Tản mạn lần công tác tại Đức hè 2014
Năm 2014 đúng là năm tôi phải “lang bạt giang hồ” không biết đâu là nhà! Vào đầu năm nay thì công ty tôi cho ra một thiết bị mới có thể đo lường pesticide đến femtogram level. Thế nào là femtogram? Theo Wiktionary, femtogram là một đơn vị đo lường của khối (mass) tương đương với 0.000 000 000 000 001 grams. Trong an toàn thực phẩm hay đo lường độc tố thì nếu thiết bị nào có thể đo được tới mức nhỏ nhất thì đó là sản phẩm mà các khách hàng muốn. Vì lý do ấy, khi thiết bị LC/MS/MS QQQ được trình làng vào đầu năm nay thì việc làm của chúng tôi là giới thiệu thiết bị nầy đến khách hàng qua workshop, seminar, và demo cũng như hướng dẫn các kỷ sư trong việc cài đặt máy cũng như cách xử dụng. Vì lý do ấy mà tôi và vài người trong nhóm được chỉ định phụ trách phần giới thiệu sản phẩm mới đến cho khách hàng. Vì Agilent là global company nên mỗi thành viên phụ trách từng vùng khác nhau mà tôi thì được chỉ định lo cho các nước Á Châu như Singapore, Nhật, China và Việt Nam nhưng không hiễu vì lý do gì mà tôi lại được giao trách nhiệm hướng dẫn kỷ sư của Đức cũng như các nước lân cận.
Đức thì tôi cũng đã sang làm việc nhiều lần rồi và cảm nghĩ của tôi có phần không vui lắm khi đi công tác ở nơi nầy vì tính lạnh lùng của người Đức. Trong năm 2000 tôi sang làm việc ở thành phố Bremen, gần Đông Đức và đó là lần đầu tiên tôi sang Đức. Khi đến nơi ấy nhận xét đầu tiên của tôi là người Đức quá lạnh và quá “nam tính”. Trong cả công ty chỉ toàn là kỷ sư đàn ông còn đàn bà thì chỉ làm những công việc văn phòng mà thôi. Còn Á đông thì chỉ có một anh tàu Ph.D. còn lại toàn là dân da trắng và tôi là một tên da vàng thứ hai của toàn công ty. Thay vì welcome tôi như người Mỹ thường dùng cho khách thăm viếng công ty thì họ nhìn tôi với con mắt quan sát và cử chỉ “wait and see”. Tuy nhiên sau khi làm việc với họ khoảng hơn hai tuần, lần ấy tôi công tác một tháng ở Bremen, sự tin tưởng cũng như thông cảm nẩy nở thì bấy giờ họ mới cởi mở và welcome tôi như là người bạn. Người Đức theo tôi nghĩ khi họ đã quen và tin mình rồi thì sự thân mật và giao tế còn tốt đẹp hơn nhiều so với các sắc dân khác dù là tính kỳ thị thì nơi nào, quốc gia nào cũng có. Ai bảo là Việt Nam không kỳ thị các bạn nhỉ? Cứ nghe bạn bè khoe nhau rằng “tôi mới dọn nhà ở gần tụi Mỹ trắng thích lắm vì không thấy một thằng Mễ nào là hàng xóm cả” hay “xui quá hàng xóm tôi lọt vào một thằng Mỹ đen thế nào nhà trong khu cũng xuống giá!” Thế thì ai kỳ thị hơn ai?
Trong thời gian ở Bremen và sau khi biết nhau rồi thì bạn bè bắt đầu thân mật với tôi và còn mời tôi đến nhà ăn cơm cũng như tham dự block party. Block party là một truyền thống hay của người dân ở đây và thường được tổ chức vào mùa hè và vào ngày chủ nhật. Tại Đức cũng như đa số các quốc gia Âu châu thì ngày chủ nhật là ngày của gia đình, của nhà thờ và ngày để bạn bè thân hữu gặp nhau nên tất cả shopping đều đóng cửa ngoại trừ những tiệm bánh mì mở cửa từ sáng sớm đến khoảng mười giờ sáng còn các tiệm ăn thì được phép mở cửa phục vụ khách hàng. Vì thế tôi có dịp tham dự block party ở nhà người bạn Đức cùng với gia đình anh ta. Nguyên cả xóm đem thức ăn, thức uống bày ra cả block xong gặp nhau tay bắt mặt mừng rồi prost (cheer) và cụng ly. Như các bạn đã nghe đến thì bia Đức là ngon nhất thế giới và nhất là uống bia Đức lạnh vào mùa hè, Bremen lại là thành phố nơi công ty bia Becks có nhà máy ở đó, mà ăn với sausage (bratwurst) thì không còn gì ngon bằng. Sausage của Đức rất ngon nhưng cách trình bày thì không “bắt mắt” lắm. Sausage thì ốm và dài nhưng kẹp vào cái bánh mì ngắn ngủn nhưng tròn vo nên nhìn thì quá ấn tượng nhưng cắn vào thì đúng là ngon tuyệt! Sausage Đức thường được ăn với mustard như Löwensenf vừa cay, nhưng nhẹ hơn wasabi, một ít và hơi mặn nhưng không sao chỉ cần một ngụm bia thì ngon “hơn cả tuyệt vời”!
Mặc dù tôi đã có good time với bạn bè Đức ở Bremen nhưng tôi vẫn thấy cái lạnh nhạt của dân nơi ấy và cử chỉ của họ đã làm cho tôi “feel uneasy”. Ngoài ra sinh ngữ cũng là một vấn đề vì vào thời gian ấy, năm 2000, thì ít người biết nói tiếng Anh còn tiếng Đức thì tôi mù tịt. Tuy nhiên khi sang Đức năm nay thì quan niệm “uneasy” của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Người Đức bây giờ họ cởi mỡ hơn, họ nói tiếng Anh lưu loát hơn và tình cảm của họ thì ấm cúng hơn nhiều. Găp nhau ngoài đường thì “guten morgen” rối rít hay nụ cười luôn trên môi. Đa số người tôi gặp ngoài đường lần nầy là dân trẻ nên vui hơn, thoáng hơn và Anh văn thì giỏi hơn thế hệ trước rất nhiều.
Lần nầy thì tôi công tác tại Waldbronn nơi mà công ty Agilent có nhà máy sản xuất Liquid Chromatography. Thành phố nầy nhỏ nhưng có nhiều công ty mở xí nghiệp vì được khấu trừ thuế địa phương. Tôi và Lynh chọn Erbprinz hotel tại Ettlingen để cư ngụ trong thời gian công tác. Erbprinz hotel là một trong nhiều hotel ở Ettlingen nhưng lý do tụi nầy chọn Erbprinz vì nó nằm trong trung tâm thành phố và gần đường xe lửa tiện cho việc đi lại.
Etllingen, cách xa Waldbronn khoảng 20 phút lái xe, là một thành phố nhỏ, thơ mộng, xinh xắn, có nhiều nhà thờ nhưng “không có gì để chơi cả” ngoài chuyện dạo phố, đi nhà thờ và window shopping! Ettlingen nằm ở miền Bắc của Black Forest trên đường chảy của con sông Rhine.
Black Forest nổi tiếng với những thịt thú rừng như heo rừng, gấu nhưng nổi tiếng nhất là nơi sản xuất những đồng hồ cuckoo rất nổi tiếng trên thế giới. Ettlingen có những nhà thờ cổ kính năm dọc theo những con suối nhỏ có lẽ là một phần của sông Rhine nên nhờ thế mà cây cối tươi xanh với đầy hoa tươi khoe sắc màu.
Trong thời gian tôi làm việc ở đây lại trùng với World Cup nên không khí thể thao rất là tưng bừng nhất là khi Đức được vào bán kết rồi chung kết. Kế bên hotel của tôi có một quán ăn, Vogel, nơi họ để rất nhiều big screen TV ở trong nhà cũng như ngoài vườn, bier garten, cho khách hâm mộ đá banh vừa uống bia vừa xem đá bóng. Vào đêm mà Đức đấu với Pháp để vào bán kết thì tiệm Vogel không còn chổ trống mà đa số người xem đá banh là Đức tập trung để ủng hộ đội nhà.
Để ủng hộ đội nhà, họ mang theo cờ Đức, mặc áo có cờ cũng như vẽ cờ trên mặt. Cứ mỗi lần Đức đá vào lưới thì tiếng reo hò hòa lẫn với prost rất là tưng bừng. Tôi và Lynh thì ủng hộ Tây, vì thích ăn bánh mì Tây với pate Tây, nhưng khi thấy đội nhà thua đậm mà phe kia quá ầm ỉ hăng say nên tụi nầy cũng đành im lặng vì rủi mà la “bậy” thì sẽ bị họ “lấy thịt đè người”. Nhưng quan sát trận đấu thì chúng tôi nhận thấy là đội Đức quá điêu luyện nên cũng đành vui vẻ chấp nhận lý thuyết “the best team win”. Sau khi thắng trận thì cả làng cùng xuống đường cờ xí tưng bừng, kèn trống ồn ào, xe cộ diễn hành chung quanh đường chính gần hotel Erbprinz.
Sự ồn ào đã kích động chúng tôi và rồi thì tụi nầy cũng hòa đồng với niềm vui của người bản xứ. Nhưng sự hăng say náo động ấy cùng với lượng bia tiêu thụ quá nhiều rất có nhiều cơ hội gây ra những chuyện không hay nên police bắt đầu đến nơi để bảo vệ trật tự. Đến khoảng 11:00 giờ đêm thì mọi người thấm mệt nên đều trở về nhà trả lại không khí an lành cho thành phố nhỏ.
Một chuyện nên nói là bia Đức ngon nhất nhưng giá của bia nhiều khi tương đương với giá của Coke nên đa số khách vào quán ăn đều order bia còn nếu không muốn thì xin nước lạnh, free of charge. Hầu như mỗi thành phố bên Đức đều có một loại bia riêng mà bia nào thì cho vào ly có tên của loại bia ấy. Bia được chứa trong một ly cao đã ướp lạnh nên uống rất “đã” và rất hấp dẫn chứ không như chai bia lạnh ở San Jose hay trong ly với đầy nước đá như tại Vietnam.
Về phong tục ăn uống thì ở đây tip là option chứ không bắt buộc 10% hay 15% hay nhiều khi 18% như ở vùng Bay Area. Theo người Đức thì những người hầu bàn có lương cố định và tương đối cao nên họ không tùy thuộc vào tiền tip. Nếu service tốt thì chừng vài đồng EU là họ vui lắm rồi. Đa số tiệm ăn không nhận credit card nhưng nếu họ nhận thì khi tính tiền họ đem máy cà đến tận bàn để kéo card trước mặt mình chứng tỏ sự an toàn khi họ dùng card của mình. Tôi nhận thấy là dùng card khi travel thì lúc nào credit card company cũng có được giá tốt cho khách hàng khi chuyển từ local currency sang US dollars. Đó có lẽ là lý do mà công ty thích nhân viên dùng credit card khi công tác ở ngoại quốc để có lợi hơn cho hối suất hay biết đâu công ty muốn kiểm soát nhân viên xem có ăn tôm hùm và Kobe beef mỗi ngày không? Thức ăn Đức thì hơi mặn so với khiếu ẩm thực của tụi nầy nhưng theo người Đức, thức ăn mặn đi theo với bia lạnh thì “còn gì bằng”. Tuy nhiên tôi nhận thấy là thức ăn bây giờ thì ít mặn hơn so với những năm trước có lẽ do internet nói nhiều về thức ăn mặn thường đi kèm với high blood pressure nên các chef thay đổi cách nấu nướng chăng? Tuy nhiên thuốc lá thì vẫn còn nhiều người hút nhất là các bạn trẻ, vì đó có thể là một cái mode cho những người trẻ muốn look cool?
Ở gần hotel có trạm xe lửa nên tụi nầy thường dùng nó để đi đến phố chính, Karlsruhe, dạo chơi hay shopping. Xe lửa điện ở đây là phương tiện được nhiều người xử dụng vì giá vé thì rẻ, ngừng ở nhiều trạm chính tiện cho sinh hoạt hằng ngày như trường học, nhà thương, tiệm ăn etc. Đồng thời giá xăng quá đắt ở bên nầy nên đa số đều dùng xe lửa điện để đi làm. Xe lửa thì rất đúng giờ nên nhiều khi tôi không cần phải dùng đồng hồ xem giờ mà chỉ theo giờ xe lửa mà thôi! Vé thì có vé cho một ngày hay 3 ngày hay mua tháng nhưng giá thì tùy theo vùng gần hay xa. Một đặc điểm nữa là trong toa không có người soát vé mà tất cả tùy theo sự thành thật của khách hàng. Tuy nhiên nếu bị bắt gặp đi xe lậu thì chắc chắn tiền phạt không ít hơn là 100EU!
Một chuyện cũng nên nói thêm là trong chuyến công tác tại Waldbronn năm 2008 thì anh Trần Hữu Phúc, một người du học và định cư tại Đức đã không ngại đường xa, khoảng 100km, đã đến gặp tôi tại Ettlingen và cùng dạo chơi thành phố. Đúng là xa nhà thì không gì vui hơn là được gặp lai bạn hiền. Tiếc là năm nay thì anh Phúc lại bận rộn nghỉ hè nên mất đi cơ hội tụi nầy đến thăm anh và gia đình. Còn một người bạn Ngô Quyền cũng sống ở Đức là Đinh Kim Bản nhưng bạn ấy lại ở Hamburg quá xa nơi tụi nầy ở nên không thăm nhau được mà chỉ liên lạc qua e-mail thôi.
Erbprinz là một hotel 5 sao ở Ettlingen với đầy đủ tiện nghi bao gồm cả thể thao như gym, sauna, spa và Jacuzzi. Tuy nhiên khi hotel clerk hãnh diện giới thiệu những tiện nghi nầy thì cô còn thòng thêm một câu “đây là Âu châu nên mong ông bà đừng phiền nếu có người “trần truồng” vào phòng tắm hơi hay sauna cùng với quý vị!” Đúng là nhập gia tùy tục nên tôi chỉ biết hoan hỉ đón nhận lời cảnh cáo nầy mặc dù suốt thời gian ở nơi ấy, đi làm thì sớm về hotel thì trể thì làm gì có thời gian để tắm hơi rửa mắt đây? Tiếc thật! Thôi thì cứ nhìn những tượng đá cũng vui rồi, các bạn nhỉ?
Trong hotel có một bà phụ trách phòng ăn điểm tâm mà tôi thường gặp mỗi lần trú ngụ tại hotel nầy trong những lần trước nhưng lần nầy ở cả một tuần mà cũng không thấy bà ấy nên tôi nghĩ là bà đã hưu trí. Nào ngờ, vào tuần thứ hai thì bà đi làm trở lại sau khi đi nghỉ hè. Khi gặp tôi và Lynh thì bà mừng rở chạy đến và cho chúng tôi một cái hug rất nồng nàn mặc dù tất cả tình cảm chỉ trao đổi qua “sign language” vì cả bà và tụi nầy đều dốt đặc sinh ngữ của nhau. Sự hồ hở của bà ấy cho thấy là người Đức tuy lạnh lùng nhưng trong tâm của họ rất là ấm cúng và đầy tình cảm!
Vào cuối tuần thì tụi nầy đi xe lửa từ Karlsruhe đến thăm thành phố Munich (Munchen). Thành phố nầy nổi tiếng không những là thành phố du lịch mà còn là nơi xẩy ra biến cố mà đa số mọi người nghĩ đến khi nói về Munich đó là Munich Massacre 1972 mà trong đó 11 lực sĩ của Do Thái và một cảnh sát Đức đã bị giết qua những tay khủng bố. Từ Karlsruhe đến Munich khoảng gần ba tiếng với những trạm ngừng lớn để đón thêm khách hàng. Xe lửa được chia ra làm hai loại: loại có ghế ngồi đặt sẵn (trả thêm tiền) và loại “cá kèo” mà khách hàng tìm chổ nào trống thì ngồi nhưng nếu có người đã đặt chổ bạn ngồi rồi thì “mời bạn tìm chổ khác’. Vì Karlsruhe là trạm đầu tiên đi Munich nên tụi nầy tìm được chổ tốt mà không phải tranh giành như những người ở những trạm sau.
Trên toa có bán thức ăn cũng như nước uống nhưng đa số thì chỉ chú trọng đến bia cho chặng đường dài. Vì Munich là thành phố du lịch nên có rất nhiều khách đến từ các quốc gia khác nhau mà trong đó tôi thấy có nhiều người đến từ Mỹ, nhất là các bạn trẻ sang đây nghỉ hè. Các bạn trẻ Mỹ khi xa gia đình, xa cha mẹ thì vô tư nhậu nhẹt nên rất là ồn ào mà thậm chí còn ồn ào náo nhiệt hơn cả người địa phương! Trên đường phố thỉnh thoảng tôi có nghe tiếng Việt thoáng bên tai mà tôi đoán là từ những đại gia từ quê nhà sang đây mua sắm vì người nào cũng tay xách nách mang “hàng hiệu”! Lần nầy, với chuyến đi Munich ngắn ngày trong dịp cuối tuần nên chúng tôi mua ticket “Hop on Hop off” ngồi trên xe bus mui trần để đi thăm những thắng cảnh đáng xem của Munich như cung điện nghỉ hè Nymphenburg của hoàng gia Bavarian, công ty BMW và dĩ nhiên là Olympic nơi có đài tưởng niệm những người đã chết trong biến cố mùa hè 1972. Nếu các bạn thích mua xe BMW thì có thể đặt hàng ở đó rồi bay sang lấy xe và chuyển về nước. Theo tôi biết thì nếu làm thế sẽ có nhiều lựa chọn hơn, giá tốt hơn và còn bảo đảm là tất cả phụ tùng đều từ Đức chứ không xen lẫn parts của các nước khác.
Munich có lẽ là nơi “đất lành chim đậu” nên có nhiều người Vietnam sinh sống làm ăn. Trong lúc đi tour tôi thấy có nhiều tiệm với tên Việt Nam quen thuộc như quán Ngon, phở Pasteur etc. nhưng theo những bạn Đức thì hình như phở không thịnh hành lắm ở nơi nầy vì Đức họ thích ăn thịt uống bia hơn là ăn soup. Tuy nhiên món gỏi cuốn thì được nhiều người ưng ý. Trong khi ấy ở Ettlingen thì không tìm ra tiệm ăn Việt Nam nào mà đa số tiệm tuy có tên tàu nhưng nhìn kỹ trong thực đơn thì ít nhất cũng có vài món ăn Việt cũng như Thái. Kế bên khách sạn Erbprinz có một quán ăn tên Hong Bsitro nhưng khi tôi tò mò nhìn vào menu thì thấy rất nhiều món ăn có tên Việt nên vào thử thì như tôi đoán trước, chủ nhân là người Việt sang định cư từ thập niên 1980.
Anh chủ nầy tương đối trẻ cũng đã sang thử thời vận ở California nhưng với sự sống quá hấp tấp của người mình bên ấy nên anh lại đành an phận về mở quán ăn tại đây. Thức ăn làm theo German style nhưng khi tụi nầy chọn món ăn thì anh biết khẩu vị của người mình ít ăn mặn nên nấu rất là hợp ý. Tuy công nhận thức ăn anh nấu ngon nhưng suy ra cũng thiếu sót rất nhiều như canh chua mà chỉ có nấm và cà chua mà thôi vì sả, thơm hay bạc hà là hàng hiếm ở đây. Còn cơm chiên thì lại xào chung với bắp cải nên cũng không đúng điệu lắm tuy rằng mùi cơm chiên cháy cạnh rất là hấp dẫn. Sau khi ăn ở nơi ấy hai lần, vì chán cơm Đức, thì tụi nầy đồng ý là không nơi nào thức ăn ngon bằng ở San Jose!
Sau khi làm việc ở Waldbronn hai tuần thì đến lúc phải trở về nhà. Từ Karlsruhe đến Frankfurt khoảng hơn một tiếng xe lửa nhưng vì sợ trể chuyến bay nên chúng tôi quyết định ở tại Frankfurt Airport hotel một đêm trước khi lên máy bay về nhà. Sheraton nằm trong phi trường nên rất tiện lợi để check-in vì chỉ ra khỏi cửa hotel, xuống thang máy là vào ngay phi trường. Phi trường nầy rất bận rộn với nhiều chuyến bay 24/24 nên bên trong phi trường như là một shopping mall không ngừng buôn bán với tấp nập người ra kẽ vào. Tuy hotel nầy tiện cho khách ngủ đêm nhưng lại là “ngủ đêm qua đường” nên trong phòng ngủ chả có gì ấm cúng cả ngoài giường ngủ, khăn lông mà thôi.
Đến sáng hôm sau thì chúng tôi lên đường trở về nhà. Cảm tưởng của tôi trong lần công tác tại Đức lần nầy là người Đức sống cởi mở hơn, thân mật hơn đời sống sung túc hơn, họ tin tưởng vào chính phủ đang và sẽ đưa đất nước lên vị trí hàng đầu trong các quốc gia của nhóm EU. Còn thức ăn thì ít mặn hơn và bia thì quá tuyệt vời. Còn cá nhân tôi thì vui vì việc làm thành công và kết quả tốt.
Auf Wiedersehen!
PHAN KIM PHẨM