Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Kiều Oanh Trịnh - MÙA HÈ VÀ BÁT CANH HOA THIÊN LÝ

08 Tháng Bảy 20181:42 SA(Xem: 17628)
Kiều Oanh Trịnh - MÙA HÈ VÀ BÁT CANH HOA THIÊN LÝ

Mùa Hè và Bát Canh Hoa Thiên Lý

 

 KO 2


Trời mới vào Hè lại bị heatwave, ngày nào nhiệt độ cũng lên đến gần 100 độ F, không khí vừa oi ả vừa rít, rất khó chịu, chả ai muốn ra đường vì sợ những cơn nóng bỏng rát da. Con đường trước cửa nhà tôi thường ngày vẫn rộn ràng tiếng trẻ con đứng đón xe “school bus” đi học, chúng cười đùa, chuyện trò râm ran, bây giờ thì đường phố im lìm, vắng lặng đến nỗi nghe được cả tiếng nước chảy róc rách của con suối trước nhà.

 

Mùa Hè ở đây êm ả qúa! Nếu không có những cơn nóng hừng hực, hắt vào mặt, rồi những hồ bơi trong khu phố bắt đầu hoạt động trở lại thì cũng chẳng ai biết Hè đã đến rồi. Nhà nhà bắt đầu chuyển máy điều hòa từ lò sưởi sang máy lạnh. Hè nơi đây không có ve sầu kêu rả rích, không hoa phượng đỏ nở rực trên cây. Thiên hạ sửa soạn đi nghỉ mát ở những vùng biển xanh tươi, nằm phơi mình trên cát trắng, ngắm bầu trời trong lành, bên hàng phi lau đong đưa theo ngọn thủy triều nhấp nhô, thả hồn theo buổi trưa Hè êm ả, để hưởng cảnh an nhàn trên bờ cát trắng.

 

Trận mưa ngày hôm qua làm dịu mát mảnh vườn nho nhỏ nhà tôi, bụi xả, chậu hành, cây chanh ngày hôm trước đứng ủ rũ, buồn tênh… dù mỗi ngày hai lần chàng nhà tôi tưới cây, bơm sũng nước nhưng cũng chả thấm vào đâu, đất vẫn khô cằn, thế mà chỉ mỗi trận mưa mà tất cả như hồi phục lại sức sống, đem lại một màu xanh dịu mát, những lá mùng tơi nở to, vươn thêm cành bò lên bờ dậu, đâm những đọt xanh mơn mởn, khiến ta thèm một tô canh tôm nấu với rau mùng tơi cho bữa cơm chiều vào những ngày Hè oi ả, nghe mát lòng làm sao!

 

Trong khí trời oi bức, không gì ngon bằng những bữa cơm chiều có những bát canh thơm ngọt từ rau củ vườn nhà. Ngoài canh rau mùng tơi nấu với tôm tươi và mướp hương ngọt ngào còn món rau ngót, rau cải cúc nấu với giò sống, rắc tiêu thơm lừng, chan vào bát cơm gạo nàng hương ngọt bùi mùi lúa mới, ngon sao là ngon! Nơi xứ xa quê, chả gì ấm cúng cho bằng, được hưởng lại những món ăn thanh đạm, đầy hương vị quê hương này. May mắn là càng ngày càng có nhiều người Việt đến định cư nên chúng ta hầu như đã có đầy đủ những món ăn quê nhà từ rau trái, hoa qủa đến các món gia vị đặc biệt.

 

Nhưng vẫn còn thiếu một món canh mà ngày còn bé tôi mê nhất, đó là canh hoa thiên lý nấu với cua đồng… Mẹ tôi rất thích trồng hoa, Mẹ thích hái hoa tươi bày lên bàn thờ cúng Phật mỗi sáng, Mẹ trồng hoa hồng, hoa cúc, hoa thược dược, v.v. nhưng lúc nào trong vườn của Mẹ cũng phải có 1 giàn hoa thiên lý. Thiên lý có mùi thơm nhẹ nhàng, dịu mát, nên mẹ làm giàn hoa gần cửa sổ để cho hoa leo.

 

Mỗi chiều Mẹ hong tóc dưới giàn hoa để hít mùi hương ngào ngạt. Thiên lý còn được gi là “dạ lý hương” hay “dạ lai hương”. Hoa ra từng chùm, có chùm chỉ nở vài hoa, nhưng cũng có chùm ra hàng vài chục hoa, tụ lại như một bó hoa nho nhỏ. Thiên lý có 5 cánh, màu vàng nhạt, hoặc xanh vàng, có lông, mùi thơm thoang thoảng, vị ngọt, nên các nàng kiến rất thích chui vào nhụy hoa để hút mật.

 

Mẹ tôi thích hoa thiên lý không chỉ vì hoa có mùi thơm, dịu ngọt mà hoa còn có thể chế biến ra nhiều món ăn cho cả nhà vào mùa Hè. Khi những cây cà pháo của Mẹ bắt đầu ra hoa thì cũng là lúc hoa thiên lý trên giàn cũng đươm mầm, nở nhụy, và chỉ độ 1 tuần sau là Mẹ hái được 1 rổ những qủa cà pháo nho nhỏ bằng đầu ngón tay cái, trắng tinh, tròn mọng. Mẹ bóc hết những cuống xanh rồi trải cà ra 1 cái rổ phơi 1 nắng cho hơi heo héo rồi Mẹ đem đi muối. Về món cà muối của Mẹ thì khỏi nói, những qủa cà xinh xắn trắng muốt được Mẹ gọt tỉa sạch sẽ, Mẹ nấu nước muối để nguội đổ vào lọ cà, xong Mẹ nén chặt, trước khi đậy nắp, Mẹ không quên đập dập vài nhánh tỏi bỏ vào để giữ cà trắng, xong Mẹ để ngay cạnh bếp, chỉ 3 ngày sau là ăn được.

 

Ngày còn ở VN, cứ mỗi mùa Hè khi thấy có hũ dưa cà của Mẹ ở bên cạnh bếp, và trên giàn hoa thiên lý trước nhà, đầy những chùm hoa nở rộ một màu vàng tươi rực rỡ, tỏa ngát mùi thơm là tôi nghĩ ngay đến tô canh cua đồng hoa thiên lý của Mẹ. Đưa tay ngắt 1 chùm hoa trên giàn hoa chi chít, tôi mân mê từng cánh hoa, một mùi hương quen thuộc gợi trong tôi một niềm cảm xúc dạt dào. Lòng lâng lâng nhớ lại câu chuyện cổ tích Ba tôi kể cho chúng tôi nghe khi chị em tôi thắc mắc hỏi Ba:

 

-         Tại sao người ta gọi hoa này là hoa “Thiên Lý” vậy ba?

 

Ba cười:

-         Tên mỗi loài hoa đều có một sự tích riêng để gọi, như hoa thủy tiên, hoa lài, hoa hướng dương, vv, và cái tên hoa thiên lý cũng có một sự tích đặc biệt.

Và rồi Ba vắn tắt kể rằng:

“Ngày xưa, có một chàng trai thổi sáo rất hay, tiếng sáo vi vu cao vút của chàng cất lên êm ả, du dương như ru lòng người, khi trong suốt như suối reo, khi trầm, bổng như gió ngàn tươi mát, lúc lanh lảnh, thánh thót, ngọt ngào… Một hôm, chàng ra bờ sông ngồi hóng mát, nhìn Trời nước mênh mông, sóng nước hữu tình, dòng sông lăn tăn những cánh hoa lục bình tim tím, trôi bềnh bồng … chàng bèn lấy sáo ra thổi, tiếng sáo thật hay. Hay đến độ một con rắn lục tu luyện lâu năm, vì mê tiếng sáo của chàng nên hóa phép thành nàng Lý (tên cô vợ của chàng thổi sáo), ra đón chàng nơi đầu xóm. Nhưng khi về đến nhà, chàng lại thấy một người đàn bà giống vợ chàng như đúc ở trong nhà đi ra, chàng ngẩn ngơ không biết ai là vợ thật, ai là giả. Chàng phải tìm đến một vị Thiền Sư thông thái để nhờ ông tìm ra tông tích người vợ thật của mình. Qua bao nhiêu thử thách không thành, vì con rắn lục qúa khôn khéo nhờ cặp mắt rắn mà nó vượt qua mọi cuộc thi. Cuối cùng vị Thiền Sư nghĩ được 1 cách:

