Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Lê Quý Thể - VÀI KỶ NIỆM DƯỚI MÁI TRƯỜNG PETRUS KÝ

28 Tháng Chín 202012:47 SA(Xem: 12336)
GS. Lê Quý Thể - VÀI KỶ NIỆM DƯỚI MÁI TRƯỜNG PETRUS KÝ
Vài kỷ niệm dưới mái trường Pétrus Ký

 

 

image001

 “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt (phải);

Tây Âu khoa học yếu minh tâm (trái)”

 (tạm dịch nghĩa: (Tam) cương (ngũ) thường Khổng Mạnh nên khắc cốt - Khoa học Tây Âu ghi tạc trong lòng).


Là một người suốt đời thích đi đó đi đây mà phải bó gối ngồi nhà trong suốt hơn nửa năm qua, thật là một cực hình đối với tôi. Với tình trạng hiện nay không biết bao giờ lại được lang thang trên các nẻo đường của thế giới. Có lẽ không còn cơ hội nữa, một phần vì tình trạng sức khỏe không cho phép mạo hiểm, phần khác tuổi già sức yếu nên đi lại chắc chắn có phần khó khăn hơn nhiều. Là một người thích làm việc nhưng để tránh tiếp xúc ở chỗ đông người, tôi đã quyết định về hưu. Để giết thì giờ tôi đã tìm đủ mọi cách để sửa sang mọi thứ trong nhà cũng như ngoài vườn nhưng vẫn còn quá nhiều thì giờ rảnh rỗi không biết phải làm gì. Một cái khó nữa là tôi cố gắng nhắm mắt bịt tai để không thấy không nghe những chuyện thời sự xẩy ra hàng ngày. Điều tối thiểu cần thiết của tôi hiện nay là phải giữ tâm trí không bị khủng hoảng, không làm những chuyện điên rồ. Nhớ lại quá khứ, ước gì tôi được sống lại những ngày hồn nhiên, vô tư không lo nghĩ của tuổi học trò dưới mái trường Pétrus Ký hay Quốc Học. 

***

Tôi được cha mẹ cho đi học trường làng rất sớm. Một trường làng hẻo lánh mà thầy dạy được vài hôm thì có thầy bị Pháp bắt, có thầy bị Nhật bắt, có thầy phải chạy trốn nên việc học hành của tôi bữa có bữa không. Rồi theo anh theo chị vào Saigòn và được học trường tỉnh với giờ giấc đầy đủ và nay tôi bước vào trường trung học Pétrus Ký với một niềm tự hào.

Niềm tự hào của một cậu bé mười ba tuổi chỉ hoàn toàn dựa vào khả năng của chính mình để được vào học một trường lớn nhất và nổi tiếng nhất miền Nam. Trường quá lớn, quá đẹp. Chỉ nhìn cổng trường với tấm bảng ghi tên trường và hai câu đối bằng chữ Hán ghi trên hai cột cổng cũng đủ thấy trường uy nghiêm thư thế nào. Tôi nhớ không lầm thì trong suốt ba năm học tại trường tôi chưa bao giờ dám bước vào trường bằng cổng chính nầy.

Trong ba niên học từ năm 1952 đến năm 1955 tôi học các lớp đệ thất, đệ lục và đệ ngũ. Lúc này trường Pétrus Ký có hai chương trình, chương trình Việt dần dần thay thế cho chương trình Pháp. Các môn học thì quá nhiều: Việt, Anh, Pháp, Hán văn, công dân, sử địa, toán, lý hóa... Tôi thích nhất là môn hóa học vì được vào giảng đường để xem thầy làm thí nghiệm.

Tình hình chính trị thời này không được ổn định lại cộng thêm những cuộc biểu tình đẩm máu của học sinh và sinh viên toàn quốc. Tôi nhớ ông hiệu trưởng Phạm Văn Còn hay xuống thăm các lớp, luôn luôn có hai người đi theo ông, đó là hai người cận vệ trong mình có súng lục.

 

Trong suốt ba năm học tôi có rất nhiều thầy giáo, cô giáo, nhưng hai thầy giáo mà tôi nhớ nhất là hai thầy năm đệ thất. Thầy Ưng Thiều người Huế dạy Hán văn và cũng là người viết hai câu đối ghi trước cổng trường và thầy Nguyễn Văn Ba người Nam dạy Pháp văn. Giờ học của hai thầy thì hoàn toàn trái ngược, giờ của thầy Hán văn thì cả lớp im lặng, không ai dám nhúc nhích, giờ của thầy Pháp văn thì cả lớp ồn ào, vui cười suốt giờ. Nhưng không phải đó là lý do tôi nhớ hai thầy mà là chuyện khác. Mỗi lần có chỉ dụ của Vua Bảo Đại, thầy người Huế bắt cả lớp đứng dậy, mọi người phải vòng tay và đứng im lặng. Thầy trừng mắt nhìn mọi người rồi mới đọc chỉ dụ. Về sau có đứa thắc mắc hỏi thầy tại sao phải làm vậy, thầy nói như vậy là đã quá châm chước, đáng lẽ mọi người phải quỳ để nhận chỉ dụ của Vua. Tôi nhớ thầy người Nam vì thầy hay kể chuyện và đọc thơ trong lớp. Một hôm thầy dùng viết Bic gỏ vào bàn để mọi người chú ý rồi từ từ ngâm thơ: “Đêm trăng em dạo vườn chè, ...”. Tay vừa gỏ nhịp, miệng vừa ngâm tiếp ba câu thơ kế. Khi thầy chấm dứt, tụi nhỏ chúng tôi cười ngả, cười nghiêng, vừa đập bàn, đập ghế lâu sau mới chấm dứt. Bài thơ gồm bốn câu lục bát lời thanh nhưng ý rất tục. Đó là thầy chuyên kể chuyện và ngâm thơ tục cùa tôi.

 

***

 

Niên học 1954-1955 là thời  kỳ di cư, tình hình chính trị rất là sôi động. Tôi nhớ năm đó tôi học lớp đệ ngũ. Lớp học của tôi ở tầng trệt cuối dãy sát với đường đi từ cổng phụ vào. Vào khoảng 11 giờ trưa ngày 28/4/1955 tiếng súng nổ chát tai, cả thầy lẫn trò không ai bảo ai đều chun xuống gầm bàn. Đó là tiếng súng giao tranh đầu tiên giữa quân đội Cộng Hòa và quân đội Bình Xuyên tại trạm gác ở cổng phụ của trường, đây là trạm gác của nhóm Bình Xuyên đóng sau trường Pétrus Ký và nhóm Bình Xuyên này chống trả rất mãnh liệt. Cuộc giao tranh này kéo dài cả giờ. Gần 1 giờ trưa thì tiếng súng im bặt, có lẽ ngưng chiến. Thầy trò chúng tôi được lệnh chạy ra khỏi trường càng nhanh càng tốt. Sau đó có tin cuộc chiến tiếp tục và tối đó nhóm Bình Xuyên bị đánh bật ra khỏi nhiều sào huyệt và rút khỏi Saigòn. Nói thêm Bình Xuyên đứng đầu là Bảy Viễn là nhóm được Pháp bảo trợ, họ tổ chức sòng bài Kim Chung và nhiều ổ mại dâm công khai ở Saigòn, gọi là bình khang.

 

Các dãy nhà phía sau trường Pétrus Ký cũng là những lớp học tạm thởi của trường di cư Chu Văn An. Nhiều trận chiến khác cũng đổ nhiều máu xẩy ra hàng ngày tại công viên xe lửa cạnh trường giữa học sinh trường Pétrus Ký và học sinh trường Chu Văn An.

 

***

 

Sau đó thành phố Saigòn trở lại ổn định và tôi học hết năm đệ ngũ. Nếu nói riêng về nam sinh thì trường trung học Chasseloup Laubat (trường Lê Quí Đôn sau nầy) là trường của con em những người vai vế trong xã hội thực dân còn trường trung học Pétrus Ký là trường của con em những người bản xứ thấp cổ bé miệng. Nhưng điều đó không có nghĩa học sinh trường Pétrus Ky thua kém học sinh trường Chasseloup Laubat. Thật vậy, tôi xin kể câu chuyện sau để thấy trình độ học vấn của học sinh trường Pétrus Ký thời nầy giỏi như thế nào.

 

Nếu kể về thứ hạng năm nay cũng như hai năm trước tôi cũng chỉ đứng trên trung bình một chút, trong lớp có quá nhiều bạn học giỏi hơn tôi. Tuy vậy tôi đã đạt được một kết quả làm tôi luôn cảm thấy hãnh diện.

 

Thằng bạn hồi tiểu học và tôi học khác lớp nhưng chúng tôi thường gặp nhau. Gia đình nó có một cái sạp bán tạp hóa ở chợ Nancy, ngay ngả tư Nancy và Galliéni (ngả tư đường Nguyễn Văn Cừ và Trần Hưng Đạo ngày nay). Tôi hay đến sạp này ngồi chơi với nó, tôi thấy gia đình nó nghèo, em út quá đông. Một hôm nó nói với tôi nó muốn học nhảy lớp để mau xong chương trình trung học đệ nhất cấp để đi làm. Muốn được vậy cuối niên học nầy nó phải thi đậu bằng brevet của chương trình Pháp (bằng brevet du premier cycle du second degré chương trình Pháp tương đương với bằng trung học đệ nhất cấp chương trình Việt, phải đậu bằng nầy mới được học tiếp lớp 1ère année secondaire chương trình Pháp hay lớp đệ tam - lớp mười - chương trình Việt) . Nó nhớ chuyện ngày trước nên nó rủ tôi đi học lớp luyện thi với nó. Hai đứa ghi tên học lớp luyện thi và tôi lấy học bổng để đóng tiền học mà không cho chị Năm tôi biết. Thầy dạy là thầy Pháp văn ở trường Pétrus Ký. Thế là ba tháng cuối niên học này sáng học lớp đệ ngũ trường Pétrus Ký, chiều học chương trình luyện thi tương đương với chương trình lớp đệ tứ. Thầy chỉ dạy hai môn Pháp văn và toán, các môn khác phải tự học lấy.

 

Hai đứa chúng tôi cùng đi nạp đơn, cùng đi thi bên trường Chasseloup Laubat chung với học sinh các trường Chasseloup Laubat, Marie Curie... của chương trình Pháp. Bài thi gồm thi viết và thi vấn đáp, phải đậu thi viết mới vào thi vấn đáp, cố nhiên tất cả các phần thi đều bằng tiếng Pháp. Sáng ngày đầu thi dictée (chính tả) và luận văn, chiều thi toán. Tôi vẫn còn nhớ tựa bài dictée là "Le Paysage Laotien"  do một bà đầm người Pháp đọc. Bài dictée này nếu quá sáu lỗi thì bị loại. Vì sợ chị Năm tôi biết nên tôi lén mua báo để xem kết quả. Dò bài dictée tôi thấy sao tôi phạm nhiều lỗi thế, chắc không có hy vọng. Đến ngày tuyên bố kết quả hai đứa chúng tôi cùng đi xem. Một ông thầy người Pháp đứng giữa sân trường đọc kết quả (có anh chị nào được hưởng cái cảm giác hồi hộp khi lắng nghe người đứng giữa sân trường đọc kết quả một kỳ thi không?). Tôi không biết có bao nhiêu thí sinh đậu thi viết nhưng tôi nhớ ông thầy người Pháp chỉ cầm trong tay một mảnh giấy. Hình như tôi có nghe tên tôi. Rồi ông dán mảnh giấy lên một tấm bảng đen. Sau một lúc chen lấn đến gần tấm bảng, nhìn kỹ mảnh giấy một lúc lâu tôi mới chắc tôi đã đậu thi viết. Hôm sau vào thi vấn đáp, nhưng tôi không học một chữ nào cho những bài vấn đáp nên tôi thi hỏng. Bạn tôi thì đậu ngay khóa đầu, còn tôi mãi hai tháng sau mới thi đậu bằng brevet khóa hai.

 

Qua câu chuyện trên cho thấy không phải riêng hai chúng tôi mà rất nhiều học sinh lớp đệ ngũ của trường Pétrus Ký có đủ trình độ học giỏi để thi đậu bằng brevet của chương trình Pháp như những học sinh học trường Pháp. Theo tôi biết thì trường không ngăn cấm chuyện thi cử đó, vì khi chúng tôi xin nghỉ học để đi thi thì trường đều cho phép, nhưng trường công không cho phép nhảy lớp như vậy sau khi đậu bằng brevet và muốn học nhảy lớp thì phải ra trường tư học tiếp và tôi biết có nhiều bạn trong lớp đã làm như vậy.

 

 

Lê Quý Thể

9/2020

06 Tháng Hai 2010(Xem: 84491)
Tôi chỉ nhớ mong manh rằng buổi trưa hôm ấy đứng ở sân thượng với gói quầ n áo trong tay nhìn ra phía xa, ngọn đồi huyền bí của tôi nay chỉ còn là một bóng mờ, chập chờn sau những đám khói đen mù mịt.
30 Tháng Giêng 2010(Xem: 91487)
Vậy khi một nhà thơ, nhà văn nào đã qua đời, thì, làm ơn, nếu không vì nhu cầu nghiên cứu tiểu sử để tìm hiểu cặn kẽ về bối cảnh và điều kiện sáng tác của họ, xin đừng khai thác đời tư của họ để phục vụ cho bất kỳ một mục đích nào khác hơn là góp phần cống hiến cho đời ba điều thật đơn giản, nghe rất nhàm tai, nhưng vô cùng cao quý, đó là: Chân, Thiện và Mỹ.
25 Tháng Giêng 2010(Xem: 97911)
Tôi nhớ câu nói của một ông anh trong vùng tôi đang sống, rằng sau khi hoàn tất một công việc, bao giờ người ta cũng thấy hai túi áo chứa đầy những lời cảm tạ và những lời xin lỗi.
11 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 95618)
Nhớ về quê hương, nhớ thời thơ ấu, dưới mái trường xưa, con đường ngập lá vàng rơi, nhớ chúng mình một thời rong chơi. Cuộc đời đổi thay, chúng ta mỗi người mỗi ngả, đối với tôi, đời sống thế nào? Ngày tháng phôi pha, xứ người xa lạ, lòng luôn ngóng về quê hương, nhớ từng nơi ngày đó chúng tôi đã đi qua, nhưng bây giờ cảnh cũ không còn và các bạn xưa cũng không còn, biết lưu lạc nơi nao?
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 100362)
Chỉ còn vài ngày nữa là thành phố Adelaide, nơi tôi đang cư  ngụ sẽ vẫy tay chào mùa đông để chính thức bước vào mùa xuân. Ngày đã trở nên dài ra và trời đã bắt đầu ấm áp trở lại.
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 93985)
Cầm tờ thư của cô tôi ấp nhẹ vào ngực. Ơi! cô giáo nhân ái còn hơn bà tiên trong thần thoại đã dang tay cứu tôi trong nhiều lần khốn khó. Thời gian đi qua thật lâu rồi nhưng tất cả những gì về cô tôi đều nhớ. Bảy năm trời lớn lên từ một mái trường nên mãi mãi ngôi trường Ngô Quyền thân yêu ấy là một ngăn nhớ êm đềm trong quả tim tôi.
12 Tháng Mười Một 2009(Xem: 97336)
Vậy là con bé út của tôi đã đi học được hai hôm. Mọi học khu đều đã khai giảng niên khóa mới từ đầu tháng 9 mà mãi tới giờ, đầu tháng mười một, con gái tôi mới “cắp sách” đến trường cũng bởi nó bị “lọt sổ”.
02 Tháng Mười Một 2009(Xem: 210430)
Mùa Thu, mùa của tình yêu, của nhớ nhung, lãng mạn và là… của em.
30 Tháng Mười 2009(Xem: 100948)
Đã vài năm qua, kể từ ngày lễ Halloween năm 2005, lúc nào bà Jenna cũng nhớ hình ảnh người giao pizza rất trẻ, chắc chưa đến tuổi hai mươi lúc đó, nhưng có thái độ chững chạc của một người đã đi hơn nửa cuộc đời, và có tấm lòng của một ông tiên trong những truyện cổ tích.
17 Tháng Mười 2009(Xem: 96058)
“Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một, như đường mía lau"
22 Tháng Bảy 2009(Xem: 92362)
Tôi như lang thang trên những con phố Biên Hoà, những con đường dẫn tôi đến sân trường cũ, ở đó lời Thầy Cô còn vang vọng, tiếng lao xao của bạn bè còn nghe rõ như in, tà áo dài ai trắng đến tinh khôi...
17 Tháng Bảy 2009(Xem: 75548)
Chuyến bay VN 7640 của Hàng Không Việt Nam cất cánh đúng 6 giờ 30 sáng ngày 13 tháng 9 năm 1994, trên đường bay đến Hong Kong. Trong đám đông thân nhân đang nhốn nháo vẩy tay trên sân thượng kia có đủ mặt bốn đứa con của chúng tôi, mặc dầu, qua cửa sổ máy bay, tôi không còn nhận ra chúng nữa.
04 Tháng Bảy 2009(Xem: 84598)
(Để tưởng nhớ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nhân ngày giỗ th ứ 15 của anh / tháng Tám, 2008) Giờ đây, dưới những tàn cây, bóng mát trong nghĩa trang này, tôi đến thăm mộ anh, thắp nén hương lòng hoài niệm về một thời quá khứ buồn nhiều hơn vui giữa chúng tôi, dù không biết rằng những việc làm trước kia đối với anh là đúng hay sai, nhưng tôi cũng muốn nói với anh lời tạ lỗi.
02 Tháng Bảy 2009(Xem: 76327)
Với lòng biết ơn của Cựu HS Ngô Quyền với những “người lái đò” xưa đã đưa chúng em đến bến bờ thành công Kính tặng Thầy Nguyễn Phi Long, kính tưởng nhớ Thầy Phùng Thái Toàn
25 Tháng Sáu 2009(Xem: 93580)
Việc thi cử ở nước ta đã có một truyền thống lâu đời truyền lại. Miền Nam sau này việc thi cử phần nào cũng tiếp nối cái tinh thần của truyền thống ấy. Thật vậy, nước ta đã có gần 20 thế kỷ dùng chữ Hán kể từ thời Bắc thuộc. Và 10 thế kỷ chữ Nôm đánh dấu thời kỳ tự chủ. Việc thi cử tính ra cũng được ngàn năm.
27 Tháng Năm 2009(Xem: 87028)
  Trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường, chúng ta quả thực rỏ ràng thấy được: Gốc cây trường trung học Ngô Quyền đã có nhiều cành ngọn và Nguồn trường xưa đã tỏa rộng khắp nơi.
16 Tháng Năm 2009(Xem: 58688)
“Một góc Thầy Trò” hôm nay mời bạn quay về quá khứ của Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), thế hệ học sinh đầu tiên của Trung học Ngô Quyền – với “chị cả ” Lương Thị Khá đ ang định cư ở Boston, Massachusetts.
15 Tháng Năm 2009(Xem: 77718)
Ở Việt Nam, mùa hè bắt đầu với những cành phượng đỏ nở rực cả góc trời, với tiếng ve kêu ra rả buồn xót xa, thì ở đây chỉ có hoa “jacaranda” và nắng ấm. Không biết từ bao giờ tôi đã yêu thích màu hoa “jacaranda”, thích ngang qua những con đường có trồng hoa rợp bóng, nhìn những cánh tím nhỏ li ti trải đầy trên đất, thêu từng mảng trên không, tôi cảm thấy dường như mình đang đi trong một giấc mơ.
14 Tháng Năm 2009(Xem: 75142)
Cha tôi cũng thường nói nhiều người trên đời này ưa làm anh hùng đến nỗi quên rằng mình có một bà mẹ. “Úi trời, làm anh hùng mà không có mẹ thì làm anh hùng mà chi!”
07 Tháng Năm 2009(Xem: 82251)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…