Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Kiều Oanh Trịnh - RỒI 50 NĂM SAU

01 Tháng Tư 201712:08 CH(Xem: 16115)
Kiều Oanh Trịnh - RỒI 50 NĂM SAU

Ri 50 Năm Sau

 
tinh gia

Bà vuốt lại nép áo dài cho ngay ngắn, lướt vội cây lược lên mái tóc, bước ra phòng khách, đã thấy ông ngồi đợi, không biết tự bao giờ, bà hơi ngượng.

-          Ông chờ tôi lâu chưa?

-          Thì khoảng nửa tiếng

-          Sao ông không gọi?

-          Gọi làm gì, bà vẫn như xưa, có gì thay đổi đâu, Tôi chờ Bà quen rồi mà

“Tôi chờ Bà quen rồi mà”

Câu nói của ông Lâm vừa bừng lên trong lòng bà một tình cảm lâng lâng, dĩ vãng hiện về, bà nhớ lại 50 năm trước. Năm bà 16 và ông 20.

Chuyện kể 50 năm trước

o O o

Hôm nay cô đi học sớm, định vào lớp ngồi ôn bài vài phút, vừa bước qua ngã rẽ con đường vào trường, cô lại bắt gặp ánh mắt của anh, người con trai có dáng dong dỏng cao, tóc chải bềnh bồng mà ngày nào cô cũng thấy anh đứng ở góc phố trước khi rẽ vào cổng trường, bất ngờ anh từ từ bước lại gần, khiến cô giật mình. Một giọng nói ấm cúng vang lên:

- Hôm nay sao đi học sớm thế!

Cô lắp bắp:

- Xin lỗi, anh hỏi tôi? Mà sao anh biết hôm nay tôi đi học sớm?

- Ngày nào tôi chả đứng đây chờ Ngân

Cô tròn xoe đôi mắt, hỏi lại:

- Anh biết cả tên tôi mà anh chờ tôi để làm gì? Anh định nhờ tôi đưa thư cho Ngọc Quyên hả?

(Quyên là bạn thân của cô, hoa khôi của lớp Nhị C, và cô là người thường bị các chàng nam sinh trong trường nhờ chuyển thư cho Quyên).

- Không, tôi chờ cô, gửi cô cái này

Anh nhét vội vào tay cô 1 phong thơ, rồi lật đật rảo bước như chạy, chắc sợ cô trả lại. Cô vừa hoang mang, vừa sợ. Không biết anh ta viết gì trong thơ? Cô cũng không dám mở ra đọc vì ngại bạn bè trông thấy lại chế riễu, cô dấu ngay lá thư vào cặp...

Kim Ngân thân mến,

Trước hết, cho tôi xin lỗi vì đã mạo muội viết lá thư này, nhưng tôi phải viết để bày tỏ lòng mình, nếu không thì tôi sẽ ấm ức mãi...

Đã từ lâu, tôi ngưỡng mộ Ngân, hàng ngày tôi cứ đứng ở góc đường này chờ em đi ngang (xin lỗi cho tôi được gọi cô bằng Em nhé), chỉ khi nào nhìn thấy bóng dáng thon nhỏ của em trên con đường rẽ vào cổng trường thì tôi mới yên tâm lững thững theo sau, không biết Ngân có để ý không?

Hôm nào vắng bóng em là lòng tôi bồn chồn, không yên. Tôi suy nghĩ và đắn đo mãi, nhất định viết bức thư ngỏ lòng này để em hiểu tình tôi. Tâm trạng của tên học trò lớp Đệ Nhất (lớp 12) này không còn nhiều thời gian để chần chờ, vì sau khi ra trường, dù lấy được bằng TT2 hay không thì tôi cũng phải rời xa mái trường thân yêu suốt 7 năm dài, nơi đây tôi đèn sách, vui học cùng bạn bè và cũng là nơi đã run rủi cho tôi gặp được người con gái mà tôi rất quý mến.

Hàng ngày, nhìn em vô tư, yêu đời, em ngây thơ vui đùa với các bạn giữa giờ chơi, tôi đứng hàng giờ lặng lẽ nhìn em, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc, tôi mong em hiểu được tình cảm của gã con trai si tình, luôn giữ mãi hình ảnh của em trong tim từ bấy lâu nay. Ngân không cần phải trả lời nếu em thấy bức thơ này không hợp với em. Còn như, nếu em có thể cho tôi cơ hội được làm một người bạn hay người anh của em thì tôi xin cám ơn em rất nhiều.

Vài hàng bày tỏ tâm tư cho vơi bứt rứt, áy náy trong lòng, vì nay mai, khi ra tường rồi thì không biết chúng mình có dịp gặp nhau nữa không, ngày thi gần kề, tôi phải bạo gan viết lá thư này cho em, rồi mới yên tâm đèn sách… Chúc em luôn luôn tươi vui, trẻ đẹp.

Thân tình

Lâm

 

Đọc xong bức thư của anh, cô ngỡ ngàng, ngồi lặng yên nhớ lại. 

A đúng rồi, ngày nào cũng thế, khi đến ngõ rẽ vào cổng trường, cô đều thấy anh đứng đấy, dáng gầy gầy, cao cao, gương mặt chữ điền với sống mũi thẳng, mái tóc đen bồng bềnh, trên tay ôm chồng sách, đặc biệt là anh không xách cặp táp như những nam sinh khác, nhìn anh chững chạc như 1 sinh viên hơn là một nam sinh của lớp 12. Cô thấy lòng lâng lâng, và chợt nhận ra là cô cũng đã để ý đến anh mỗi khi thấy anh ở góc phố, nhưng cô lại tưởng anh đang đứng đợi bạn gái. Cô không ngờ người bạn gái trong mắt anh chính là cô. Cô hồi âm thư anh và từ đó, hai người trao đổi thư từ với nhau hàng ngày, dù chưa một lần nắm tay hay đi dạo phố nhưng tình cảm giữa anh và cô thật gắn bó. 

Cô đưa anh về nhà giới thiệu với Ba Mẹ, xin Ba Mẹ cho anh đến nhà dạy toán cho cô mỗi cuối tuần. Thế là tình cảm bén dần, tình bạn đã biến thành tình yêu thật nhanh…

Và từ đó anh và cô như hình với bóng, bất cứ cuộc vui họp mặt nào do trường tổ chức đều có bóng anh bên cô.

Chuyện tình của hai người đẹp như mơ, tưởng sẽ bền lâu mãi mãi, nào ngờ chiến tranh sôi động, máu lửa lan tràn khắp nơi, nhất là cuộc tấn công của cộng quân vào Thủ Đô và các vùng lân cận trong dịp Tết Mậu Thân (1968). Cộng Sản miền Bắc tham tàn, miền Bắc bất chấp các cuộc đàm phán cứ tiến dần vào đánh phá miền Nam, dân miền quê sống trong hồi hộp khi hằng đêm Việt Cộng về phá khuấy, rồi lính VNCH phải tăng cường đến các vùng quê xa để bảo vệ an ninh cho dân chúng. Chính phủ bắt đầu ra lệnh tổng động viên. Anh, đúng tuổi nhập ngũ nên phải đăng vào trường Võ Bị Thủ Đức.

Những ngày, tháng anh còn học tập ở Quân Trường, cô đều đến thăm anh hàng tuần. Sau khi ra trường, anh bị đổi ra miền xa, cô và anh từ đó chỉ còn trao đổi với nhau qua những cánh thư chất đầy nhung nhớ, nhưng rồi thư từ cũng thưa thớt dần, cô thì bù đầu vào sách vở, anh lại bận rộn với những cuộc hành quân, đối đầu với những cuộc chạm địch, nhìn các bạn đồng đội ngã xuống dưới lằn đạn của địch quân mà anh không còn lòng dạ nào để nghĩ đến tình cảm riêng tư của mình, có nhiều lúc nhớ cô ra riết nhưng anh không thể nào nặn bút để ngồi viết cho cô 1 lá thơ dù chỉ để báo cho cô biết là anh đang bình yên.

Nhìn những người lính trẻ ngã gục mà anh xót xa khi thấy vợ con lên nhận xác chồng… và anh tự nhủ:

- Đời lính bấp bênh, rày đây, mai đó, sống chết bất thường, mình không nên… nhất định không nên để khổ lụy cho Ngân, hãy để em yên tâm học hành, nếu rủi ro mình có mệnh hệ nào thì em sẽ không sớm làm “goá phụ” khi còn qúa trẻ…

Và từ đó anh vùi đầu vào cuộc chiến, ngưng hẳn thư từ về cho cô, và cũng dặn gia đình anh đừng cho cô biết gì về anh cả, để cô từ từ quên anh, tuy nhiên anh vẫn thường thăm hỏi cô qua tin tức của gia đình.

Phần cô, từ ngày anh đổi ra đơn vị xa, chỉ vài tháng đầu cô còn nhận được thư của anh, rồi từ từ bặt tăm, thư cô gửi cho anh không bao giờ thấy hồi âm. Cô lại nhà anh hỏi thăm thì cả nhà cũng đều nói là anh bận hành quân trong rừng, không liên lạc thư từ được.

Sau khi tốt nghiệp Đại Học, cô ra trường đi dạy ở một trường Trung Học tỉnh nhà và kết hôn với một giáo sư đồng nghiệp, đơm hoa, kết trái vợ chồng cô sinh được 1 trai, 1 gái, bận bịu việc cơm áo gạo tiền và chăm lo các con nên mối tình đầu của cô đã dần trôi theo năm tháng. Tuy nhiên, cũng có đôi lúc mộng mơ, chợt nghĩ về anh, nhưng chỉ thoảng qua một lúc rồi cô lại quay về với xấp bài tập của học trò đang chờ cô chấm điểm… cùng với bổn phận làm vợ và làm Mẹ.

Phần anh, khi được cô em gái viết thư báo tin Ngân đi lấy chồng, tim anh như vỡ vụn, anh ôm đầu gục xuống bàn, nước mắt tuôn rơi… Trong phút chốc, anh vùng dậy và tự nhủ:

- Thế cho xong. Đó là ý mình muốn mà, tại sao phải đau khổ? Mình nên mừng cho em mới đúng chứ!

Rồi anh lại tiếp tục lao mình vào các cuộc hành quân, anh xông pha qua các vùng địa đầu chiến tuyến, Khe Sanh, Hạ Lào, v.v... Anh hăng say chiến trận, cố quên dần mối tình học trò ngày xưa…

Và rồi anh cũng lập gia đình với người em gái của bạn anh, vợ anh là một người đàn bà bình dị, chịu thương chịu khó, anh quen nàng trong 1 dịp nàng lên thăm Trung--bạn anh vào 1 ngày cuối năm, đúng đêm Giao Thừa với một giỏ đầy thức ăn: bánh chưng, dưa hành, thịt kho, dưa giá.

Sau cuộc tấn công của VC vào Tết Mậu Thân, Tết đến các quân nhân đều bị cắm trại. Gia đình anh ở xa nên anh tình nguyện ở lại với các anh em. Và năm nay, Ngọc, cô em gái của Trung đã thay Mẹ đem qùa Tết lên cho Trung, vì biết anh xa nhà nên Mẹ Trung gói thêm 1 phần qùa Tết cho anh nữa…

Nhà Trung ở tỉnh bên cạnh, cách nơi các anh đóng quân không xa, nên thỉnh thoảng… mỗi lần có dịp anh đều theo Trung về thăm gia đình. Bố mẹ Trung rất quý mến anh, xem anh như người trong nhà, và rồi anh kết hôn với em gái Trung là cô Ngọc, từ đó anh yên bề gia thất, Ngọc theo hẳn anh vào ở trong căn cứ, nơi các anh đóng quân, và rồi Thảo, Thu, Thanh chào đời ở tiền đồn heo hút, anh vẫn mải mê cuộc đời quân ngũ, vẫn lặn lội hành quân nơi rừng sâu lùng địch, Ngọc ở nhà thay anh lo cho các con. Cuộc sống tươi vui khi các anh thắng trận trở về, và buồn đau khi có một vài người hy sinh.

Dưới sự chỉ huy của anh, đại đội của anh đã chiến thắng nhiều trận đánh oai hùng, nhưng cũng không khỏi xót xa khi một vài người lính của anh đã anh dũng hy sinh…

Và rồi… ngày đau thương 30 tháng Tư đổ xuống, anh và Trung phải vào ngồi trong trại Tù cải tạo 8 năm, rồi theo diện H.O. đưa gia đình sang Mỹ, gia đình anh được một hội nhà Thờ bảo lãnh về Charleston, South Carolina, gia đình Trung thì đi Georgia, Atlanta.

Nơi xứ lạ quê người, thật là vất vả vợ chồng anh bôn ba lo cơm áo gạo tiền, ngày đi làm, tối đi học thêm, lấy được mảnh bằng kỹ sư công chánh, anh tìm được việc làm tốt, an nhàn. Vợ chồng anh mua được căn nhà khá khang trang, yên tĩnh… các con lớn dần vào Đại Học và từ từ lập gia đình rời xa tổ ấm. Căn nhà trở nên rộng thênh thang, nhưng vẫn ấm cúng vì bên anh lúc nào cũng có ngưòi vợ hiền đảm đang thương anh hết mực.

