lôc với tôi. Anh Ba Khả, anh có chị tên Tuyết và cô em tên Hương cùng sinh hoạt Hướng Đạo Biên Hòa. Thương thay anh Ba Khả mất sớm, nhà anh cũng đã đổi chủ.

 

        Xóm Lò Bò quê tôi bây giờ đa phần là người lạ. Có nhiều buổi sáng thong thả tôi thử đi rảo một vòng quanh khu chợ chồm hổm. Vẫn kẻ bán người mua tấp nập, nhưng dể gì tìm gặp một gương mặt thân quen. Những Cô Bác lớn tuổi như Ba Má tôi đều đã qua đời, những người đồng trang lứa thì định cư xứ khác. Thỉnh thoảng lắm tôi có gặp được anh Út Vịt em anh Tám Địa còn ở ngôi nhà cũ trong xóm bây giờ cất lại rất khang trang. Tôi cũng có gặp Hạnh em anh Danh, Dũng đi chợ, và gặp Chín Nghĩa bán bánh su kem tự làm trước cửa nhà.

 

Vậy thôi, những ngôi nhà thay chủ mới cứ tranh nhau chen lấn ra phía trước làm con hẻm hẹp dần. Khi xưa mỗi lần đi học về tôi nhắm mắt đạp xe thẳng một mạch mà không đụng chướng ngại vật nào. Còn bây giờ xe Honda, xe đạp dựng la liệt, đi bộ cũng phải luồn lách mới qua được. Còn có một biến cố mới đặc biệt quan trong hơn nữa là gần đây khoảnh ruộng rau muống ngày xưa không biết được san lấp tự bao giờ. Bỗng dưng biến thành con đường nhựa thênh thang nối liền với con đường lên dốc Thành Kèn cũ. Từ xóm Lò Bò có thể đi thẳng ra chợ Biên Hòa thật gần mà không cần phải đi vòng theo đường cũ ngang qua bệnh viện, qua nhà thờ, qua đài phun nước mà người ta quen gọi là Công Trường Sông Phố.

 

     Cổ nhân có câu: “thương hải biến vi tang điền”. Làm sao tránh khỏi sự đổi thay của trời đất. Trước làn sóng người định cư ồ ạt đổ xô vào thành phố Biên Hòa nhỏ bé thì cái xóm Lò Bò quê tôi làm sao giữ được ruộng dâu không khỏi biến thành biển xanh. Chỉ dám mong người Lò Bò xưa dù có đi đâu, ở đâu cũng xin một lần tìm về thăm lại nơi nầy. Mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ dù có bị dẫm đạp bao lần vẫn còn nguyên hơi ấm nồng nàn tình người xứ Bưởi.

 

     Tháng 8 năm 2015

           Bùi Thị Lợi


 

03 Tháng Hai 2009(Xem: 80546)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74014)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65694)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78463)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68761)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76195)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76787)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73838)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73936)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72680)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72021)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75554)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74225)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80509)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74101)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75850)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69100)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73747)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69347)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66523)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .