Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

HNGH - HỒI ỨC NGƯỜI GIÁO TRẺ

01 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 137905)
HNGH - HỒI ỨC NGƯỜI GIÁO TRẺ

Hồi ức người giáo trẻ

 

nghiem_hai
 


Cảm giác lâng lâng khó tả khi tôi trở về vùng quê đồng bằng nước lợ Cà Mau, sau khoảng thời gian dài như không thể dài hơn được nữa, gần 40 năm của một đời người.

Cảnh vật thay đổi liên tục qua khung cửa hình chữ nhật của cái ''vỏ lãi'', một loại thuyền dài như con ''châu chấu ma'' mà tôi thuê để tìm lại cảm giác xưa, khi còn đi dạy học vùng sông nước (bây giờ ít sử dụng vì đã có tàu hiện đại hơn!). Thuyền trượt nhanh trên mặt nước, làm bắn tung tóe những hạt nước trắng đục của giòng sông Trẹm, theo gió xé, tạt vào mặt nghe ran rát. Nhà cửa dọc theo hai bên bờ, sau ngần ấy năm, dường như đã thay da, đổi thịt với những căn nhà gạch khang trang thay nhà lá đơn sơ, ''ăn theo'' với con đường huyết mạch, chạy dọc sát bờ và kéo dài đến Ngã ba Sông ông Đốc. Nơi đây đã từng xảy ra những trận đánh ác liệt thời chiến tranh. Từ ngã ba sông, nếu đi thẳng sẽ qua ấp Khánh Hậu, xã Khánh An và đến cuối cùng là Huyện Thới Bình. Rẽ trái thì sẽ về miệt Huyện Sông Ông Đốc.

Nhìn thẫn thờ vạch trắng sóng nước kéo dài sau đuôi tàu, làm lăn tăn mặt nước rồi dạt vào đôi bờ, tôi miên man nghĩ về kỷ niệm xưa. Vào một ngày cuối năm 1974, tôi tốt nghiệp Trường Quốc Gia Sư Phạm và nhận việc tại Cà Mau. Tôi được người Cậu (em của Mẹ) đưa ra Xa cảng Miền Tây, lúc 4 giờ sáng để bắt xe đi. Mợ (mẹ) tôi phải ở lại nhà của Cậu và tôi giã từ Bà trong nghẹn ngào, không thể nói nên lời (vì dù sao đã trưởng thành mà!). Tôi chỉ kịp nghĩ mình như chim non se sẻ, vừa chớm đủ lông đã phải chập chững vỗ cánh, rời tổ ấm và bay về cuối phương trời xa. Ôi, sao lạnh lẽo vô cùng! Tuổi thơ trong tôi đã không còn nữa và phải làm quen với khái niệm ''công dân có việc làm'' kể từ nay, khi vừa tròn tuổi đôi mươi.

Sau 11 tiếng ngồi ê ẩm trên xe, tôi được nhận vào ở trong ngôi nhà của hai vợ chồng, vừa già vừa nghèo (do ông Cậu giới thiệu) tại Quản Long, một phường nằm trong thị trấn Cà Mau. Nhà vách cây, chỗ còn chỗ khuyết, mục nát do ít sửa chữa. Trong nhà thì tối tăm, ẩm thấp mang mùi “hâm hấp” lại thiếu ánh nắng. Cảm giác đã buồn vì dạy học xa, lại ở nơi không bằng nhà mình (dù sao cũng là nhà xây gạch), tôi như bị bịnh trầm cảm, đầu óc lúc nào cũng nặng như chì, người sao cứ buồn rũ rượi và có cảm giác nặng nề, không thích tiếp xúc với ai! May sao, sau đó nhờ ông bà già và người con trai út tên Tuấn, kém tôi 2 tuổi an ủi nên tôi mới dần vơi hết nỗi sầu.

Ngôi trường Tiểu Học mà tôi dạy nằm sát bờ sông, gồm 2 phòng học. Gọi ''ngôi trường'' cho nó sang chứ thật ra nó chỉ là 2 phòng liền kề, có vách và nóc đều bằng lá dừa, cây và cột hình như là loại cây khuynh diệp. Học trò mỗi lớp chỉ trên một chục. Đứa nào cũng lem luốc, trong bộ quần áo đẹp nhất cũng chỉ bằng những đồ bỏ đi của dân thành phố, thấy mà cám cảnh! Nghe có thầy giáo trẻ từ thành phố xuống dạy, em nào cũng thấy mới lạ và thích thú (chỉ cần biết là người trên Sài Gòn xuống là đã ''nể'' rồi, huống chi là thầy giáo). Thấy ghe chở thầy từ xa (từ Thị trấn đi 'vỏ lãi', đến nơi phải sang ghe nhỏ để chuyển vào bờ, cứ như là tàu mẹ, tàu con?), từ trên bờ sâm sấp nước, học trò hò reo í ới gọi thầy. Xắn quần lên tận háng (vì ghe không thể cặp sát bờ), tôi lội bì bõm về phía lớp học mà tự cảm thương cho mình, và ứa nước mắt trước tình cảm thơ ngây, nghèo khó cùng cực của học trò!

Ngôi trường chỉ có 2 lớp nên ngoài tôi ra còn thầy Trưởng giáo Hầu Hữu Lộc. Quê anh ở Bạc Liêu và xuống đây cũng được vài năm. Ngày tôi đến Cà Mau, sau khi chọn nhiệm sở là Trường Khánh Hậu, thuộc xã Khánh An, Huyện Thới Bình, tôi đã đi gặp anh. Sau những câu thăm hỏi xã giao, chúng tôi có phần cảm thông với nhau vì cùng là giáo viên xa xứ. Tánh anh hiền hòa và điềm đạm, tuy chỉ hơn tôi 2 tuổi. Làn da trắng kèm khuôn mặt khá điển trai, vóc dáng dong dỏng nên nhìn anh có tác phong giáo viên hơn tôi. Do thường đi chung khi dạy và hội họp, nên tình đồng nghiệp thêm đậm đà. Tôi cũng có cảm giác bớt nhớ nhà khi ở cạnh anh, nhất là khi chung quanh mình không có ai thân thuộc. Chúng tôi cũng cùng sở thích: Billiard, bóng bàn và ngồi uống cà phê hàng giờ. Đều chưa có người yêu, tuy rằng tôi có cảm giác hơn anh khi vẫn có hình bóng người bạn gái thời Trung Học để nhớ? Nói chung, chúng tôi dễ đồng quan điểm khi tâm sự.

Nhưng tôi cũng chỉ làm việc chung với anh được vài tháng. Ông Trời bắt tôi phải xa anh! Ngày ấy, cũng trên giòng sông Trẹm này. Sau khi họp xong ở Huyện, trên chuyến đò trở về Thị Trấn, đang ngồi cạnh tôi bất chợt anh ra sau đuôi tàu làm gì không biết. Tôi chỉ nghe một tiếng động bất thường phát ra từ phía sau, ''đùng'' một cái và đột nhiên nhiều tiếng la chói tai vang lên: ''Cứu... cứu, có người rớt xuống sông kìa''. Chiếc đò chạy hơi lố lên một chút và bắt đầu đánh vòng lại. Nhưng đã muộn! Từ xa, tôi thấy hai cánh tay anh chới với vẫy gọi, vùng vẫy như muốn níu kéo sự sống trong tuyệt vọng. Anh từ từ chìm ngay khi có người trên một ghe nhỏ, xớt ngang qua trên đầu anh, cố gắng thọc tay xuống nước để cứu. Anh đã chìm xuống giòng sông trong mùa nước xoáy. Tôi đứng chết trân nhìn! Giá mà tôi biết bơi giỏi! Giá mà cánh tay người ấy nắm trúng tóc anh thì có lẽ anh vẫn còn sống, khi tuổi đời còn trẻ và chưa có người yêu.

Thẫn thờ như mất hồn, tôi chỉ còn biết cùng cô Dung đồng nghiệp, đi chung trên chuyến tàu định mệnh, chạy về Ty Tiểu Học trình báo. Phải biết bao công sức của các ghe cào tập trung lại. Đến 8 giờ tối, tức sau 5 tiếng, người ta mới vớt được anh. Tôi đã đứng cạnh xác anh tại Ty Tiểu Học, thấy mặt anh trắng nhợt, bụng trương phình. Tôi chỉ còn biết nắm sợi dây lưng quần của anh, nới rộng ra như muốn nói với anh là tôi đã có mặt và muốn anh dễ chịu khi chết. Đám tang anh được Ty Tiểu Học tổ chức trọng thể với rất đông giáo viên trong tỉnh. Tôi đã tiễn đưa anh trong âm thầm, vì là giáo viên mới, cũng chưa quen ai ngoài anh. Tôi đã đi hết vòng đường ngoại ô tỉnh, cho đến khi xe tang lăn bánh, đưa người con trở về quê hương Bạc Liêu. Một lần nữa, cô đơn lại ập đến với tôi nơi xứ xa!

Trở thành Tân Trưởng Giáo, tôi cũng chỉ nhậm chức được hơn một tháng. Chiến sự âm ỉ bùng phát nơi trường học của tôi. Anh Nhựt đồng nghiệp từ xã Khánh An ra báo, ngôi trường tôi đã bị tiếp thu trong đêm và tôi đương nhiên được Ty cho nghỉ tạm thời. Nhân cơ hội ấy, tôi đã về thăm gia đình ở Biên Hòa. Đến tháng 4/1975 đầy biến động, người người lo di tản chiến sự và gia đình tôi cũng dời về Thủ Đức. Thế là tôi đã kẹt lại qua tháng 5/1975 và Cà Mau dường như đã xa tôi từ đấy!

 
Dòng hồi tưởng đột ngột bị cắt đứt bởi tiếng máy tàu ngưng. Vỏ lãi đã cập bến Huyện Thới Bình lúc nào không hay. Và tôi lại bước lên một cảm xúc khác, một cung bậc khác trong đời...

 HNGH

 

 


31 Tháng Tám 2012(Xem: 186315)
Xin giới thiệu một cách trang trọng những áng thơ văn viết về Cha Mẹ qua tình cảm biết ơn, nhớ thương và cả những cảm nghĩ ân hận khi không làm đúng bổn phận mình cho Đấng sinh thành.
29 Tháng Tám 2012(Xem: 247161)
Một đêm vui cùng với các đàn anh cựu học sinh Ngô Quyền khóa 1, trong niềm hạnh phúc “Gặp lại Thầy xưa”
28 Tháng Tám 2012(Xem: 138987)
... gồm những sáng tác của Tuyết Mai và các bài tưởng niệm của Thầy Cô, ACE trong Đại Gia Đình NQ để làm món quà cuối cùng thay nén hương lòng gửi đến người bạn, người em, người học trò NQ....
24 Tháng Tám 2012(Xem: 184900)
Thơ : Hà Thu Thủy Nhạc : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải. Ca Sĩ : Thanh Duyên
24 Tháng Tám 2012(Xem: 271425)
Mời thưởng thức hai tác phẩm tuyệt vời mới nhất của Hạnh Phạm
23 Tháng Tám 2012(Xem: 146482)
Mùa Vu Lan năm nay, tôi không nói về Mẹ. Tôi nghĩ về cô giáo Tiểu Học của tôi. Một bà mẹ đẹp nhất tôi từng chứng kiến.
18 Tháng Tám 2012(Xem: 146925)
Tôi phải bước ra rồi… nhưng cửa ngõ thiên đường tôi không đóng… tôi chỉ khẽ tay khép cửa thiên đường … Thương tặng tất cả những người hiện diện trong tuổi thơ tôi.
11 Tháng Tám 2012(Xem: 170152)
SOẠN GIẢ QUANG TUYỀN - TRÌNH BÀY PHẠM TẤN PHƯỚC
10 Tháng Tám 2012(Xem: 221076)
... cô em “mười ba” tình nguyện nối lại nhịp cầu, để các anh chị ở khắp nơi thỉnh thoảng “gặp” lại nhau trên sân “ngo-quyen.org” của CHS.NQ Biên Hòa cho … đỡ nhớ nhau.
09 Tháng Tám 2012(Xem: 173545)
Lễ Vu lan năm nay, em đã không còn Má trên đời, em cũng không thể được dịp giống như thơ sách, cài bông hồng trắng lên ngực, để tỏ lòng hiếu nghĩa, để thương nhớ Má mình...
08 Tháng Tám 2012(Xem: 175233)
Lạy Phật đi em! Vầng trăng trên đỉnh sáng. Ta còn đóa hồng xin gửi tặng em. Hạnh phúc nhất trần gian - ai còn Mẹ!
08 Tháng Tám 2012(Xem: 178241)
Thảng thốt, nhìn khá lâu vào mắt anh, tôi chợt thấy lại những ngày thật xa, cũ… những ngày cùng anh và đám học trò tập múa, hát cho các tiết mục văn nghệ của trường trong các dịp lễ …
07 Tháng Tám 2012(Xem: 153561)
Hôm nay đúng là một tháng kể từ ngày Mai vĩnh viễn ra đi. Cứ tưởng rằng niềm thương tiếc sẽ dần dần phôi pha theo ngày tháng nhưng không hiểu sao...
02 Tháng Tám 2012(Xem: 155813)
Có một lúc nào đó trong thời thơ dại, bạn tôi mơ trở thành vận động viên thể dục (gymnastics Olympian ) đi dự thi đại hội thể thao của thế giới được tổ chức mỗi bốn năm.
01 Tháng Tám 2012(Xem: 159909)
cho đến tháng 4/75, khi tôi rời xa quê hương cho một cuộc sống mới, cuộc tình đó đã chìm lắng với thời gian… Cứ tưởng rằng… đã quên!
30 Tháng Bảy 2012(Xem: 146566)
Không còn ranh giới lớp chín- hai- ba- bốn- năm-sáu-bảy gì nữa, tất cả bạn bè cùng nâng ly chúc mừng ngày hội ngộ với Luân.
27 Tháng Bảy 2012(Xem: 161627)
... truyền thống NGÔ QUYỀN vẫn được sống lại hàng năm qua những cuộc Hội Ngộ của Cựu Học Sinh Ngô Quyền còn vương lại trên Đất Biên Hòa hoặc trên nửa vòng trái đất xa xôi và sẽ sống... sống mãi với thời gian…
27 Tháng Bảy 2012(Xem: 165270)
Nhưng nói chung, ngồi chuyện ăn uống cẩn thẩn, tập thể dục hàng ngày, chúng ta cần giữ được cho tinh thần thoải mái, ít lo phiền, biết nghỉ ngơi, biết đủ, là thấy mình đi trên con đường tới hạnh phúc.
20 Tháng Bảy 2012(Xem: 164145)
Thơ : Hà Thu Thủy Nhạc : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải Ca Sĩ : Thúy An
20 Tháng Bảy 2012(Xem: 163754)
Tôi bỗng dưng nghe mắt mình ngận nước, tôi muốn khóc khi vừa chợt nghĩ đến chị tôi, một người chị của nhà bên cạnh, của tuổi thơ tôi.. Chị tôi vừa mới qua đời!