Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - NHỚ THƯƠNG

11 Tháng Tư 20218:04 CH(Xem: 9230)
Nguyễn Thị Thêm - NHỚ THƯƠNG
Nhớ Thương NTT

 


Bà khóa chiếc xe lăn không cho di chuyển, dìu chồng ngồi vào ghế. Mang khẩu trang cho ông, lấy chiếc khăn nhỏ đắp lên đùi ông rồi đẩy ông ra ngoài. Buổi sáng bầu trời Cali vào đầu Xuân thật đẹp. Cơn gió nhẹ nhàng đùa giỡn với những cụm hoa hồng trồng trước cửa nhà. Khu phố yên tĩnh và dễ thương. Con đường đi bộ rộng và sạch. Hai vợ chồng già đẩy nhau đi dạo buổi sáng. Có con chim nào hót reo vui chào mừng nắng mai. Chào buổi sáng sớm. Chào đôi vợ chồng già hạnh phúc viên mãn.

Bà đẩy xe đi qua những căn nhà quen thuộc. Bụi hoa hồng vàng nhà bà Linda hôm nay nở nhiều hơn năm ngoái. Đám cỏ trước nhà ông Tony hơi vàng rồi đó phải không ông? Ông này! cây Magnolia nhà bà Mễ năm nay trổ hoa thật đẹp. Lá đã rụng đầy cả sân mà sao họ không dọn nhỉ. Chiếc xe cứ chậm chậm lăn bánh. Người chồng lặng thinh, người vợ  huyên thuyên nói chuyện. Thỉnh thoảng ông già như nhoẻn miệng cười. Nụ cười méo mó tội nghiệp dấu sau khẩu trang.

 

Bà đẩy một vòng xóm là đi ngang cái công viên nhỏ gần nhà. Bà dừng lại bên một băng ghế đá, khóa xe lăn và ngồi xuống. Mái tóc bà đã bạc phân nửa cúi xuống bên ông. Bà tháo khẩu trang ông ra, cái khẩu trang đã ướt nhẹp. Bà lau nước miếng chảy ra hai bên mép miệng ông chồng. Bà thò tay vào ngăn túi sau lưng xe lấy ra chai nước. Bà gắn ống hút vào rồi đưa vào miệng ông:

- Mệt và khát nước rồi phải không ông? Uống miếng đi cho khỏe

Ông hút một hơi rồi nhả ra. Cơn ho sặc sụa làm bà lo lắng. Ông là vậy. Bác Sĩ bảo thực quản ông có vấn đề. Những thức ăn, nước uống thường văng qua bên khí quản. Bác sĩ đề nghị mổ cho ông và dùng ống đưa thức ăn trực tiếp vào bao tử. Thế nhưng bà vẫn chưa đồng ý. Bởi vì làm như vậy có khác nào đẩy ông vào tuyệt vọng. Một con người không đi được đàng hoàng, không nói được rõ ràng rồi cả cái ăn cũng phải dùng máy móc thì có khác nào giết chết ông sao.

 

Bà lấy tay vuốt lia lịa trên ngực ông và xoa hai bàn tay ông an ủi. Cơn ho giảm dần mặt ông đã chuyển lại bình thường. Bà mỉm cười nhìn ông âu yếm. Kéo cái khăn đắp lại cho đàng hoàng hơn rồi ngồi bên mép băng đá nắm tay ông nói bâng quơ:

- Trời hôm nay đẹp quá phải không ông!

Ông nhìn ra sân chơi Basketball trống trải. Ông như thấy hai thằng con trai đang chạy giành banh với ông. Ông nhướng người tung trái banh lên cao, vào rổ. Trái banh xoay xoay, chạm vào khung rồi rơi ra ngoài. Hai thằng con lao tới, một đứa chụp nhanh rồi thảy mạnh. A! vào lưới 2 điểm. Có tiếng cười reo vui, có tiếng banh chạm xuống nền xi măng. Âm thanh "bình... bình" tiếng banh chạm đất của thằng con đang nhồi  khiến đầu ông hơi nhức. Ông hả miệng tính kêu lên, nhưng nước miếng ứa ra chảy từng giọt ướt cả cái khăn lót. Bà vội vàng lau thật nhanh và chỉ ông về hướng khác. Nơi có hai đứa bé đang rượt đuổi nhau:

- Ông xem, hai đứa nhỏ chơi kìa. Dễ thương quá phải không ? chắc bằng tuổi cháu mình.

 

Hai đứa bé cỡ bằng hai đứa cháu nội của bà bên Nhật. Tiếng Việt không rành cứ hay gọi ông là "Ông nụi Ông nụi" cặp mắt chúng với hai hàng lông mi dài cong vút rất đẹp. Mùa này trong căn cứ những hàng cây đổi màu đẹp lắm. Con đường rợp bóng cây Anh Đào  đã trụi hết lá. Thời tiết bên đó chắc còn lạnh. Cuối tháng ba hoa Anh Đào đã nở rực rỡ và sắp tàn. Một cơn mưa nhẹ, gió lướt qua, những cánh hoa rơi xuống trắng xóa như tuyết phủ đầy cả mặt đường. Bà đẩy xe đưa ông đến ngắm, bà hốt từng bụm hoa tung lên cao rồi nhìn theo gió hoa bay tản mạn. Bà cười reo vui thích thú. Hạnh phúc đơn sơ khiến giọng cười bà như trẻ trung hơn so với tuổi. Ông yên lặng nhìn bà và cười thật hiền. Nụ cười yêu thương và tin cậy.  Nhớ lúc đó, cũng trên chiếc xe lăn này con trai đã đẩy ông đi nhiều nơi trên đất Nhật. Trên những chuyến xe lửa đông đúc giờ tan sở bận về, gia đình mệt mỏi ngồi ở cuối toa xe. Ba chiếc xe đẩy ba ông cháu ngủ gà ngủ gật. Bà nắm tay ông cố kìm cho ông không bị ngã đầu về sau. Nụ cười ông méo mó nhưng ấm áp hạnh phúc. Những ngày đoàn tụ thật vui.

 

Mùa Xuân nắng ấm đã lên, để ông ở mãi trong nhà cũng cuồng chân, bà đưa ông ra ngoài một chút để ông hít thở khí trời. Ngày xưa khi khỏe mạnh ông hay dẫn hai thằng con ra park chơi bóng rổ. Bà cũng tham gia cho vui. Cả gia đình la hét vang trời. Ông là fan ruột của Kobe Bryant thuộc đội Laker. Các món quà sinh nhật hay father's day như áo thun, áo khoác, mũ, chăn đắp đều có dính dáng tới Laker.

 Bà quay sang ông, chùi vội nước miếng ở miệng và mang khẩu trang vào cho ông. Bà cúi xuống gần sát mặt chồng, nhìn vào mắt ông nói khẽ:

- Mệt chưa! Thôi tui đẩy ông về nghỉ nha ông?

Ông cũng chẳng trả lời, đôi mắt lại nhìn về sân bóng rổ. Cái thằng, sao mà nó thảy hoài mà không lọt lưới. Mạnh hơn, cao hơn một tí đi con. Chiếc xe lăn di chuyển. Ông cố ngoái đầu nhìn lại. Sao không đi về! Cu Lỳ, cu Đạt. Về với ba.

….

- Ông ơi! ráng một muỗng nữa đi ông. Này há miệng này...

Ông vẫn làm thinh. Môi mím chặt cương quyết không ăn. Chén súp đã nguội, nước súp ở muổng chông chênh. Bà lại mỉm cười bỏ muỗng xuống âu yếm dỗ dành:

- Vậy uống thuốc nha ông.

Bà đã tán thuốc và quậy trong một cái ly thật nhỏ. Ống hút đã gài sẵn ở một ly nước. Mỗi ngày dỗ cho ông ăn, ông uống thuốc, uống nước chiếm một thời gian lớn. Không phải ông lười mà vì ông sợ sặc. Người càng bệnh, thuốc càng nhiều. Nước uống không đủ nên ông đã bón càng bón hơn. Tội nghiệp ông già không thể đi cầu. Bà cũng mệt cầm hơi với ăn, uống, tiêu tiểu của chồng.

