Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - QUÀ CHO MẸ NHÂN LỄ VU LAN

09 Tháng Tám 20141:26 SA(Xem: 29158)
Nguyễn Trần Diệu Hương - QUÀ CHO MẸ NHÂN LỄ VU LAN


QUÀ CHO MẸ NHÂN LỄ VU LAN

hoa hong do

Thời thơ dại, con gái chơi bán hàng, chơi nấu ăn bằng mấy mẫu đồ chơi nhựa đủ màu: ly, chén, muỗng, nĩa, tô, dĩa, nồi niêu… làm rất khéo, trông giống như đồ thật thu nhỏ lại.

Chúng tôi mỗi đứa nấu một món, bắt chước những món ăn mình được Mẹ nấu hàng ngày. Lá bông giấy cắt nhỏ làm rau mồng tơi, những mụt măng non mới nhú làm mướp hương, tôm khô là hoa dâm bụt màu đỏ vo nhỏ. Chỉ có món gỏi đu đủ là giống như thật cũng là đu đủ non xắt thành sợi, trộn đậu phụng rang giả nhỏ. Có hôm, chúng tôi còn lén lấy lạp xưởng thật nướng lên, trộn chung, nhìn hấp dẫn như thật.

Tất cả những điều đó chúng tôi học lóm từ Mẹ, từ những món ăn hàng ngày. Mẹ nuôi chúng tôi lớn không phải chỉ bằng thực phẩm mà còn bằng tấm lòng của một bà Mẹ. Mẹ chỉ cho chúng tôi hình ảnh con chim mẹ mớm mồi cho con chim con trong tổ, chim non càng lớn lông cánh phởn phơ, chim mẹ càng xơ xác. Rồi Mẹ chỉ cho chúng tôi hình ảnh con gà mái vừa đẻ trứng, xù lông cánh, gầm lên dữ tợn, tuyệt vọng khi người ta lấy trái trứng còn nóng hổi ra khỏi ổ của nó. Và hình ảnh con mèo mẹ thất thần, dáo dác tìm kiếm khi về lại ổ thấy mất đi một con mèo con.

Bên cạnh lời nói, Mẹ còn dạy chúng tôi bằng hình ảnh và gương sáng: sự hiếu thảo của Mẹ với bà ngoại và cả bà nội. Chúng tôi lớn lên trong suối nguồn yêu thương và sự hy sinh vô bờ của Mẹ chúng tôi, cũng như những bà mẹ Việt Nam, những bà mẹ đủ mọi màu da.

Phong tục Việt Nam không có kiểu bày tỏ tình cảm lộ liễu như phong tục của người Mỹ nhưng tôi tin người Việt Nam thương Mẹ sâu đậm hơn mặc dù không có kiểu nói "I love you". "You are the love of my life" như người Mỹ. Vì những bà Mẹ Việt Nam trong nhiều thập niên không chỉ "vượt cạn một mình" mà còn nuôi con một mình trong chiến tranh, và ngay cả trong hòa bình khi cả trăm trại cải tạo mọc lên từ Bắc vô Nam để giam giữ những người vô tội.

Cứ nhìn một người Mẹ VN gầy yếu, mong manh, gánh hai đứa con nhỏ ở hai đầu thúng chạy giặc, lại còn chạy nhanh hơn những người khác đi tay không mới thấy tình mẫu tử làm người ta mạnh như thế nào. Hãy tưởng tượng một bà Mẹ Việt Nam gầy ốm chưa đến 40kg, tóc bạc phơ tay xách nách mang vựơt dốc thăm con trong lao tù cải tạo mới thấy lòng Mẹ thương con vô bờ.

Có một lần trong thời thơ dại, tôi đi theo Mẹ lên trại tù Gia Trung ở Gia Lai thăm Ba đang bị "cải tạo” ở đó. Chuyến đi có bà cụ thân sinh của một người bạn tù của Ba đi cùng. Vợ của chú đang nằm bệnh viện, đến ngày được phép thăm nuôi (nếu tôi nhớ không lầm mỗi năm chỉ được đi thăm một lần), bà cụ lúc đó đã ngoài bảy mươi, lặn lội đi thăm con. Con dâu của cụ gởi gấm cụ cho Mẹ tôi. Đường đi vào trại cải tạo Gia Trung (đúng ra phải gọi là trại tù, hay "tầng đầu địa ngục” như ngôn ngữ của Nhà Văn người Nga Aleksandr Isayevich Solzhenitsy) đường vừa dốc, vừa lồi lõm, trời nắng chang chang, không một bóng cây, không một ngọn gió. Một người trẻ đi tay không gần hai cây số chắc cũng "mệt cầm canh, thấy đủ 36 ngôi sao giữa ban ngày”. Vậy mà bà cụ, tay xách nách mang thức ăn, thuốc men thăm nuôi cho ông con trai là cựu Sĩ quan QLVNCH, đi thoăn thoắt, tôi đi còn chậm hơn bà. Vì nôn nóng muốn gặp con, và vì tình thương của một người mẹ, bà cụ không thấy mệt. Bận về, bà cụ hầu như lê từng bước một cách mệt nhọc, có lẽ vì đường xa thấm mệt, bao nhiêu sức lực đã dùng hết ở lượt đi. Mà cũng có lẽ vì hình ảnh ốm o gầy mòn, râu tóc lốm đốm bạc của ông con trai ở tuổi chưa đến 40 mà hốc hác như một ông lão sáu mươi làm bà cụ suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác. Bà đã nói với Mẹ tôi với cặp mắt ngấn lệ :

- Giá mà người ta cho tôi ở tù thay cho anh ấy.

Câu nói đó tôi đã nghe nhiều lần từ nhiều cụ bà khác nhau, và cả từ chính bà nội của tôi. kèm theo những tiếng thở dài nảo ruột vào cuối thập niên 70. Những bà Mẹ Việt Nam tóc đang mới chớm màu tiêu muối bỗng bạc trắng trong một vài ngày mặc dù không phải bận lòng đến quốc gia đại sự như Ngũ Tử Tư ngày xưa.

Lúc đó còn nhỏ tôi chỉ thấy câu nói đó là một ước muốn không thể thực hiện được. Sau này, lớn khôn, tôi hiểu đó còn là một biểu hiện của "lòng mẹ bao la như biển Thái bình rạt rào".

Trong mắt của các bà mẹ, con của mình dù lớn đến đâu, dù đã thành ông to bà lớn, vẫn mãi mãi là một đứa con nhỏ cần được chở che, bảo vệ. (Như bà Barbara Bush đã nhấc điện thoại la mắng, nhắc nhở con trai của mình phải ăn uống từ tốn cẩn thận hơn khi ông Tổng thống thứ 43 của Mỹ đang tại chức bị nghẹn vì một miếng bánh pretzel).

Như bao bà mẹ khác trên đời, Mẹ chúng tôi cũng vậy, câu "kinh nhật tụng" chúng tôi nghe không còn nhớ là bao nhiêu lẩn hồi còn nhỏ dại:

"Tụi con khỏe manh, ngoan ngoãn, học giỏi là phần thưởng lớn nhất cho Mẹ, Mẹ không dám đòi hỏi thêm điều gì!''

Ngày chuẩn bị đưa chúng tôi vượt biển, mỗi tối bên cây đèn dầu, "kinh nhật tụng" của Mẹ trở thành:

"Sau này ở xứ lạ quê người, có muốn trả hiếu cho cha mẹ thì phải cố gắng mà học hành, sống cho đàng hoàng, đừng đua đòi ham chơi."

Khi trưởng thành, ở xa Mẹ cả một đại dương, câu nói kết thúc sau mỗi lần chúng tôi nói chuyện với Mẹ qua điện thoại vẫn là :

"Tụi con khỏe mạnh, công ăn việc làm tốt đẹp, anh chị em khi nào cũng biết đoàn kết, thương yêu nhau là Mẹ vui lắm rồi, Mẹ không cần điều gì khác".

