Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hoàng Mai Đạt - Ở MỘT NƠI KHÔNG CÓ TẾT

22 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35841)
Hoàng Mai Đạt - Ở MỘT NƠI KHÔNG CÓ TẾT


Ở Một Nơi Không Có Tết


Hoàng Mai Đạt


o_mot_noi_noi_0_co_tet-large

Một buổi sáng sương mù ở trung tâm khu phố Little Saigon, Quận Cam. (Photo by HMĐ)


 

Càng về đêm, những lớp sương mù càng dầy đặc hơn. Nam California ít khi có sương mù. Vậy mà đêm 31 tháng Chạp hôm ấy, đường Bolsa ở góc Magnolia chỉ có những tia đèn mờ ảo từ mấy chiếc xe lăn thật chậm, không chói lọi với rừng ánh sáng từ những bóng đèn vàng hoặc đỏ nối đuôi trên các dòng xe hối hả trôi qua khu phố Little Saigon. Tôi rẽ tay lái ở góc đường đó, phóng về hướng biển với lòng nôn nao khôn tả, bất chấp tai nạn có thể xảy ra. Tôi lèo lách giữa những chiếc xe phải rà thắng trong sự cẩn thận, lao xe trong màn sương mù đang trôi cuồn cuộn từ đại dương vào đất liền. Tôi lái xe nhanh vì sợ đến trễ, không kịp giờ thăm em trong một dưỡng viện dành cho người lâm bệnh hiểm nghèo.Hơn một tuần trước, tôi từng đạp ga trên chiếc Honda để chạy theo xe cứu thương đến bệnh viện Fountain Valley. Ðêm hôm ấy em tôi bị tai biến mạch máu não, tê liệt nửa người bên phải. Bước vào căn phòng tối trong một khu mobile home, tôi đau lòng khi thấy đứa em thân thương mấy chục năm trước nay là một ông trung niên đang nằm bất động trên sàn nhà, đưa một tay quơ với trong không khí như mong nắm lại sự sống. Tôi nắm tay em trong lúc chờ các nhân viên cấp cứu đến giúp. Ðợi đến sau nửa đêm tôi mới rời bệnh viện để về nhà, thầm cầu nguyện cho em thoát bàn tay của tử thần.

Em thoát lần này, nhưng mà thân thể bị nhiều vết cào cấu trong cơn vật lộn trước móng vuốt của định mệnh để sống còn. Bác sĩ nói rằng ngoại trừ buồng phổi, hầu hết các bộ phận khác đều nát bét, hư hỏng tận cùng. Gan, bao tử, tim, thận – mà nhất là thận – đã đến giai đoạn gần như vô phương cứu chữa. Ðêm Giáng Sinh trôi qua với em tôi nằm gần như bất động trong một phòng bệnh, miệng không thể nói mà ánh mắt có lúc như giận dữ với số phận. Ðến chiều 30 tháng Chạp, họ chở em tới một dưỡng viện có y tá chăm sóc. Tôi đến thăm em đêm hôm ấy sau giờ làm việc.

Chiều hôm 31, tôi rời tòa soạn lúc 7 giờ rưỡi, mong đến dưỡng viện kịp thời trước 8 giờ, giờ đóng cửa. Mặc dù từng có kinh nghiệm lái xe trong giông tố và trong mưa tuyết, tôi vẫn thầm lo trong lúc lướt nhanh về hướng dưỡng viện. Sương mù quá dày, không cho tôi thấy xa hơn vài chục bước ở trước mặt. Vậy mà tôi vẫn chạy với tốc độ nhanh gấp mấy lần so với những chiếc xe bị tôi qua mặt. Ðến khi dừng xe trong bãi đậu và bước ra ngoài, tôi lại chùn bước, e rằng em không muốn thấy tôi.

Lần cuối cùng mà anh em chúng tôi còn hòa thuận với nhau có lẽ đã hơn 20 năm trước, mà cũng có thể là đã quá 30 năm, ngày chúng tôi mới đến Mỹ. Giờ nhìn lại, tôi mới nhận ra những giây phút hạnh phúc nhất của hai anh em là những dịp chơi banh football với mấy đứa bạn Mỹ ở Rillton, một thị trấn nằm trên đồi ở miền tây tiểu bang Pennsylvania.

Trong mấy năm đầu mới tị nạn tại Mỹ, tham dự môn thể thao football là cơ hội cho anh em chúng tôi hòa nhập với đời sống của người địa phương. Hai anh em đều được người láng giềng trợ giúp để gia nhập một đội thiếu niên ở Rillton. Em tôi khỏe mạnh hơn anh, có tài ném banh bầu dục nên được giao vai trò quarterback. Tôi gầy ốm, chạy nhanh, giữ được một chân receiver để chụp banh. Mùa đấu năm ấy em tôi ném được nhiều cú tuyệt, khiến cả xóm reo hò trong những trận đấu với các đội thiếu niên khác. Phần tôi, thỉnh thoảng tôi cũng chụp được vài trái ngoạn mục ở cuối sân nhờ chạy nhanh hơn mấy đứa Mỹ mập ù.

Mùa thu thời niên thiếu ấy qua mau. Anh em chúng tôi rời Rillton theo việc làm của mẹ đến một xóm lao động ở thành phố Pittsburgh. Xóm này không có sân banh, đường chật chội, đông xe, thiếu chỗ chơi cho trẻ em. Thỉnh thoảng hai anh em lần xuống một bãi đất trống gần một xưởng thép bị đóng cửa trong cơn suy thoái kinh tế vào cuối thập niên 1970. Bên dưới một cây cầu bắc ngang sông, em ném banh và tôi chạy chụp banh hàng giờ không biết mệt. Có khi chơi trong đêm tối, có lúc trong ngày bão tuyết, có khi trong một trưa mùa đông lạnh dưới 0 độ Farenheit, chỉ hai anh em với một trái banh xoáy trên không trung. Em ném mỗi lúc một mạnh, tôi phải chạy nhanh và xa hơn để chụp bắt, tạm quên những phiền não đang bủa vây trong đời sống của chúng tôi. Mỗi khi thấy tôi bắt được trái banh mà em ném vào những nơi hiểm hóc, giữa mấy chiếc xe đậu dưới chân cầu hoặc sát tường rào của xưởng, em đưa hai tay như ăn mừng một chiến thắng giữa thao trường với tiếng reo hò của hàng vạn người.

Ngày tôi bước vào đại học cũng là ngày những tiếng reo vui lắng xuống và tan biến vào trong quá khứ. Tình thân giữa hai anh em trôi xa dần như những đám bèo bị đánh vỡ giữa sông, mỗi đứa đến một bến bờ xa lạ. Cả hai đều mang những nỗi hoài nghi về mọi giá trị trong cuộc sống, tinh thần cũng như vật chất. Thế nhưng mỗi đứa hướng về một nơi. Tôi phấn đấu để tìm cái đẹp bên trên cuộc sống của đời thường, em lún dần trong thế giới của bạo động. Tôi cố gắng đóng góp cho đời, em thách thức định mệnh với lối sống ngoài vòng xã hội, bất chấp thành kiến. Trong hơn hai thập niên xa cách, thỉnh thoảng tôi nhận được những cú điện thoại vào giữa đêm khuya khoắt, để rồi sau đó phải tìm đường đến một sở cảnh sát hoặc một nhà thương để đưa em về một nơi nào đó mà em đang tạm trú. Có khi những cú điện thoại đến từ một tiểu bang xa, có khi rất gần, ngay tại khu phố Little Saigon này.

Tôi chùn chân trước khi bước vào dưỡng viện vì nhớ tới ánh mắt hận đời của em mà tôi từng thấy trong những lần thăm em trong bệnh viện. Trong ánh mắt đó cũng có sự đớn đau trước số phận khắc nghiệt giáng xuống một tuổi thơ bị bứng ra khỏi quê hương và không thể bám rễ ở mảnh đất mới.

Chỉ còn mười phút trước giờ đóng cửa, tôi nhất quyết bước vào để thăm em, cầm theo một cuốn sách nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay. Bước trong hành lang qua những phòng có những người nằm ngủ thiêm thiếp tưởng chừng như đang hấp hối, tôi chợt nghe có lời chúc mừng năm mới xuất phát từ một máy truyền hình. Lời cầu chúc tươi vui đó tan biến trong khoảng không của khổ đau mà tôi cảm nhận từ những thân xác đang nằm liệt trên giường. Ngay cả những người làm việc trong dưỡng viện này cũng ít cười, ít nói, chỉ yên lặng làm phận sự quen thuộc của một y tá, một điều dưỡng viên hoặc một thư ký.

Căn phòng có ba giường, một bệnh nhân. Em nằm ở giường giữa, đang mê man ở một thế giới khác. Cạnh giường là bình đựng chất dinh dưỡng được truyền vào cơ thể của em. “Ðó là thức ăn cho ông ấy,” một y tá nói cho tôi biết.

Nhìn thân hình hốc hác, toát mùi bệnh, tôi càng thương xót em. Sức khỏe của em sẽ yếu hơn vì mỗi tuần em cần được lọc thận ba lần. Bà y tá nói nhỏ điều đó với ánh mắt lo ngại dành cho tôi. Phòng chỉ có một chiếc ghế xếp cất trong góc. Tôi mang ghế ra ngồi sát bên giường, nói thì thầm những lời an ủi tưởng chừng như em đang lắng nghe. Lần giở cuốn sách nhỏ cầm trong tay nãy giờ, tôi lâm râm đọc Kinh Cứu Khổ cho em nghe. Từ một khởi đầu giống nhau mấy chục năm trước, chúng tôi đã đi hai hướng khác xa. Chúng tôi từng hoài nghi những niềm tin tôn giáo, cho đó chỉ là những thói quen mê tín. Thế nhưng từ khởi điểm đó, em xem thường cuộc đời, luôn tìm những khiếm khuyết trong cuộc sống. Còn tôi, từ những ngờ vực, tôi cất công đi tìm một ý nghĩa cao quí hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Trong năm phút cuối trước giờ đóng cửa, có lúc tôi ngưng đọc kinh, ngậm ngùi quan sát một cánh tay vạm vỡ từng ném banh cho tôi chụp nay nằm bất động, mang những vết bầm của thuốc và bệnh tật. Tôi không chắc những lời kinh sẽ cứu em, nhưng tôi biết đó là những gì mà tôi có thể làm cho em trong giây phút này. Có lẽ lời kinh sẽ cứu tôi hơn là cứu em. Những mối bận tâm trong đời thường tan biến khi tôi cất lời cầu nguyện. Tôi có thể mất hàng giờ để lo lắng về tiền nhà, về công việc, về những chuyện linh tinh ở sở làm. Thế nhưng lời kinh nhắc tôi nhớ giây phút dành cho em mới là điều quan trọng nhất trong lúc này.

Em vẫn không mở mắt lúc tôi xếp lại ghế và rời phòng. Bước trong hành lang của dưỡng viện, một lần nữa tôi nghe những lời chúc mừng năm mới phát ra từ một máy truyền hình. Nhìn vào phòng, tôi thấy một bà cụ datrắng đang ngủ gục trên xe lăn trước màn ảnh truyền hình. Tôi nói nhỏ một lời cầu nguyện cho bà, xong bước ra cửa mà không dám nhìn lại, sợ yếu lòng trước những cảnh khổ của kiếp người mà tôi không thể nào hiểu được.

Sương mù trắng đục vẫn phủ kín khu phố Bolsa khi tôi chạy ngang với tốc độ thật chậm. Về đến nhà, tôi ngồi lại trong xe và quan sát cây sung ở trước sân. Thân cây lớn hơn một vòng tay ôm, có lẽ từng nẩy mầm hơn một trăm năm trước. Những chiếc lá màu nâu úa của một loại sung California có hình dạng giống lá phong đã rơi rụng gần hết. Từ ngày dọn về căn nhà này, vào mỗi đầu Mùa Xuân tôi đều chờ xem những nhánh cây khô bắt đầu nảy mầm xanh. Lần nào cũng vậy, tôi đều nhận thấy có sự kỳ diệu ở những mầm xanh non, vui mừng trong cơn hội ngộ với niềm tin ở sự sống sau một Mùa Ðông chết lặng.

Mùa xuân sẽ trở về với cỏ cây. Những gì giúp cho cây sung trước nhà nẩy lộc cũng sẽ mang đến niềm sống cho tôi. Tôi biết vậy, mà sao lòng vẫn bùi ngùi trong đêm Giao Thừa, thương cho một kiếp người phải nương tựa vào lời kinh, lần đường trong sương mù.


Hoàng Mai Đạt

(Nguồn: hoangmaidat.wordpress.com)

29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76849)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 73197)
Khi nắng đổ trên cành hoa phượng đỏ Là lúc mặt trời đòi đùa cợt mái tóc em Tuổi ngây thơ mắt môi xinh bỏ ngỏ Cuộc vui đùa chẳng phân biệt gái hay trai!
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73891)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73981)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72731)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 81156)
  Hôm nay “Hội Ngộ Trùng Phùng”, Thầy trò, bè bạn, vui mừng gặp nhau. Thỏa lòng mong ước bấy lâu, Tha phương hội ngộ cố tri Ngô Quyền.
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72072)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73930)
Nếu dân ca được đặt lại khúc Mười Thương Mình sẽ hát Thương Trường Tôi Thứ Nhất Em sẽ hát Một Thương kỷ niệm một thời còn xanh ngắt Những thương nhớ khác nào cũng xếp thứ hai, ba …..
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75417)
    Năm mươi ngọn nến, thắp lung linh, Sinh nhật trường ta thắm đượm tình.  
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75597)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74285)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80549)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74139)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75904)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69395)
  Để tưởng nhớ Anh Nguyễn Phong Cảnh và  chia sẻ nỗi buồn với chị Ma thị Ngọc Huệ,  cựu học sinh Ngô Quyền .  
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69253)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73829)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 71475)
    Ảnh xưa nhìn thật đâu ngờ, Thầy, Cô, Bạn cũ bây giờ nơi đâu ?
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69415)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66587)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 36131)
         Xin vĩnh biệt anh…người bạn đời 37 năm!
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 72147)
Mừng Vui Hội Ngộ Ngô Quyền Cựu Chúc Nhau Giai Lão Bách Niên Lưu.
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 34858)
Cảm xúc ghi lại sau ngày họp mặt gần nửa tháng.   Có dịp lắng lòng nhìn lại việc đã qua.
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 70219)
Mười năm trên đất Mỹ Dẫu có nhiều cuộc vui Nhưng tận cùng nỗi nhớ Vẫn ngậm ngùi chưa nguôi.
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 74440)
ĐÓN mấy Đông qua nơi đất khách, CHÀO Xuân tuổi hạc mãi dần cao, NGÀY tháng trôi nhanh vẫn ước ao HỘI ngộ cùng nhau sẽ có ngày, TRÙNG dương bão nổi gây ngăn cách.... PHÙNG thời sẽ giúp gặp cố tri
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73141)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 42192)
  Ngày ấy chúng con là những học sinh lớp Đệ Thất B1, chúng con là những đứa bé vừa hơn 10 tuổi, và đến nay đã 50 năm nhưng hình ảnh Thầy Cô không thể xóa nhòa trong trí chúng con.
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65508)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...