Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

TĐH - NHỮNG THÁNG NGÀY LANG BẠT

23 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 149994)
TĐH - NHỮNG THÁNG NGÀY LANG BẠT


Những Tháng Ngày Lang Bạt


lang_thang

 
Hơn ba mươi mùa Xuân đi qua và cuộc sống nhiều đổi thay, tôi vẫn thương và nhớ về những kỷ niệm buồn vui trong ngôi trường Đại Học Khoa Học. Từ Giảng Đường 1 qua Giảng Đường 2, đến Giảng Đường A và B bên cạnh vườn Thực Vật, những phòng thực tập Hữu Cơ, Vô Cơ và Hóa Lý, ơi biết bao nhiêu kỷ niệm thân thương. Rồi từng buổi sáng, trưa hay chiều ngồi vắt vẻo trên mấy hàng song sắt bên hai cội còng già, chờ giờ đi thực tập trong khi bâng khuâng nhìn mấy chú sâu buông mình từ nhánh cây cằn cỗi, tuổi thơ của mình sao hồn nhiên chi lạ!

Năm 1973, tôi ghi danh học chứng chỉ MPC (Toán Lý Hóa) và ở trọ với người chị kế của tôi trên đường Cộng Hòa. Sau năm 1975, tôi không còn ở chung với chị của mình nữa nên có nhiều chuyện vui buồn để nhớ đời. Trong lúc sống nay đây mai đó ở Sài Gòn, tôi đã từng "được" Công An hỏi thăm và đưa về ngủ ở trong bót để làm quen với muỗi vài lần.

Sau khi ở Cầu Kho, tôi đi học lại và đến ở trong một con hẻm trên đường Nguyễn Cảnh Chân (gần Sở Cứu Hỏa ở đường Trần Hưng Đạo) khoảng hơn một năm. Tại đây tôi ở chung với hai người bạn trên một căn gác, cầu thang ở phía ngoài nên rất tiện lợi, mình muốn đi khuya về tắt gì cũng được. Trong lúc này, tôi dạy kèm hai em học lớp Mười và lớp Tám ở gần gác trọ. Ăn uống thì tự mình nấu lấy, mỗi khi hết gạo tôi lại đến nơi chị của tôi ở để "tha" về, lúc đó chị ấy ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 (Phan Đình Phùng cũ).


Bạn thử tưởng tượng từ đường Nguyễn Đình Chiểu, rồi Bùi Thị Xuân, ngang qua nhà thờ Huyện Sĩ, chợ Thái Bình, đường Cống Quỳnh, trở về đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Cảnh Chân mà đi bộ với 10 kg gạo trên vai sẽ thấy mình ..."phê" như thế nào! Nhưng lạ một điều là tôi rất yêu đời, không biết khổ là gì, cứ vác một chút thấy mệt lại dừng để nghỉ lấy sức. Vì nấu cơm bằng củi, đôi ba ngày tôi phải mang củi xuống chẻ nhỏ trên một cục đá ở dưới đường. Trong lúc nấu cơm ở phía sau, tôi hay hát nghêu ngao, hầu như mỗi ngày vài bài, hết Mùa Thu Chết lại đến Như Cánh Vạc Bay, rồi thì Người Tình Không Chân Dung ... gõ nhịp thì lấy một khúc củi đập lên tấm thiếc kê dưới lò.

 
Ở sát bên nhà có một gia đình người Bắc gồm 5 người con. Cô gái lớn học Khoa Sinh trường Đại Học Khoa Học, cô kế học trường Nguyễn Bá Tòng. Cô bạn học cùng trường có đặc điểm là nói chuyện rất hiền, lúc nào cũng vấn một bím tóc phía sau và luôn luôn mặc áo dài trắng đi học. Tôi ở đó mấy tháng nhưng không biết hai cô đã "rình" nghe mình hát từ hồi nào! Một hôm đi học về trên đường Nguyễn Văn Cừ (Cộng Hòa cũ), cô chị thấy tôi mới hỏi:

- Thấy anh lúc nào cũng không nói chuyện mà hát sao ... hay quá vậy!

Thật tình lúc đó tôi quê ơi là quê, nhủ thầm trong bụng là mình nhất định sẽ không hát hò gì nữa. Đến chiều khi nấu cơm, lại nghe hai cô ở kế bên réo:

- Anh gì đó ơi, sao không hát cho tụi này nghe với?

Thiệt là khổ, tôi chỉ biết im hơi lặng tiếng cho xong chuyện. Gần cuối năm 1976, tôi vào ở trong Đại Học Xá Ngô Gia Tự (Minh Mạng cũ), nếu còn ở căn gác trọ đó thì tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với hai cô gái Bắc này nữa!

Khi ở Đại Học Xá, tôi tiếp tục dạy hai em nhỏ ở đường Nguyễn Cảnh Chân thêm một năm nữa. Rồi cái nghiệp thầy giáo dạy kèm phải đứt đoạn vì chiếc xe đạp cũ mèm của tôi dựng trước cửa phòng cũng bị một đàn anh nào đó "dẫn" đi mất! Không còn phương tiện di chuyển, tôi đành phải nghỉ dạy. Đến năm cuối, trong lúc chờ phân công sau khi ra trường, tôi đến văn phòng của Công Ty Kim Khí để tìm việc làm và bắt đầu nghề "vác sắt" từ đây, cứ vác (chuyển) 1 tấn sắt sẽ ăn 2 đồng. Trong toán vác sắt, chỉ có tôi học Khoa Hóa, còn bốn anh em khác là Ngọc, Bửu, Tiễn và Tuấn thì học Khoa Sinh.

Mỗi buổi sáng, tôi "vận" một cái quần jean thủng gối, áo ka-ki (khaki) rách vai trông rất bụi đời, xuống nhà bàn lãnh một ổ bánh mì không, rồi đi bộ gần hai mươi phút đến văn phòng chi nhánh của Công Ty. Ở đó tôi chờ xe tới, lên xe rồi họ muốn chở đi đâu thì đi. Công việc chính của nhân viên là kiểm kê và chuyển sắt, thép từ các nhà kho tích trữ của người Hoa ra mấy kho chứa hàng rất lớn ở vùng Phú Lâm. Còn tụi tôi giống như Thiên Lôi thôi, họ sai đâu thì mình đánh đó!

Lúc đó tôi mới thấy kiếm đồng tiền không phải là dễ, làm công việc này cũng "chua" lắm nhất là phải dọn hàng ở những nơi họ trữ sắt lâu ngày, sắt trong kho đã bị rỉ sét, dơ dáy. Ngoài ra, mấy anh em cũng phải lập thế để làm sao chuyển sắt cho dễ, ít tốn sức. Chẳng hạn dùng thanh sắt để làm đòn bẫy hoặc trong khi khiêng phải cẩn thận và ăn ý, nếu không tai nạn sẽ xảy ra như chơi. Khoảng thời gian này, tôi đen gần giống như anh "Bảy Chà Hynos" vì ngày nào cũng dang ngoài nắng lại không đội nón, đi hầu hết các hẽm hóc, đường phố trong Chợ Lớn. 


Có một lần, trong lúc dọn kho, tôi bị một mảnh vụn sắt đã bị bào bằng máy tiện giống như vỏ viết chì bào rớt vào trong mắt, rất đau đớn nhưng không biết cách nào để lấy nó ra, trong lòng lại sợ là mình có thể bị mù. Chiều hôm đó, tôi về sớm và xuống phòng y tế trong Đại Học Xá, rất may chị Liên y tá vẫn chưa về. Chị có chồng là Trung Tá VNCH, lúc đó chồng chị còn đang ở tù. Chị dùng kẹp để lấy vụn sắt ra, rồi nhỏ thuốc sát trùng. Sau khi biết nguyên do tại sao tôi bị như vậy, vừa làm chị vừa rầy rà đủ thứ:

- Sao em khổ dữ vậy Hoàng?

Tôi chỉ biết im lặng mà không biết phải trả lời với chị như thế nào. Thấy vậy chị lại nói tiếp:

- Em đi vác sắt làm cái gì? Rủi em bị đui thì làm sao?


Nghe chị nói tôi cũng thấy mủi lòng vì biết chị nói thật tình và biết là chị thương nên coi tôi như một người em. Chị còn bắt tôi phải hứa là sau khi mắt lành, tôi phải ở nhà nghỉ ngơi. Tôi chỉ "dạ, dạ" rồi mấy hôm sau lại tiếp tục ... đi làm tiếp! Chắc lúc đó mình còn trẻ, quen chân đi rồi nên ngồi một chỗ chịu không nổi hay sao? Sau khi làm ở đây khoảng ba tháng, tôi nhận giấy phân công về làm ở phòng Phân Tích Hóa Chất ở Viện Kỹ Thuật Nông Nghiệp trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.


Cho đến bây giờ tôi cũng không biết số phận chị Liên y tá như thế nào, anh ấy có được thả về hay không, và họ đã trôi giạt ở phương trời nào? Nhiều lúc nhắm mắt để ôn lại những chuyện vui buồn trong đời, tôi vẫn thầm cảm kích và nhớ hoài những ân tình người này, người nọ đã dành cho mình.

 

TĐH

 

06 Tháng Năm 2012(Xem: 150744)
Hỡi những người còn mẹ, hãy dành một phút nhấc điện thoại lên gọi về thăm người mẹ ở xa. Hãy gửi một bông hoa, một tấm thiếp đơn giản nhưng đầy ắp tình thương.
05 Tháng Năm 2012(Xem: 205771)
đây là cơ hội bạn gặp gỡ bạn học cũ thời tiểu học, bạn Bùi thị Lợi, sau 50 năm, chặng đường dài nửa thế kỷ, và giới thiệu đến bạn bè.
04 Tháng Năm 2012(Xem: 168961)
Đây là, chẳng phải ai khác, mà là những người di tản, những rác rưởi 37 năm trước chạy trốn Cộng Sản, hoặc đã bị đi tù, đi cải tạo. Gió chướng đẩy họ ra đi, nay gió nào đẩy họ về?
03 Tháng Năm 2012(Xem: 164363)
Những ngày đầu tiên đi dạy trường trung học tráng niên Ventura, tham dự những sinh hoạt khác lạ của học trò Mỹ, tôi không khỏi so sánh với những ngày tôi còn dạy ở Việt Nam.
03 Tháng Năm 2012(Xem: 158159)
Chỉ một tháng Tư thôi mà biết bao nhiêu là thay đổi, mình còn cố lết được hết cái năm cuối cùng của thời trung học...
26 Tháng Tư 2012(Xem: 134879)
Riêng tôi qua những chuyến đi, tôi cảm thấy thế giới này trở nên thân thiện hơn, gần gũi hơn với những cuộc gặp gỡ bất ngờ đến mức ngỡ ngàng.
25 Tháng Tư 2012(Xem: 130149)
Và biết có nhiều hạnh phúc tinh thần khác lớn hơn ăn ngon mặc đẹp , lớn hơn những lạc thú vật chất khác của đời thường...
25 Tháng Tư 2012(Xem: 117995)
Đây là danh sách các Cựu Hướng Đạo Sinh Biên Hòa do Diệp Hoàng Mai cung cấp, nếu các Anh Chị Em CHĐ có thêm danh sách để bổ sung xin liên lạc email: diepmails@yahoo.com
21 Tháng Tư 2012(Xem: 148055)
Hướng Đạo một ngày là Hướng Đạo trọn đời. Thành ngữ nầy tôi đã được đọc trong tủ sách Hướng Đạo từ những ngày mới chập chững bước chân vào Phong Trào.
16 Tháng Tư 2012(Xem: 144558)
con số 13 là con số đáng sợ! Nhưng với chúng tôi, nó lại là con số thật đáng yêu! Vì lần họp mặt lớp 11B4 lần thứ 13 này là ý nghĩa nhất
13 Tháng Tư 2012(Xem: 154234)
(Không biết có phải nhờ vào uy linh của… Đức Ông hay không, vài tháng sau có một cây cầu được khởi công! Đến nay đã hoàn thành vào đầu năm 2012)
13 Tháng Tư 2012(Xem: 166539)
Sau nầy, khi đã thành nhân, dù không thành danh gì nhưng tôi vẫn mãn nguyện vì mình đã có một ký ức tuổi thơ thật tuyệt vời…
13 Tháng Tư 2012(Xem: 144574)
Có họp mặt, rồi có chia tay, đó là quy luật muôn đời. Khi Nguyễn Hữu Hạnh về Biên Hòa được vài hôm, trong lần gặp lại đầu tiên, Hạnh đã nói với tôi "làm sao tạo điều kiện để bạn gặp lại số bạn bè thời tiểu học ở Chợ Đồn".
12 Tháng Tư 2012(Xem: 144287)
Từ rất nhiều năm nay cứ hễ trời mưa là tôi nhớ. Nhớ quay quắt, nhớ khôn cùng ngôi trường nơi vùng rừng núi ấy.
07 Tháng Tư 2012(Xem: 125170)
Thầy kính yêu của con, thầy trò ta đã không gặp lại nhau hơn bốn mươi năm qua. Nhưng qua trang web NQ, con đã gặp lại hình ảnh của Thầy.
06 Tháng Tư 2012(Xem: 152954)
Video này được thực hiện dưới dạng Playlist, gồm 10 bài hát : * Buồn * Buồn chi nữa em * Chủ nhật buồn * Có những nỗi buồn * Em loài hoa buồn ...
05 Tháng Tư 2012(Xem: 140500)
Với tôi, âm nhạc là tri kỷ, là ngôn ngữ của hồn, là liều thuốc của con tim, là nguồn sống và là... tất cả. Xin cám ơn đời, cám ơn người đã cho tôi có được niềm đam mê tuyệt vời ấy.
30 Tháng Ba 2012(Xem: 158538)
THÁNG TƯ NẮNG - Thơ Tưởng Dung, Nhạc Phạm Chinh Đông- Hòa Âm: Đỗ Hải – Ca sĩ : Thúy An
23 Tháng Ba 2012(Xem: 164246)
# Tiêu đề: Giấc sầu # Artist: Ngô Càn Chiếu # Composer: Ngô Càn Chiếu # Harmonist: Ngô Càn Chiếu # Lyricist: Ngô Càn Chiếu
23 Tháng Ba 2012(Xem: 156561)
Hình thành từ tình thân ái nên buổi tiệc đã trở thành cuộc họp cảm động của bạn bè nhiều khóa nhắc lại kỷ niệm một thời áo trắng Ngô Quyền.