Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Gs Vĩnh Phúc - Nghĩa Sư Sinh.

09 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 24399)
Gs Vĩnh Phúc - Nghĩa Sư Sinh.

 

blank

Nghĩa Sư Sinh

 

11kvinhp-content

Vĩnh Phúc

 

Sự cư xử giản dị nhưng đầy tình chân thật của em là một món quà vô giá mà không dễ gì tôi nhận được một lần thứ nhì trong đời.

 

 Trong quãng đời làm nghề dạy học của tôi bắt đầu từ niên học 1962 - 63 cho tới 77 - 78, có lắm kỷ niệm cả vui lẫn buồn. Nhưng có lẽ vui nhiều hơn buồn. Thấy học trò chăm chỉ, chịu khó chú ý theo dõi lời giảng, cũng đủ để ông thầy cảm thấy vui rồi. Lại có khi những cách đùa nghịch tinh quái nhưng khá thông minh và vẫn trong vòng lễ giáo của đám môn sinh cũng làm cho thầy muốn bật cười, tuy ngoài mặt vẫn phải làm nghiêm, vì theo như lời một nữ đồng nghiệp “nếu không thì chúng nó sẽ múa lân trước mặt mình!”. Kết quả tốt đẹp vào cuối niên học với nhiều học sinh được lên lớp hay thi đậu, hoặc thấy có những em xuất sắc được học bổng du học, là những dịp nhà giáo mang tâm trạng một nông gia hả hê ngồi nhìn kết quả vụ gặt “trúng mùa” sau những tháng ngày đổ mồ hôi trên luống cầy. Niềm vui cũng có thể chỉ giản dị đến từ một lời chào hỏi của một học trò đã rời trường lâu năm và trưởng thành mà còn nhìn ra thầy cũ. Lão lái đò nào mà chẳng cảm thấy mát lòng vì lời chào của một khách qua sông từ nhiều năm trước trên bến xưa, nay ngẫu nhiên gặp lại.

Có lẽ nhờ những kỷ niệm đẹp như thế mà những người đứng trước bảng đen để mưu sinh còn can đảm tiếp tục theo đuổi cái nghề vốn bị coi là bạc bẽo. Nhất là vào thời kỳ nhố nhăng với nửa triệu quân Mỹ đổ sang Việt Nam khiến nẩy sinh nhiều nghề giúp người ta kiếm tiền rất dễ dàng, và trong xã hội bỗng xuất hiện lắm giai cấp mới, túi lúc nào cũng rủng rỉnh đô-la, trong khi cuộc sống của nhà giáo càng sa sút vì đồng lương khiêm nhường trong tình trạng lạm phát.

 

blank

 

Riêng với tôi, trong số những học trò cũ đã đem lại cho tôi những kỷ niệm vô cùng xúc động mà tôi không bao giờ quên, có một nữ sinh trường Ngô Quyền. Nhất là sự kiện đó lại diễn ra đúng vào thời gian tôi đang gặp nhiều dao động tinh thần. Đó là lúc tôi vừa mới chân ướt chân ráo lên trại đảo Pulo Bidong, Malaysia, đầu năm 1979, sau những năm tháng chứng kiến nhiều cảnh đổi đời, phải đối phó với những đe dọa rình rập, rồi lại vừa mới rũ tay xóa hết, bỏ lại sau lưng tài sản, họ hàng, người thân, mồ mả ông cha và quê hương, để ra đi trong nỗi lo sợ phập phồng chỉ với mục đích tìm tự do.

 Sau khóa học tập chính trị dành cho giáo viên (chữ của chế độ mới chỉ giáo sư trung học miền Nam) ở trường trung học Pétrus Ký mùa hè năm 1978, tôi giả vờ bệnh với y chứng của một bác sĩ quen để xin nghỉ dạy - bỏ nghề hẳn - với mục đích được rảnh tay mà tìm đường vượt biên. Họ cầm chân tôi bằng cách cho nghỉ 3 tháng mà vẫn lãnh lương. Sau đó nếu bệnh chưa giảm, lại nghỉ tiếp 3 tháng nữa. Nhưng may mắn là ngay trong 3 tháng đầu, tôi đã đem được gia đình đi thoát.

