Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XVII)

04 Tháng Chín 20149:15 SA(Xem: 14494)
Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XVII)
BUI VA RAC-nxh-2-large
Kỳ XVII

Hắn bỗng đổi cách ngồi, thả một chân xuống ghế, mặt chồm về phía tôi. Hơi thở hắn nồng nặc mùi thuốc lá nặng.

“Cái thẻ công nhân viên của ông là thẻ giả. Chúng tôi đã hội ý với nhau tối hôm qua. Đồng chí bên Ban Kiểm Tra đi với trưởng công an quận và đồng chí Hòe đều nhất trí thẻ công nhân viên của ông là thẻ do bọn phản động ngụy tạo nhằm phá rối cách mạng. Ông Thăng, nếu ông nhất định không khai báo số vàng mang theo, chúng tôi được lệnh trên bắt ông.”

“Bắt tôi?” Tôi ngạc nhiên. “Tôi phạm tội gì?”

“Ông thật tình không biết tội gì à? Di chuyển ra thành phố miền biển mà không có giấy phép đi đường. Cư trú bất hợp pháp vì không khai báo công an khu vực. Xài thẻ giả do bọn phản động cấp! Tổ chức cho người khác vượt biên để lấy vàng và bản thân có ý đồ sẽ vượt biên. Sao? Từng đó đủ tội chưa? Ông có muốn tôi kể thêm vài thứ nữa không? Mà ông có biết vượt biên là phản quốc không?”

Tôi giận run lên, nhưng cố đè nén cơn tức xuống. Hai bàn tay tôi đan chặt vào nhau. Tôi là người có miệng mà cũng như không. Lúc đầu hắn nói tôi có ý đồ vượt biên, bây giờ hắn gán thêm cho tôi cái tội tổ chức vượt biên.
Tuy nhiên hắn trói tôi bằng một sợi dây tội lỗi mà không phải là hắn không có vài chút sự thật để bám vào. Không có giấy đi đường? Đúng quá chớ còn gì nữa. Thành phố này là nơi có nhiều người tìm đường vượt biên. Đúng chớ có sai đâu. Nhưng mà ý đồ vượt biên? Ai mà chẳng có. Tôi cũng có ý đồ đó thật, Quỳnh chẳng bàn với tôi trong ngày lên đường hay sao? Bất giác tôi nhìn ngó xung quanh. Đồn công an phường này là một ngôi nhà khá rộng nằm ở góc ngã tư đường, có lẽ đây là biệt thự của một người di tản trước ngày quân cộng sản lấn tới vào Tháng Ba Bảy Lăm. Chỗ tôi ngồi là phòng khách. Hai bên là phòng ngủ. Một dãy ghế sắt xếp được đặt dọc sát tường, đã có khách ngồi chờ. Tôi thấy mấy ông già bà già kẻ ngồi người đứng, trên tay người nào cũng cầm một tờ giấy. Thỉnh thoảng cánh cửa phòng bên mở, một người bước ra với khuôn mặt buồn thảm, đầu cúi thấp. Một tiếng gọi tên người từ bên trong vọng ra. Một người bên ngoài nhổm dậy, hấp tấp đi vào. Tôi thấy mình như một thằng câm. Tôi ngó tên công an áo vàng. Hắn ngó tôi. Sau cùng hắn đứng dậy ra lệnh:

“Đi theo tôi!”

Hắn làm gì mình đây? Hắn muốn gì mình chớ?

Hắn bước lên cầu thang. Mặt gỗ xỉn đen. Tay vịn nhớp nhúa. Hắn đưa tôi vào một căn phòng nhỏ trống trơn. Không bàn ghế giường tủ. Cửa sổ lá sách có khóa. Ngọn đèn bóng giữa trần nhà chiếu cái ánh sáng vàng vọt xuống mặt sàn một vòng tròn. Hắn đưa cho tôi một tờ giấy mỏng vàng xỉn, như tờ hắn đọc ở nhà dưới, và một cây bút bic đã nhòe mực.

“Viết lời khai báo vào tờ này. Cần giấy thêm cứ gõ cửa tôi đưa thêm. Nếu thành thật sẽ được trên xét khoan hồng.”

Và hắn bỏ đi. Cánh cửa sau lưng khép lại. Tôi nghe tiếng tra chìa vào ổ khóa. Tiếng kêu lách cách của một vòng quay. Tôi đứng ngay giữa phòng, dưới ngọn đèn bóng tròn vàng vọt, cầm trên tay một cây bút và một tờ giấy cũng vàng như ngọn đèn, như màu tường, như những tháng ngày tôi đang sống.

Tôi ngó lên trần nhà. Trần nhà thấp quá. Tôi đặt tờ giấy và cây bút xuống sàn gạch bông. Tôi thọc hai tay vào túi quần. Tôi ngó xuống đôi dép dưới chân. Tôi không hiểu mình sẽ phải làm gì. Tôi không hề chờ đợi chuyện sẽ xảy ra sáng hôm nay. Tôi không tìm ra lý lẽ để cắt nghĩa những diễn biến mà tôi đang phải đương đầu. Tôi khai gì? Tôi có gì mà khai? Những ngọn đèn bạch lạp còn cháy trên bàn thờ người anh tôi. Tiếng đọc kinh của những nhà sư còn vang đọng trong trái tim tôi. Tiếng khóc của bà chị dâu tôi và các cháu gái tôi còn thổn thức trong lồng ngực tôi. Những giọt nước mắt của Quỳnh khi thấy bọn ruồi nhặng hoạch họe xông vào nhà đang có tang chay. Tôi thấy tôi hèn nhát. Sách vở trong bao nhiêu năm chỉ cung cấp cho tôi một mớ kiến thức “lùn tịt.” Sách vở không làm cho một kẻ hèn nhát trở thành cam đảm. Nếu tôi là người nằm trong nấm mồ kín, và anh Thúc là người đứng đây, cái gì sẽ xảy ra? Ừ, cái gì sẽ xảy ra? Tôi chưa biết, nhưng tôi tin là nó sẽ không xảy ra giống y cái cảnh tượng mà tôi đang chịu đựng. Cha tôi đã chết. Mẹ tôi đã chết. Anh tôi đã chết. Tôi có cần sống không?

Dù sao tôi không thể đứng đây như trời trồng được. Tôi đi dọc đi ngang, đếm từng viên gạch dưới chân. Tôi đi xéo đi xiên, đếm từng bước nhỏ. Tôi tính nhẩm những bài toán cộng trừ. Rồi tôi chia, tôi nhân.

Tôi không biết cả nhà đang nghĩ gì. Cả nhà có biết là tôi đang bị giam trong trạm công an khu vực này không? Tôi không biết Quỳnh sẽ ra sao khi tôi biệt tích. Tôi thấy nhiều hình ảnh đang chiếu trên tấm màn trí tưởng tôi. Tuấn luật sư, nhà cách mạng Ba Mươi Tháng Tư, thầy giáo Nguyên “nằm vùng,” Hiên hiệu trưởng của chế độ mới, cô nữ sinh Nhị Hà từ Bắc vào... Tôi cũng thấy Kiệt, người học sinh xuất sắc nhất lớp, hai con mắt đỏ hoe báo tin cha cậu đã tự tử, Tâm “khô khốc thiền sư” ngồi uống ly cà phê với tôi ở lề đường Nguyễn Du, nói về vợ con đã mất tích trên biển nhưng phải viết một bản “thu hoạch” chính trị phản tỉnh về những gì mình đã cầm bút trước đây.

Tôi cũng thấy khuôn mặt Mười Tân lạnh lùng sắt thép. Rất tiếc! Rất tiếc! Như một lưỡi dao đe dọa không ngừng lơ lửng trên đầu tôi. Những tên công an áo vàng gọi tôi là “ngụy” không cho phép đeo kính cận khi nói chuyện với chúng. Cả một thời phong kiến trước đây trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố, Bùi Hiển, Nam Cao... bây giờ đang sống lại một cách rực rỡ như chưa từng thấy, Đời sống mới mẻ minh họa cho những trang tiểu thuyết của xã hội trước năm Bốn Mươi Lăm. Cai tổng, lý trưởng, ông cò, thầy đội... tái sinh trong những bộ quần áo mới, ngôn ngữ mới.

Tôi mỏi chân. Tôi ngồi bệt xuống sàn gạch bông, thứ gạch bông đã từ lâu không được lau chùi đang rít nháp xỉn đen cáu bẩn. Tôi thấy thèm một điếu thuốc. Tôi nghe thoảng mùi cà phê. Tôi đứng dậy bước đến cửa cầm tay nắm vặc thử, Cửa đã khóa trái. Tôi đi về phía cửa sổ. cửa lá sách có chấn song, nhưng đã lốc bằng một ổ khóa. Tôi hé ngó xuống phía dưới mặt đường. Bất ngờ tôi ngó thấy Quỳnh đứng bên cạnh chị dâu tôi và cháu Thùy. Cả ba người đàn bà đang chụm đầu vào nhau. Tôi biết chỗ họ đứng là trước cửa trạm công an. Tôi muốn kêu to lên cho Quỳnh biết là tôi đang ở đây, Tôi muốn đập bể cánh cửa sổ này ra, nhảy xuống phía dưới kia “Không được! Không được! Phải bình tĩnh! Rất bình tĩnh!” Tôi nghe tôi tự nói với mình như vậy.

Tôi bước lại giữa phòng, cúi xuống lấy tờ giấy và cây bút trên sàn. Phải cho Quỳnh biết ngay là tôi ở đây. Tôi viết nguệch ngoạc mấy chữ:

“Q. Anh đang ở trong căn phòng ngay trên chỗ em đứng.”
“T.”

Tôi xếp tờ giấy làm tư, đến bên cửa sổ, nhìn xuống. Cả ba người đàn bà vẫn còn đứng đó. Ba cái đầu không còn chụm vào nhau. Cả ba khuôn mặt đều nhìn về một phía cánh cửa chính của đồn công an khu vực. Tôi đẩy tờ giấy qua kẽ lá sách. Tờ giấy mỏng chao lượn trong không làm trái tim tôi cũng chao lượn theo. Rất chậm, nó đáp xuống gần chân của bà chị dâu tôi. Đó là lúc cả ba cái đầu vừa chụm lại. Không ai nhìn thấy tờ giấy tôi vừa thả xuống. Một đỗi lâu, cả ba mái đầu mới rời ta. Quỳnh sửa thế, quả quyết bước thẳng. Bà chị dâu tôi và cháu Thùy theo sau. Tôi thấy chân bà chị giẫm lên tờ giấy của tôi.

“Cả thế giới này đã bỏ quên tôi rồi.”

Tôi nghĩ trong đầu như vậy. Hai tay tôi nắm chặt. Tôi muốn đập nát cánh cửa này. Tôi vò đầu vò tóc. Tôi đi qua đi lại, đếm từng viên gạch. Tôi đi xéo đi ngang, đếm từng bước chân. Tôi ngó lên trần nhà. Tôi ngồi bệt xuống sàn. Tôi thấy mình như một con thú bị cái bản năng chật chội hành hà. “Bình tĩnh! Bình tĩnh!” Tôi nhớ lại lời nói của Giáo sư Linh mục Alexis Cras ở Viện Đại Học Đà Lạt. Ba năm trời học với Cha, tôi nghiệm ra một điều: môn Siêu hình học mà Cha dạy bọn tôi có thể đã trôi tuột như nước chảy qua kẽ bàn tay, nhưng cái dáng điệu khoai thai, trầm tĩnh, từ tốn của cha, cái cách nhìn mọi vấn đề dưới con mắt không chút thành kiến của một tấm lòng bác ái như Cha Cras, vẫn còn đọng lại mãi trong trí nhớ tôi. Thật ra bình thường nó có vẻ như đã tan chìm biến mất trong tôi, nhưng vào một lúc nào đó, những biến cố đến với tôi như một cây kim chọc thủng cái trí nhớ mưng mủ kia, làm vọt ra những điều không thuộc về tôi: Cái dáng điệu khoan thai trầm tĩnh của Cha Cras trước mọi vấn đề là bài học mà tôi sẽ phải thuộc lòng và giữ gìn mãi. Cha Cras thuộc dòng Đa Minh, áo chùng trắng, tóc trắng thưa, nụ cười hiền. “Ông Cố đạo,” cha hay tự gọi mình như vậy, giảng triết học hiện sinh rất hay, nói chuyện Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng như một nhà phê bình văn học chính cống, đọc Truyện Kiều giọng Tây, bình thơ Đỗ Phủ, kể chuyện Esope theo một tác phẩm Con cáo và chùm nho của một kịch tác gia Nam Mỹ. Esope trong vở kịch là một người nô lệ nhưng đồng thời cũng là một nhà ngụ ngôn.

(Còn tiếp)

29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76193)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76786)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73833)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73935)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72675)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72019)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75545)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74216)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80499)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74097)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75839)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69096)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73739)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69341)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66518)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73071)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65427)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76745)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!