Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - TỪ SÀI GÒN ĐẾN MONTRÉAL, NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC (Chương Kết)

13 Tháng Bảy 20191:43 SA(Xem: 12879)
GS. Huỳnh Công Ân - TỪ SÀI GÒN ĐẾN MONTRÉAL, NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC (Chương Kết)


T  Sài Gòn đến Montréal, ni trôi theo vn nưc



Chương kết - Tìm lại thân tình cũ

 



Năm 2008, sau 22 năm xa xứ tôi trở lại Việt Nam thăm mẹ tôi, khi đó đã 86 tuổi rồi. Trước đó vợ tôi đã trở lại vài lần để thăm cha mẹ nàng rồi sau đó để tiễn song thân nàng ra đi về nơi miên viễn. Ba tôi đã mất năm 1992, chỉ hơn một tháng trước khi vợ con tôi được sang Canada.

Lần đó để có cơ hội gặp lại những người bạn cũ, học trò cũ và đánh dấu ngày sum họp với người thân, tôi tổ chức một tiệc sinh nhật ở khách sạn New World.

Đến với vợ chồng tôi hôm đó có mẹ tôi, hai con tôi, gia đình hai đứa em trai tôi và gia đình các đứa em vợ tôi. Bạn tôi thì có Trịnh Văn Dĩ, Nguyễn Văn Quan. Huỳnh Đạt Bửu, Nguyễn Văn Lý, Huỳnh Bá Lạc, Từ Phán, Trần Thị Mỹ Ngọc... là đồng nghiệp ở Trà Vinh; Võ Tấn Định, Nguyễn Xuân Dĩnh... bạn học cũ; một số đồng nghiệp cũ dạy ở trường Nguyễn Trãi; học trò cũ ở Trà Vinh có Nguyễn Thị Kim Huệ, Trần Tuấn Kiệt... Riêng các đồng nghiệp và học trò cũ ở trường Ngô Quyền, Biên Hoà và học trò cũ ở trường Nguyễn Trãi tôi chưa liên lạc được.

Buổi họp mặt sau nhiều thập niên xa cách của hơn một trăm người thật cảm động nhưng không thiếu phần vui vẻ. Tôi đã nối lại mối thân tình với người nhà, bạn bè, học trò mà nếu không liên lạc trước, khi gặp ngoài đường chúng tôi không nhận ra nhau được. Có những đứa cháu, khi tôi rời Việt Nam chưa sinh ra đời.

Tôi cũng gặp lại những “camarades de bouteille” cũ như Tiến, Tâm và bạn “cải tạo” như Nghiêm Dũng. Tiếc rằng, sau này Nghiêm Dũng bận đi chữa bệnh miễn phí cho người nghèo nên tôi không có dịp gặp lại anh ấy.

Những kỷ niệm xưa sống lại trong tôi mồn một như mới ngày hôm qua. Nhớ một lần tôi và Tiến vào cửa hàng ăn uống quận 4, uống bia hơi kèm mồi, Tiến ngồi quay lưng ra ngoài nên không trông chừng được chiếc xe đạp dựng ngoài cửa đến chừng đi về, kẻ gian lấy mất xe, đành lội bộ về nhà.

Tâm từng làm ở phòng giáo dục quận 4 rồi công ty du lịch thành phố nhưng vì nhậu nhẹt với bạn bè nên không được thăng tiến trên bước “hoạn lộ”.

Trong trại cải tạo, tôi là con gà đá độ được Nghiêm Dũng dẫn đi đấu cờ tướng với các con gà ở các đội khác. Huấn luyện viên Nghiêm Dũng ra dấu chỉ nước cho tôi thắng các đối thủ làm họ tức tối vì thua một tay cờ amateur như tôi.

Cuối năm 2009, tôi nhận được một email của Nguyễn Hồng Đức, bác sĩ chuyên khoa lồng ngực cho biết là học trò cũ của tôi, anh nhờ xem trang web của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền mới biết tôi đang ở Montreal, Canada. Anh nói anh đã từng dự hội thảo quốc tế các bác sĩ chuyên khoa lồng ngực tại nơi tôi ở nhưng không biết tôi ở đó để đến thăm. Tôi viết email trả lời và hỏi anh ở tiểu bang nào của Mỹ. Anh email trả lời anh ở Việt Nam và làm việc tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Sài Gòn.

Thế là đầu năm 2010, khi tôi về Việt Nam thì Đức hẹn tôi để đem xe hơi đến đón vợ chồng tôi đi lên Biên Hòa chơi. Anh chở tôi đến nhà của anh Trần Trung Thu học cùng lớp tứ 1. Thu không nhận ra tôi, hơi ngạc nhiên khi gặp tôi nên nói chào anh. Đức nhắc: “Đây là thầy Huỳnh Công Ân, dạy Toán lớp tụi mình”, Thu mới nhớ ra . Thật ra gần 40 năm đã qua, những cậu học trò tuổi 16, 17 và ông thầy trẻ ngoài 20 lúc đó, bây giờ thì cũng đã thành những ông già trên dưới 60, nếu gặp ngoài đường làm sao nhận ra được. Thu đã từng nối nghiệp giáo sư Toán của tôi nhưng sau này để thích ứng với xã hội mới, anh đổi nghề và hiện nay làm đại lý thuốc Tây, có vẻ khấm khá lắm.

Thu gọi điện thoại cho một số bạn học cũ báo tin có tôi về thăm Biên Hòa, không quên gọi họ đến nhà hàng Hoài Cổ bên bờ sông Đồng Nai họp mặt. Thu và hai vợ chồng tôi lên xe của Đức đến nơi hẹn. Một lúc sau, mọi người lần lượt đến.

Qua sự giới thiệu của Đức và Thu, tôi gặp lại Trần Thành Lập, Nguyễn Phùng Phước và một số học sinh cũ khác mà tôi không nhớ tên. Riêng Phước ở Mỹ về và là rể của quán ăn Thu Hà. Anh nầy, dù ngày nay đã lớn tuổi nhưng vẫn còn nét đẹp trai, hèn gì đã lọt vào đôi mắt xanh của giai nhân quán Thu Hà. Tôi còn được biết Phước là một võ sư. Còn Trần Thành Lập được coi là liên lạc viên của nhóm.

Thầy trò có biết bao chuyện để hàn huyên sau 40 năm vật đổi, sao dời. Chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống. Có những mẫu đời thành công như Đức và Thu. Có mẫu đời bay bướm, hào hoa như Phước. Có những mẫu đời thăng trầm như Lập và tôi. Chúng tôi đã ghi lại hình ảnh cuộc gặp gỡ này bằng máy ảnh.

Nếu không liên lạc được với Đức thì tôi không có cuộc hội ngộ này. Tôi cảm thấy ấm lòng vì trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi tìm lại được sự nồng ấm của tình thầy trò. Trong một xã hội băng hoại về mọi mặt hiện nay, những người học trò cũ của tôi vẫn còn giữ được tinh thần tôn sư trọng đạo. Điều này khiến tôi nghĩ rằng mình đã không sai lầm khi chọn nghề dạy học.

Lần trở về VN năm 2013, một niềm vui mới đến với tôi là việc gặp lại các học sinh cũ của tôi ở trường Nguyễn Trãi, Sài Gòn.

Vốn sống ở quận 4 và dạy học ở Nguyễn Trãi thuộc địa bàn quận 4, thế mà 5 năm kể từ năm đầu tiên trở về VN, tôi đã gặp lại các học sinh cũ ở Trà Vinh, Biên Hòa nhưng chưa gặp lại một học sinh cũ nào của Nguyễn Trãi dù biết rằng các em đang ở đâu đây trong quận 4.

Tình cờ một hôm mở mail tôi nhận được mail của em Nguyễn Thị Diễm, là cựu học sinh Nguyễn Trãi cho biết đã thấy tên tôi trên Diễn đàn Nguyẽn Trãi ở Hoa Kỳ. Nhờ đó tôi đã bắt liên lạc được với các em cựu học sinh Nguyễn Trãi sau ba thập niên tôi rời trường.

Buổi gặp gỡ đầu tiên là tại quán cà phê Trung Nguyên, đường Hoàng Diệu, quận 4. Các em Thu Nguyệt, Bùi Đức Hưng, hai em nữa tôi quên tên (NT71) và em Bich (NT73) đã phải chờ tôi hơn nửa giờ vì tôi về từ chuyến đi chơi ở Cần Giờ. Ngoài em Bích có học với tôi còn 4 em kia tuy không có học với tôi nhưng biết tôi vì niên khóa 77-78 là năm cuối của các em ở Nguyễn Trãi cũng là năm đầu tiên tôi về dạy ở Nguyễn Trãi sau khi ra trại học tập cải tạo và được cho dạy lại.

Vài hôm sau Bích, ở gần nhà tôi, phone mời tôi đi dự tiệc đầy tháng con của em Thanh Long (NT73) ở nhà hàng Làng Nướng Nam Bộ ở đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3 . Khi hai vợ chồng tôi đến nơi thì rất đông các em NT73 cùng ngồi một bàn dài đứng lên chào mừng chúng tôi sau khi Bích cho biết tôi từ Canada về . Buổi tiệc tối đó thật vui vẻ và đầm ấm tình thầy trò. Các em không ngớt đến chụp ảnh bên tôi.

Một hôm khác, vào buổi sáng, tôi đi tập thể dục về và vừa tắm rửa xong thì Bích gọi tôi nói sẽ ghé chở tôi tới nhà Thái Hòa (NT73) uống cà phê với một số em NT73 tại đó. Thật bất ngờ, nhà Thái Hòa ở gần quán cà phê Góc, góc đường số 48 và đường Vĩnh Hội, nơi mà sáng nào tôi cũng ngồi uống cà phê với mấy đứa em vợ.

Ngày thứ bảy 6-4, các em NT73 tổ chức đi chơi dã ngoại ở khu du lịch sinh thái Bằng Lăng Tím, quận Nhơn Trach, tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa cũ). Khoảng hơn 20 em và vợ chồng chúng tôi đi trên 4 chiếc xe hơi: Audi của Long, các em dành vinh dự cho vợ chồng tôi ngồi trên xe này, Kia của Chinh. Mitsubishi của Thái Hòa và Toyota của Sơn. Đoàn xe chúng tôi trực chỉ hầm Thủ Thiêm bằng ngã cầu Calmette. Không may, khi gần tới địa điểm du lịch thì ba chiếc xe đi trước do xe Thái Hoà dẫn đầu bi công an gọi lại vì chạy quá tốc độ. May mắn, xe Long chay sau cùng nên thoát nạn. Sau gần một giờ đồng hồ lập biên bản, đòan xe mới được công an cho phép tiếp tục lên đường nhưng bằng lái của Hòa, Chinh và Sơn bị công an giữ lại chờ nộp phạt xong mới trả lại. Nghe nói số tiền phạt 3 xe là khoảng 5 triệu VND (tương đương 250 US).

Tới khu Bằng Lăng Tím, chúng tôi đậu xe bên này bờ sông và một chiếc thuyền khá lớn đưa hết chúng tôi qua bên kia bờ. Chúng tôi chọn một căn nhà lá lớn, trải nylon trên sàn xi măng và các em nữ bắt đầu dọn thức ăn ra. Chúng tôi ăn uống và vui vẻ chuyện trò. Ai muốn nằm nghỉ thì mướn võng, ai muốn chèo thuyền thì mướn thuyền. Chúng tôi vui chơi đến chiều mới lên xe trở về. Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí, nếu bận đi xe của Long không bi phạt thì bận về khi ở trên phà Cát Lái, chiếc xe deluxe mới cáu cạnh của Long bi xe taxi quét trúng khi chuẩn bị lên bờ . Chắc chắn là Long xót ruột cho chiếc xe cưng của mình!

Về đến địa điểm tập trung ở nhà Thái Hòa, chúng tôi lai quây quần làm một cử cà phê chiều. Chưa đủ, mọi người còn kéo tới quán Hàng Dương ở đường số 48 gần đó làm một chầu nhậu nữa.

Ngày chủ nhật 14-4, 3 ngày trước khi tôi lên máy bay trở về Canada, Thu Nguyệt nhắn tin cho tôi mời vợ chồng tôi đi ăn buffet ở nhà hàng Parkson đường Lê Thánh Tôn, quận 1. Nơi đây tôi gặp các em cựu hoc sinh NT71, NT72 và đông đảo nhất là các em NT73 . Thật là vui.

Chưa hết, tối đó các em còn hẹn gặp tôi tại sân trước nhà Thái Hòa để uống một cử cà phê tạm biệt với tôi . Một số em tặng tôi vài món quà lưu niệm .

Các em cựu học sinh Nguyễn Trãi NT71, NT72 và NT73 đã cho tôi sống lại tình cảm thầy trò đầm ấm trong những ngày đầu tiên tái ngộ với các em.

Liên tiếp trong những năm sau đó lần nào về Việt Nam tôi cũng thường xuyên gặp các em cựu học sinh Nguyễn Trãi, khi thì uống cà phê sáng, khi thì ăn uống buổi tối. Thỉnh thoảng các em tổ chức đi chơi trong ngày gần Sài Gòn như Nhơn Trạch, Cần Giờ, Nhà Bè... hay đi chơi xa như Vũng Tàu, Phan Rang, Ban Mê Thuột...

 

image001

Họp mặt với các em lớp 12D8, Nguyễn Trãi

Riêng Vũng Tàu, chúng tôi đi rất nhiều lần, ít nhứt là một lần mỗi năm vì em Chinh có một căn hộ ở chung cư Sơn Thịnh ở bãi sau. Mỗi lần đi chúng tôi ở đó ba hoặc bốn ngày. Sáng và chiều, vợ chồng tôi và các em chỉ băng qua đường là tới bãi biển, Buổi sáng, sau khi vẫy vùng trên mặt nước độ một tiếng đồng hồ, chúng tối kéo nhau vê phòng tắm nước ngọt rồi đi ăn sáng và uống cà phê.  Buổi trưa, chúng tôi ăn cơm ở ngoài rồi đi chợ mua hải sản và về nhà nghỉ ngơi. Buổi chiều, sau khi tắm biển, về nhà các em nữ chuẩn bị bữa nhậu hải sản và sau đó là hát Karaoke tới khuya.


Lần đi Ban Mê Thuột đầu tiên, mồng 4 Tết năm 2016, một kỷ nệm khó quên là một nhóm chúng tôi bị kẹt thang máy hơn nửa giờ. Hôm đó, nhân viên khách sạn còn nghỉ tết, chỉ có một nữ nhân viên phụ trách tiếp tân không biết xoay sở ra sao. Các em ở phía ngoài gọi cứu hộ nhưng chờ mãi chẳng ai tới. May nhờ em Thái Hòa lanh trí dùng dao phay cạy cửa thang máy và để một cái quạt máy thổi vào trong khi chờ đợi cứu hộ tới. Chúng tôi đến khu du lịch Buôn Đôn cỡi voi và ăn uống . Sau đó, chúng tôi viếng một thác nước và chụp nhiều ảnh lưu niệm ở đó. Lần đầu tiên tôi uống rượu cần ở nhà chị Điệp, chị của Kim Vân tại Buôn Hồ.

Hai năm sau chúng tôi đi lên Ban Mê Thuột một lần nữa với các em Chinh, Sơn, Trang, Kim Vân và lần này, chúng tôi đi lên đến Pleiku và Kontum. Chúng tôi viếng  đập thủy điện Ialy ở Pleiku,  cầu Treo và nhà thờ gỗ ở Kontum.

Tháng 3  năm 2017, chúng tôi đi Phan Rang theo  2 nhóm, một nhóm đi xe lửa và nhóm kia đi xe hơi. Chúng tôi viếng Đồi Cát, Tháp Chàm, làng gốm Bầu Trúc, ăn tối trên bãi biển Ninh Chữ và tắm biển ở vịnh Cam Ranh.

Tháng 4 năm 2016, gần 30 em cựu học sinh Nguyễn Trãi đã nhận lời mời của vợ chồng tôi xuống thị trấn Mỹ An, tỉnh Đồng Tháp để dự tiệc cưới của con trai tôi.    

 image003

Tắm biển Vũng Tàu buổi sáng

 

image005

Chụp ảnh với các em Nguyễn Trãi trước khách sạn ở Ban Mê Thuột

image007

Cỡi voi ở Buôn Đôn

  

image009

Nhà thờ gỗ ở Kontum

image011

Các em cựu học sinh Nguyễn Trãi và tiệc cưới con trai tôi

 

Trong đời dạy học của tôi, ngoài các trường tư ở Sài Gòn và Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng, thì ba trường trung học Vĩnh Bình, Trà Vinh; Ngô Quyền, Biên Hòa và Nguyễn Trãi, Sài Gòn đã để lại trong lòng tôi những thân tình sâu đậm không thể quên.

Chỉ cách Sài Gòn có 30 cây số, nên Biên Hòa là nơi tôi thường trở lại để tìm những kỷ niệm của 6 năm làm việc ở đó trong cương vị thầy giáo cũng như quân nhân. Mỗi lần  ngồi xe chạy qua cầu Đồng Nai, tôi cố nhìn để tìm ra dấu tích một thời làm lính gác cầu ở đây.

Nhưng những lần về Biên Hòa họp mặt với các em cựu học sinh Ngô Quyền tôi mới thấy kỷ niệm xưa sống lại trong tôi. Sau khi bác sĩ Nguyễn Hồng Đức bắc được nhịp cầu liên lạc giữa tôi và các cựu học sinh Ngô Quyền, hằng năm khi tôi về Việt Nam tôi và Đức thường lên Biên Hòa gặp lại các em cựu học sinh khóa 10 (1965-1972).

Các em thường họp mặt khi có bạn ở Mỹ như Nguyễn Phùng Phước, Nguyễn Ngọc Ẩn G và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Sương A, Nguyễn Thị Ngọc Sương B, Huỳnh Đồng...  hay ở Canada như Trần Huy Hoàng về thăm quê nhà. Khi đó nếu tôi đang ở Việt Nam, các em thường gọi điện thoại hay gởi email mời tôi lên tham dự. Thường các em tổ chức tại nhà em Trầm Ngọc Sương vì nhà em đó có sân rộng rãi. Trong một lớp có tới ba em nữ tên Sương nên để phân biệt các em gọi là Sương A, Sương B và Sương Trầm.

Có khi các em tổ chức tại một nhà hàng như Nhã Viên, Hoài Cỗ ... hay quán cà phê như Cầu Mát. Qua các cuộc họp mặt này tôi gặp lại các em học sinh cũ của mình mà nếu không có các dịp đó khi gặp nhau ngoài đường chắc chắn tôi không thể nhận ra. Tôi cũng được nghe kể lại cuộc sống của một số em trong quá khứ cũng như hiện tại. Tôi vui khi biết em nào đó đạt được những thành công và buồn khi có một em gặp việc không may. Nếu em Nguyễn Hồng Đức là nhịp cầu nối lại thân tình thầy trò thì Sương Trầm là người tổ chức các cuộc họp mặt thầy trò và bạn học. Tôi thích thú khi gặp được em Hạnh (Ốc Gạo) mà tôi từng đọc những bài viết tếu tếu trên các trang mạng hay trên facebook. Tôi nhìn thấy bằng xương bằng thịt các cây viết Hoàng Duy Liệu, Đỗ Công Luận thay vì chỉ đọc trên trang web của hội Ngô Quyền. Tôi ngưỡng mộ “cặp đôi hoàn hảo” Ẩn G và Sương A và ước gì mình trẻ lại để hoán đổi vị trí thầy dạy học của trò Nguyễn Phùng Phước để làm môn đệ của võ sư Nguyễn Phùng Phước. Còn nữa những em khác như Long, Khánh, Lập, Phi, Thu, Giàu, Cang... hay Phạm Lan, Anh Đào, Nguyệt, Như...mỗi em một cuộc đời bình thản hay thăng trầm khác nhau. Tôi không biết trong số các em có ai có cuộc đời nhiều thăng trầm như tôi không?


image014

Thầy trò đứng trước nhà hàng Nhã Viên 2013 (nguồn: trang tứ 1 tứ 4)


image016

Họp mặt tại nhà hàng Nhã Viên 2013 (nguồn: trang tứ 1 tứ 4)

 

image018

Hội ngộ trong nhà hàng ven sông Đồng Nai 2016 (nguồn: trang nhà Ngô Quyền)

 

image019

Hoàng Duy Liệu, Hạnh Ốc Gạo và thầy cô Ân 2016 (nguồn: trang nhà Ngô Quyền)

image021

Họp mặt ở nhà Sương Trầm 2017 (nguồn: trang tứ1 tứ 4)

image023

Thầy trò hàn huyên tại nhà Sương Trầm 2017 (nguồn: trang tứ1 tứ4)

 

Nhưng tôi cũng không bao giờ quên hình ảnh những em học sinh cũ của tôi ở trường trung học Vĩnh Bình, Trà Vinh trong những năm cuối của thập niên 60 (1965-1969) vì các em là những học sinh đầu đời dạy học của tôi. Đầu năm 2019, các em từ hải ngoại và trong nước đã họp mặt đông đủ tại nhà hàng Uyên Ương, thành phố Trà Vinh để đánh dấu năm mà đa số các em đã bước vào tuổi 70. Thật là điều buồn cười và cũng là niềm hạnh phúc của tôi khi tôi có những cụ ông và cụ bà là học trò của mình. Rất tiếc vì bận việc tôi không về kịp để cùng tham dự với các em.

Nhưng những năm trước, khi về Việt Nam tôi xuống thăm Trà Vinh ít nhứt là một lần.Tôi đã gặp lại các em nam như  Phú, Giàu, Cầm, Hạnh, Vân, Châu, Huỳnh Trung Đông... và các em nữ như Huôl, Hồng Hoa...

image025Họp mặt đầu năm 2019 của các cựu học sinh trung học Vĩnh Bình

 

Cũng tại Trà Vinh tôi cũng từng gặp lại các em học trò cũ của trường trung học Vĩnh Bình từ nước ngoài về như Mỹ Linh, Hải từ Úc, Kiệt từ Đức, Hưng từ Pháp và vợ chồng Đức, Viên, Cẩm Vân cũng như Minh,Thời... từ Mỹ...

Riêng vợ chồng tôi và hai em Kiệt và Hưng thường đi chơi các tỉnh ở miền Tây bằng xe hơi do Kiệt lái, đôi khi có vợ chồng bạn tôi là Huỳnh Bá Lạc đi cùng.

image027

Ở nhà hàng Hương Đồng cùng các em học trò cũ ở Trà Vinh

 

Đối với những em Huỳnh Kim Hồng, Tạ Ngọc Linh, Quang Khải ở Sài Gòn thì hàng năm, mỗi lần về Việt Nam tôi đều gặp các em để mối thâm tình thầy trò không vì thời gian mà phai nhạt. Đó là không kể những em tôi gặp ở Mỹ như Sơn vá Định, vợ chồng Huy.

image029

Thầy trò Trà Vinh tại café Đà Lạt Phố Sài Gòn.

 

Là thầy giáo, ngoài mối thân tình với học trò tôi còn mối giao tình với các đồng nghiệp. Những ngày đầu tiên trong đời dạy học ở Trà Vinh tôi kết thân với hai đồng nghiệp quê tại đó là Huỳnh Đạt Bửu dạy Triết và Nguyễn Quang Hiền dạy Pháp Văn. Bửu có hai người em cũng trong ngành giáo là Huỳnh Ngọc Diêu dạy Quốc Văn ở Bến Tre và Huỳnh Ngọc Côn dạy Lý Hoá ở Gò Công. Hiền có chị dâu là chị Tiếng cùng dạy chung với chúng tôi ở trường trung học Vĩnh Bình. Tôi cũng làm bạn với Nguyễn Bình Tưởng dạy Sử Địa ra trường trước tôi một năm. Đồng thời tôi còn những người bạn cùng khoá như Nguyễn Văn Quan, Huỳnh Bá Lạc dạy Quốc Văn, Trà Văn Gởi dạy Vạn Vật hay các khoá sau như Lương Văn Kiệt, Trần Kịm Hoàng, Nguyễn Văn Lý dạy Lý Hoá, Trịnh Văn Dĩ dạy Toán và Nguyễn Trung Hiếu dạy Vạn Vật. Cũng phải kể thêm Nguyễn Văn Thành dạy nhạc, người ở Vĩnh Long.

Sau hơn hai thập niên xa xứ, lần đầu tiên trở về Việt Nam tôi đã cố ý tìm gặp các bạn nào còn ở Việt Nam để nối lại mối thân tình ngày xưa. Nhưng thời gian không chờ đợi ai đâu. Ngoài Kiệt mất trước 75, có bạn tôi may mắn gặp một vài lần rồi cũng phải ra đi như anh Hiền, Tưởng, Quan, Thành, Bửu, Lý. Những bạn còn lại như Lạc ở Trà Vinh, Dĩ ở Sài Gòn thì khi về Việt Nam, tôi luôn tìm gặp để đi chơi hay ăn uống. Còn các bạn ở hải ngoại như Hiếu ở Montreal, Canada , Hoàng ở Virginia và Gởi ở North Carolina, Hoa Kỳ thì thỉnh thoảng tôi mới gặp hay điện thoại.


image031

Họp mặt: Ân, Hiếu, Dĩ và Hoàng năm 2015 tại Montreal, Canada

 

image033

Lạc, Mỹ Huol, Bửu, Ân và Mai ở Trà Vinh

 

Ở trường Ngô Quyền Biên Hòa, mối dây liên lạc với đồng nghiệp hơi lõng lẽo hơn vì đa số giáo sư đều từ Sài Gòn lên dạy, mỗi người độ hai ngày, đầu tuần, giữa tuần hay cuối tuần tùy yêu cầu của từng người nên ít gặp nhau. Tôi và Trần Thái Hùng cùng dạy hai ngày thứ hai và thứ ba và cùng đèo nhau trên xe lambretta của Hùng mỗi lần đi về Sài Gòn-Biên Hòa cũng như cùng đi ăn cơm trưa, ngủ trưa tại nhà cô của Hùng nên chúng tôi thân thiết hơn. Hiện Hùng ở Việt Nam và chúng tôi thường gặp khi tôi về Việt Nam chơi. Ngoài ra tôi còn chơi khá thân với Nguyễn Phi Long, Trần Văn Phúc và Nguyễn Thành Dũng vì cùng thuộc nhóm thầy giáo trẻ. Trần Văn Phú, dạy sử địa đã mất. Tôi gặp lại Nguyễn Phi Long ở Mỹ và thường lên Biên Hòa thăm Dũng khi tôi về Việt Nam.. Tôi cũng thân với Tô Văn Phú, dạy Vạn Vật vì chúng tôi đồng khóa 5 ĐHSP.  Phú, nay cũng đã mất.


Còn khi tôi về Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng vì thời giân dạy học ở đây ngắn ngũi tôi chỉ chơi thân với anh Lâm Võ Huỳnh, giám đốc của Trung Tâm vì chúng tôi là "bạn ve chai" từ trước. Anh cũng định cư ở Montreal với tôi và đã mất năm 2017.

Sau 1975, khi dạy ở trường Nguyễn Trãi tôi có người bạn vong niên là Trần Xuân Hải, dạy Lý vì cũng là "bạn ve chai": của tôi ở quận 4, ngoài Tâm làm ở Phòng Giáo Dục quận 4 và Tiến dạy cấp 2, Những năm đầu tiên về Việt Nam, tôi tìm Hải nhưng không gặp, gần đây tôi nghe tin Hải đẫ mất, tôi có gặp lại Tâm và Tiến và đã nhậu với hai bạn cố tri tới bến. Tiến nay ở Mỹ, còn Tâm biệt vô âm tín.

Tôi cũng đã từng mời các đồng nghiệp cũ ở Nguyễn Trãi như các anh Cẩm, Mạnh, Khoan, Hiệu, Phùng, Bá, Toán, Chứng, Tám... đến nhà hàng Hương Cau 1, quận 4 và Quán Tre ở đường Cao Thắng để họp mặt ôn lại những kỷ niệm cũ khi cùng dạy chung dưới một mái trường. Một số anh đã đến chia buồn với tôi khi mẹ tôi mất năm 2011.

Nhưng những thân tình ruột thịt vẫn là những thứ tình cảm thiêng liêng nhứt đối với tôi. Cha mẹ tôi sinh ra 6 người con, 5 trai và một gái. Tôi là con trai trưởng nên khi bắt đầu đi dạy tôi đã dành nửa số lương của mình để phụ giúp gia đình. Lúc dạy học ở Trà Vinh từ 1965 đến 1969, mối tháng tôi lãnh khoảng 10 ngàn đồng thì tháng nào tôi cũng ra bưu điện gởi về gia đình 5 ngàn đồng. Sau này về Sài Gòn dạy thêm trường tư khấm khá, phần lớn tiền kiếm được tôi cũng đưa hết cho má tôi. Đến khi tôi lập gia đình, vợ tôi thường trách tôi sau không để dành riêng mình để lo cho vợ con mai sau. Thật tình, tôi cũng thấy mình có lỗi với vợ con, nhưng lúc đó tôi nghỉ mình có nghề nghiệp vững chắc, sau này mình có gia đình thì dư sức nuôi sống vợ con. Nhưng không ngờ, một tháng sau ngày cưới, miền Nam mất và như ông Võ Văn Kiệt đã nói: "Ngày 30 tháng 4 có triệu người vui và có triệu người buồn", tôi nằm trong số triệu người buồn đó. 10 năm huy hoàng, phong lưu của tôi (1965-1975) không còn nữa.

Hai người em trai tôi đã mất, một người trong chiến tranh và một người vì bệnh. Anh em tôi chỉ còn 4 người: tôi và em gái tôi ở Canada, hai em trai còn lại ở Việt Nam. May mắn những đứa con của chúng cúng có nghề nghiệp ổn định. Phần tôi với hai con, một trai, một gái đều có gia đình và cuộc sống tốt. Thêm những đứa cháu nội, ngoại là những nguồn vui của tuổi già sau một chuỗi dài thời gian chìm nổi theo vận nước. (Hết)

Lời chú của tác giả: Với thời gian, những danh tính và sự kiện trong tập hồi ký này có thể sai lạc, mong người đọc thông cảm bỏ qua hay đính chánh giùm. Tôi chỉ muốn ghi lên đây những gì mà tôi, một người sống trong miền Nam đã trải qua từ thời niên thiếu đến tuổi "thất thập cỗ lai hi". Tôi không oán trách ai, hận thù ai vì những gì tôi kể lại là sự thật và không ai có thể sửa lại lịch sử theo ý muốn của mình.

Sài Gòn ngày 6/6 năm 2019

 Hunh Công Ân

 

 

29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76192)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76782)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73830)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73927)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72671)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72009)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75532)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74212)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80496)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74079)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75835)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69095)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73730)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69338)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66510)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73069)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65423)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76740)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!