Sau chỉ có 3 ngày 4 đêm, chúng tôi - cả thẩy 265 người trên con thuyền gỗ máy 3 bloc xanh dài 18 mét, rộng 3,2 mét - quá may mắn đến được Mã Lai (Malaysia) an toàn không một biến cố nào trên biển. Sau hơn một tháng được chính quyền Malaysia cho sống tạm bợ và thiếu thốn trong một nhà kho mái tôn dùng để sửa chữa tầu ở thành phố Trengganu ven biển, chúng tôi được chuyển sang đảo Pulo Bidong khoảng cuối tháng 3 năm 79.

 

blank

 

 Ngay đêm đầu đặt chân lên Pulo Bidong, 265 người, từ một bé gái sơ sinh tới ông cụ 94 tuổi, phải tập trung lại, nằm ngủ trên bãi cát ven biển, để chờ sáng hôm sau đi tìm địa điểm làm lều ở rải rác trên các bãi biển hay sườn núi. Theo thủ tục và điều luật của trại đảo, khi có thuyền tỵ nạn mới tới, các thanh niên đã đến ở đảo trước và tình nguyện làm việc trong Ban An Ninh Trật Tự đảo ra đón. Họ đòi đại diện tầu lập một danh sách người của tầu mình để tiện việc kiểm soát. Với tư cách đại diện tầu, tôi phải làm việc này. Một thanh niên trưởng toán trật tự gọi lớn:

-- Đại diện tầu đâu ? Lập danh sách người trên tầu ngay đi.

Tôi tiến đến chỗ mấy thanh niên Ban Trật Tự đứng và xin họ mấy tờ giấy trắng để lập danh sách. Anh ta hỏi tiếp:

-- Đại diện tầu tên gì?

-- Kiều Vĩnh Phúc.

Bỗng anh ta rọi đèn pin vào mặt tôi, rồi la lên:

-- Trời ơi, thầy !

 Rồi hình như quá mừng, anh ta quên mất hoàn cảnh lúc đó xung quanh tối om không nhìn rõ mặt nhau, nói liến thoắng :

-- Trời ơi, thầy ! Thầy còn nhớ em không? Thầy ơi, có nhiều học trò của thầy ở đây lắm. Để em gọi tụi nó đến chào thầy. Chắc tụi nó mừng lắm đấy! Mà thầy mệt lắm hả? Thầy chờ em chút nhé.

Không đợi tôi trả lời, anh ta chạy biến đi ngay vào bóng tối. Một lát sau trở lại với gói thuốc lá 555. Tôi đang ngồi tạm trên một bọc quần áo để viết danh sách, thấy vậy cảm động lắm, nhưng trả lời:

-- Thầy không hút thuốc. Em cho thầy xin một lon Coca thì tốt, vì thầy khát lắm.

Tôi thều thào nói, vì quá mệt sau những ngày thiếu ăn thiếu uống ở Trengganu và sau hơn 3 tiếng đồng hồ bị sóng nhồi trên con thuyền từ đất liền ra tới đảo.

Sau vài ngụm Coca, tôi tỉnh hẳn để đón nhận lời chào hỏi của mấy thanh niên nhận là học trò cũ ở cả trường công lẫn các trường tư ở Sài Gòn. Nhưng quả thật tôi không nhớ được tên ai cả, vì lúc đó ký ức và sự linh mẫn gần như thui chột hẳn sau những đe dọa, khủng bố, rồi lo sợ trên đường vượt biển. Vả lại, chính đám thanh niên này cũng thay đổi nhiều. Từ những cậu thư sinh ngày nào, nay họ đã biến thành những thanh niên gân guốc, đen sạm vì nắng cháy Mã Lai, tóc tai để dài chấm vai, trông chẳng khác gì người bản xứ.

 

blank

 

Sáng sớm hôm sau, lại có một nhóm chừng dăm sáu cô cậu tới mừng tôi đến được đất tự do. Tất cả đều mừng mừng tủi tủi, tíu tít hỏi thăm về người này người kia xem ai còn ai mất, ai vẫn bị kẹt lại và ai đã đi thoát, trong đó có cả những thầy cô cũ và bạn hữu của họ. Đến lúc này tôi đã nhớ lại được tên một số người. Nguyên, một cựu học sinh nhà ở Chợ Lớn, nói:

-- Thầy yên tâm . Để rồi chúng em lên rừng chặt cây về làm lều cho thầy. Sẽ chặt cả những cây nhỏ để làm chõng luôn, lấy chỗ nằm.

Hôm sau, với 200 đồng Mã Lai, tôi sang được một mảnh đất dốc trên sườn đồi diện tích bằng cỡ 3 chiếc chiếu. Đất này do những người tỵ nạn lên đảo trước “xí phần” rồi sang lại cho người lên sau - những con chó đói ăn thịt lẫn nhau! May mắn mua được một tấm nylon loại dùng để che lều, nhưng chưa có lều nên gia đình tôi trải xuống đất một nửa, rồi hai vợ chồng cùng 3 đứa con nhỏ dùng nửa còn lại đắp ụp lên trên mà ngủ về đêm, cũng tạm che được sương gió. Phải đốt đống lửa bên cạnh để sưởi ấm và ngăn cho rắn rết khỏi đến gần. Thế mà thỉnh thoảng nửa đêm đang ngủ lại phải chồm bật dậy vì bị cóc nhái hay chuột chạy chui vào người. Còn muỗi thì đành chịu, vì chưa giăng được mùng.

Một buổi tối, tôi đang ngồi sưởi bên đống lửa, bỗng một thiếu nữ xuất hiện. Cô rụt rè hỏi:

-- Thưa thầy, có phải thầy là thầy Kiều Vĩnh Phúc, dạy trường Ngô Quyền trước kia?

-- Phải. Cô có việc chi?

-- Thầy không nhớ con à? Tên con là Hồng, con ông Hoàng Đôn Trịnh ...(1)

-- A! Thế thì tôi nhớ rồi. Em nói tên và là con ông Trịnh thì tôi mới nhớ ra. Nếu không thì đành chịu. Mà em đi với ai? Ông Trịnh có đi không? Lên đây lâu chưa?

-- Thưa thầy, con đi với chồng con. Con lập gia đình rồi. Còn ba má con vẫn ở Việt Nam. Con ở lều gần đây, trên lối đi ra hội trường. Mấy bữa trước con thấy thầy mới lên đảo đi ngang qua, nhưng còn ngờ ngợ, nên không dám nhận. Xin thầy chờ con một chút.

Rồi Hồng chạy đi. Chừng 3 phút sau em trở lại, đem theo một gói trà nhỏ bọc bằng mảnh giấy báo, một bọc mềm mềm như vải cuộn gọn lại, và nửa cái chai bia 33 cắt lấy phần trôn (2) để làm ly uống nước. Em nói:

-- Con biết thầy cô mới lên đảo chưa có gì cả, nên mang qua cái này. Đây là nửa cái chai bia do chồng con nướng dây kẽm rồi cắt, để làm ly uống nước. Con biếu thầy chút trà để thầy uống. Còn đây là mảnh dù hỏa pháo, thầy dùng tạm đắp cho các em đỡ lạnh. Trên đảo về đêm lạnh lắm.

Tôi không khách sáo, đón nhận gói trà nhỏ và “cái ly”, nhưng trả lại Hồng tấm vải dù, vì nghĩ rằng trên đường tỵ nạn cái này quí lắm. Gia đình em cũng cần có chăn đắp. Nhưng em cho biết nhà còn cái khác đủ cho hai vợ chồng. Tấm này dư, nên đem biếu tôi dùng cho đàn con nhỏ đắp chống lạnh. Tôi cảm động quá và không từ chối nữa vì biết rằng đó là tấm dù dư của vợ chồng Hồng, trong khi các con tôi rất cần chăn đắp, vì chúng tôi ra đi với hai bàn tay trắng, không dám đem theo bất cứ cái gì, sợ bị lộ. Tôi mời em ngồi xuống để thầy trò hàn huyên, hỏi thăm em về gia đình, về những vị đồng nghiệp cũ ở trường Ngô Quyền, nơi tôi phục vụ cho tới khoảng năm 72 mới đổi về Sài Gòn, và cũng hỏi thăm về các bạn cùng trang lứa của em mà tôi còn nhớ được. Nhưng với hoàn cảnh bưng bít tin tức ở Việt Nam hồi đó, em cũng không biết được mấy.

 

blank

 

Khoảng 2 tháng sau, bỗng một hôm Hồng lại đến lều của tôi, mang theo một cái xoong bằng nhôm đường kính khoảng 30 cm, đã méo mó. Em cho biết được nhận cho đi định cư ở Tây Đức. Trước khi đi em sang từ giã tôi, và nhân tiện “gia tài” của em còn lại cái xoong đã móp, nên biếu cô để dùng. Lại một lần nữa, chúng tôi vui vẻ nhận ngay. Hiển nhiên, là người tỵ nạn, cả hai thầy trò đều hiểu giá trị của cái xoong cũ móp này. Từ nay em không cần tới nó nữa, nhưng nhờ có nó, nhà tôi đã làm được bánh mì “dã chiến” cho cả nhà ăn sáng. Ngoài ra nó còn nhiều công dụng khác.

