Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Huỳnh Văn Huê - TRƯỜNG CŨ NGÀY XƯA

01 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 117174)
Huỳnh Văn Huê - TRƯỜNG CŨ NGÀY XƯA

  TRƯỜNG CŨ NGÀY XƯA.

 thay_huan_va_hoc_tro_nq-large-content


 Mùa Thu có thể là mùa của gió heo may về, của lá vàng gieo rắc nên ý nhạc vần thơ… . Nhưng mùa Thu cũng là thời điểm khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn biết bao mái đầu xanh: mùa tựu trường! Thời đó năm 1963, tôi là một học sinh lớp cuối của bậc tiểu học trường làng, trường mang tên một xã cù lao bốn bề là sông nước của dòng Đồng Nai, – Cù lao phố Hiệp Hòa - riêng lớp Nhất, cả trường chỉ có hai: một lớp nam, một lớp nữ. Tuy làng chỉ cách trung tâm tỉnh khoảng 3 cây số, nhưng vào lúc ấy sao tôi thấy cái chợ Biên Hòa nó xa lắc xa lơ! Từ lớp Năm đến lớp Nhất - tức là lớp 1 đến lớp 5 bây giờ - kết quả học tập cuối năm bao giờ tôi cũng lãnh thưởng hạng danh dự hoặc dưới một cấp là hạng nhất. (Nói ra chỉ là ôn lại kỷ niệm chớ không phải… khoe khoang gì đâu, vì bây giờ có khá nhiều học sinh VN rất giỏi – trong nước cũng như ở nước ngoài – đi thi các giải quốc tế đã đoạt được huy chương vàng, huy chương bạc…) Cái thời còn ít người được đi học, theo tôi nghĩ chỉ cần siêng năng cộng thêm chút… “sáng dạ” là có kết quả như vậy thôi. Sau lớp Nhất là bước qua Trung học đệ nhất cấp gồm từ lớp đệ Thất đến lớp đệ Tứ (lớp 6 đến lớp 9). Trước tôi, có một người anh và một người chị chỉ vì rớt thi tuyển vào lớp đệ Thất trường công - duy nhất là trường trung học Ngô Quyền - mà đành phải… ở nhà, từ từ tính chuyện học trường tư sau! Nhắc lại để mọi người hiểu cho, đối với tôi - thật ra phải nói là cả đám chúng tôi - kỳ thi tuyển vào trung học này vô cùng quan trọng…

 Lúc đó học sinh trên tỉnh - trường tiểu học Nguyển Du tên tuổi - còn chưa chắc ai cũng được đến lớp luyện thi huống hồ là dân trường làng như tôi. Anh tôi mượn đâu được quyển “141 bài toán luyện thi đệ thất” đem về, vậy là tôi cứ cặm cụi giải cho thông thạo hết tất cả. Ngoài ra các môn như: Quan sát, Địa lý, Sử ký… cố gắng sao cho thuộc nằm lòng là được. Thật ra, thầy H.V.P là thầy dạy lớp tôi và cũng là thầy Hiệu trưởng, thỉnh thoảng có đạp xe một vòng đến nhà các “sĩ tử” học trò để nhắc nhở và kiểm tra xem tụi nhỏ học hành thế nào. Đối với gia đình và cả nhà trường nữa, tôi là một niềm hy vọng lớn lao. Theo lẽ thường tình, nếu học sinh trường nào đậu nhiều, và đặc biệt trong đó có người đạt thứ hạng cao trong kỳ thi này thì đương nhiên trường đó sẽ nổi tiếng và biết đâu còn được khen thưởng nữa!? Riêng tôi về sau này, lớn lên một chút, khi hồi tưởng lại, tôi mới hiểu ra là lúc đó thầy P kỳ vọng rất nhiều vào… tôi.

 Ngày thi tuyển kết thúc, đã quá rõ sức học của các học trò mình, thầy P lại đi một vòng để biết thêm tình hình, khi gặp tôi thầy rất vui vẻ, phấn chấn, vì thầy biết độ khó của đề thi vừa rồi đối với tôi chỉ trên mức trung bình thôi.

 Nhưng rồi, đường đời không bằng phẳng và chuyện đời cũng không đơn giản… . Tôi thật thà và có cả chút vô tư (!) kể hết chuyện ở phòng thi cho thầy nghe.

 Gặp đề toán không khó lắm đối với mình, nhưng tôi vẫn làm bài theo trình tự hướng dẫn của thầy và những khuyên bảo của người lớn ở nhà. Làm bài trước ngoài giấy nháp, dò đi dò lại cẩn thận, sau khi thấy chắc chắn trúng rồi mới chép lại vào giấy (làm bài) thi! Xong xuôi hết, ước chừng còn dư thời gian khoảng hơn 15 phút, tôi đọc lại bài thêm lần nữa rồi sắp xếp bút, thước, các thứ ngay ngắn trước mặt và ngồi… khoanh tay chờ hết giờ! Tôi không dám nộp bài vì trước khi đi thi mẹ tôi cũng đã dặn đi dặn lại rằng dù có làm xong bài sớm cũng ngồi dò lại, không được nộp sớm (!?). Cho đến tận bây giờ, dù người mất đã lâu, tôi cũng đã quá… trung niên rồi, nhưng vẫn không hiểu có phải vì như vậy cho… chắc chắn hay vì thể hiện tính khiêm tốn!?

 Chợt cô giáo gác thi đến bên hỏi tôi làm bài xong chưa mà ngồi im như vậy. Khi biết tôi làm xong rồi, cô lấy bài của tôi lên xem và ra khỏi cửa phòng thi, nhanh chóng thôi, cô ấy quay vào hỏi thêm rằng tôi học trường nào, cuối năm được xếp hạng mấy… (tôi thật thà có sao nói hết!). Sau đó, với vẻ mặt trang trọng, cô ấy cho biết tôi làm sai rồi, nên sửa lại như… thế này, thế này! (Chuyện “hiếm có” và cũng khó tin nhưng lại có thật vì chính tôi là người… trong cuộc! Đâu có qui chế thi nào chấp nhận một loạt các hành động như vậy!?? Nhưng thôi xin chớ lo, vì kết thúc cũng có… hậu!)Tôi điếng hồn, tim đập loạn xạ, trong lòng phân vân cực độ! Rõ ràng mình đã làm đúng rồi! Nhưng sau cùng, liên tục bị áp lực trước những lời lẽ chắc nịch của cô giáo, đứa nhỏ nhà quê 11 tuổi trong tôi ngoan ngoãn vâng lời… . Tay cầm thước cẩn thận(!) tôi gạch bỏ các kết quả bài toán mình làm, nắn nót viết vào kế bên những con số khác do cô giáo “tốt bụng” chỉ dẫn!!

 Lần đầu tiên tôi thấy thầy tôi giận dữ, tức tối với tôi đến như vậy! Mẹ tôi buồn bã, xót xa, ba tôi mất đã mấy năm rồi, nếu không sau khi thầy về có lẽ tôi… no đòn!

 Thôi, thi tuyển mà làm sai một bài toán đố, trong khi môn toán lại có hệ số rất cao, vậy là chắc chắn… rớt rồi. Trong thời gian chờ kết quả, do có mối quan hệ bà con, bà thím ở một tỉnh lân cận muốn đón tôi qua nhà… chơi(!?). Một phần vì cũng đang buồn, và cũng cảm thấy mình có lỗi, tôi đành chấp nhận… .Qua đón tôi về, bà thím đã dẫn tôi đi bộ ước chừng đến hai mươi cây số, khi len lỏi đường làng, có lúc cũng được bước lên đường tráng nhựa, vì lý do cho đỡ… tốn tiền xe! Được mấy ngày, lạ nơi, lạ chốn, làng Tân Khánh của tỉnh Bình Dương lúc đó heo hút, buồn hiu… .Tôi nhớ, sau cơn mưa đầu mùa khá lớn, mặt cái sân đất trước nhà trở nên phẳng lì, một mình lẻ loi hơn bao giờ hết, buồn tình lẫn nhớ nhà, tôi lấy nhánh tre vẽ trên đó hình ảnh cây cầu sắt bắc qua sông và bến nước trước nhà mình…! Bà thím thấy tôi buồn, khuyến khích tôi theo cô – con gái bà, chỉ hơn tôi vài tuổi – ra đồng phụ trông coi đàn bò gần đến hai mươi con (Bà cũng thuộc hàng “giàu có” ở xóm này đấy!). Có lẽ đây mới là mục đích chính chuyến đi “chơi” của tôi? Nhưng tôi vẫn một mực đòi về, sau cùng – lúc đó theo tôi nghĩ- có lẽ biết không giữ được tôi, bà thím đành phải… chịu thua!

 Chỉ một ngày sau khi về nhà, tôi biết được thêm là bà thím mới vừa qua kể khổ với mẹ tôi, rằng tôi không “được việc” gì hết, và có lẽ vô tình bà tiết lộ về chuyện tôi vẽ trên mặt sân cảnh vật trước nhà mình. Mẹ tôi đã… rơi nước mắt! Nhanh chóng đề nghị để tôi mau mau được trở về nhà. Rồi kết quả thi tuyển vào lớp đệ Thất trường Ngô Quyền đã có nhưng cả nhà tôi không ai đi xem. Kết quả đã biết trước rồi còn gì ?! Nhưng ở đời có cái xấu nhưng vẫn còn có nhiều cái tốt, trong rủi có… may, thầy tôi đi xem kết quả cho cả hai lớp Nhất,về nói rằng tôi đã… đậu! Thật không thể tả hết được nỗi vui mừng của cả nhà. Tôi đã đậu được vào trường Ngô Quyền! Nhưng vì sai một bài toán đố nên tôi đứng hạng 231 (trong câu chuyện, có thể có vài tiểu tiết tôi nhớ không chính xác lắm, nếu có như vậy, thứ hạng của tôi còn… thấp hơn nữa!) trong số học sinh trúng tuyển, tức là đứng trong tốp… cuối. Tiếp theo, thay vì theo nguyện vọng sinh ngữ chính là Anh văn, tôi buộc phải chấp nhận Pháp văn. Quá vui mừng vì thi đậu, cái việc thay đổi môn sinh ngữ lúc đó không quan trọng lắm, vì khi lên lớp đệ Tam sẽ học thêm sinh ngữ Anh Văn thôi. Hôm nay khi viết lên những dòng này, mùa Vu Lan tháng 7 âm lịch rồi đến Tết Trung Thu cũng vừa thoáng qua không lâu, những người con nào- dù mang trên ngực áo hoa hồng đỏ hay trắng- lại không nhớ đến mẹ của mình! Những ngày sau, không biết có nguồn tiền dành dụm từ lúc nào, mẹ tôi cùng tôi đi xe… ngựa(ngày đó tại Cầu Hang, nơi tiếp giáp quốc lộ 1, đầu làng cù lao Phố Hiệp Hòa cũng còn có xe “lam” nữa, khi gặp xe nào thì đi xe đó thôi) lên chợ Biên Hòa: mua cho tôi cái cặp màu đen bằng da một trăm phần trăm, vải vóc để may đồng phục, một đôi giày “săng-đan”, một đôi giày “bố” trắng (để mặc đồng phục toàn trắng chào cờ vào mỗi sáng thứ hai) sau cùng kết thúc bằng việc ghé vào xe mì “ông Mập”nổi tiếng ăn một tô mì ngon nhất trên đời. Riêng phần chụp hình tại tiệm Phạm Lung để làm hồ sơ nhập học đã có người chị chịu trách nhiệm dẫn tôi đi, xong xuôi có một bữa xem phim Ấn Độ tại rạp Vạn Khánh Hưng, khi ra về lại có thêm ly nước mía lạnh thật lạnh… .Về sau tôi mới biết - dù người không bao giờ nói-, mẹ tôi đã dành dụm sẵn tiền từ trước, vì đã rất tin tưởng con mình sẽ… thi đậu. Đến bây giờ tôi đã có15 mùa Vu Lan với hoa hồng trắng trên ngực áo… . Văng vẳng bên tai tôi từ đâu đó của tiềm thức, mấy câu thơ hình như(?) của nhà thơ Kiên Giang: “Mẹ già như chuối ba hương. –Như xôi nếp một, như đường mía lau”. Mẹ ơi! “chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau” giờ biết tìm đâu!?

 Đến lúc gần nhập học cũng không lâu, tôi được biết thầy P có đến nhà gặp và nói với mẹ tôi, đại ý: “Thằng H đậu được là nhờ may mắn và cũng nhờ… học giỏi(?!). Vì học giỏi nên các môn khác và câu hỏi phụ trong đề toán có điểm cao, mới bù lại được bài toán đố! Và may mắn vì gặp giám khảo có tình và… tinh ý, khi thấy bài toán đố làm đúng 100% rồi lại còn cẩn thận gạch ngang để sửa lại, do vậy có thể vị này – hoặc cả hội đồng chấm thi - đã chấm điểm nới tay một chút chăng ?!”

 Việc đã qua rồi, dù sao tôi cũng trúng tuyển. Mùa Thu khai giảng năm học 1963 tôi đã là một học sinh Ngô Quyền! Chuyện… “tai nạn” trường thi lúc nào, thời nào cũng có thể xảy ra, khác chăng là mức độ và hậu quả mà thôi! Thời phong kiến vẫn có nhiều bậc tiền bối tài danh nhưng thi mãi, gặp hết chuyện này đến chuyện khác vẫn không đậu đó sao?! Hay như ngay thời của tôi có P.T.Th (Đệ Nhất B1, trong lớp ngồi gần Tr.h.Ph) là một trong những học sinh rất giỏi của lớp, ra thi bị… thí sinh bên cạnh giật bài thi sao đó mà đành phải rớt tú tài II một cách oan uổng! Với tôi vậy là còn may mắn hơn nhiều… Ngôi trường Ngô Quyền mơ ước và thân thương đang đón chờ tôi, thời đó trường như vậy là khang trang, hiện đại lắm rồi: gồm hai dãy lầu quét vôi màu vàng, giữa là sân chơi với những hàng dương đã bắt đầu tỏa bóng mát. Ngoài ra phía trước, ngoài cổng bước vào bên trái còn một nhà trệt, mái ngói, cửa kính, đó là phòng thí nghiệm, phía sau và một bên sân có mấy nhà để xe cho học sinh. Nhớ về trường xưa, tôi và các bạn làm sao quên được công lao, nghĩa tình sâu nặng của biết bao thầy, cô đã vun đắp cho chúng ta. Và còn biết bao kỷ niệm ngày xanh với bạn bè… . Rồi, cũng giản dị thôi, nhưng cũng… khó quên: con đường đến trường! Vì nhà ở bên kia cầu Rạch Cát, lúc đạp xe đến trường theo QL1, khi đến rạp hát Biên Hùng tôi phải lên một con dốc, người tỉnh lỵ Biên Hòa gọi là dốc dài, hay dốc … Ngô Quyền. Riêng có một nhà thơ đã thành danh, tài hoa nhưng… vắn số! – Nguyễn Tất Nhiên, cũng là cựu học sinh N.Q –Tôi nhớ con dốc có lẽ (?) đã được nhà thơ chân tình lưu dấu trong bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát : “Em hiền như ma soeur”

 “. . . . . . . .

 Đưa em về dưới mưa

 Xe lăn đều lên dốc

 Chở nhau tình mệt nhọc!

 . . . . . . . .”

  Trường Ngô Quyền và Thầy, Cô, bạn bè thân yêu ơi… ! Dốc dài ơi…! Dốc Ngô Quyền ơi…!

 

 H.V.H (9-2010)

 

huynh_van_hue-content


(Huỳnh văn Huê vào đệ thất năm 1963, đệ nhất B1 năm 1970, học cùng với Ng.x.Quang, Ph.t.Thừa, Tr.h.Phúc, Tô.a.Dũng và nhiều bạn khác nữa… Nhân đây xin có lời cảm ơn đến N.Dung, BBT trang web NQ đã gửi cho tôi nguyên bài thơ “Ma soeur” của N.T.N)

 

 

 

06 Tháng Hai 2010(Xem: 84509)
Tôi chỉ nhớ mong manh rằng buổi trưa hôm ấy đứng ở sân thượng với gói quầ n áo trong tay nhìn ra phía xa, ngọn đồi huyền bí của tôi nay chỉ còn là một bóng mờ, chập chờn sau những đám khói đen mù mịt.
30 Tháng Giêng 2010(Xem: 91491)
Vậy khi một nhà thơ, nhà văn nào đã qua đời, thì, làm ơn, nếu không vì nhu cầu nghiên cứu tiểu sử để tìm hiểu cặn kẽ về bối cảnh và điều kiện sáng tác của họ, xin đừng khai thác đời tư của họ để phục vụ cho bất kỳ một mục đích nào khác hơn là góp phần cống hiến cho đời ba điều thật đơn giản, nghe rất nhàm tai, nhưng vô cùng cao quý, đó là: Chân, Thiện và Mỹ.
25 Tháng Giêng 2010(Xem: 97919)
Tôi nhớ câu nói của một ông anh trong vùng tôi đang sống, rằng sau khi hoàn tất một công việc, bao giờ người ta cũng thấy hai túi áo chứa đầy những lời cảm tạ và những lời xin lỗi.
11 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 95622)
Nhớ về quê hương, nhớ thời thơ ấu, dưới mái trường xưa, con đường ngập lá vàng rơi, nhớ chúng mình một thời rong chơi. Cuộc đời đổi thay, chúng ta mỗi người mỗi ngả, đối với tôi, đời sống thế nào? Ngày tháng phôi pha, xứ người xa lạ, lòng luôn ngóng về quê hương, nhớ từng nơi ngày đó chúng tôi đã đi qua, nhưng bây giờ cảnh cũ không còn và các bạn xưa cũng không còn, biết lưu lạc nơi nao?
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 100370)
Chỉ còn vài ngày nữa là thành phố Adelaide, nơi tôi đang cư  ngụ sẽ vẫy tay chào mùa đông để chính thức bước vào mùa xuân. Ngày đã trở nên dài ra và trời đã bắt đầu ấm áp trở lại.
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 93996)
Cầm tờ thư của cô tôi ấp nhẹ vào ngực. Ơi! cô giáo nhân ái còn hơn bà tiên trong thần thoại đã dang tay cứu tôi trong nhiều lần khốn khó. Thời gian đi qua thật lâu rồi nhưng tất cả những gì về cô tôi đều nhớ. Bảy năm trời lớn lên từ một mái trường nên mãi mãi ngôi trường Ngô Quyền thân yêu ấy là một ngăn nhớ êm đềm trong quả tim tôi.
12 Tháng Mười Một 2009(Xem: 97341)
Vậy là con bé út của tôi đã đi học được hai hôm. Mọi học khu đều đã khai giảng niên khóa mới từ đầu tháng 9 mà mãi tới giờ, đầu tháng mười một, con gái tôi mới “cắp sách” đến trường cũng bởi nó bị “lọt sổ”.
02 Tháng Mười Một 2009(Xem: 210437)
Mùa Thu, mùa của tình yêu, của nhớ nhung, lãng mạn và là… của em.
30 Tháng Mười 2009(Xem: 100960)
Đã vài năm qua, kể từ ngày lễ Halloween năm 2005, lúc nào bà Jenna cũng nhớ hình ảnh người giao pizza rất trẻ, chắc chưa đến tuổi hai mươi lúc đó, nhưng có thái độ chững chạc của một người đã đi hơn nửa cuộc đời, và có tấm lòng của một ông tiên trong những truyện cổ tích.
17 Tháng Mười 2009(Xem: 96070)
“Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một, như đường mía lau"
22 Tháng Bảy 2009(Xem: 92364)
Tôi như lang thang trên những con phố Biên Hoà, những con đường dẫn tôi đến sân trường cũ, ở đó lời Thầy Cô còn vang vọng, tiếng lao xao của bạn bè còn nghe rõ như in, tà áo dài ai trắng đến tinh khôi...
17 Tháng Bảy 2009(Xem: 75554)
Chuyến bay VN 7640 của Hàng Không Việt Nam cất cánh đúng 6 giờ 30 sáng ngày 13 tháng 9 năm 1994, trên đường bay đến Hong Kong. Trong đám đông thân nhân đang nhốn nháo vẩy tay trên sân thượng kia có đủ mặt bốn đứa con của chúng tôi, mặc dầu, qua cửa sổ máy bay, tôi không còn nhận ra chúng nữa.
04 Tháng Bảy 2009(Xem: 84601)
(Để tưởng nhớ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nhân ngày giỗ th ứ 15 của anh / tháng Tám, 2008) Giờ đây, dưới những tàn cây, bóng mát trong nghĩa trang này, tôi đến thăm mộ anh, thắp nén hương lòng hoài niệm về một thời quá khứ buồn nhiều hơn vui giữa chúng tôi, dù không biết rằng những việc làm trước kia đối với anh là đúng hay sai, nhưng tôi cũng muốn nói với anh lời tạ lỗi.
02 Tháng Bảy 2009(Xem: 76328)
Với lòng biết ơn của Cựu HS Ngô Quyền với những “người lái đò” xưa đã đưa chúng em đến bến bờ thành công Kính tặng Thầy Nguyễn Phi Long, kính tưởng nhớ Thầy Phùng Thái Toàn
25 Tháng Sáu 2009(Xem: 93587)
Việc thi cử ở nước ta đã có một truyền thống lâu đời truyền lại. Miền Nam sau này việc thi cử phần nào cũng tiếp nối cái tinh thần của truyền thống ấy. Thật vậy, nước ta đã có gần 20 thế kỷ dùng chữ Hán kể từ thời Bắc thuộc. Và 10 thế kỷ chữ Nôm đánh dấu thời kỳ tự chủ. Việc thi cử tính ra cũng được ngàn năm.
27 Tháng Năm 2009(Xem: 87034)
  Trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường, chúng ta quả thực rỏ ràng thấy được: Gốc cây trường trung học Ngô Quyền đã có nhiều cành ngọn và Nguồn trường xưa đã tỏa rộng khắp nơi.
16 Tháng Năm 2009(Xem: 58694)
“Một góc Thầy Trò” hôm nay mời bạn quay về quá khứ của Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), thế hệ học sinh đầu tiên của Trung học Ngô Quyền – với “chị cả ” Lương Thị Khá đ ang định cư ở Boston, Massachusetts.
15 Tháng Năm 2009(Xem: 77719)
Ở Việt Nam, mùa hè bắt đầu với những cành phượng đỏ nở rực cả góc trời, với tiếng ve kêu ra rả buồn xót xa, thì ở đây chỉ có hoa “jacaranda” và nắng ấm. Không biết từ bao giờ tôi đã yêu thích màu hoa “jacaranda”, thích ngang qua những con đường có trồng hoa rợp bóng, nhìn những cánh tím nhỏ li ti trải đầy trên đất, thêu từng mảng trên không, tôi cảm thấy dường như mình đang đi trong một giấc mơ.
14 Tháng Năm 2009(Xem: 75145)
Cha tôi cũng thường nói nhiều người trên đời này ưa làm anh hùng đến nỗi quên rằng mình có một bà mẹ. “Úi trời, làm anh hùng mà không có mẹ thì làm anh hùng mà chi!”
07 Tháng Năm 2009(Xem: 82267)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…