Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Bùi Tuyết Mai (Em9) - HƯƠNG QUÊ NHÀ

18 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 146961)
Bùi Tuyết Mai (Em9) - HƯƠNG QUÊ NHÀ


HƯƠNG QUÊ NHÀ

bong_man-large-content

 

Cây mận tôi trồng năm nay trổ bông trắng xóa, đơm kín hết các cành cây, ngày nào tôi cũng dành một chút ít thời gian để ngắm nó. Tôi thích nhất là được ngắm bông mận vào lúc chạng vạng, nhìn gần bông mận, nó giống như một bình hoa nhỏ được người ta treo lên cành cây để trang trí, còn khi nhìn bông mận xa xa, khi ấy, tôi thấy nó giống như những pháo bông mà người ta hay bắn lên trời, tỏa ra từng chùm, từng chùm bông hoa vào những dịp lễ tết.

Cây mận (với tôi) duy nhất là cánh cửa của thiên đường, mà tôi muốn vào lúc nào cũng được.

Vào những buổi trốn giấc ngủ trưa, tôi trèo lên cây bằng một cái ghế con để ở dưới gốc, mà khổ nổi, tôi đâu có dám trèo cao, chỉ trèo lên được tới những cành cây mọc ngang mái nhà mình, hái những chùm mận đỏ trĩu cành... Ở đó, có khi tôi ngồi rất lâu trên đám lá đã khô, rụng đầy trên mái tôn, với chung quanh là lá là hoa, là những nhánh cây là đà ngang vai ngang mắt, và trên cao văng vẳng những tiếng kêu của lũ chim gọi nhau…. tôi ngồi đó, cho hương bông mận ướp lấy mình và mơ ước lung tung...

Và giấc mơ tôi chỉ ngừng lại, khi tôi bắt gặp hai thằng nhóc nhà bên cạnh, chắc là cũng trốn giấc ngủ trưa như tôi, đang đứng ở lan can lầu nhà tụi nó, dùng cây khèo trộm mận nhà mình...

 

Nhà tôi xưa kia ở gần ngả tư đường, một hướng đi về đường Nguyễn Hữu Cảnh (nếu tôi nhớ không lầm tên đường), mà đi miết chút nữa sẽ gặp vòng tròn bùng binh, nhìn qua bên trái là nhà thờ Biên Hòa, còn bên phải là nhà Bảo Tàng. Cũng song song với đường này, cách một vườn bông nhỏ (hồi xưa kìa, chứ giờ người ta phá bỏ nó lâu rồi), là đường đi thẳng vào chợ Biên Hòa, với đủ thứ món ăn, mà hồi xưa tôi thường hay ngồi chồm hổm ăn hàng …

 

Còn hướng ngược lại là đi về Cây Chàm, con đường có ngôi trường mang tên Nữ Tiểu Học, nơi tôi đã từng ê a với những bài học vỡ lòng. Hai hướng còn lại, một hướng đi về Thành Kèn, có xóm Hoa Lư với nhiều bạn học cùng lớp tôi ở đó. Và ngược lại đường này, là hướng đi về nhà tôi, đi thêm nửa trên con đường này, sẽ gặp rạp hát Vạn Khánh Hưng, sẽ đi qua một bến xe ngựa nằm gần ngôi trường Dục Đức dành riêng cho người Hoa, rồi lại gặp chợ mà người ta còn gọi là chợ Mới, và đi đến cuối con đường nhà tôi là dẫn tới bờ sông …

Trên cùng dãy lề đường này, buổi sáng có xe bán bánh ướt, có xe phở bán ngay trước cửa nhà tôi, rồi còn xe bán đậu xanh, đậu đỏ bánh lọt, sương sâm, sương sáo ăn với đá nhận, có xe sinh tố nữa chứ, món nào khi nhớ lại, tôi vẫn còn nghe rất rõ cảm giác ngon lành… Nhớ ơi là nhớ, mỗi buổi sáng ôm cặp đi học ngang qua xe phở ở trước nhà mình, mùi nước lèo từ thùng phở bốc lên sực vào mũi, làm tôi hít lia lịa như muốn để dành. Đã vậy, tôi còn đi ngang qua xe bánh ướt, mùi thơm ngậy của mở hành phi, của bánh tôm chiên, làm tôi bắt thèm suốt buổi trong lớp học…

 

Buổi trưa tan trường, từ cổng trường Nữ Tiểu Học chúng tôi băng ngang đường an toàn bởi hàng dây được các cô cầm chăng ngang đường, tôi cùng các bạn xếp hàng đi dọc theo lề đường phải, về tới ngang ngả tư thì mấy bạn làm trật tự cho tan hàng (hôm nào được cô phân cho làm trật tự, tôi thích chí lắm, thấy mình oai ra phết, khi tất cả các bạn phải đi trong hàng, còn mình thì không, trên tay áo đeo băng đỏ, thỉnh thoảng lại còn được la lớn: “bạn kia, đi vô trong hàng.”), tôi men theo lề phải, chừng năm mười bước chân nhảy sáo, là tôi đứng trước lò bánh mì Tuyết Mai, đối diện với nhà tôi, và tôi lại được ngửi mùi thơm nóng hổi của bánh mì mới ra lò. Lúc ấy, tôi chơi thân với hai người bạn láng giềng đều trùng tên với mình, chỉ khác duy nhất có cái họ, lớn lên, mỗi người một ngã …

 

Và tôi cũng nhớ đến bật cười một mình, những hôm được má cho tiền, chạy ra đĩnh đạc ngồi trước xe đá nhận, kêu bán cho mình ly đậu xanh đậu đỏ bánh lọt, sắp được ăn rồi, vậy mà vẫn thấy thèm thuồng không thể ngăn được, khi chỉ mới vừa thấy người bán dùng muỗng, xắn một miếng đậu xanh bắt đầu bỏ vào ly cho mình…

 

Thiên đường của tôi còn có dì chuyên bán chè bà ba, dì bán sương sa hột lựu, dì bán tàu hủ đường, cũng cứ đúng đâu cở khoảng 11, 12 giờ trưa là mấy dì gánh tới, đặt gánh xuống, ngồi chệch cửa nhà tôi, gần ở lề đường, giở nắp nồi ra, và trời ơi, ngay cả đến bây giờ tôi cũng không thể quên được những mùi hương của nó, cái mùi của nước dừa, của những hạt đậu xanh bùi bùi, sao mà đượm nồng ngan ngát của chè bà ba, mùi gừng cay cay lẫn với mùi đường ngọt ngào của nồi tàu hủ, và mùi thơm nhẹ nhàng thoang thoảng của hột lựu sương sa... đã ru ngon tuổi thơ tôi, cho tôi khư khư ôm theo vào đẫy giấc trưa lành.

 

Chao ơi, còn buổi tối đến, hôm nào được má cho tiền là chạy xuống nhà Dì 2 hát bóng (chắc tại nhà dì ở sát ngay phía sau rạp hát vạn Khánh Hưng) để mướn xe đạp chạy theo giờ. Tôi nhớ lũ trẻ nhỏ ngang cở tôi nhiều lắm, có lẽ từ ở xóm Hoa Lư, đều đến nhà dì 2 hát bóng mướn xe để chạy, vui lắm nha, tôi nhớ cái hình ảnh của chính tôi ngó qua ngó lại, xem coi có ai thấy tôi biết chạy xe đạp không nè…

Còn khi đến mùa dế, tối nào tôi cũng chạy qua nhà thằng Hải, thằng Mỹ (tôi muốn được gọi vậy, kỷ niệm của tuổi thơ tôi) cạnh sát nhà tôi, để bắt dế. Trước nhà tụi nó có đặt tấm bảng hiệu “Nhà May Mỹ Dung”, cạnh cây đèn đường. Dế tụ bay ở chỗ này nhiều ơi là nhiều, hôm nào thuận thảo thì thôi, còn không thì tụi nó không cho tôi được qua nhà tụi nó bắt dế, không được ngồi chơi ở phía dưới khoảng trống của tấm bảng hiệu “Nhà May Mỹ Dung”, không được kể cả đứng kế bên chiếc xích đu (mà tôi thì thích ơi là thích khi được ngồi đong đưa trên đó) của tụi nó đặt trước sân nhà…

Nhiều hôm đứng bên nhà ngó thấy dế bay nhiều quá, gáy vang lừng hết cả khoảng sân, mà hộp để dành đựng dế của mình trống trơn, thôi tôi đành chạy qua năn nỉ tụi nó để được chơi chung, để được bắt dế cho mình. Tôi không thích chơi trò chơi đá dế, tôi chỉ thích dùng cọng cỏ non khều khều, để lũ dế gáy re re cho tôi nghe …

Chỉ có cái bông mận nhỏ xíu thôi, mà tôi đã đi qua được mấy cửa thiên đường rồi...

Và tôi chỉ cần có thế, cây mận với tôi chứa đầy kỷ niệm, những khi mệt nhoài, nó như chiếc gối êm ái để tôi ngã đầu hồi tưởng, để tôi tìm về … để tôi cho ký ức thong dong chạy dài trên cánh đồng mộng tưởng của riêng mình, dẫu cho nhiều lần tôi bị trượt ngã sóng soài, vì cố chạy theo những dấu yêu thơ cũ… trượt ngã không trầy sướt, không thâm bầm, nhưng sao tôi vẫn nghe đau?

 

Có lẽ ai cũng có một thiên đường cho riêng mình, để được ôm chặt, để được hít thở cho căng tràn hết lồng ngực những kỷ niệm xưa và để được mênh mông khôn nguôi… nhưng đầy bình yên!

Khoảnh đất tuổi thơ tôi nhỏ bé nhưng hết sức diệu kỳ. Tôi muốn được dang tay ôm lại nhiều lần, ôm thật chặt… Bởi tôi sợ mai đây, tôi sẽ tiếc ngậm ngùi!

Tôi phải bước ra rồi… nhưng cửa ngõ thiên đường tôi không đóng… tôi chỉ khẽ tay khép cửa thiên đường …

Thương tặng tất cả những người hiện diện trong tuổi thơ tôi.

 

August 05, 2012

hinhem_9-content

Bùi Tuyết Mai

09 Tháng Hai 2009(Xem: 74670)
Bài sưu tầm này được viết vào tháng 4 năm 2004, tức là 48 năm sau ngày trường Ngô Quyền được thành lập vào năm 1956, và chỉ được căn cứ vào trí nhớ của các ông Phan Thanh Hoài, Kiều Vĩnh Phúc, Lê Hồng Sanh, và cựu học sinh Đào Văn Công (khóa đầu tiên). Do đó, không khỏi thiếu sót về thành phần nhân sự giảng dạy, văn phòng v.v…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 91031)
Năm mươi ngọn nến hồng đang rực sáng, hân hoan mừng phút giây hạnh ngộ, trùng phùng. Hãy cùng nhau sớt chia, gìn giữ vì ngọt bùi nào rồi cũng sẽ chóng qua…
04 Tháng Hai 2009(Xem: 88209)
  Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.
03 Tháng Hai 2009(Xem: 80809)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74274)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65833)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78688)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68886)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76302)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76941)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 74017)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 74122)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72851)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72198)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75625)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74427)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80576)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74296)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 76148)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69485)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.