 Tôi tiếp tục ở lại đảo thêm mấy tháng nữa thì đài BBC đón tôi sang Luân Đôn làm việc vào đúng thời gian chỉ còn 2 tuần lễ nữa thì phái đoàn Mỹ bốc gia đình tôi đi. Rất tiếc là từ khi sang Luân Đôn, công việc lu bu quá nên không có dịp tìm hiểu xem Hồng định cư ở tỉnh nào bên Đức. Sau này hỏi thăm thì được biết em đã bảo lãnh cho ông bà Hoàng Đôn Trịnh sang Đức rồi (?).

 Trong thời gian đi tỵ nạn, tôi có nhiều kỷ niệm khá cảm động, nhưng không kỷ niệm nào đáng nhớ như lần gặp gỡ cô học trò cũ trên trại đảo. Sự cư xử giản dị nhưng đầy tình chân thật của em là một món quà vô giá mà không dễ gì tôi nhận được một lần thứ nhì trong đời. Một dúm trà, mảnh vải dù, cái xoong móp, và chai bia cắt ngang để làm ly, những vật tầm thường mà người ta sẵn sàng quăng đi không ai thèm lượm vào những lúc khác, nhưng lại rất quí trong hoàn cảnh tỵ nạn tay trắng của thầy trò chúng tôi hồi đó. Tuy nhiên, chính tấm lòng chân thành của cô học trò đã trưởng thành gói ghém trong cử chỉ rụt rè tìm đến người thầy cũ hom hem tiều tụy mà đưa biếu những thứ này, mới thực sự là vô giá. Hành động của em cũng như việc những nam sinh đã học với tôi ở Sài Gòn tự nguyện dựng lều giúp tôi, ngoài sự biểu lộ tấm lòng quí hóa của người học trò đối với ông thầy cũ, còn bao hàm một chia sẻ, một an ủi đầy tình người trong hoàn cảnh hoạn nạn. Đã 25 năm trôi qua, nhưng bây giờ mỗi khi nhắc lại kỷ niệm này tôi vẫn không khỏi thấy lòng bồi hồi xúc động.

 

Chú thích: (1) Ông Hoàng Đôn Trịnh là một nhà giáo hiền lành đôn hậu. Ông làm Phụ Tá Giám Học cho ông Phạm Khắc Thành một thời gian. Khi ông Thành lên Hiệu Trưởng thì ông Trịnh lên Giám Học. Em Hoàng Thị Xuân Hồng học tôi lớp Đệ Tứ, hình như niên khóa 64-65 (?).

 

 

27 Tháng Ba 2009(Xem: 70595)
Tình nồng hương đượm mong manh, Dẫm chân ta bước cuộc tình lỡ duyên!
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72756)
Vẫy tay chào hang yên chi hoa đỏ Chào khuôn sân đá cuội trắng rì rào Chào hàng sao chim tụ về làm tổ Chào tượng Ngô Quyền nắng ngủ trên cao
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72929)
Về lại Biên Hòa thăm con đường xưa Dốc học trò vẫn mang tên Kỷ Niệm
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72355)
Vẫn là mưa nghiêng nghiêng giăng trắng Trên hàng cây bãi cỏ sân trường Sao không giống ngày xưa sâu lắng Chiều tan trường bè bạn thân thương
23 Tháng Ba 2009(Xem: 69989)
Biên Hòa em vẫn thương hoài Ngô Quyền ngày trước, áo dài màu xanh.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72272)
Nếu một mai tôi chết, Xin đừng khóc cho tôi. Đường đời chia đôi ngả, Hãy chôn tình phai phôi.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72298)
Saigon ơi, xa rồi ta vẫn nhớ Những chiều xưa hai đứa lén hẹn hò!
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72121)
Lưu bút ngày xưa kỷ niệm đầy, Tình thân bạn cũ hãy còn đây! Ngây ngô ghi vội đôi dòng chữ Đầy ấp yêu thương mỗi phút giây.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 71863)
ôi, mùa hè tuổi nhỏ hóa thân giữa màu hoa ôi, mùa hè êm ả phục sinh từ đôi ta!
24 Tháng Hai 2009(Xem: 32806)
  Trong tuyển tập “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” của nhà văn Hoàng Mai Ðạt, tác giả đã kể lại một chuyến về Việt Nam vào năm 1998, đặc biệt là ở vùng đất Biên Hòa, quê vợ của anh. Sau đây là trích đoạn tác giả về thăm một nơi chốn đã khiến anh bồi hồi với bao cảm xúc, đó là trường Ngô Quyền của vợ anh cũng như của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, người viết những bài thơ tình bất hủ mà anh yêu thích từ lâu.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 80359)
  ( Kính tặng Thầy Toán Nguyễn Văn Phố)
24 Tháng Hai 2009(Xem: 72874)
  Nay đất khách quê ngưòi: Thân biệt xứ. Áo công khanh rách nát giữ trong tim. Chút hương xưa là chút lửa êm đềm, Dùng sưởi ấm niềm riêng, chờ Hội lớn.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 35425)
  Rời Sài Gòn tháng Tư năm 75. Đến Mỹ, Thượng Châu hợp tác với nhà văn Võ Phiến, Lê Tất Điều, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan xuất bản tờ báo Việt ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ tên Hồn Việt, do nữ ca sĩ Khánh Ly làm chủ nhiệm. Sau đó, hội nhập đời sống Mỹ, đi làm việc ở SanDiego đã được 28 năm và sắp về hưu. Lâu lắm, không viết lách gì, nhưng bây giờ với tiếng gọi trường cũ Ngô Quyền, Thượng Châu rất sẵn sàng và vui vẻ đóng góp
20 Tháng Hai 2009(Xem: 81560)
Ba mươi năm chờ đợi Hoa tàn, trăng tận, sông quằn mình trăn trở Ba mươi năm nhớ mong Lá héo, sao mờ, biển cồn cào dậy sóng
20 Tháng Hai 2009(Xem: 76760)
  Đứng trước biển mùa Đông thêm cô quạnh Cánh hải âu đơn lẻ chập chờn bay Hải đăng xa nhạt nhòa trong sương lạnh Đá chập chùng, mong mỏi đợi chờ ai  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 76718)
  Nhớ sao cứ nhớ quắt quay Ngô Quyền bạn cũ giờ đây ai còn?                  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 76230)
Một chút mây trời, để nhớ thương, Bay qua thật nhẹ, trước cổng trường.  
16 Tháng Hai 2009(Xem: 76529)
Tặng Mai Trọng Ngãi, Đinh Hoàng Vân, Tiêu Hồng Phước, Tô Anh Tuấn và Phan Kim Phẩm.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 38021)
... và như thế, Ngô Quyền hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là tổ ấm của chúng ta miên viễn, đời đời...
05 Tháng Hai 2009(Xem: 90888)
Năm mươi ngọn nến hồng đang rực sáng, hân hoan mừng phút giây hạnh ngộ, trùng phùng. Hãy cùng nhau sớt chia, gìn giữ vì ngọt bùi nào rồi cũng sẽ chóng qua…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 39358)
  Trường Trung Học Ngô Quyền được điều hành bởi một Ban Giám Đốc, đứng đầu là Hiệu Trưởng
04 Tháng Hai 2009(Xem: 87954)
  Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 35478)
  Chúng tôi trưởng thành trong một nền giáo dục “NHÂN BẢN và KHAI PHÓNG”, mà tinh thần “Tôn sư trọng đạo” thể hiện trong câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, với Thầy, một lòng tôn kính, với bạn, một dạ chân tình, xin mượn nơi nầy thắp nén tâm hương tri ân quí Thầy đã quá vãng, tưởng nhớ quí Bạn đã qua đời.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 75326)
  Này em còn nhớ hay quên ? Lời Thầy Cô dạy chớ nên lơ là. Vì đâu mà có thân ta, Công Cha, Nghĩa Mẹ bài ca dao này;  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 39773)
Dĩ nhiên, đám học trò chúng tôi thích lắm, vì ý tưởng lạ đó không tìm thấy được trong Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim hay trong Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 40949)
  Trường Trung học Ngô Quyền là một trường sinh sau đẻ muộn, so với các trường Pétrus Ký, Gia Long ở Sàigòn, và các trường Nguyễn Đình Chiểu (được gọi là Le Myre de Vilers thời thuộc Pháp) ở Mỹ Tho, và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 83584)
Nhìn em dáng nhỏ hao gầy Cho tôi nghe tiếng thở dài buồn tênh
04 Tháng Hai 2009(Xem: 47214)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.