Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tuấn Khanh - PHẠM DUY GIỮA CHÚNG TA (Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc Sĩ Phạm Duy)

13 Tháng Mười 20211:09 SA(Xem: 6661)
Tuấn Khanh - PHẠM DUY GIỮA CHÚNG TA (Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc Sĩ Phạm Duy)

PHẠM DUY GIỮA CHÚNG TA (Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy)


phamduyresize


Phạm Duy vẫn ở đâu đó trong cuộc đời này, không chỉ 100 năm này, mà có lẽ còn nhiều trăm năm nữa trong những trái tim thuần khiết yêu nước Việt, đi cùng những giai điệu gần gũi và khoan nhặt của ông.

Nghe nhạc Phạm Duy, đôi lúc tôi nhận ra như nhu cầu của một người Việt. Nó thôi thúc và cồn cào. Thậm chí khi im lặng nghe mà cứ tưởng như mình đang cất tiếng, bởi lời ca đã âm vọng không biết bao điều. Và tôi cũng đã chứng kiến điều như vậy.

Có lần linh mục Đặng San ở Sài Gòn trở bệnh nặng. Ông nằm lặng lẽ trong phòng mình nhiều giờ rồi lặng lẽ nhắn cho một cô bạn của tôi “có thể đến hát cho Cha nghe một bài Phạm Duy không?”. Bác sĩ không cho ông hút thuốc nữa, cũng không cho xem điện thoại nữa. Sự tĩnh lặng và chăm sóc chu đáo thể xác, vẫn không đủ cho phần hồn. Ông nằm nhìn lên trần nhà. Im lặng. Thở mệt nhọc.

Tôi đến cùng cô bạn của mình, mang theo cây guitar. Cha ngồi dậy, vui như trẻ nhỏ. Ông đòi nghe hát ngay. Đàn so dây và bài hát Tôi đang mơ giấc mộng dài vang lên. Những bài hát của Phạm Duy có ma lực lạ lùng, như nhấn sâu người nghe vào một hồ chứa tâm trạng mênh mông, vẫy vùng tâm hoặc. Hình ảnh của bài hát như bao bọc không gian của mọi người chung quanh. Lần đầu tiên tôi thấy một cụ già tóc bạc, yếu ớt trên xe lăn khi nghe được đôi câu, đã ôm mặt khóc nức nở. Ông khóc như gặp lại người thân, và cố ôm mặt vì sợ tiếng khóc sẽ ngăn mọi người ngừng trình bày bài hát đó.

Chắc cũng nên nói một chút về linh mục Đặng San, để biết ông không phải là một người dễ bị chinh phục bởi mọi loại văn nghệ. Khởi đầu ông chọn tự mình trở thành tu sĩ Phật Giáo khổ hạnh, bỏ lên núi sống một mình với kinh kệ. Rồi một ngày mưa gió, ông ngã lăn bất tỉnh và được người ta đưa về một nhà dòng Công Giáo gần đó cứu giúp. Sau một thời gian ông được ơn gọi và trở thành linh mục. Những kiến thức uyên bác của cả hai hệ tín ngưỡng đầy ắp trong người, nên khi ông giảng hay viết đều song hành các dẫn chứng của cả hai tôn giáo.

Ấy vậy mà, con người chứa trong mình sâu thẳm những triết giáo khôn ngoan hàng ngàn năm đó, lại bật khóc, và nói “cần gì tìm cao xa nữa, bài hát này cất tiếng, nó đã đẹp như một thánh lễ rồi”. Trong phút giây ấy, tôi chợt nhận ra rằng nếu chúng ta yêu dân tộc này, yêu những khổ đau và nghịch cảnh của quê hương này đã và đang chịu, thì nghe nhạc Phạm Duy mà bật khóc cũng không phải là điều quá lạ lùng.

Có một thời gian dài, tôi cứ ám ảnh về bài Bên cầu biên giới của nhạc sĩ Phạm Duy. Những gì day dứt tự hỏi lòng, ông đều trải ra đủ trên từng nốt nhạc, từng nhịp chất vấn dồn dập của đời người và thời thế. Đời hỏi ông muốn được vinh danh như một kẻ làm chính trị không? Ông đã trả lời bằng cách bước xuống tàu, đi theo con đường của một nghệ sĩ, bất chấp phận mình có thể nổi trôi theo vận nước. Nhiều thập niên sau, ông nhắc lại điều này với tôi trong một lần được hỏi “Tôi thấy mình hạnh phúc là một người hát rong, một người hát rong hạnh phúc”.

Hành trình của những người hát rong trong lịch sử nhân loại, có kẻ mua vui cho bạo chúa, có kẻ sống và chấp nhận rơi đầu để giữ vẹn lời ca về sự thật. Phạm Duy đã làm trọn phần hát rong cao quý của mình, ông hát cho con người và không đem tài năng của mình để phục vụ bạo quyền hay dối trá.

Dòng chảy đau đớn của dân tộc Việt Nam đi đến đâu, vẫn thấy có ông nơi đó kể lại, hát lại. Từ cuộc chia ly 1954 cho đến những ngày dựng đời cùng Bình Ca. Rồi cả khi một lần nữa rời khỏi quê nhà 1975, ông vẫn không dừng ghi lại ký ức với Tỵ nạn ca, Ngục Ca… Và đến cả những tiên đề của đất nước trong Rong Ca về thế kỷ mới.

Năm 2002, ông gửi về tặng tôi quyển Chân Dung Nghệ Sĩ của Trường Kỳ, trong đó có bài về ông. Viết trong thư tay, ông dặn “Không phải cái gì viết trong đây về tôi cũng đúng. Nhưng không đúng cũng là một kỷ niệm. Đời người rồi cái gì cũng thành kỷ niệm”. Đọc đến đó, tôi mỉm cười. Ông lại chơi chữ với tôi rồi, như để nói về chính cuộc đời của ông. Tôi hình dung cái cách rất “Phạm Duy” của ông, cười nhếch mép, nheo mắt, gật gù. Cái cách y như lúc ông về Việt Nam và nói với tôi “Anh có cái kiểu hỏi han khó chơi lắm. Nhưng được đấy!”.

Trước lúc ông mất, tôi có ghé nhà ở quận 11, Sài Gòn, thăm ông. Lúc đó, ông gần như đã cạo trọc, yếu ớt và ngồi trên xe lăn. Thấy tôi cất lời chào, ông khoát tay như bảo “chờ đấy, đừng hỏi” và cho đẩy xe đến trước một cái tivi lớn, phát một cái DVD tự làm slideshow, trình bày chi tiết từ lúc bệnh, đi cấp cứu cho đến về nhà. “Đấy, nhiều người đến hỏi lắm, cho xem thì biết, khỏi mất công trả lời”, ông cười, có vẻ khoái trá vì thấy tôi hơi ngỡ ngàng với sự chuẩn bị của ông. Có người khuyên là ông nên về Mỹ, vì có thể việc chăm sóc y tế sẽ tốt hơn. Ông lại hỏi ngược “rồi được thêm bao lâu nữa?”

Hơn một năm sau, ông mất. Dường như về cuối đời, chọn về Việt Nam, ở lại, và ở lại mãi mãi là ước muốn lớn nhất của đời ông. Một lần trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông nói “Tôi về đây không phải là tôi đi tìm danh vọng, hay tôi tìm đồng tiền kinh tế. Không phải. Tôi về đây là vì tôi yêu nước thôi. Mà tôi phải về vì người già nào cũng muốn chết ở quê hương của mình, thế thôi”.

Ngay cả đến cái chết, Phạm Duy cũng như câu chuyện kể sống động ở giữa chúng ta, nhắc về những người Việt Nam khốn đốn trước cơ đồ cha ông để lại bị cưa xẻ, bất lực trước những dòng người vơ vét đất mẹ bằng quyền lực chính trị, giàu có và chọn thành công dân và chết ở một quốc gia xa lạ nào đó. Nhưng quê hương, đó là thứ không thể lìa xa với mỗi chúng ta, những người yêu nước Việt.

Phạm Duy không hô hào yêu nước. Nhưng âm nhạc của ông dạy người ta yêu nước. Dạy và thấm sâu ở từng câu chữ, giai điệu. Bất kể tôi, hay một linh mục, hoặc một người bạn trẻ nào đó lắng nghe rồi cũng sẽ tự thấy mình có một duyên lành với đất nước mình. Đó là điều được chia sẻ từ quyền năng của một người hát rong sống trọn vẹn với nghiệp đời. Người hát rong đó vẫn ở giữa chúng ta, trong muôn ngàn lời tha thiết Việt Nam, khắc sâu, thấm sâu hơn cả những bài giáo khoa buộc phải học.

Tuấn Khanh, Sài Gòn
5/10/2021 – 100 năm ngày sinh người hát rong vĩ đại của âm nhạc Việt Nam, PHẠM DUY

Nguồn: Tuấn Khanh's Blog
13 Tháng Mười Một 2022(Xem: 4784)
Nhớ lại "Hồi Đó" nhiều khi muốn khóc Mới hồi nào... giờ già chát nhăn nheo Cha mẹ mất các anh cũng đi theo Trai cũng chết viết thư tình ai đọc.
13 Tháng Mười Một 2022(Xem: 5017)
Trong chuyến đi vòng quanh trái đất lần nầy tôi đã ghé qua hai quốc gia cũng “xưa” như trái đất, đó là Ai Cập ở phía bắc của Phi Châu và Ấn Độ ở phía nam của Á Châu.
11 Tháng Mười Một 2022(Xem: 5127)
Phần công trình biên khảo của ông Nguyễn Văn Trung, tôi nghĩ, ông đã làm trọn vẹn công việc của một nhà biên khảo đã dành lại một địa vị xứng đáng cho miền Nam trong văn học.
10 Tháng Mười Một 2022(Xem: 4923)
Trong bài này tôi chỉ xin giới thiệu điểm dừng đầu tiên của tour du lịch qua Vân Nam: Thăm khu rừng đá Thạch Lâm , một nơi đặc biệt có một không hai của Vân Nam
09 Tháng Mười Một 2022(Xem: 4887)
Người ta nói: làm thầy thuốc sai lầm thì giết chết một người, làm chính trị sai lầm thì giết một thế hệ nhưng làm văn hoá sai lầm thì giết cả muôn đời.
05 Tháng Mười Một 2022(Xem: 4838)
Ta cầu nguyện cho em Hồn thiêng được giải thoát Được sống đời an lạc. Không vướng khổ ưu phiền Không uất hận triền miên. Tái sinh nhiều phước báo.
30 Tháng Mười 2022(Xem: 4815)
Bạn bè nửa thế kỷ gặp mặt. Cô đọng trong những lần gặp gỡ. Rồi lại chia tay phương trời. Kỹ niệm theo nhau suốt cuộc đời. Hy vọng sẽ có lần gặp gỡ nữa.
29 Tháng Mười 2022(Xem: 5005)
Thầy chính là người truyền lửa ham học cho học trò, và luôn khơi gợi lên trong họ những hoài bão, những ước mơ để vươn tới những khát vọng cao đẹp trong tương lai
29 Tháng Mười 2022(Xem: 4882)
Sau này khi nhắc tới giai đoạn này, Nguyễn Văn Trung vẫn cho là những năm tháng tốt đẹp nhất trong cuộc đời cầm bút của ông.
28 Tháng Mười 2022(Xem: 7334)
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng
22 Tháng Mười 2022(Xem: 4799)
Cứ để Hải lãng mạn nuối tiếc tiếp tục đi tìm cố nhân, cứ để anh suốt đời còn nợ tôi một đóa hoa Phù Dung và giữ mãi hình ảnh tình cảm thuở ban đầu.
16 Tháng Mười 2022(Xem: 5181)
Trong quang cảnh rộng rãi khoáng đạt nơi miền quê, có một chút nắng nhàn nhạt và gió hiu hiu mát rượi của buổi chiều cận Tết, cánh diều tuổi thơ của tôi no gió vi vu bay cao vút trên bầu trời.
16 Tháng Mười 2022(Xem: 5856)
Trong 21 năm tồn tại, miền Nam tự do đã để lại cho nền âm nhạc nước ta một gia tài đồ sộ gồm hàng ngàn tác phẩm của nhiều nhạc sĩ mà tên tuổi của họ không bao giờ quên
16 Tháng Mười 2022(Xem: 5147)
Chiều chủ nhật 9 tháng 10 năm 2022, tại tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng vẫy tay giã từ giới yêu thơ ông sau 90 năm rong chơi cõi đời
15 Tháng Mười 2022(Xem: 5255)
Nó đâu phải là con cọp... thật. Trên đầu nó vẫn còn mang cặp sừng của giống loài nó mà ?! Đồng loại của nó phần đông thì oán ghét và khinh miệt,
15 Tháng Mười 2022(Xem: 4605)
Hai người là hai sự khác biệt, chị lãng mạn, mộng mơ bao nhiêu thì anh thực tế đời thường bấy nhiêu, nên hai vợ chồng đã nhiều phen bất đồng ý kiến, cãi nhau như ngày hôm nay.
13 Tháng Mười 2022(Xem: 4687)
Rồi thì lá sẽ vàng, sẽ khô và sẽ rụng. Đó là sự tuần hoàn của sự sống, là vô thường. Chấp nhận vô thường, chấp nhận cái chết sẽ đến với tất cả mọi người mọi vật thì ta sẽ bớt phiền muộn...
10 Tháng Mười 2022(Xem: 5288)
Tôi và ông Sung bỗng trở thành hai bạn già tâm sự kể lể chuyện thời tiết trở trời, chuyện ốm đau và dặn dò nhau kinh nghiệm thuốc men cho đến khi không còn gì để than thở thêm
10 Tháng Mười 2022(Xem: 4544)
Có lẽ Canada (và các nước Mỹ, Úc, Châu Âu) mắc nợ người Việt tỵ nạn từ… kiếp trước, nên kiếp này họ phải rước chúng ta qua, đón tiếp nồng hậu đám người chân ướt chân ráo mới đến
03 Tháng Mười 2022(Xem: 5442)
Khuê ơi, cho dù bây giờ tóc đã thôi bay như trong những ngày đứng gió, nhưng chẳng bao giờ tôi quên được cảm giác những sợi tóc dài của Khuê nương theo gió, đùa giỡn mơn man trên mặt tôi.