Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 26 - THẦY THÂN TRỌNG HƯNG

30 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 20742)
MGTT 26 - THẦY THÂN TRỌNG HƯNG

MGTT 26 - THẦY THÂN TRỌNG HƯNG


thay_than_trong_hung-large-content
Thầy Thân Trọng Hưng (2011)


Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Saigon khóa 1, ông thầy trẻ Thân Trọng Hưng bắt đầu sự nghiệp của nhà mô phạm với lớp Đệ Tứ (lớp 9) niên khóa 1959-1960 ở trường Trung học Ngô Quyền.

Ròng rã cả 12 năm sau, nhiều lớp học trò qua con sông Trung học, vào đời, ngược xuôi theo nợ áo cơm, trôi theo dòng sống nhấp nhô trầm bỗng ...

Hè năm 2012, bầy học trò xưa tứ tán bốn phương trời, -tóc đã ít nhiều nhuốm màu phấn trắng, trí óc đã xanh rêu nhưng kỷ niệm học trò vẫn còn đó chưa nhạt nhòa theo năm tháng- nghe tin Thầy Thân Trọng Hưng đang bệnh nặng ở quê nhà. Nhớ đến Thầy, anh Đào Văn Công đang ở Kentucky, thay mặt cho các "trưởng tràng", kể lại cho đàn em nghe những kỷ niệm chung học trò của lớp tứ 3 niên khóa (1959-1960) và của riêng anh với Thầy dạy Quốc văn hơn nửa thế kỷ trước. Từ California, chị Võ Thị Ngọc Dung kể lại những dấu ấn của "Kẻ Sĩ" mà Thầy Hưng đã thay mặt cụ Nguyễn Công Trứ để lại trong lòng các học sinh lớp 11B1 (niên khóa 1971-1972). Chị Nguyễn Thị Minh Thủy góp phần "mời người lên xe tìm vế quá khứ" bằng hình ảnh Thầy Hưng và các nữ sinh NQ mắt sáng môi tươi năm xưa.

Kính mời quý Thầy Cô cùng tất cả các chs NQ cùng "đốt lò hương cũ so tơ phím này" với NQ khóa 1 và khóa 11. Và xin cùng góp lời cầu nguyện cho sức khỏe của Thầy Thân Trọng Hưng.

Nguyễn Trần Diệu Hương


 

anh_dvcong-content

Anh Đào Văn Công


Đọc tin Thầy Thân Trọng Hưng lâm trọng bịnh, bàng hoàng như không tin vào đôi mắt đeo kính của mình. Bản tin cho biết, Thầy gần như hôn mê sau ba lần tai biến não và thêm bệnh viêm gan siêu vi B từ mươi năm trước.

 Chúng tôi gọi ngay cho đứa em ở Việt Nam, cho địa chỉ và điện thoại bảo đi thăm Thầy càng sớm càng tốt. Chúng tôi cũng liên lạc điện thoại được với gia đình Thầy, Cô cho biết gần đúng như bản tin đã được Diệp Hoàng Mai phổ biến trên trang nhà Ngô Quyền. Chúng tôi cũng email cho vài người bạn là học trò của Thầy.

 Thầy Thân Trọng Hưng dạy Quốc văn chúng tôi năm lớp đệ tứ 1959-1960. Thầy là người Huế, nhưng âm Huế của Thầy cũng không khó nghe cho chúng tôi lắm. Hai năm trước, ở đệ lục và đệ ngũ chúng tôi tiếp nhận âm Bắc, bây giờ có âm Huế cho đủ bộ Bắc Trung Nam.

Quốc văn của những năm Trung học, chúng tôi được học Kim văn và Cổ văn. Để giảng cho chúng tôi, âm Huế của Thầy chỉ trầm, không nặng, học trò miền Nam chúng tôi nghe hơi lạ chút thôi, không bị khó hiểu. Thầy viết lên bảng câu văn mà người Huế học để nói giọng Nam: “thằng hai nó chại dề dà ông dà dợ nó" và nói là Thầy phải đọc như vậy thuờng xuyên mỗi ngày để có được giọng nói cho học trò miền Nam hiểu được. Có đúng vậy không thì không biết chứ câu nầy trở thành câu nói cho “tụi thứ ba'' mỗi khi muốn xã hơi: “Thầy ơi, cho thằng hai nó chại dề dà ông dà dợ chút đi Thầy".

 Giảng về Cổ văn là món ruột của Thầy, nào tứ thư, ngũ kinh, tràng giang đại hải, chữ nho Thầy viết đầy bảng, nào “đại học chi đạ, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện. Tri chi nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tỉnh, tỉnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng, lự nhi hậu năng đắc. Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy, tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỉ.…”. Rồi thì nào là “Tiên trị kỳ quốc, dục trị kỳ quốc dả, tiên tề kỳ gia, dục tề kỳ gia dả, tiên tu kỳ thân, dục tu kỳ thân dả, tiên chính kỳ tâm, dục chính kỳ tâm dả, tiên thành kỳ ý, dục thành kỳ ý dả, tiên trí kỳ tri, trí tri tại cách vật. . .". Rất may, ngày đó, lúc còn học Tiểu học ở trường Nguyễn Du, lớp nhì, lớp nhứt và tiếp liên, một số chúng tôi, mỗi tuần có học một giờ chữ nho, thì còn hiểu chút ít, chỉ tội nghiệp các bạn lúc trước học tiểu học ở các trường khác, không có nửa chữ nho lận lưng, cứ ngồi thừ người ngơ ngác nhìn Thầy!

 Nhìn đám học trò cứ như từ cung trăng mới xuống, Thầy bảo: “Thôi, cứ nhớ ít thôi, bốn chữ là đủ, Tu Tề Trị Bình, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ . Eo ôi! Thầy dạy học trò đệ tứ nuôi mộng lớn “ trị quốc, bình thiên hạ''. Ít lâu sau, bọn chúng tôi không thấy Thầy viết chữ nho nữa, một trong số chúng tôi “phá'' Thầy bằng cách trước giờ học của Thầy, viết lên bảng một chữ “hưng” dưới dạng chữ nho. Khi Thầy vào lớp, nhìn thấy, Thầy bảo anh nào lên xóa bảng đi chúng ta viết chữ quốc ngữ thôi.

 Tết năm Canh Tý 1960, Thầy ghi địa chỉ nhà, đường Nguyễn Hoàng Saigon, bảo anh nào có đi Saigon qua nhà Thầy chơi. Chúng tôi, hai chú xã xệ, mùng 3 tết đáp xe đò Liên Hiệp tới thủ đô viếng Thầy. Lò mò rồi cũng tới được, nhưng Thầy đã đi vắng. Bà (thân mẫu của Thầy) phải hai lần châm trà với rất nhiều bánh mứt, không cho chúng tôi đi khi chưa gặp được Thầy. Hai giờ đồng hồ sau, Thầy mới về và đền bù chúng tôi bằng một bữa chè cháo, sau đó trên chiếc xe Huê kỳ rất sang trọng, Thầy đưa chúng tôi ra bến xe về lại Biên Hòa.

 Thầy Thân trọng Hưng dạy chúng tôi duy nhất năm đệ tứ, nhưng chúng tôi vẫn thỉnh thoảng gặp Thầy ở sân trường và luôn luôn Thầy vẫn nhớ tên từng đứa học trò. Cứ như “tình đầu khó quên'' vậy.

 Chỉ vài ba năm, đám học trò, tất cả trước sau lần lượt rời trường cuốn hút vào chiến tranh, chúng tôi, với nhiệm vụ mới, lặn lội khắp chiến trường, rồi chiến tranh chấm dứt bằng trại cải tạo, để chúng tôi biết thêm vài địa danh miền Bắc mà không một lần trở lại trường xưa.

 Trở về từ tội danh “ngụy quân'' của nhà tù nhỏ, chúng tôi lại bươn chải với cuộc sống một phó thường dân cho đến cái ngày “sau cơn mưa''. Cuối năm 1994, mấy ngày trước khi lên đường qua Mỹ, chúng tôi đến thăm Thầy nơi căn nhà bên hông trường Ngô Quyền. Ba mươi bốn năm sau, vừa gặp mặt, Thầy đã gọi đúng tên kèm lời thăm hỏi thân thương “gầy và đen quá''. Chúng tôi vui vẻ: “Dạ thưa Thầy, tại vì ĐEN quá nên gầy''. Chúng tôi phải lấy lý do thu xếp nhiều việc trước khi đi, để từ chối bữa cơm mà Thầy nhất quyết là để tiễn đưa dù không biết trước.

 Mười tám năm, kể từ lần gặp đó, thời gian qua thật mau, một ngày đọc được tin Thầy, nhớ lại mình cũng xấp xỉ bảy mươi, chuyện thời đi học như mới hôm qua. Thầy Thân Trọng Hưng của chúng tôi với chữ nho, với xe Huê-kỳ và âm thanh Huế thật trầm, thật nhẹ.

 

 Đào Văn Công 

 (Xóm ngựa tháng 9/2012)

 


Thầy Thân Trọng Hưng và lớp 11B1 (niên khóa 71-72)

 

thay_than_trong_hung-large

Từ trái: Lâm Diễm, Thầy Thân Trọng Hưng, Minh Thủy, Ngọc Dung (1971)

(Ảnh do Minh Thủy lưu giữ) 


Trước đó, không nhớ rõ là tôi và các bạn cùng lớp đã đến thăm Thầy Thân Trọng Hưng vào lúc nào, nhưng nhìn những tấm hình cũ chụp ở nhà Thầy tôi nhớ ngay đến căn nhà rất đẹp nằm phía sau trường Ngô Quyền, có vườn cây mát rượi, xum xuê mà chúng tôi đã tranh nhau lấy ''phông'' để chụp ảnh. Bây giờ, nghe Minh Thủy nhắc và gửi thêm tấm hình chụp với Thầy lúc đó, tôi mới nhớ ra là Thầy còn có một tiệm in ronéo ngay tại nhà mà tôi và Minh Thủy đã đến để in tập thơ thứ nhì của chúng tôi là tập "Thơ 16'' vào năm 1971.

Không ngờ năm sau, Thầy Thân Trọng Hưng lại dạy Quốc Văn cho lớp 11B1 chúng tôi (niên khóa 71-72), Thầy đến lớp chúng tôi như một làn gió lạ, với dáng người nhỏ nhắn, trang phục giản dị, xuề xòa, và giọng Huế đặc biệt không quá chuẩn nặng, thầy dạy bằng một thái độ rất tự tin, bình thản, lối giảng bài từ tốn nhưng lại hay ví von, tếu tếu mà vẫn giữ nét mặt... tỉnh bơ nên lớp học gồm nửa trai, nửa gái của chúng tôi trong những giờ Giảng Văn của Thầy thường thì im ắng, thỉnh thoảng mới có những tiếng cười rúc rích, những gương mặt đỏ au khi Thầy bắt đầu diễn tả bài giảng với những động tác thật cụ thể hoặc cao giọng so sánh những hình ảnh thơ mộng trong thơ văn và thực tế... phũ phàng. Như để chứng minh cho điều này, trong một giờ Văn Học Sử khi nói về các tác giả trong giòng văn học lãng mạn, Thầy thản nhiên bày tỏ ý kiến: "Làm thơ, viết văn thường ai cũng cường điệu cho dữ lên, nhưng thực tế thì rất... phũ phàng. Bài thơ nào cũng ca tụng "nụ hôn'' nào là ngọt ngào, thơm tho, mật ngọt... tôi thấy chả có thơm tho tí nào cả, toàn là nước miếng, hôi rình... đây nè..." Vừa nói Thầy vừa đưa tay lên môi, quẹt mấy cái rồi giơ ra trước mặt. Chao ôi! hình ảnh thơ mộng, đưa hồn người lơ lửng trên mây trong bài thơ "Nụ hôn đầu'' của Trần Dạ Từ: "Lần đầu ta ghé môi hôn. Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang. Vườn xanh cỏ biếc trưa vàng. Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông"... bỗng dưng trở thành... chuyện cổ tich, huyền thoại, không có trên trần gian. Chúng tôi vừa tức cười vừa... tức tối vì mắc cở và thất vọng. Không biết các bạn trai lúc đó nghĩ thế nào chứ bọn con gái chúng tôi thì len lét nhìn nhau, hoặc cúi gầm nhìn xuống mặt bàn, miệng cười méo mó. Thầy Hưng là thế, với đôi mắt lúc nào cũng trông như buồn ngủ nhưng lại có tài đánh thức học trò với những câu khôi hài, châm biếm rất độc đáo.

Năm lớp 11 của chúng tôi là năm cuối cùng Bộ Giáo Dục còn bắt thi Tú Tài 1 nên đám sĩ tử, đặc biệt là nam sinh phải đối diện với 2 thử thách lớn: thi Tú Tài và lệnh Tổng Động Viên hứa hẹn nhiều sôi động trong mùa hè đỏ lửa 1972 trước mắt. Nên tất cả mọi nổ lực đều tập trung vào việc học hành, thi cử.

Các Thầy Cô từ đầu năm đã luôn nhắc nhở, dặn dò chúng tôi là phải cố gắng học hành cho đàng hoàng và dạy chúng tôi những bài vở "tủ" theo kinh nghiệm của từng người. Với hệ số 3, môn Quốc Văn luôn chiếm vị trí quan trọng trong điểm số các bài thi. Năm đó, Thầy Hưng giảng thật kỹ và nhất định bắt chúng tôi học cho thuộc bài "Kẻ Sĩ" của Nguyễn Công Trứ vì Thầy tin rằng đề thi quốc văn sẽ có 1 bài nghị luận về "Kẻ Sĩ".

Để cho chắc chắn, Thầy chỉ mọi cách cho chúng tôi thuộc nằm lòng bài thơ. Trước tiên, Thầy dặn chúng tôi tìm mua một vài tờ giấy cứng về cắt ra thành những tấm thẻ nhỏ cùng cỡ (như hình thức Flash card bây giờ) rồi viết chữ đầu của mỗi câu trên đó cho đến hết bài.

Ví dụ: Tước hữu...

 Dân hữu...

 Có giang sơn...

 Từ Chu Hán...

 .....

và phải luôn bỏ trong túi như "bửu bối'' để bất cứ lúc nào cũng có thể lấy ra để... dò. ''Đứng đợi xe, chờ lấy đồ ăn, ngay cả ngồi trong... cầu tiêu nữa (!!!) cứ phải nhẩm đọc, có quên thì móc túi ra coi thấy chữ đầu câu là mình nhớ ngay nguyên câu rồi. Học vậy mới mau thuộc bài.".

Thêm nữa, Thầy còn dặn anh trưởng lớp mang theo một cây thước kẻ khá to cứ mỗi lần vào giờ Thầy, khi nghe nhịp thước gõ trên bàn hoặc thấy thầy giơ tay lên làm ''hiệu lệnh'' là cả lớp bắt đầu ngân nga đọc: "Tước... hữu... ngũ, sĩ... cư... kỳ... liệt. Dân... hữu... tứ... sĩ... vi... chi... tiên..." Lúc đầu, chúng tôi vừa tức cười, vừa mắc cở gì mà cứ như là học sinh lớp tiểu học. Nhưng vài lần sau thì đọc oang oang, hăng hái và thuộc cả bài lúc nào không hay. Mãi đến giờ không chừng lớp tôi cũng còn nhiều bạn vẫn thuộc nằm lòng bài ''Kẻ Sĩ'' của Nguyễn Công Trứ đấy chứ.

Và quả thật hè năm đó, trong hai đề thi quốc văn phải chọn một có đề "Hãy phân tích hình ảnh Kẻ Sĩ trong thơ Nguyễn Công Trứ'', tôi đã không buồn đọc đến đề thứ hai xem là gì, cắm cúi viết một mạch, nhìn sang các bạn cùng lớp trong phòng thi của tôi đứa nào cũng mặt mày hớn hở và đang say sưa múa bút.

Sau cuộc thi, chúng tôi gặp lại, cám ơn Thầy tận tình dạy dỗ nên cả lớp đã "trúng tủ'' và thi đậu gần hết lớp. Thầy cười với đôi mắt... lim dim: "Thấy chưa, tao đoán đâu trúng đó mà".

Thoắt đó mà đã 40 năm... Kỷ niệm xưa nhắc lại vẫn còn như mới hôm qua, dù Thầy trò giờ đã ''tóc đã bạc như nhau'', đã nghìn trùng xa cách, hoặc kẻ còn người mất.

Nghe tin Thầy đang bệnh nặng, xin cầu nguyện cho Thầy sớm vượt qua những đau đớn, bệnh tật của thể xác và tâm hồn luôn đươc bình an. Chúng con vẫn mong có một ngày Thầy trò còn dịp gặp nhau ngồi nhắc lại chuyện ngày xưa dưới mái trường cũ Ngô Quyền.


Võ Thị Ngọc Dung (ChsNQ Khóa 11)

Tháng 10, 2012

 

 

12 Tháng Mười 2012(Xem: 52868)
Khi thưởng thức một bài hát hay, có khi nào bạn nghĩ đến bảy nốt nhạc Do Re Mi Fa Sol La Si, căn bản của nhạc lý, nằm trên các dòng kẻ mà bạn đã được học từ thời mới vào Trung học?
07 Tháng Chín 2012(Xem: 17195)
Cả học trò anh (chị) lẫn học trò em đều nhớ đến quý Thầy cũng như tất cả Thầy Cô đã dạy bảo chúng tôi thời mới lớn. Ngày xưa, chúng tôi học Toán từ quý Thầy; bây giờ, chúng tôi học được những kinh nghiệm sống quý báu từ Thầy.
20 Tháng Tư 2012(Xem: 23212)
MGTT số 24 được thực hiện không những với tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo" mà còn bằng tất cả tấm lòng, tình thương yêu, sự quý mến, trân trọng của ChsNQ dành cho Thầy Hiệu Trưởng,
08 Tháng Ba 2012(Xem: 15789)
Chưa có dịp gặp lại Cô Hòa, học trò của Cô thuộc rất nhiều niên khóa xin mượn "Một góc Thầy trò" để cùng bạn bè xưa nhớ lại một thời êm đềm trong các giờ Pháp văn năm lớp 7.
22 Tháng Mười Một 2011(Xem: 20852)
Xin tạ ơn các đấng sinh thành đã nuôi dạy chúng ta nên người. Xin tạ ơn Thầy Cô đã giảng dạy cho chúng ta những kiến thức đầu đời suốt một thời thơ dại.
22 Tháng Mười Một 2011(Xem: 53495)
KÍNH CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ TOÀN THỂ CHS NGÔ QUYỀN, BIÊN HÒA MỘT NGÀY LỄ TẠ ƠN THẬT HẠNH PHÚC, ĐẦM ẤM BÊN GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI THÂN.
07 Tháng Mười Một 2011(Xem: 17712)
Những bài học sơ khai về thân phận con người, về thế giới quan và nhân sinh quan thầy dạy chúng tôi còn dang dở, thì cơn lốc dữ đã xô dạt thầy trò chúng tôi tan tác muôn nơi…
26 Tháng Chín 2011(Xem: 16775)
Cô yêu văn chương Việt Nam, đặc biệt là Cổ văn, nên dạy học trò không chỉ bằng sách giáo khoa mà còn bằng trái tim. Vì vậy, Cô đã góp phần lớn đào tạo được nhiều thi sĩ học trò.
22 Tháng Ba 2011(Xem: 19253)
Cụ Dương quảng Hàm là một nhà giáo có công dựng nền tảng cho văn học Việt Nam, một người uyên bác, tài hoa đã bị “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” nên đã lìa đời lúc chưa đến 48 tuổi...
30 Tháng Mười Một 2010(Xem: 62848)
Cô Trần Thị Hương, nguyên giáo sư dạy môn Quốc văn ở Trung học Ngô Quyền từ năm 1966 đến năm 1973, đã đột ngột qua đời ngày 26 tháng 11 năm 2010 ở Santa Clara, California,
18 Tháng Mười Một 2010(Xem: 31304)
Mỗi năm vào dịp Lễ Tạ Ơn ờ Mỹ, chs NQ nhắc nhau cùng bày tỏ lòng biết ơn các đấng sinh thành, quý Thầy Cô đúng như tinh thần lễ giáo Đông phương...
04 Tháng Mười 2010(Xem: 40231)
Mời các chs NQ (nhất là các anh chị khóa 11, đã mang phù hiệu NQ từ năm 1966 đến năm 1973) cùng trở về Ngô Quyền xưa như chúng ta chưa từng có trên dưới bốn mươi năm ngăn cách mình với thời mới lớn
30 Tháng Chín 2010(Xem: 19186)
các cô bé học trò đệ nhất cấp nâm xưa vẫn nhớ rõ ràng trái tim và hệ thống tuần hoàn trong giờ Vạn vật của Cô Phạm Thị Khang như vừa mới xảy ra hôm qua.
08 Tháng Chín 2010(Xem: 37813)
môn Triết được giảng dạy ở Ngô Quyền lần lượt bởi quý Thầy: Nguyễn Xuân Hoàng, Lưu Ngọc Bích, Nguyễn Văn Lan, Vũ Khánh Thành, Nguyễn Minh Lý, Trương Hữu Chí, và Nguyễn Văn Lục.
24 Tháng Bảy 2010(Xem: 35780)
Chắc là có một lúc nào đó bình tâm, mỗi người chúng ta đều tự hỏi không biết mình đã nhận được bao nhiêu chữ từ các Thầy Cô trong suốt những năm dài cắp sách.