Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phan Phú Hiệp - KÝ ỨC VỀ RẠP HÁT BIÊN HÙNG ( BIÊN HÒA) TRƯỚC 1975

15 Tháng Bảy 20211:16 SA(Xem: 8496)
Phan Phú Hiệp - KÝ ỨC VỀ RẠP HÁT BIÊN HÙNG ( BIÊN HÒA) TRƯỚC 1975


Ký ức về rạp hát Biên Hùng (Biên Hòa) trước 1975


BH-2BH-3
rap Biên Hùng


Cuối tuần, tôi tình cờ đọc một bản tin đã cũ: Rạp hát Biên Hùng (sau 1975 đổi tên là Nam Hà) của Biên Hòa quê tôi đã chính thức bị tháo dỡ vào tháng 7-2019 để chuyển đổi mục đích sử dụng tại khu vực trung tâm đắc địa nhất của thành phố.  

Dẫu biết rằng theo quy luật vô thường: Thành-Trụ-Hoại-Diệt, vạn vật đều phải đổi thay theo thời gian, nhưng tôi vẫn không tránh được cảm xúc bùi ngùi luyến tiếc trước sự biến mất của một rạp hát đã mang lại cho tôi nhiều ký ức đẹp.  

Tôi không biết rõ rạp Biên Hùng được hình thành từ lúc nào, nhưng khi tôi sinh ra, rạp đã hiện hữu và đã gắn bó với tôi trong suốt quãng đời niên thiếu.

Vào thời ấy, không Video, không Internet, không Karaoke, nên ngoài việc nghe Radio, xem TV, thì đi xem xi nê là một cách giải trí phổ biến của người Biên Hòa, từ người bình dân lao động cho đến giới trí thức, từ học sinh sinh viên cho đến quân nhân công chức.

Tôi đã có không ít kỷ niệm với rạp Biên Hùng vì nhiều lý do. Trước hết vì đó là rạp xi nê gần nhà và tọa lạc trên con đường tôi đi học đến trường (Ngô Quyền) hàng ngày. Thi thoảng khi nhàn nhã trên đường đi học về, tôi thường dừng lại trước rạp một lúc, chỉ để ngắm các tấm Pa-nô vẽ quảng cáo, các bích chương in màu cho cuốn phim đang chiếu tại rạp hay xin các cô chú quen các tờ chương trình.

Những năm đầu thập niên 70, Biên hòa có thêm một số rạp mới, hiện đại hơn như: rạp Khánh Hưng đường Trịnh hoài Đức, rạp Lido đường Hàm Nghi, rạp Thanh Bình ở Vườn Mít, nhưng có thể nói rạp Biên Hùng là rạp xi nê tôi đã xem nhiều phim nhất trong thời niên thiếu trước 1975 của tôi.

Lúc ấy, rạp Biên Hùng chỉ chiếu phim theo xuất, không phải rạp thường trực. Rạp không có máy lạnh, chỉ có gắn nhiều quạt trên trần cao. Không có ghế nệm, chỉ có ghế gỗ. Hàng tuần, mỗi thứ tư, rạp thường thay đổi Pano để giới thiệu bộ phim mới. Cách quảng cáo phim mới của rạp Biên Hùng  cũng rất đặc biệt là dùng xe ngựa, trên xe có người đánh trống "tùng xèng" để tạo sự chú ý của mọi người, hai bên thành xe gắn hai tấm Pano về những cảnh action của phim. Mấy đứa trẻ con chạy theo xe hò hét vang trời cố xin cho được tờ chương trình xanh đỏ trắng vàng. Về sau, rạp không dùng xe ngựa mà thay vào đó là xe Lambretta có loa phóng thanh để quảng cáo.