Dòng đời tưởng cứ êm ả buông trôi như thế cũng đủ mãn nguyện lắm rồi, vơ chồng anh đến tuổi về hưu, hai người rảnh rang đi du lịch khắp nơi, vui hưởng hạnh phúc sau những năm tháng miệt mài, cực khổ nơi xứ người. Nào ngờ vào một ngày cuối Thu, người vợ đầu ấp tay gối đã bỏ anh ra đi sau 1 cơn bịnh bất ngờ, để lại cho anh bao hụt hẫng đau thương. Anh ra vào căn nhà như một người mất hồn, thơ thẩn như 1 chiếc bóng bên dư ảnh vợ.

Các con không đành lòng nhìn anh sống âm thầm trong căn nhà rộng rãi với đầy kỷ niệm của Mẹ, nên đã đề nghị bố bán nhà để về ở chung với các con, nhưng anh không chịu, vì tánh tự lập đã quen, nhưng cũng tự xét thấy mình đã lớn tuổi mà sống 1 mình thật cô đơn, về sống chung với các con thì anh cũng không muốn sẽ là gánh nặng cho vợ chồng chúng, thế là anh quyết định bán nhà vào sống trong một chung cư khang trang dành cho những người hồi hưu.

Đây là 1 chung cư sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, với tiền bán nhà, tiền hưu trí và tiền để dành của vợ chồng anh thì anh tự lo cho mình một cuộc sống đầy đủ không cần phải phiền hà đến các con. Ở đây anh có bạn bè đồng trang lứa dễ thông cảm, cơm nước có người nấu đem lên tận phòng, hàng tuần có xe chở đi chơi, tham quan các nơi, có trung tâm tập thể dục, có hồ bơi lội cho giãn gân, cốt, rồi vào solar ngồi sưởi cho toát mồ hôi. Tóm lại, một nơi rất tốt cho những người lớn tuổi và độc thân như anh, năm nay anh vừa tròn 70. Ra vào gặp bạn bè vui vẻ, ai cũng gọi anh là ông Lâm…

o O o

 

Sáng nay nhân viên ở Văn Phòng cư xá có dặn ông Lâm chiều nay xuống họp mặt họ tổ chức tiệc Sinh Nhật chung cho những người sinh cùng tháng ở phòng ăn. Ông chợt nhớ ra là hôm nay cũng đúng là sinh nhật năm thứ 70 của mình, ông thì thầm:

- Mình cũng nên diện 1 chút để mừng sinh nhật mình chứ

Ông chọn bộ quần áo đẹp nhất và ngắm mình trong gương, ông tự hào là mình tuy đã lớn tuổi nhưng cũng còn phong độ lắm. Ở tuổi 70, ông rất sáng suốt, vẫn tự lái xe đi thăm các con, đi chơi với các cháu nội, ngơại hàng tuần. Ông vẫn ăn ngon, ngủ kỹ. Hình như tuổi tác không thắng nổi ông, nhìn ông không ai tin là ông đang ở tuổi 70 cả. Ông nhìn rất trẻ …

Ông vừa bước vào phòng ăn thì đèn tự nhiên bật sáng trưng, mọi người òa lên:

- Happy 70 Birthday Mr. Lâm…

Ông dụi mắt, chung quanh ông ngoài những người ở trong cư xá còn có gia đình 3 đứa con của ông, Thảo, Thu, Thanh và 1 đàn cháu ngoại 6 đứa hùa nhau chạy lại ôm ông chặt cứng…

- Chúng con mừng Sinh Nhật Ba, Happy birthday “Ông Nội” Happy Birthday “Ông Ngoại” …

Rồi thì: nào hoa, nào bánh, nào quà… ông nhìn quanh thì chắng thấy người nào cùng mừng Sinh Nhật chung với ông hôm nay cả, mà chỉ có 1 mình ông thôi. Hỏi ra thì được biết là các con của ông đã mượn phòng ăn của Cư Xá để làm tiệc Sinh Nhật 70 cho ông và sẵn mời hết tất cả các ông bà cùng trong cư xá tham dự. Đây cũng là dịp để các ông bà gặp mặt, quen biết nhau…


Một cái bàn dài phủ khăn trăng tinh, giữa bàn là 1 cái bánh to tướng khắc chữ mừng sinh nhật có tên ông, la liệt bên cạnh những món ăn thuần túy, quê hương, có lẽ các con của ông đã đặt ở một tiệm ăn trong vùng…. Mọi người ùa lại cụng ly chúc mừng và tự giới thiệu nhau.


Đang vui vẻ bắt tay từng người thì ông chợt dừng lại trước mặt một người phụ nữ mà ông ngờ ngợ đã quen… khi mắt ông chạm với đôi mắt của Bà, ông ấp úng:

- Thưa, có phải bà là …

- Vâng thưa ông, tôi là Ngân vừa đến tạm trú ở cư xá này khoảng 2 tuần.

- Bà Ngân? Có phải cô Ngân ngày xưa học ở Trung Học NBT không?

- Ồ, ông, ông Lâm phải không….

Bà thoảng thốt kêu lên và rồi ông bà nhận ra nhau, thế là dĩ vãng quay về, chiều hôm đó hai ông bà được dịp bày tỏ gia cảnh và kể cho nhau nghe những biến chuyển xẩy ra trong những năm dài xa cách…

Bà goá chồng, ông goá vợ, hai người bạn của mối tình học trò năm xưa tưởng đã chìm dần vào quá khứ, nào ngờ hôm nay, nơi xứ lạ, quê người, ngẫu nhiên mà họ lại gặp nhau tại Cư Xá Tuổi Vàng này… Dĩ vãng cứ lần lượt hiện ra, và rồi một bữa tiệc nho nhỏ do các con của hai ông bà tổ chức trước sự họp mặt của gia đình các con và vài người bạn thân trong cư xá để kết nối lại mối tình dang dở của Ông Lâm--Bà Ngân, hai người yêu cũ nối lại tình xưa dù đang đi vào tuổi già, bóng xế.

Ông bà trả lại 2 căn cư xá độc thân để cùng dọn vào 1 căn hộ lớn hơn có bếp, phòng ăn và phòng khách dành cho những cặp vợ chồng, ngày ngày ông chở bà đến Trung Tâm tập thể dục, bơi lội, yoga, nhảy nhót, ăn trưa. Chiều về tự tay bà nấu những món ăn nhè nhẹ, hai ông bà ngồi bên nhau vừa nhâm nhi, vừa ôn lại chuyện cũ.

Cuối tuần, khi thì đến nhà con gái của ông, lúc lại đến nhà con trai của bà quây quần ăn uống bên các con cháu. Vui nhất là những ngày Lễ, Tết, ông bà chạy show mệt lả, hết tiệc tùng tại cư xá, lại ăn uống ở Trung Tâm Tuổi Vàng “Golden Age Center”, rồi về nhà các con bầy tiệc vui bên con cháu, cứ thế mà hết ngày.

Hôm nay là mùng một Tết, nơi đây lại đang rơi vào giữa Mùa Đông, ông bà sửa soạn đi dự tiệc Tân Niên với các bạn gìa để cùng nhau vui đón một mùa Xuân lạnh trên quê hương người, mùa xuân năm nay cũng là 1 mùa Xuân đầm ấm và vui nhất  của ông bà … Sau hơn 50 năm xa cách, mối tình học trò tưởng đã chìm vào qúa khứ, nào ngờ nơi tha phương họ lại gặp nhau và nối lại mối duyên đầu đứt đoạn.  

Văng vẳng bên tai, giọng hát trong trẻo của Hoàng Oanh đang vi vút bản nhạc trữ tình của Tuấn Khanh mà ngày xưa ông hay hát cho bà nghe.

Em ơi xuân đến bên thềm rồi nhắp rượu hồng vơi đi

Hết rồi mùa chia ly cho tình xuân vừa ý

Xin yêu thương đến đôi bạn hiền để xóa hết cô đơn

Rồi quyến luyến nhau hơn cho người em thôi giận hờn …

 

Bà nhìn ông cảm động, ông mỉm cười, đứng lên dắt tay bà ra xe, lòng lâng lâng như thời mới yêu. Hai ông bà tràn ngập niềm vui, đón nhận Hạnh phúc tuy muộn màng nhưng tràn đầy yêu thương và kỷ niệm…

Kiều Oanh Trịnh

(Viết theo một chuyện tình có thật trong thời chiến tranh Việt Nam, tên tuổi đã được sửa đổi theo lời yêu cầu của các nhân vật trong chuyện)

 
tinh già

03 Tháng Hai 2009(Xem: 80558)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74023)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65709)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78477)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68781)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76204)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76798)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73846)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73941)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72685)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72024)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75560)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74241)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80513)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74107)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75856)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69108)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73762)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69357)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66527)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .