Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Võ Quách Thị Tường Vi - CON SUỐI SAU TRƯỜNG

27 Tháng Hai 201612:38 SA(Xem: 23320)
Võ Quách Thị Tường Vi - CON SUỐI SAU TRƯỜNG

Con Suối Sau Trường

Võ Quách Thị Tường Vi

que nhá.3

“Ngủ đi mộng vẫn bình thường”*

Nửa vòng trái đất tưởng dường không xa

Đêm đêm ngắm dãy ngân hà

Tìm trong kỷ niệm ngọc ngà tuổi thơ


 


 

Khi tôi về học lớp nhì ở trường tiểu học Dưỡng Trí Viện ở tỉnh lỵ Biên Hòa vào năm 1964, thì sự biến chuyển này đã đánh dấu một thời điểm rất quan trọng với nhiều kỷ niệm đầu đời mà trong suốt hành trình của cuộc sống tôi vẫn không bao giờ quên được. 

Sau khi vào Nam từ nơi chôn nhau cắt rún xứ An Nhơn Bình Định, ba tôi đã xin được một việc làm ở Tây Ninh, một tỉnh nhỏ cách xa Biên Hòa khoảng chừng 115 cây số về phía đông bắc. Má tôi rất vui mừng vì gia đình bây giờ có thể an cư lạc nghiệp để ba chị em tôi được học hành đàng hoàng sau mấy năm gián đoạn. Mộng này của má tôi đã tan vỡ chỉ sau vài tháng khi tôi và em trai tôi bị liên quan tới một vụ đánh lộn chảy máu đầu trong sân trường tiểu học trường làng này.

Số là hôm ấy tôi đi học về, thấy em trai đang khóc bên má tôi, máu me đầy mặt. Nó mét lại rằng có một đám con nít khác, chận đường em đi học về và bắt em phải nộp tiền “mãi lộ”. Em không có tiền nộp “thuế” này nên đã bị chúng nó đánh chảy máu, mặt mày sưng húp. Khi thấy em bị như vậy, tôi nổi máu “anh hùng rơm “ lên, chạy đi kiếm mấy tên nghịch ngợm đó để cho chúng một bài học, mà không nghe lời cản ngăn của má tôi . Khi đang chạy loay hoay trong sân trường thì bỗng dưng tôi nghe một tiếng “phịch” thật ngọt ngào bên tai, rồi lại thấy cái gì tê tê và ươn ướt trên mặt. Đưa tay lên chùi mặt thì bàn tay dính toàn là máu. Thì ra có mấy viên đá ném về tôi, và tôi cũng đã bị thương rồi!! Tôi lại lật đật ôm mặt chạy về nhà vừa khóc vừa mét lại má!!!

Tối hôm ấy, sau bữa cơm gia đình, ba tôi quyết định xin di chuyển về Biên Hòa.  “Để tụi nó ở đây, chắc tụi nó thành du đãng quá!”, ba tôi đã than thở với má tôi như vậy!! Thế là gia đình chúng tôi, lại thêm một lần nữa, phải đổi chỗ ở, việc làm cùng trường học, dắt díu nhau về tỉnh lỵ Biên Hòa. Và tôi cũng có một kỷ niệm để đời, ghi lại thành tích của mình ở Tây Ninh. Vì sau vụ ném đá, trên môi bên trái của tôi đã có một vết thẹo dài. Vết thẹo này ghi lại kỷ niệm của những ngày đầu đời tập tành bài học đánh nhau để bênh vực và che chở cho em mình.

Khi tôi nhập học lớp nhì ở trường tiểu học Dưỡng Trí Viện thì niên khóa học đã bắt đầu hơn mấy tháng rồi. Lớp học được chia đôi, bên tay phải thì con trai, còn bên trái thì con gái. Cô giáo lớp này rất hiền hòa và rất thương mến học trò. Cô giới thiệu tôi cho các bạn học. Tôi tánh tình hay nhút nhát nên ít có khi nói chuyện với các bạn ngoại trừ chị Lý là trưởng lớp lúc bấy giờ. Không biết tại là chị thấy tôi nhỏ nhắn, ít nói nên chị động lòng thương hại mà hay che chở cho tôi lắm. Trong lớp này con trai con gái học trò còn rất ngây ngô, có khi còn xưng mày tao với nhau rất là thân thiết.

Năm lên lớp Nhất là năm mà tôi bắt đầu dạn dĩ hơn và cũng nghịch ngợm nhiều hơn. Ngoài những việc như chui “lỗ chó” để ra về cho lẹ, bị kẽm gai cào rách áo và bị má khẻ tay liên miên đến việc chọc ghẹo các chị lớn hơn. Tôi cũng hay a dua theo các bạn gái mà chọc phá các bạn học con trai ngồi phía bên phải như bắn dây thun, phóng tàu bay xếp bằng giấy vào sau lưng của các bạn này.

Tôi vẫn nhớ mãi Thầy Sanh dạy lớp Nhất. Thầy hiền và rất giỏi cùng có nhiều nhiệt tâm dạy dỗ học trò. Thầy rất thương chúng tôi như con của thầy và ít khi nào trừng phạt học trò, nên dù hay nghịch phá, nhóm con gái chúng tôi cũng ít bị thầy la hay bị khẻ tay. Không biết vì sao mà tôi và một bạn học nữa được gán danh hiệu là “con cưng của Thầy Sanh”. Tôi biết mình không học giỏi bằng người bạn này nhưng  vẫn cố gắng để “học đua” ngầm, nhưng không dám chọc phá người bạn ấy vì lúc nào người bạn này cũng rất nghiêm trang, ít đùa giỡn.

Năm lớp Nhất cũng là năm thi vào đệ thất trường Trung học công lập Ngô Quyền Biên Hòa. Thầy Sanh khuyên chúng tôi học hành cho chăm chỉ để có đủ điểm thi đậu vào trường Trung học nổi tiếng này và có cơ hội để tiếp tục việc học của mình. Thầy muốn nhiều học trò được thi đậu vào trường, càng nhiều càng tốt. Dù tôi lúc nào cũng nghe lời Thầy dạy bảo, và là năm thi, nhưng có lúc tôi cũng ham vui và trốn học đi chơi với bạn bè.

Sau trường tiểu học Dưỡng Trí Viện là một con suối mà nước được giữ lại bằng một cái đập nhỏ. Nước trong đập này lúc nào cũng tràn đầy. Nghe nói suối này còn có tên là suối Máu vì thượng nguồn của nó có khúc bị nhuộm đỏ vào mấy năm trước khi có quân đội Nam Bắc đụng độ nhau, dân lành chết vô số.  Suối này từ thượng nguồn đổ xuống, chạy ngang sau trường tiểu học, và bao quanh phần đông bắc của Trung Tâm Cải Huấn Biên Hòa. Nước rất trong và thường hay chảy lững lờ với những bờ cát trắng thoai thoải hai bên. Sau những ngày mưa lớn, thì suối bị đục hẳn lại và nước cuồn cuộn chảy. Có hôm tôi cùng một bạn nữa trốn học cả ngày đi chơi. Chúng tôi tắm suối, đi lang thang hai bên bờ, xây những cái ao nhỏ và bắt những con cá có miệng thật dài với cái tên ngộ nghỉnh là "lìm kìm", bỏ vào những ao nhỏ này để nuôi.  Hôm ấy chúng tôi vui chơi cả ngày thật là thỏa thích dù rằng chiều hôm đó về tôi đã bị một trận đòn thật đích đáng về tội bỏ học đi chơi!!!

