Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - Trái Hồng Dâng Cúng Mẹ

04 Tháng Mười Hai 20159:52 CH(Xem: 19197)
Nguyễn Thị Thêm - Trái Hồng Dâng Cúng Mẹ

cung me
Tôi đang ở trên lầu cặm cụi làm tấm thiệp chúc mừng sinh nhật đứa cháu, bỗng nghe tiếng chuông cửa reo vang. Nghĩ rằng đó là tiếng bấm chuông báo của dịch vụ UPS gửi quà Noel tới nên không vội vàng. Thường họ sẽ để ở cửa rồi đi. Chuông bấm chỉ để báo tin để chủ nhà ra nhận bưu phẩm.
 

Năm nay mấy thằng con trai không về nhà mừng Christmas như mọi năm. Chúng order quà cáp trên Amazon nên rất tiện. Quà cứ tới nhà rồi tôi theo Email nó gửi về, gói và ghi tên dùm. Ngày Christmas quây quần bên cây thông Giáng Sinh tôi sẽ đại diện trao quà tặng. Các cháu nhận quà xong, cầm quà trên tay cám ơn cậu trên Face Time ở màn hình Ipad. 

Tiếng chuông lại bấm lần nữa, lần này thúc hối hơn. Tôi chạy vội xuống lầu mở cửa. Em tôi đứng đó tay xách lỉnh kỉnh hai, ba bọc giấy.

- Chị ở đâu? Sao em bấm chuông không thấy ai ra mở cửa?

- Xin lỗi cậu, chị trên lầu, tưởng UPS delivery quà tới.

- Em tưởng chị vắng nhà, lại tính ra xe về.

-Thôi! Cậu vào nhà kẻo lạnh!

Tôi pha một bình trà ngon rồi mời em uống

- Sao hôm nay thư thả đi thăm chị hay có chuyện chi?

- Em công chuyện, tiện thể ghé thăm chị.

- Hôm nay ông ngoại không giữ cháu hay sao?

- Không! Hôm nay Bé Lan đi học nên em rảnh rang.

Em tôi là một ông ngoại cực kỳ cưng cháu. Dù vẫn được hãng mời làm việc khi đã xin nghỉ hưu non. Nhưng em chỉ nhận làm có hai ngày, còn lại ba ngày, em ở nhà giữ cháu. Đứa cháu ngoại đầu tiên xinh đẹp và rất giống ông. Căn nhà bây giờ đa phần là đồ chơi của cháu. Phòng khách được quây lại làm một khu vực vui chơi riêng của con bé. Thức ăn của em là vợ nấu, nhưng thức ăn của cháu là đích tay ông ngoại làm. Chắt chiu, tỉ mỉ và rất healthy. Trái tim ông đặt vào những món ăn ngon lành đó và cháu cũng nhờ vậy rất mau lớn, khỏe mạnh và ăn nhiều.

- Anh có khỏe không chị?

Câu hỏi của em lôi tôi ra khỏi dòng suy nghĩ

- Vẫn vậy cậu ơi! Ổng ngủ rồi. Trên lầu.

- Em mang cho chị ít hồng. Loại hồng giòn và hồng mềm. Có mấy trái hồng mềm đã chín, em để riêng đây cho anh. Hồng giòn chị để lâu cũng chín như hồng mềm. Anh ăn dễ hơn không  cần nhai hay bị mắc cổ. Vợ em gửi cho anh chị ít ragu và  bánh mì để anh chị dùng buổi chiều. 

Tôi cám ơn em và đem thức ăn bỏ vào tủ lạnh. Chợt nghĩ thôi thì xếp một ít lên bàn thờ Phật. Mấy trái hồng mềm chín rục tôi để lên một cái dĩa và đốt hương ở bàn thờ gia tiên.

Thật ra ở miền Nam Cali hồng, táo, ổi, lựu được trồng nhiều lắm. Mỗi nhà ít nhất cũng có một vài cây. Nhà tôi mới mua nên chưa trồng được gì ở sân sau, nhưng bạn bè lâu lâu lại gửi biếu.

Hôm nay quà vườn nhà đích thân em tôi hái mang tới. Cái nghĩa, cái tình tôi dâng lên cúng cha mẹ.

Đốt nén hương thơm, tôi mời ba má về ăn chút quà con trai đem đến. Nhớ chuyện xưa, tôi lại rưng rưng. Xá bàn thờ xong, tôi ngồi vào ghế. Thằng em thấy mắt chị có tí ngấn lệ nên tưởng có chuyện gì.

