Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Đỗ Công Luận - NGƯỜI THẦY DẠY VIỆT VĂN VÀ ĐỨA HỌC TRÒ THÍCH LÀM THƠ

07 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 125238)
Đỗ Công Luận - NGƯỜI THẦY DẠY VIỆT VĂN VÀ ĐỨA HỌC TRÒ THÍCH LÀM THƠ

NGƯỜI THẦY DẠY VIỆT VĂN VÀ ĐỨA HỌC TRÒ THÍCH LÀM THƠ


thay_quynh-content

Thầy Phạm Ngọc Quýnh


Sau khi học xong bậc tiểu học ở Chợ Đồn, niên học 1962-63, tôi nộp đơn dự thi vào lớp đệ Thất trung học công lập Ngô Quyền. Kết quả không được như mong muốn của bản thân và gia đình. Tôi phải học một năm đệ Thất ở trường tư thục Minh Tân để năm sau dự thi lại vào NQ. Bởi vì, nếu lúc đó được học ở trường trung học công lập duy nhất của tỉnh lỵ Biên Hòa là điều hảnh diện. Ăn Tết xong, tôi đã ôn tập bài vở, học luyện thi với ý chí cao để được "bảng hổ đề danh". Tôi đã được đền đáp xứng đáng, đậu thứ hạng 6 trong tổng số trên hai trăm học sinh được chọn. 

 
Tôi được nhà trường xếp vào lớp đệ Thất 3 Pháp văn, toàn là nam sinh. Có lẽ đã học qua một năm đệ Thất ở trường Minh Tân, kết quả học tập năm đó tôi có thứ hạng cao trong lớp. Đầu niên học 1964-65, lên đệ Lục, thầy Đặng Ngọc Thiềm được bổ nhiệm về làm giám học mới, chuyển 14 học sinh giỏi lớp Thất 3 sang Lục 1, và số nam sinh Thất 1 sang Lục 3, vì vậy số còn lại là nữ sinh. Tôi lại gặp lại một số bạn nữ đã học chung với tôi thời tiểu học ở Chợ Đồn. Năm đệ Lục, đệ Ngũ trôi qua, tôi học tập đều đặn và có thứ hạng trong lớp.

 
Niên học 1966-67, lớp đệ Tứ 1 của chúng tôi đang ở giai đoạn cuối của trung học đệ nhất cấp, để năm sau lên đệ nhị cấp, làm người lớn. Đó là lứa tuổi 16 trăng tròn, tuổi bắt đầu biết mơ mộng. Theo chủ trương của Bộ Giáo Dục, niên khóa 1966-1967, là năm đầu tiên bỏ thi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp, chỉ lấy kết quả bốn năm học để xét tuyển cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Lớp đệ Tứ 1 của chúng tôi do thầy Phạm Ngọc Quýnh làm giáo sư hướng dẫn, Thầy kiêm dạy luôn môn Việt văn. Tôi nhớ rõ, lúc đó thể trạng thầy cao, gầy. Thầy đứng trên bục giảng, mặc quần tây dài còn thấy rộng thùng thình, sợi dây nịt bó sát vào lưng. Bù lại, Thầy có đôi mắt sáng tinh anh. Thầy giảng bài rất lôi cuốn học sinh, giọng Bắc chuẩn, tiếng nói rất thanh, cuối lớp còn nghe rõ. Dù rằng không bị áp lực về thi cử, nhưng do năm đó tôi có "để ý" cô bạn chung thời tiểu học, bây giờ lại chung lớp, nên tôi cố gắng học tập để không thua chị, kém em.

Có lẽ với phong cách giảng bài lôi cuốn của Thầy và sự cố gắng học tập của tôi, năm đó tôi đứng đầu lớp môn văn. Kết quả học tập cuối năm, tôi đứng thứ hạng ba trong lớp, có lẽ kết quả một phần nhờ mãnh lực tình yêu. Trước ngày tổng kết năm học ở trường và “chia tay phượng nở, sang hè", Thầy đã tổ chức tiệc cuối năm cho cả lớp. Với tính cách người thầy nhiều năm đứng trên bục giảng, Thầy muốn buổi tiệc chia tay lớp của chúng tôi thật ấn tượng và có ý nghĩa. Cũng có bánh trái, nước ngọt và văn nghệ tự biên, tự diễn. Thầy nói với cả lớp:


- Sang năm các em lên đệ Tam, phân chia ra nhiều lớp theo các ban A, B. Mỗi em chuẩn bị một món quà lưu niệm, rồi đánh số. Em nào bắt thăm được số nào, nhận món quà theo số đó. Đó là kỷ niệm của bốn năm đệ nhất cấp.

 
Vì không có sự chuẩn bị sẵn, tôi chọn đại một bản nhạc trong xấp nhạc do Võ Hà Mỹ mang đến. Bản nhạc có tựa đề NHỮNG KHUÔN MẶT HÔM NAY, không nhớ tên tác giả, do nam ca sĩ Duy Khánh trình bày. Ca sĩ này là thần tượng âm nhạc của tôi. Nội dung bài nhạc nói về tuổi trẻ và cuộc chiến quê hương. Tôi ghi vội mấy dòng chữ lưu niệm vào đấy. Kết thúc phần bắt thăm, tôi linh cảm người bạn gái của tôi nhận được kỷ vật nầy. Rồi chúng tôi chia tay, lên đệ Tam được sắp xếp sang nhiều lớp. Tôi vào đệ Tam B3, bạn gái tôi vào Tam B1, thầy giáo dạy Việt văn chuyển nhiệm sở. Thầy chuyển về làm Hiệu trưởng trung học Công Thanh. Thầy và trò không gặp nhau từ đó. Một khúc quanh của cuộc đời đối với tôi.

 
Năm học sau, ở lớp đệ Tam B 3, tôi gặp lại một số bạn Thất 3. Có một số bạn lên Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Giữa năm học, dịp Xuân về, chiến cuộc Mậu Thân xảy ra. Một số bạn bè tôi không đủ tuổi hoản dịch, phải vào quân đội, vào Đồng Đế, Quang Trung. Năm đệ Tam, trước bối cảnh đất nước, với sức học về văn, tôi tập tành làm thơ nói về thân phận quê hương. Tôi ký tên dưới bút danh THI QUỐC SẦU, như nổi buồn của quê hương. Nhớ lại kỷ niệm ở năm đệ Tứ, nhớ về bản nhạc năm xưa, tôi viết bài NHỮNG KHUÔN MẶT HÔM NAY, gồm bốn khổ thơ lục bát, kể về bốn thân phận.

 

TUỔI TRẺ

 Chưa tròn tiếng khóc chào đời.

 Tai nghe súng nổ thay lời mẹ ru.

 Lớn trong khói súng sa mù.

 Và quê hương mẹ mang tù chung thân.


 CHIẾN TRANH

 Mười năm cuộc chiến lớn dần.

 Bàn tay lửa máu đốt lần quê hương.

 Đàn con ra mặt chán chường.

 Cất cao tiếng hát mười phương cũng buồn.


 QUÊ HƯƠNG

 Từng đêm chớp bể mưa nguồn.

 Bom rơi, súng nổ, dậy hồn trẻ thơ.

 Ngày lên nét mặt bơ phờ.

 Ôi, quê hương đó từng giờ đạn reo.


 HỌC TRÒ

 Giả từ kiếp học trò nghèo.

 Bỏ nghiên, bỏ bút, lên đèo núi cao.

 Nằm đêm bên lũy chiến hào.

 Nghe hồn uổng tử thét gào trong đêm.

  THI QUỐC SẦU

Năm tôi học lớp đệ Nhị, Xuân Kỷ Dậu 1969, tôi gửi bài thơ này và được chọn đăng ở đặc san Xuân của trường. Trong đặc san Xuân năm đó, có một bài thơ của lớp đàn anh mà tôi lấy làm thích, có 8 câu tâm đắc nhất tôi còn nhớ rõ. Khi tập thơ VIẾT CHO KỶ NIỆM của tôi gửi lên một diễn đàn, anh Trần Minh Tâm, K.07 NQ, nhận ra tôi là lớp đàn em. Anh nói, anh là người chủ biên đặc san Xuân của trường năm ấy, nhưng người bạn đồng môn, tác giả bài thơ mà tôi thích, anh không nhớ rõ là bạn nào. Tôi xin mạn phép nhờ trang web Ngô Quyền chuyển tải mấy câu thơ này, nếu tác giả còn liên lạc với trang web NQ sẽ nhận ra tác phẩm tim óc của mình.

.......
Buổi sáng thức dậy mặt trời mù sương.
Không phận quê hương biến thành phi trường.
Từng chuyến bay đêm nghe lời quỉ dụ.
Người chết nhục nhằn dưới ruộng trên nương.

Buổi sáng thức dậy mở ra-đi-ô.
Tổng kết thiệt hại từ xưa đến giờ.
Địch đã phơi thây gần nửa triệu.
Một nửa triệu người, mấy triệu khăn sô.
.......

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, tôi vào quân đội. Khi ở đơn vị về thăm gia đình, tôi mới hay cô bạn gái lối xóm mà tôi đã "thầm yêu nhưng tình chưa dám ngỏ", vì chữ hiếu đã vâng lời mẹ sang sông. Tim tôi lúc đó dường như đã chuyển đổi sang màu đen, không còn màu đỏ tươi nữa. Trở lại với đơn vị, đối diện với hiểm nguy rình rập, những lúc cô đơn, suy tư, tôi nghĩ về em. Những bài thơ tình, nhưng bi quan, lại ra đời. Tôi nhờ quân bưu chuyển đến các tờ báo ở Sài Gòn. Em gái tôi đọc được, cắt ra, cất vào ngăn sách. Sau này, từ trại tập trung trở về với gia đình, vợ con, chẳng bao lâu, em gái đã trao cho tôi những bài thơ cắt từ trang báo, giấy đã úa vàng.

- Anh cất làm kỷ niệm cho đời.

Hơn ba mươi năm vì cơm áo gạo tiền, những bài thơ tôi đã để thất lạc đâu đó mà không tìm được. Nhưng trong bộ nhớ tôi thì cứ vẫn như in. Suốt khoảng thời gian đó cũng chẳng có bài thơ nào được ra đời. Hơn một năm nay, qua trang mạng, qua bạn bè, tôi tìm về kỷ niệm với bạn bè thân, cũng như tìm đến trang web Ngô Quyền, đồng hương Biên Hòa. Khi gánh nặng gia đình được tháo bỏ phần nào, khi các con cái đã trưởng thành, tôi có cuộc sống thong dong hơn. Những ý niệm về cuộc sống, kỷ niệm với bạn bè sau bao nhiêu năm nằm sâu lắng, giờ có dịp thức dậy trong tôi. Những bài thơ lại tiếp tục ra đời. Dịp Xuân Nhâm Thìn, có lẽ quá yêu nàng Xuân, một chùm thơ Xuân đến với tôi. Trên một diễn đàn, một vị thân hữu phụ trách trang web liên trường Vĩnh Long, trong đó có trường Tống Phước Hiệp, tongphuochiep.com , có cảm tình với tôi, đã trao đổi và chọn 4 bài thơ Xuân post lên trang web trường bạn. Người làm thơ cảm thấy hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình được quan tâm.

Dù không được như là Nguyễn Tất Nhiên, thi nhân đa tài bạc mệnh, với "thà như giọt mưa, vở trên tượng đá, có còn hơn không, có còn hơn không". Dù không như là Trần Trung Đạo với "đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười". Dù không được như là Lê Văn Nghĩa, bạn thơ của người bạn tôi quen trong tháng ngày nơi căn gác xếp của hẻm Nguyễn Thiện Thuật ở Sài Gòn.

 Em đã đi như lần em đã đến.
Dòng sông xưa nước vẫn cuộn sa mù.
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vảng.
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.


Nhưng tôi nghĩ những lời thơ của mình là trãi lòng ra với mọi người. Tôi đã cùng trái đất quay 61 vòng quanh quỉ đạo, còn bao nhiêu vòng nữa trước khi nhắm mắt xuôi tay. Đây là lúc trí óc còn minh mẫn, hãy vui lên theo ngày tháng còn lại trong đời. Có người bạn đã nói.
- Những bài thơ của Luận được in ra tập thơ, mình phải có bản đầu tiên.
Có người bạn đã hỏi.
- Tao không ngờ mầy có khiếu thơ văn.
- Tại vì năm đệ Tứ tao đứng đầu môn văn của lớp.

Thầy kính yêu của con, thầy trò ta đã không gặp lại nhau hơn bốn mươi năm qua. Nhưng qua trang web NQ, con đã gặp lại hình ảnh của Thầy. Không ngờ có sự khác biệt đến lạ thường. Thầy rất phong độ và "đẹp lão", khuôn mặt không xương xẩu như ngày xưa. Cầu xin ơn trên ban phúc cho Thầy, để có sức khỏe tốt và tinh thần minh mẫn. Khi bài viết nầy gửi đến Ban Biên Tập trang web NQ, Thầy đang hạnh ngộ với đồng nghiệp và học trò xưa nơi Cali nắng ấm. Con hy vọng cũng sẽ có ngày tương ngộ với Thầy, như đã gặp lại thầy Huỳnh Bá Hạnh, giáo sư Pháp văn của trường Minh Tân, nơi quê hương xứ Bưởi nhân dịp đầu Xuân vừa qua. Lúc nào con cũng ghi nhớ về một người thầy kính yêu dạy môn Việt văn với tâm tư người học trò thích làm thơ.

 Biên Hòa, 23 giờ 30, 31/03/2012.

dcluan-content










  
Đỗ Công Luận
CHS K.08 NQ BH.



09 Tháng Hai 2009(Xem: 74675)
Bài sưu tầm này được viết vào tháng 4 năm 2004, tức là 48 năm sau ngày trường Ngô Quyền được thành lập vào năm 1956, và chỉ được căn cứ vào trí nhớ của các ông Phan Thanh Hoài, Kiều Vĩnh Phúc, Lê Hồng Sanh, và cựu học sinh Đào Văn Công (khóa đầu tiên). Do đó, không khỏi thiếu sót về thành phần nhân sự giảng dạy, văn phòng v.v…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 91129)
Năm mươi ngọn nến hồng đang rực sáng, hân hoan mừng phút giây hạnh ngộ, trùng phùng. Hãy cùng nhau sớt chia, gìn giữ vì ngọt bùi nào rồi cũng sẽ chóng qua…
04 Tháng Hai 2009(Xem: 88214)
  Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.
03 Tháng Hai 2009(Xem: 80820)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74282)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65843)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78695)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68897)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76307)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76947)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 74103)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 74214)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72859)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72204)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75628)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74440)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80580)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74387)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 76154)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69585)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.