Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - CON TRÂU

12 Tháng Mười Hai 20146:18 CH(Xem: 36624)
Nguyễn Thị Thêm - CON TRÂU

CON TRÂU

con trau
Nhiều người không thích con trâu vì nó khá xấu xí.
Nó lại đen thùi to lớn và dơ nữa.
Nhìn nó thật dễ sợ với hai cái sừng rất dài và to, cặp mắt lờ đờ.
Người ta thường ví von "Ngu như trâu"  để chỉ những người tối dạ. Hay "Đàn khảy tai trâu" để ngầm chê bai, đừng tranh luận với những người nói hoài mà vẫn không  hiểu, giải thích mãi vẫn không lọt vào tai.

Riêng tôi, một thời đã từng gắn bó với con trâu nên tôi có nhiều cảm tình với nó. Nói nào ngay nhìn nó tôi cũng sợ không dám lại gần. Nó mà đá hay húc một cái chắc là vong mạng.  Nhất là lần đầu tiên phải dẫn nó đi ăn cỏ. Ui chao nhìn nó  mà chân tay tôi run, chỉ muốn quay về. Tuy nhiên có gần gũi mới thấy con trâu thật hiền và trung thành. 

Các bạn có thấy không? Những đứa bé nhà quê nhỏ xíu, trèo lên mình trâu cũng không nổi. Vậy mà nó có thể sai khiến, dẫn dắt con trâu đi ngon ơ. Chúng nằm trên lưng trâu như nằm trên tấm ván. Chúng dùng roi quất vào mông, dùng chỉa thọt vào đùi để bắt con trâu đi theo ý chúng. Thế mà con trâu cũng ngoan ngoản vâng lời. Chúng đứng lên lưng trâu làm đủ thứ trò trẻ con. Thậm chí có đứa nghịch ngợm dùng pháo cột vào đuôi trâu rồi châm lửa đốt. Con trâu giật mình chạy bất kể sống chết.

Con trâu là bạn của lũ mục đồng vào những ngày xa xưa . Trẻ con nhà quê không được cắp sách đến trường, chúng được cha mẹ gửi đến giúp việc hoặc làm công cho những người giàu có. Chúng chăn cả bầy và thả trâu ăn cỏ rồi rũ nhau chơi bằng thích. Con trâu chỉ yên lặng chậm chạp gậm cỏ. Thỉnh thoảng có con mon men xuống ruộng ăn lúa người ta. Nếu bị phát hiện, chú chủ chăn đó sẽ bị hậu quả và đương nhiên hôm sau chú bé sẽ có dịp trả thù con trâu. 

Còn một trò chơi của nhà quê về con trâu mà nhiều người thành phố không biết. Đó là dùng phân trâu khô đốt lên vào ban đêm sẽ quyến dụ rất nhiều con bọ rầy bay đến. Trẻ con lấy bọ rầy quẻ quặp hai vỏ cứng của cánh chúng xuống. Dùng kẻm bẻ thành một chiếc xe. Đặt hai vỏ cánh con bọ rầy vài cái khe của dây kẻm. Thả xuống đất, thổi nhẹ, thế là cánh con bọ rầy đập mạnh. Chiếc xe sẽ chạy và bọn trẻ sẽ chấm điểm xe nào về nhất.

Con trâu là lao động chính của nhà nông. Chúng cày ruộng, bừa ruộng, chuyên chở lúa về nhà, đạp lúa và làm bao nhiêu việc linh tinh khác.
Thế nhưng tối về chỉ được nhai rơm khô hay thả đi ăn cỏ ngoài đồng khi chủ nhân nghỉ ngơi. Con trâu bản chất rất hiền. Đôi mắt nó lim dim như một triết gia đang suy nghĩ điều gì. Nó không gây ồn ào, không kêu lên như bò. Nó chỉ yên lặng nằm nhẩn nha nhai cỏ như nghiềm ngẫm số phận đời mình.

Lúc được phân công giữ trâu trong hợp tác xã, tôi như từ trên trời rơi xuống. Tôi thật bất mãn, uất ức và tủi nhục. Nhưng khi gần gũi tôi thấy nó thân thiết như một người bạn. Tôi có thể bảo nó đi hay dừng lại, quẹo trái hay phải. Sợi dây nhỏ xíu nếu nó muốn chạy là dây bứt ra hay kéo tôi ngã nhào. Nhưng bao giờ nó cũng lặng lẽ đi theo tôi, nó yên lặng như một người bạn sẳn sàng lắng nghe tôi tâm sự. Khi tôi lại gần vuốt ve hay bắt rận trên mình nó, nó đứng yên, cặp mắt nhìn tôi hiền từ như tỏ ý cám ơn.

Tôi sợ nhất là cho nó đi tắm, tức là dầm nước miền trung gọi là "trâu mẹp." Cả thân hình nó nằm bẹp trong nước chỉ ló cái sừng lên thôi. Giữa một đàn trâu của cả xã, tôi hoàn toàn không phân biệt cái sừng nào là sừng của con trâu hợp tác xã của tôi. Tôi phải chạy về nhờ ông đội trưởng xuống đem nó lên dùm. Ông ta nhìn tôi cười, còn tôi thì muốn khóc.

Nhưng lần hồi tôi không còn sợ. Bởi vì trâu nào có chủ đó. Các con trâu theo từng đàn mà lên bờ. Con trâu Bầu của tôi cũng từ từ đi lên. Nó không đi theo các trâu xóm khác mà đi lại bên tôi chờ tôi cột dây rồi thong thả theo tôi đi về.

Trẻ con thì khác, cho trâu mẹp là một việc vui. Ngoài bỏ mặc cho trâu nằm dưới nước, chúng rũ nhau bỏ đi chơi thỏa thích. Chúng còn bày trò chơi đùa, nghịch phá với anh bạn to con này. Chúng đứng trên lưng trâu rong rong xuống nước thi đua nhau. Chúng dùng lưng trâu để hái những trái cây cạnh bờ sông mà chúng không với tới. 
Trong khi tôi ngồi trên bờ sông lật mo cơm ra ăn mà buồn cho mình, cho gia đình, cho đất nước thì con trâu vẫn hồn nhiên hưởng thụ sự mát mẻ trong ngày. Đối với nó được ngâm mình dưới nước giữa bầu trời oi bức là một đặc ân mà người chủ ban cho nó.

Có những ngày thả trâu ăn trên đám ruộng đã gặt xong, tôi nhìn con trâu hiền lành thật thà thương thật là thương. Cái kiếp trâu bò của nó thật tội nghiệp biết bao. Khi sống làm việc quần quật, Khi bệnh hay khi cần người ta xẻ thịt chia nhau. Con trâu tôi chăn và những con trâu trong hợp tác xã là những con trâu riêng của các xã viên trước tháng 4/75. Khi thành lập Hợp tác xã, tất cả ruộng cá nhân của dân làng được gom về một hợp tác xã kể cả trâu bò của họ. Ruộng được phân ra cho từng đội và người nông dân mất trắng chỉ đơn thuần là một xã viên. Trâu cũng quy về Hợp tác và được tính thêm bao nhiêu điểm tôi không rõ. Con trâu từ là tài sản của gia đình, có những người bạn của gia đình bị dẫn về nhốt trong chuồng hợp tác. Người chăn là các xã viên được phân công. Chúng đoạn lìa nơi chúng được chăm lo từ khi là một con nghé.

Con Bầu của tôi chỉ là một con nghé đang lớn. Lúc tôi chăn nó đang được tập để kéo cày. Nó cũng như tôi đoạn lìa những người thân yêu để sống một cuộc đời mới quang vinh hơn mà mình cũng không biết rằng sẽ tốt như thế nào.
Hôm nay một người bạn gửi cho tôi những bức hình con trâu thật dễ thương với lũ trẻ nhà quê. Tôi lại nghĩ tôi thua xa những em bé ấy. Chúng coi trâu như bạn, chúng chơi đùa và coi giữ trâu như một niềm vui. Còn tôi, chỉ một năm giữ trâu thôi mà tôi coi là một móc ngoặc đời mình thì quả tôi còn thua một đứa con nít.  

"Làm ruộng thì phải cần trâu bò" Câu nói này đã đi vào quá khứ trong những nước tiên tiến. Một đường cày bằng một con trâu quần quật cả buổi, một người dẫn trâu đi trước và một người cầm cày theo sau. Nông thôn đã hiện đại hóa để người nông dân đỡ tay lấm chân bùn và con trâu chỉ còn là hình ảnh tượng trưng cho đồng quê như con sông, cây đa, bến nước.

Con trâu ngày xưa tôi giữ có lẽ nó đã bị làm thịt lâu rồi. Khi lần đầu tôi về lại quê chồng để đi thăm nuôi chồng tôi. Một người trong đội đã dẫn tôi thăm lại nó. Nó cũng đã bắt đầu già, gầy ốm và tội nghiệp. Tôi vuốt ve lông của nó và sờ đôi sừng đã đổi khác màu. Nó nhìn tôi với đôi mắt như xưa. Hiền lành và lừ đừ. Không biết nó còn nhớ tôi không? Nhưng tôi không bao giờ quên nó.

Một thời kỷ niệm với con trâu. Con trâu Bầu thân thiết đã gắn liền với tôi bằng những hồi ức khó quên.
Nguyễn thị Thêm.


Xin mời xem video "Con trâu quê mình"
Thực hiện Nguyễn thị Thêm.


04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4312)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2811)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2778)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 3133)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 3090)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 3251)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 3122)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3395)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3562)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3442)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3270)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 3359)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 3140)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 3348)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?
10 Tháng Chín 2023(Xem: 3443)
Bây giờ chúng ta đã ở ngưỡng cửa của mùa thu. Ngày xưa, rất nhiều nhạc sĩ của ta đã cảm xúc cái mùa lành lạnh với lá vàng rơi rụng nhưng rất lãng mạn này và đã cho ra những tuyệt tác để đời.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3757)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
28 Tháng Tám 2023(Xem: 3618)
Tọa lạc ở chợ BH ngay giữa ngã ba đường Lê văn Lễ và Cô Giang, vào những thập niên 1960-1970s, Tứ Lợi là tiệm tạp hóa lớn do người Hoa làm chủ, chuyên bán sỉ và lẻ đủ loại nhu yếu phẩm
26 Tháng Tám 2023(Xem: 3421)
Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ trái tim sám hối. Một câu hỏi mà bây giờ đứng cận con đường sinh tử ta hỏi lại mình .
22 Tháng Tám 2023(Xem: 3320)
Trong mùa tựu trường năm nay, người giáo già như tôi không khỏi trăn trở khi nghĩ đến những cháu nhỏ ở Việt Nam ngày nay bao giờ sẽ hưởng được một nền giáo dục dân tộc
17 Tháng Tám 2023(Xem: 3233)
Bài học của tôi là thế đó. Tôi đã tự nhủ với mình đừng làm gì khác hơn vui chơi mà vẫn bị sụp hầm. Từ nay tôi sẽ mắt sáng như sao, thật cảnh giác để không bao giờ lọt bẫy mấy tên hacker kia nữa.