- Sao chị lại khóc? Có chuyện gì hả?

- Chị nhớ má. Tôi xúc động trả lời em.

Hai chị em im lặng, mỗi người theo đuổi những dòng suy tưởng về mẹ của riêng mình.

-Chị nhớ má về cái gì mà khóc?

- Về mấy trái hồng mềm.

Rồi tôi bùi ngùi kể cho em nghe:

 

Lúc chị còn ở VN mang bầu cháu Duy, má đau một trận rất nặng tưởng phải qua đời. Má mình mà, em đã biết rồi. Cả đời hà tiện tiết kiệm. Cái ngon dành cho chồng con, còn mình lúc nào cũng ăn qua loa, có gì ăn đó. 

Năm đó má bị bệnh rất nặng phải đem lên nhà thương Chợ rẫy để mổ. Nhưng rồi sức khỏe cạn kiệt, Bác Sĩ không dám làm. Ông tuyên bố phải cho má khỏe ra, cầu sống ổng mới sắp xếp thời gian để mổ. Anh Sáu bỏ vợ con ở Long Thành lên lo cho má. Anh Tám bỏ gia đình ở Hóa An để trực bên giường. Một anh chạy vòng ngoài mua thuốc, đi chợ nấu ăn. Một anh túc trực bên giường săn sóc, liên lạc với Bác Sĩ và phục vụ má. Má không muốn ăn uống, không muốn làm khổ con cái chỉ muốn về để chết. Thế là chị mang bầu cháu Duy hơn 6 tháng phải nghỉ làm lên cùng nuôi má. Vì BS bảo phải kích thích tâm lý má, để má chịu ăn uống mới có thể sống còn. 

Chị lên nhà thương má mừng lắm nhưng cũng chỉ muốn về nhà để chết. Hai mắt má trũng xuống, người gầy đét như bộ xương, lưỡi đớ lại nói không ra lời. Chị ôm má khóc, năn nỉ má ăn uống để BS cho về nhà và chị cũng được về nhà. Chứ không thôi nghỉ lâu, chị bị đuổi việc mà cái thai ở nơi nhà thương dơ dáy cũng không được an toàn. 

Buổi tối má nằm trên giường, ba anh em nằm dưới đất, cạnh cái túi nước tiểu của má. Chỉ lòi cái đầu ra thôi chứ chân thì phải thọc dưới chân giường mới đủ chỗ nằm. 

Thấy ba đứa con bỏ nhà cửa gia đình lên nuôi mình cực khổ. Nhất là chị, mới có bầu lại sau 10 năm không sinh. Má thương con, thương cháu nên gắng gượng ăn để chị được về nhà sớm. Các anh đi chợ mua thịt bò và các thứ bổ dưỡng về nấu cái nồi nhỏ xíu cho má. Còn mấy anh em ăn cơm độn khoai với rau luộc và cá khô đem từ dưới nhà lên. 

Em không biết chứ sân sau bệnh viện là chỗ nấu ăn tập thể, giặt đồ tập thể, hỗn độn vô cùng. Phải có mặt 100% nếu bỏ đi hay lơ đãng một chút là mất sạch. Tội nghiệp hai anh mình, đàn ông mà rất chịu khó và có hiếu. Chăm lo cho mẹ từng chút một. Khi chị lên một vài ngày là anh Sáu về thăm nhà  còn lại chị với anh Tám lo cho Má. Anh Tám thế phần anh Sáu chạy vòng ngoài, cơm nước, còn chị chỉ quanh quẩn bên má để phục vụ, chăm sóc. 

Má mình thuở giờ kham khổ, ăn uống trái cây vườn nhà. Má ăn cũng tìm những trái bị chim mổ dở dang, gọt lại mà ăn để dành trái ngon đi bán. Nói má thì mà bảo trái chim ăn ngọt hơn vì chim khôn lắm, nó luôn lựa trái ngon nhất mà ăn. 

Để bổ dưỡng cho má, anh Tám đi chợ mua hồng mềm này về cho má tráng miệng. Trái hồng thời bao cấp ở VN giá cao lắm. Má ăn má khen ngon và chỉ dám ăn nửa trái. Má hỏi:

- Trái hồng ngon quá, mà có mắc không con?

- Rẻ rề má ơi! Ở Sài Gòn mà má. Đà Lạt đem về thiếu gì?

-Bao nhiêu một trái vậy con?

Chị nháy anh Tám  và anh Tám nói chỉ bằng 1/3 giá thật sự để má an lòng. Bây giờ chị không nhớ là bao nhiêu. Nhưng má vui lắm. Má nói:

-Ờ! giá đó mình ăn cũng được. Mấy đứa ăn chưa con?

Tụi chị nói láo là ăn rồi nhưng mềm quá không thích. Ăn ổi ngon hơn. Anh Tám còn nói đùa:

- Ba cái thứ trái ngọt ngất, mềm lù này để dành cho mấy bà già không răng  như má. Tụi con khoái ổi, khế và xoài tượng hơn. Nhậu mới đã.

Má chửi ảnh:

- Tổ cha bây. Cái gì cũng nhắc đến nhậu. Nhậu có ra cơm, ra cháo đâu mà đứa nào cũng ham. 

Rồi má ăn được, khỏe ra. Một tháng sau ba lên đón má về nhà như đã hứa. Sau đó Bác Sĩ cho má cái hẹn để mổ . Má mình sống thêm cũng hơn bốn năm nữa mới mất. 

Hôm nay cậu đem hồng mềm cho anh, chị lại nhớ đến má mà thương đứt ruột. Nhà mình nghèo, nên hồng này mỗi lần chỉ mua một hoặc hai trái cho má. Mỗi bửa ăn má chỉ dám ăn nửa trái thôi đó cậu. Giá mà má còn sống, mình có điều kiện lo cho má nhiều hơn. Đem má đi chỗ này chỗ kia. Cho má ăn uống thỏa thích. 

Tôi ngồi lặng yên, thương má tôi nhiều lắm. Người mẹ nhà quê nhưng trái tim thật bao la. Cả một đời hy sinh cho chồng, lo lắng cho con. Lo cả những người con riêng của chồng và gia đình bên chồng. Má tôi là một người phụ nữ đẹp. Nét đẹp của má tôi không bằng hình thức bên ngoài mà tiềm ẩn bên trong như kim cương nằm trong một tảng đá bên đường. Tình mẫu tử đã trau chuốt cho viên kim cương lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời.

 

Con dâng lên má.

Những trái hồng mềm

Trái hồng của thuở má sinh tiền.

Con nói láo để má dùng khi đau yếu.

Của một thuở nhà mình túng thiếu.

Cơm bo bo, rau độn, cá kho khô.

Nhìn má gầy nhom , già yếu, ốm o.

Mà mấy đứa quá nghèo không giúp được.

Má ra đi mấy chục năm về trước

Mà nhìn trái hồng mềm, con khóc má ơi!

Thương mẹ già tiện tặn cả đời.

Áo rách sờn vai, quần khâu nhiều chỗ

Đồ mới may tặng người đi ăn giỗ.

Vẫn mỉm cười vui đã giúp được người.

Chăm con của chồng mấy đứa. Cực mà vui.

Con cũng là con, cùng cha huyết thống.

Má của con bà mẹ quê chính cống

Như trái tim Phật Bà,như Bồ Tát hiện thân.

Con chấp hai tay, khấn vái ân cần.

Nguyện Chư Thiên phò hộ, mẹ hiền siêu thoát.

 

Nguyễn thị Thêm.

02/12/15

 

