Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ III)

19 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 21799)
Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ III)


nguyenxuanhoangbuivarac1992-content

 

 

Kỳ III


Tôi kêu lên, nhận ra ngay người học sinh xuất sắc nhất của lớp học. Tôi đi giữa hai dãy bàn ghế. Kiệt chậm rãi đứng dậy.

“Thầy Thăng, thầy nghĩ sao?”

“Ngồi xuống đi, Kiệt.” Tôi ấn vai người học sinh và ngồi xuống bên anh.

“Nghĩ sao là sao? Mà tại sao em khóc?”

“Ba em chết rồi!”

Kiệt chùi nước mắt, hàm răng cậu bé nghiến lại, giọng nói lạnh tanh.

“Ba em tự tử hồi tối hôm qua.”

“Sao? Ba em tự tử?”

“Thưa thầy, phải. Ba em là một sĩ quan Dù, ông bất chấp lệnh ngừng bắn của ông Minh, nhất định chiến đấu tới cùng. Và bắn đến viên đạn cuối cùng ba em tự sát...”

Tôi lặng người ngồi im nghe Kiệt kể. Cái lớp học này, nơi gần như ngày nào tôi cũng có mặt, từ niên học này đến niên học khác. Cái ngôi trường này, nơi tôi đã từng mặc áo trắng quần xanh ôm sách đến bao nhiêu năm thời tuổi nhỏ. Nó là nhà của tôi, gia đình của tôi. Bây giờ tôi mới biết không phải vậy.

“Thầy Thăng, em phải làm sao bây giờ?”

Tôi biết phải làm sao bây giờ. Chính tôi, tôi cũng không biết mình phải làm sao khi nghe tin Tướng Minh bị bộ đội đẩy lên xe jeep lái tới đài phát thanh bắt đọc lời kêu gọi quân đội ngưng bắn, bởi vì giao tranh vẫn còn tiếp tục ở khắp nơi quanh Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, gần Tân Cảng, trước trung tâm truyền thông Phú Lâm, trong Chợ Lớn và ở các vùng ven đô. Tôi choàng tay qua vai Kiệt. Tôi biết bất cứ lời nói nào của tôi trong lúc này cũng là thừa, huống chi là tôi không có lời nào để nói. Tôi nghe miệng mình đắng chát. Tôi ứa nước mắt. Kiệt gục đầu xuống vòng tay khoanh trên mặt bàn. Tôi thấy hai vai cậu bé rung lên bần bật. Không lâu, tôi nghe có tiếng người gọi tên tôi. Tiếng kêu vang dọc dài theo hành lang.

“Thôi Kiệt về đi, chiều tôi sẽ ghé qua nhà.” Tôi vỗ về Kiệt.

Tôi biết những cánh cửa vất vả và khổ nhục đang mở ra trước mặt chúng tôi. Nhưng vất vả khổ nhục như thế nào thì tôi không rõ. Phải đợi đến nửa tháng sau tôi mới biết viên thuốc độc đầu tiên họ cho và bắt chúng tôi uống là lòng hoài nghi. Nó là một thứ “sinh tử phù.” Nó mở đầu cho một mùa nghi hoặc. Và nạn nhân đầu tiên chính là tôi.


Chương Hai

Người ta gọi các giáo sư có họp sáng nay ra sân sau phòng giám thị phân chia nhu yếu phẩm, gồm gạo nước mắm, đường và thịt. Những miếng ăn đầu tiên tưởng thưởng cho những kẻ ngoan ngoãn. Tôi nhìn thấy các nữ đồng nghiệp xinh đẹp của chúng tôi đang xăn tay áo cắt và chia ra từng phần. Và chúng tôi, những người đàn ông không đến nỗi bệnh tật, đang mở to mắt nhìn vào những thứ mà mới hôm nào chúng tôi không hề xem nó là hàng đầu của đời sống, những thứ đó đang bắt chúng tôi nghĩ rằng nó đang là hàng đầu của nỗi khổ nhục. Túm tất cả những thứ nhu yếu phẩm kia để dưới chân xe, tôi bần thần trở về nhà. Nhưng cái hình ảnh người học sinh ngồi cô đơn trong lớp học nói về cái chết của người cha là một chiến sĩ, nó càng làm cho những thứ nước mắm, đường, tiêu, cá, thịt dưới chân tôi thổi ngược lại trong thân thể và trí óc tôi sự hèn mọn. Hèn mọn? Chữ đó có đủ nghĩa chưa? Ti tiện, nhỏ nhoi, thấp kém, tầm thường, bạc nhược, khiếp nhục... có lẽ gần gũi hơn với thịt cá muối dưới chân tôi...

Cái chết của người sĩ quan dù, ba của Kiệt, câu chuyện bốn người lính dù trang bị đại liên và bazooka đã bắn đến viên đạn cuối cùng trước khi lập thành vòng tròn tự sát bằng lựu đạn ở ngã tư Hồng Thập Tự-Lê Văn Duyệt... Những hình ảnh đẹp đẽ và hào hùng ấy tôi rất ngưỡng mộ. Nhưng tôi đã không biết cách lựa chọn. Tại sao? Tại sao? Tại sao?


Căn nhà “nhỏ như cái lỗ mũi” của tôi sau cùng không phải chỉ chứa có hai người là Quỳnh và tôi, mà còn thêm một cháu bé mới chào đời cùng với mười người nữa. Một đứa cháu trai tên Dũng là đại úy cảnh sát chưa lập gia đình; thằng Hùng, em của Dũng, là trung úy Quân Tiếp Vụ; Khiết, em rể, trung sĩ an ninh quân đội chạy từ Phan Thiết vô dẫn theo vợ và hai con; sau cùng là ông anh cả tôi, trung tá Biệt Động Quân bị thương trong một trận đánh, bán thân bất toại phải ngồi xe lăn, cùng bà chị dâu và hai cháu gái!

Chừng ấy con người chia nhau một căn phòng mười sáu thước vuông, nghẹt thở vì thiếu không khí giữa một thành phố cũng chẳng còn không khí đâu để thở nữa.

Một buổi sáng Chủ Nhật, Tuấn - luật sư - đến thăm Quỳnh. Hắn bỏ áo sơ mi ngoài quần, chân đi dép râu, tay xách túi vải kaki. Chỉ có chiếc kính cận tròn nhỏ kiểu John Lennon là còn nguyên màu sắc Saigon trên mặt hắn, phần còn lại cho tôi thấy một Tuấn khác, rất khác với cái vẻ diêm dúa của hắn trước đây.

“Cháu tao đâu?” Hắn hỏi tôi khi mới vừa đặt chân lên thềm cửa. Và không đợi tôi trả lời, Tuấn đi thẳng vào buồng trong. Cả nhà nằm la liệt dưới đất. Lúc đó Quỳnh đang bế con ngồi trên chiếc giường độc nhất trong phòng.

“Trời đất! Nhà gì mà đông dữ vậy? Quỳnh, em có khỏe không?” Hắn hãi hùng ra mặt trước cảnh tượng nhà tôi.

“Cám ơn anh, em khỏe!” Quỳnh trả lời chậm rãi. Nhưng tôi thấy mắt cô ngó chăm vào quần áo và dép râu của Tuấn như nhìn một người từ hành tinh khác xuống.

“Anh làm cái gì vậy?” Quỳnh hỏi không kềm được ý nghĩ trong đầu.

“Tao làm cách mạng!” Hắn trả lời nhanh, gọn, tỉnh bơ như không.

“Hồi nào vậy?” Quỳnh hỏi tiếp. Tôi thấy cô cười nửa miệng.

Tuấn không trả lời. Hắn quay sang tôi:

“Thăng, mày có nghe tên ông Mười Tân không?”

“Không. Mà chi vậy?”

“Mười Tân là con ông bác tao. Ảnh làm lớn lắm. Tao làm việc cho ảnh từ hồi Hòa đàm Paris tới giờ. Sao? Mày thấy tao có giống cán bộ không?”

“Giống, giống lắm!” Tôi nói cho qua chuyện.

Tuấn bỗng đập mạnh lên vai tôi, liếc mắt nhìn ông anh và bà chị và đám cháu tôi ra dấu hỏi.

“Ông anh tôi và gia đình từ miền Trung mới chạy vào. Còn hai đứa cháu tôi là sĩ quan vừa mới rã ngũ.” Tôi giới thiệu.

Tuấn gật gù, nói giọng lên lớp.

“Tôi khuyên các anh nên đi trình diện ngay. Cách mạng vừa ban hành chính sách khoan hồng cho ngụy quân, ngụy quyền. Trình diện sớm, an tâm sớm. Rồi còn về nhà mà làm ăn sinh sống chớ!”

Cả nhà không ai nói tiếng nào. Mấy đứa cháu tôi nghiêm mặt lại. Ông anh tôi trở mình, đổi thế ngồi. Tuấn thở dài.

Tuấn thở dài. Cả một nhà ngụy rặt thế này thì làm sao...”

“Ông là loại người gì vậy?” Đột nhiên thằng cháu tôi đứng bùng dậy bước thẳng tới trước mặt Tuấn hỏi.

“Đừng Dũng!” Tôi ngăn. Nhưng Dũng đã nắm cổ áo Tuấn.

“Dép râu hả? Nói thêm một tiếng nữa, tôi không tha đâu.”

“Đừng Dũng!” Tôi lập lại.

Dũng thả cổ áo của Tuấn ra, phủi hai tay vào nhau, trở lại chỗ ngồi. Quỳnh vẫn bế con ngồi trên giường, mắt mở lớn nhìn cảnh tượng bất ngờ. Tuấn vuốt lại cổ áo, sửa gọng kính trên mũi, mặt tái xanh.

“Anh về nghe Quỳnh.” Hắn từ giã cô em gái giọng ngọt ngào. Và trước khi bước ra khỏi phòng, hắn nói trống trơn.

“Xin chào!

Tôi kéo chốt cổng nhường lối đi cho Tuấn, nhưng hắn không bước ra ngay.

“Mày cấp bậc gì trong quân đội?” Tuấn bất ngờ hỏi tôi.

“Chi vậy?”

“Hỏi cho biết vậy thôi!”

“Tôi chỉ là khóa sinh dự bị sĩ quan học chín tuần ở Quang Trung, rồi được biệt phái về bộ!”

“Biệt phái?” Hắn chặc lưỡi. “Khó dữ. Sĩ quan tác chiến thì còn đỡ, chớ mà biệt phái thì gay lắm...”

“Tại sao?” Tôi hỏi.

“Sĩ quan thì chỉ biết đánh nhau thôi. Chớ còn biệt phái là dòm ngó người ta, là tình báo, là CIA... Tao sợ mày bị qui vào thành phần có nợ máu nhân dân...”

Tôi đứng cứng người. Gần nửa tháng nay, kể từ ngày Saigon đổi chủ, tôi có nghe người này người nọ nói điều này điều kia, phần lớn là suy giải chớ không có cái lối chĩa vào mặt như thế.

“Đừng lo, tao biết. Thứ người đi trên mây như mày thì CIA cái chó gì. CIA thứ thiệt cũng chẳng ngu gì xài mày. Thôi tao về. Bữa nào tao đưa đồng chí Mười Tân tới thăm Quỳnh.”

Trời ơi đồng chí hắn làm tôi ngộp thở.

Bước xuống hẻm, hắn cúi đầu mở khóa xe đạp rồi leo lên yên nhún nhún.

Hắn làm tôi ngạc nhiên thêm một lần nữa. Chiếc xe Volswagen đời 75 của hắn đã giấu biến chỗ nào. Hắn làm tôi nhớ một truyện ngắn của nhà văn Tchekov có tựa đề là Con Kỳ Nhông, con vật có khả năng đổi màu da tùy thuộc vào nơi nó ẩn nấp. Tuấn giống con kỳ nhông cách gì.

(Còn tiếp)


 

06 Tháng Sáu 2014(Xem: 26235)
Không niềm vui nào tả hết, sau hơn 40 năm, học trò gặp lại người thầy kính yêu. Học trò nhìn đôi chân thầy, vẫn đôi dép lê, chiếc áo pull giản dị. Tôi vui quá, thật sự một ngày vui, khi gặp lại các anh chị. Thầy ơi, bởi vì trái đất tròn. Thương sao trái đất vẫn tròn.
31 Tháng Năm 2014(Xem: 28412)
Còn 2 ngày nữa là hết tháng năm. Mùa hè đã về. Các cháu được hưởng những ngày hè vui vẽ bên gia đình.... Hình như tháng Sáu đang gỏ cửa . Còn 2 ngày nữa mới tới. Tháng Sáu ơi.
29 Tháng Năm 2014(Xem: 17474)
Riêng tôi trong mọi sinh hoạt giới trẻ vẫn mong muốn các cháu dù thành đạt nhưng vẫn luôn ghi nhớ biết mình từ đâu để quay về và hơn lúc nào hết phải nhận được nguyên do tại sao mình hiện diện trên đất nước này.
20 Tháng Năm 2014(Xem: 19760)
. Ông nói, ví dụ như khi có tiền lệ như thế rồi, nếu tương lai có một nước lớn tham tàn hung bạo nào đó thừa gió bẻ măng hoặc với lý do tương tự như vậy tiến chiếm đất đai, lãnh thổ nước Việt mình (3)
20 Tháng Năm 2014(Xem: 22708)
Xin hãy viết, hãy ghi những tâm tình, những dòng nhạc ca ngợi và biết ơn Tình Mẹ không chỉ trong Ngày Lễ Mẹ hay trong Tháng 5 nầy mà mãi mãi về sau dù thời gian đã làm ''mẹ con giờ tóc bạc như nhau''.
10 Tháng Năm 2014(Xem: 21024)
Ngày nào còn con người với những buồn vui mất mát, đau khổ lẫn ước mơ, ngày đó tiếng thơ Trần Kiêu Bạc còn mãi ngân vang.
10 Tháng Năm 2014(Xem: 15670)
Lúc trước nó thường hay chọc ghẹo là má nó hà tiện cứ ưa cất giữ đủ thứ mốc meo cũ xì nhưng giờ thì nó đã hiểu. Má không giữ đồ cũ, má cố giữ niềm vui ngày cũ. Ngày có Má có Con.
09 Tháng Năm 2014(Xem: 21708)
Những kinh nghiệm sống, những gian lao cực khổ của Mẹ đã chấp cánh cho anh em tôi bước vào đời. Mẹ truyền đạt cho tôi bằng những kinh nghiệm mà Mẹ từng trải.
05 Tháng Năm 2014(Xem: 17175)
Vâng. Tôi đã kể câu chuyện của tôi trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
05 Tháng Năm 2014(Xem: 24637)
*Xin bấm vào phần audio bên dưới để thưởng thức HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU - Nhạc & Lời: Phạm Chinh Đông - Hòa Âm: Tuấn Ngọc - Ca Sĩ: Quỳnh Dao.
05 Tháng Năm 2014(Xem: 31805)
Cám ơn anh, TY ơi, vì dù đến với nhau muộn màng, em đã vô cùng hạnh phúc với tình yêu anh bóng ngời như hạt ngọc, mà anh đã mài dũa mấy mươi năm trong chén ngọc Trương Chi đó…
27 Tháng Tư 2014(Xem: 23287)
Lão từng làm phó lý, tậu được một ít ruộng vườn và trong đợt cải cách ruộng đất, lão bị qui là phú nông cường hào. Lão là người trọng nho học và những lời dạy của thánh hiền...”
25 Tháng Tư 2014(Xem: 35147)
Đến bây giờ mà vẫn chưa có một bài hát nào sáng tác cho cái thành phố Hội An nhỏ bé và êm đềm của tôi. Em Hội An buổi chiều đông về cũng má đỏ môi hồng, mắt ướt long lanh.
11 Tháng Tư 2014(Xem: 33735)
nhưng nhìn qua mái tóc của thầy Hà Tường Cát, tôi liên tưởng đến mái tóc bạc trắng của thầy Nguyễn Xuân Hoàng và của thầy Phan Thanh Hoài, và chợt nhận ra hoàng hôn đã ngã bóng…
05 Tháng Tư 2014(Xem: 28994)
Có những điều dù chưa bao giờ được nói ra thành lời, nhưng không có nghĩa là đã chìm vào quên lãng, đó là một trong những nỗi niềm mang theo mà chỉ có những người cùng cảnh ngộ mới đọc được từ "cửa sổ của tâm hồn".
03 Tháng Tư 2014(Xem: 28991)
''Đây là tác phẩm viết về Những Ngày Sài Gòn sau 30 tháng Tư 1975. Sách viết xong năm 1986 sau ngày tác giả đến Mỹ. Nhà xuất bản Thanh Văn, California, in năm 1992...
03 Tháng Tư 2014(Xem: 33178)
Chỉ hai năm thôi, hai năm trôi qua cho tôi thấy một lực hút cuốn mọi người xoay chóng mặt. Đứa cháu ngày nào mới biết lật giờ đã là một cậu bé dễ thương tinh nghịch, ngây thơ...Còn ông thì mòn hết mọi thứ để đi vào con số không của cuộc đời.
29 Tháng Ba 2014(Xem: 32526)
Đang tính đi đến quán cà phê Cội Nguồn để gặp hai cô em Mỹ Chơn và Sương Trầm thì có tin nhắn trong điện thoại báo là đã hết tiền tui bèn bảo ông xe ôm quen chở tui đi nạp thêm tiền.
28 Tháng Ba 2014(Xem: 24708)
Nhân kỷ niệm bốn mươi năm ngày cưới của anh chị Nguyễn Xuân Hoàng Trương Gia Vy, xin tặng anh chị những tấm hình như là “phóng sự ảnh“, ghi lại một ngày trong đời thường...
28 Tháng Ba 2014(Xem: 30541)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: "Ôi Giàn Thiên Lý Đã Xa"-Nhạc: Phạm Duy; Ái Vân Trình bày Kiều Oanh Trịnh thực hiện youtube