Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hồng Thủy - VĨNH BIỆT ANH HOÀNG HẢI THỦY

13 Tháng Mười Hai 20201:16 SA(Xem: 9612)
Hồng Thủy - VĨNH BIỆT ANH HOÀNG HẢI THỦY

VĨNH BIỆT ANH HOÀNG HẢI THỦY

**  Hồng Thủy **

 HHThuy


Nếu không lưu lạc qua xứ người, chắc chẳng bao giờ tôi có cơ hội trở thành cô em gái thân thiết của anh chị Hoàng Hải Thủy, để được biết một chuyện không thể nào ngờ. Một nhà văn nổi tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã như anh Hoàng Hải Thủy lại là một người chồng ngoan và ‘cực kỳ’ yêu vợ. Ở tuổi ngoài 80, nỗi lo sợ lớn nhất của anh Hoàng Hải Thủy là chị bỏ  đi trước anh và anh phải sống  một mình. Có lẽ tại anh chị có một tình yêu đẹp quá. Tôi dám nói như vậy vì anh có tặng tôi một tập thơ của anh xuất bản năm 1995. Trong tập thơ đó tôi cảm nhận được tình yêu nồng thắm của anh chị.

Mở đầu tập thơ là hình ảnh chị Hoàng Hải Thủy với nụ cười Mona Lisa.  Hình này chị chụp có lẽ cũng vào lúc tóc đã điểm sương, nhưng trông vẫn còn đẹp lắm. Trên  tấm ảnh là giòng chữ Tặng Alice (tên chị) Washington DC cuối thu 94.  Dưới ký tên Hoàng Hải Thủy rất bay bướm.

Trang tiếp theo là 4 câu thơ Alice 54

Mùa thu mây trắng xây thành
Tình em mầu ấy có xanh da trời
Hoa lòng em có về tươi
Môi em có thắm nửa đời vì anh?

Bài thơ thứ nhì là bài Yêu Hoài Ngàn Năm anh làm ngày 15 tháng 10 năm 1977  trong phòng biệt giam Nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu

Yêu Hoài Ngàn Năm

Yêu nhau ngày tháng qua nhanh
Ba mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau
Từ xanh đến bạc mái đầu
Tình Ta nước biển một mầu như xưa
Yêu bao giờ, đến bao giờ
Thời gian nào rộng cho vừa tình ta?
Lòng em hoa vẫn tươi hoa
Môi em thắm đến em già chưa phai
Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai
Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em
Mặt trời có lặn về đêm
Sáng mai em dậy bên thềm lại soi
Cuộc đời có khóc, có cười
Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay
Thu về trời lại xanh mây
Đầy trời anh thấy những ngày ta yêu
Càng yêu, yêu lại càng nhiều
Nhớ em, anh nhắn một điều: yêu em.

Đọc xong bài này, tôi chắc ai cũng  cảm nhận được tình anh Hoàng Hải Thủy trao cho chị Alice tràn đầy và chung thủy đến thế nào.

Những ngày ở tù tuy buồn khổ, cơ cực, tình yêu cũng vẫn tạo cho anh cảm hứng làm những vần thơ cho chị. Những câu thơ đọc lên nghe nát cả lòng

Nằm trong khám tối âm u
Buồn nghe đêm lạnh sương mù sa mưa
Bồi hồi tưởng mái nhà xưa
Ngày đi đã nát, bây giờ ra sao?
Thương em nhạt phấn, phai đào
Đêm đêm trở giấc chiêm bao một mình
Ngủ đi em, mộng bình minh
Mưa bao nhiêu giọt là tình bấy nhiêu

*

Nằm trong khám tối nghe mưa
Đêm nào cũng thấy đêm thừa trống canh
Thương nhau nên ngủ không đành
Nhớ nhau nhưng mộng không thành em ơi
Anh nghe từng tiếng lệ rơi
Biết em đang khóc nên trời đổ mưa…

Mới 10 tuổi cậu bé Dương Trọng Hải (tên thật của anh Hoàng Hải Thủy) đã nuôi mộng trở thành văn sĩ.  Ngay năm 10 tuổi anh đã mê đọc cuốn tiểu thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng và Trường Đời của Lê Văn Trương. Anh rất phục các ông văn sĩ, anh thấy các ông như những ông Trời con vì các ông có quyền tạo ra các nhân vật trong truyện, tạo ra cuộc sống đa dạng cũng như định mệnh của các nhân vật đó.  Anh bắt đầu viết văn năm 18 tuổi. Một năm sau, 1952 anh tham dự cuộc thi truyện ngắn do Nhật báo Tiếng Dội tổ chức. Chưa cần biết có được trúng giải hay không, chỉ cần truyện được chọn đăng là đã được trả 200$. Số tiền khá hấp dẫn với chàng trai 19 tuổi. Không ngờ truyện ngắn dự thi ‘Người Con Gái Áo Xanh’ của anh lại được giải nhất.  Tiền thưởng là 3.000$.   Ông Trần Tấn Quốc chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội đãi 3 người trúng giải Nhất, Nhì, Ba đi ăn tiệc cao lâu rồi đưa mỗi người một ngân phiếu. Đi lãnh tấm ngân phiếu thứ nhất quá lớn trong đời ở Ngân hàng về, anh biếu ngay bố mẹ 500$, chia cho các em một phần.  Tiền còn lại anh đi may cho mình bộ complet đầu tiên với giá 700$. 

Từ đó sự nghiệp văn chương của anh bắt đầu khởi sắc. Những truyện dài đăng trên các báo của anh rất hấp dẫn người đọc. Lần lượt các truyện dài đăng báo của anh như:  Như truyện Thần Tiên, Tìm em nơi thiên đường, Định mệnh đã an bài, v.v. .. được các nhà xuất bản mua bản quyền xuất bản nhiều lần.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là cuốn tiểu thuyết phóng tác Kiều Giang. Anh đã lấy tên cô con gái cưng, bé Kiều Giang lúc đó mới được 6 tháng để đặt tên cho tác phẩm này.

Nói tới nhà văn Hoàng Hải Thủy là ai cũng nghĩ ngay tới tác phẩm Kiều Giang. Điều này đã cho anh cảm hứng sáng tác bài thơ làm trong Sà lim Khu B, trại giam Phan Đăng Lưu năm 1978. Có những câu đọc muốn ứa nước mắt.

Người bạn tù hỏi qua song cửa
Phải anh là Hoàng Hải Thủy
Anh viết truyện Kiều Giang?
Kiều Giang …!
Ôi tên con, tên ngọc, tên vàng
Làm bố vỡ tim và hồn nức nở
Khi đặt tên con đâu ngờ có thuở
Nghe tên con giữa chốn lao tù
Những đêm dài ngục tối âm u
Bố thấy mắt con sáng bừng rực rỡ
Bố yêu con trong từng hơi thở
Trong trái tim hồng, trong giòng máu đỏ
Kiều Giang ơi, tiếng kêu thương nhớ
Con có run da thịt đêm nay?
Bố cho con trọn máu xương này.

Anh chị có 3 người con, 2 trai 1 gái.  Hoài Nguyên và Kiều Giang ở Texas và Ohio. Hải Triều còn ở Việt Nam. Tôi hỏi tại sao anh chị lại chọn Virginia để định cư. Anh cho biết anh rất thân với anh Anh Ngọc (ca sĩ rất nổi tiếng của VN ngày xưa). Hồi anh còn ở VN, anh Anh Ngọc có gửi về cho anh một tấm ảnh anh chị Anh Ngọc ngồi trên một thảm cỏ xanh mướt, đằng sau là cả một rừng lá vàng. Anh Hoàng Hải Thủy mê ngay phong cảnh quá đẹp đó, nên khi có giấy tờ được sang Mỹ, anh chị quyết định chọn nơi có thảm cỏ xanh và rừng lá vàng tuyệt đẹp để định cư. Đó là tiểu bang Virginia, một tiểu bang có cái tên thật tình tứ “Virginia  is for lovers”.

Thêm nữa, anh chị  chọn Virginia vì ở Virginia có mấy người bạn thân và có bà Khúc Minh Thơ người hết lòng giúp đỡ cho những cựu tù nhân chính trị ở VN qua Hoa Kỳ tị nạn. Thời gian đầu  anh chị hay tham dự những buổi họp văn nghệ. Từ 10 năm nay, vì tuổi tác anh chị không tham dự những hội hè đình đám nữa. Những ngày gần đây sức khoẻ chị suy yếu, chị bị ngã mấy lần, anh luôn luôn lo lắng chị sẽ bỏ anh đi trước. Anh tâm sự anh không thể sống thiếu chị. Tôi trêu anh, tại chị nấu ăn ngon và cưng anh quá. Chị Hoàng Hải Thủy làm chả giò rất ngon. Nhắc đến chả giò tôi lại nhớ đến một kỷ niệm rất cảm động với anh chị. Một hôm tình cờ gặp anh chị ở chợ Việt Nam bên Virginia.  Chị em tôi mừng rỡ ôm chầm lấy nhau vì lâu quá hai chị em mới có dịp gặp gỡ. Chúng tôi ở cách xa nhau. Tôi ở Maryland, anh chị ở Virginia. Đang nói chuyện với tôi bỗng chị quay qua anh nói: “ Anh chịu khó lái xe về nhà lấy gói chả giò em để trên ngăn đá mang ra đây biếu cô Thủy. Em ở đây nói chuyện với cô ấy. Lâu quá chị em mới gặp nhau.”

Tôi cản thế nào cũng không được, anh đi thật nhanh ra xe để về nhà lấy chả giò cho tôi.  Anh chị thương tôi như vậy đó và tôi cũng rất quí mến anh chị. Chị rất dễ thương nên được lòng nhiều bà hàng xóm.

Một hôm tôi tới thăm anh chị nhằm lúc anh đi đón chị ở nhà thương  vừa về tới. Tôi thấy một bình hoa hồng thật đẹp của bà ở gần đã để sẵn ở cửa để mừng đón chị về. Vào trong nhà lại thấy bao nhiêu là bánh trái. Anh nói của các bà hàng xóm thấy chị đau nên mang tặng. Có mấy ai được mọi người quí mến như anh chị đâu.

Tôi rất mừng thấy anh còn khoẻ mạnh dù tuổi đã cao. Ngoài 80 mà anh vẫn còn phong độ, sáng suốt. Vẫn lái xe đưa chị đi chợ và viết bài cho các báo. Điều hạnh phúc nhất là tình yêu của anh chị sau 62 năm vẫn còn thắm thiết như những ngày đầu.

Ngày đó gia đình chị đi Vũng Tầu nghĩ mát, thuê nguyên cả một cái Villa thật rộng. Anh họ của chị là bạn thân của anh, rủ anh cùng ra Vũng Tầu chơi.

Biển xanh, nắng vàng và những đêm trăng thơ mộng của Vũng Tàu đã cho cặp trai tài gái sắc có cơ hội gần gũi và nẩy sinh tình cảm chan chứa với nhau.

Kết quả anh tỏ tình và xin cưới chị. Anh kể: “Tối hôm trước vừa tỏ tình với chị thì ngay sáng hôm sau khi  ra phố uống café, mua tờ báo đọc, thấy họ in trên trang nhất giòng chữ thật to Hiệp Định Genève vừa ký ngày hôm qua. Hết chiến tranh và chia đôi đất nước. Ngày anh chị quyết định kết hợp lại là ngày đất nước chia đôi thành hai miền Nam Bắc. Ngày đó không chỉ là ngày đặc biệt khiến anh chị nhớ mãi, mà cũng là ngày mà mọi người dân Việt không thể nào quên.”