15 Tháng Tám 2014(Xem: 28222)
Chuyện cổ tích của con kể bắt đầu bằng ngày xưa con có ba, ngày xưa con có má, ba má là mãi mãi ... là cho đi không đòi lại bao giờ ...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 25442)
GS. Nguyễn Xuân Hoàng giảng bài say sưa, trong đam mê dù triết học hay văn chương,... Vị thầy mà khoảng cách thời gian lớn hơn chúng tôi độ một giáp...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 24760)
Biết đến bao giờ tôi lại trở về? Để được sống yên bình ngắm hàng phượng vĩ vào mỗi mùa Hè, và sống lại thời xưa cùng các bạn vui chơi những ngày Hè thong thả....
14 Tháng Tám 2014(Xem: 15001)
Và trong lòng thì trời ơi, tôi muốn đi biết là chừng nào, nhưng không tìm ra lối. Những nơi đi được thì đã nghẹt người, đành quay lại.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 25147)
"Mẹ mày có khỏe không?' Ông ơi! câu hỏi ngọt ngào này của ông làm tôi vui biết mấy. Tôi khỏe lắm ông à! Tôi sẽ nắm tay ông, cùng ông đi cho hết đoạn đường trần gian.
09 Tháng Tám 2014(Xem: 29156)
Xin mượn những dòng này để làm món quà dâng lên Mẹ của chúng con. Cầu mong Mẹ luôn được thân tâm an lạc để tụi con có dịp đền bù phần nảo những hy sinh Mẹ đã dành cho tụi con.
06 Tháng Tám 2014(Xem: 23278)
Những ước muốn thật xanh, thật đẹp đã dường như liên kết “mây khói” với hiện thực cuộc đời. Ai bảo”Người đi trên mây” dửng dưng? Kính thăm Thầy – xin cầu chúc mọi sự an lành thanh thản.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 15248)
Và những phát biểu của đại diện gia đình thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Nhà văn Nguyễn Tường Thiết đại diện gia đình Nhất Linh, Giáo sư Minh Thu đại diện gia đình Hoàng Đạo, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang đại diện gia đình Thạch Lam…
05 Tháng Tám 2014(Xem: 15281)
Tôi ngồi nghe, lặng người. Tôi biết tình trạng sức khỏe của anh tôi kéo dài từ Bảy Hai đến nay đã là những ngày nằm chờ chết. Có lẽ anh đã chết từ những ngày Sài Gòn vừa mất, khi các con anh bị bắt đi học tập cải tạo, và cả chính anh cũng bị chính quyền mới cho người đến tận nhà điều tra xem bệnh thật hay giả, có đủ sức đi học tập cải tạo không.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 20986)
Tiễn chân Quỳnh Giao về bên kia thế giới. Tôi lại nghĩ đến đời người, duyên và nghiệp. Quỳnh Giao là con chim quý đã có một phước báo từ kiếp trước nên tiếng hát đi vào lòng người.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 28083)
Khi tôi viết những dòng này thì đại diện gia đình đang chuẩn bị để lên những chuyến bay về tham dự buổi lễ gắn lon Chuẩn Tướng cho Việt
31 Tháng Bảy 2014(Xem: 17999)
Hoàng ngồi trên xe lăn, tóc bạc trắng, áo pull đen, gầy yếu, thăm thẳm, tôi nghe thấy hơi ấm mỏng len qua những ngón tay của hai đứa tôi xiết nhẹ.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 17369)
Ngồi trong tòa soạn báo Việt Tribune, chúng tôi vẫn hồn nhiên “mày tao”. Như những ngày Văn Học năm xưa. Có chi thay đổi đâu! Tôi muốn mượn câu thơ của Phạm Nhuận để tặng Nguyễn Xuân Hoàng.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 15303)
Hai người phụ nữ ôm chầm lấy nhau. “Cô có khỏe không? Em bé tên gì vậy cô? Em dễ thương quá!” Tám ẵm bé lên, áp má mình vào má bé.
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 18375)
Với nữ lực của Vy, chắc chắn tác giả Người Đi Trên Mây sẽ luôn bước trên những đám mây mịn màng, bồng bềnh, thư thái nhất giữa nụ cười e lệ ...
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 22670)
Quỳnh nhắc lại chuyện tối qua, khi cả xóm bị khích động bởi tiếng kêu la giữa khuya của căn nhà đâu lưng bên kia hẻm.
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 23219)
Nguyễn Xuân Hoàng là người nghệ sĩ đích thực, nhưng tư chất nhà giáo đặt ra những giới hạn không thể vượt qua cả trong cuộc đời lẫn trong nghệ thuật. Hình như A. Camus bảo nghề giáo là chỗ sa lầy ...
19 Tháng Bảy 2014(Xem: 20439)
Ông lại nghĩ đến người nghèo ở VN và những ngôi nhà bạc tỉ, dát vàng lộng lẫy. Ông nghĩ đến dàn khoan đang chễm chệ ngoài khơi và lời nói trịnh thượng của đại diện Trung Cộng.
18 Tháng Bảy 2014(Xem: 23112)
Xin được một lời cám ơn Thầy, cám ơn Cô. Cám ơn quý anh chị và các bạn đã thực lòng với trường xưa, cùng góp bàn tay mang bao nụ cười, niềm vui nhiều kỷ niệm trên hai chuyến đi về.
17 Tháng Bảy 2014(Xem: 30165)
Mừng anh thêm một tuổi, anh thương yêu, bây giờ tháng bảy, Hồn em, quà mừng sinh nhật, tay anh giữ đã từ lâu.