Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 37

01 Tháng Mười Hai 202012:27 SA(Xem: 7999)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 37
 NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 37


 

Thứ hai 23 tháng 11


Hội đồng Cố Vấn về việc Chủng ngừa ACIP (The Advisory Committee on Immunization Practices)  đã họp lần đầu quyết định thứ tự ưu tiên cho việc chủng ngừa COVID-19.

Các thành viên ACIP được lựa chọn bởi Bộ Trưởng Y tế của Liên bang, gồm những chuyên gia về các ngành chích ngừa, miễn dịch học, nhi khoa, nội khoa, điều dưỡng, y học gia đình, vi trùng học, y tế công cộng, bệnh truyền nhiễm, và một thành viên (không thuộc lãnh vực y khoa) đại diện cho quyền lợi của người được chích ngừa.

Cuộc họp tổ chức ở Trung tâm CDC, được phổ biến “live” trên webpage của CDC để tất cả các tiểu bang hoặc cá nhân quan tâm có thể theo dõi. Và các tiểu bang phải nộp kế hoạch nhận và phân phối thuốc chủng ngừa COVID-19 đợt đầu ở địa phương của mình chậm lắm là cuối tuần.


Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ CDC(Centers for Disease Control and Prevention)vừa thông báo quyết định khoảng 24  triệu người được chích ngừa đầu tiên trong năm 2020, ngay khi FDA cấp giấy phép cho Pfizer (dự tính vào ngày 10 tháng 12), được gọi là "phase 1A" .

Những người đứng ở ưu tiên một trong số hơn 330 triệu người Mỹ là 21 triệu người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày (các bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện, nhân viên ở các trung tâm y tế, ở các nơi cung cấp xe cấp cứu, các nhân viên ở các nursing home (nhà dưỡng lão) và 3 triệu người ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe dài hạn cho những người lớn không thể tự lo cho bản thân.


blankblank


Một thành viên trong ACIP, Bác sĩ Beth Bell (thuộc trường Đại học Washington) đã cho biết "Trong lúc này, cuối tháng 11, đầu tháng 12, trung bình cứ mỗi phút có một người Mỹ thiệt mạng vì COVID-19, tôi cho rằng đây là lúc chúng ta đưa ra  quyết định"


The Advisory Committee on Immunization Practices sẽ nhóm họp trong vòng vài tuần nữa để quyết định nhóm người nào sẽ thuộc phase 1B.

Các thầy cô giáo, các nhân viên cảnh sát, nhân viên chữa lửa, và những người làm trong các nhà máy sản xuất thực phẩm, những người làm trong các ngành vận chuyển công cộng (xe bus, xe bart, tàu lửa, máy bay, tài xế taxi), người lớn tuổi , và người có bệnh mãn tính sẽ được thảo luận bởi cuộc họp tới của CDC tùy theo lượng thuốc chích ngừa đã sản xuất.


Mỗi người sẽ được chích đủ hai liều cách nhau 3 tuần (nếu được chích thuốc của Pfizer), hoặc cách nhau 4 tuần (nếu được chích thuốc của Moderna) .


Phương tiện vận chuyển, và hệ thống giữ lạnh đã sẵn sàng, lượng thuốc đủ chích cho 21 triệu người Mỹ (mỗi người hai liều) cũng đã sẵn sàng, chỉ chờ ngày 10 tháng 12 sắp tới, khi FDA cho phép vaccine COVID-19 của Pfizer lưu hành, 21 triệu người Mỹ đầu tiên sẽ được ra khỏi đường hầm đen tối, dài hun hút của đại dịch.


***


Thứ ba 24 tháng 11


Khi đại dịch cúm Tàu bắt đầu lây lan ở Mỹ vào tháng 4 năm 2020, các y tá làm việc Tulane Medical Center (trực thuộc hệ thống HCA Healthcare) ở New Orleans, Louisiana,  bắt đầu đuối sức vì bệnh nhân quá đông, và thời gian nằm điều trị kéo dài cả tháng. Giữa lúc các y tá ở đây bắt đầu lo ngại họ không đủ nhân lực, và sức khỏe để đối phó với "làn sóng bệnh nhân" dâng cao như thủy triều, thì có gần 200 y tá từ các bệnh viện khác trực thuộc HCA Healthcare của các tiểu bang chưa bị Coronavirus tổng tấn công đến giúp. Rất nhiều người trong số này làm ở Research Medical Center ở Kansas City, Missouri.


Dạo đó, tỷ lệ y tá/ bệnh nhân của Tulane Medical Center là 1 trên 6. Một tỷ lệ làm cho các y tá ở đây không có giờ giải lao trong ca trực của mình. Họ đuối sức và lo ngại không biết sức khỏe của họ có thể kéo dài tình hình như vậy được thêm bao nhiêu ngày? 

May thay khi 200 "viện binh y tá" đến giúp tỷ lệ này giảm xuống còn 1 trên 2. Mỗi y tá chỉ còn phải chịu trách nhiệm cho hai bệnh nhân Coronavirus, áp lực công việc và gánh nặng trách nhiệm giảm rất nhiều.

Khi "thủy triều COVID-19" của tháng 4 ở Tulane Medical Center  rút xuống, 200 y tá về lại nhiệm sở gốc của mình.


Mùa thu năm 2020, cùng với tất cả tiểu bang ở miền Trung Tây, Missouri bị đại dịch hoành hành, Research Medical Center ở Kansas City bị "quá tải" bệnh nhân, các y tá ở đây bắt đầu đuối sức. Những y tá đến giúp họ đầu tiên là những người làm việc ở Tulane Medical Center. Họ tình nguyện đến giúp để trả ơn họ đã nhận vào tháng 4. 


Các y tá "viện binh" lần này đã bay từ Louisiana đến Missouri vào ngày 20 tháng 11 và sẽ ở đó đến ngày 5 tháng 12 theo yêu cầu.


blankblank

Kansas City nurses flew to New Orleans to help out. /    New Orleans nurses arrived to help Kansas City in NOV

at Tulane Medical Center in APR      Courtesy of  HCA Healthcare & CBS News                       


Y tá ở Research Medical Center, Kansas City cảm động lắm vì các đồng nghiệp của họ đã hy sinh cả dịp lễ Thanksgiving đoàn tụ với gia đình đến giúp họ. Đại diện của các y tá từ Tulane Medical Center, cô Katie New cho biết: 


- Chúng tôi đã trải qua những gì mà các bạn đang đối diện bây giờ. Chúng tôi đến giúp các bạn không chỉ để đáp trả việc các bạn đã đến giúp chúng tôi.  Nghề y tá là một tập thể như anh chị em. Tôi hài lòng đã chọn nghề "thiên thần áo trắng".



***


Thứ tư 25 tháng 11


Mười hai năm trước, Bác sĩ Rachel Buehler Van Hollebeke trở thành  cầu thủ chính thức của đội tuyển quốc gia nữ của Mỹ (USWNT) lẫy lừng thế giới. Có nhiều lần, cô  ra sân với băng đội trưởng trên cánh tay. Rachel chơi ở vị  trí hậu vệ rất giỏi, nhiều lần ghi bàn đem chiến thắng về cho đội Mỹ mặc dù cô chỉ cao có 5 feet rưởi (1 mét 65, một chiều cao "khá khiêm tốn" với phụ nữ Mỹ, lại càng "rất khiêm tốn" với cầu thủ của đội tuyển quốc gia)


Thành tích vô địch bóng tròn nữ  của đội tuyển Mỹ với  huy chương vàng  ở Olympics năm 2012 ở Luân Đôn, có công lớn của Rachel  Buehler (tên thời chưa lập gia đình của cô).

Trước đó, Rachel cũng đã có huy chương vàng của giải thế giới dành cho các đội trẻ nữ dưới 19 tuổi ở Canada vào năm 2002 khi Rachel còn học lớp 12. 


Vào ngày 6 tháng 3 năm 2013, Rachel đã trở thành nữ vận động viên thứ 29 của Mỹ đã thi đấu dưới màu áo của đội tuyển Mỹ 100 lần. Cũng vào ngày quan trọng này, Rachel đã ghi được một bàn vào lưới của đội nữ Iceland, khiến cô trở thành nữ cầu thủ thứ 4 của Mỹ (chỉ sau Tiffany Milbrett, Shannon MacMillan, and Abby Wambach) đá thủng lưới đối thủ trong trận thi đấu quốc tế thứ 100 của mình.


Thời gian thi đấu, tập luyện nghiêm ngặt của đội tuyển quốc gia không ngăn được Rachel tốt nghiệp Đại học Stanford với chuyên ngành Sinh Hóa.

 

Trên chuyến xe bus của USWNT, Rachel đã nhờ đồng đội dò bài khi cô chuẩn bị lấy Medical College Admission Test (MCAT). Cô đậu dễ dàng vào khoa Y của UC San Diego vì "y khoa gần như là "gene" của gia đình cô, một gia đình có ba thế hệ là bác sĩ, từ ông nội,cha, đến em gái của Rachel. Cô gái thông minh, tài năng này đã xin hoãn nhập học đến bốn lần vì bận thi đấu cho đội tuyển nữ soccer của Mỹ.


blankblank

Soccer Player USWNT Rachel Van Hollebeke                  Rachel Buehler, Abby Wambach and Alex Morgan

                 Courtesy of FIFA & GMA                                         FIFA Women's World Cup 2011 


Vào năm 2015, Rachel quyết định chấm dứt sự nghiệp cầu thủ của mình để bắt đầu sự nghiệp của bác sĩ. Cô thi đấu trận quốc tế cuối cùng, chia tay đồng đội, và bay về miền Nam California để nhập học trường Y ngay ngày hôm sau.


Rachel tốt nghiệp Y khoa vào mùa hè năm 2019 và trở thành Bác sĩ thực tập nội trú ở Scripps Mercy Hospital thành phố Chula Vista, California chỉ vài tháng trước khi đại dịch COVID-19 hoành hành.


Ngày xưa chạy trên sân cỏ, góp phần cùng đồng đội đem huy chương về cho đội Mỹ, ngày nay, trong khuôn viên bệnh viện, bác sĩ Rachel Van Hollebeke tiếp tục góp tay giúp đất nước chiến đấu với đại dịch COVID-19.


blankblank

Dr. Rachel Buehler Van Hollebeke @ Scripps Mercy Hospital Chula Vista, California - Courtesy of  GMA


Với Dr. Van Hollebeke, cả hai nhiệm vụ này giống nhau ở chỗ "teamwork" (đồng đội). Nhất là vào thời điểm đại dịch đang hoành hành , bác sĩ Rachel Van Hollebeke  cho biết:


"Các bác sĩ không làm việc một mình. Teamwork của chúng tôi có các bác sĩ khác, có các y tá, nhiều người khác hỗ trợ, và có cả các bệnh nhân"


Người phụ nữ tài năng này quả thật là một gương sáng trong cả hai lãnh vực thể thao và y học cho các thế hệ sau. Đất nước Hoa kỳ sẽ không quên những đóng góp của Rachel Buehler Van Hollebeke.



***


Thứ năm 26 tháng 11


Để chuẩn bị tinh thần cho cảm giác ban đầu sau khi được chích thuốc ngừa COVID-19, hãy nghe cảm giác của một trong những người tình nguyện trong ba giai đoạn thử nghiệm của Moderna 


Yasir Batalvi, 24 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học, đang sống ở Boston, rất gần headquarter của viện bào chế Moderna ở Cambridge, Massachusett. Anh quyết định tình nguyện tham gia các giai đoạn thử nghiệm vì muốn góp phần nhỏ vào việc chống đại dịch. 

Dù vậy, khi xắn tay áo nhận lần chích thứ nhất, Yasir rất lo, nhất là trước khi chích anh phải đọc 22 trang hướng dẫn, và ký tên đồng ý. Dĩ nhiên anh không biết mình được chích COVID-19 vaccine do Moderna sản xuất hay “placebo”, nhưng anh đoán mình đã được chích thuốc thật vì anh bị phản ứng thuốc khá mạnh ở mũi thuốc thứ hai.


" Lần chích đầu tiên , lúc mới chích , cảm giác y hệt chích cúm bình thường hàng năm, chỉ nhói đau lúc kim được rút ra. Tối hôm đó, chỗ chích tê cứng, tôi nghĩ tôi không nên di chuyển cánh tay nhiều để chỗ bị chích đang tê cứng sớm hồi phục như cũ. Chỉ có vậy, tôi không thấy cảm giác nào đáng lo ngại.


Nhưng lần chích thứ hai thì khác hẳn. Lúc mới chích mũi thứ hai, không có gì đặc biệt, y hệt lần trước lúc mới chích. Nhưng tối hôm đó, tôi bị sốt nhẹ, cảm thấy mệt mỏi, và ớn lạnh.Tôi gọi điện thoại báo cho một bác sĩ -trong nhóm thử nghiệm mà tôi là một tình nguyện viên-  biết tình trạng của mình, và được trấn an đó chỉ là phản ứng nhất thời của cơ thể, không có gì đáng lo ngại. Việc bị sốt, và mệt mỏi, ớn lạnh là triệu chứng tốt: hệ thống miễn nhiễm của người được chích vaccine đã bắt đầu hoạt động mạnh hơn.

Quả nhiên, sáng hôm sau, tôi vẫn có thể thức dậy, làm mọi việc như bình thường"


Tuần này, được phỏng vấn bởi Facebook CEO Mark Zuckerberg, Bác sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu bộ phận chống bệnh truyền nhiễm ở Mỹ (the National Institute of Allergy and Infectious Diseases) cũng đã cho biết:


blankblank

                                  Courtesy of cnbc.com

  

"Khi bạn được chích ngừa, cơ thể bạn sẽ phản ứng. Tùy theo từng cơ thể. Một số người sẽ không có cảm giác gì hết. Một số người khác sẽ cảm thấy đau cả cánh tay (phía bên được chích). Lại có những người vừa đau cánh tay, vừa thấy ớn lạnh, gần  giống cảm giác bị cúm nhẹ. Một số ít người còn bị sốt. Tất cả những triệu chứng này sẽ biến mất trong vòng 24 tiếng hoặc lâu lắm là 48 tiếng"


Xin cùng nhớ những kinh nghiệm thật và những ý kiến chuyên môn trên để khi mỗi người trong chúng ta được chích ngừa đại dịch COVID-19, nếu có phản ứng từ cơ thể sau khi chích thì yên tâm hơn, không phải lo sợ, hoài nghi không biết mình có bị Coronavirus tấn công trước khi thuốc thật sự có hiệu lực, như người Mỹ vẫn nói " don't worry, be happy".


Và cũng xin nhớ sau lần chích thứ hai, vẫn phải mang face mask và cẩn thận thêm hai tuần nữa, đợi 100% thuốc chủng ngừa ngấm vào cơ thể, mới có thể an tâm là mình đã thật sự thoát khỏi đường hầm tối đen của đại dịch cúm Tàu.


***


Thứ sáu 27 tháng 11


Ở Birmingham, Alabama, có năm em bé tuổi từ đến bị mất cả cha lẫn mẹ vì đại dịch cúm Tàu.


Chantale McCall, 34 tuổi,  một người chuyên làm công việc chăm sóc tại gia cho những người lớn tuổi hoặc bị bệnh mãn tính không thể tự lo cho bản thân, đã phải vào bệnh viện vì COVID-19 vào ngày 1 tháng 9. Mặc dù được chăm sóc chu đáo, nhưng vì có đến hai bệnh mãn tính cùng lúc (suyễn và viêm phế quản), cùng trọng lượng cao hơn mức bình  thường nhiều, Chantale McCall từ trần ngày 16 tháng 9 trong  UAB Hospital ở  Birmingham.


Định mệnh khắc nghiệt và Coronavirus chưa tha gia đình này. Hơn một tháng sau, ngày 25 tháng 10, chồng của Chantale McCall cũng bị Coronavirus cướp mất cuộc đời, bỏ lại năm đứa con mồ côi  cả cha lẫn mẹ dưới 17 tuổi.


Năm đứa trẻ mồ côi được dì ruột đem về nuôi. Điều đáng nói là bà Francesca McCall (chị của Chantale) cũng có bảy đứa con còn nhỏ dưới 15 tuổi. 

Nuôi dưỡng 12 đứa trẻ cùng lúc là một trách nhiệm nặng nề cả về tinh thần lẫn vật chất lúc bình thường. Vào thời đại dịch, trách nhiệm đó càng trở nên khó khăn.


blank

                      Frances McCall and Chantale McCall - courtesy of GMA
 

Một người bạn thân của bà Francesca  đã hết lòng hỗ trợ bằng cách sẵn sàng bảo trợ quà Giáng sinh năm nay cho 12 em bé dưới 17 tuổi. Người này cũng lập một trang funding với tên "Sister Vows to Care for Deceased Sister's Children" (Chị quyết tâm nuôi dưỡng các con của người Em quá cố) để có thể mua được một chiếc xe van lớn có đủ chỗ  cho cả “một tiểu đội con nít", và có thể tìm được một chỗ ở rộng hơn cho cái gia đình rất đông đúc này.


Tưởng cũng nên biết bà Francesco, 40 tuổi, còn có hai con trai lớn khác: một đang ở với cha, và một đang đi học xa. Với thu nhập hạn chế từ công việc ở một công ty bảo hiểm, bà chỉ biết cố gắng từng ngày để nuôi nấng 7 đứa con của mình, và 5 đứa cháu mồ côi.


Nếu nghĩ sâu hơn, người ta có thể thấy hậu quả lâu dài của đại dịch để lại cho gia đình này còn nhiều hơn hai sinh mạng đã bị Coronavirus chấm dứt cuộc đời chưa đến tuổi 40.


Chỉ đơn giản là mang khẩu trang mỗi khi ra đường, và luôn giữ khoảng cách xã hội hai mét, bạn sẽ góp phần hạn chế, và có thể ngăn ngừa được tình trạng rất buồn như của gia đình McCall xảy ra thêm.



***


Thứ bảy 28 tháng 11


Trong lúc đi vận động tranh cử cho chức vụ Thị trưởng của Thành phố Goiania, Brazil , cựu Thượng Nghị Sĩ Maguito Vilela có COVID-19 test dương tính vào ngày 20 tháng 10. Chỉ một tuần sau, bệnh trở nặng, ông phải vào điều trị ở bệnh viện Albert Einstein ở Sao Paulo. Tình hình vẫn không khả quan hơn, ông Vilela phải thở bằng máy, và chìm vào hôn mê (coma).


blank

               Maguito Vilela.via Facebook - Courtesy of NBCnews


Ông không biết là mình đã đắc cử vòng đầu, và vào vòng hai với một đối thủ khác. Rồi ông Vilela đắc cử, trở thành Thị trưởng mới của Goiania, một thành phố lớn có dân số khoảng một triệu rưỡi, cách thủ đô Brasilia khoảng 200km ở phía Tây Nam.


Trong cơn hôn mê với dây nhợ chằng chịch từ máy trợ thở, ông Vilela không hề biết chuyện mình đắc cử, không hề biết "life still goes on" trong đời sống.


Diễn văn mừng chiến thắng trước những cử tri ủng hộ mình biến thành một buổi lễ cầu nguyện cho sức khỏe của tân Thị trưởng đang đơn độc chiến đấu cam go với kẻ thù vô hình COVID-19 trong bệnh viện. 

Cầu mong cuộc chiến với Coronavirus của Maguito Vilela  sẽ thành công như cuộc chiến tranh cử của ông.


Coronavirus không kiêng nể bất cứ ai, cũng vừa chấm dứt cuộc đời của cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing ở tuổi 94. Mặc dù nước Pháp sẽ treo cờ rủ như quốc tang nhưng tang lễ của cựu Tổng thống chỉ tổ chức trong vòng gia đình như di chúc, và ước nguyện của ông.


Dù đã có ánh sáng cuối đường hầm, đã có thuốc chủng ngừa, nhưng chưa đủ thuốc, nên người Mỹ cũng sẽ phải sống với khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà ít nhất là thêm 6 tháng nữa, như lời yêu cầu của Tổng thống đắc cử Joe Biden của Mỹ "Tôi chỉ yêu cầu người Mỹ mang khẩu trang thêm 100 ngày kể từ ngày nhậm chức của tôi“ (20 tháng giêng năm 2021).

Bác sĩ Fauci thì nghĩ là thời gian người Mỹ cần mang khẩu trang để chống đại dịch sẽ còn kéo dài hơn tháng 5 năm 2021.


Hãy nghĩ đến những con số tăng cao mỗi ngày của đại dịch trong mùa đông, để có thêm kiên nhẫn mang khẩu trang, giữ khoảng cách hai mét, và chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết cho đến lúc  được chích ngừa COVID-19 lần thứ hai.


***


Chủ Nhật 29 tháng 11


Như một lời cảm ơn đến những "nhân viên làm việc ở tuyến đầu chống dịch", công ty bán lẻ cà phê lớn nhất thế giới Starbucks sẽ cung cấp cà phê miễn phí suốt tháng 12 cho họ.

Không chỉ có các bác sĩ, y tá, mà ngay cả các dược sĩ, các nhân viên chữa lửa, nhân viên an ninh, nhân viên vệ sinh ở bệnh viện.... sẽ được tặng miễn phí một ly cà phê nóng, hoặc lạnh, loại nhỏ mỗi lần họ đến bất cứ tiệm Starbucks nào trên toàn nước Mỹ.


blankblank

            Courtesy of USA Today


Họ có thể uống cà phê miễn phí không hạn chế suốt tháng 12 năm nay. Chỉ cần đưa thẻ nhân viên chứng tỏ mình là "nhân viên tuyến đầu", để nhận "lời cảm ơn ấm áp" cả hai nghĩa từ Starbucks 


Đây cũng là một cách tri ân thiết thực, giúp các “thiên thần áo trắng” tỉnh táo để đối phó với  con số bệnh nhân COVID-19 tăng cao trong mùa đông này. 


Có nhiều cách để bày tỏ lòng cảm ơn với những người phải trực tiếp đối diện với Coronavirus hàng ngày. Chỉ cần ở yên trong nhà, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết (đi làm, đi học, hay đi chợ mua thức ăn...) cũng là một cách tỏ lòng thông cảm thầm lặng với những người đang đối diện nguy cơ lây bệnh rất cao, có thể trở thành nạn nhân mới của cúm Tàu bất cứ lúc nào.


blank

                                                                     Courtesy of CDC



Vào lúc mà cứ mỗi phút là có hơn một người Mỹ bị Coronavirus lấy mất cuộc đời thì bất cứ một nghĩa cử nào cũng có thể là một điểm sáng rạng ngời giữa đêm đen.

Đêm đen nào dài đến đâu cũng phải có lúc nhường chỗ cho bình minh.


Nguyễn Trần Diệu Hương

Cuối tháng 11 năm 2020




29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76188)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76779)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73829)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73926)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72655)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72008)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75525)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74203)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80492)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74067)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75832)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69091)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73725)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69336)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66507)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73068)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65422)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76739)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!