Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thái Hải - CON DỐC CỔNG TRƯỜNG (KỲ I)

14 Tháng Mười Một 20146:03 CH(Xem: 27181)
Nguyễn Thái Hải - CON DỐC CỔNG TRƯỜNG (KỲ I)


Lời Giới Thiệu:

  

Là một nhà văn chuyên nghiệp từ khi còn ngồi ghế trường Ngô Quyền, và cũng là cây bút quen thuộc trong tủ sách Tuổi Hoa của những năm trước 75, chs khóa 6 Nguyễn Thái Hải đã đưa hình ảnh ngôi trường Ngô Quyền, các Thầy Cô, bè bạn, con dốc thân yêu mà chúng ta đã leo, đổ... hàng ngày bằng xe lam, xe đạp hay bằng đôi dép, đôi guốc chân chất của học trò tỉnh lỵ vào các tác phẩm của anh.

 

Truyện ngắn "Con dốc cổng trường" của nhà văn Nguyễn Thái Hải, là một trong những truyện có bối cảnh trường chúng ta rất rõ nét, xin phép tác giả được đăng truyện ''Con dốc cổng trường '' thành từng kỳ trên trang nhà để Thầy Trò Ngô Quyền có dịp được chia sẻ, tìm gặp lại những hình ảnh của chính mình, như hình ảnh Thầy Mai Kiến Phúc, và Thầy Nguyễn Viết Long cũng thấp thoáng đâu đó trong truyện. 

 



con doc cong truong (Nguồn: Tủ sách Tuổi Hoa - 1975)



KỲ I

Phần Thứ Nhất

Kính Tặng Thầy Bằng
 
Chương 1
Con muốn oà lên khóc mà đôi mắt chợt ráo hoảnh. Chừng như lệ nóng đã đóng băng, chừng như hồn con tê cứng lại. Bản danh sách thí sinh trúng tuyển chờn vờn trước mắt con. Đám đông xô đẩy, lấn dần con ra. Con không còn biết rõ mình bị đẩy dạt ra một nơi tự lúc nào nữa. Những hàng ronéo nhảy múa trước mắt. Nào Bích Trâm, nào Thu Trang, nào Ngọc Trân… Còn tên con? Trân ơi, Nguyễn Huyền Trân ơi… Chỉ có ba chữ thôi mà, chỉ có một hàng đánh máy thôi mà… Những tiếng reo vui, những tiếng gọi nhau ơi ới, những gương mặt tươi hơn bao giờ hết… Con tưởng như mình mới từ một thế giới nào xa lạ lắm tới đây. Nguyễn Huyền Trân… Thầy ơi… Không có tên con rồi…

Hồng, Thủy chạy nhanh đến bên con. Ánh mắt hai nhỏ đầy tin tưởng. Thủy hỏi con :
- Sao Trân ?
Có lẽ nét mặt thẫn thờ của con đã khiến cho nhỏ đoán hiểu. Hồng kiễng chân nhìn qua đám đông lố nhố những đầu, những tay, tìm tên con trong bản danh sách. Con nắm tay Thủy :
- Tao rớt rồi Thủy à.
Thủy nhìn con lặng lẽ. Hồng cũng vừa rời khỏi đám đông, nhỏ nói :
- Sao tao tìm hoài mà…
Con gượng cười ngắt lời nhỏ :
- Làm sao mày tìm thấy được…
Hồng cúi thấp đầu. Con buồn muốn khóc mà không sao khóc được. Nước mắt buồn thương trong con còn chưa đến lúc hình thành hay đã tan biến hết ? Lúc này, con hiểu ý thầy hơn lúc nào. Ba đứa cùng đưa số báo danh nhờ thầy xem kết quả trước. Thầy nhận lời nhưng chỉ đem về kết quả có hai. Thủy và Hồng cùng đậu thật cao, một nhỏ ưu, một nhỏ bình. Thầy nói trong lúc con hồi hộp vô chừng : “Thầy chưa xem kịp cho Trân thì hết giờ, người ta thu xếp hồ sơ ra về “. Thầy biết con rớt từ hôm qua nhưng có lẽ, không muốn con buồn, dù buồn một nỗi buồn đến sớm hai mươi mấy tiếng đồng hồ, thầy giấu. Nhưng thêm một ngày hy vọng, thêm một ngày chờ mong, việc phải đến cũng đến. Bảng danh sách đó thầy. Không có tên con.
Vẫn những tiếng reo vui, những tiếng gọi nhau ơi ới. Thêm trước mặt là hai nhỏ bạn thân. Con chợt nhớ đến thầy quay quắt. Con tưởng như thầy đang đứng trước mặt con. Và con, con đang gục đầu chịu lỗi, cái lỗi đã phụ công thầy, đã phụ lòng hoài vọng nơi thầy. Con thấy gương mặt khắc khổ với những nếp da nhăn tuổi đời chồng chất nơi thầy buồn hơn bao giờ hết. Con nghe đâu đây tiếng thở dài thật khẽ của thầy.
Thủy buồn buồn nói với con :
- Tụi tao định đợi mày có kết quả rồi cả ba đứa kéo xuống nhà thầy…
Giọng của nhỏ chìm dần, tan biến trong ý nghĩ của con. Từ lúc biết mình thi hỏng, từ lúc nhớ đến thầy, con không dám tưởng đến giây phút gặp mặt thầy. Con nghĩ mình như một tội nhân, dù có lẽ, thầy không hề cho con có lỗi. Nghe Thủy nói ý định đến thăm thầy, bỗng dưng con thấy đến gặp thầy là một việc cần. Để chịu tội. Để được nghe lời an ủi. Và biết đâu chừng, để khóc được, khóc cho vơi bớt nỗi buồn thương đang tràn ứ hồn con.
Con nói với Hồng, Thủy :
- Tụi mình đến nhà thầy đi…
Hồng thoáng ngạc nhiên :
- Mày cũng đi luôn chứ ?
Con khẽ gật đầu. Hồng nhìn Thủy hội ý. Rồi cuối cùng, ba đứa con cùng hướng về phía cổng trường.
Con lầm lũi đi bên hai bạn. Những tiếng ồn ào của đám đông nhỏ dần, xa con dần. Cổng trường hiu hắt với mấy chiếc xe gắn máy không hồn đợi chủ -- những bản thể đang chất chứa niềm vui hay đang tràn ngập nỗi buồn ? – Gió chiều bỗng lộng. Những bước chân chợt nặng hơn. Thì ra con đã qua khỏi cổng trường và đang ở cuối một con dốc thật ngắn. Một hòn đá sỏi chợt vụt khỏi vị trí khi con vô tình dẵm guốc lên làm con thoáng lảo đảo. Con liên tưởng đến kết quả kỳ thi. Con thấy con dốc nhỏ như một chặng đường học vấn : mảnh bằng tú tài một. Và viên sỏi con vừa dẵm phải : cái trượt chân của một trong ba đứa học trò yêu của thầy. Nỗi buồn vừa rơi ngập hồn con.
Chiếc xe lam chỉ có ba đứa con, dọc đường cũng không đón thêm được người khách nào, dừng trước nhà thầy. Con bỗng run lên khi thấy bóng thầy đang ngồi đọc sách phía trong cửa sổ. Thủy đưa tay gõ cửa. Con siết chặt cái bóp trong tay để tự trấn an mình. Thầy mở cửa. Thủy và Hồng tiến lên chào thầy trong lúc con chỉ kịp ngẩng lên nhìn thầy rồi sau đó, mọi hình ảnh mờ đi, nhoà hẳn. Nước mắt con lúc này mới ứa ra được. Con mím chặt môi, tay siết mạnh cái bóp hơn…
Thầy bảo chúng con :
- Vào nhà đi các con.
Con líu ríu theo chân hai bạn. Thủy đại diện ba đứa :
- Thưa thầy, chúng con vừa đi xem kết quả về…
Thầy ngắt lời Thủy :
- Và Huyền Trân không may…
Nước mắt con lại ứa thêm. Thủy bảo nhỏ con :
- Trân, mày khóc không sợ thầy buồn à ?
Giọng thầy bao dung :
- Cứ để cho Trân nó khóc Thủy à. Có khóc được, may ra nỗi buồn mới vơi đi…
Con nức nở :
- Con xin lỗi đã làm thầy buồn…
- Thầy có buồn gì đâu…
- Thầy giấu con…
Thầy lắc đầu cười vu vơ rồi nói sang chuyện khác. Thủy và Hồng trò chuyện líu lo. Thỉnh thoảng, thầy có hỏi và con trả lời. Nhưng trí óc hỗn độn của con lúc đó làm con không còn nhớ rõ mình đã nghe, đã đáp những gì nữa. Lúc xin phép ra về, thầy mới nhìn thẳng vào ánh mắt con khuyên nhủ :
- Hãy nghe lời thầy, để nỗi buồn lắng xuống rồi bình tĩnh học hành trở lại, thế nào sang năm con cũng đậu…
Con cúi đầu đáp vâng rồi vội vã ra theo hai bạn. Hồng đang vẫy xe lam. Con có cảm tưởng thời gian trôi quá nhanh và con đường về nhà con quá ngắn. Con hình dung ra nét thất vọng trên gương mặt ba má. Con bụm tay lên mặt, bờ vai run từng chập. Có tiếng thở dài của Thủy.
Dường như chiều đang cơn nắng quái.

Chương 2

Hành trang sửa soạn vừa xong, anh An con sắp rời khỏi tỉnh lỵ, sắp lìa xa mái ấm gia đình, nơi mà bao năm nay, chưa lần nào anh sống cách xa đến tuần lễ.

Anh con ngồi đọc báo nơi phòng khách, nhưng chừng như anh chẳng đọc được gì, thỉnh thoảng mắt lại rời tờ báo, trải cái nhìn về phía trước mông lung. Anh như đang trốn chạy thực tại, trốn chạy những giây phút biệt ly mà con chắc anh không muốn bao giờ. Thực ra, con đường Biên Hoà Sàigòn có bao xa ? Và thời gian hàng tuần lễ có gì là lâu lắm ? Trọ học ở Sàigòn, cuối tuần, anh đều về tỉnh thăm nhà kia mà. Nhưng… tự dưng con nghe bồi hồi lạ. Tự dưng con thấy lo cho anh con. Mười tám năm sống trong mái nhà thân yêu, sống trong sự chở che của ba má, có những khi đau yếu, có những lúc giận dữ, có những nụ cười vui; bây giờ, một thân, một mình, anh đến ở một chỗ cách xa gia đình, bằng ba bốn mươi cây số, tự lo liệu tất cả, tự định đoạt tất cả, tự dạy dỗ mình, tự trừng phạt mình. Không còn ai để hỏi ý kiến khi cần, cũng không ai chia sớt buồn phiền, mệt nhọc hay chung niềm hớn hở, vui tươi. Con tưởng anh con như con chim non sắp lìa xa tổ ấm.
Ba má con lăng xăng dưới bếp. Ông bà nhất định giành lấy cái quyền sửa soạn bữa cơm tiễn anh con lên Sàigòn. Lũ em con, bốn đứa lóc nhóc xúm xít trên chiếc traction của bác Hiền, chiếc xe mà lát nữa đây sẽ đưa anh con đến một khung trời mới. Những đứa nhỏ thật vô tư, cười nói, đùa giỡn. Đứa ngồi trước vô lăng làm tài xế, đứa nhoài người ra giả làm lơ. Những tiếng máy nổ bằng miệng, tiếng mời khách, tiếng cười vui như đập vỡ bầu không gian im lặng nơi phòng khách.
Anh con chợt quay lại. Con bối rối với tay lấy cái phất trần vờ quét bụi, giấu anh rằng nãy giờ, con vẫn đứng tựa cửa nhìn anh mà nghĩ vẩn vơ. Anh con bỏ tờ báo xuống, bảo con :
- Ra ngồi chơi.
Anh cố lấy vẻ tự nhiên, nhưng càng cố, con càng thấy rõ hơn, anh như đang mất bình tĩnh. Anh chỉ chiếc ghế đơn, húng hắng lấy giọng :
- Tao sắp đi Sàigòn rồi. Chút nữa, sau khi cơm nước xong.
Con ngắt lời anh :
- Em chúc anh gặp mọi sự dễ dàng trên đó.
Anh con hơi phì má, nỗi ngạc nhiên thoáng vẻ hài hước mà cảm động. Anh bảo con :
- Lâu lắm, tao mới nghe mày nói được một câu dễ chịu.
Con mỉm cười. Anh con ngả người vào thành ghế, khoa hai tay, mặt ngước lên trần, nói trong tiếng cười khan :
- Tự dưng tao nhớ lại những lúc tao với mày cãi cọ nhau, từ nay anh em mình ít còn dịp như thế nữa…
Con cúi nhìn xuống tờ báo, những dòng chữ đen xậm nhảy múa dìu con vào bao hình ảnh xa xưa. Xa xưa, những hình ảnh cách nay hàng chục năm. Xa xưa, những kỷ niệm cách nay dăm năm. Xa xưa cả những gì mới xảy ra ngày hôm qua nữa. Cho đến những giây phút này, rồi khi anh con leo lên chiếc traction, cũng trở thành kỷ niệm xa xưa giữa hai anh em. Trong gia đình, cho tới bây giờ, con vẫn không hiểu tại sao con lại không được ba má thương yêu bằng anh An và các em con ? Có lẽ trong sáu đứa con, con là đứa chịu nhiều thiệt thòi nhất trong khi anh An là người sung sướng hơn cả. Lạ một điều là đứa được ba má thương nhất và đứa bị ghét bỏ nhất lại thương nhau. Về phần anh con thì con không biết rõ, chứ phần con, con nghĩ rằng chính mặc cảm cô đơn đã kéo con lại gần anh con. Và không bao giờ muốn xa rời. Luôn luôn, trong những vụ cãi vã, con là người chịu thua. Chứ không, còn biết ai để con tâm sự ?
Giọng anh con lơ đãng :
- Tao nghĩ giá anh em mình đừng có giận nhau lần nào hết thì hơn, Trân à.
- Sao vậy ?
- … thì… nếu không giận nhau thì làm gì lúc này có chuyện để mình nhớ lại.
- Bộ anh không muốn nhớ lại những kỷ niệm xưa sao ?
- Có lẽ ! Tao thấy kỷ niệm như những sợi dây níu chân tao lại.
Anh con nói như một người viết văn. Thật lạ. Thật không giống với anh An ngày thường chút nào. Kỷ niệm như những sợi dây. Nhưng chắc chắn sợi dây chỉ trì kéo được hồn anh chứ không níu giữ được chân anh. Vì chắc chắn, anh sẽ lên Sàigòn. Chiều hôm qua, có lẽ anh đến đón con ở cổng trường từ lâu lắm. Lúc con ra đến nơi, con bắt gặp anh đang loay hoay với viên sỏi trong tay, khắc chữ An đậm nét nơi cổng trường. Con trêu anh : “An và gì nữa anh ?”. Anh con cười không đáp. Anh ngước nhìn tấm bảng cũ với hai chữ Ngô Quyền đậm xanh vài nơi nứt nẻ vết sơn.
Tiếng anh con lại vang lên :
- Tao không đến đây từ giã thầy Bằng được, lúc nào gặp thầy, nói dùm tao một tiếng nghe.
- Để thứ năm.
- Còn gặp tụi Thủy, Hồng thường không ?
- Hơi ít một chút, bây giờ khác lớp rồi còn gì.
Anh con bỗng thở dài :
- Phải chi năm rồi tao đừng rủ mày cùng hoạt động hiệu đoàn.
Con nhìn anh con đăm đăm. Từ sau khi được tin con rớt, lúc nào anh con cũng ân hận cho rằng tại anh rủ con hoạt động hiệu đoàn mà con thi hỏng.
- Nếu tao chịu bỏ chút thì giờ kèm thêm cho mày thì chắc kết quả đã đổi khác.
- Anh còn phải lo bài vở, em biết mà, chương trình 12 dài lê thê. Lại nữa, bao nhiêu công việc đằng trường, một tay anh lo lắng.
Giọng anh con ngập ngừng :
- Thi rớt, mày có trách gì tao không ?
Con vân vê tà áo :
- Em đâu dám, tại em học kém.
Anh con chép miệng :
- Năm nay không có tao ở nhà, chắc mầy sẽ cực lắm.
Ngừng một chút anh tiếp :
- Tao nghe thầy nào đó nói có lẽ năm nay là năm cuối còn thi phần nhất. Cố mà giật cho được mảnh bằng. Mầy đậu, ba má vui, biết đâu nhờ vậy mà ông bà thương mầy hơn. Tao sắp đi, tao biết là mày sẽ cực, tao không yên lòng chút nào hết…
Nước mắt con rưng rưng. Con thấy thương anh con hơn bao giờ.
- Em hứa với anh năm nay em sẽ cố học.
Giọng anh con mơ màng :
- Cố năm nay rồi năm nữa, lấy xong cái toàn phần, thế nào tao cũng xin cho mày được lên đại học. Lên Sàigòn với tao, tha hồ mà tự do.
Con khẽ nói :
- Còn lâu lắm…
Anh con bỗng bật cười khan :
- Hay là thi đậu xong cái phần nhất, mày lấy chồng quách đi là thoát khỏi ông bà già…
Con đỏ mặt :
- Cái anh này…
Má con bưng mâm ra, ba con nối theo với nồi cơm. Anh con đứng lên đỡ nồi cơm. Con phụ một tay thu xếp bàn ăn ngay nơi phòng khách. Má con sai :
- Con Trân chạy sang mời bác Hiền coi.
Con dạ nhỏ rồi tiến ra trước cổng. Ngang chiếc traction, lũ em con bi bô :
- Đi cây Chàm không chị ba ? Năm đồng thôi…
Con quay lại nạt chúng :
- Ba má dọn cơm ra rồi đó, không lo vào rửa tay chân đi, ăn đòn cả lũ bây giờ.
Cả lũ túa ra khỏi xe, cánh cửa xe bị đóng ập mạnh một tiếng ầm.

***

Lên Sàigòn, mỗi tuần đều về nhà, vậy mà anh con làm y như sắp đi xa và lâu lắm. Anh dặn con liên hồi :
- Nhớ quét bụi tủ sách thường ngày cho tao nghe. Cặp vợt tao mới mua, giữ gìn cẩn thận một chút đó. Từ giã thầy Bằng dùm tao. Ủi sẵn cho tao bộ đồ để cuối tuần về tao có mà mặc…
Ba con đích thân đem va li ra xe và ân cần gởi gấm anh con với bác Hiền :
- Nhờ bác lo dùm cho thằng An tôi.
Bác Hiền vui vẻ đáp lời cho ba con yên tâm. Nhà bác có tiệm may trên Sàigòn, anh con sẽ trọ nơi một phòng nhỏ trong tiệm may đó. Điều kiện không có gì là khó khăn cả.
Anh An tần ngần mãi nơi ngưỡng cửa. Bước chân anh như bị níu lại. Bác Hiền đã lên xe, mở máy. Má con dục anh :
- Lên xe đi con, An. Bác đợi kìa.
Anh con bước khỏi hiên nhà. Con theo sau anh. Mấy đứa nhỏ đứng bên hông xe trố mắt nhìn. Anh con bỗng dừng bước, nhìn con :
- Nhớ những lời tao dặn không ?
- Em nhớ.
- Năm nay lo học.
- Dạ.
- Và không hoạt động gì ở trường nữa.
- Dạ.
Lúc chiếc traction khuất hẳn, con mới quay vào nhà. Ba má và các em con ở cả nơi phòng khách. Nhưng con bỗng thấy trống trải lạ thường. Thiếu vắng lạ thường.
Má con :
- Con Trân ra sau giặt đồ đi. Có cả bộ quần áo của thằng An trong chậu đó, giặt thiệt sạch rồi ủi cho nó.
Con dạ rồi bước về phía bếp. Thật trống trải. Căn nhà vắng vẻ chẳng khác hồn con.
 
(còn tiếp)
03 Tháng Hai 2009(Xem: 80545)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74014)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65693)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78461)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68760)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76195)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76787)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73838)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73935)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72678)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72019)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75552)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74220)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80507)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74100)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75845)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69099)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73744)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69346)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66522)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .