Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Kiều Oanh - MÓN QUÀ NGÀY TỪ PHỤ

18 Tháng Sáu 201812:37 SA(Xem: 14361)
Kiều Oanh - MÓN QUÀ NGÀY TỪ PHỤ
MÓN QUÀ NGÀY TỪ PHỤ
 
tinh cha

Ngày mẹ mất Thục Vũ vừa đúng 10 tuổi. Vũ nhớ hôm đó trời mưa tầm tã, bên cạnh giường, Bố nắm chặt tay Mẹ. Mẹ thều thào: “Anh ráng giữ gìn sức khỏe và lo cho Thục Vũ. Em xin lỗi đã không thể sống cùng anh để lo cho con được. Anh nhớ trông nom Thục Vũ dùm em nhé”

Nói xong, Mẹ nấc lên một tiếng và xuôi tay, Bố nghẹn ngào ôm chầm lấy Mẹ: “Thục Đoan, sao em lai nỡ bỏ Bố con anh mà ra đi như thế này Vũ ơi! Mẹ mất rồi!”

Thục Vũ chạy lại ôm thân thể lạnh ngắt của Mẹ oà khóc. Cô mồ côi Mẹ từ ngày ấy.

Ma chay Mẹ xong, Bố tất tả bôn ba lo kế sinh nhai, nuôi Bà Nội và Vũ. Bố vừa chạy xe kiếm tiền, vừa đưa rước Thục Vũ đi học.

Mỗi sáng, Bố dậy sớm chở hàng cho khách ra chợ, xong về nhà đúng 8:00 giờ chở Vũ đến trường. Buổi trưa Bố ghé ngang đưa cho Vũ gói xôi hay ổ bánh mì thịt, chiều Bố đón về. Từ ngày Mẹ mất Bố càng vất vả thêm. Vũ nhớ lại lời Mẹ kể cho Vũ nghe khi Bố bị tù.

“Bố vừa đổi về làm việc ở Sàigòn được vài tháng thì mất nước. Là sĩ quan của chế độ cũ, một tháng sau, Bố bị bắt vào trại cải tạo tập trung. Khi Bố đi trình diện thì Mẹ đang mang thai Thục Vũ. Thế là Mẹ phải tần tảo thay Bố lo cho Bà Nội và Vũ thì đang tượng hình trong bụng Mẹ. Mẹ bương chải, buôn bán, vá víu đầu này, đắp đỗi đầu kia, lo miếng cơm manh áo cho gia đình và để có tiền đi thăm nuôi Bố.


Những năm Bố bị đưa ra Bắc, mẹ phải lặn lội, trèo non, lội suối, tuy mang thai Thục Vũ, mà Mẹ vẫn chịu khó đi thăm Bố rất thường xuyên. Một lần, gần đến ngày sanh, Mẹ lên thăm, và hỏi Bố muốn đặt tên con là gì?

Bố bảo: “Nếu con trai thì Phong Vũ, con gái là Thục Vũ”

Và cô ra đời với cái tên Bố chọn—“Thục Vũ”


***

Khi Vũ lên 8 thì Bố được thả về. Bố về thật bất ngờ. Vũ nhớ ngày hôm đó, cô đang đứng trước cửa chờ Mẹ, bất chợt, Vũ thấy một người đàn ông mặc bộ quần áo màu đen bạc màu, tuy cũ nhưng tươm tất, đang lầm lũi đi vào cổng nhà, Vũ dụi mắt nhìn lại, thì nhận ra Bố ngay, vì Vũ vẫn thường theo Mẹ đi thăm Bố. Mừng rỡ, Vũ kêu to:

-          Bà ơi ra mau, Bố cháu về Bà ơi!

Bà Nội đang nằm lim dim trên cái võng sau nhà, nghe Vũ gọi, Bà chạy ra, nhìn thấy Bố, bà ôm chầm lấy.

-          Ôi! Con tôi đây, Phong đây phải không con…. Con gầy và đen quá. Thục Vũ, chạy ra chợ báo cho Mẹ biết là Bố về rồi, bảo Mẹ lo thu xếp dọn hàng sớm, ghé chợ mua thêm thức ăn về nấu cho Bố ăn nhé.

Vũ chạy bay ra sạp bán hàng của Mẹ.

-          Mẹ ơi, Bố về rồi, Bà bảo Mẹ dọn hàng về sớm và mua thức ăn về nấu cơm cho Bố ăn.

Mẹ mừng run, vội vàng thu dọn hàng họ và đóng sạp, mẹ dắt Vũ ra chợ mua ít thịt, cá, rau cải về nấu cơm chiều.

Chiều hôm đó, cả nhà quây quần bên mâm cơm thịnh soạn, có thịt quay, bánh hỏi, canh thịt bò nấu với cải chua sắt nhỏ, cá rô rán vàng, v.v. là những món ngày xưa Bố thích ăn.


Từ khi Bố về, gia đình Vũ vui hẳn lên, Mẹ đỡ vất vả, vì có Bố phụ Mẹ buôn bán, Mẹ mua cho Bố cái xe ba gác để sáng sáng Bố chở hàng cho Mẹ và khách, xong Bố về nhà lấy xe đạp chở Vũ đi học.

Cứ thế, cuộc sống tưởng sẽ êm trôi vui vẻ với gia đình Vũ, nào ngờ, Mẹ mang bạo bịnh. Có lẽ vì những tháng, ngày cơ cực khi Bố đi tù, Mẹ vất vả với “cơm áo, gạo tiền” rồi còn phải lặn lội đường xa đi thăm Bố nên Mẹ bị suy nhược cơ thể, Bố về được 2 năm thì Mẹ mất.


Từ ngày Mẹ ra đi, Bố mất hẳn vẻ tinh anh, vui vẻ. Lúc nào mắt Bố cũng xa xăm, buồn bã, tuy Bố vẫn chăm lo cho Vũ và bà Nội thật đầy đủ. Ngày thường Bố chở Vũ đi học. Cuối tuần, Bố đưa Vũ và Bà đi chơi, chỗ này, chỗ kia, mua sắm cho hai bà cháu những món quà nho nhỏ, có khi Bố lại dắt cả nhà vào Chợ Cũ ăn mì vịt tiềm, Bố còn mua vịt quay, bồ câu chiên đem về để lên bàn thờ Mẹ, Bố thắp nhang khấn Mẹ mà mắt Bố rướm lệ....


Thấy Bố buồn, Vũ cũng chẳng vui, Vũ nhớ Mẹ bao nhiêu thì thương Bố bấy nhiêu. Vũ biết Bố thương Mẹ lắm, Bố thương Mẹ hơn tất cả. Vì thương nhớ Mẹ nên Bố mới ủ rũ như thế. Vũ cũng nhớ Mẹ có thua gì Bố đâu? Mẹ là tất cả của Bố con Vũ. Bây giờ Mẹ mất rồi, Bố và Vũ là hai cái bóng bên nhau, tuy có Bà Nội lúc nào cũng thương yêu, chăm sóc Bố con Vũ, nhưng làm sao bằng Mẹ được? Tình thương của Bà Nội khác hơn tình thương yêu của Mẹ với Bố...  Vũ thường nghe Bố nhắc đến Mẹ luôn. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, Bố đều thắp nhang rồi đứng lặng hàng giờ trước bàn Thờ Mẹ, lúc nào Bố cũng rớm nước mắt, Bố khấn nguyện, gọi tên Mẹ hoài... Vũ thương Bố quá. Đã bao năm rồi mà Bố vẫn chưa quên được Mẹ.

Thấy Bố vất vả vừa kiếm tiền lo cho gia đình, vừa phải làm “Gà trống nuôi con”. Bà nội khuyên:

-          Hay là con tìm xem có cô nào kha khá, hiền lành thì cưới về để nó phụ con trông coi việc nhà và chăm sóc Thục Vũ để con đỡ vất vả

-          Thôi Mẹ ạ. Thục Vũ còn nhỏ quá, con không muốn cảnh “Mẹ ghẻ con chồng”, vả lại con bây giờ chẳng còn thì giờ lo cho ai ngoài cái gia đình nho nhỏ này nữa Mẹ ạ

-          Nhưng mà vợ con đã mất mấy năm nay rồi, chả nhẽ con cứ ở vậy sao? Con cần có bạn nữa chứ!

-          Con có Mẹ, có Thục Vũ là đủ rồi.

Nghe Bố nói thế, Bà Nội cũng không ép. Bố con Vũ cứ sống như thế thì có tin “Các sĩ quan bị tù cải tạo trên 3 năm được theo diện H.O. sang Mỹ”. Bố biết mà vẫn dửng dưng chẳng chịu lo giấy tờ để xuất ngoại. Bà Nội nhắc thì bố bảo:

-          Con không muốn xa nơi đây, vì mộ nhà con còn nằm kia

-          Thì có sao đâu, vợ con mất rồi, con cứ bốc mộ Thục Đoan rồi thiêu lấy tro đem theo sang bên đó, để vợ con vào Chùa nghe kinh kệ, khi rảnh con đến thăm cũng được. Mình cần phải lo cho tương lai của Thục Vũ thôi, chứ Mẹ và con thì cần gì? Để con bé ở đây uổng cả một đời con trẻ con ạ.


Nghe Bà nói có lý, nên Bố đi lục lọi giấy tờ đem nộp vào diện H.O. đi Mỹ. Mặt khác, Bố mướn người tảo mộ Mẹ, thiêu lấy tro bỏ vào một cái hũ bằng men thật đẹp, đậy kín, Bố để lên bàn thờ Mẹ, chờ ngày đi sẽ bỏ vào vali.

Một năm sau, Bà Nội và Bố con Vũ được phỏng vấn và xuất cảnh sang Mỹ. Bố để căn nhà lại cho vợ chồng Cô Út. Trước ngày đi Bố bùi ngùi nhìn lại mái nhà thân yêu, nơi mà Bố mẹ đã ra công gây dựng từ bao lâu nay và Bố luôn tưởng như vẫn còn vương vấn hình bóng Mẹ. Bố không quên đem theo hũ tro và bức ảnh của Mẹ …. Gia đình Vũ được bảo trợ đến định cư tại Charleston, Tiểu Bang South Carolina…


Bắt đầu cuộc đời mới ở một đất nước xa xôi, những năm đầu, còn lạ nước lạ cái, cuộc sống thật vất vả. Bố tìm việc làm với mức lương tối thiểu để lo cho gia đình 3 miệng ăn, Bà Nội thì già, Vũ mới 15. Với tuổi này ở đây, họ bắt buộc Vũ phải đi học ở trường, chưa được cấp giấy phép cho đi làm, vả lại vốn liếng tiếng Anh của Vũ vẫn còn tệ lắm.


Bố xin được việc làm ở một khu chợ bán thức ăn. Ngày làm 8 tiếng. Vì chưa có kinh nghiệm, nên Bố chỉ đứng gói thịt, dần dần Bố học hỏi thêm, nên được đứng cắt thịt từng phần rồi giao cho người khác gói. Chiều về, Bố ăn qua loa, khi bát cơm nguội, hoặc miếng bánh mì, rồi Bố phải chạy đến trường để học ESL. Lúc đầu chưa có tiền mua xe, Bố phải đi nhờ xe của bạn làm chung sở, rồi Bố cũng dành dụm, mua được chiếc xe cũ, hàng ngày Bố đi làm và chở Vũ đến trường. Rồi Bố vào Đại Học Cộng Đồng Trident Tech học lấy mảnh bằng 2 năm về Computer, sau đó Bố tìm được việc làm cho một Công Ty điện tử, đời sống tạm ổn.


Cuối tuần Bố chở Bà Nội và Vũ đi chợ mua thức ăn, có khi ra công viên ngồi chơi. Tiểu Bang này rất ít người Việt, nên thật buồn. Đi làm về Bố còn phải phụ việc nhà, Bà nội càng ngày càng yếu, Thục Vũ thì bận học hành, lại sắp sửa thi vào Đại Học. Vũ lo luyện thi SAT và các bài thi khác. Khi Thục Vũ được 16 tuổi thì xin được “Work Permit”, Vũ tìm việc làm bán thời gian cũng đỡ cho Bố chút tiền sách vở và tiền quà. Thấy Bố túi bụi, Thục Vũ thỏ thẻ:

-          Bố ơi! Bà nội già yếu rồi, nay mai con cũng vào nội trú, Bố ở nhà một mình sẽ cô đơn lắm, Mẹ mất đã lâu, Bố nên tìm một người bạn để hủ hỉ sớm hôm đi Bố.

Bố lắc đầu

-          Con không hiểu Bố đâu. Trong lòng Bố lúc nào cũng chỉ có hình bóng Mẹ thôi

-          Mà Mẹ đã mất lâu rồi, sao Bố không nghĩ đến sự cô đơn của Bố chứ?

-          Mẹ con là người Bố yêu thương suốt đời, có con và Bà Nội ở cạnh bố là đủ rồi, Bố không bao giờ cô đơn

-          Thì Bố cũng nên tìm được người thay thế cho Mẹ chứ, biết đâu Bố sẽ gặp người khác còn hơn cả Mẹ thì sao?

-          Không con ạ. Hôm nay Bố sẽ tâm sự cho con nghe về tình yêu của Bố Mẹ nhé:

“Ngày Bố còn trẻ, Bố cũng có nhiều cuộc tình, hẹn hò nhiều người đàn bà, trẻ, đẹp hơn Mẹ con nữa. Bố cũng đã từng yêu thương, hứa hẹn, v.v... Nhưng đến khi Bố gặp Mẹ trong một buổi sinh nhật tại nhà người bạn, cặp mắt của Mẹ đã làm Bố say mê và quyến luyến. Sắc đẹp của Mẹ không nổi bật như các người đàn bà mà Bố đã quen, ở Mẹ toát ra một sự hiền dịu, duyên dáng thật khó nói, nhìn Mẹ tim Bố xao xuyến, băn khoăn, Bố bị ám ảnh bởi cặp mắt long lanh và mái tóc dài của Mẹ mãi suốt đêm hôm đó.


Bố vốn rất dạn dĩ, phong ba đời quân ngũ, nhưng bố lại thật nhút nhát không dám làm quen với Mẹ, mặc dù gương mặt Mẹ rất nhân hậu, nhưng trong cái nhân hậu đó có một sự kính trọng e dè. Vì thế mà ngày hôm sau Bố nhất quyết hỏi thăm bạn của Bố về Mẹ. Bố được biết Mẹ là con gái út một nhà giáo, được cưng chiều. Mẹ có ăn học và rất thùy mỵ, Mẹ cũng đang có nhiều người theo đuổi. Nhờ người bạn giới thiệu nên Bố làm quen được với Mẹ. Từ đó, Bố Mẹ quen nhau rồi thương yêu nhau. Bố bỏ hết những mối tình xa xưa, quên hết những chuyện tình vụn vặt. Bố luôn luôn ở bên Mẹ.

Rồi Bố phải đổi ra miền Trung, Mẹ khóc hết nước mắt, Bố xa Mẹ cũng không đành, thế là Bố về xin Ông Bà Nội cưới Mẹ cho Bố.

Ông Bà ngoại tuy thương Bố, nhưng Ông Bà lo ngại khi lập gia đình với Bố thì Mẹ sẽ theo Bố đi xa. Bố phải năn nỉ và hứa là sẽ để Mẹ thường xuyên về thăm ông bà. Cũng may chỉ ở Huế có ít lâu thì Bố được chuyển về làm việc tại Sàigòn. Thế là Mẹ lại được gần Ông Bà Ngọai.


Bố Mẹ rất hạnh phúc bên nhau, Mẹ là một người đàn bà đảm đang, một người vợ tế nhị. Bố rất hãnh điện và nghĩ không thể có một người đàn bà nào có thể thay thế Mẹ trong trái tim của Bố. Bố nói như thế, chắc con cũng hiểu được tình cảm của Bố rồi phải không? Thế đấy. Vì vậy mà khi Bà Nội hối thúc Bố tìm Mẹ kế cho con, Bố đã không chịu. Bây giờ chính con lại khuyên Bố nữa, chỉ khi nào có một người đàn bà thứ hai như Mẹ thì Bố mới xiêu lòng thôi, con gái của Bố ạ. Bố cũng không muốn con chịu cảnh ‘mấy đời dì ghẻ biết thương con chồng?’ Dù con cũng đã lớn rồi, nhưng Bố sợ gặp phải người kế mẫu ác nghiệt với con thì chắc chắn Mẹ ở nơi xa xăm kia sẽ buồn đau không ít, Bố không muốn làm đau lòng Mẹ. Con hiểu Bố nói gì rồi chứ?”


Bố đã tâm sự nỗi lòng của Bố với Thục Vũ như thế! Nước mắt Thục Vũ giàn dụa, thương Bố quá. Bố ơi! Tai sao Bố lại chung thủy với Mẹ đến như thế được nhỉ? Trong cuộc sống hàng ngày, Thục Vũ cũng thường nghe và thấy có nhiều gia đình đổ vỡ, biết bao nhiêu người đàn ông đã có vợ mà còn lăng nhăng, vợ bé, vợ mọn, bồ bịch lung tung. Thậm chí, có người còn bất chấp dư luận bay về VN cưới những cô vợ chỉ đáng tuổi con đem sang làm vợ nữa. Thế mà Bố của Thục Vũ vẫn một lòng với Mẹ. Bố chịu hy sinh hết cuộc đời cho Thục Vũ chỉ vì Bố yêu Mẹ, không muốn người khác vào chiếm vị trí của Mẹ trong tim Bố và Vũ.


Thục Vũ đưa mắt nhìn Bố. Bố thật đẹp trai, nước da bánh ít ngâm ngâm, gương mặt chữ điền, sống mũi thẳng tắp và nhất là cặp mắt của Bố thì khỏi nói, cặp mắt cương nghị xa xăm, lúc nào cũng buồn vời vợi, nhìn tuy nghiêm khắc, nhưng khi Bố cười thì ôi thôi, cả một trời thương, đuôi mắt có những đường nhăn hằn sâu, nhưng vẫn rạng rỡ, gương mặt Bố có cái nét duyên dáng tráng kiện của một người đàn ông chung thủy và chịu đựng. Nhìn Bố hoài, và Thục Vũ chợt hiểu tại sao Mẹ lại yêu thương Bố như thế, vì lòng Bố rất vị tha và đáng kính. Bất chợt Thục Vũ ước ao, khi cô lập gia đình cũng được diễm phúc như Mẹ, Thục Vũ chỉ mong kiếm được một người chồng chung thủy, lo gia đình hết mực và đáng yêu như Bố. Đó là nền tảng của một mái ấm hạnh phúc, nhưng thực tế dễ có mấy ai được như thế nhỉ!


Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày “Từ Phụ”. Thục Vũ nghĩ mãi, cố gắng tìm một món quà nào thật qúy giá để tặng Bố, Bố rất giản dị, Bố không thích quà cáp tốn tiền. Mấy năm trước lúc Thục Vũ còn bé, vào ngày “Father’s Day”, Thục Vũ chỉ vẽ hay tự làm tặng Bố những bức hình có Bà Nội ngồi ở giữa hai bố con. Bây giờ Thục Vũ đã đi làm bán thời gian, cũng có tí tiền để dành. Thục Vũ muốn tặng Bố một món quà do chính đồng tiền của Vũ mua tặng Bố. Vũ chợt nảy ra ý định đem bức hình của Mẹ đến một tiệm họa hình nhờ hoạ lại bức chân dung của Mẹ để tặng Bố, nhất định Bố sẽ thích lắm.


Thục Vũ vui mừng khi cô đã nghĩ ra được món quà tặng bố rất ý nghĩa cho ngày “Father’s Day” rồi. Thế là yên tâm. Cô mượn Bà nội tấm ảnh bán thân của Mẹ hồi còn trẻ, bức hình mà Bà Nội và Bố đang cất kỹ trong cuốn Album. Theo ngày tháng, tấm ảnh tuy đã hoen màu giấy, nhưng vẫn còn rõ nét xinh đẹp của Mẹ ngày xưa Vũ đem tấm ảnh ra tiệm nhờ hoạ lại. Vài tuần sau Vũ đến lấy.


Ôi! Tấm ảnh hoạ lại mà giống Mẹ như khuôn đúc. Vũ sung sướng ghé tiệm mua một khung hình tuyệt đẹp. Cô lồng bức ảnh của Mẹ vào khung, rồi bỏ vào hộp. 

***

Chủ Nhật, tháng Sáu, đúng vào ngày “Father’s Day”

Vào buổi chiều, Thục Vũ mời Bà Nội và Bố đi ăn cơm tối tại một nhà hàng nho nhỏ, sau phần tráng miệng. Cô lấy gói quà đã gói và cột nơ thật đẹp, trân trọng đưa Bố, không quên kèm theo tấm thiệp

 

"HAPPY FATHER DAY

CHÚC BỐ MỘT NGÀY ‘TỪ PHỤ’ VUI VẺ

BÊN CẠNH NGƯỜI THƯƠNG MUÔN ĐỜI CỦA BỐ

THỤC VŨ"

Bố từ từ mở gói quà, rồi bố: “Ồ!” lên một tiếng thật to, khi Bố nhìn thấy tấm ảnh bán thân của Mẹ với mái tóc huyền xõa dài trên vai, cặp mắt bồ câu đen láy đang mở to, và quyến rũ nhất là nụ cười tươi thắm đang nở trên đôi môi xinh đẹp của Mẹ. Bố bàng hoàng, sững sờ, không thốt nên lời, rồi bất chợt, đôi dòng lệ tuôn trào trên mắt Bố. Bà Nội và Thục Vũ cũng rớm mắt khóc theo. Bố bảo:

-          Đây là món quà quý giá nhất đời của Bố. Bố yêu tấm ảnh này của Mẹ nhất. Bức ảnh này là lúc Bố quen và có ý định xin cưới Mẹ, Bố đã xin tấm ảnh của Mẹ đem về cho Ông Bà Nội xem, trước khi đi hỏi Mẹ cho Bố đấy con ạ. 

-          Bức ảnh kỷ niệm Bố rất quý và giữ mãi đến bây giờ. Cám ơn con đã cho Bố một ngày “Từ Phụ” thật ấm cúng và đầy đủ ý nghĩa. Bố là người hạnh phúc nhất, bên Bố có Bà Nội, có con gái yêu quý và có cả Mẹ nữa. Bố thấy đầy đủ lắm rồi Thục Vũ ơi !

Và bố nhìn vào ảnh của Mẹ thì thầm:

-          Thục Đoan ơi! Con gái của chúng ta thật tuyệt vời em ạ. Anh hy vọng nơi xa xăm kia, em có thể nhìn và thấu hiểu được lòng anh yêu thương em và con như thế nào! Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời của anh từ khi vắng em….

 

Viết cho ngày Từ Phụ

Kiều Oanh—June 2018

06 Tháng Hai 2010(Xem: 84515)
Tôi chỉ nhớ mong manh rằng buổi trưa hôm ấy đứng ở sân thượng với gói quầ n áo trong tay nhìn ra phía xa, ngọn đồi huyền bí của tôi nay chỉ còn là một bóng mờ, chập chờn sau những đám khói đen mù mịt.
30 Tháng Giêng 2010(Xem: 91507)
Vậy khi một nhà thơ, nhà văn nào đã qua đời, thì, làm ơn, nếu không vì nhu cầu nghiên cứu tiểu sử để tìm hiểu cặn kẽ về bối cảnh và điều kiện sáng tác của họ, xin đừng khai thác đời tư của họ để phục vụ cho bất kỳ một mục đích nào khác hơn là góp phần cống hiến cho đời ba điều thật đơn giản, nghe rất nhàm tai, nhưng vô cùng cao quý, đó là: Chân, Thiện và Mỹ.
25 Tháng Giêng 2010(Xem: 97942)
Tôi nhớ câu nói của một ông anh trong vùng tôi đang sống, rằng sau khi hoàn tất một công việc, bao giờ người ta cũng thấy hai túi áo chứa đầy những lời cảm tạ và những lời xin lỗi.
11 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 95629)
Nhớ về quê hương, nhớ thời thơ ấu, dưới mái trường xưa, con đường ngập lá vàng rơi, nhớ chúng mình một thời rong chơi. Cuộc đời đổi thay, chúng ta mỗi người mỗi ngả, đối với tôi, đời sống thế nào? Ngày tháng phôi pha, xứ người xa lạ, lòng luôn ngóng về quê hương, nhớ từng nơi ngày đó chúng tôi đã đi qua, nhưng bây giờ cảnh cũ không còn và các bạn xưa cũng không còn, biết lưu lạc nơi nao?
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 100381)
Chỉ còn vài ngày nữa là thành phố Adelaide, nơi tôi đang cư  ngụ sẽ vẫy tay chào mùa đông để chính thức bước vào mùa xuân. Ngày đã trở nên dài ra và trời đã bắt đầu ấm áp trở lại.
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 94003)
Cầm tờ thư của cô tôi ấp nhẹ vào ngực. Ơi! cô giáo nhân ái còn hơn bà tiên trong thần thoại đã dang tay cứu tôi trong nhiều lần khốn khó. Thời gian đi qua thật lâu rồi nhưng tất cả những gì về cô tôi đều nhớ. Bảy năm trời lớn lên từ một mái trường nên mãi mãi ngôi trường Ngô Quyền thân yêu ấy là một ngăn nhớ êm đềm trong quả tim tôi.
12 Tháng Mười Một 2009(Xem: 97346)
Vậy là con bé út của tôi đã đi học được hai hôm. Mọi học khu đều đã khai giảng niên khóa mới từ đầu tháng 9 mà mãi tới giờ, đầu tháng mười một, con gái tôi mới “cắp sách” đến trường cũng bởi nó bị “lọt sổ”.
02 Tháng Mười Một 2009(Xem: 210456)
Mùa Thu, mùa của tình yêu, của nhớ nhung, lãng mạn và là… của em.
30 Tháng Mười 2009(Xem: 100964)
Đã vài năm qua, kể từ ngày lễ Halloween năm 2005, lúc nào bà Jenna cũng nhớ hình ảnh người giao pizza rất trẻ, chắc chưa đến tuổi hai mươi lúc đó, nhưng có thái độ chững chạc của một người đã đi hơn nửa cuộc đời, và có tấm lòng của một ông tiên trong những truyện cổ tích.
17 Tháng Mười 2009(Xem: 96074)
“Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một, như đường mía lau"
22 Tháng Bảy 2009(Xem: 92371)
Tôi như lang thang trên những con phố Biên Hoà, những con đường dẫn tôi đến sân trường cũ, ở đó lời Thầy Cô còn vang vọng, tiếng lao xao của bạn bè còn nghe rõ như in, tà áo dài ai trắng đến tinh khôi...
17 Tháng Bảy 2009(Xem: 75561)
Chuyến bay VN 7640 của Hàng Không Việt Nam cất cánh đúng 6 giờ 30 sáng ngày 13 tháng 9 năm 1994, trên đường bay đến Hong Kong. Trong đám đông thân nhân đang nhốn nháo vẩy tay trên sân thượng kia có đủ mặt bốn đứa con của chúng tôi, mặc dầu, qua cửa sổ máy bay, tôi không còn nhận ra chúng nữa.
04 Tháng Bảy 2009(Xem: 84609)
(Để tưởng nhớ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nhân ngày giỗ th ứ 15 của anh / tháng Tám, 2008) Giờ đây, dưới những tàn cây, bóng mát trong nghĩa trang này, tôi đến thăm mộ anh, thắp nén hương lòng hoài niệm về một thời quá khứ buồn nhiều hơn vui giữa chúng tôi, dù không biết rằng những việc làm trước kia đối với anh là đúng hay sai, nhưng tôi cũng muốn nói với anh lời tạ lỗi.
02 Tháng Bảy 2009(Xem: 76341)
Với lòng biết ơn của Cựu HS Ngô Quyền với những “người lái đò” xưa đã đưa chúng em đến bến bờ thành công Kính tặng Thầy Nguyễn Phi Long, kính tưởng nhớ Thầy Phùng Thái Toàn
25 Tháng Sáu 2009(Xem: 93593)
Việc thi cử ở nước ta đã có một truyền thống lâu đời truyền lại. Miền Nam sau này việc thi cử phần nào cũng tiếp nối cái tinh thần của truyền thống ấy. Thật vậy, nước ta đã có gần 20 thế kỷ dùng chữ Hán kể từ thời Bắc thuộc. Và 10 thế kỷ chữ Nôm đánh dấu thời kỳ tự chủ. Việc thi cử tính ra cũng được ngàn năm.
27 Tháng Năm 2009(Xem: 87047)
  Trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường, chúng ta quả thực rỏ ràng thấy được: Gốc cây trường trung học Ngô Quyền đã có nhiều cành ngọn và Nguồn trường xưa đã tỏa rộng khắp nơi.
16 Tháng Năm 2009(Xem: 58697)
“Một góc Thầy Trò” hôm nay mời bạn quay về quá khứ của Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), thế hệ học sinh đầu tiên của Trung học Ngô Quyền – với “chị cả ” Lương Thị Khá đ ang định cư ở Boston, Massachusetts.
15 Tháng Năm 2009(Xem: 77724)
Ở Việt Nam, mùa hè bắt đầu với những cành phượng đỏ nở rực cả góc trời, với tiếng ve kêu ra rả buồn xót xa, thì ở đây chỉ có hoa “jacaranda” và nắng ấm. Không biết từ bao giờ tôi đã yêu thích màu hoa “jacaranda”, thích ngang qua những con đường có trồng hoa rợp bóng, nhìn những cánh tím nhỏ li ti trải đầy trên đất, thêu từng mảng trên không, tôi cảm thấy dường như mình đang đi trong một giấc mơ.
14 Tháng Năm 2009(Xem: 75150)
Cha tôi cũng thường nói nhiều người trên đời này ưa làm anh hùng đến nỗi quên rằng mình có một bà mẹ. “Úi trời, làm anh hùng mà không có mẹ thì làm anh hùng mà chi!”
07 Tháng Năm 2009(Xem: 82270)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…