Có hôm đi học về tôi thấy có nhiều người tập họp lại để bắt cá ở con suối sau trường, ngay phía dưới cái đập nước. Ban đầu họ đắp một bờ đê nhỏ bằng bùn để ngăn chia một khúc suối ra thành một cái ao và bắt đầu tát nước trong ao này ra. Khi nước trong ao bắt đầu cạn thì cá trong ao cũng từ từ hiện lên dần. Dưới ánh sáng của mặt trời hoàng hôn rạng đỏ, phản chiếu lên mặt nước ao, những con cá rô, cá chốt nhảy lăn tăn lên khỏi mặt nước với những màu sắc long lánh khác nhau trông thật đẹp mắt vô cùng.

Vì là trường tiểu học của tôi được xây ở ngay trong khuôn viên của nhà thương Dưỡng Trí Viện nên bọn học trò chúng tôi thường xuyên gặp những người bệnh nhân (những người bị điên) lang thang trong khu vực bên trường. Có nhiều lúc gặp họ đang tắm suối phía trên của cái đập nhỏ. Những người này rất hiền với những cái nhìn rất ngô nghê, và chỉ cười lơ đãng khi bị bọn con nít chúng tôi chọc ghẹo. Má tôi thường hay la và khuyên tôi là không nên chọc phá những người đáng thương này vì có thể họ đã bị những biến cố trong đời mà họ đã không thể chịu đựng hay đương đầu được nên mới trở thành như vậy. Sau này, khi cuộc đời đã trải qua nhiều cảnh bể dâu, tôi lại thấm thía những lời má tôi đã nói. Vì chính mình, có nhiều lúc tôi cũng muốn trở thành những "người điên" như vậy, để khỏi phải đương đầu với những sự kiện quá sức chịu đựng của mình.

Và tuổi thơ của tôi từ từ trôi qua với những ngày tháng êm đềm trong sân trường tiểu học bên cạnh con suối nhỏ sau hè. Tôi cũng lớn dần trong sự hồn nhiên của những ngày đầu đời ngây thơ không ưu phiền lo lắng.

Rồi một hôm ba tôi đi làm về, ông rất vui và tuyên bố là mình sắp có nhà ở rồi. Cả nhà vui mừng vì hiện thời chúng tôi đang ở nhà thuê và má tôi hay mơ có một ngôi nhà nho nhỏ có vườn trồng cây trái chung quanh. Thì ra ba tôi đã tìm được một miếng đất cũng khá rộng ngay trước Trung Tâm Cải Huấn Biên Hòa. Mấy tháng kế tiếp đó nhà tôi nhộn nhịp hẳn lên với những thợ hồ thợ mộc ra vào. Má tôi chạy đôn đáo vừa lo việc nhà vừa coi ngó căn nhà ước mơ đang từ từ hiện thành hình.

Để phụ cho ngân quỹ gia đình trong việc xây nhà này, tôi cũng đã dự phần vào việc đúc gạch xây tường. Thế là mỗi buổi chiều, sau khi đi học về, tôi lại phụ ba tôi đi lấy cát từ hai bên bờ suối về để hong khô, trộn hồ, đóng khung, và phơi gạch. Tôi cũng đã rất rành vào việc trộn hồ và tô vách!! Có lần tôi đang tô xi măng vào một vách tường, có bạn đến nhà chơi. Các bạn chọc tôi nói là tôi có tương lai làm thợ hồ lắm. Tôi cười và trả lời: càng tốt vì Thầy Sanh có dạy "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Rồi từ từ thì cái nhà mơ ước của má tôi cũng thành hình. Chúng tôi dọn vào ở ngay sau khi mái vừa lợp xong. Ba má tôi bắt đầu trồng cây ăn trái chung quanh nhà. Còn tôi thì xây được một cái bồn nhỏ bên hông nhà và trồng bông cúc vàng trong đó. Căn nhà ấu thơ này đã ghi lại nhiều kỷ niệm với tôi. Nó là linh hồn của gia đình tôi, là tượng trưng cho sự đóng góp chung của những thành viên trong gia đình này. Và hơn nữa, nó có sự hiện diện của những hạt cát tinh túy đã được vớt lên từ con suối sau trường Dưỡng Trí Viện thân yêu của tôi.

Năm thi vào đệ thất của trường Trung học Ngô Quyền thì trường tiểu học Dưỡng Trí Viện có được 3 học trò trúng tuyển. Một là người bạn học giỏi, lúc nào cũng nghiêm trang ít phá phách đùa giỡn và là “con cưng của Thầy Sanh”, một người bạn nữa và tôi. Tôi và ba tôi phải đọc tên tôi tới ba bốn lần mới tin chắc là mình được may mắn thi đậu vào trường công lập của tỉnh Biên Hòa này. Thầy Sanh thì cười vui, và trong mắt Thầy tôi thấy có những gì ươn ướt đang long lanh bên khóe. 

Rồi đời tôi lại chuyển vào một giai đoạn mới khi bắt đầu đi học trung học ở trường Ngô Quyền. Nhiều khi Thầy Cô hay các bạn hỏi là học tiểu học ở đâu. Tôi rất hãnh diện mà trả lời là từ trường Dưỡng Trí Viện Biên Hòa. Các bạn tròn xoe con mắt và hỏi như vậy chắc bạn cũng có điên? Tôi cười và trả lời “Dĩ nhiên rồi và còn điên nặng hơn nữa”!!

Thời gian từ từ trôi qua. Dù bận bịu với việc học hành thời trung học rồi đại học, cuộc đời tôi nhiều lúc thăng trầm vui buồn có đủ, nhưng những kỷ niệm thời tiểu học ở trường Dưỡng Trí Viện nhiều lúc lại sống lại trong đầu óc của tôi. Những hình ảnh đó vẫn có một chỗ riêng ở một góc nào đó trong trái tim của tôi.

Sau biến cố 75, một mình nơi xứ lạ quê người, tôi cũng cố tảo tần bươn chải. Nghề “thợ hồ bất đắc dĩ” của tôi đã bị mai một. Cơ hội để làm lại căn nhà xưa và có những giây phút vui đùa hồn nhiên với bạn bè cũ bây giờ không còn nữa.

Gần 40 năm sau tôi mới có dịp về lại Biên Hòa nhân một dịp công tác về quê xưa.  Lần đầu đi ngang qua khu Dưỡng Trí Viện vào lúc ban đêm, tôi và bác tài xế không tìm ra được địa chỉ của ngôi nhà ấu thơ hay trường tiểu học năm xưa. Tôi đi loanh quanh nơi cây cầu đúc mà ngày xưa nhiều lần tôi đã tắm suối dưới đó nhưng vẫn không tìm thấy con suối cũ. Ngậm ngùi tôi ra về và hẹn thầm sẽ trở lại lần sau. 

          Rồi hai năm sau, tôi cũng trở về được để thăm lại Biên Hòa với sự hướng dẫn cuả những người bạn cũ. Chúng tôi, những người bạn ngày xưa thời lớp nhất lớp nhì bây giờ đã thật sự trưởng thành với những vết tích của thời gian và ưu tư của cuộc sống hằn lên mặt và qua ánh mắt của mỗi người. Nhìn nhau mà nước mắt long lanh. Nắm tay chào nhau mà bàn tay run rẩy. Thăm hỏi nhau mà giọng nói như chùng lại. Thời gian như ngừng qua để đưa chúng tôi trở lại thời thơ ấu trong giây phút hoàn hảo đó.

Tôi trở lại Dưỡng Trí Viện Biên Hòa để tìm lại con suối ngày xưa và trường tiểu học cũ. Xe chạy loanh quanh trong khuôn viên của bệnh viện một hồi rồi ngừng lại sau một dãy nhà với mái tôn đã ngả màu nâu thẩm.  Sau dãy nhà này là một khoảng đất chừng 5 mét chiều dài và chừng 1 mét bề ngang với những vũng nước đọng và cỏ dại xanh rì mọc hai bên. Thấy tôi ngơ ngác, người bạn thời ấu thơ nói nhỏ “con suối ngày xưa của tụi mình”. Đầu óc tôi thật bàng hoàng và hình như đã trở thành trống rỗng trong giây phút đó. Rồi không xa hơn “con suối” này bao nhiêu là một trạm xăng với người mua kẻ bán tấp nập. “Đây là trường tiểu học Dưỡng Trí Viện năm xưa của mình!!” Bạn nói thêm, giọng thầm thì như có pha trộn nước mắt.

Đi bộ thêm một chút là những căn nhà hẹp và cao chi chít, với đủ màu sắc của những áo quần phơi ngổn ngang trên những sợi dây móc hay hàng rào. “Đây là nhà cũ của bạn đó!!” bạn tôi nói!! Trời ơi, thật quá sức tưởng tượng của tôi!! Chung quanh không còn những cây ăn trái mà má tôi đã trồng, không còn chậu bông mà tôi đã tự tay xây lấy, và những bức tường bằng gạch mà ba tôi và tôi đã xây lên từ những hạt cát nhỏ từ con suối sau trường cũng không còn một dấu vết nào. Trung Tâm Cải Huấn Biên Hòa bây giờ cũng đã biến mất. Còn chi là vài vách tường lem luốc đứng trơ trọi trong một góc thật xa giữa những cờ xí đỏ rực. Và chung quanh đó, con suối ngày xưa cũng không còn một dấu vết gì. Thay vào là những ngôi nhà đủ màu đủ kiểu xây cất ngổn ngang. “Hơn 40 năm rồi bạn ơi. Mình đã mất tất cả!” lời người bạn thống thiết bên tai. Một cảm giác bàng hoàng, hụt hẩng đè nặng vào ngực tôi. Và tự nhiên tôi muốn khóc.

Sau lần về thăm Biên Hòa năm đó thì tôi không có dịp trở lại quê xưa. Đời sống bận rộn gập ghềnh hằng ngày làm cho tôi không có thời gian để suy nghĩ. Nhưng khi có những giây phút cho riêng mình thì tôi lại nghe dư âm lời người bạn nói “mình đã mất tất cả rồi” văng vẳng bên tai. Lời nói nghẹn ngào uất ức và thống thiết đó làm cho tôi thấy như lòng mình chùng xuống và ký ức lại ngược dòng thời gian đưa tôi về sống lại những ngày xưa thơ ấu. Bạn ơi, dù căn nhà ấu thơ đã bị san bằng, ngôi trường thân yêu không còn nữa, bạn bè ngày xưa nhiều người đã ra đi vào lòng đất hay mỗi người một nơi không cùng xứ sở quê hương, và con suối thân yêu ngày nào cũng đã chết rồi, nhưng kỷ niệm của những ngày xưa thân ái đó sẽ không bao giờ phai mòn.

Đời người “không ai có thể tắm được hai lần trên cùng một dòng sông” ** và không ai có thể ngược dòng thời gian để sống lại những gì đã mất. Tuy đất nước nay đã đổi mới nhưng quê hương thời thơ ấu với nhiều kỷ niệm của ngôi nhà thân yêu, trường học cũ với con suối sau hè và bạn bè ngây thơ tuổi nhỏ vẫn còn đây, dù trong ký ức. Đôi khi trong tiềm thức tôi đã sống lại rất nhiều lần với thời ấu thơ xưa. Những hình ảnh tinh anh và kỷ niệm ngọc ngà đó đã hằn sâu vào tim óc của tôi.

Và tôi biết là mình sẽ không bao giờ mất nó được.

Võ Quách Thị Tường Vi

Lập Đông 2015

 

*"Ngậm Ngùi", thơ Huy Cận 
**  Heraclitus
thieu nu 5
27 Tháng Tư 2019(Xem: 25850)
Thương hoa ngắn ngủi, cuộc đời mình, Mến người Hoa Đào, Phú Sĩ Sơn . Đã ghi vào tôi, bao cảm xúc, Thấy người, thương sao Nước Non mình!
27 Tháng Tư 2019(Xem: 26199)
Mối tình đầu đến bây giờ, Mỗi khi Xuân tới thẫn thờ nhớ Hoa. Nhìn Hoa Đào nhớ thiết tha. Tuổi vàng còn vẫn xót xa tiếc hoài.
26 Tháng Tư 2019(Xem: 22201)
Xin nắng đừng phai trên cầu hò hẹn Để cho mình gặp lại cố nhân xưa Nắng vẫn vàng, mây chạy, gió đong đưa Ngàn tâm sự ngân nga trong nỗi nhớ...
26 Tháng Tư 2019(Xem: 22418)
Ta buồn. Lòng ta tràn bi phẩn Thương cảm quần nhân sống ngậm ngùi Bất lực, ta gào lên thảng thốt “Trả ta về với cát bụi! Đi thôi “
26 Tháng Tư 2019(Xem: 26834)
Thế nhé, mình ơi hồi âm đi Kể chuyện tình yêu thật lâm ly KBC miệt dưới gửi cho lẹ Tháng tư gợi nhớ thuở phân kỳ.
20 Tháng Tư 2019(Xem: 18853)
Tôi không còn trẻ để buồn vui quá khứ. Mọi sự việc trong tôi bây giờ là hãy quên những gì quên được. Sống vui vẻ từng ngày cho con cháu vui theo. Quê hương Việt Nam vẫn mãi mãi nằm trong trái tim tôi.
20 Tháng Tư 2019(Xem: 23969)
Núi cao trùng điệp muôn phương Có hình bóng mẹ nhớ thương đứng nhìn. Mẹ già giữ chữ kiên trinh Một nàng Tô Thị điển hình ngày nay.
13 Tháng Tư 2019(Xem: 25236)
Tháng Tư đen anh âm thầm nằm xuống Lá cờ vàng sẽ phủ kín quan tài Bạn bè anh sẽ đồng loạt nghiêm chào "Vĩnh biệt Ó Đen. Bay lên đi Lý Tống."
06 Tháng Tư 2019(Xem: 19863)
Con ước ao, mai kia khi con qua đời. Con của con sẽ nhớ về con được một phần mười con nhớ về má như bây giờ là con đã toại nguyện trong lòng.
06 Tháng Tư 2019(Xem: 21287)
Chiều nay ra đứng vườn sau. Nhìn xa ngọn núi một màu nhớ thương Mây xanh bàng bạc vấn vương Hương linh của mẹ ngàn phương chứng dùm
27 Tháng Ba 2019(Xem: 21295)
Nước mắt chảy xuôi, đá cũng ăn năn Mẹ mừng lắm. Niềm vui vô cùng tận Vòng tay ôm con Hai trái tim nồng ấm. Quấn quít bên nhau Ý nghĩa một Gia Đình.
22 Tháng Ba 2019(Xem: 20259)
Năm mươi năm, tôi làm người lưu lạc Tôi ra đi, lòng nuối tiếc ngậm ngùi Cám ơn Rạch Nò! nuôi tuổi thơ tôi lớn Tiếng bìm bịp kêu ... còn trong ký ức xa xôi
22 Tháng Ba 2019(Xem: 24057)
Người góa phụ bước ra khỏi cỗng. Đến nghĩa trang thăm viếng mộ chồng. Trời tháng ba Cali, hoa vàng nở rộ " Em vẫn sống vui. Anh có mừng không?"
21 Tháng Ba 2019(Xem: 19709)
Ta về, tạm biệt BLUE LAGOON, Hải đảo bình yên, trải mênh mông. Những chú SEA LION, DOLPHIN hiền lành quá, Một ngày nhảy múa, đựơc thỏa lòng.
15 Tháng Ba 2019(Xem: 20396)
Tháng ba trên Face Book Có hoa hồng, lời chúc. Ngày Phụ Nữ chúng ta. Ngày vinh danh đàn bà. Đàn ông họ hỏi nhau -Thế giới không có đàn bà -Thế giới sẽ ra sao?
15 Tháng Ba 2019(Xem: 21049)
Duy trì và bảo vệ truyền thống dân tộc, tìm về cội nguồn là ước muốn và tâm huyết của tất cả những người VN yêu nước. Cám ơn các em, cám ơn những gì các em đã góp tay chung sức làm hôm nay.
24 Tháng Hai 2019(Xem: 20533)
Nụ cười em vẫn còn xinh Cho người an dạ hành trình viễn du. Sáng nay nắng quét mây mù. Có đàn chim nhỏ vân du trở về Bên đôi má phính cận kề “Cháu yêu bà lắm” đê mê chưa nè.
16 Tháng Hai 2019(Xem: 18329)
Nguyện cầu. Xin chấp tay lại nguyện cầu Từ Bi Đức Phật trên cao độ dùm Phóng hào quang rước hương linh Được vể cõi tịnh an bình, thảnh thơi.
16 Tháng Hai 2019(Xem: 21996)
Này cô em gái nhỏ Mơ ước gì ngày Lễ Tình Nhân. Tưởng tượng có một bó hoa hồng. Kèm tấm thiệp hình trái tim xinh xắn.
20 Tháng Mười Một 2018(Xem: 19853)
Cám ơn mái trường thân yêu Ngô Quyền đã cho chúng tôi đến học và kết chặt mối dây liên kết bạn bè. Kính chúc các Thầy Cô và các bạn một ngày lễ Tạ Ơn Vui Vẻ, An Lành và thật Hạnh Phúc
13 Tháng Mười 2018(Xem: 26870)
Sáng nay thức dây nghe tiếng chim ca. Lại tưởng như mình ở tại quê nhà Bình minh reo vang, thanh bình êm ả Thương quá một thời. Kỷ niệm đã qua.
12 Tháng Mười 2018(Xem: 26500)
Nay, hoa bằng lăng tím rợp trời, giữa mùa nắng hạ, Đường làng quê, ong bướm lựơn lao xao. Vẫn nhớ ngày xưa, khi mùa hè sang nắng đỗ, Có ai về thăm người cũ, Quê hương?!
06 Tháng Mười 2018(Xem: 23009)
Chênh chếch... trăng mờ trên đỉnh vắng Âm thầm... bóng nhỏ giữa đồi hoang Đàn ai khéo gợi hồn thơ dậy Nhớ thức cùng em... dẫu nguyệt tàn !!!
05 Tháng Mười 2018(Xem: 20138)
Chú thật là thương, thương ông nội vô cùng. Chú không còn thấy nhớ nhà mà lại thích được ở đây cùng ông nội hàng ngày tụng kinh lễ Phật.
04 Tháng Mười 2018(Xem: 23620)
Chào mặt trời ngủ yên. Chào cuộc đời rất hiền. Chào bầy chim về tổ Ta ngồi lại tập... thiền
04 Tháng Mười 2018(Xem: 25689)
Có ai động lòng bước qua đường? Dù chỉ cảm xúc tỏ tình thương. Một chút đau buồn trong tâm trí, Để còn XÓT XA cho QUÊ HƯƠNG!
28 Tháng Chín 2018(Xem: 18159)
Thế là sau mấy ngày suy nghĩ, ba chú đồng ý đem con lên chùa làm thị giả cho ông nội. Chú Thảo rời gia đình từ lúc đó.
28 Tháng Chín 2018(Xem: 20843)
Nhỏ yêu ơi! Nhớ em chất ngất. Nước mắt nhớ thương mằn mặn Biển ngàn thu.