Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS Huỳnh Công Ân - Biên Hòa, Ngô Quyền Và Tôi.

07 Tháng Mười Một 20141:00 SA(Xem: 69559)
GS Huỳnh Công Ân - Biên Hòa, Ngô Quyền Và Tôi.
Tùy bút
          Biên Hòa, Ngô Quyền và Tôi
              *Kính tặng ông Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo
 

 

 28__Thay_HuynhCongAn-content

GS Huỳnh Công Ân

Nhà Bè nước chảy chia hai,

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

(Ca dao miền Nam)

 

Dường như tỉnh Biên Hoà là một phần định mệnh của cuộc đời tôị. Tuy tôi sinh ra ở tỉnh Thủ Dầu Một (thời VNCH gọi là Bình Dương), một tỉnh giáp ranh với Biên Hòa, nhưng lạ lùng thay trong khai sinh tôi lại ghi nơi sinh là Thủ Dầu Một, Biên Hòa. Thành ra khi khai lý lịch tôi không biết mình phải ghi nơi sinh là Thủ Dầu Một hay Biên Hòa cho đúng. Tôi đành ghi cả hai tỉnh là nơi sinh của mình cho hợp với khai sinh để tránh tội khai man lý lịch. Tôi có hỏi ba tôi về việc này thì ông cho biết vì ngày trước, tỉnh Thủ Dầu Một không có tòa án hòa giải nên ba tôi phải sang Biên Hòa để lập khai sinh cho tôi . Lại nữa, trong 5 năm liên hệ với Biên Hòa (1969-1975) tôi đã làm thầy giáo và lính chiến (lính thực sự chứ không phải là lính biệt phái) cho thủ phủ miền Đông này. Vì vậy, tôi đã có khá nhiều kỷ niệm vui, buồn với Biên Hòa qua chức vụ quân nhân của tiểu khu Biên Hòa cũng như giáo chức của trường trung học Ngô Quyền.

 

Tuy khai sinh tôi có ghi nơi sinh là Biên Hòa nhưng mãi đến khi đi trình sự vụ lệnh thuyên chuyển từ một tỉnh xa tít miền Tây về trường trung học Ngô Quyền tôi mới đến Biên Hòa lần đầu tiên vào mùa khai trường niên khóa 1969-1970. Thành phố Biên Hòa tuy có lớn hơn thị xã Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Bình, nơi tôi dạy học 4 năm đầu của cuộc đời thầy giáo, nhưng vốn lớn lên và sống ở thủ đô Sài Gòn nên tôi vẫn cảm nhận đây cũng chỉ là một tỉnh lỵ không phải là nơi phồn hoa, náo nhiệt như Sài Thành hoa lệ, thành ra tôi tự nhủ mình nên dè dặt trong lối sinh hoạt để giữ cho đúng tác phong thầy giáo.

Khi gặp ông Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo, một người đứng tuổi, to lớn, có dáng dấp một võ sư hơn là một giáo sư (nghe nói ông tập tạ hàng ngày), tôi cảm thấy thoải mái vì ông ấy rất cởi mở và thông cảm. Được biết tôi là một sĩ quan biệt phái, từng phục vụ ở đơn vị tác chiến và đã bị thương ở chiến trường , ông ân cần hỏi thăm vết thương của tôi. Lại biết nhà tôi ở Sài Gòn và có giờ dạy trường tư dưới đó, nên ông bảo tôi yên tâm, ông sẽ nói ông Giám Học xếp 15 giờ chính thức của tôi vào hai ngày đầu tuần.

 

Từ đó, hàng tuần tôi lái lambretta từ Sài Gòn  lên Biên Hòa dạy hai ngày thứ hai và thứ ba, đêm thứ hai ở lại Biên Hòa ngủ ở nhà người anh họ, chiều thứ ba trở về Sài Gòn coi như đã là weekend, những ngày còn lại thì dạy tư và vui chơi ở Sài Gòn. Đây thật là một giai đoạn hạnh phúc nhất của đời tôi . Đồng nghiệp và học tròở Ngô Quyền cũng rất dễ chịu. Ban giám đốc trường: ông  Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo dễ dãi, ông Giám Học Phạm Khắc Thành ca va, ông phụ tá giám học Hoàng Đôn Trịnh thì hơi reglo một chút. Học sinh thì đa số rất chăm học và học giỏi không thua sút các trường lớn Pétrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương ở Sài Gòn. Cũng tại trường Ngô Quyền Biên Hòa, tôi có vinh hạnh phụ trách một lớp 12 B  mà trong số học sinh có nhà thơ tài hoa Nguyễn Tất Nhiên và nhân vật nữ tên Duyên đã đi vào giai thoại văn chương Việt Nam qua các bài thơ tình tuyệt tác của Nguyễn Tất Nhiên. Tôi còn nhớ ngày anh chàng Hải (tên thât của Nguyễn Tất Nhiên) rụt rè tới bàn thầy, trao tặng tôi tác phẩm đầu tay của anh tựa là "Thiên Tai”, không ngờ về sau  anh chàng này lại trở thành một trong những thiên tài của văn thơ hiện đại Việt Nam .

 

Nhưng, ngày vui qua mau, định mênh đưa đẩy tôi trở lại quân đội sau một đêm nhậu nhẹt với bạn bè và ấu đả với một nhân vật có thế lực ở Sài Gòn mà hậu quả là tôi bị bộ Quốc Phòng  trả về đời sống quân nhân bằng một quyết định quân kỷ. Khi lên nhận sự vụ lệnh trả về Quân Đội tôi được cho một đặc ân chọn đơn vị. Định mệnh lạ khiến tôi chọn tiểu khu Biên Hòa. Khi được tin này, ông Hiệu trưởng dắt tôi vào Tiểu Khu gặp thiếu tá Thành, tham mưu trưởng tiểu khu gởi gắm. Tôi đuợc đưa về đại đội 3/463 DPQ trấn giữ cầu Đồng Nai trên xa lộ Sài Gòn Biên Hòa. Nhờ sự giúp đỡ sốt sắng của ông Hiệu Trưởng, tôi không bị đẩy ra chiến trường trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Nếu không, chắc gì tôi còn sống đến ngày hôm nay để viết những dòng chữ này. Vì vậy ân nghĩa này của ông Hiệu Trưởng suốt đời tôi không quên được. Sau biến cố 1975, được tin ông bị nạn, tôi rất lo lắng, nhưng nay qua tin của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền biết ông vẫn còn mạnh khoẻ và có thể qua Hoa Kỳ dự Buổi Hội Ngộ Trùng Phùng năm 2006 tôi rất mừng cho ông.

 

"Hai năm trấn thủ lưu đồn, ngày thì việc nước, tối dồn việc quan" 1972-1973 của tôi ở cầu Đồng Nai cũng qua mau. Ngày thì đánh bi da, cá độ uống bia với các sĩ quan cùng đơn vị, tối đến đi đốc canh các vọng gác ở vòng rào và chân cầu. Thỉnh thoảng dẫn một trung đội theo xe tiểu khu đi hộ tống các đoàn xe chở đạn tiếp tế các đơn vị hay chở tân binh đi thụ huấn ở quân trường Vạn Kiếp khi các đoàn xe này đi qua lãnh thổ tiểu khụ vào mùa thi, tôi được tiểu khu cắt dẫn lính bảo vệ trường thi. Mấy ông cảnh sát lem nhem lợi dụng nhiệm vụ trật tự, mưu toan ném bài giải vào phòng thi bị tôi chận lại tịch thu hết.

 

Cuối năm 1973, tôi nộp đơn lên bộ Quốc Gia Giáo Dục xin cứu xét can thiệp với bộ Quốc Phòng cho tái biệt phái tôi về dạy học. Đơn được giải quyết và tôi được trả lại ty Giáo Dục Biên Hòa mà Trưởng Ty bấy giờ là ông Phạm Đức Bảo. Lúc đó vào giữa niên khóa, để khỏi làm xáo trộn thời khóa biểu các đồng nghiệp, tôi xin ở lại Ty làm việc . Ông Trưởng Ty xếp tôi làm ở phòng Học Vụ mà trưởng phòng là ông Lê Hồng Sanh. Niên khóa sau, chán công việc hành chánh tôi xin ông Trưởng Ty về lại trường Ngô Quyền đứng lớp. Đầu năm 1975, tôi có giấy thuyên chuyển về Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng Sài Gòn. Tuy nhiên, hàng tháng tôi vẫn còn lên Biên Hòa lãnh lương. Gần cuối tháng tư năm 1975, nhân lên Biên Hoà lãnh lương, tôi ghé một quán nhậu gần rạp Biên Hùng lai rai vài chai bia với món chem chép xào tiêu. Khi đó phòng tuyến Xuân Lộc đã vỡ, cộng quân đang uy hiếp Biên Hòa, qua men bia tôi nhìn thành phố Biên Hòa trong những giờ phút yên tĩnh mong manh trước khi cơn đại hồng thủy ập đến.

 

Sau biến cố 75, tôi đã lên Biên Hòa hai lần. Một lần trước khi đi tù cải tạo để chứng kiến cảnh  không, đường trống của thành phố Biên Hoà thân yêu đã đổi chủ. Lần thứ hai, sau khi đi tù cải tạo về, tôi ngơ ngác giữa thành phố Biên Hòa xa lạ, trước trường trung học Ngô Quyền đổi thay da thịt. Ôi cảnh cũ đây mà người xưa giờ ở đâu? Ký ức đưa tôi về những kỷ niệm cũ: còn đâu những buổi trưa ở phòng giáo sư tranh thủ binh xập xám với các bạn đồng nghiệp Lê Văn Túy, Lê Quý Thể, Lâm Tấn Văn… để chờ giờ lên lớp. Còn đâu những đêm ở nhờ nhà anh Lê Quý Thể chứng kiến "quý thầy" xoa mạc chược, có lần cảnh sát đến xét sổ gia đình, cũng làm lơ bỏ đi khi biết các Thầy là Giáo Sư Ngô Quyền. Tình nghĩa trước năm 75 là thế ấy. Làm sao tìm được những thứ ấy trong xã hội Viêt Nam bây giờ?

 

Những gì tôi viết ở đây là tự đáy tâm hồn, không màu mè, che đậy. Thầy giáo cũng là con người, nhiệm vụ là truyền thụ kiến thức, nếu có những khuyết điểm xin mọi người thông cảm bỏ qua. Ở hoàng hôn của cuộc đời, sống lại với kỷ niệm cũ là những giây phút hạnh phúc nhất còn lại .

 

  Montreal, Canada đầu Xuân 2006

 (Trích Tuyển tập NQ 2006)

02 Tháng Hai 2009(Xem: 38765)
  Một ngọn gió dịu mát của mùa Xuân đã đưa tư tưởng tôi bỗng dưng trở về nơi chốn cũ, nơi đó có bày chim con chưa ra ràng nhưng đã muốn tập tễnh bay lượn, vỗ đôi cánh non nớt như muốn tung bay ra khỏi tổ ấm êm đềm và sự che chở thương yêu của chim mẹ, muốn tìm hiểu chân trời ngoài kia bao la rực rỡ muôn màu ra sao .
02 Tháng Hai 2009(Xem: 46558)
Những ngày xa quê hương, lưu lạc xứ người, bận biụ với cuộc sống, tôi luôn luôn nhớ về quê nhà, nhớ về xứ Cù Lao với dòng sông Đồng Nai yêu dấu; gần đây tôi có tìm đọc thêm về xứ Đồng Nai thuở ban sơ cùng sự nghiệp khai sáng miền Nam của Ngài Nguyễn Hữu Cảnh. Nay tôi xin ghi lại những sự kiện, kiến thức tìm học đựơc bằng tấm chân tình cuả người con đất Cù Lao Phố, Đồng Nai.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 71951)
Ngày nay con đã là cô giáo, "Mộng" đã thành rồi!...Mẹ thấy đâu? Đầu xanh bao mái nhòa trong mắt, Vẳng nghe tiếng mẹ ở nơi nao?...
02 Tháng Hai 2009(Xem: 34704)
  Năm đó, tôi về Việt Nam ăn Tết và cũng để mừng má tôi tròn một trăm tuổi. Đó là lần thứ hai tôi về Việt Nam . Kỳ trước về với vợ con nên đi đâu chúng tôi cũng dùng xe nhà của thằng em bà con cho mượn với tài xế (Thằng em này "biết làm ăn" nên bây giờ nó khá lắm). Kỳ này về một mình, tôi định nếu có dịp sẽ dùng xe công cộng một lần cho biết.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78676)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68881)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 66971)
*   Viết kính tặng thầy Nguyễn Xuân Hoàng với lòng Yêu Thương, Kính Trọng và Cảm Thông sâu xa nhất .  
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76292)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 38806)
Thôi thì:    “Đã mang lấy Nghiệp vào thân   Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!” (ND).  
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 81557)
(Thân tặng các em cựu học sinh Ngô Quyền, đặc biệt các em Ban Văn Nghệ Hiệu Đoàn thời 69-71 )
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76879)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 73238)
Khi nắng đổ trên cành hoa phượng đỏ Là lúc mặt trời đòi đùa cợt mái tóc em Tuổi ngây thơ mắt môi xinh bỏ ngỏ Cuộc vui đùa chẳng phân biệt gái hay trai!
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73919)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 74024)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72752)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...