Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hạnh Phạm - YÊU DẤU NGÔ QUYỀN

22 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 78104)
Hạnh Phạm - YÊU DẤU NGÔ QUYỀN

YÊU DẤU NGÔ QUYỀN

hanh-content

Hạnh Phạm


Trong bảy năm mài đũng quần dưới mái trường Ngô Quyền, như tất cả các học sinh khác, tôi đã được học hỏi với nhiều thầy cô. Theo tôi nhớ thì tính trung bình, cứ một năm học, chương trình có khoảng bảy, tám, môn khác nhau như Nhạc/ Nữ công, Công Dân, Việt Văn, Sử Điạ, Anh/Pháp Văn, Lý Hoá và Toán. Lên đến đệ nhị cấp thì không còn môn Nhạc và Nữ Công nhưng thay vào đó là môn Vạn Vật và lên đến lớp 12 thì thêm môn Triết. Mỗi môn được đảm trách bởi một thầy hay một cô. Nếu chỉ có tính bình quân là bảy thầy cô một năm thôi ( trừ hao vì có một số thầy cô dạy vài cấp lớp khác nhau) rồi nhân cho bảy năm từ đệ thất đến đệ nhất thì số tổng số thầy cô tôi đã dạy tôi cũng đã ngót nghét năm mươi. Khi đọc qua cái “Danh Sách Ban Giáo sư Trung Học Ngô Quyền” trong cuốn “ Tuyển Tập Ngô Quyền 2006”, tuy vẫn còn nhận ra tên tuổi của những thầy cô đã dạy mình nhưng tôi phải xấu hổ thú thật là ngoài một số nhỏ, tôi không thể nào hình dung ra được mặt mũi của của tất cả thầy cô. Trong số những thầy cô mà tôi còn nhớ mặt là cô Ngô Bích Liên, thầy Trần Minh Chính, thầy Nguyễn Viết Long, và thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo.

Cô Bích Liên dạy tôi môn Nữ Công vào những năm đầu trung học. Tuy là cô giáo của mình nhưng tôi vẫn coi cô như một người chị. Cô có dáng người mảnh khảnh với mái tóc dài ngang lưng. Khuôn mặt cô nhỏ nhắn thanh tao. Giọng nói miền Nam của cô lúc nào cũng dịu dàng và ngọt ngào. Tôi rất yêu thích giờ học của cô. Khác với những môn học kia, trước giờ cô, tôi không phải tập trung tư tưởng, lẩm nhẩm học thuộc bài để rồi trong giờ học, ngồi dưới bàn học nhìn lên, hồi hộp, cầu xin thầy cô đừng gọi đến tên mình. Qua sự hướng dẫn của cô, tôi đã biết cách thêu thùa. Từ những mũi thêu đơn giản như mũi dây chuyền, mũi chữ thập đến những mũi khá phức tạp như mũi xương cá đơn, mũi xương cá kép. Ngoài ra cô còn dậy tụi tôi vá quần áo, làm khuy áo, rua khăn “mouchoir” (handkerchief). Vụng về như tôi, việc rua khăn là một sự thử thách rất lớn. Nào là rút chỉ chung quanh khăn rồi rua trên, rua dưới. Đã vậy cũng chưa hết. Phải luôn chung quanh nẹp của khăn để khăn không bị xổ ra. Thật là một kỳ công. Ấy thế mà cũng xong. Tin tưởng vào khả năng của lũ học trò, một hôm gần Tết, cô nói tụi tôi mỗi đứa thêu một cái khăn “mouchoir” để gởi tặng các anh chiến sĩ đóng quân ở các tiền đồn hẻo lánh. Tôi háo hức ra công. Cái miếng vải “teteron” trắng vô tri bỗng dưng trở nên có hồn. Tôi mê say thêu khăn. Tôi thêu khăn với cả tâm tình trìu mến và biết ơn của một người em gái hậu phương đến một người quân nhân nơi tiền tuyến. Chiếc khăn tay trắng được thêu với cành hoa mai vàng rực rỡ ở một góc. Ở góc đối diện là tên của tôi và tên của trường. Sau đó tôi cẩn thận ướp tác phẩm của mình với vài giọt nước hoa Tabu mà tôi đã lấy trộm của chị tôi. Khăn gởi đi rồi, tôi thấp thỏm, mơ màng, chờ tin của người lính không chân dung. Không biết anh lính nào sẽ nhận được chiếc khăn của tôi nhỉ? Trong giấc mơ, tôi thấy anh đến tìm tôi ở cổng trường, tay cầm chiếc khăn “mouchoir” với cánh mai vàng ở một góc. Ở văn phòng giáo sư nhìn ra, cô Liên tủm tỉm miệng cười. Cô Liên ơi, tuy giờ đây cô không còn ở trên thế gian này nữa nhưng em vẫn còn nhớ và mang ơn cô, nhất là mỗi khi lên gấu quần hay vá quần áo cho những đứa con của em.

Thầy Chính dạy tôi môn Hóa Học. Người thầy cao ốm, khẳng khiu. Dưới đôi mắt kiếng dầy cộm như vỏ chai, thầy hay tít mắt lên cười. Thầy trẻ trung, vui tánh và hay pha trò nên không khí trong lớp học thầy dạy rất cởi mở. Thầy dạy từ từ, rõ ràng, theo mức độ hấp thu của học sinh. Khi giảng bài thầy dùng phấn nhiều màu để viết dàn bài hoặc vẽ hình minh họa. Thầy biến môn Hóa khô khan thành một môn học lý thú và dễ hiểu. Học sinh lơ tơ mơ như tôi mà lúc đó còn hiểu cấu trúc cơ bản nguyên tử (atom) gồm có protons, neutrons và electrons . Protons mang điện dương, electrons mang điện âm còn Neutrons thì trung hòa. Chính vì thấy mình không đến nỗi tệ trong môn Hóa nên sau này lên Đại Học tôi đã mạnh dạn đi theo ngành Hóa Học. Em cám ơn thầy Chính .

Vì thầy Chính dạy hay nên trong lớp tôi, thầy có nhiều học trò quý mến. Riêng đối với TM, một người bạn gái cùng lớp xinh xắn của tôi, dần dần chuyển sự quý mến thành tình yêu và không lâu sau đó TM đã trở thành cô “Chính”. Em xin được chúc mừng thầy cô nhé, dù là một lời chúc khá muộn màng.

So với thầy Chính thì thầy Sử Địa Nguyễn Viết Long nghiêm nghị hơn nhiều. Dưới ánh mắt của bọn học trò mới lớn tụi tôi, thầy Long là biểu tượng của một người hùng. Này nhé, với những bước chân dài, mạnh dạn, dáng đi của thầy trông thật hùng dũng. Mặt của thầy rất sáng sủa, khôi ngô. Khi giảng bài, giọng của thầy rất hùng hồn, lôi cuốn, như một luật sư biện hộ trước phiên toà. À! Hình như thầy học luật thì phải. Thầy ít khi cười. Nhìn vào đôi mắt sáng rực của thầy, tôi mong manh cảm nhận được những ưu tư, những giấc mơ, những hoài bão mà thầy ấp ủ. Thầy ơi, em hy vọng rằng những tháng năm thử thách đã qua không làm chùng nhiệt huyết của thầy. Nếu mình còn ước mơ, còn có niềm tin, là mình còn hy vọng, phải không thầy?

Sau ngày 30/4, ai nấy đều chới với tìm cách mưu sinh. Đi học đại học ở SàiGòn, tôi ít có cơ hội liên lạc với bạn bè thời trung học. Một hôm, tình cờ gặp lại A. Đ, người bạn gái học chung lớp. Nhìn A. Đ hốc hác, mệt mỏi, tôi hỏi A. Đ đi đâu vậy. A. Đ ngập ngừng, buồn bã cho hay là mới đi thăm thầy Long ở trại cải tạo về. Tôi nhìn A. Đ, cố che dấu sự ngỡ ngàng. Thì ra bấy lâu nay cô bạn học của tôi đã đem lòng yêu thương người thầy của mình. Lại một chuyện tình “Vòng tay học trò” nữa! Nhìn cô bạn ngây thơ xinh đẹp ngày nào bây giờ vất vả, một nỗi xót xa, thông cảm dâng đầy hồn tôi. Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn không được biết chuyện tình của A. Đ và thầy Long đã đi về đâu nhưng mỗi khi đọc được một chuyện tình lãng mạn ở đâu đó thì tôi vẫn không tránh khỏi liên tưởng đến mối tình tuyệt vời của bạn tôi.

Người cuối cùng mà tôi đề cập ở đây là thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo. Thầy vừa là hiệu trưởng vừa là cậu của tôi. Mẹ tôi và thầy là hai chị em con bạn dì. Thầy không dậy tôi một ngày nào nhưng tôi rất kính và nể thầy. Đôi khi còn sợ nữa. Những khi thấy thầy cầm cái roi đi hùng hổ phía lớp tôi là hồn vía tôi lên mây. Cũng may là lớp tôi hiền, đa số là con gái nên ít khi được thầy chiếu cố. Qua bên này, mấy vị hiệu trưởng ở đây “hiền” quá nên học trò đa số không có tôn ti trật tự, hỗn hào, kém phần kính trọng thầy cô. Giá mà bên này có mấy vị hiệu trưởng có uy quyền, với cái roi kè kè bên tay như thầy Bảo thì xã hội ở đây đã trở thành thiên đường rồi.

Thời trung học tôi thích tham gia văn nghệ, ca hát. Lúc tập tành văn nghệ tôi hăng hái bao nhiêu thì khi đến lúc trình diễn, tôi ngán bấy nhiêu. Sợ đám đông cũng có mà sợ thầy Bảo thì nhiều. Đứng trên sân khấu nhìn xuống mà thấy thầy ngồi ở hàng ghế đầu là người tôi mềm nhũn ra. Miệng thì hát mà trong lòng cứ lo sợ. Không hiểu lát nữa đây thầy sẽ gọi mình ra để mắng “Học không lo học mà cứ tối ngày cứ lo hát mới hỏng!” không?

Bởi vì ham chơi, không siêng học hành nên tôi không dám chường mặt ra để gặp thầy, ngoại trừ chỉ có đôi lần. Một lần sau khi tôi đi xem kết qủa Tú Tài 1. Thấy thầy đứng ở văn phòng trường, tôi cố ý đi ngang qua để được thầy gọi. Và thầy đã gọi ra “Mày thi cử thế nào?”. Tôi mừng rỡ khoe ngay “Dạ ,cháu đậu rồi cậu ạ!” Hôm đó tôi ra về với những hai niềm vui. Đậu Tú Tài 1 và khoe được kết qủa với thầy Bảo. Lần thi Tú Tài 2, tôi đậu hạng Bình Thứ. Tôi hãnh diện lượn qua lượn lại văn phòng trường để khoe thầy Bảo nhưng không thấy bóng thầy đâu. Tuy không gặp được thầy nhưng lần ấy tôi ra về cũng với cả hai niềm vui, đậu Tú Tài 2 và đậu Bình Thứ. Cám ơn thầy/cậu đã cho con những tháng ngày thần tiên ở trường Ngô Quyền. Con rời trường với đầy hãnh diện và niềm tự tin. Cám ơn thầy đã cho con cơ hội may mắn đó.

Nhân dịp ngày lễ Thanksgiving ở Mỹ sắp đến, tôi xin được chân thành cám ơn tất cả các thầy cô đã từng dạy dỗ tôi. Hy vọng thầy cô sức khoẻ dồi dào để em còn được gặp lại những người lái đò của con sông Đồng Nai năm cũ. Xin kính chào và hẹn gặp lại trong một ngày hội ngộ gần đây