Ông tìm 3 chàng trai trang phục và tướng tá giống như chàng thổi sáo đi ngang qua mặt 2 nàng. Ai nhận ra chồng mình thì gọi cho chồng quay lại. Nếu đúng là chàng thổi sáo thì người đó là vợ thật, còn không thì là người trá hình, sẽ phải chịu tội với dân làng. Cô vợ giả nghĩ được một cách. Cô ta định bụng khi nào nghe tiếng cô vợ thật gọi thì nó cũng gọi theo. Người thứ nhất đi qua, rồi người thứ hai. Cô vợ giả không nghe tiếng cô vợ thật gọi thì cũng im lặng. Cô lại tự nghĩ: “Như thế thì chắc chắn người còn lại phải đúng là chàng trai thổi sáo rồi”. Nên khi chàng thứ ba vừa xuất hiện thì cô vợ giả đã vẫy tay và gọi to:

-                     Chàng ơi! Thiếp ở đây này!

Trong lúc người vợ thật vẫn đứng im. Vị thiền sư liền dẫn chàng trai thứ ba đến trước cô vợ giả và nói:

-         Nàng đúng là kẻ trá hình để nhận chồng của người khác. Chàng trai này không phải là chàng thổi sáo.

Rồi ông quay sang hỏi cô vợ thật:

-         Trong ba chàng kia, không có ai là chồng nàng sao?

-         Thưa, nếu đúng là chồng của con thì dẫu xa trăm, ngàn dặm, con cũng nhận ra

Thiền Sư bèn cho ba chàng trai khác tiếp tục đi qua. Đến người thứ năm thì nàng Lý kêu to lên mừng rỡ:

-            Chồng tôi đây rồi!

Vâng, đúng đó là chàng trai thổi sáo tài giỏi. Sự việc đã rõ ràng. Cô vợ giả bị nọc ra đánh một trăm roi. Nhưng chỉ đánh được chục roi vì đau quá, cô phải hiện nguyên hình thành con rắn lục, bò nhanh vào bụi cây trốn mất. Hai vợ chồng chàng thổi sáo vui mừng lạy tạ Thiền Sư.

Từ đó, họ sống bên nhau đầm ấm vui vẻ. Lúc rảnh chồng đem sáo ra thổi cho vợ và hàng xóm cùng nghe. Ngày hội, Tết, tiếng sáo của chàng càng làm cho mọi người thêm yêu đời, vui sống. Một buổi chiều, người vợ gội đầu, hong tóc bên cửa sổ, khi người chồng đang thổi sáo thì bỗng có con chim lạ thả rơi bên chân người vợ một chùm hoa màu xanh phớt vàng có mùi thơm thoang thoảng, về đêm hoa càng ngát hương thơm. Nàng Lý bảo chồng đặt bông hoa bên cạnh cửa sổ để mỗi khi có làn gió lướt qua, hương hoa bay tỏa, thơm khắp nhà.

Sáng hôm sau, thức dậy, cả hai vợ chồng đều ngạc nhiên, khi thấy bông hoa đã kết liền vào một loại dây leo mọc ở cạnh cửa sổ. Và sau đó, không phải chỉ có một chùm hoa, mà rất nhiều chùm hoa khác lại nở tiếp theo. Hoa màu xanh, cánh vàng hình giống ngôi sao năm cánh, hương thơm dịu ngọt.

Vì tên cô vợ là Lý, lại yêu qúy 1 loài hoa từ trên Trời rơi xuống, nên người đời bèn goi tên hoa đó là hoa “Thiên Lý”. Do cách ghép tên người vợ vào cánh hoa bất ngờ rơi đến.

Và điều lạ lùng là rắn lục thường nằm len lỏi vào những dây hoa thiên lý, ai vô ý sờ trúng thường bị rắn lục mổ cắn. Người ta đoán rằng do sự tư thù giữa con rắn lục với cô vợ của chàng thổi sáo nên rắn lục hay nằm nấp trong giàn hoa để tìm cách cắn cô Lý vì biết cô này thích hoa thiên lý …”

 

Sự tích hoa thiên lý thật ly kỳ như chuyện Liêu Trai Trí Dị của Trại Bồ Tùng Linh… Tuy chỉ là chuyện giả tưởng, nhưng vì lúc còn bé, chúng tôi rất mê nghe chuyện Cổ Tích nên tôi thấy hay hay. Dù đã lâu lắm rồi, nhưng lòng tôi vẫn bâng khuâng nhớ mãi câu chuyện này.

 

***

 KO 3


Trở về bát canh của Mẹ tôi và bữa cơm chiều Hè. Bữa cơm thanh đạm, ngon nhất của gia đình tôi ngày xưa mà tôi nhớ hoài, nhớ mãi, luôn là món canh cua đồng nấu với hoa thiên lý do chính tay Mẹ nấu, mà tôi nghĩ rằng, ai đã được thưởng thức rồi thì rất khó quên.

Sáng sớm, khi Trời còn mát, lúc mặt Trời chưa lên khỏi mái hiên, Mẹ đã thức dậy ra vườn, Mẹ thăm từng bụi hồng, tỉa lá, bắt sâu, Mẹ mở vòi nước tưới mát vườn rau, Mẹ xăm xoi giàn mướp đắng, mướp hương, tìm hái những qủa ớt hồng hồng vừa chín tới.

 

Đến giàn thiên lý, Mẹ vui khi nhìn thấy những chùm hoa vàng thơm ngát, hoa nở xum xuê đầy giàn. Mẹ hái 1 rổ hoa đem rửa sạch, Mẹ bầy một ít ra đĩa để lên bàn thờ cúng Phật. Tụng kinh xong, nhìn vào lọ cà bên cạnh bếp mà Mẹ vừa muối cách đây mấy ngày, thấy những qủa cà trắng muốt hơi nổi lên, Mẹ biết là đã ăn được. Thế là Mẹ xách giỏ đi chợ. Mẹ đã có sẵn menu cho bữa cơm chiều hôm nay. Mẹ mua 2 kg cua đồng, vài trăm gram thịt bò, Mẹ bắt đầu chế biến món ăn cho cả nhà…

 
KO 1

Cua đồng, Mẹ bóc mai, bỏ yếm, rửa sạch lấy hết gạch để ra 1 cái bát nhỏ, cho vào 1 tí muối, bỏ cua vào cối đá giã nhỏ rồi lọc đến khi nước thật trong để nấu canh với hoa thiên lý. Khi nồi nước dùng cua sôi lăn tăn, Mẹ dùng muỗng khuấy đều một chiều để xác cua đồng đóng thành gạch trên mặt không bị bám vào đáy nồi cũng không bị vỡ nát. Nước sôi, Mẹ cẩn thận đổ gạch cua ở trong bát nhỏ vào khuấy nhè nhẹ, sau đó cho hoa thiên lý vào nấu chung, đảo nhẹ tay để hoa không bị nát cánh. Khi canh sôi là được. Nồi canh nổi gạch cua vàng trên những cánh hoa thiên lý xanh mướt tỏa một mùi thơm ngọt ngào, béo ngợi… Mẹ rắc tí tiêu vào rồi nhắc nồi canh xuống.

 

Chỗ cua còn lại, Mẹ ướp muối, đường xóc đều để ráo nước, Mẹ phi thơm hành tỏi băm nhỏ, rồi bỏ cua vào ram vàng , nêm muối, mắm cho vừa ăn, Mẹ cho 1 tí nước dừa tươi rồi vặn nhỏ lửa rim cho đến khi cua cạn hết nước, thật khô và dòn là được. Còn lại một ít hoa thiên lý, thì Mẹ xào với thịt bò cho Ba nhâm nhi tí rượu. Bữa cơm chiều của nhà tôi tuy thanh đạm nhưng không thiếu phần bổ dưỡng, bát cơm chan canh hoa thiên lý, ăn với cà pháo muối dòn ngon vô cùng, ngay cả cao lương, mỹ vị cũng không sánh bằng.

 

Giàn thiên lý của Mẹ tôi theo thời gian cứ lớn dần, lá xanh chen lẫn những đóa hoa 5 cánh tỏa hương thơm ngát. Vào những buổi trưa Hè oi ả, chị em chúng tôi thường nhắc ghế ngồi hóng mát, đùa vui dưới giàn hoa êm dịu.

 

Một hôm, bác hàng xóm thấy hoa thiên lý nở xum xuê bèn sang xin vài cánh hoa về xào thịt bò. Tôi le te lấy rổ và kéo ra cắt hoa cho bác. Khi đến đóa hoa gần một cành già, tôi chợt thấy trên cành cây xanh có 1 vật gì đụng đậy, mới đầu tôi tưởng gió làm rung rinh cành cây, nhưng khi nhìn thật kỹ thì tôi hết cả hồn vía, đó là 1 con rắn lục màu xanh đang quấn mình quanh cành hoa thiên lý, thân mình mềm nhũn của nó đang uốn éo, cong queo. Sợ qúa tôi quăng cả rổ lẫn kéo chạy bán mạng. Ngày hôm sau, Mẹ tôi phải mướn người đến phá bỏ giàn hoa.

 

Nhìn giàn hoa bị đốn từ rễ lên ngọn mà lòng ngậm ngùi. Như còn tiếc rẻ, chị em tôi bèn hái hết những chùm hoa và lá non trước khi giàn hoa bị kéo sập. Rồi Mẹ lại nấu cho chúng tôi món canh hoa thiên lý cua đồng lần cuối cùng. Và kể từ ngày đó đến nay, tôi không còn được thưởng thức món canh hoa thiên lý này nữa.

 

Bao năm qua rồi, mùi hoa thiên lý cứ vấn vương mãi trong tôi. Nhớ đến hoa thiên lý thì tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ Mẹ, nhớ những bữa cơm chiều quây quần xum họp, có ba mẹ, chị em, có bát cơm gạo tám thơm chan canh hoa thiên lý cua đồng, dòn tan qủa cà pháo… Cơm ngon, canh ngọt, gia đình đoàn tụ…Biết đến bao giờ mới tìm lại được những hình ảnh thân thương ngày trước?

 

Xa quê hương lâu lắm rồi, nhưng lòng hoài hương của tôi không bao giờ phai nhạt. Nhất là vào mùa Hè. Nhớ hàng phượng vĩ nơi sân trường cùng bạn bè vui chơi trong những ngày Hè nóng bức, đem theo một hũ muối ớt đỏ au vào vườn cây nhà bạn hái những qủa mận, qủa ổi, vv rồi cùng nhau ngồi nhai dưới bóng cây hoa bằng lăng rợp mát bên bờ sông Đồng Nai êm đềm, lăn tăn cơn sóng vỗ…

 

Hơn nửa vòng trái đất, lại một mùa Hè nữa đến nơi đây. Bốn mươi năm xa xứ, mấy chục mùa Hè trôi qua, ngồi đây ôn lại dĩ vãng và hồi tưởng lại căn nhà thân yêu của chúng tôi ngày xưa, có vườn hoa của Mẹ và giàn thiên lý thơm lừng và nhất là thèm mãi bát canh cua đồng ngọt ngào của Mẹ ngày xưa mà giờ đây chỉ còn lại trong dĩ vãng. Mẹ tôi đã đi xa thật xa, và giàn hoa của Mẹ cũng đã không còn kể từ ngày có con rắn lục quấn mình chung quanh cành cây thiên lý.

 

Kiều Oanh, Virginia, July 2018

Viết về kỷ niệm Mùa Hè nơi quê xa


 
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức:
"Còn Chút Gì Để Nhớ" Thơ: Vũ H. Định; Phạm Duy phổ nhạc; Sĩ Phú trình bày
Kiều Oanh thực hiện youtube


 





29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76192)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76782)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73832)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73928)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72671)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72011)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75534)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74213)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80496)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74080)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75835)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69095)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73733)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69338)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66511)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73069)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65423)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76741)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!