Thời đó mua vé xem phim rất dễ dàng và có hai loại vé: Lầu và trệt. Khán giả được người bán vé đưa một tờ chương trình tóm tắt nội dung phim. Trên vé có ghi số ghế để khán giả tự tìm chỗ ngồi và nếu đi trễ khi đèn tắt, thì có nhân viên hướng dẫn cầm đèn pin xem vé và chỉ chỗ ngồi. Trên màn ảnh bao giờ cũng có lời nhắc nhở "Cấm hút thuốc". Trước tiên, rạp chiếu cho khán giả xem phim tài liệu thường là trắng đen và xem thử Trailer những phim sắp chiếu. Trước khi vào phim chính, là một đoạn phim trắng đen ngắn chiếu hình một chiếc bình lư hương tỏa khói và Logo của hãng phim. Các phim đều không có thuyết minh hay lồng tiếng mà chỉ có phụ đề Việt, Anh và Hoa ngữ bên dưới.

Một số phim tôi đã từng xem và đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tại rạp Biên Hùng thời ấy:

- Phim cao bồi viễn tây của Mỹ: Bảy tay súng oai hùng (Magnificent Seven), Thiện ác và tà (The good, the bad and the ugly), Một thời ở miền viễn tây (Once upon a time in the West)....

- Phim trinh thám: Điệp viên James Bond-007 với các màn đấu trí và đấu súng ly kỳ.

- Phim chiến tranh: Cầu sông Kwai (The Bridge on the river Kwai), Trận Trân Châu cảng Tora! tora! tora!  (Pearl Harbor in chaos), Đại tướng Patton...

- Phim Hong Kong: Phần lớn là phim võ thuật và kiếm hiệp. Những tài tử tên tuổi của Hồng Kông như Vương Vũ, Địch Long, Khương Đại Vệ, Trần Quang Thái, Trần Tinh, La Liệt.... trở nên quen thuộc với khán giả. Sang đầu thập niên 1970, một loạt phim võ thuật do Lý Tiểu Long trong vai chính đã làm say mê khán giả xi nê: Tinh Võ Môn, Đường Sơn đại huynh, Long tranh hổ đấu, Mảnh long quá giang... Ngoài ra, còn có phim tình cảm, xã hội, dựa trên các tiểu thuyết đang ăn khách của Quỳnh Dao, như Hải âu phi xứ, Mùa thu lá bay, Song ngoại, Xóm vắng... với cặp tài tử Chân Trân và Đặng Quang Vinh.

 Ngoài phim quốc tế, phim VN thời ấy cũng rất thịnh hành và thu hút lượng lớn khán giả đến với rạp. Tôi đã từng xem các phim VN rất hay tại rạp Biên Hùng như: Tiếng hát học trò, Chân trời tím, Người tình không chân dung, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Loan mắt nhung, Trần thị Diễm Châu, Năm vua hề về làng, Triệu phú bất đắc dĩ, Con ma nhà họ Hứa, Lệ đá, Nắng chiều...

Ngoài việc chiếu phim, rạp còn là nơi tổ chức các sự kiện khác như các buổi lễ phát thưởng cho học sinh giỏi, tổ chức đại nhạc hội, và nhất là nơi hội tụ của các đoàn cải lương nổi tiếng như Dạ Lý Hương, Thanh Minh Thanh Nga, Hương Mùa Thu, Kim Chung... Người dân Biên Hòa lúc ấy rất yêu chuộng cải lương, họ đi xem rất đông nhất là trong dịp lễ, tết. Có lần tôi nài nỉ xin Mẹ cho đi xem cải lương ở sân khấu thật ngoài đời một lần cho biết, xem có khác gì với cải lương trên TV không? Rồi cơ hội cũng đến, có người tặng Ba tôi một cặp vé mời của đoàn Hương Mùa Thu với dàn nghệ sĩ nổi tiếng: Út Trà Ôn, Út Bạch Lan , Văn Hường... trình diễn vở tuồng xã hội "Tuyệt tình ca". Rạp đông nghịt người, mọi người vừa phe phẩy quạt trên tay, vừa say mê theo dõi vỡ diễn. Lúc nghệ sĩ Út Trà Ôn trên sân khấu vô vọng cổ, là lập tức khán giả im phăng phắc để lắng nghe từng câu, từng lời, từng cách nhả chữ, luyến láy, đến khi ông xuống vọng cổ thì lập tức cả khán phòng vỗ tay tán thưởng vang dội... không khí thật vui và vô cùng phấn khích.

Nếu bên trong rạp, những bộ phim hay, những tiết mục văn nghệ hấp dẫn đang làm khán giả say mê, thì bên ngoài rạp, các chủ hàng quán cũng đang tất tả chuẩn bị mọi thứ để phục vụ khách. Phía ngoài rạp, trên đường Hưng Đạo Vương có quán hủ tíu nổi tiếng "Cây trứng cá" và quán cháo Tiều "Liên Viên Viên", là nơi các nghệ sĩ thường đến ăn khuya sau giờ trình diễn. Ngay trước quán hủ tíu "Cây trứng cá”, có hai xe bánh mì, trong đó nổi bật có bánh mì bà Chín nổi tiếng rất là ngon. Bánh mì nóng giòn với phần nhân thịt xá xíu, chả lụa, pate, bơ Bretel, dưa leo, hành ngò, ớt xắt. Điểm nhấn của bánh mì bà Chín là nước sốt pha chế bằng tương xay đặc biệt gia truyền, rất hài hòa ăn ý với phần nhân bên trong. Mỗi lần xem phim, gia đình tôi đều ghé qua để mua bánh mì của bà. Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn không quên được hương vị bánh mì sốt tương đặc biệt của bà Chín Biên Hùng.

Ngày nay, nếu muốn xem bất cứ phim nào từ cổ chí kim, tôi chỉ cần vào Youtube hoặc Netflix là tha hồ thưởng thức “Movie on line" tại nhà, không cần đến rạp. Nhưng làm sao tôi có thể tìm lại được cái cảm giác thú vị được hưởng không khí đi xem xi nê sôi động của ngày xưa, cái cảm giác ngồi bên cạnh những người xa lạ nhưng lại có cùng chung các cung bậc cảm xúc về bộ phim, được lắng nghe những tiếng nấc khe khẽ sụt sùi cảm thương cho thân phận của nhân vật, cùng với những trận cười thoải mái muốn vỡ rạp trước những tình tiết gây cười, hoặc những cảm giác run rẩy hồi hộp nghẹt thở trong những pha hành động gây cấn, hay những cảm giác phấn khích trước những pha Kungfu tuyệt đẹp... Cuối cùng là cảm giác bồi hồi tiếc nuối lúc hết phim, khi mọi người đứng dậy ra về, nghe tiếng ghế gỗ xếp đồng loạt bật lên nghe "rào rào lách cách" như tiếng pháo nổ, nhất là khi đã về đến nhà, mà các nhân vật và tình tiết trong phim vẫn theo mình vào trong giấc ngủ thậm chí còn vương vấn đến mấy ngày sau.

Gần như người dân Biên Hòa xưa, không ai chưa một lần đến rạp hát Biên Hùng - một điểm giải trí rất bình dân, rất văn nghệ - tuy lúc nào cũng đông đúc náo nhiệt nhưng khán giả đến đây luôn có phong thái hiền hòa lịch sự, ăn mặc đẹp và tươm tất, luôn ý thức giữ vệ sinh chung và không gây mất trật tự nơi công cộng. Nếp ứng xử này tượng trưng cho sự lịch lãm trong phong cách của người Biên Hòa lúc bấy giờ.

Thật buồn thay, kể từ tháng 7/2019, sau một thời gian dài tồn tại, rạp Biên Hùng- một biểu tượng văn hóa lâu đời của Biên Hòa - đã chính thức bị xóa sổ. Tuy không còn tồn tại, nhưng tôi tin chắc rằng hình ảnh thân quen, bình dị, gần gũi, dễ thương của rạp Biên Hùng gắn liền với bao kỷ niệm đẹp vẫn còn lưu lại mãi mãi trong tâm tưởng, trong nỗi nhớ, trong hoài niệm của những người dân Biên Hòa quê tôi qua nhiều thế hệ, vì đó là cái hồn văn hóa của người dân bản địa, không dễ gì xóa  đi được.

Hiep Phan- K15 NQ

 

29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76191)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76780)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73830)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73927)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72670)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72009)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75530)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74209)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80496)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74076)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75834)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69095)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73730)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69337)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66510)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73069)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65423)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76740)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!