Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diêu Hương - THĂM THẦY CHIỀU 24 TẾT

05 Tháng Hai 20243:58 CH(Xem: 2523)
Nguyễn Trần Diêu Hương - THĂM THẦY CHIỀU 24 TẾT


THĂM THẦY CHIỀU 24 TẾT
 
Nguyễn Trần Diệu Hương



Chúng tôi đến viếng Thầy vào một chiều mùa đông, trời xám xịt, giữa hai cơn bão, đầy mây xám, trưa thứ bảy đầu tháng 2 dương lịch, chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Giáp Thìn. Màu vàng của  cúc đại đóa, màu xanh của bánh chưng, màu hồng nhạt của rượu dâu, và ký ức Ngô Quyền đưa Thầy trò chúng tôi về rất gần với Tết quê nhà, về với những giờ Toán ngày xưa thời Trung học của Thầy Nguyễn Thất Hiệp với các chs NQ K1 Vũ Tuyết Mai, K3 Bùi Đức Lương, K6 Phan Kim Phẩm, K6 Nguyễn Tường Lynh.



blank

Quý anh chị Mai, Phẩm, Lynh, Lương trước cửa chung cư của Thầy Hiệp
 

Vào Ngô Quyền muộn màng hơn, không được học Toán với Thầy Nguyễn Thất Hiệp, nhưng qua những sinh hoạt của chs NQ ở Mỹ -như dịp cùng các niên trưởng đi thăm Thầy hôm nay- chúng tôi cũng cảm thấy mình về lại được với khung cửa lớp ngày xưa, hồn nhiên, ngây thơ, miệng cười toe toét với bạn bè cùng lớp, và học được rất nhiều kiến thức mới mỗi ngày từ quý Thầy Cô.


blank

NQK3 BĐ Lương, Thầy Hiệp, NQK1 VT Mai, NQK6 NTT Lynh, NQK15 NTD Hương


Vài chục năm trôi qua, Thầy trò đều mang dấu ấn của thời gian. Ngày xưa, chỉ mới mười mấy năm, cụ Nguyễn Du đã cho thấy sự đổi thay qua hai câu thơ :


 Chốc đà mười mấy năm trời

Còn ra khi đã da mồi tóc sương


Dù rời trường đã lâu, lâu lắm, tình nghĩa Thầy trò, điểm chung là chs Ngô Quyền, đã đưa chúng tôi đến thăm Thầy cùng nhau vào những ngày gần Tết Giáp Thìn. Bàn thờ tổ tiên ở  một góc nhà Thầy có bình hoa cúc vàng cho chúng tôi thấy lại cả trời Việt Nam, với truyền thống dọn dẹp bàn thờ tổ tiên những ngày gần Tết, một truyền thống tốt đẹp chỉ còn trong tâm tưởng chúng tôi, (những người phải sống đời lưu lạc).Vậy mà Thầy Cô vẫn giữ được truyền thống dù tuổi Thầy Cô đã bước vào bát tuần.


blank

Thầy Hiệp giữa “học trò già” chiều 24 Tết Giáp Thìn 2024 ở  Milpitas, California
 

Không còn giữ được truyền thống "mùng ba Tết Thầy" như ở quê nhà, năm anh chị em chúng tôi của các khóa 1,3,6 và 15 đã đến thăm Thầy chiều 24 Tết ở quê người, bầu trời xám xịt và cái lạnh của mùa Đông không ngăn được chúng tôi nhớ Tết Nguyên đán ngày xưa, thời còn học Ngô Quyền.


blankblank



Thầy vẫn sáng suốt, vẫn nhớ mặt, điểm danh được từng đứa học trò mà không cần phải lục tìm trong ký ức. Cô không khỏe như Thầy nhưng vẫn ra ngồi góp chuyện với Thầy trò Ngô Quyền. 


blank

NQK3 Bùi Đức Lương, NQ K6 Phan Kim Phẩm
 


Anh chị em chúng tôi đã có một buổi chiều cuối năm âm lịch đáng nhớ, Tết Giáp Thìn đang về rất gần, chúng tôi vui vì mình đã cùng nhau "mời người lên xe tìm về quá khứ"

Quá khứ học trò mãi mãi xanh tươi mỗi lần "bầy học trò già" có dịp ngồi bên quý Thầy Cô.


blank

NQK15 Diệu Hương, NQK6 Tường Lynh, NQK1 Tuyết Mai



Bài này ghi lại một chuyến thăm Thầy cuối năm với hy vọng sẽ còn nhiều dịp chúng tôi được đến thăm quý Thầy Cô, và quý Thầy Cô vẫn nhớ thời đi dạy, nhớ lũ học trò ngây thơ ngày xưa, bây giờ đã chất chồng tuổi tác nhưng tình nghĩa Thầy trò thì vẫn còn nguyên, như chưa có gần nửa thế kỷ đã trôi qua.


Cũng xin gởi một lời chúc an lành về "cố quốc", ước mong làn gió xuân Giáp Thìn sẽ thổi về quê nhà không khí  tự do, bình an, và ấm no cho những người lao động (đặc biệt là các cụ già và các em bé) đang phải ngược xuôi kiếm sống trên khắp nẻo đường đất nước.


blankblank




Nguyễn Trần Diệu Hương

Milpitas  24 Tết Giáp Thìn 2024



 





22 Tháng Bảy 2009(Xem: 92360)
Tôi như lang thang trên những con phố Biên Hoà, những con đường dẫn tôi đến sân trường cũ, ở đó lời Thầy Cô còn vang vọng, tiếng lao xao của bạn bè còn nghe rõ như in, tà áo dài ai trắng đến tinh khôi...
26 Tháng Năm 2008(Xem: 11520)
Tôi nghĩ dạy Văn (Quốc Văn) không có nghĩa là, người dạy phải biết làm văn, làm thơ (nghĩa là sáng tác ra một bài văn, bài thơ theo cảm hứng nào đó).