Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Th. - Cô Bạn Hàng Xóm.

29 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 76248)
Th. -  Cô Bạn Hàng Xóm.

 

                Cô Bạn Hàng Xóm.

                                                                         

                                                                                    TH.

 

Ai trong chúng ta cũng đều có một hay nhiều người bạn hàng xóm, người bạn láng giềng.  Tôi không phải là nhạc sĩ để có thể viết ra nhạc phẩm “Cô Láng Giềng” như Hoàng Giác, cũng không phải là nhà văn để có thể viết thành một truyện ngắn, truyện dài v.v... về người bạn của mình. Tôi chỉ là người lính bại trận, một người tù sống sót trở về, và sau hết là một cựu học sinh trung học Ngô Quyền Biên Hòa, nhưng tôi đã có một cô bạn hàng xóm tuyệt vời. Tôi xin kể lại một cách mộc mạc và chân thành về mối liên hệ giữa tôi và cô bạn hàng xóm ấy dưới đây.

 

Tôi và cô đều có quê quán ở miền sông nước Tiền Giang, tình cờ gặp nhau ở Tam Hiệp, Biên Hòa sau khi theo Cha Mẹ phiêu bạt nhiều nơi.  Có lúc cô lên miền cao nguyên đất đỏ, phần tôi ra tới sông Hàn. Mỗi nơi chúng tôi chỉ học được hai lớp rồi chuyển trường. Cô học ở Ngô Quyền từ lớp đệ Thất, tôi bắt đầu từ lớp đệ Ngũ niên khóa 64 - 65.  Trước đó, đệ Thất, đệ Lục tôi học trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho.

 

Do có cùng hoàn cảnh nên cha mẹ cô và cha mẹ tôi rất thân, chúng tôi cũng thế, nhưng chỉ lúc còn nhỏ thôi, càng lớn chúng tôi càng trở nên xa lạ. Đi học hay đi về ngang qua nhà tôi, cô giữ vành nón lá nghiêng nghiêng che không cho thấy mặt, chỉ thấy dáng cô cao cao trong tà áo dài trắng, một tay ôm cặp màu đen trước ngực, tay kia giữ nón. Không biết cái lệ này có tự bao giờ?  Ở trường học, cô cũng hay e lệ như vậy. Vào niên học 68 – 69, nam nữ sinh học cùng một buổi. Trên lầu hai, dãy phía trước sân có cột cờ của trường Ngô Quyền, lớp tôi là lớp thư hai tính từ đầu cầu thang đếm vào, còn lớp của cô là lớp thứ ba tính từ cuối hành lang đếm ra. Tôi thường đứng tựa lan can của hành lang trước lớp học để chờ tới giờ xếp hàng vào lớp. Cô đi ngang qua cũng cặp ôm trước ngực mắt ngó thẳng, bước tới một cách nghiêm trang, đạo mạo, chẳng bao giờ nhìn tôi dù chỉ một cái liếc. Ở vào năm cuối cùng này, sắp sữa rời xa mái trường, xa gia đình để dấn thân tự lập.  Tôi có cái khát khao về tình cảm. Tôi mến cô, thích cô từ lâu, nhưng cái tuổi con cọp của tôi có con thỏ ẩn tàng bên trong bổn mạng, nên rất rụt rè nhút nhát. Tôi không biết làm cách nào để bày tỏ cho cô biết.

 

Thế rồi gần cuối niên học, tôi quen được một cô nữ sinh của trường kế bên.  Sự quen biết này không do tôi tự kiếm được mà nhờ cô bạn học cùng lớp xếp đặt cho. Có cô bạn mới, tôi không còn để ý đến cô bạn hàng xóm nữa.  Bỗng một hôm gần tới ngày bãi trường, tôi đối mặt với cô trước lớp tôi.  Ánh mắt cô nhìn tôi như trách móc, như thể giữa cô và tôi đã có một hiệp ước ngầm, sao tôi lại nỡ âm thầm bỏ cô. Tôi phân vân và áy náy quá, nhưng lỡ phóng lao rồi tôi phải theo lao.

 

Chuyện tình cảm giữa cô bạn mới và tôi cũng không suông sẻ.  Cuối năm đó khi biết tôi dự thi tuyển vào Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, cô bạn mới khuyên tôi nhiều lần nên bỏ ý định lập thân bằng con đường binh nghiệp nhưng không được. Cô ra hai điều kiện để tôi chọn lựa. Thứ nhất, nếu chọn theo ý tôi thích thì có thể sẽ mất cô. Thứ hai, nếu đừng đi Võ Bị Đà Lạt thì được cô. Tôi chọn cách thứ nhất và cố đeo đuổi để thuyết phục cô nhưng hoài công. Rốt cuộc cô bỏ tôi để đi lấy chồng vào mùa hè năm 71.

 

Giữa mùa thu năm 71, tôi có dịp về Sài Gòn để khám sức khỏe gia nhập Không Quân. Trở laị xóm cũ, tôi đến thăm cô bạn hàng xóm, đây là lần thứ hai. Lần thứ nhất cách đây nữa năm khi được về phép lúc tôi và cô bạn mới chưa chia tay. Hai lần, lần nào cô bạn hàng xóm cũng không có nhà, cô đi làm xa, người nhà của cô cho biết lâu lâu cô mới về nhà một lần. Tôi được biết, giờ này cô vẫn như xưa, nghĩa là vẫn trong tình trạng “hãy còn không”.  Chủ nhật hôm sau, bất chợt cô tới nhà tôi, cho biết khi cô về thăm gia đình cô có nghe nói tôi đến thăm cô. Biết tôi chưa về lại Đà Lạt, cô ghé thăm như một hình thức đáp lễ.  Cô nói chuyện huyên thiên.  Cô tuổi con Mèo có lẽ cầm tinh con chích chòe, họa mi, nên nói nhiều nhưng là nói hay và nói có duyên.  Cô bảo khi nào có dịp cô sẽ lên Đà Lạt chơi cho biết. Tôi nói, nếu thế thì nhắn vào Trường Võ Bị cho tôi hay để chủ nhật tôi ra đưa cô đi dạo cảnh. Bỗng nhiên cô hỏi: “Thế chuyện anh với chị K đi tới đâu rồi, vẫn tốt đẹp chứ?” Tôi bối rối không biết nên trả lời như thế nào và như để trêu cô tôi đáp: “Vẫn còn tốt đẹp?”  Cô bồi tiếp: “Thế khi nào anh chị làm đám cưới?”  Tôi đáp: “Ngoài hai năm nữa mới được phép”  Đang vui, mặt cô bỗng đỏ lên kiếu từ tôi ra về và không quên “Chúc anh lên đường bình an, chúc anh chị vui vẻ hạnh phúc” Thôi hỏng to rồi! Buổi chiều tôi đến nhà cô nhưng cô đã trở lại nơi cô ở để chuẩn bị sáng hôm sau đi làm rồi. Tôi tự trách mình về sự vụng về và chậm chạp nên đã để lỡ con đò duyên không biết bao giờ mới gặp lại.

 

Tôi không hiểu có phải ma đưa lối, quỉ dẫn đường hay không mà rồi cô cũng lên Đà Lạt thăm tôi khoảng một tháng sau đó.  Cô đã mang cái ấm áp mùa xuân Sài Gòn để phủ lấp cái se lạnh của Đà Lạt vào đầu đông này.  Đi bên cô, tôi hân hoan, vui sướng như chưa từng có trong đời.  Chỉ tám, chín tiếng đồng hồ ngắn ngủi, phố Đà Lạt, vườn Bích Câu, thác Cam Ly, hồ Xuân Hương, Than Thở, đã rộn ràng chào đón bước chân cô. Chiều chia tay, tôi xin địa chỉ để biên thư.  Cô e ấp trả lời rằng chờ cô suy nghĩ.  Tôi cười thầm: cô ơi! cô có biết sợi xích thằng đã xiết chặt cô và tôi rồi chăng? Tôi được chọn sang Không Quân ngành Phi Hành.  Do đó, hai năm sau cùng ởTrường Võ Bị Đà Lạt cứ mỗi năm tôi phải ra Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang ba tháng để học về phi hành và trở về Trường Võ Bị chín tháng để học về văn hóa. Thư cô đến vào cái ngày mà tôi chờ để được di chuyển ra Nha Trang, trong thư cô cho tôi hay cô bạn của cô cùng lên Đà Lạt dạo đó thích tôi và muốn kết bạn tâm tình với tôi.  Nếu tôi thích thì viết thư cho bạn của cô theo địa chỉ…Tôi rất thành thực nói với cô rằng: tôi không thích ai hết, chỉ thích “Bà Mai” mà thôi. Rồi những cánh thư của cô và tôi như thoi đưa không ngừng nghĩ theo bước chân của tôi, Đà Lạt - Nha Trang, Nha Trang - Đà Lạt rồi lại Đà Lạt - Nha Trang. Những tình cảm thân thương như đã tích lũy từ hai năm qua, giờ tao ngộ lại có dịp trào ra như suối tuôn thác đổ.  Rồi biển Nha Trang, hàng Thùy Dương cát trắng, Hòn Chồng, Tháp Bà lại reo mừng đón cô tới và ngậm ngùi tiễn bước cô đi.

 

Nào ngờ, tai ương giáng xuống. Cơn bão lửa cuối mùa xuân năm 75 ào đến thiêu rụi tất cả mọi thứ.  Trong phút chốc, tôi trắng tay không còn gì hết.  Tôi ngã ngựa, cô liền dang tay ra đỡ.  Cô đề nghị chúng tôi nên làm đám cưới đi thôi, không còn gì để bon chen tranh đấu nữa. Cô đâu có biết, để được ghi thêm tên tôi trong lý lịch của cô, cô phải trả giá rất đắt.  Cô đã tự bôi đen lý lịch của cô và chôn vùi tuổi thanh xuân trong mong nhớ, đợi chờ.  Cô bị đưa đi dạy học ở nơi xa, chốn thôn quê nghèo nàn ở Hàm Tân Bình Tuy. Tôi bị đi cải tạo.  Nơi nào tôi bị đưa đến là gót hồng của cô cũng lặn lội tìm thăm. Không như những lần trước phong cảnh hữu tình của Nha Trang, Đà Lạt vai sánh vai, ánh mắt long lanh, gương mặt vui tươi, rạng rỡ.  Nay đổi lại có khi là chốn  rừng sâu âm u tịch mịch, mình cô độc hành, mắt ngấn lệ hợp thành dòng trên gương mặt lo âu mệt mõi.  Cuối năm 78, cô xin nghĩ dạy vì xa gia đình, phương tiện sinh hoạt thiếu thốn, đồng lương ít ỏi, nhiều lời ong tiếng ve và khi thấy người ta được phóng thích về nhiều, cô nghĩ tôi có lẽ sắp được trả tự do.  Năm 79, trong một lần đi thăm tôi, cô cho tôi xem tờ giấy từ chối khi cô đi xin việc làm ở nhà máy VICASA trong khu công nghiệp Biên Hòa với giòng chữ:“Khi nào chồng chị cải tạo trở về, chúng tôi giải quyết sau”. Tôi nghiệp cho cô bạn của tôi. Tôi có ăn có chịu, còn cô vô tội. Cô kết hôn với tôi khi tôi đã thân bại danh liệt thế mà cô cũng bị hứng đòn thù có hệ thống từ mọi phía.  Bảy năm sau, tôi lê tấm thân tàn do bị sốt rét nơi rừng sâu, nước độc trở về nhà.  Hàng xóm nhìn tôi ái ngại. Trước khi đi cải tạo, tôi cân được hơn 61 kg, giờ chỉ còn 48 kg thôi. Không có tiền bạc để sinh sống, tôi thì đang trong cơn bệnh hoạn.  Cô dìu tôi đến một mơi hiu quạnh mà trước đây cô đã lo sẵn đề phòng khi ở thế cùng kẹt thì phải chấp nhận của người nông dân tay lấm chân bùn.  Sức khỏe tôi còn yếu nên mọi việc nặng nhọc cô đều gánh vác. Trong thôn ấp có người dè bĩu tôi: Con vợ thì trẻ đẹp mà lại có thằng chồng bệnh hoạn gần chết không làm gì được hết.  Có người tốt bụng bán thiếu một con heo con mới vừa rã bầy chờ khi nào có tiền thì trả.  Cô mua đem về nuôi.  Heo ăn toàn cây chuối và khoai mì nấu chung với cá khô dành cho heo, mà cá khô này tôi và cô đã lựa ra những con còn tốt để dành cho chúng tôi ăn, phần còn laị, mục và nát mới dành cho heo.  Heo cũng lớn nhưng bị đèo, đến khi nó bỏ ăn phải kêu người đến bán gấp, tính ra cũng có lời chút chút.  Năm 83, cô mang thai, gần tới ngày sinh, tôi đẩy chiếc xe thồ, cô ngồi trên với túi quần áo cùng với bao phân đạm URÊ mà chúng tôi hợp đồng để trồng trọt, còn khoảng 25 kg được ngụy trang khéo léo tránh du kích ở địa phương phát giác bắt tịch thu.  Khoảng đường dài hơn năm cây số từ nhà ra tới đầu đường tiếp giáp với quốc lộ 1, để cô xuống bên vệ đường ngồi chờ.  Tôi đi bán bao phân lấy tiền đưa hết cho cô làm lộ phí đón xe về Biên Hòa để sinh nở.  Cô có cô bạn thân làm y sĩ ở bệnh viện Phạm Hữu Chí cũ.  Cô bạn này sẽ lo cho cô tất cả.  Phần tôi ở lại để trông nom nhà cửa và thu hoạch mùa màng. Đứa con trai của cô và tôi, sinh vừa thiếu tháng vừa suy dinh dưỡng, nó nhỏ thó, dài ngoằng, da nhăn nheo như da của người già, nhờ cô mát tay nuôi nấng nên càng ngày nó càng bụ bẫm hơn.

 

Theo dần năm tháng, đứa con của chúng tôi lớn khôn ra.  Ngày ra đồng làm việc, tối về trong mái nhà tranh dưới ngọn đèn dầu, hai Cựu Học Sinh Ngô Quyền thất thời lỡ vận cùng với đứa con nô đùa cười vang, một khung cảnh thật đầm ấm, hạnh phúc.  Nhìn nét mặt vui tươi của cô bạn hàng xóm ngày nào, tôi biết cô đã đạt được ước mơ, một ước mơ tầm thường giản dị, được làm vợ, làm mẹ và sống hạnh phúc bên người cô yêu thương. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc như cô nhưng bên trong tôi có một nỗi đau âm thầm.  Tôi ráng nén chặt nỗi đau vào tận đáy lòng.  Tôi ôm mộng hải hồ, mộng công hầu khanh tướng.  Nay mộng không thành tôi có chút bâng khuâng luyến tiếc.  Ôi! Ta nam nhi hải hồ ngang dọc, từ Đông sang Tây, lên Bắc xuống Nam, ai xui ta phải đành cam chốn này giam thân vào một chỗ.  Tức cho ngoài kia, những người chiến thắng tự mang lòng huênh hoang.

 

Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!  Tôi rất cảm phục và trân quí cô.  Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.  Còn cô thì sao?

 

Sau hết, tôi muốn gửi đến cô mấy câu thơ của Hồ Dzếnh như lời nói sau cùng để vinh danh cô từ trong trái tim của tôi:

            “Cô gái Việt Nam ơi.

            Nếu chữ hy sinh có ở đời

            Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

            Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.”

 

                                                            Mùa Đông năm 2006

 

10 Tháng Mười 2013(Xem: 64013)
Xin cầu chúc mọi điều tốt đẹp cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cho một người bạn văn chương của tôi. Anh là một homo literatus với ý nghĩa đáng trân trọng của nó.
08 Tháng Mười 2013(Xem: 42795)
Tôi được biết nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng khi anh là giáo sư dạy môn triết tại trường Pétrus Ký. Lúc ấy, anh Hoàng tuổi ngoài hai mươi, còn trẻ lắm.
03 Tháng Mười 2013(Xem: 60333)
Nhớ anh, tôi thèm đọc một cuốn sách. Tôi tìm chữ, tìm tôi cũ trong những ngày tháng miệt mài viết bài gửi cho anh. Những ngày thân thiết vô cùng. Những ngày của chữ, của Văn …
03 Tháng Mười 2013(Xem: 46201)
Có làm cha làm mẹ, tôi càng biết quý trọng, mang ơn và thông cảm những nỗi khó khăn của những người đã ra công dạy dỗ mình và giờ đây là con cái mình từ truyền trao kiến thức cho tới uốn nắn tính tình.
02 Tháng Mười 2013(Xem: 62598)
Biết được tin tức thầy, em mừng rỡ lắm. Gặp được thầy lại càng vinh hạnh hơn. Bàn chân "trần" của thầy chắc có lẽ cũng dừng chân nơi bến đỗ "trung học Ngô Quyền" để cùng đồng liêu theo dõi nhịp thở của học trò.
28 Tháng Chín 2013(Xem: 49714)
Thì ra tôi đã già rồi. Già thật rồi nên cứ loay hoay nhìn về quá khứ. Hãy cho tôi một nụ cười. Nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ
21 Tháng Chín 2013(Xem: 59530)
Tựa Đề: HÌNH NHƯ NẮNG VỪA PHAI Nhạc&Lời: Phạm Chinh Đông Hòa Âm: Tuấn Ngọc Ca Sĩ: Hương Giang
21 Tháng Chín 2013(Xem: 63063)
ChsNQ khóa 1 đến thăm thầy Nguyễn Xuân Hoàng và Thầy Phan Thông Hảo
20 Tháng Chín 2013(Xem: 53753)
Phùng Quán vịn vào câu thơ mà đứng vững. Mình dựa vào tình thương của mọi người, nghiến răng, đứng lên mĩm cười với số phận. Cám ơn tình bạn, cám ơn thương yêu và thông cảm.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 57940)
Phải chăng nhà văn không có tuổi. Nhà văn chỉ có già đi và chết. Nhà văn không đếm cái khoảng thời gian sống. Thời gian của một nhà văn là ý nghĩa những dòng chữ họ viết ra.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 55040)
(Viết hôm các bạn của nhật Báo Người-Viêt và Diễn Đàn Thế Kỷ đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng) Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào.
13 Tháng Chín 2013(Xem: 47044)
Mùa Thu sắp về đây. Thu về với lá vàng, với gió heo may và cây trái bắt đầu chín. Mùa Thu cũng là mùa thu hoạch. Mùa Thu đẹp lắm, rừng Thu bát ngát lá vàng rơi
06 Tháng Chín 2013(Xem: 78430)
Cái sung sướng lúc tốt nghiệp không phải là được đi dạy, làm giáo sư cho bằng thoát khỏi sách vở mà chúng như những kinh kệ vô nghĩa nhàm chán..
05 Tháng Chín 2013(Xem: 60347)
Việc bán thơ của Suskin xem ra phù hợp với văn hóa sống nhanh, sống vội, muốn gì được nấy, nhanh như người ta bấm máy truyền hình hoặc vào mạng internet.
05 Tháng Chín 2013(Xem: 45145)
Có cơ hội thì bạn bè gặp nhau vì quỹ thời gian chúng ta chẳng còn nhiều. Xin cám ơn những người bạn trên net của tôi, đã cho tôi niềm vui trong cuộc sống.
04 Tháng Chín 2013(Xem: 69073)
Đã thành thông lệ, sau lần họp mặt với bạn bè phương xa, bạn bè quê nhà sẽ cùng nhau đóng góp tổ chức tiệc chiêu đãi chia tay để người đi nhớ mãi ân tình nơi cố hương.
31 Tháng Tám 2013(Xem: 73488)
Ông trở thành một “ông già quét chợ” một cách tự nhiên như vậy đó, tự nhiên như khi ông từ đâu không biết đã đến cái chợ làng này…
30 Tháng Tám 2013(Xem: 52825)
Lúc bà mất, cậu Út ôm bà khóc như mưa, nghe cậu nhắn nhủ: "bà ngoại, ông ngoại, ba con ơi! nhớ về thăm cây mít nha!" cả nhà không ai cầm được nước mắt.
30 Tháng Tám 2013(Xem: 83570)
Xin bấm vào tựa các bài muốn đọc
23 Tháng Tám 2013(Xem: 77651)
Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được.