Hạnh Ph
ạm
- chs NQ khóa 11 -Australia

21 Tháng Ba 2014(Xem: 64495)
Lúc đó tôi chỉ cầu xin thượng đế cho tôi được mang theo tất cả kỷ niệm của quãng đời dạy học và cho tôi được đầu thai trở lại trần gian này với nghề đi dạy trong một xã hội không buộc tôi phải nói ngược với niềm tin và suy nghĩ của mình .
20 Tháng Ba 2014(Xem: 39124)
Với khuôn khổ một tờ Kỷ Yếu có tính cách nội bộ như tờ đặc san này, những dòng “Vẻ Vang Dân Ngô Quyền” (mượn chữ của ký giả Trọng Minh) cũng có thể được hiểu như một sự chia sẻ chút niềm hãnh diện “giống nòi” giữa chúng ta,
14 Tháng Ba 2014(Xem: 64425)
Từ cái nôi trung học Ngô Quyền, các học sinh bé bỏng ngày nào nay đã lớn khôn, bung ra tứ tán theo sinh hoạt của dòng đời. Nhất là sau khúc quanh lịch sử 30 tháng 4, 1975,...
14 Tháng Ba 2014(Xem: 72973)
Những kỷ niệm thân thương đó nằm ngủ yên trong tâm tư gần 40 năm, đã dấy lại trong tôi vào những ngày thầy Phạm Đức Bảo từ bên Tây Đức qua thăm Hoa Kỳ và được các cựu học sinh Ngô Quyền tiếp đón
09 Tháng Ba 2014(Xem: 17745)
Vẫn thương và nhớ Muội với biết bao kỷ niệm đẹp của chúng ta từ hơn 40 năm qua cùng với bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống sau năm 1975, … Bây giờ Muội đã nhẹ nhàng rồi phải không??
08 Tháng Ba 2014(Xem: 9470)
Tôi chỉ làm một công việc là khơi dậy khả năng trời cho trong mỗi em học sinh... Thật sự tôi không hảnh diện về những gì mình đã thực hiện được mà buồn vì mình không làm được gì nhiều hơn cho các em học sinh.
05 Tháng Ba 2014(Xem: 74315)
Kính tặng thầy Bùi Quang Huy Nhân bàn chuyện Kỷ Yếu Ngô Quyền, cùng các bạn lớp Ðệ Tam B3 (1966-1967) nhắc nhớ lại chuyện người thầy Cổ Văn độc đáo của lớp mình.
05 Tháng Ba 2014(Xem: 30125)
Nay đã gần 40 năm trôi qua, thầy trò đều lưu lạc mỗi người một phương trời. Đám tiểu quỉ của tôi hẳn đầu đã hai thứ tóc, và có người có lẽ đã thành ông nội, ông ngoại không chừng. Liệu trong số này, có ông nào còn nhớ chuyện cũ đó không?
28 Tháng Hai 2014(Xem: 64552)
Tất cả đã đem đến cho tôi những tình cảm thân thiết, mà tôi không tìm được ở bất cứ trường nào. Những tình cảm ấy sau đó đã giúp tôi quên đi cảm giác khó chịu lúc ban đầu
27 Tháng Hai 2014(Xem: 7813)
Tốt nghiệp ĐHSP Toán Lý năm 1970, Thầy Nguyễn Văn Có nhận nhiệm sở đầu tiên tại trường trung học Thủ Đức – Sài Gòn. Năm 1972, Thầy xin thuyên chuyển về trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa.
27 Tháng Hai 2014(Xem: 19382)
Từ 1969 đến 1975, trong thời gian 6 năm phục vụ ở Biên Hòa của tôi dù ở cương vị thầy giáo hay quân nhân, tôi cũng có nhiều kỷ niệm không thể quên được.
22 Tháng Hai 2014(Xem: 30137)
Cũng cần nói ra đây là lần đầu tiên tôi gặp Thầy sau không biết bao lần hẹn găp từ khi khi Thầy còn khỏe. Cứ hẹn rồi chưa gặp, hẹn rồi chưa đến... cho tới khi Thầy bệnh.
14 Tháng Hai 2014(Xem: 6224)
vì Thầy lên Công Thanh nhận chức Hiệu Trưởng trường Trung học ở đây. Từ đó về sau tôi không gặp Thầy, nhưng vẫn luôn nhớ lối ” nhấn nhá” trong lời giảng của Thầy qua thơ văn và nhớ nhất chiếc vespa màu xám của Thầy.
12 Tháng Hai 2014(Xem: 21674)
Tôi vẫn có mơ ước như Đại Tướng Carnot, trở về trường xưa, vào lại lớp học cũ, để kính cẩn nghe thầy giảng dạy như ngày còn bé. Cái mơ ước tầm thường, nhưng vượt quá tầm tay của một con người trong cái thời gian và không gian.
03 Tháng Giêng 2014(Xem: 38374)
Là một người khách không mời trong đêm từ giã năm 2013, tôi đã cùng thầy Phạm Gia Hưng từ Virgina, và hai đàn anh Lữ Công Tâm, Ma Thành Tâm cùng count down đón mừng năm 2104 tại nhà thầy Mai Kiến Phúc.