Nếu bài viết kết thúc ở đây thì tuyệt quá, nhưng… ở đời có lúc chữ NHƯNG đến thật bất ngờ, mang tất cả niềm đau không ai chờ đợi. Cuộc sống của anh chị đang thật êm đềm, hạnh phúc,bỗng đứt đoạn chia lìa… Những lần tôi đến thăm, trong căn phòng khách nhỏ bé ấm cúng, anh chị ngồi tiếp tôi. Gương mặt anh lúc nào cũng rạng rỡ, ánh mắt reo vui nhìn chị nói chuyện thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng chị lại cười thật to, hai anh em tôi cũng cười góp vì chị nói chuyện rất có duyên. Chị kể đủ thứ chuyện, những ngày ở với cộng sản, anh đi tù, tụi cán bộ đến làm khó dễ chị, chị đã không sợ lại còn trả lời chúng những câu thật chua cay. Qua những mẩu chuyện chị kể, tôi rất phục chị, chị quả thật là người đàn bà can đảm, giỏi giang. Chị lo cho anh từng li từng tí, hèn gì anh cứ tâm sự với tôi anh không thể sống thiếu chị và cứ lo sợ chị sẽ ra đi trước anh. Nỗi lo sợ đó đã thành sự thật, chị đã bỏ anh đi thật rồi. Chị mất ngày 27 tháng 12 năm 2018.

Chị ra đi quá bất ngờ. Ngày Lễ Noel Kiều Giang về thăm bố mẹ, chị theo Kiều Giang đi mua sắm, đi chơi, chị rất khỏe và còn đòi đi uốn tóc, sửa soạn cho đẹp để ăn Tết. Đi cả ngày Kiều Giang sợ mẹ mệt, nói mẹ đi nằm nghỉ. Chị vào phòng nằm một lát rồi lại ra phòng khách ngồi nói chuyện. Đang nói chuyện chị than mệt, ngồi ngả đầu ra phía sau, nhịp tim hơi yếu. Đưa chị vào nhà thương, BS nói nhịp tim quá yếu, BS cố gắng cứu chữa nhưng không được. Chị đã trốn anh ra đi thật nhanh chóng, nhẹ nhàng.

Hôm đến viếng chị ở nhà quàn, nhìn anh ngồi trên xe lăn, khuôn mặt thất thần tôi không cầm được nước mắt. Tôi nắm tay anh chia buồn, hai anh em cùng khóc. Tôi biết anh đau buồn lắm, tôi rất lo, từ nay không có chị, không biết anh sẽ ra sao.

Nhớ Tết năm ngoái đến thăm anh chị, trên đường lái xe về, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh thật hạnh phúc. Căn phòng khách nhỏ ấm cúng với những bông cúc đại đóa vàng tươi, chiếc bánh chưng dán chữ mầu đỏ thắm phía ngoài, chờ đợi được bóc cho bữa cơm ngày Tết.  Hộp mứt sen Bảo Hiên Rồng vàng trông thật hấp dẫn. Hai mái đầu bạc kề cận ngồi nhâm nhi mứt sen bên tách trà thơm bốc khói. Tết năm nay anh một mình một bóng, ai pha trà ngồi đối ẩm với anh đây?

Anh Hoàng Hải Thủy ơi, em nói vậy thôi chứ anh đừng nghĩ mình cô đơn và buồn nhé. Em biết lúc nào hồn chị cũng quanh quẩn bên anh. Chị chỉ tạm biệt anh đi trước thôi mà, chị sẽ chờ ngày tái ngộ với anh vì làm sao chị quên được lời anh dặn dò: “Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai. Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em.”

Từ ngày chị ra đi, anh sống âm thầm như một cái bóng. Lần nào tôi đến thăm, anh cũng chỉ nói một câu “anh chỉ muốn chết". Tôi không ngờ tinh thần anh lại yếu như vậy, hình như chị đã mang tất cả sức sống của anh đi theo chị rồi. Hình ảnh một anh Hoàng Hải Thuỷ tươi cười, mắt sáng long lanh ngồi ngắm chị nói chuyện thao thao bất tuyệt với tôi một cách sung sướng, thỉnh thoảng anh mới chen vào một câu để phụ hoạ cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn của chị hoặc chọc phá chị để anh em tôi có cớ cười vui thoải mái.

Nhớ lần tôi đến thăm anh chị năm 2017, mang giấy mời Ra mắt Tác phẩm HOA TƯƠNG TƯ của tôi, anh cầm tờ thiệp mời trong tay nhìn tôi nói "lâu rồi anh chị không đi tiệc tùng, họp mặt gì nữa. Chân chị yếu lắm không ngồi lâu được, mà anh không muốn đi một mình. Cô thông cảm nhé “. Tôi đang định trả lời: Dạ, em hiểu, thì chị đã cao giọng ra lệnh: Anh phải đi chứ, không đi cô Thuỷ buồn. Rồi chị quay sang tôi: “lâu lắm rồi anh không đi đâu nữa hết, anh chị ở ẩn rồi cô ơi, nhưng ra mắt sách của cô thì chắc chắn anh sẽ đi, cô yên tâm nhé”. Anh ngồi im re, hình như chị là ‘phát ngôn viên ‘của anh. Thấy anh không nói gì, tôi cũng không hy vọng là anh sẽ có mặt trong buổi RMS của tôi, vì thường các ông không cãi lại lời của các bà vợ, vì nể hay vì biết cãi cũng thua. Các ông mặc kệ vợ nói gì tha hồ, nhưng rồi đường ta ta cứ đi, giống như ông chồng của tôi vậy. Nhưng anh Hoàng Hải Thủy thì khác, “Vợ muốn là Trời muốn”. Ngày RMS của tôi, anh xuất hiện cùng anh Đào Trường Phúc, trông anh vẫn chải chuốt, hào hoa phong nhã như thuở nào. Không những chỉ anh đến tham dự, mà chị còn làm cho tôi bao nhiêu là chả giò thật ngon và một hũ đồ chua to tổ bố để đãi khách.

Tình cảm anh chị dành cho tôi tràn đầy, ấm áp… như chiếc áo len tôi đang mặc do chính tay chị đan cho tôi. Chị rất khéo tay, cơm nước, may vá thêu thùa đều giỏi, lại là người rất tình cảm, chu đáo và yêu anh vô cùng. Chị đúng là người vợ toàn hảo, hỏi sao anh không thể nào nguôi nỗi nhớ, niềm đau?

Tin anh ra đi thật bất ngờ với mọi người, riêng tôi đã linh cảm từ những ngày đầu có dịch cô vít.

Anh sống rất khép kín, ít chịu giao tiếp với thế giới bên ngoài. Con cái ở xa hết. Người thân mà anh chấp nhận liên lạc đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống anh từ ngày chị ra đi đã rất cô đơn. Bây giờ với nạn dịch bệnh, còn ai  thăm viếng? anh lại càng cô đơn và buồn hơn nữa. Ý nghĩ “chỉ muốn chết” vẫn nằm trong tâm khảm anh từ lâu, chắc lại còn mãnh liệt hơn nhiều.

Anh ra đi, để lại đau buồn cho những người thân ở lại, nhưng với riêng anh, tôi biết là một ước muốn khôn nguôi. Anh đã đến được nơi anh hằng mong đợi, xum họp với nàng ALICE, người yêu muôn thuở của anh.

 Hồng Thủy
03 Tháng Hai 2009(Xem: 80556)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74023)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65709)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78477)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68778)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76203)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76798)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73846)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73941)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72685)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72023)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75560)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74240)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80513)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74107)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75856)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69107)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73759)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69356)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66526)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .