Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tuyết Mai - Ngày Tháng Phôi Pha.

24 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 74434)
Tuyết Mai - Ngày Tháng Phôi Pha.


 

NGÀY THÁNG PHÔI PHA


* Nhớ về 11A3 - 12A4 ngày xưa (1972-1974).

 

 tmai_72-content

 

Khi tôi học đến lớp 5 trường Nữ tiểu học thì chị của tôi đã thi đậu vào lớp 6 trường Trung học Ngô Quyền. Đây là một trường công lập lớn và nổi tiếng nhất của tỉnh Biên Hòa, và cũng là ngôi trường lý tưởng mà đa số học sinh chuẩn bị lên bậc trung học đều mơ ước được thi đậu vào. Hàng ngày, nhìn chị tôi đến lớp với chiếc áo dài trắng tinh, mang phù hiệu “ Trung học Ngô Quyền ” tôi rất mong được giống như chị. Cuối cùng, giấc mơ của tôi cũng trở thành sự thật. Năm học 1967- 1968, tôi thi đậu lớp 6 và chính thức bước chân vào ngưỡng cửa Ngô Quyền. Được mặc chiếc áo dài đầu tiên trong đời học sinh do chính tay ba tôi may cho. Tôi xúc động đến nghẹn lời, vui đến nước mắt cứ trào ra, cảm giác này không bao giờ tôi quên được.

 

Thời đó, ba má tôi là chủ của một tiệm may y phục phụ nữ, nằm khiêm tốn ngay trung tâm chợ Biên Hòa, tiệm ba tôi chuyên về áo dài và rất được nhiều người biết đến, khách ở xa muốn may một chiếc áo dài đẹp, hợp thời trang, vừa ý và đúng hẹn, chỉ cần đến chợ Biên Hòa hỏi thăm tiệm may Mỹ Dung, khách hàng có thể yên tâm tìm đúng chỗ, không phải lo mất thời gian tìm kiếm. Hàng năm, cứ vào mùa tựu trường, ba tôi thường ưu tiên giảm giá cho giáo viên và học sinh đến tiệm may áo dài, đặc biệt là các giáo viên, học sinh trường Ngô Quyền, còn hai chị em chúng tôi thì được miễn phí! Thời gian dần trôi, thêm hai đứa em trai của tôi cũng lần lượt thi đậu vào Ngô Quyền. Vậy là bốn đứa trong bảy chị em chúng tôi đều may mắn được học chung với nhau cùng một mái trường. Đây là nguyện vọng của ba má tôi, ông bà hy vọng tất cả bảy chị em chúng tôi nối tiếp theo nhau là học sinh của trường Ngô Quyền. Tôi nghĩ đây cũng là niềm mong mỏi của các bậc phụ huynh. 

 

Lên đến năm lớp 9, tôi mới bắt đầu tham gia các sinh hoạt ở trường. Như những bạn cùng lứa tuổi mới lớn, tôi thường hay mơ mộng, bắt chước chị tôi tập tành làm thơ, viết báo… Nhưng có lẽ, văn thơ của tôi không được hay và “ trình độ ” như của chị tôi, nên sau đó tôi đành phải… gác bút. Dường như tôi có duyên về âm nhạc hơn nên khi trường tổ chức cuộc thi tuyển giọng hát hay cho ban văn nghệ trường, tôi đã may mắn được chọn. Từ đó về sau, những lần sinh hoạt văn nghệ của trường đều có tôi tham gia. Lúc đó, ban nhạc Trường Ngô Quyền khá nổi tiếng với ngón đàn guitar tay trái của Lê hữu Tài cùng tiếng hát của anh, tiếng bass của anh Thành, nhịp trống sôi động của Hồng Đức (biệt danh là Đức “Babilac” vì anh trắng trẻo, tròn trịa như hình em bé trên hộp sữa Babilac) và nhiều giọng ca hay khác, trong đó anh Lịnh là người có giọng hát đặc biệt rất giống ca sĩ Chế Linh nên được nhiều người ưa thích.

 

Cho đến năm tôi lên lớp 11, các mặt hoạt động của trường ngày càng mở rộng, phong phú hơn. Trường có thêm nhiều đơn vị kết nghĩa nên ngoài những kế hoạch sinh hoạt ở trường, chúng tôi lại càng bận rộn hơn với nhiều chương trình biểu diễn giúp vui văn nghệ, hổ trợ cho ban xã hội khi đi công tác ủy lạo chiến sĩ, tham gia làm cổ động viên cho các đội bóng của trường trong những lần thi đấu. Năm 1972, tình hình chiến sự rất sôi động, đài truyền hình số 9 có thêm một chương trình đặc biệt là chương trình “ Tiếng Nói Động Viên ” vào mỗi tối thứ năm, nhằm mục đích cổ võ tầng lớp thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, xen kẽ trong chương trình là phần văn nghệ do các trường trung học đảm trách, nhờ đó ban văn nghệ trường Ngô Quyền đã có dịp xuất hiện trên đài truyền hình trong chương trình này. Chúng tôi tập hợp toàn ban văn nghệ các lớp lại, ráo riết tập luyện và tuyển chọn những tiết mục hay nhất để biểu diễn. Đây là cơ hội hiếm có để trường Ngô Quyền tỏ rõ thực lực với các trường bạn tỉnh khác. Sau lần đó, trường còn tổ chức đại nhạc hội “ Cây mùa Xuân ” để gây quỹ ở rạp hát Biên Hùng. Chương trình rất quy mô với màn hợp xướng “ Trường Ca Con Đường Cái Quan ” do anh Nguyễn Thanh Tùng dàn dựng, bài múa “ Suối mơ ” của các chị lớp 12, song ca “ Ca dao mẹ ”, ban hợp ca “ Vượt sóng ” do anh Nguyễn Tấn Được là trưởng ban, và nhiều tiết mục đặc sắc khác tôi không thể nhớ hết. Lần biểu diễn này rất thành công, mang lại khí thế mạnh mẻ đến cho toàn thể giáo viên và học sinh của trường.

 

Lớp 11A3 của tôi nằm ở dãy trước , nữ sinh nhiều hơn nam sinh, Tôi không nhớ rõ tự bao giờ nhóm chúng tôi có cái tên là “ Thất cô nương ” ( nghe giống như trong phim kiếm hiệp Hồng Kông !). Có lẽ vì bảy đứa chúng tôi thường hay đi chung với nhau và là nhóm cổ động viên tích cực nhất cho đội văn nghệ- thể thao của nhà trường.Trước tiên là Ngọc Điệp thân với Tuyết Vân, kế đến là Thu Hương với Ngọc Khánh ( Khánh ở Bình Long mới chuyển trường về ), sau nữa là Vũ thị Liên ( tên thường gọi là Khánh, nhà ở Hố Nai ) chơi thân với Ngọc Hòa, và cuối cùng là tôi. Đối diện trường phía bên kia đường có một chợ nhỏ, chỉ bán buổi sáng mà thôi. Giờ ra chơi hoặc khi lớp có tiết học trống, chúng tôi liền kéo nhau qua chợ, hàng bún riêu và quán hủ tiếu bò kho trong chợ là điểm hẹn của chúng tôi. Có khi bọn tôi rủ nhau vào ngôi chùa nhỏ cũng gần đó, tìm giây phút yên tĩnh để ôn bài, đọc sách, làm thơ… “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, chúng tôi cũng nghịch ngợm không kém khi bày ra viết những lá thư tình không tên, đem bỏ vào thùng thư của những căn phố dọc theo dốc Ngô Quyền, không biết có anh chàng nào tương tư nét chữ của Ngọc Điệp không? bởi vì trong nhóm bảy đứa, Điệp là người viết chữ đẹp và lả lướt nhất. Còn nữa, “thủ phạm” các vụ xì bánh xe của thầy Lâm Tấn Văn và thầy Lê Quí Thể phải kể đến Ngọc Hòa và Ngọc Khánh, hai đứa lém lĩnh và hay quậy phá nhất. Năm này, phụ trách môn Vật Lý cho lớp chúng tôi là thầy Phùng Thái Toàn, môn Toán là thầy Nguyễn Phong Cảnh, hai thầy bây giờ đã không còn nữa. Dạy môn Văn lớp tôi là thầy Nguyễn Văn Phú, thầy giảng bài rất hay và nổi tiếng với bài hát “ Ông lái đò ”. Hồi đó khi nghe thầy hát, tôi chưa kịp hiểu hết những lời, ý mà thầy muốn gửi gấm. Sau này khi chọn ngành sư phạm, dấn thân vào nghề “ gõ đầu trẻ ” thì tôi mới thật sự cảm thông được tâm trạng của thầy cô. Năm này qua năm khác, dạy dỗ và chứng kiến từng lớp học sinh rời trường. Đám học trò bước xuống cuộc đời, như đàn chim vỡ tổ, tung cánh bay xa khắp bốn phương trời. Cũng giống như tâm sự của ông lái đò hàng ngày đưa tiễn khách sang sông, có mấy ai còn nhớ đến ông- người đưa đò nơi bến cũ.

 

Theo đúng chương trình học trước đó, cuối năm lớp 11 chúng tôi phải đậu kỳ thi tú tài I thì mới được lên học tiếp lớp 12. Nhưng thật may mắn, năm này Bộ giáo dục đã bãi bỏ thi tú tài I, ai đủ điểm thì được lên thẳng lớp 12. Vậy là chúng tôi đã vượt qua cửa ải thi cử gay go nhất. Năm 1973, một số các anh chị trong ban đại diện học sinh năm trước đã rời trường, ban đại diện mới lên có nhiều sự thay đổi và đây cũng là năm học cuối cùng của bậc trung học, tôi phải lo tập trung ôn bài để chuẩn bị cho kỳ thi tú tài II, vì vậy, tôi ít tham gia các sinh hoạt của trường hơn những năm trước. Nhóm “ Thất cô nương ” chúng tôi không còn ồn ào, phá phách như những ngày đã qua. Chúng tôi thầm đếm thời gian trôi theo bước chân mỗi lúc tan trường, dễ giận hờn, gây gổ, cùng khóc, cùng cười, cùng tư lự, hoang mang hơn về tương lai trước mắt. Tâm tình chúng tôi luôn bất an và thay đổi theo từng ngày đến lớp.

 

Dãy sau, phía trên lầu là dành cho khối lớp 12. Có lẽ, Ban giám hiệu khi sắp xếp lớp học đã thông cảm với tâm trạng những học sinh cuối cấp, muốn dành cho chúng tôi một khoảng không gian cao, rộng... nhìn hết được khung cảnh chung quanh trường, để mai này khi rời xa sẽ còn một chút gì để nhớ! Giờ ra chơi, thỉnh thoảng tôi hay ngồi lại một mình, bên khung cửa sổ lớp học, để có thể thả hồn mình bay bổng theo áng mây, tìm chút thơ thẩn, mộng mơ, lãng mạn, hình dung một ánh mắt, nụ cười…nào đó có thể làm cho tim tôi rung động chăng? Hoặc bước ra hành lang, nghe tiếng nói cười râm ran ở lớp bên cạnh, tiếng ồn ào dưới sân, tiếng bước chân rộn ràng nơi cầu thang…mong sẽ thấy lòng mình vui hơn! Những ngày tháng mượt màng này rồi sẽ quay lưng không ngần ngại, bậc thềm dưới chân cột cờ rồi sẽ trơ lạnh, trống vắng thế nào, sau khi mình đã bỏ trường mà đi? Cảm giác hoảng hốt gần như bất lực trước tương lai, đã khiến tôi bật khóc. Tôi yếu đuối như vậy đó, chỉ cần một chút tiếc nuối, một chút ngậm ngùi…cũng đủ làm cho mắt tôi cay lệ.

 

 Tháng năm của đời người còn dài, sẽ dài. Nhưng tháng năm của đời học sinh thì rất ngắn , sẽ chóng qua. Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng. Kỷ niệm tuổi học trò chỉ còn lại chút khoảnh khắc ngắn ngủi, chút hoài niệm nhỏ nhoi, vì sẽ chẳng còn ai gắn bó với ai khi mai đây chúng ta bước xuống cuộc đời. Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và xin mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.

 

  Tuyết Mai 

 

07 Tháng Năm 2009(Xem: 82268)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…
24 Tháng Tư 2009(Xem: 69725)
 Khi bạn nhận được tờ lịch này, rồi treo đâu đó trong nhà, thỉnh thoảng nhìn thấy nó thì hãy nhớ rằng bạn bè ở khắp nơi xa cũng đang nhớ về bạn, đang gửi về bạn lời chúc luôn an lành & hạnh phúc…  
14 Tháng Tư 2009(Xem: 88339)
Cám ơn trận mưa đêm nay, đã đưa tôi trở về thăm lại những nhánh sông đời đã từ lâu rẽ nguồn, khuất lối. Mưa ở quê người chắc không sao bằng mưa ở quê nhà, nhưng dù là kẻ lạ, cũng xin được tri ân những giọt mưa đã làm tươi mát, rực rỡ thêm phần đất mà biết bao người Việt tha hương đã chọn làm nơi trú ẩn và làm một cõi để đi về.
03 Tháng Ba 2009(Xem: 72475)
“ Cầm tờ đặc san Ngô Quyền trong tay, lòng em như chùng lại, hình như em đã khóc, những giọt nước mắt cho hạnh phúc. Cám ơn anh với món quà quí giá hơn tiền hơn bạc này”.
03 Tháng Ba 2009(Xem: 66116)
  Nhưng dù gì đi nữa, khi các bạn đọc được những dòng nầy, tức là quyển Kỷ Yếu một lần nữa lại đã vượt lách qua bao khó khăn để được nằm êm ái trong tay các bạn rồi đó.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 64237)
  “ Đọc Trang Báo Cũ”, chủ đề của mục này, hôm nay xin giới thiệu trích đoạn “Phác Họa Vương Quốc 12A1” - một bài viết được tìm thấy trên “Thềm Cuối”, đặc san của lớp 12A1 vào mùa hè năm 1973 - để chúng ta cùng cười vui với những trang báo của thời đi học.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 65692)
  Tôi cũng cám ơn cuộc đời đã cho tôi một người bạn rất tâm giao, chúng tôi đã cùng trải qua thời thơ ấu vui vẻ hồn nhiên và cùng chia sẻ ngọt bùi với nhau trong những lúc thăng trầm của cuộc đời. Cuối cùng đã cho tôi tìm lại được người bạn thân thương tưởng chừng như không bao giờ có thể gặp lại.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 62585)
  Ngày nay bạn cũ thầy xưa vẫn còn đó, có nhiều người đã thành công nơi mảnh đất tạm dung, không ít người vẫn còn lận đận cố gắng để hòa nhập cuộc sống mới, và có người đang còn khốn khổ nơi chốn quê nhà.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 65185)
Mặc dù đang quá bận rộn đưa tờ Đặc San NQ 2003 lên mạng lưới CHSNQ, tôi cũng cố gắng nhớ lại một vài kỷ niệm về mái trường xưa thân yêu, về những người bạn học cũ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” của mình và về những cô thầy quý mến.  
02 Tháng Ba 2009(Xem: 65629)
  Tôi cứ mơ ước là có ngày tôi cũng được khoác lên người chiếc áo dài trắng dịu dàng thướt tha đó ôm cặp đến trường. Thật là mơ mộng làm sao!
02 Tháng Ba 2009(Xem: 63708)
Bé Tèo năm nay 6 tuổi học lớp năm trường tiểu học. Học được một tuần thì bé Tèo chán học không chịu làm bài vở nữa, cô giáo bèn hỏi nguyên nhân tại sao thì bé Tèo nói là tại chương trình học quá thấp so với trình độ của bé Tèo, và bé Tèo xin cô cho lên học bậc trung học .
25 Tháng Hai 2009(Xem: 63939)
CHS Nguyễn Trần Diệu Hương là một cây bút sáng tác rất dồi dào, từng được trao tặng giải thưởng “Viết Về Nước Mỹ” do nhật báo Việt Báo tổ chức. Tuy rời Việt Nam rất trẻ và theo học đại học tại Hoa Kỳ, tâm tình của Diệu Hương lúc nào cũng dạt dào niềm mến yêu quê hương đất nước trong đó có ngôi trường cũ thân yêu của một thuở đầu đời.
25 Tháng Hai 2009(Xem: 68520)
  Ôi! Những ngày đầu áo trắng nữ sinh, tuổi mới lớn, sao mà êm đềm và dễ thương quá. Dù ngày nay tuổi đã hơn nửa thế kỷ, thế mà mỗi lần có dịp nhắc lại hoặc do một động cơ nào làm cho nhớ lại thì tâm trí ta vẫn thấy man mác làm sao!
24 Tháng Hai 2009(Xem: 68118)
  … Tôi tưởng chừng sẽ không tìm thấy những kỷ niệm của trường khi sống ở Mỹ, nhưng sau hai lần gặp lại bạn bè, thân hữu và các học sinh cũ, tôi thấy ấm áp quá với những gì cựu học sinh Ngô Quyền đã mang đến cho nhau …
24 Tháng Hai 2009(Xem: 67011)
  Tiệc Tất Niên hằng năm của nhóm thân hữu trung học Ngô Quyền, Bắc California, đã được tổ chức một cách trọng thể vào chiều thứ bảy 10 tháng 1, 2004 tại nhà hàng Royal Garden, Santa Clara.
20 Tháng Hai 2009(Xem: 63192)
Trần Kim Vy là bút hiệu cuả 1 chsNQ, và hiện là chủ nhiệm tuần báo "Đẹp Magazine" tại Texas, một tờ báo tầm cỡ đã xuất bản tới số 650.
17 Tháng Hai 2009(Xem: 70229)
  Thật sự kỷ niệm ngày đi học, chất đầy trong đầu óc, nhưng muốn viết lại thật là khó, vì mình đâu phải là nhà văn hay nhà thơ. Đành liều, tạm gởi đến các bạn, một hoài niệm có thật mà Tuyết còn nhớ mãi vào năm học đệ ngũ hai.
12 Tháng Hai 2009(Xem: 70074)
Tháng Năm, tôi cứ ngỡ mình lầm, thời gian vốn ơ hờ, thế mà chu đáo. Vòng quay địa cầu đã trở về khởi điểm, để bắt đầu lại một định kỳ, để nhắc nhở lại một quá khứ, mặc dù người đi chưa hẳn đã lãng quên.
12 Tháng Hai 2009(Xem: 72002)
Rất nhiều năm sau này, tôi bắt đầu hiểu được những hạt giống tốt thầy đã ra công gieo vào tâm hồn mới lớn của chúng tôi. Hạt giống năm đó, chưa đúng điều kiện, chưa thể nẩy mầm. Đến khi chúng tôi lớn lên, khôn ra, đúng thời điểm, hạt giống tốt ngày xưa nẩy mầm, đơm hoa, kết trái.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 57273)
  Bạn có còn nhớ những “ngày nào tan trường về chung lối” và có còn nhớ những cặp “mắt huyền xưa” chỉ cần nghiêng nón là đã đủ làm cho bạn “ngất ngây đời”? Có còn nhớ những tà áo trắng tung bay trong những chiều lộng gió?