Lúc còn trẻ, Mẹ hy sinh mọi thứ, mọi nhu cầu của mình để chìu theo những đòi hỏi trẻ con của chúng tôi. Hình như với bất cứ một người Mẹ nào nhu cầu của chính bản thân luôn là thứ yếu, đứng sau nhu cầu của con cái. Bầy con còn dại, chưa biết nghĩ suy, cứ mở miệng đòi hỏi hết thứ này đến thứ khác. Và tận hưởng suối nguồn yêu thương ngọt ngào của Mẹ mà nhiều khi không biết mình đang có một tình thương vô bờ của Mẹ.

Khi Ba Mẹ qua Mỹ thăm chúng tôi, giữa một đất nước văn minh, giàu mạnh, hàng hóa đầy ắp thu hút du khách mọi nơi trên thế giới, Mẹ chỉ muốn ở nhà nấu những món ăn chúng tôi thích. Những món ăn Việt Nam bình thường nhưng chúng tôi ăn thấy ngon hơn cả các món ăn được nấu bởi những tay đầu bếp cừ khôi, chuyên nghiệp. Vì đã trưởng thành, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng của Mẹ gởi theo từng món ăn. Mỗi món ăn do chính tay Mẹ nấu khi tóc đã ngả màu sương khói luôn đem chúng tôi về với một thời thơ dại bình yên lúc cả nhà còn đoàn tụ đông vui, hay ngay cả lúc Mẹ ngược xuôi bươn chải nuôi chồng ở trong tù và nuôi con một mình.

Không phải là "mùa nào thức ây" mà "đứa nào món ấy", Mẹ hiểu tính nết từng đứa con. Thời thơ dại đi học về, lúc trưởng thành đi làm về, trên bàn có món ăn đúng ý mình do chính tay Mẹ làm, ăn ngon hơn cao lương mỹ vị trên đời, tưởng là mình đã rất hạnh phúc. Nhưng nhìn vẻ hài lòng, hả hê trong mắt Mẹ, chừng như Mẹ còn hạnh phúc hơn cả mình.

Mãi đến lúc nửa đời người chúng tôi mới hiểu Mẹ là người quan trọng nhất trên đời, là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời ban cho mỗi chúng tôi. Không chỉ đợi đến lễ Vu Lan được cài một hoa hồng đỏ trên áo, tôi vốn không mê đồ trang sức, vẫn có những cái pink cài áo hình hoa hồng, và ít nhất là bốn đôi bông tai hoa hồng để mang quanh năm, không phải để làm dáng mà để tự nhắc mình vẫn có được diễm phúc còn Mẹ trên đời, còn có người thương yêu mình vô điều kiện.

Xin mượn những dòng này để làm món quà dâng lên Mẹ của chúng con. Cầu mong Mẹ luôn được thân tâm an lạc để tụi con có dịp đền bù phần nảo những hy sinh Mẹ đã dành cho tụi con. Xin cùng các em, hứa với Mẹ những lời dạy của Mẹ, "những câu kinh nhật tụng" tụi con nghe hoài không chán sẽ theo tụi con suốt cuộc đời.

Nguyễn Trần Diệu Hương

Vu Lan 2014

19 Tháng Chín 2014(Xem: 23028)
Cầu nguyện ơn trên trong giấc ngủ an lành, dẫn đưa hương linh của Thầy sớm về cõi Phật.
18 Tháng Chín 2014(Xem: 26244)
Hóa ra, anh và Nguyễn Xuân Hoàng dù rất khác nhau về nhiều điểm nhưng quả đã chung một điều - Cả hai chưa hề nói với nhau về văn chương, chữ nghĩa,
16 Tháng Chín 2014(Xem: 24800)
Sáng nay một lần nữa tôi lại cảm nghiệm được lẽ vô thường của đời sống khi vào thăm Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, Thầy dạy Triết của các đàn anh đàn chị Ngô Quyền , Thầy dạy văn chương của tôi.
15 Tháng Chín 2014(Xem: 16867)
Tác giả của “Người Đi Trên Mây” và của “Bụi Và Rác” đã trở về với cát bụi trong sự thương yêu, luyến tiếc của các thân nhân, bạn hữu, bạn văn và các cựu học sinh từng một thời ngồi trong lớp học của “thầy Hoàng.”
13 Tháng Chín 2014(Xem: 30867)
Bốn mươi bốn năm đời sống hôn nhân, bao nhiêu lần em nuốt nước mắt vào lòng câm nín. Niềm riêng canh cánh bên lòng em không thể nói với ai.
13 Tháng Chín 2014(Xem: 24943)
Đường đời dù muôn ngàn lối rẽ – từng xô dạt “ ngũ long” trôi tận cuối đất cùng trời – thì vẫn còn có ngày, nhóm “ngũ long” chúng mình cùng lúc tìm về thăm bến sông xưa…
12 Tháng Chín 2014(Xem: 29399)
Không cần xem lịch hoặc đọc báo, cũng không cần bước ra ngoài sân hoặc lên “nét,” tôi vẫn biết mùa thu đang đến qua ánh mắt buồn hiu hắt của vợ.
11 Tháng Chín 2014(Xem: 38238)
Viết cho Nguyễn Xuân Hoàng - người bạn đã một thời cùng chung dưới mái trường của Platon, hiện đang ở bên bờ tử sinh.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 18677)
Tối hôm qua mưa ào ạt tới hai lần. Một lần vào lúc nửa đêm và một lần vào lúc gần sáng. Mưa bay qua cửa sổ tạt ướt chỗ nằm ta đánh thức cơn mê ngủ quá khứ, khơi dậy những hoài niệm tưởng đã chết.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 16739)
Hai tay đặt lên trên mặt bàn, chị Thúc nhìn chăm vào tờ giấy. Tôi có cảm tưởng như chị không còn nghe thấy gì ngoài những dòng chữ trên tờ giấy đã viết sẵn kia đang ám ảnh đầu óc chị.
04 Tháng Chín 2014(Xem: 14491)
Hắn bỗng đổi cách ngồi, thả một chân xuống ghế, mặt chồm về phía tôi. Hơi thở hắn nồng nặc mùi thuốc lá nặng.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 22547)
Để trân trọng những kết quả sau cùng hiện tại là một mái ấm gia đình bền vững, viên mãn. Anh chị Phương & Loan đã làm được điều đó để cuộc sống vợ chồng luôn tươi mát và nhiều màu sắc.
29 Tháng Tám 2014(Xem: 16908)
Nhưng mà tôi vui, vì tôi biết rằng từ nay tôi sẽ không còn phải đứng trên bục gỗ nói những điều hoàn toàn trái nghịch với những gì tôi đã từng nói trước đây cũng trên cái bục gỗ ấy.
28 Tháng Tám 2014(Xem: 20790)
Cho nên cái áo lính do vải, do hồ, do nhiều thứ của một thời chinh chiến cộng lại. Quyện với mồ hôi chồng tui cho tui có những hồi ức đẹp khó quên trong đời.
27 Tháng Tám 2014(Xem: 13531)
“Chị nên nhớ, cả gia đình chị là một ổ phản động. Chồng chị và hai con trai chị đều là sĩ quan ngụy, có nợ máu với nhân dân. Rể chị, chồng của cô Thùy đây là một viên chức ngụy quyền.
23 Tháng Tám 2014(Xem: 30316)
Năm nay, lần thứ ba tôi về họp mặt với những người yêu tiếng Việt, những người muốn tiếng Việt ngày càng phát triển theo chiều hướng đi lên ngay cả trên quê người.
22 Tháng Tám 2014(Xem: 33312)
hai em đã tô điểm cuộc sống bằng chữ tâm với lời nhắn nhủ, con người sống trên đời cần có một tấm lòng….
22 Tháng Tám 2014(Xem: 27875)
Cái góc bếp ấy thật là dễ thương. Nói không phải nhiều chuyện. Đó là nơi phát nguồn vui buồn và sự hưng thịnh của một ngôi chùa.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 16503)
Tôi trở về Nhà Từ Đường sau 15 năm đi xa. Thật ra con số 15 năm là không đúng. Nó chỉ đúng tính theo ngày tôi bỏ nước ra đi, chứ không đúng tính từ ngày tôi trở lại Nhà.