Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Lê Quý Thể - VÀI KỶ NIỆM DƯỚI MÁI TRƯỜNG PETRUS KÝ

28 Tháng Chín 202012:47 SA(Xem: 12243)
GS. Lê Quý Thể - VÀI KỶ NIỆM DƯỚI MÁI TRƯỜNG PETRUS KÝ
Vài kỷ niệm dưới mái trường Pétrus Ký

 

 

image001

 “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt (phải);

Tây Âu khoa học yếu minh tâm (trái)”

 (tạm dịch nghĩa: (Tam) cương (ngũ) thường Khổng Mạnh nên khắc cốt - Khoa học Tây Âu ghi tạc trong lòng).


Là một người suốt đời thích đi đó đi đây mà phải bó gối ngồi nhà trong suốt hơn nửa năm qua, thật là một cực hình đối với tôi. Với tình trạng hiện nay không biết bao giờ lại được lang thang trên các nẻo đường của thế giới. Có lẽ không còn cơ hội nữa, một phần vì tình trạng sức khỏe không cho phép mạo hiểm, phần khác tuổi già sức yếu nên đi lại chắc chắn có phần khó khăn hơn nhiều. Là một người thích làm việc nhưng để tránh tiếp xúc ở chỗ đông người, tôi đã quyết định về hưu. Để giết thì giờ tôi đã tìm đủ mọi cách để sửa sang mọi thứ trong nhà cũng như ngoài vườn nhưng vẫn còn quá nhiều thì giờ rảnh rỗi không biết phải làm gì. Một cái khó nữa là tôi cố gắng nhắm mắt bịt tai để không thấy không nghe những chuyện thời sự xẩy ra hàng ngày. Điều tối thiểu cần thiết của tôi hiện nay là phải giữ tâm trí không bị khủng hoảng, không làm những chuyện điên rồ. Nhớ lại quá khứ, ước gì tôi được sống lại những ngày hồn nhiên, vô tư không lo nghĩ của tuổi học trò dưới mái trường Pétrus Ký hay Quốc Học. 

***

Tôi được cha mẹ cho đi học trường làng rất sớm. Một trường làng hẻo lánh mà thầy dạy được vài hôm thì có thầy bị Pháp bắt, có thầy bị Nhật bắt, có thầy phải chạy trốn nên việc học hành của tôi bữa có bữa không. Rồi theo anh theo chị vào Saigòn và được học trường tỉnh với giờ giấc đầy đủ và nay tôi bước vào trường trung học Pétrus Ký với một niềm tự hào.

Niềm tự hào của một cậu bé mười ba tuổi chỉ hoàn toàn dựa vào khả năng của chính mình để được vào học một trường lớn nhất và nổi tiếng nhất miền Nam. Trường quá lớn, quá đẹp. Chỉ nhìn cổng trường với tấm bảng ghi tên trường và hai câu đối bằng chữ Hán ghi trên hai cột cổng cũng đủ thấy trường uy nghiêm thư thế nào. Tôi nhớ không lầm thì trong suốt ba năm học tại trường tôi chưa bao giờ dám bước vào trường bằng cổng chính nầy.

Trong ba niên học từ năm 1952 đến năm 1955 tôi học các lớp đệ thất, đệ lục và đệ ngũ. Lúc này trường Pétrus Ký có hai chương trình, chương trình Việt dần dần thay thế cho chương trình Pháp. Các môn học thì quá nhiều: Việt, Anh, Pháp, Hán văn, công dân, sử địa, toán, lý hóa... Tôi thích nhất là môn hóa học vì được vào giảng đường để xem thầy làm thí nghiệm.

Tình hình chính trị thời này không được ổn định lại cộng thêm những cuộc biểu tình đẩm máu của học sinh và sinh viên toàn quốc. Tôi nhớ ông hiệu trưởng Phạm Văn Còn hay xuống thăm các lớp, luôn luôn có hai người đi theo ông, đó là hai người cận vệ trong mình có súng lục.

 

Trong suốt ba năm học tôi có rất nhiều thầy giáo, cô giáo, nhưng hai thầy giáo mà tôi nhớ nhất là hai thầy năm đệ thất. Thầy Ưng Thiều người Huế dạy Hán văn và cũng là người viết hai câu đối ghi trước cổng trường và thầy Nguyễn Văn Ba người Nam dạy Pháp văn. Giờ học của hai thầy thì hoàn toàn trái ngược, giờ của thầy Hán văn thì cả lớp im lặng, không ai dám nhúc nhích, giờ của thầy Pháp văn thì cả lớp ồn ào, vui cười suốt giờ. Nhưng không phải đó là lý do tôi nhớ hai thầy mà là chuyện khác. Mỗi lần có chỉ dụ của Vua Bảo Đại, thầy người Huế bắt cả lớp đứng dậy, mọi người phải vòng tay và đứng im lặng. Thầy trừng mắt nhìn mọi người rồi mới đọc chỉ dụ. Về sau có đứa thắc mắc hỏi thầy tại sao phải làm vậy, thầy nói như vậy là đã quá châm chước, đáng lẽ mọi người phải quỳ để nhận chỉ dụ của Vua. Tôi nhớ thầy người Nam vì thầy hay kể chuyện và đọc thơ trong lớp. Một hôm thầy dùng viết Bic gỏ vào bàn để mọi người chú ý rồi từ từ ngâm thơ: “Đêm trăng em dạo vườn chè, ...”. Tay vừa gỏ nhịp, miệng vừa ngâm tiếp ba câu thơ kế. Khi thầy chấm dứt, tụi nhỏ chúng tôi cười ngả, cười nghiêng, vừa đập bàn, đập ghế lâu sau mới chấm dứt. Bài thơ gồm bốn câu lục bát lời thanh nhưng ý rất tục. Đó là thầy chuyên kể chuyện và ngâm thơ tục cùa tôi.

 

***

 

Niên học 1954-1955 là thời  kỳ di cư, tình hình chính trị rất là sôi động. Tôi nhớ năm đó tôi học lớp đệ ngũ. Lớp học của tôi ở tầng trệt cuối dãy sát với đường đi từ cổng phụ vào. Vào khoảng 11 giờ trưa ngày 28/4/1955 tiếng súng nổ chát tai, cả thầy lẫn trò không ai bảo ai đều chun xuống gầm bàn. Đó là tiếng súng giao tranh đầu tiên giữa quân đội Cộng Hòa và quân đội Bình Xuyên tại trạm gác ở cổng phụ của trường, đây là trạm gác của nhóm Bình Xuyên đóng sau trường Pétrus Ký và nhóm Bình Xuyên này chống trả rất mãnh liệt. Cuộc giao tranh này kéo dài cả giờ. Gần 1 giờ trưa thì tiếng súng im bặt, có lẽ ngưng chiến. Thầy trò chúng tôi được lệnh chạy ra khỏi trường càng nhanh càng tốt. Sau đó có tin cuộc chiến tiếp tục và tối đó nhóm Bình Xuyên bị đánh bật ra khỏi nhiều sào huyệt và rút khỏi Saigòn. Nói thêm Bình Xuyên đứng đầu là Bảy Viễn là nhóm được Pháp bảo trợ, họ tổ chức sòng bài Kim Chung và nhiều ổ mại dâm công khai ở Saigòn, gọi là bình khang.

 

Các dãy nhà phía sau trường Pétrus Ký cũng là những lớp học tạm thởi của trường di cư Chu Văn An. Nhiều trận chiến khác cũng đổ nhiều máu xẩy ra hàng ngày tại công viên xe lửa cạnh trường giữa học sinh trường Pétrus Ký và học sinh trường Chu Văn An.

 

***

 

Sau đó thành phố Saigòn trở lại ổn định và tôi học hết năm đệ ngũ. Nếu nói riêng về nam sinh thì trường trung học Chasseloup Laubat (trường Lê Quí Đôn sau nầy) là trường của con em những người vai vế trong xã hội thực dân còn trường trung học Pétrus Ký là trường của con em những người bản xứ thấp cổ bé miệng. Nhưng điều đó không có nghĩa học sinh trường Pétrus Ky thua kém học sinh trường Chasseloup Laubat. Thật vậy, tôi xin kể câu chuyện sau để thấy trình độ học vấn của học sinh trường Pétrus Ký thời nầy giỏi như thế nào.

 

Nếu kể về thứ hạng năm nay cũng như hai năm trước tôi cũng chỉ đứng trên trung bình một chút, trong lớp có quá nhiều bạn học giỏi hơn tôi. Tuy vậy tôi đã đạt được một kết quả làm tôi luôn cảm thấy hãnh diện.

 

Thằng bạn hồi tiểu học và tôi học khác lớp nhưng chúng tôi thường gặp nhau. Gia đình nó có một cái sạp bán tạp hóa ở chợ Nancy, ngay ngả tư Nancy và Galliéni (ngả tư đường Nguyễn Văn Cừ và Trần Hưng Đạo ngày nay). Tôi hay đến sạp này ngồi chơi với nó, tôi thấy gia đình nó nghèo, em út quá đông. Một hôm nó nói với tôi nó muốn học nhảy lớp để mau xong chương trình trung học đệ nhất cấp để đi làm. Muốn được vậy cuối niên học nầy nó phải thi đậu bằng brevet của chương trình Pháp (bằng brevet du premier cycle du second degré chương trình Pháp tương đương với bằng trung học đệ nhất cấp chương trình Việt, phải đậu bằng nầy mới được học tiếp lớp 1ère année secondaire chương trình Pháp hay lớp đệ tam - lớp mười - chương trình Việt) . Nó nhớ chuyện ngày trước nên nó rủ tôi đi học lớp luyện thi với nó. Hai đứa ghi tên học lớp luyện thi và tôi lấy học bổng để đóng tiền học mà không cho chị Năm tôi biết. Thầy dạy là thầy Pháp văn ở trường Pétrus Ký. Thế là ba tháng cuối niên học này sáng học lớp đệ ngũ trường Pétrus Ký, chiều học chương trình luyện thi tương đương với chương trình lớp đệ tứ. Thầy chỉ dạy hai môn Pháp văn và toán, các môn khác phải tự học lấy.

 

Hai đứa chúng tôi cùng đi nạp đơn, cùng đi thi bên trường Chasseloup Laubat chung với học sinh các trường Chasseloup Laubat, Marie Curie... của chương trình Pháp. Bài thi gồm thi viết và thi vấn đáp, phải đậu thi viết mới vào thi vấn đáp, cố nhiên tất cả các phần thi đều bằng tiếng Pháp. Sáng ngày đầu thi dictée (chính tả) và luận văn, chiều thi toán. Tôi vẫn còn nhớ tựa bài dictée là "Le Paysage Laotien"  do một bà đầm người Pháp đọc. Bài dictée này nếu quá sáu lỗi thì bị loại. Vì sợ chị Năm tôi biết nên tôi lén mua báo để xem kết quả. Dò bài dictée tôi thấy sao tôi phạm nhiều lỗi thế, chắc không có hy vọng. Đến ngày tuyên bố kết quả hai đứa chúng tôi cùng đi xem. Một ông thầy người Pháp đứng giữa sân trường đọc kết quả (có anh chị nào được hưởng cái cảm giác hồi hộp khi lắng nghe người đứng giữa sân trường đọc kết quả một kỳ thi không?). Tôi không biết có bao nhiêu thí sinh đậu thi viết nhưng tôi nhớ ông thầy người Pháp chỉ cầm trong tay một mảnh giấy. Hình như tôi có nghe tên tôi. Rồi ông dán mảnh giấy lên một tấm bảng đen. Sau một lúc chen lấn đến gần tấm bảng, nhìn kỹ mảnh giấy một lúc lâu tôi mới chắc tôi đã đậu thi viết. Hôm sau vào thi vấn đáp, nhưng tôi không học một chữ nào cho những bài vấn đáp nên tôi thi hỏng. Bạn tôi thì đậu ngay khóa đầu, còn tôi mãi hai tháng sau mới thi đậu bằng brevet khóa hai.

 

Qua câu chuyện trên cho thấy không phải riêng hai chúng tôi mà rất nhiều học sinh lớp đệ ngũ của trường Pétrus Ký có đủ trình độ học giỏi để thi đậu bằng brevet của chương trình Pháp như những học sinh học trường Pháp. Theo tôi biết thì trường không ngăn cấm chuyện thi cử đó, vì khi chúng tôi xin nghỉ học để đi thi thì trường đều cho phép, nhưng trường công không cho phép nhảy lớp như vậy sau khi đậu bằng brevet và muốn học nhảy lớp thì phải ra trường tư học tiếp và tôi biết có nhiều bạn trong lớp đã làm như vậy.

 

 

Lê Quý Thể

9/2020

20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 4681)
Khi trái banh lăn trên sân cỏ, người cầu thủ đem hết nhiệt huyết và tài năng để giành chiến thắng cho màu cờ sắc áo, cho đơn vị mà họ đại diện. Chúc Mừng Argentina. Chúc Mừng World Cup 2022 đã thành công rực rỡ.
18 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 4733)
Xin cảm ơn Canada, ..đã cho chúng tôi cơ hội tạo dựng lại cuộc sống đúng nghĩa của con người với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ và đã cho chúng tôi hưởng những mùa Giáng Sinh an bình.
16 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 4317)
Xin chia sẻ đến Thầy Cô và đồng môn bài viết và hình ảnh được tải lên, do bạn Nguyễn Mỹ Dung, CHS khóa 15 NQ, em gái của bạn Nguyễn Mỹ Lộc, CHS khóa 8 NQ.
14 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 4694)
World Cup 2022 sắp đến hồi kết thúc. Hàng tỷ người trên thế giới đang háo hức theo dõi và trông chờ. Nhân dịp này, tôi xin được ‘’bàn ngang” về World Cup trong quá khứ gọi là giúp vui, hay chia sẻ cũng được.
14 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5733)
Dần dà, người Bắc di cư tự coi mình là người miền Nam nhứt là sau khi miền Nam sụp đổ. Họ không muốn người ta đánh đồng mình với người miền Bắc vào Nam sau 1975.
04 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5230)
Nhiều bình luận gia danh tiếng trên thế giới tiên đoán đội vô địch kỳ nầy sẽ là một trong bốn đội Ba Tây, Argentina, Anh hay Pháp nhưng cũng không thể bỏ qua những kết cuộc bất ngờ
03 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 4818)
(Xin phép “lấn sân” anh Lê Quý Thể, người từng dìu dắt hai đội banh Châu Văn Tiếp và Ngô Quyền)
03 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5845)
Nhưng tôi luôn nhớ mãi hình ảnh Thầy Cô khi đứng trên bục giảng, dùng bảng đen phấn trắng để truyền bá kiến thức, khơi gợi và thắp sáng cho chúng tôi những ước mơ, những hoài bão,
03 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 4866)
Bao mùa World Cup đã qua, bao chàng trai trên sân có thuở nào đã là “người tình” của Bông. “Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người?”
03 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 4126)
Chẳng bao lâu nữa World Cup sẽ khép lại, còn nhiều bất ngờ thú vị. Ai buồn ai vui, ai thất vọng nhảy cầu tự tử, ai hớn hở thắng cá độ là chuyện của họ.
01 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 7259)
Một cuốn sách, đọc, sẽ làm phấn khởi một số rất lớn người trong chúng ta, vì qua những gì đọc được. Cuối cùng cái chiến thắng trông chờ lâu nay, sẽ chắc chắn hiện hình.
01 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 4393)
Còn nhớ đến nhau, còn thương tưởng là trân quý. Tan rồi hợp. Hợp rồi tan. Người đi sau đốt nén hương cho người đi trước.
23 Tháng Mười Một 2022(Xem: 5355)
Em thành thật tri ân các Thầy Cô đã cho chúng em được là học sinh của một nền giáo dục nhân bản VNCH.. Chúng em kính chúc các thầy cô một lễ Tạ Ơn vui vẻ, sức khỏe, hạnh phúc an lạc bên gia đình, con cháu.
21 Tháng Mười Một 2022(Xem: 5956)
chúc mừng anh Hoàng duy Liệu nhận lãnh trách nhiệm thành lập ban điều hành mới của hội AHCHS trung học Ngô Quyền Bắc California.
20 Tháng Mười Một 2022(Xem: 4525)
Cái giá phải trả cho sự hội nhập. Không thể lấy thước nào mà đo đếm được. Đành chịu và bất lực trước những khuynh hướng bảo thủ như một tiếng thở dài.
13 Tháng Mười Một 2022(Xem: 4734)
Nhớ lại "Hồi Đó" nhiều khi muốn khóc Mới hồi nào... giờ già chát nhăn nheo Cha mẹ mất các anh cũng đi theo Trai cũng chết viết thư tình ai đọc.
13 Tháng Mười Một 2022(Xem: 4957)
Trong chuyến đi vòng quanh trái đất lần nầy tôi đã ghé qua hai quốc gia cũng “xưa” như trái đất, đó là Ai Cập ở phía bắc của Phi Châu và Ấn Độ ở phía nam của Á Châu.
11 Tháng Mười Một 2022(Xem: 5064)
Phần công trình biên khảo của ông Nguyễn Văn Trung, tôi nghĩ, ông đã làm trọn vẹn công việc của một nhà biên khảo đã dành lại một địa vị xứng đáng cho miền Nam trong văn học.
10 Tháng Mười Một 2022(Xem: 4877)
Trong bài này tôi chỉ xin giới thiệu điểm dừng đầu tiên của tour du lịch qua Vân Nam: Thăm khu rừng đá Thạch Lâm , một nơi đặc biệt có một không hai của Vân Nam
09 Tháng Mười Một 2022(Xem: 4823)
Người ta nói: làm thầy thuốc sai lầm thì giết chết một người, làm chính trị sai lầm thì giết một thế hệ nhưng làm văn hoá sai lầm thì giết cả muôn đời.