Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Huỳnh Văn Huê - NGƯỜI KHÔ NƯỚC MẮT

25 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 113803)
Huỳnh Văn Huê - NGƯỜI KHÔ NƯỚC MẮT

NGƯỜI KHÔ NƯỚC MẮT

co_don1-content

 

Nơi xóm nhỏ của một tỉnh hơi xa, cái nơi còn có người vẫn chưa biết đến Sài Gòn, huống hồ chi nơi thủ đô xa xôi. Dân chúng phần lớn sinh sống nhờ vào núi, xin nói rõ hơn là khai thác (thủ công) đá của núi. Họ làm đủ thứ, từ đơn giản như đập đá cho nhỏ ra để dùng làm vật liệu xây dựng, cho đến công việc đòi hỏi phải có kỹ năng, khéo tay và óc thẩm mỹ: đó là nghề tạo tác đá mỹ thuật. Và nơi đây đã cho ra những sản phẩm hay cũng không ngoa nếu gọi là tác phẩm, những sản phẩm có tiếng tăm này còn được xuất khẩu ra nước ngoài như đèn đá, các bức tượng tôn giáo, tượng tứ linh (long,lân,qui,phụng)... Có lúc người ta còn thấy có những món hàng được đặt bởi nơi đâu không biết cả một cái bồn tắm (?) có thể chứa hai người cùng vào, hoàn toàn bằng đá nguyên khối được khoét rỗng!

 Thật ra cũng không có gì đáng phải vui mừng đâu! Đá nặng như vậy, xa xôi như vậy, rồi cước vận chuyển vượt đại dương, thuế xuất và nhập khẩu, cộng thêm các thứ chi phí “hữu hình” lẫn “vô hình”. Vậy mà vẫn có người đủ tiền mua về để xử dụng. Một ông lão có tuổi, có lẽ là dân lâu năm trong nghề, thân hình tuy rắn chắc nhưng gầy gò và đen nhẻm, ông ngưng tay đục đá và mở miệng cười chua chát nói với vài người cũng đang làm công việc như mình:

 - Không biết sao có người giàu quá!? Còn mình quần quật quanh năm chỉ kiếm đủ cơm!

Có người đàn ông cũng là thợ đá, độ ngoài bốn mươi tuổi lên tiếng với ông lão:

- Ông Ba có cháu nội là Việt kiều về, có tiền đô xài sướng quá còn than thở và đi đẽo đá làm chi? Hơn nữa ông còn có bằng Tú Tài trường Tây! 

Ông lão cười hiền hậu và đầy cảm thông:

- Chú Sáu đâu biết, thằng cháu tôi nhờ học giỏi được học bổng của nước ngoài đi du học, giờ trở về thăm quê, chớ nó vẫn còn quốc tịch Việt Nam mà. Còn cái chuyện bằng Tú Tài Tây thì dài lắm chú nó ơi… . Đưa ánh mắt nhìn xa xăm, thoáng buồn ông nói tiếp:

- Người ta chỉ cho tiền học phí là quan trọng và “nặng” nhất, còn thằng nhỏ phải làm thêm để sống được và học được nơi xứ người, cũng không dễ dàng gì đâu. Sáng nay nó có việc đi thành phố, tôi ra đây ráng làm một chút cho xong con lân này để lãnh tiền, chiều tôi phải nghỉ rồi, làm việc lương thiện kiếm cơm chớ đâu có ăn cắp, ăn trộm gì mà giấu thằng cháu làm chi! Nhưng nó ở nước ngoài về thấy mình già rồi mà còn làm lụng cực nhọc sợ nó buồn… .

* * *

 Cái xóm đập đá này nằm trên vùng đất cao dưới chân núi, lại có một mô đất cao, trên mô đất này lại có một gốc sung già từ lâu lắm rồi không ai để ý. Hình như gốc sung đã có vào quãng cuối năm 75, lúc người dân đến đây cuốc mảnh đất khô cằn này để trồng khoai mì hầu tăng gia sản xuất lương thực. Vậy mà đã mấy mươi năm rồi, dòng đời và vận nước đã có quá nhiều buồn vui, thay đổi… . Mới mấy năm trước tự nhiên từ đâu đến có nhiều người tới hỏi mua đất, dân trong xóm bán hầu như gần hết vì cái thứ đất vườn không ra vườn ruộng cũng không ra ruộng này để làm chi? Bên dưới sâu có đá đấy, nhưng đó là tài nguyên khoáng sản, nhà nước quản lý, muốn khai thác phải có vốn lớn, nhất là phải xin phép đâu tận ngoài Hà Nội. Dân đen thế là thua. Đùng một cái không biết từ đâu (!) có cái “quy hoạch” làm một con đường nhựa ngon lành chạy ngang qua. Dân ở đây hiểu ra thì đất của họ còn không đáng là bao, hoặc tệ hơn có người bán hết đất nên không còn gì, phải đi ở nơi khác! Thế rồi những ngôi nhà xinh đẹp, cao tầng xuất hiện. Thậm chí là những ngôi biệt thự như ở nước ngoài với tường cao bao bọc, hoa viên cây xanh, hồ bơi v…v…, lần lượt… mọc lên như có phép thần! Một nhóm “nhà giàu mới” tới đây sinh sống. Họ đi làm, đi chơi, đi siêu thị, thậm chí đi đền đi chùa cũng bằng xe hơi đủ thứ đủ kiểu, biển số trắng lẫn biển số xanh… .Cũng nghe đâu người nhà của những gia đình giàu có này nhà nào cũng có người làm trong nghành khai thác tài nguyên quốc gia: hoặc dầu khí, hoặc than đá, khoáng sản, hoặc thủy điện… .

 Chỗ gốc sung không biết từ khi nào lần lần biến thành nơi đổ rác của những gia đình giàu có này. Rồi việc gì đến phải đến, vào mùa khô năm rồi đống rác bị cháy, hôm đó ngày nghỉ học, nhờ đây là bãi đất trống – nơi chơi đùa của bọn trẻ trong xóm – nên có bọn nhỏ hô hào cùng với mấy người lớn trong xóm xúm nhau dập tắt đám cháy. Vậy mà cây sung cũng bị cháy xém một mảng vỏ lớn bên thân. Tội nghiệp đám trẻ xóm nghèo, thấy tụi nhỏ chia nhau từng trái sung chấm với muối ớt mà thấy thương! Tụi nó tự nguyện đưa ra định mức, không đứa nào được ăn quá… bốn trái sung. Phải đồng lòng giữ cho cây sung còn trái, để đứa nào cũng có trái sung mà nhấm nháp và điều quan trọng là có những chùm sung tươi tốt chưng trên bàn thờ tổ tiên vào dịp Tết. Thời buổi bây giờ chỉ mấy đứa nhỏ nhà nghèo mới ăn thứ trái chát ngắt này thôi, nhưng một phần có lẽ cũng nhờ là sản vật “cây nhà lá vườn” nên làm tụi nhỏ vui miệng chăng?

 Nhưng đến mấy ngày cuối tháng Chạp thì có chuyện đáng nói xảy ra. Không biết do đâu mà trong xóm “nhà giàu mới” phát hiện ra cây sung đang lúc ra trái, những chùm trái không thể sum suê như năm trước vì mới “hồi sinh” sau trận cháy! Thôi thì hết người này đến người kia cùng nhau xông ra “vặt” sạch những trái sung. Có người đi siêu thị hay đi chợ gì đó, khi về còn chạy xe con vào tận gốc sung để hái trái. Thậm chí còn gọi điện thoại di động í ới chỉ đường cho người quen nơi khác (!) đến tham dự vào việc “tận diệt” cây sung. Nghe họ vô tư nói chuyện với nhau mà phát tức! Nào là cây sung này mọc trên mô đất cao, thuộc một khu đồi cao nên đón ánh mặt trời trước tiên (?), vì vậy những trái sung hấp thụ khí âm dương nhiều nên hái để chưng trên mâm ngũ quả trong ngày đầu năm sẽ rất may mắn và đem đến nhiều tài lộc. Nhất là những người này đã quên đi công lao giữ gìn của mấy đứa nhỏ bấy lâu nay, trân tráo nói rằng cây sung mọc tự nhiên trên đất công cộng nên họ có quyền hái, hái bao nhiêu tùy thích!

 Chiều hôm đó lũ trẻ như thường lệ, kéo nhau ra khu đất trống – cạnh gốc sung – chơi. Nhìn gốc sung trơ trụi, cành lá xác xơ tụi nhỏ như muốn khóc. Tại sao những người người lớn giàu sang, có trình độ (trong các gia đình này nhà nào cũng có người đi “làm việc” cả) lại hành động như… như vậy?! Quá tức tối, thằng nhỏ lớn nhất trong đám – học đâu độ lớp 7, lớp 8 gì đó – lượm một miếng thùng giấy và cục than (còn lại từ trận cháy trước) viết mấy chữ và treo lên gốc cây sung. Có lẽ một phần gì quá uất ức lại trẻ người non dạ, một phần có thể vì ảnh hưởng cách hô khẩu hiệu(?), nó đã viết mấy chữ có vẻ “dao to búa lớn”: “Tài nguyên của chung”. Treo miếng thùng giấy lên cây sung xong,sau đó bọn trẻ nhà quê thật thà chất phác tưởng rằng thế là có thể bảo vệ được cây sung, nên có phần hả hê quay trở về nhà… .

 * * *

 Đêm nay thằng cháu ông Ba sẽ lên máy bay trở ra nước ngoài tiếp tục học chương trình sau Đại Học. Buổi chiều, sau bữa cơm hơi đặc biệt và đậm đà hương vị quê nhà, hai ông cháu từng bước hướng lên vùng đất cao, và dừng lại bên gốc sung già. Ông trìu mến, âu yếm nhìn đứa cháu giỏi giang của mình rồi cất tiếng:

- Ông còn nợ cháu một câu góp ý về việc sau khi học xong cháu sẽ nên đi làm nơi đâu?

Đứa cháu im lặng chờ đợi câu nói mà mấy ngày nay biết ông mình đã suy tư nhiều. Ông già chợt nhíu mày nhìn gốc sung, tấm bìa giấy ghi “Tài nguyên của chung “ đã được ai đó láo lếu gạch bỏ chữ chung và viết lên trên một chữ “tao” rất to!. Như vậy tài nguyên của chung đã trở thành “Tài nguyên của tao”. Thật trơ trẻn và nực cười! Ông nghiêng người nhìn khoảng vỏ đã biến thành mảng thẹo thật to trên thân cây sung (hậu quả của trận cháy bãi rác vừa rồi) và chậm rãi như nói từng lời:

- Ông sẽ rất giận nếu cháu quên quê hương, đất nước…. 

Ông đưa tay chỉ gốc sung và kể cho cháu nghe đầy đủ “câu chuyện” về gốc sung, xong ông mới nói tiếp:

- Cháu học Kinh Tế phải không? Nếu cháu và thêm nhiều bạn bè nữa, đem mấy cái bằng Tiến Sĩ về đây, gặp chuyện như chuyện gốc sung này thì có làm được gì không?

Ngừng vài giây, nhìn đứa cháu rồi ông tiếp:

- Hiểu rộng ra, ông không nói chuyện nào khác, chỉ nói mỗi chuyện nhỏ này thôi: Nếu khi mà “Tài nguyên của chung” bị thao túng bởi “Nhóm lợi ích riêng” thì bao nhiêu cái bằng Tiến Sĩ liệu có giúp gì cho dân nghèo hay không? Đó là chưa kể cháu cũng thừa biết hiện giờ trong nước từ Bắc, Trung cho đến Nam đâu phải không có người tài giỏi,đức độ? Đâu phải không có người nặng lòng với dân tộc với đất nước?

Rồi không biết có phải muốn thử lòng đứa cháu mình hay không, ông nói tiếp:

- Các tài nguyên dễ nhìn thấy như dầu khí, đất đai…, thì người ta tranh nhau còn có thứ tài nguyên rất quý giá khác thì lại coi nhẹ, cháu có biết là gì không?

Quả thật không hổ danh “con nhà tông“, đứa cháu cười nhẹ bằng một nụ cười buồn, nói:

- Theo cháu hiểu, đó có phải là trí tuệ, là “chất xám” của con người? 

Và rồi đứa cháu lên tiếng, không biết có phải để hiểu thêm những suy tư trong lòng của ông mình không:

- Cháu thấy đất nước mình giờ cũng phát triển nhiều chớ. Đường sá, công viên, trường học, bệnh viện… mở mang nhiều… , người dân giàu có hơn, sáng sáng, nhất là vào cuối tuần người ta còn đi uống cà-phê bằng xe hơi du lịch, xe đậu đầy trước quán… .

Ông Ba làm sao không hiểu lòng dạ cháu mình, nhưng ông vẫn nói:

- Nhưng mà cháu ơi! Nếu tài nguyên, lợi tức quốc gia không bị thất thoát, được phân phối công bằng thì đất nước còn phát triển hơn nữa, người còn nghèo sẽ đỡ nghèo hơn!

 Trong bóng chiều, ánh mắt người cháu nhìn ông mình đầy thán phục, còn ánh mắt người ông thì ngời sáng lên môt niềm hạnh phúc.

 * * *

 Đêm hôm đó cả nhà ông Ba đưa đứa cháu ra sân bay. Lần này ông lại vẫn “lẩm cẩm”nhắc đi nhắc lại với đứa cháu: ”Dù gì ông cũng không còn sống được bao lâu, nhưng ông sẽ rất giận nếu cháu quên quê hương đất nước của mình, và hãy nhớ những gì ông nói nhé!”

 Mấy năm sau, nghe đâu cháu ông Ba có liên lạc về nhà, có ý muốn làm thủ tục bảo lãnh gia đình, người thân ra nước ngoài đoàn tụ, đương nhiên trong đó có ông Ba. Nhưng ông đã từ chối không làm hồ sơ, dù sau đó có mấy người thân đã ra nước ngoài, riêng ông chọn ở lại. Ông nói với mọi người rằng nếu có cơ hội ông cũng sẽ ra nước ngoài để thăm con cháu. Riêng phần mình ,ông thấy bản thân đã lớn tuổi rồi, nên ở lại với mảnh đất này thôi. Có hôm buồn buồn, một mình ông Ba đi đến xưởng đá lúc trước mình đã từng làm, (bây giờ thì ông đã nghỉ công việc đục đá rồi) ông gặp những người quen cũ để nói chuyện, nhìn ngắm những khối đá, những tuyệt phẩm bằng đá đã có thời gắn bó với ông. Một người trong nhóm thợ sau khi mời ông ngồi xuống uống nước đã thân tình cất tiếng hỏi:

 - Ông Ba ơi! Con, cháu ông ra nước ngoài hết ông sống một mình có buồn không? Có khi nào ông… khóc k..h..ông? 

Biết rằng người ta nói đùa với mình cho vui, nên ông vẫn cười vui và trả lời:

 - Bao nhiêu năm nay tôi không còn khóc nữa, tôi đã là “người khô nước mắt” rồi! Hồi má tôi mất, tôi buồn lắm, nhưng cũng đâu có khóc. Đến năm 88, đứa con út đi theo bạn bè ra biển, đến bây giờ vẫn bặt vô âm tín! Nhưng mà tôi nghe thấy chú than thở nảy giờ nhiều rồi đó – tay ông chỉ vào con rồng đá mà nhóm thợ đang làm dang dở – rồi cười nhè nhẹ nói:

 - Nếu mình tạc nguyên con rồng đá không được thì cố gắng làm công việc gì đó nhỏ nhỏ, dễ dễ thôi, thí dụ như tạc cái móng rồng. Nếu ngồi đó mà than vắn thở dài, kể lể nọ kia, như vậy là chú cũng… “khóc” đó! 

Rồi không biết nghĩ sao, ông nhìn về phía một người thợ khác và nói tiếp:

 - Như chú Bảy đây mới được, tuy than khó nhưng vẫn bền chí làm từng chút một… .

 Câu nói bông đùa của một ông già làm mấy cậu thợ trẻ phá lên cười vui vẻ, vô tư. Nhưng vài người lớn tuổi không hiểu sao lại chỉ nhìn nhau im lặng… . Riêng ông Ba sau câu nói vui lại không có lấy một cái hé môi cười, cũng im lặng mắt nhìn về phía xa xa… .

  H.V.H

 (Truyện còn có tựa là: “Bên Gốc Sung Già” – Huỳnh Văn Huê, chs NQ)


06 Tháng Tám 2011(Xem: 124694)
Ngô Quyền nay không chỉ còn là một danh từ riêng rất trân trọng, mà đã trở thành một danh từ chung, một danh dự chung và là niềm thương nhớ đời đời của tất cả chúng ta.
30 Tháng Bảy 2011(Xem: 119509)
các Chs NQ khóa đàn em đã tạo luồng sinh khí mới và góp phần không nhỏ trong sự thành công, trọn vẹn của ngày Đại Gia Đình Ngô Quyền Hội Ngộ Toàn Thế Giới kỳ II này.
29 Tháng Bảy 2011(Xem: 124895)
Thơ Phương Linh - Nhạc Ngô Càn Chiếu – Ngô Càn Chiếu trình bày.
29 Tháng Bảy 2011(Xem: 117046)
ngày 31 tháng 12 tôi sẽ về BH cùng các bạn lớp đệ Tứ của tôi tham dự Họp Mặt Cựu Học sinh Ngô Quyền tổ chức tại trường.
23 Tháng Bảy 2011(Xem: 102697)
Nửa phần đời còn lại có chăng tìm lại được bao niềm vui hạnh phúc nghẹn ngào với mái trường trung học Ngô Quyền của một thời để thương để nhớ…
23 Tháng Bảy 2011(Xem: 124701)
... chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm trong yên lặng về ý nghĩa sâu thẳm của sự Hội Ngộ và Chia Ly.
22 Tháng Bảy 2011(Xem: 116886)
Nhạc và lời: Phạm Chinh Đông – Hòa âm: Đỗ Hải – Ca sĩ Thanh Duyên
20 Tháng Bảy 2011(Xem: 116920)
Chắc là những ai đã tham dự chuyến đi này và cả những ai được nghe kể lại sẽ thấy "vui nhất từ trước tới giờ chưa từng có"
14 Tháng Bảy 2011(Xem: 109873)
Thấm thoát đã một tuần sau ngày họp mặt Ngô Quyền Hội Ngộ Toàn Thế Giới lần thứ 2 tại Nam California mà dư âm của ngày họp mặt vẫn còn vấn vương thoang thoảng trong đầu của tôi.
14 Tháng Bảy 2011(Xem: 100093)
Cám ơn Ban Tổ chức Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền, Cám ơn Thầy Cô, cám ơn tất cả...
14 Tháng Bảy 2011(Xem: 105412)
Chúng tôi không bao giờ quên những nỗi nhọc nhằn của các Em để gíúp chúng tôi có được những ngày sum hợp vui đẹp vừa qua.
30 Tháng Sáu 2011(Xem: 115314)
Nhạc & Lời : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải Ca Sĩ : Thúy An
17 Tháng Sáu 2011(Xem: 106986)
Bài này là một trong rất ít bài con viết cho Ba nếu có 1 thế giới nào khác thế giới này, mà Ba có thể nghe được thì xin ba hãy mỉm cười,
16 Tháng Sáu 2011(Xem: 101725)
Kính dâng Ba Mẹ và xin lỗi Ba Mẹ, ai con cũng có thể viết cho họ đuợc, viết thư tình, viết công văn, viết thơ tán gái, viết... tùm lum, mà chả mấy khi viết được giòng nào cho Ba Mẹ.
10 Tháng Sáu 2011(Xem: 119309)
Em ạ, hết thảy mọi hoạt độngcủa con người là nhằm đến cái hạnh phúc, ngay cả những chuyện làm đau khổ hy sinh thiệt thòi rốt cuộc lại cũng chỉ vì hạnh phúc.
08 Tháng Sáu 2011(Xem: 138445)
"Bài này được viết và phổ biến từ năm 2009 nhưng được giới thiệu lại như một lời mời gọi chs NQ về Orange County California dự họp mặt chs NQ toàn thế giới lần II ngày 3 tháng 7 năm 2011."
05 Tháng Sáu 2011(Xem: 126126)
“Ngô Quyền ơi bao năm vẫn xanh màu kỷ niệm Ngô Quyền ơi bao năm vẫn tình cảm vẫn đong đầy”
30 Tháng Năm 2011(Xem: 110582)
Ba đã cho con một tuổi thơ đầy ắp hoa bướm, dù rằng con thiếu Mẹ. Ba đã cho con muôn ngàn tia nắng ấm từ trái tim yêu thương của Ba dù rằng trái tim Ba đang đau buốt.
30 Tháng Năm 2011(Xem: 107301)
Gương mặt Bố có những nét duyên dáng tráng kiện của một người đàn ông chung thủy và chịu đựng.