Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hát Bình Phương - EM TÔI

04 Tháng Ba 20162:17 CH(Xem: 20217)
Hát Bình Phương - EM TÔI

EM TÔI

 em toi

 

Mùa đông đã về trên cao nguyên tình xanh Seattle. Trời rất lạnh nhưng cây mai Mỹ trước sân nhà đã hé nụ. Tôi miên man nhớ về đứa em trai kế đã vĩnh viễn rời xa tôi vào mùa đông năm 2007.

 

Má tôi sanh em khi tôi được năm tuổi. Cái tuổi cần có một đứa em nhỏ để âu yếm và nựng nịu. Anh tôi lớn hơn tôi một tuổi và có những đứa bạn trai để chơi chung nên không cần đến tôi. Có khi anh còn tranh giành với tôi vì tôi được ba má nuông chìu hơn.

 

Ba má tôi ở Sài Gòn còn anh em tôi ở Biên Hòa với bà Nội và cô Hai. Thấy mẹ và chị cực với hai đứa con của mình nên ba má tôi không có ý định gởi em tôi về Biên Hòa như chúng tôi hồi nhỏ.

 

Sau khi sanh em, má tôi nghỉ buôn bán vài tháng rồi gởi em tôi cho một người giữ trẻ ở cùng xóm để đi bán trở lại. Lúc em tôi được hơn bốn tháng tuổi, cô tôi đi Sài Gòn để thăm ba má tôi. Lần đó cô có ghé thăm em tôi thì thấy em khóc nhiều và không được người ta chăm sóc chu đáo.

 

Thế là cô tôi nhất định đem em về Biên Hòa nuôi dưỡng vì thương cháu nhỏ. Từ đó tôi có thêm đứa em ở chung nhà. Bà Nội và cô cực nhọc thêm khi phải chăm sóc ba đứa cháu nội còn nhỏ. Nhờ vậy chúng tôi có một thời tuổi thơ ở chốn quê nhà Cù Lao Phố.

 

Lúc em còn nhỏ rất dễ nuôi, chỉ uống sữa Ông Thọ mà rất bụ bẫm dễ thương. Em không bị bệnh lặt vặt như anh tôi và tôi lúc nhỏ. Lúc nào em cũng vui cười nên ai cũng thương. Nhất là cái tên Hữu Phúc mà ba má đặt cho rất hiền lành, nhân hậu.

 

Theo thời gian, em lớn lên và rất ngoan ngoãn. Khi em vào học lớp năm cũng là lúc tôi rời trường tiểu học Hiệp Hòa để vào lớp đệ thất trường Ngô Quyền. Thế là hai chị em không được học chung một trường để tôi được dịp dẫn em đi học hàng ngày.

 

Rồi chị em cũng có thời gian gần gũi sau buổi học ở trường. Em thích chơi giỡn với tôi vì tôi biết chìu chuộng em. Còn anh tôi thích chơi với những đứa bạn cùng trang lứa nên ít chơi chung với em. Tôi thường giúp em làm bài tập ở nhà và em rất thông minh nên mau hiểu bài.

 

Khi tôi rời trường Ngô Quyền cũng là lúc tôi từ giã Biên Hòa để về Sài Gòn học Sư Phạm. Thỉnh thoảng tôi về Biên Hòa thăm Nội, cô và em. Chị em không còn gần gũi mỗi ngày như xưa, nhưng em luôn dành cho tôi tình thương mến.

Ra trường Sư Phạm, tôi về dạy ở trường Nam Thủ Đức và sống chung với ba má ở Sài Gòn. Rồi tôi lập gia đình cũng sống ở Sài Gòn. Thời gian chị em gần gũi ngày càng hiếm hoi hơn. Thuở đó chị em tôi đâu có điện thoại để liên lạc, biết tin nhau dễ dàng như bây giờ.

 

Năm 1978, em tôi ở trong hạn tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự. Tình hình chiến sự ở biên giới càng ngày càng sôi động nên em bị bắt buộc phải nhập ngũ. Em đóng quân ở vùng đồi núi Cát Tiên, tận trong rừng sâu thuộc tỉnh Long Khánh.

Ba má tôi đi thăm em một lần. Sau đó đến lượt cô Hai và tôi đi thăm em. Từ sáng sớm tinh mơ, cô cháu tôi phải đi chuyến xe sớm từ Biên Hòa lên Định Quán. Tới đó tôi phải chuyển sang chiếc xe tải nhỏ để đi đến bộ chỉ huy của đơn vị.

 

Sau khi kiểm tra giấy tờ, họ cho cô cháu tôi đi chung với một chiếc xe tải lớn chở đầy lương thực và muối đi từ bìa rừng vào sâu nơi đóng quân. Xe đi chậm chạp theo con đường đất đỏ lồi lõm và khúc khuỷu. Cô cháu tôi phải bám chặt vào thành xe để khỏi bị rớt xuống đất.

 

Chuyến đi thật là gian nan khi xe phải băng qua con suối nhỏ. Lần đầu tiên cô cháu tôi biết thế nào là băng rừng vượt suối. Cũng là lần đầu tôi thấy voi rừng, chim chóc và gà rừng trên đường đi. Cuối cùng thì phải đi xuồng băng qua một con sông rồi đi bộ một quãng đường dài mới tới nơi em ở.

 

Khi gặp em thì trời đã tối sẫm, em đi canh tác mới về. Gặp nhau, cô cháu tôi không ngăn được nước mắt khi thấy em ốm và đen, đầy vẻ phong trần. Em không dám khóc nhưng nước mắt lưng tròng. Tôi có cơ hội ăn chung với em một bữa cơm tập thể với bắp cải luộc và cá kho cùng nước muối. Thời đó thực phẩm ở ngoài còn hiếm hoi thì trong rừng sâu chỉ có muối để thay nước mắm.

Thấy em sống cực khổ nơi rừng sâu, cô cháu tôi nghẹn ngào rơi nước mắt nhưng biết làm sao bây giờ? Được gặp mặt em, thấy em còn bình an là mừng rồi. Sáng hôm sau cô cháu tôi từ giã em để trở về nhà bằng chuyến hành trình vất vả như lúc đi vào.

 

Em ở trong đội canh tác, chưa đến lượt đi sang chiến trường Campuchia thì chiến tranh biên giới kết thúc. Em giải ngũ sau mấy năm lính và trở về nhà bình an. Đó là niềm vui lớn của gia đình.

Em lập gia đình và có hai đứa con. Em vẫn sống ở Cù Lao Phố sau khi Nội và cô tôi mất. Chị em tôi thỉnh thoảng mới gặp nhau khi tôi về Biên Hòa hay khi em về Sài Gòn thăm ba má.

 

Cho đến năm 1995 thì gia đình tôi đi định cư ở Mỹ. Chị em không còn dịp gặp nhau, chỉ lâu lâu gọi điện thoại hay viết thư thăm hỏi. Mỗi lần nghe được giọng nói của em, tôi luôn hồi tưởng lúc chị em còn ở bên nhau thời thơ ấu.

Năm 2005, tôi về thăm Việt Nam, chị em gặp lại sau 10 năm xa cách. Ba tuần lễ ngắn ngủi ở Sài Gòn, em đưa tôi về lại Biên Hòa thăm mồ mả ông bà cha mẹ và thăm viếng họ hàng. Em trông còn khỏe mạnh và cuộc sống tương đối ổn định, tôi mừng cho em.

 

Vậy mà hai năm sau, khi nhận được điện thoại báo tin em đột ngột qua đời vì bị tai biến mạch máu não, tôi bàng hoàng với tin dữ và không tin đó là sự thật! Đứa em dâu khóc và đau đớn báo tin làm cho tim tôi se thắt lại. Thế là chị em mình không còn cơ hội gặp nhau nữa rồi Phúc ơi!

 

Em ra đi ở tuổi 50 khi tương lai trước mặt còn nhiều cơ hội để có một cuộc sống tươi đẹp hơn sau những ngày gian lao vất vả. Cuối cùng thì em cũng gởi thân xác ở Cù Lao Phố, nơi em sống từ thuở bé thơ vụng dại. Ngôi mộ của em kề bên ông bà và cha mẹ, những người yêu thương và nuôi dưỡng em khôn lớn.

 

Hãy ngủ yên nha Phúc! Bà Nội, cô Hai và ba má cũng đang ở bên cạnh em trong một thế giới bình yên của cõi vĩnh hằng. Chị luôn nhớ về em và giữ trong lòng những kỷ niệm thân thương của chị em mình trong những ngày xa xưa thân ái cũ...

 

Ngoài hiên gió bấc thổi

Mùa đông nữa lại về

Nghe lòng buồn tái tê

Nhớ em tôi da diết

Tám năm trời cách biệt

Em từ giã cõi đời

Cho thương nhớ đầy vơi

Trong lòng người ở lại

Nhớ một thời vụng dại

Chị em sống chung nhà

Tuổi thơ ấu ngọc ngà

Gia đình vui hạnh phúc

Ba đặt em tên Phúc

Mong con sống thảnh thơi

An vui suốt cuộc đời

Không gian nan cực khổ

Nhưng mỗi người có số

Tuổi đời em năm mươi

Cuộc sống đang mĩm cười

Sao em đành bỏ lại

Gia đình và con cái

Xa những người thân thương

Để lại niềm vấn vương

Phúc ơi! Thôi vĩnh biệt...

 

Hát Bình Phương

05 Tháng Năm 2011(Xem: 41625)
Hôm nay, con viết vội vần thơ Khóc Mẹ một chiều gió Thu mưa Mong Mẹ từ đây đời thanh thản Nương cửa Từ Bi cõi Niết Bàn….
05 Tháng Năm 2011(Xem: 48243)
Cảm ơn người đã ghé thăm Mẹ tôi Tiếc đã trễ rồi, Mẹ tôi vừa mất Trễ một chút thôi mà vườn cau thôi xanh ngắt Lá trầu trải vàng một sắc nhớ Mẹ xưa!
05 Tháng Năm 2011(Xem: 129396)
Cảm ơn người đã ghé thăm Mẹ tôi Tiếc đã trễ rồi, Mẹ tôi vừa mất Trễ một chút thôi mà vườn cau thôi xanh ngắt Lá trầu trải vàng một sắc nhớ Mẹ xưa!
29 Tháng Tư 2011(Xem: 133640)
Chưa một lần gặp lại Đã vĩnh biệt muôn đời Lời tạ từ chưa nói Đã vội vàng chia phôi.
26 Tháng Tư 2011(Xem: 67504)
xin mời đến xem phim Bolinao 52 để thấy chị Trịnh Thanh Tùng, một chs NQ đã có mặt trong phim tài liệu Bolinao 52, kể lại kỷ niệm hãi hùng của chị trên đường tìm tự do năm 1988.
20 Tháng Tư 2011(Xem: 131123)
Nhớ không mày, trường Ngô Quyền xưa mình học, Thầy Bảo uy nghi, Hiệu trưởng cũ của mình, Giờ Thầy yếu rồi, bệnh nhiều, thương... thương lắm,
20 Tháng Tư 2011(Xem: 121837)
Quá khứ, kỷ niệm vẫn đeo đuổi tôi như hình với bóng. Quá khứ sẽ tan biến đi khi tôi không còn hiện diện trên cỏi đời nầy nữa. Buồn ơi! chào mi. Niềm vui ở lại.
16 Tháng Tư 2011(Xem: 142878)
Nuôi nuôi nấng nấng Từ đất mọc lên Không dễ gì quên Hoa bâng khuâng tím
10 Tháng Tư 2011(Xem: 137183)
Mụ ao ước nó cưới cho Mụ một cô gái cùng làng để Trâu ta ăn cỏ làng ta, trai làng lấy gái làng ta mới bền. Vậy mà thằng con đích tôn của dòng họ lại phải lòng một cô gái Biên Hòa.
10 Tháng Tư 2011(Xem: 113539)
Trong đêm trường tĩnh lặng, người phụ nữ đau khổ khóc nấc lên: “…Tại sao con tôi ra nông nổi này!? Tại… sao!?...”
10 Tháng Tư 2011(Xem: 127752)
Bài thơ tặng cậu bé Aisawa, nạn nhân của tai nạn sóng thần tại Nhật đã được phổ nhạc và dịch sang Anh ngữ, Nhật ngữ để phổ biến.
06 Tháng Tư 2011(Xem: 52560)
XIN HÃY ĐỢI AISAWA – Thơ Tưởng Dung - Phổ nhạc Phạm Trung – Ca sĩ Minh Quang
04 Tháng Tư 2011(Xem: 146896)
Buổi sáng mù sương rơi đọng đầy tay Xin tỏa ấm người đang lên con dốc Xin bụi đỏ xếp hàng thành ca khúc Mở lời yêu như đã phải lòng nhau
01 Tháng Tư 2011(Xem: 68207)
Anh như tia nắng xuân nồng ấm Nghiêng chiếu đời em vạt cỏ non
01 Tháng Tư 2011(Xem: 122281)
Mây trắng buồn trôi, mây viễn xứ Gió ơi! xin gió chở dùm ta Một chút tâm tư người ở lại Gửi cho bè bạn ở phương xa
27 Tháng Ba 2011(Xem: 133997)
Nhìn lên ảnh Mẹ những ngậm ngùi Nhớ lằn roi nhẹ nhớ không nguôi Con vẫn đi theo đường mẹ dẫn Tạ ơn roi Mẹ giúp nên người.
24 Tháng Ba 2011(Xem: 155822)
Em mơ có một ngày Bên đàn con cháu ngoan Ôn từng trang Sử cũ Rất kiêu hùng VIỆT NAM
21 Tháng Ba 2011(Xem: 132391)
Cả nhà nắng nhạt dần Lẫn vào thung lũng sâu Mặt trời gom nắng lại Khuất xuống chân trời xa .
12 Tháng Ba 2011(Xem: 70683)
Nhạc và lời: Phạm Chinh Đông – Hòa Âm: Đỗ Hải – Ca sĩ: Quốc Duy
11 Tháng Ba 2011(Xem: 72984)
- Thơ Trần kiêu Bạc - Hồng Vân diễn ngâm.
10 Tháng Ba 2011(Xem: 162785)
Tháng ba có một ngày Của bà, mẹ và em Đếm gần hết ngón tay Số tám tròn rực rỡ.