Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

TĐH - NHỮNG THÁNG NGÀY LANG BẠT

23 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 150086)
TĐH - NHỮNG THÁNG NGÀY LANG BẠT


Những Tháng Ngày Lang Bạt


lang_thang

 
Hơn ba mươi mùa Xuân đi qua và cuộc sống nhiều đổi thay, tôi vẫn thương và nhớ về những kỷ niệm buồn vui trong ngôi trường Đại Học Khoa Học. Từ Giảng Đường 1 qua Giảng Đường 2, đến Giảng Đường A và B bên cạnh vườn Thực Vật, những phòng thực tập Hữu Cơ, Vô Cơ và Hóa Lý, ơi biết bao nhiêu kỷ niệm thân thương. Rồi từng buổi sáng, trưa hay chiều ngồi vắt vẻo trên mấy hàng song sắt bên hai cội còng già, chờ giờ đi thực tập trong khi bâng khuâng nhìn mấy chú sâu buông mình từ nhánh cây cằn cỗi, tuổi thơ của mình sao hồn nhiên chi lạ!

Năm 1973, tôi ghi danh học chứng chỉ MPC (Toán Lý Hóa) và ở trọ với người chị kế của tôi trên đường Cộng Hòa. Sau năm 1975, tôi không còn ở chung với chị của mình nữa nên có nhiều chuyện vui buồn để nhớ đời. Trong lúc sống nay đây mai đó ở Sài Gòn, tôi đã từng "được" Công An hỏi thăm và đưa về ngủ ở trong bót để làm quen với muỗi vài lần.

Sau khi ở Cầu Kho, tôi đi học lại và đến ở trong một con hẻm trên đường Nguyễn Cảnh Chân (gần Sở Cứu Hỏa ở đường Trần Hưng Đạo) khoảng hơn một năm. Tại đây tôi ở chung với hai người bạn trên một căn gác, cầu thang ở phía ngoài nên rất tiện lợi, mình muốn đi khuya về tắt gì cũng được. Trong lúc này, tôi dạy kèm hai em học lớp Mười và lớp Tám ở gần gác trọ. Ăn uống thì tự mình nấu lấy, mỗi khi hết gạo tôi lại đến nơi chị của tôi ở để "tha" về, lúc đó chị ấy ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 (Phan Đình Phùng cũ).


Bạn thử tưởng tượng từ đường Nguyễn Đình Chiểu, rồi Bùi Thị Xuân, ngang qua nhà thờ Huyện Sĩ, chợ Thái Bình, đường Cống Quỳnh, trở về đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Cảnh Chân mà đi bộ với 10 kg gạo trên vai sẽ thấy mình ..."phê" như thế nào! Nhưng lạ một điều là tôi rất yêu đời, không biết khổ là gì, cứ vác một chút thấy mệt lại dừng để nghỉ lấy sức. Vì nấu cơm bằng củi, đôi ba ngày tôi phải mang củi xuống chẻ nhỏ trên một cục đá ở dưới đường. Trong lúc nấu cơm ở phía sau, tôi hay hát nghêu ngao, hầu như mỗi ngày vài bài, hết Mùa Thu Chết lại đến Như Cánh Vạc Bay, rồi thì Người Tình Không Chân Dung ... gõ nhịp thì lấy một khúc củi đập lên tấm thiếc kê dưới lò.

 
Ở sát bên nhà có một gia đình người Bắc gồm 5 người con. Cô gái lớn học Khoa Sinh trường Đại Học Khoa Học, cô kế học trường Nguyễn Bá Tòng. Cô bạn học cùng trường có đặc điểm là nói chuyện rất hiền, lúc nào cũng vấn một bím tóc phía sau và luôn luôn mặc áo dài trắng đi học. Tôi ở đó mấy tháng nhưng không biết hai cô đã "rình" nghe mình hát từ hồi nào! Một hôm đi học về trên đường Nguyễn Văn Cừ (Cộng Hòa cũ), cô chị thấy tôi mới hỏi:

- Thấy anh lúc nào cũng không nói chuyện mà hát sao ... hay quá vậy!

Thật tình lúc đó tôi quê ơi là quê, nhủ thầm trong bụng là mình nhất định sẽ không hát hò gì nữa. Đến chiều khi nấu cơm, lại nghe hai cô ở kế bên réo:

- Anh gì đó ơi, sao không hát cho tụi này nghe với?

Thiệt là khổ, tôi chỉ biết im hơi lặng tiếng cho xong chuyện. Gần cuối năm 1976, tôi vào ở trong Đại Học Xá Ngô Gia Tự (Minh Mạng cũ), nếu còn ở căn gác trọ đó thì tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với hai cô gái Bắc này nữa!

Khi ở Đại Học Xá, tôi tiếp tục dạy hai em nhỏ ở đường Nguyễn Cảnh Chân thêm một năm nữa. Rồi cái nghiệp thầy giáo dạy kèm phải đứt đoạn vì chiếc xe đạp cũ mèm của tôi dựng trước cửa phòng cũng bị một đàn anh nào đó "dẫn" đi mất! Không còn phương tiện di chuyển, tôi đành phải nghỉ dạy. Đến năm cuối, trong lúc chờ phân công sau khi ra trường, tôi đến văn phòng của Công Ty Kim Khí để tìm việc làm và bắt đầu nghề "vác sắt" từ đây, cứ vác (chuyển) 1 tấn sắt sẽ ăn 2 đồng. Trong toán vác sắt, chỉ có tôi học Khoa Hóa, còn bốn anh em khác là Ngọc, Bửu, Tiễn và Tuấn thì học Khoa Sinh.

Mỗi buổi sáng, tôi "vận" một cái quần jean thủng gối, áo ka-ki (khaki) rách vai trông rất bụi đời, xuống nhà bàn lãnh một ổ bánh mì không, rồi đi bộ gần hai mươi phút đến văn phòng chi nhánh của Công Ty. Ở đó tôi chờ xe tới, lên xe rồi họ muốn chở đi đâu thì đi. Công việc chính của nhân viên là kiểm kê và chuyển sắt, thép từ các nhà kho tích trữ của người Hoa ra mấy kho chứa hàng rất lớn ở vùng Phú Lâm. Còn tụi tôi giống như Thiên Lôi thôi, họ sai đâu thì mình đánh đó!

Lúc đó tôi mới thấy kiếm đồng tiền không phải là dễ, làm công việc này cũng "chua" lắm nhất là phải dọn hàng ở những nơi họ trữ sắt lâu ngày, sắt trong kho đã bị rỉ sét, dơ dáy. Ngoài ra, mấy anh em cũng phải lập thế để làm sao chuyển sắt cho dễ, ít tốn sức. Chẳng hạn dùng thanh sắt để làm đòn bẫy hoặc trong khi khiêng phải cẩn thận và ăn ý, nếu không tai nạn sẽ xảy ra như chơi. Khoảng thời gian này, tôi đen gần giống như anh "Bảy Chà Hynos" vì ngày nào cũng dang ngoài nắng lại không đội nón, đi hầu hết các hẽm hóc, đường phố trong Chợ Lớn. 


Có một lần, trong lúc dọn kho, tôi bị một mảnh vụn sắt đã bị bào bằng máy tiện giống như vỏ viết chì bào rớt vào trong mắt, rất đau đớn nhưng không biết cách nào để lấy nó ra, trong lòng lại sợ là mình có thể bị mù. Chiều hôm đó, tôi về sớm và xuống phòng y tế trong Đại Học Xá, rất may chị Liên y tá vẫn chưa về. Chị có chồng là Trung Tá VNCH, lúc đó chồng chị còn đang ở tù. Chị dùng kẹp để lấy vụn sắt ra, rồi nhỏ thuốc sát trùng. Sau khi biết nguyên do tại sao tôi bị như vậy, vừa làm chị vừa rầy rà đủ thứ:

- Sao em khổ dữ vậy Hoàng?

Tôi chỉ biết im lặng mà không biết phải trả lời với chị như thế nào. Thấy vậy chị lại nói tiếp:

- Em đi vác sắt làm cái gì? Rủi em bị đui thì làm sao?


Nghe chị nói tôi cũng thấy mủi lòng vì biết chị nói thật tình và biết là chị thương nên coi tôi như một người em. Chị còn bắt tôi phải hứa là sau khi mắt lành, tôi phải ở nhà nghỉ ngơi. Tôi chỉ "dạ, dạ" rồi mấy hôm sau lại tiếp tục ... đi làm tiếp! Chắc lúc đó mình còn trẻ, quen chân đi rồi nên ngồi một chỗ chịu không nổi hay sao? Sau khi làm ở đây khoảng ba tháng, tôi nhận giấy phân công về làm ở phòng Phân Tích Hóa Chất ở Viện Kỹ Thuật Nông Nghiệp trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.


Cho đến bây giờ tôi cũng không biết số phận chị Liên y tá như thế nào, anh ấy có được thả về hay không, và họ đã trôi giạt ở phương trời nào? Nhiều lúc nhắm mắt để ôn lại những chuyện vui buồn trong đời, tôi vẫn thầm cảm kích và nhớ hoài những ân tình người này, người nọ đã dành cho mình.

 

TĐH

 

27 Tháng Ba 2009(Xem: 70680)
Tình nồng hương đượm mong manh, Dẫm chân ta bước cuộc tình lỡ duyên!
23 Tháng Ba 2009(Xem: 73020)
Vẫy tay chào hang yên chi hoa đỏ Chào khuôn sân đá cuội trắng rì rào Chào hàng sao chim tụ về làm tổ Chào tượng Ngô Quyền nắng ngủ trên cao
23 Tháng Ba 2009(Xem: 73176)
Về lại Biên Hòa thăm con đường xưa Dốc học trò vẫn mang tên Kỷ Niệm
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72483)
Vẫn là mưa nghiêng nghiêng giăng trắng Trên hàng cây bãi cỏ sân trường Sao không giống ngày xưa sâu lắng Chiều tan trường bè bạn thân thương
23 Tháng Ba 2009(Xem: 70254)
Biên Hòa em vẫn thương hoài Ngô Quyền ngày trước, áo dài màu xanh.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72486)
Nếu một mai tôi chết, Xin đừng khóc cho tôi. Đường đời chia đôi ngả, Hãy chôn tình phai phôi.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72543)
Saigon ơi, xa rồi ta vẫn nhớ Những chiều xưa hai đứa lén hẹn hò!
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72372)
Lưu bút ngày xưa kỷ niệm đầy, Tình thân bạn cũ hãy còn đây! Ngây ngô ghi vội đôi dòng chữ Đầy ấp yêu thương mỗi phút giây.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 71993)
ôi, mùa hè tuổi nhỏ hóa thân giữa màu hoa ôi, mùa hè êm ả phục sinh từ đôi ta!
24 Tháng Hai 2009(Xem: 32906)
  Trong tuyển tập “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” của nhà văn Hoàng Mai Ðạt, tác giả đã kể lại một chuyến về Việt Nam vào năm 1998, đặc biệt là ở vùng đất Biên Hòa, quê vợ của anh. Sau đây là trích đoạn tác giả về thăm một nơi chốn đã khiến anh bồi hồi với bao cảm xúc, đó là trường Ngô Quyền của vợ anh cũng như của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, người viết những bài thơ tình bất hủ mà anh yêu thích từ lâu.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 80445)
  ( Kính tặng Thầy Toán Nguyễn Văn Phố)
24 Tháng Hai 2009(Xem: 73071)
  Nay đất khách quê ngưòi: Thân biệt xứ. Áo công khanh rách nát giữ trong tim. Chút hương xưa là chút lửa êm đềm, Dùng sưởi ấm niềm riêng, chờ Hội lớn.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 35489)
  Rời Sài Gòn tháng Tư năm 75. Đến Mỹ, Thượng Châu hợp tác với nhà văn Võ Phiến, Lê Tất Điều, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan xuất bản tờ báo Việt ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ tên Hồn Việt, do nữ ca sĩ Khánh Ly làm chủ nhiệm. Sau đó, hội nhập đời sống Mỹ, đi làm việc ở SanDiego đã được 28 năm và sắp về hưu. Lâu lắm, không viết lách gì, nhưng bây giờ với tiếng gọi trường cũ Ngô Quyền, Thượng Châu rất sẵn sàng và vui vẻ đóng góp
20 Tháng Hai 2009(Xem: 81635)
Ba mươi năm chờ đợi Hoa tàn, trăng tận, sông quằn mình trăn trở Ba mươi năm nhớ mong Lá héo, sao mờ, biển cồn cào dậy sóng
20 Tháng Hai 2009(Xem: 76839)
  Đứng trước biển mùa Đông thêm cô quạnh Cánh hải âu đơn lẻ chập chờn bay Hải đăng xa nhạt nhòa trong sương lạnh Đá chập chùng, mong mỏi đợi chờ ai  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 76788)
  Nhớ sao cứ nhớ quắt quay Ngô Quyền bạn cũ giờ đây ai còn?                  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 76315)
Một chút mây trời, để nhớ thương, Bay qua thật nhẹ, trước cổng trường.  
16 Tháng Hai 2009(Xem: 76635)
Tặng Mai Trọng Ngãi, Đinh Hoàng Vân, Tiêu Hồng Phước, Tô Anh Tuấn và Phan Kim Phẩm.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 24464)
Sự cư xử giản dị nhưng đầy tình chân thật của em là một món quà vô giá mà không dễ gì tôi nhận được một lần thứ nhì trong đời.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 38060)
... và như thế, Ngô Quyền hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là tổ ấm của chúng ta miên viễn, đời đời...
05 Tháng Hai 2009(Xem: 90966)
Năm mươi ngọn nến hồng đang rực sáng, hân hoan mừng phút giây hạnh ngộ, trùng phùng. Hãy cùng nhau sớt chia, gìn giữ vì ngọt bùi nào rồi cũng sẽ chóng qua…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 39426)
  Trường Trung Học Ngô Quyền được điều hành bởi một Ban Giám Đốc, đứng đầu là Hiệu Trưởng
04 Tháng Hai 2009(Xem: 88036)
  Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 35525)
  Chúng tôi trưởng thành trong một nền giáo dục “NHÂN BẢN và KHAI PHÓNG”, mà tinh thần “Tôn sư trọng đạo” thể hiện trong câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, với Thầy, một lòng tôn kính, với bạn, một dạ chân tình, xin mượn nơi nầy thắp nén tâm hương tri ân quí Thầy đã quá vãng, tưởng nhớ quí Bạn đã qua đời.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 75422)
  Này em còn nhớ hay quên ? Lời Thầy Cô dạy chớ nên lơ là. Vì đâu mà có thân ta, Công Cha, Nghĩa Mẹ bài ca dao này;  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 39851)
Dĩ nhiên, đám học trò chúng tôi thích lắm, vì ý tưởng lạ đó không tìm thấy được trong Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim hay trong Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 41016)
  Trường Trung học Ngô Quyền là một trường sinh sau đẻ muộn, so với các trường Pétrus Ký, Gia Long ở Sàigòn, và các trường Nguyễn Đình Chiểu (được gọi là Le Myre de Vilers thời thuộc Pháp) ở Mỹ Tho, và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 83696)
Nhìn em dáng nhỏ hao gầy Cho tôi nghe tiếng thở dài buồn tênh