 

Người sĩ quan hào hoa phong nhã, đẹp trai của bà giờ như vậy đó. Một thời thanh xuân đã bỏ lại nơi rừng thiêng nước độc. Bỏ lại trên vách núi, sườn đồi. Những giờ lao động khổ sai đã vắt kiệt sinh lực của ông. Đã cấy vào người ông những căn bệnh trầm kha. Đau lưng, đau bao tử, suy nhược cơ thể, suy nhược tinh thần và cả căn bệnh Parkinson.  Những ngày tù đày đã khiến ông đối diện với với những hồi ức đáng sợ. Cơ thể càng yếu đuối, đầu óc càng dễ bị quấy nhiễu. Trong đầu  ông lúc nào cũng nghe như có tiếng gió hú tiếng ve kêu của rừng già hoang lạnh. Có tiếng người gọi thảng thốt, có người bị thương rên rỉ dễ sợ giữa đêm. Có tiếng súng lên nòng lẫn tiếng la hét của người bị đánh đập. Có nhiều khi ông ngồi co rúm lại, sợ sệt, kinh hoàng.

Tháng 3 năm 1975 khi Đà Nẵng mất, cả gia đình dắt díu nhau về quê chồng. Chỉ mới giữa tháng tư, khi Sài Gòn còn trong cơn binh biến ông đã bị đi tù Cộng Sản. Ông bị quy chụp là ngụy quân ác ôn có tội với nhân dân. Bà bị tội ngụy quyền dạy học trò thù hằn chế độ. Hai vợ chồng như hai ung nhọt trong xã hội ưu việt của bác Hồ. Ông khăn gói đi tù, bà bị mất dạy và làm xã viên lao động trong hợp tác xã nông nghiệp.

Bà nhớ tới lão chủ tịch xã nhe hàm răng vàng khè khói thuốc lào:

- Tui nói cho O biết, O đừng mơ tưởng việc dạy học. Từ nay O phải lao động chân tay. Lao động là vinh quang. O lao động tốt, chồng O về sớm, O làm không tốt chồng O bị ảnh hưởng, không có ngày về.

Như vậy đó hai vợ chồng cùng cải tạo. Những buổi chiều ngồi nhìn con sông Ô Lâu nước chảy lững lờ bà đã khóc. Ngày Sài Gòn thất thủ bà cũng khóc. Nước mắt bà chảy thường xuyên âm thầm theo những ngày lao động mệt nhọc ngoài đồng. Trời tháng chạp lạnh như cắt da. Cái lạnh lạ lùng miền Trung mà dân miền Nam chưa bao giờ biết được. Lạnh tê tái, cóng cả chân không thể di chuyển giữa ruộng, Bà đã nhiều lần té ngồi giữa ruộng hoặc đứng yên không nhúc nhích mặc cho đỉa nó bu. Những hôm chăn trâu không biết làm sao kéo nó đi tiếp. Những lần đi cấy về khuya bị té lên té xuống nơi bờ ruộng tối om. Những bữa gánh lúa về đội không kịp với chị em bị đem ra phê bình kiểm thảo. 

Bà nghĩ chính bà cũng đang bị bệnh hồi tưởng như ông mỗi mùa tháng tư. Bà tự nhủ hãy quên tất cả để làm một bà già dễ thương vui vẻ. Quá khứ đã đi xa quá rồi có kéo lại được đâu mà cứ nhớ. Thời kỳ "Quá độ" tem phiếu, ăn bo bo đã như trở thành chuyện cổ tích. Việt Nam bây giờ thay da đổi thịt hoàn toàn. Cái gì sang trọng nhất trên thế giới VN đều có. Những cái xấu nhất, bi kịch thảm thương nhất, con người nghèo đói, bệnh viện đông nghẹt người nhất VN cũng chiếm đa số. Đời mà, rồi mọi thứ sẽ đi qua như vòng quay liên tục của đồng hồ.

 …..

- Má ơi! Sao má ngồi đây?

Bà giật mình quay lại, đứa con gái đang đứng sau lưng bà, gương mặt hoảng hốt.

- À! Má đi bộ một vòng rồi ngồi đây nghỉ mệt.

- Lần sau má đừng đi như vậy nữa, con về nhà không thấy má con lo quá vội chạy đi tìm.

- Ờ! Má biết. Nhưng park gần nhà mà con.

- Con biết park gần nhà, nhưng tình hình đang lộn xộn. Bà già Á Châu ngồi một mình như má, lỡ có mấy đứa say thuốc  khùng khùng tới đập má một cái rồi bỏ chạy thì làm sao ai cứu kịp.

- Má biết rồi! Má xin lỗi đã làm con lo lắng.


Bà đứng dậy theo con vào nhà, căn nhà cách nơi bà ngồi chừng hơn 20 thước. Từ nhà có thể thấy cái park và dãy ghế. Thùng thư trong khu vực này đặt ngay trong khuôn viên park sát với lối đi của người đi bộ. Xe đậu ngoài lề đường chỉ bước xuống là có thể bỏ thơ hoặc lấy thư. Thùng thư có nhiều hộc nhỏ cho mỗi gia đình và chìa khóa riêng. Sáng nay bà đi bỏ thư cho thằng út ở Portland. Bà nhớ mấy đứa cháu nội vô cùng, gửi cho bé Madison chi phiếu mừng sinh nhật cháu tuần sau. Bỏ thư xong, bà nhìn quanh park chợt nhớ tới chồng. Bà lang thang đi bộ quanh park rồi ngồi đây nhìn mãi cái sân bóng rổ vắng người quên cả thời gian. Nơi đó không có ông chơi, mấy thằng con cũng không nhưng sao bà vẫn nghe tiếng cười giòn vang dội. Ông ra đi đã hơn 3 năm, ông thoát được trận đại dịch Covid 19. Ông không bị lo sợ phập phồng như bà. Ông cũng chưa từng lo sợ bị kỳ thị vì mình Á Châu. Ngày ông còn khỏe, bà dắt ông đi bộ vòng xóm rồi đi lên chợ mua tí đồ, hai vợ chồng già ghé tiệm mua Taco ăn. Lần nào ông cũng muốn mua vài tấm vé số lấy hên. Cái gậy của ông gỏ xuống mặt đường lọc cọc. Lúc băng qua đường đèn xanh người đi bộ bật lên là bà đã nắm tay ông dẫn qua cẩn thận. Ông lúc nào cũng ít nói và hay cười. Nụ cười nửa miệng có chút ngây ngô của người bệnh.

Kể chừng hơn một năm nay bà bị dịch cúm nhốt trong nhà. Con gái không dám cho ra đường sợ bà bị lây. Ở trong nhà chúng cũng cách ly bà vì sợ mang virus từ nhà thương về ảnh hưởng tới mẹ. Nhờ trời mọi sự bình an và bà được chích ngừa khá sớm. Chích xong hai mũi Pfizer xong bà thấy nhẹ người muốn ra ngoài đi bộ để bỏ những lúc hồi hộp và bó gối. Bà thích được đi vòng xóm, đi ra ngồi ngoài park hít thở mùi thơm của cỏ cây và ngắm các cháu vui chơi. Nhưng đời không như là mơ, thời gian sau này các vụ đập phá giết người Á Châu làm mọi người hoảng sợ. Vừa rồi một bà già dẫn chó đi dạo ở khu vực gần nhà của con gái đã bị một cô gái vô cớ đâm chết. Con gái dặn dò mẹ từ nay không được mở cửa trước, không ra ngoài một mình, không được đi bộ quanh xóm để tập thể dục … Bao nhiêu là dặn dò. Một lần nữa bà lại bị nhốt.

 

Đã về đến nhà, con gái lấy thức ăn mới mua mời bà ăn cho nóng. Bà nhìn lên bàn thờ, ông ngồi đó cười cười nhìn bà.

-Tui với ông ăn chung nha. Ông ăn trước rồi tui ăn sau. Ăn ngon ông xã! À này ông ơi! Bây giờ là tháng tư lần thứ 46 rồi đó. Năm nay tháng tư buồn hơn các năm trước nữa đó ông. Bệnh dịch người ta chết quá nhiều. Nhạc sĩ Lam Phương, Chí Tài, Lệ Thu những người mà ông ái mộ và yêu thích cũng đã về dưới đó. Bà Sophia hàng xóm của mình cũng đã mất vì Covid. Ông có gặp họ ở dưới đó  không?

 

Nén nhang được đốt lên, khói quyện xoay tròn tỏa mùi thơm nhẹ. Bà có cảm giác ông đang đứng đâu đó nhìn bà âu yếm, thương yêu.

 

Nguyễn thị Thêm

4/2021

 

 

07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 131285)
Những khu vườn đẹp nhất thế giới rải rác khắp nơi, lộng lẫy và xanh tươi, vượt ngoài sức tưởng tượng của con người.
05 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 131207)
Hân hạnh giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình Nhạc chủ đề TIẾNG THU của Ngô Càn Chiếu
01 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 111461)
Sau gần ba tháng chuẩn bị, cuối cùng nhóm cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa chúng tôi đã có một món quà dễ thương tặng thầy cô giáo cũ của mình: Một đêm hội ngộ Thầy trò ngập tràn niềm vui và hạnh phúc, sau khoảng thời gian xa cách gần năm mươi năm.
27 Tháng Mười Một 2012(Xem: 144405)
... Thời gian 42 năm sau tôi mới gặp lại thầy hiệu trưởng của ngôi trường trung học mà 7 năm tôi đã gắn bó.
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 153302)
Tôi lần lượt đọc lại từng lá thư theo thứ tự thời gian Đông đã gửi dù đã đọc đi đọc lại nhiều lần và lại đắm chìm trong những suy nghĩ miên man
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 127203)
Đêm phủ trùm, thơm ngát mùi quê nhà trong trí tưởng, tôi muốn nương hồn mình theo về, để bắt gặp lại những mùi hương…
23 Tháng Mười Một 2012(Xem: 152234)
Để ra khỏi vòng trầm luân khổ ải, có lẽ chúng ta phải nên đồng hoá Cho và Nhận để không có sự phân biệt,
23 Tháng Mười Một 2012(Xem: 133421)
Thuở nhỏ, tôi được gia đình ưu tiên cho làm ''sư cọ" vào những tháng hè. Cậu Mợ tôi lấy lý do cạo sạch tóc để chống ''chí''
15 Tháng Mười Một 2012(Xem: 219834)
“Có lẽ chỉ dân Hướng Đạo như em, mới làm được những việc như thế!...” Đó là “phần thưởng” quí báu nhất tôi trân trọng nhận được từ cô Phạm Kiều Tiên, trong hành trình thăm lại thầy cô giáo xưa ...
09 Tháng Mười Một 2012(Xem: 146513)
Nên hay không nên... Trở về thăm Biên Hòa và đối diện với kỷ niệm, đối diện với tình yêu, tình bạn?
08 Tháng Mười Một 2012(Xem: 133720)
Ôi! Những tàng cây Sao đã ôm ấp tuổi thơ của tôi. Những hốc, rễ cây sần sùi như con rắn nằm ngủ của tôi nay đã đâu mất rồi!?
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 155287)
Trong tiết trời se se lạnh của đêm đầu đông, tôi suy nghĩ về cuộc đời, bè bạn. Những khó khăn gian khổ qua rồi.
01 Tháng Mười Một 2012(Xem: 124442)
Trời đã về chiều và lòng hắn thì như chưa muốn dừng. Nhiều chuyện hắn muốn kể nữa, về cái tuổi thơ êm đềm của hắn nhưng đầu óc hắn như đã thấm mệt.
31 Tháng Mười 2012(Xem: 149173)
Kể từ đó, miền Bắc không có văn học nữa. Đảng qua Tố Hữu, Trường Chinh đã chôn sống các nhà văn như chôn sống địa chủ.
30 Tháng Mười 2012(Xem: 186728)
Không thể nào ngờ, sau một thời gian dài đổ bệnh và chìm sâu trong vô thức, Thầy Thân Trọng Hưng bất ngờ hồi phục như thể… có phép nhiệm mầu.
26 Tháng Mười 2012(Xem: 158295)
Biển vẫn tràn đầy sức sống mãnh liệt và tôi biết sẽ có một ngày, biển sẽ không thể làm nước bắn văng vào mắt khép của tôi nữa.
26 Tháng Mười 2012(Xem: 160881)
Nhạc: Anh Vũ - Phổ từ bài thơ "Giữ Dùm Em" của Hạnh Phạm - Ca sĩ: Bích Thủy - Thực hiện Youtube: Hạnh Phạm
18 Tháng Mười 2012(Xem: 166623)
Nhạc Mongolia - lời Việt: Lê Tự Minh - Thùy Chi hát
15 Tháng Mười 2012(Xem: 146518)
Mẹ sẽ luôn luôn đứng phía sau con, để những khi chân con trợt ngã, Mẹ sẽ lại nâng con lên cho con tiếp tục bước tới.
12 Tháng Mười 2012(Xem: 166578)
Nhạc & Lời: Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Cao Ngọc Dung Ca Sĩ : Quốc An