Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Huỳnh Văn Huê - XUÂN VỀ BÊN SÔNG

06 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 40269)
Huỳnh Văn Huê - XUÂN VỀ BÊN SÔNG

XUÂN VỀ BÊN SÔNG

 

(Một chút tình quê cảm tác qua bài thơ có cùng tựa của tác giả H.V.H...)

 

 hvhue-large-content

( Vua Quang Trung tiến vào Thăng Long năm 1789)


Sáng nào đi tập thể dục ngang đây người ta đều thấy ông bước chậm hơn. Địa điểm này xưa kia là một bến sông. Thời ông còn nhỏ, vào ngày nghỉ học hoặc trong các tháng hè, đây là nơi bọn trẻ cùng trang lứa với ông vẫy vùng bơi lội và tắm mát... . Nhưng đặc biệt hơn, hôm nay ông lại tần ngần đứng khá lâu dưới bóng một gốc cây bằng lăng cổ thụ. Không còn bao lâu một cái Tết nữa lại đến trong đời ông. Ông cũng đã đón hơn sáu mươi cái Tết rồi còn gì ?! Sáng hôm nay ông còn đứng lại ngắm nhìn cái bến sông quê tầm thường này cũng là điều ít ai biết. Đây chính là bến sông ông có nhiều kỷ niệm ấu thơ...

 * * *

 Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết đến rồi... . Nơi bến sông của một làng quê thanh bình, yên ả, đã bắt đầu rộn rịp khác thường. Mấy người phụ nữ đảm đang có nhà ven đây đã bắt đầu đem nào chiếu, nào mùng, mền... ra sông giặt giũ. Vừa làm việc, họ vừa cười nói răm ran.

 Bầu trời cuối năm nơi miền đất phương Nam này từ sáng đến xế trưa hầu như trong vắt đến nao lòng, mây man mác một màu trắng tinh khiết, thảnh thơi chậm rãi lang thang trên một nền trời xanh bất tận. Tuy vậy chiều xuống nhanh, thật nhanh đến bất chợt... . Thỉnh thoảng có cơn gió lành lạnh từ phương nào như tình cờ lướt qua. Cái Tết phương Nam đến như thế đó... .

 Đám trẻ đã được nghỉ học mấy ngày rồi. Thằng Đàm và con Ma-ni (1) ngồi ủ rũ dưới gốc cây bằng lăng bên bờ sông. Mặc cho cái ồn ào đương nhiên của bến sông vào những ngày cuối năm này, nét lo buồn ấm ức hiện rõ trên gương mặt hai đứa nhỏ. Tụi nó vừa trải qua một thất bại đắng cay trong ... trò chơi ngày hôm qua. Đứa con gái đưa ánh mắt cảm thương nhìn vào một vết sướt còn đỏ hỏn hằn trên cổ thằng bạn và nói:

 - Hôm qua tao muốn kêu mầy nhảy ra khỏi vòng, chịu thua thằng Dền cho rồi, để cuối cùng bị thương mà... .

 Vẫn nhìn đăm đăm ra mặt sông, thằng Đàm chua chát:

 -... mà vẫn phải chịu thua thằng... Dền.

 Không muốn nhắc đến chuyện đã qua, nhất là chuyện chẳng vui vẻ gì..., đứa con gái buồn bã làm thinh.

 Ngày hôm qua trong trò chơi đấu võ cuối năm do bọn trẻ bày ra cũng được mấy năm nay rồi, thằng Dền đã cố tình chơi xấu bằng cách đeo một chiếc cà-rá (2) bằng inox to trên ngón tay. Mặc dù thằng Lại "trọng tài" và cả đám "khán giả" bên ngoài nhao nhao đòi phải tháo ra, nhưng có chủ đích trước nên thằng Dền không chịu, nói chiếc cà-rá này đeo lâu rồi nên chật lắm, để nó xoay mặt cà-rá vô trong. Vì thành thật và tin người, vì dù sao cũng là bè bạn cùng xóm, nhất là đồng môn cùng nhau học chung một "lò" võ ( do chính chú Chón - ba của thằng Dền ! - hướng dẫn ) .Thằng Đàm chấp nhận, không ngờ... . Trong lúc thi đấu, thằng Dền đã lén xoay mặt chiếc cà- rá trở lại, lúc nó tung đòn, thoáng thấy ánh sáng kim loại, thằng Đàm đã né tránh, chấp nhận bỏ một chân ra ngoài vòng tròn thi đấu vẽ trên sân đất. Cú đánh vô cùng nguy hiểm vì có kèm theo "vũ khí" ,tuy vậy thật may mắn, nó chỉ tạo ra một vết sướt... . Chỉ đợi có thế, thằng Dền bồi thêm một cú đá vào chân trụ còn lại. Thằng Đàm thừa thông minh xuống tấn cố trụ vững để giữ chân vẫn còn trong vòng tròn, nhưng cú đá tổng lực vừa mạnh vừa hiểm móc ngay vào khuỷu chân khiến thằng Đàm ngã lăn ra ngoài vòng... . Thằng Dền mặt vênh váo, dương dương tự đắc đưa ánh mắt gian ác ẩn sau đôi mắt một mí ti hí nhìn mọi người . Trong khi trước đó tay nó đã nhanh nhẩu xoay mặt chiếc cà-rá trở lại như cũ !... .

 Tuy là trò chơi trẻ con, nhưng trước cái thua cuộc cay đắng như thế khiến hai đứa nhỏ làm sao nguôi cho được nỗi ấm ức trong lòng. Ngưng bàn bạc, phân tích được một thoáng tụi nó lại trở lại câu chuyện... . Cả hai nhắc lại từng tình tiết, và đương nhiên có phân tích diễn biến cuộc thi đấu. Trong lúc mải mê với câu chuyện, chúng nào có để ý đến chung quanh, một bến sông nhộn nhịp người, nhất là có một ông già câu cá đang ngồi câu trong bụi cây duối um tùm gần đó . Ông già tự dưng chú ý và muốn làm quen với bọn trẻ. Ông thân thiện bước lại, ngồi xuống gần bên, dưới tán cây mát mẻ, ông lấy chiếc nón lá cũ làm... quạt. Thì ra ông cũng đâu xa lạ gì với người xóm này, ông là một thầy giáo đã nghỉ hưu, và chính con trai lớn của ông hiện giờ tiếp tục công việc của cha mình, đang dạy học ở một trường lớn trên tỉnh. Ở tuổi ngoại lục tuần, trông ông hãy còn tráng kiện lắm, duy có điều mái tóc ông bạc trắng và ông ăn mặc như một... nông dân thứ thiệt với bộ bà ba đen dù sạch sẽ nhưng cũng cũ mèm và bạc thếch. Bằng một nụ cười hiền từ và thân thiện, ông mở đầu câu chuyện:

 - Xin lỗi hai cháu nghe, nãy giờ ông đã nghe đầy đủ chuyện các cháu nói với nhau... .

 Trong lúc hai đứa nhỏ giương ánh mắt e dè, ngạc nhiên lẫn chút gì đó e ngại ( vì " chuyện riêng " lại để người lạ nghe !). Như một người ông nói chuyện với cháu của chính mình, ông chậm rãi và từ tốn lên tiếng:

 - Chuyện cháu trai đây đấu võ thua thằng Dền con trai ông Chón là... phải rồi !

 Tội nghiệp, tụi nhỏ lần này càng giương tròn mắt ngạc nhiên nhìn ông, dù rằng ông là người lớn tuổi, hiểu biết nhiều, kinh nghiệm sống phong phú... . Tuy nhiên việc ông ..." phán " một câu như thế quả là ông tự coi mình như Tiên như Phật vậy !

 Có lẽ cũng đoán được tụi nhỏ đang chờ đợi nơi mình những lời giải thích rõ ràng và nhất là phải... hợp lý. Ông ôn tồn nói tiếp, lần này nói có đầu có đuôi nên tất nhiên phải hơi dài dòng một chút:

 - Phải cháu đây học chung "lò" võ với thằng Dền, do chính... ba của nó là ông Chón hướng dẫn ? - Đương nhiên thằng Đàm gật đầu kèm theo một tiếng " Dạ" không được lớn lắm! - Qua ánh mắt cảm thương ông già tiếp tục:

 - Phải thằng Dền chơi xấu bằng cách lén dùng chiếc cà-rá đeo ở ngón tay đánh vào mặt cháu, nên cháu đành phải chịu thua ? - Lần này có đến hai tiếng "Dạ" của cả hai đứa nhỏ - Ông già nhíu đôi mắt, nhìn lên bầu trời cao, im lặng giây lát như để nhớ về quá khứ... . Đột nhiên ông buông ra câu hỏi không ăn nhập gì đến chuyện đấu võ đang nói:

 - Nhìn các cháu ông đoán đang học tiểu học, chỉ chừng lớp nhì hay lớp nhất(3) là cùng ? Vậy các cháu phải biết vua Quang Trung, đó là ông vua... "đổi mới", người đã cho nước Việt dùng chữ Nôm trong các công văn giấy tờ... . Mùa Xuân năm Kỷ dậu 1789 người đã tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân nhà Thanh xâm lược nước ta... . - Ông già chợt vỗ tay lên trán, chặc lưỡi nói như trách chính mình:

 - ... Mà sao tự nhiên ông lại dài dòng nói câu chuyện các cháu đã biết qua rồi. Thôi được, ngẫm ra lịch sử loài người là cả quá trình... "đổi mới" đó chứ. Nếu không sao có thể từ loài khỉ tiến hóa thành loài người ? Và đã là đổi mới thì không thể nào dừng, vì đã dừng thì xem như không có đổi mới gì hết ! Đúng không?

 Qủa không sai khi ông vốn là một nhà giáo, giờ ông mới đi vào chủ đề chính. Ông ôn tồn:

 - Cho ông xin lỗi nghe, ông nói dài dòng nhưng các cháu chỉ cần nhớ cái ý cuối là được rồi . Bây giờ ông nói về chuyện đấu võ vừa qua với hai cháu đây. " Cháu trai này học chung với thằng Dền môn võ... Tàu, do chính ba của nó dạy! Chưa kể nó lại chơi xấu. Vậy khi đấu võ thua nó là... đương nhiên rồi" . - Ông ngưng một chút, nhìn hai đứa trẻ tiếp tục mắt giương tròn xoe, miệng há hốc đang nhìn ông trân trân. Tụi nó giờ mới hiểu ra một "chân lý" vô cùng đơn giản. Thấy qua nét mặt bọn chúng, hiểu rằng lời lẽ mình bước đầu đã có hiệu quả, ông kết thúc một cách chân tình và cũng rất cụ thể, trong khi một tay chỉ qua bên kia sông :

 - Ông thấy cháu trai này nên qua bên sông xin học võ Bình Định với ông thầy Tư Cần , cứ nói ông đây là ông Ba Thế giới thiệu là ổng nhận liền vì ông chính là anh ruột của ổng. Nên nhớ võ Bình Định là võ học từ đất nghĩa quân Tây Sơn của vua Quang Trung đó nghe.

 Hai đứa nhỏ mặt mày rạng rỡ, niềm vui sướng hiện rõ trên ánh mắt chân thật lẫn ngây thơ. Con Ma- Ni thúc nhẹ thằng Đàm, hai đứa lúng túng lí nhí cám ơn ông già tốt bụng. Ông già xoa đầu đứa con trai và nói tiếp, giọng chắc chắn:

 - Sang năm nếu cháu học võ khác với võ của dòng họ thằng Dền cháu sẽ thi đấu thắng cho mà coi.

 Rồi chợt lần nữa, với ánh mắt xa xăm, ông nói và chỉ tay vào cái thẹo khá sâu nơi cằm :

 - Ngày xưa ông đây cũng đã từng đấu võ với... ông nội của thằng Dền. Lúc ông ta chạy loạn từ bên Tàu, qua đây với nghề đi thu mua lông vịt. Cái thẹo đây cũng do chiếc cà-rá bằng đồng thau chơi xấu mà ra. Nhưng lần đó nhờ một miếng võ Bình Định bí truyền của nước Việt mình nên ông... thắng. Còn như cháu đây, nhất định phải "đổi mới", vì đã có chung võ học với người ta, lại học sau và bị người ta chơi xấu thì làm sao thắng cho được !

 Bây giờ người ta mới thấy nét bàng hoàng, tỉnh ngộ hiện rõ trên gương mặt hai đứa nhỏ. Tuy hãy còn là trẻ con, nhưng may mắn làm sao bọn chúng vẫn đủ tỉnh táo và thông minh hiểu ra mấu chốt của vấn đề. Nhất là thằng Đàm, giờ nó hoàn toàn thức tỉnh, nó hiểu hơn bao giờ hết dù chỉ với đầu óc của một... đứa trẻ. Vì cùng học chung môn võ, nhưng người ta lớn mạnh hơn lại chơi xấu thì thế nào mình cũng phải chuốt lấy thua cuộc thảm thương mà thôi !!! Chỉ còn một cách duy nhất là quyết tâm học một môn võ thuật khác, cộng với lòng dũng cảm- mưu trí mới mong thắng được đối phương... .

 Đến đây ông Ba Thế mới đứng dậy, thoáng nhìn lướt ra mặt sông, tay vẫn phẩy nhẹ cái nón lá, lần này một nụ cười thật tươi, thật hạnh phúc hiện trên gương mặt phúc hậu của ông:

 - Thôi chào hai cháu ông về đây, giờ nầy nước muốn "đứng" rồi, chắc cá không còn ham kiếm mồi đâu. Không phải người Hoa nào cũng xấu, nhưng đấu võ kiểu nhà thằng Dền là không tốt rồi. Thôi, chúc cháu trai đây sang năm thắng trận đấu võ nghe... . 

 Ông già tốt bụng bước ra bờ sông, thu dọn mấy cây cần câu rồi lửng thửng bước đi, thoáng mấy bước đã khuất sau đám cành lá rậm rì của mấy bụi duối thật to. Ông ấy chợt xuất hiện rồi cũng chợt... biến mất như một vị thần tiên trong chuyện cổ tích vậy.

 * * *

 Năm sau..., cuộc thi đấu diễn ra. Cậu bé trai đã chiến thắng trong cuộc đấu võ với một đối thủ "truyền kiếp" to lớn và đầy... thủ đoạn. Chiến thắng này tất nhiên không hề đơn giản hay dễ dàng trước một đối thủ như vậy. Nhưng cái trò chơi đấu võ của đám trẻ quê mùa năm xưa đã in đậm trong tâm hồn - ít ra - của một người từng là nhân vật tham dự chính... .

 Mấy mươi năm sau, trên bến sông năm nào, lại có một người với mái tóc xanh xưa giờ đã phai màu, người ấy đến đây, đứng ngậm ngùi nơi khung trời cũ, không biết có phải muốn tìm trên mặt sông biếc và bầu trời xanh kia hình bóng của ai chăng ? Hay ông muốn đất, trời cùng chia sẻ một nỗi niềm đau đáu về quê hương đất nước? Một đất nước tươi đẹp, một dân tộc hiền hòa mỗi năm mỗi mong đợi mùa Xuân.

 

  HUỲNH-VĂN-HUÊ (Đầu Xuân 2014 )

_________________

-Ghi chú:

 (1): Hai nhân vật trong truyện "Xuân về quê cũ" của cùng tác giả.

 (2):Một thứ nhẫn có mặt to.

 (3):Như lớp 4 và 5 bây giờ. 

 

27 Tháng Tám 2014(Xem: 13591)
“Chị nên nhớ, cả gia đình chị là một ổ phản động. Chồng chị và hai con trai chị đều là sĩ quan ngụy, có nợ máu với nhân dân. Rể chị, chồng của cô Thùy đây là một viên chức ngụy quyền.
23 Tháng Tám 2014(Xem: 30429)
Năm nay, lần thứ ba tôi về họp mặt với những người yêu tiếng Việt, những người muốn tiếng Việt ngày càng phát triển theo chiều hướng đi lên ngay cả trên quê người.
22 Tháng Tám 2014(Xem: 33431)
hai em đã tô điểm cuộc sống bằng chữ tâm với lời nhắn nhủ, con người sống trên đời cần có một tấm lòng….
22 Tháng Tám 2014(Xem: 27961)
Cái góc bếp ấy thật là dễ thương. Nói không phải nhiều chuyện. Đó là nơi phát nguồn vui buồn và sự hưng thịnh của một ngôi chùa.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 16570)
Tôi trở về Nhà Từ Đường sau 15 năm đi xa. Thật ra con số 15 năm là không đúng. Nó chỉ đúng tính theo ngày tôi bỏ nước ra đi, chứ không đúng tính từ ngày tôi trở lại Nhà.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 15150)
Tôi đưa tay chùi nước mắt. Không có trận mưa nào đang xối xuống đám tang của anh tôi. Chỉ là một chút nước trong ly làm sóng sánh đại dương. Chỉ là một hạt bụi hóa thân làm thành một kiếp nhân sinh tàn lụi.
15 Tháng Tám 2014(Xem: 28323)
Chuyện cổ tích của con kể bắt đầu bằng ngày xưa con có ba, ngày xưa con có má, ba má là mãi mãi ... là cho đi không đòi lại bao giờ ...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 25531)
GS. Nguyễn Xuân Hoàng giảng bài say sưa, trong đam mê dù triết học hay văn chương,... Vị thầy mà khoảng cách thời gian lớn hơn chúng tôi độ một giáp...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 25045)
Biết đến bao giờ tôi lại trở về? Để được sống yên bình ngắm hàng phượng vĩ vào mỗi mùa Hè, và sống lại thời xưa cùng các bạn vui chơi những ngày Hè thong thả....
14 Tháng Tám 2014(Xem: 15138)
Và trong lòng thì trời ơi, tôi muốn đi biết là chừng nào, nhưng không tìm ra lối. Những nơi đi được thì đã nghẹt người, đành quay lại.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 25467)
"Mẹ mày có khỏe không?' Ông ơi! câu hỏi ngọt ngào này của ông làm tôi vui biết mấy. Tôi khỏe lắm ông à! Tôi sẽ nắm tay ông, cùng ông đi cho hết đoạn đường trần gian.
09 Tháng Tám 2014(Xem: 29276)
Xin mượn những dòng này để làm món quà dâng lên Mẹ của chúng con. Cầu mong Mẹ luôn được thân tâm an lạc để tụi con có dịp đền bù phần nảo những hy sinh Mẹ đã dành cho tụi con.
06 Tháng Tám 2014(Xem: 23407)
Những ước muốn thật xanh, thật đẹp đã dường như liên kết “mây khói” với hiện thực cuộc đời. Ai bảo”Người đi trên mây” dửng dưng? Kính thăm Thầy – xin cầu chúc mọi sự an lành thanh thản.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 15288)
Và những phát biểu của đại diện gia đình thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Nhà văn Nguyễn Tường Thiết đại diện gia đình Nhất Linh, Giáo sư Minh Thu đại diện gia đình Hoàng Đạo, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang đại diện gia đình Thạch Lam…
05 Tháng Tám 2014(Xem: 15436)
Tôi ngồi nghe, lặng người. Tôi biết tình trạng sức khỏe của anh tôi kéo dài từ Bảy Hai đến nay đã là những ngày nằm chờ chết. Có lẽ anh đã chết từ những ngày Sài Gòn vừa mất, khi các con anh bị bắt đi học tập cải tạo, và cả chính anh cũng bị chính quyền mới cho người đến tận nhà điều tra xem bệnh thật hay giả, có đủ sức đi học tập cải tạo không.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 21057)
Tiễn chân Quỳnh Giao về bên kia thế giới. Tôi lại nghĩ đến đời người, duyên và nghiệp. Quỳnh Giao là con chim quý đã có một phước báo từ kiếp trước nên tiếng hát đi vào lòng người.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 28579)
Khi tôi viết những dòng này thì đại diện gia đình đang chuẩn bị để lên những chuyến bay về tham dự buổi lễ gắn lon Chuẩn Tướng cho Việt
31 Tháng Bảy 2014(Xem: 18060)
Hoàng ngồi trên xe lăn, tóc bạc trắng, áo pull đen, gầy yếu, thăm thẳm, tôi nghe thấy hơi ấm mỏng len qua những ngón tay của hai đứa tôi xiết nhẹ.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 17435)
Ngồi trong tòa soạn báo Việt Tribune, chúng tôi vẫn hồn nhiên “mày tao”. Như những ngày Văn Học năm xưa. Có chi thay đổi đâu! Tôi muốn mượn câu thơ của Phạm Nhuận để tặng Nguyễn Xuân Hoàng.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 15376)
Hai người phụ nữ ôm chầm lấy nhau. “Cô có khỏe không? Em bé tên gì vậy cô? Em dễ thương quá!” Tám ẵm bé lên, áp má mình vào má bé.