Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hạnh Phạm - TƯỞNG NHƯ LÀ TIẾNG PHÁO

06 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 84350)
Hạnh Phạm - TƯỞNG NHƯ LÀ TIẾNG PHÁO

TƯỞNG NHƯ LÀ TIẾNG PHÁO


phao-content 

Đêm Giao Thừa, năm 68.

Không khí nhà tôi tối hôm ấy nhộn nhịp hẳn lên. Ngoài chị Vân, chị gái của tôi đi học Đại Học ở Sài gòn về ăn Tết, lại còn có sự hiện diện của chú Học, em trai của bố, từ phương xa về. Các cô tôi, cũng sống ở gần đó kéo sang phụ mẹ tôi nấu bữa cơm Giao Thừa cho đại gia đình. Cái bếp đằng sau nhà phừng phực lửa và chật ních những người. Tiếng cười tiếng nói lao xao không dứt. Ở nhà trên, bố tôi bận rộn, lui cui lau chùi mấy cái lư hương, chân nến để chuẩn bị đón Giao Thừa. Cạnh đó trong một góc nhà, chị Vân tôi đang vội vã gói nốt mấy cái bánh chưng cuối cùng trước khi xếp vào cái thùng phi tổ bố ở ngoài sân đề luộc. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ chị tôi giao phó cho tôi là lau lá chuối để chị gói bánh, tôi dắt các em lên lầu để các em mặc thử quần áo mới. Nhìn các em hí ha hí hửng trong những bộ quần áo Tết tôi cũng cảm thấy vui theo. Ở ngoài sân thượng, anh Được, ông anh họ của tôi đang loay hoay treo tràng pháo vào balcony. Sợi dây pháo đỏ thắm dài gần hai thước, lủng lẳng với những viên pháo đùng khổng lồ được anh tôi cẩn thận thòng xuống dưới hiên nhà, đợi chờ năm mới. Đứng từ sân thượng nhìn ra phía những ngọn đồi xa xa trước mặt, bầu trời hôm ấy tối đen như mực. Đúng là cái tối đen của đêm ba mươi! Thường thường vào những buổi tối tôi vẫn bắc ghế ra ngồi ở sân thượng hóng mát, nhìn những ánh hỏa châu lập lòe ở phía bên kia đồi. Lúc đó, vùng ở bên kia đồi là một vùng thật huyền bí đối với tôi. Tôi vẫn thường tự hỏi, không hiểu nơi đó có làng xóm dân cư hay không hay chỉ là một vùng rừng rậm hoang vu không người ở. Tại sao mà máy bay thường hay thả hỏa châu xuống đó hằng đêm? Đã vài lần tôi theo chân cô Tĩnh, người hàng xóm, vào thăm nương rẫy của gia đình cô ở chân đồi. Từ nhà, băng qua con đường lộ, quanh co đi hết con đường làng rồi ra đến con đường mòn dẫn ra những mẫu ruộng trồng rau, với dòng suối nhỏ róc rách chảy qua. Đứng trên bờ ruộng ở chân đồi nhìn lên, tôi thường ao ước một ngày nào đó được theo mấy người đốn củi đi lên đó để khám phá cái vùng đất hoang dã nhưng đầy bí ần này.

Đang mơ màng thì mẹ tôi gọi xuống nhà ăn cơm. Sau bữa ăn tối, cả nhà quây quần trước cái TV đen trắng mà một ông anh họ khác đã cho bố tôi mượn trong mấy ngày Tết. Tuy không hiểu tiếng Anh nhưng mọi người đều lựa xem đài truyền hình Mỹ ( dành cho quân nhân Mỹ ở VN) vì đài này có nhiều phim “combat ” coi rất hấp dẫn. Ai nấy mải mê coi phim đến nỗi quên cả giờ giấc cho đến khi chuông từ nhà thờ thình lình vang lên rộn rã báo tin năm mới đã sang. Lẫn với tiếng chuông là những tiếng pháo nổ lên dòn dã từ muôn phía vọng lại. Hết tràng pháo này đến tràng pháo khác, thay nhau đua nổ. Anh Được hối hả chụp cái bật lửa ở trên bàn rổi chạy lên lầu. Tôi và các em lật đật theo bố ra sân trước nhà. Ở ngoài sân, một đám con nít đã tụ họp từ lúc nào, mắt hướng lên balcony, háo hức nhìn tràng pháo dài của nhà tôi chờ đợi. Trên lầu, anh Được trịnh trọng kéo dây pháo lên, một tay cầm đầu pháo, một tay bật lửa rồi rồi cẩn thận châm vào ngòi của pháo. Tạch, tạch, đùng, tạch, tạch, tạch, đùng! Từ dưới nhìn lên, cả không gian như bao trùm với màu đỏ, hồng và trắng của xác pháo. Đám trẻ con reo hò, tranh nhau xúm vào nhặt những viên pháo chưa kịp nổ rơi vung vãi trên đất. Tôi cũng ham vui nhào ra lượm pháo. Lượm được gần chục cái, tóc tai còn vương đầy xác pháo, tôi hãnh diện chạy lại khoe bố. Cứ tưởng rằng bố sẽ khen nhưng không, bố đã không khen mà thay vào đó ông cau mày, đăm chiêu nhìn những viên pháo nằm trong tay tôi rồi thở dài, lẩm bẩm:

“Pháo lép nhiếu quá. Có lẽ đây là điềm báo trước là có điều gì không hay sắp xảy ra.”

***

Chiều mùng một Tết, năm 68

Trời đã chập choạng tối. Sau khi tiễn nhóm khách cuối đến chúc Tết ra cửa, bố tôi trở vào nhà. Thả người xuống cái ghế salon vẫn còn ấm hơi người, ông thở ra khoan khoái. Trên cái bàn café gần đó, cạnh những ly trà uống dở dang, cái điếu thuốc lào nằm chơ vơ mời mọc. Sau vài giây lưỡng lự, bố tôi kéo cái điếu cày về gần mình, ngắt một dúm thuốc lào đựng trong cái hộp thiếc cũng ở gần đấy rồi ông dùng hai ngón tay vê tới vê lui cho đến khi dúm thuốc cuộn tròn lại như một hòn bi nhỏ. Sau đó ông thận trọng bỏ viên thuốc lào vào cái lỗ trên mặt điếu rồi châm lửa, hút vào một hơi dài. Cái động tác ấy làm cái điếu cày phát ra những tiếng kêu sòng sọc, giòn dã nghe rất là vui tai. Những làn khói thuốc mong manh theo hơi thở ra của ông bay lên, lãng đãng trên không, rồi quấn quít quện vào nhau như tơ trời. Bố tôi không phải là người nghiện thuốc. Thỉnh thoảng ông chỉ hút để cho vui với khách thôi. Sau ba ngày Tết thì cái điếu cày này lại được bố tôi cẩn thận cất đi chờ đợi cho đến khi có dịp đặc biệt khác.

Ngày hôm ấy, bà nội và bố mẹ đã bận rộn tiếp khách suốt cả ngày. Họ hàng gần xa, hàng xóm láng giềng nườm nượp đến mừng tuổi bà nội và gia đình tôi. Những câu chào hỏi, những lời chúc tụng cứ được lập đi lập lại bởi mọi người nhưng hầu như không ai cảm thấy nhàm chán cả. Như thường lệ thì ngày hôm sau, ngày mùng hai Tết là đến lượt bố mẹ tôi đi chúc Tết lại họ hàng. Các em của tôi, súng sính trong những bộ quần áo mới sẽ được đi theo để lấy tiền lì xì. Còn tôi, năm ấy phải ở nhà vì bố mẹ bảo là đã lớn. Tuy bị mất đi một “ nguồn lợi tức” hàng năm đáng kể nhưng tôi chỉ buồn một chút thôi vì biết rằng mình còn có một nguồn lợi tức khác, tức là tiền bỏ túi hàng tháng do anh Hải của tôi cung cấp. Anh Hải là anh cả của tôi. Anh xa gia đình đi học từ thuở tôi còn bé xíu. Tôi chỉ nhớ rằng khi gia đình tôi ở Đà Nẵng thì anh đang đi học ở Đại Học Huế. Một hôm anh viết thư về gia đình báo tin là anh đã bỏ học để gia nhập ngành Hải Quân. Bố tôi thất vọng và buồn ghê lắm. Ông là người rất trọng người khoa bảng mà anh tôi lại bỏ học ngang xương nhất là bỏ cái ngành mà bao nhiêu người mơ ước được học, ngành Y. Trong cơn giận dữ, bố tôi tuyên bố không nhìn mặt anh tôi nữa. Sau một thời gian chờ đợi bố tôi nguôi ngoai, anh nhờ chú tôi và một người hàng xóm đưa anh về nhà xin lỗi với bố. Bố tôi tha lỗi cho anh với một điều kiện là anh phải đi học lại. Thế là để vâng lời bố, anh tôi ghi danh học ngành Luật trong khi vẫn tiếp tục ở trong ngành Hải Quân. Anh Hải là người rất rộng rãi và hay lo lắng cho các em. Hàng tháng sau khi lãnh lương, anh Hải luôn luôn nhớ cho các em tiền bỏ túi, từ nhỏ đến lớn không thiếu em nào. Càng lớn thì càng được anh cho nhiều tiền. Tết năm đó, tình hình cuộc chiến khá căng thẳng nên anh phải đi công tác xa, không về ăn Tết với gia đình được. Năm đó anh đã là hạm trưởng của một chiến hạm lớn của Hải Quân Việt Nam. Bố tôi rất hãnh diện về anh. Ông hay trêu ghẹo mấy cô thiếu nữ cùng xóm là có chịu lấy anh của tôi không. Sau Tết anh Hải hứa sẽ về thăm gia đình. Bố tôi đang định bụng sẽ tìm người mai mối kiếm vợ cho anh.

Tối hôm đó, sau khi ăn cơm qua loa, cả nhà đi ngủ sớm vì ai cũng thấm mệt cả. Hình như sự nhộn nhịp và bận rộn của ngày mồng Một Tết đã làm bố tôi quên bẵng đi nỗi ưu tư và lo lắng về những viên pháo không nổ đêm hôm trước, về những điềm không lành sắp xảy ra.

 Mùng hai Tết, năm 68.

Tạch, tạch, tạch, tạch, đùng. Đang say sưa trong giấc ngủ tôi bỗng giật mình tỉnh giấc. Trời vẫn còn mờ mờ tối. Trên đầu giường, cái đồng hồ với cái kim dạ quang cho thấy đã gần năm giờ sáng. Vừa nằm xuống lại xuống giường thì tạch, tạch, đùng, tạch, tạch, đùng. Loạt nổ giòn giã lần này đánh thức hết cả nhà tôi. Bố tôi chui ra khỏi mùng, khua chân tìm đôi dép, miệng lẩm bẩm:

 “Gớm, ai mà ngược ngạo như thế. Mùng hai Tết rồi mà vẫn còn đốt pháo”.

Ông lò mò mở cửa đi ra ngoài sân thượng xem xét tình hình. Tạch, tạch, tạch, đùng. Từ trong mùng nhìn qua khung cửa, tôi thấy những tia lửa bắn vun vút lên trên trời. Bố tôi la thất thanh:

 “Bà ơi, loạn mất rồi. Tiếng súng chứ không phải là tiếng pháo!”

Tôi hấp tấp theo mẹ chạy ra sân thượng. Trước mặt tôi, ngọn đồi trước mặt rực sáng với những đám lửa đó đây. Trên không, hai ba chiếc máỳ bay trực thăng bay vòng vòng, chồm lên chồm xuống như những con diều hâu đang săn mồi. Còn đang ngơ ngác thì bố tôi xua tay ra lệnh:

 “Tất cả xuống hầm trú ẩn ngay!”

 Mọi người vội vã nhào xuống cầu thang, chui vào cái hầm trú ẩn. Cái hầm này được dựng nên bởi những bao cát vây quanh, cao khoảng gần một thước rưỡi. Nóc hầm là một miếng ván ép dày phủ đầy với những bao cát. Trong cái hầm tối đen, chật chội gia đình tôi ngồi bó gối chen chúc bên nhau. Bên ngoài tiếng súng đạn càng trở nên gần hơn. Máy bay vẫn quần quật trên không. Không khí trong hầm thật ngột ngạt khó thở. Không một tiếng kêu ca. Không ai nói với ai lời nào ngoại trừ tiếng đọc kinh lâm râm của bà nội tôi. Bà tôi bị lòa hai đôi mắt. Bà bị loà từ lâu lắm rồi. Nghe đâu từ hồi bà còn ở ngoài Bắc.

Vì phải ngồi co ro ở một vị thế nên hai chân tôi cứ thế mà tê dần đi. Cũng may là chợt đến lúc tôi không còn có cảm giác của hai chân mình nữa thì tiếng súng cũng đã ngớt đi. Bố tôi an tâm để cả nhà rời hầm ra tập trung ở phòng khách.

Trời bắt đầu sáng dần. Qua khe cửa, những tia nắng ban mai len lỏi chiếu vào. Những tia sáng lung linh, ấm áp của một buổi sáng bình thường. Thế nhưng buổi sáng hôm ấy như thiếu hẳn phần sinh khí. Con gà trống ở đằng sau vườn nhà bà Tản vẫn chưa buồn gáy. Không có tiếng rao hàng lanh lảnh của chị Hậu bán xôi đậu đen. Không có tiếng guốc khua vang của các con chiên ngoan đạo trên đường đi lễ sáng. Trong cái khoảnh khắc im lặng khác thường của buổi sáng hôm đó, gia đình tôi nhìn nhau, chờ đợi.

Bỗng dưng có tiếng nói lào xào ngoài hàng hiên. Tôi không ngăn được sự tò mò nên chạy vội ra lỗ mắt cáo nhìn ra. Đứng trú trong hàng hiên nhà tôi là khoảng gần hai chục người mặc đồng phục xanh lá cây, vai đeo súng dài đang xầm xì bàn tán với nhau. Lính Cộng Hòa đang trên đường hành quân ! Ủa ! Sao lính mà lại đi dép râu. Thôi chết rồi, Việt Cộng! Tim tôi như ngừng đi mấy nhịp. Chân của tôi muốn sụm xuống. Nếu mà máy bay trực thăng bay ngang qua nhà tôi lúc này thì căn nhà của tôi sẽ trở thành bình địa. Liệu họ có cưỡng ép gia đình tôi mở cửa cho họ vào hay không? Mắt dán vào lỗ mắt cáo, người tôi cứng đơ như bị thôi miên, không biết là bao lâu cho đến khi bố tôi chạy ra kéo tay tôi lôi vào phía nhà trong. Cũng may là sau đó họ quyết định tiếp tục rút quân. Trong khoảnh khắc, tiếng máy bay trực thăng lại ào ạt kéo về. Những tiếng súng nổ giòn giã, dường như ngay ở hông nhà liên tục vang lên. Không gian bỗng trở nên ngột ngạt với mùi thuốc súng.

Khoảng chừng 9 giờ sáng thì anh Chiến, ông anh họ nhà ở bên kia đường cái hớt hơ hớt hải chạy sang đập cửa.

 “Chú Tường ơi. Cái trại cưa của thầy cháu bị bắn trúng, đang cháy dữ dội mà không có ai chữa lửa hết. Chú làm ơn xuống giúp ngay bây giờ".

Không cần hỏi han thêm, bố tôi vô nhà lấy cái mũ đội lên đầu rồi tất tả đi theo ông anh của tôi. Trong cơn vội vã, bố tôi quên cả từ giã mẹ tôi, người đang đứng ngẩn người ra trước hành động liều lĩnh của ông. Đứng trên hiên nhà bà nhìn theo bố tôi, miệng mấp máy như muốn nói một điều gì. Bóng của bố tôi cứ xa dần rồi khuất hẳn ở đầu ngỏ.

Khi mặt trời bắt đầu đứng bóng thì mẹ và các chị em tôi bắt đầu đứng ngồi không yên. Bố tôi giờ này vẫn chưa về. Dân chúng ở chung quanh và những khu vực lân cận đang hối hả khăn gói rời nhà để đi tản cư. Xe lam, xe gắn máy và xe đạp chen chúc với người và của cải, chạy thục mạng trên đường. Những gia đình không có phương tiện di chuyển thì quơ vội mấy bộ quần áo vào cái túi để đội lên đầu hoặc dùng đòn gánh quẩy đi. Không ai bảo ai mà mọi người cứ cắm đầu cắm cổ đi về phía ngã ba xa lộ Biên Hòa.

Đi hay ở, mẹ tôi phải chờ bố về để quyết định. Mấy chị em tôi cứ lóng ngóng chạy ra chạy vào. Cuối cùng có một người đàn ông chạy xe gắn máy từ đầu ngõ tiến vào. Đến cửa nhà tôi, ông ngừng xe lại, la inh ỏi, xe vẩn còn để nổ máy:

 “Lạy chúa tôi, Bà Tưòng ơi. Ông Tường bị trúng đạn ở trại cưa ông Tín rồi.”

Chị Vân tôi rú lên như một con thú bị thương rồi lảo đảo chạy vào nhà báo tin cho mẹ. Tôi và các em tôi sợ hãi oà lên khóc. Đến khi mẹ tôi chạy từ trong nhà ra đến hiên thì người đàn ông đó đã đi mất. Mẹ bình tĩnh, không khóc, dặn dò chúng tôi ở nhà chờ mẹ rồi bà leo lên ngồi đằng sau xe Vespa của chú Học để chú chở đi tìm bố tôi.

Sau khi mẹ đi, mấy chị em tôi ngồi phệt xuống hiên nhà trước đợi mẹ. Vừa đợi vừa sụt sịt khóc. Dân chúng vẫn lũ lượt đi di tản, càng ngày càng đông. Một vài người khi đi ngang qua nhà tôi, thấy chị em tôi mắt mũi đỏ hoe, lơ ngơ láo ngáo như rắn mất đầu nên thúc giục:

 “Sao mà vẫn chưa đi ? Muốn chết hay sao mà ở lại?”

 Các em tôi nghe vậy sợ quá lại khóc to thêm lên. Bà nội ở trong nhà nghe tiếng khóc nói vọng ra:

 “Có chuyện gì mà khóc như đám ma vậy”

Chị Vân hết dỗ dành các em lại phải chạy vào trấn an bà nội. Bà nội tôi vẫn chưa biết tin bố bị thương. Bà chỉ biết là đang loạn lạc thôi. Cô Liên, em gái của bố lúc này cũng bắt đầu lục đục chạy sang. Chưa vào đến trong nhà cô đã la lớn:

 “Anh Tường đâu rồi ? Xóm em họ đi gần hết rồi. Chừng nào thì mình mới đi ? ”

Tội nghiệp chị Vân, không còn kềm chế được nữa nên mếu máo:

 “Bố cháu... bị trúng đạn ...trong khi đi chữa lửa... ở trại cưa ông Tín. Mẹ cháu... và chú Học... đang đi tìm bố chưa về”.

Sau vài giây sửng sốt cô lăn người xuống đất vật vã, khóc inh ỏi. Từ trong buồng, bà nội tôi lại nói vọng ra:

 “Sao mùng hai Tết mà lại khóc như có người chết thế!”

Lần này thì không còn ai bình tĩnh để chạy vào để giải thích hoặc trấn an bà tôi nữa.

Khi mẹ tôi và chú Học về đến nhà thì cả xóm đã di tản gần hết. Nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm. Con xóm nhỏ ngày hôm qua còn tíu tít tiếng cười tiếng nói của những người đi chúc Tết mà giờ đây như đang giẫy chết. Mẹ và chú Học mặt mũi bơ phờ. Nhìn vào ánh mắt buồn bã của mẹ, mấy chị em tôi cũng đủ linh cảm đuợc tin chẳng lành. Tụi tôi nhìn mẹ chờ đợi, lo sợ. Như để lấy thêm sức mạnh, bà với tay ra ôm chặt Hòa, đứa em út của tôi mới lên bốn tuổi của tôi vào lòng rồi mệt mỏi nói:

 “Bố trúng đạn trong khi dang múc nước ở giếng để chữa lửa. Khi mẹ và chú Học tìm được bố thì bố đã lạc thần mất rối. Lên đến nhà thương thì bố mất. Các con thu xếp quần áo đề đi ngay bây giờ. Gia đình ta di tản lên nhà thương vì bố ở đấy ”.

Tai tôi lùng bùng, mắt tôi hoa lên. Tôi muốn nằm lăn ra, gào lên để ăn vạ, để bắt đền. Tại sao bố tôi phải đi chữa lửa? Tại sao mẹ tôi không chạy theo níu tay bố lại mà để ông tiếp tục đi? Tại sao bố biết là năm nay xui sẻo mà ông cứ đi? Tại sao? Thế nhưng trước sự mệt mỏi và đau khổ của mẹ, tôi chỉ lặng lẽ đứng yên, để mặc nước mắt lăn dài trên hai má. Tôi lẽo đẽo đi theo chị Vân lên lầu lấy quần áo. Tôi lẽo đẽo theo chị Vân ra ngoài sân thượng. Để làm gì tôi củng không còn nhớ rõ. Tôi chỉ nhớ mong manh rằng buổi trưa hôm ấy đứng ở sân thượng với gói quần áo trong tay nhìn ra phía xa, ngọn đồi huyền bí của tôi nay chỉ còn là một bóng mờ, chập chờn sau những đám khói đen mù mịt.

 

Hạnh Phạm

Xuân Canh Dần

blank

 

 

05 Tháng Năm 2011(Xem: 41381)
Hôm nay, con viết vội vần thơ Khóc Mẹ một chiều gió Thu mưa Mong Mẹ từ đây đời thanh thản Nương cửa Từ Bi cõi Niết Bàn….
05 Tháng Năm 2011(Xem: 48074)
Cảm ơn người đã ghé thăm Mẹ tôi Tiếc đã trễ rồi, Mẹ tôi vừa mất Trễ một chút thôi mà vườn cau thôi xanh ngắt Lá trầu trải vàng một sắc nhớ Mẹ xưa!
05 Tháng Năm 2011(Xem: 129209)
Cảm ơn người đã ghé thăm Mẹ tôi Tiếc đã trễ rồi, Mẹ tôi vừa mất Trễ một chút thôi mà vườn cau thôi xanh ngắt Lá trầu trải vàng một sắc nhớ Mẹ xưa!
29 Tháng Tư 2011(Xem: 133526)
Chưa một lần gặp lại Đã vĩnh biệt muôn đời Lời tạ từ chưa nói Đã vội vàng chia phôi.
26 Tháng Tư 2011(Xem: 67376)
xin mời đến xem phim Bolinao 52 để thấy chị Trịnh Thanh Tùng, một chs NQ đã có mặt trong phim tài liệu Bolinao 52, kể lại kỷ niệm hãi hùng của chị trên đường tìm tự do năm 1988.
20 Tháng Tư 2011(Xem: 131035)
Nhớ không mày, trường Ngô Quyền xưa mình học, Thầy Bảo uy nghi, Hiệu trưởng cũ của mình, Giờ Thầy yếu rồi, bệnh nhiều, thương... thương lắm,
20 Tháng Tư 2011(Xem: 121778)
Quá khứ, kỷ niệm vẫn đeo đuổi tôi như hình với bóng. Quá khứ sẽ tan biến đi khi tôi không còn hiện diện trên cỏi đời nầy nữa. Buồn ơi! chào mi. Niềm vui ở lại.
16 Tháng Tư 2011(Xem: 142813)
Nuôi nuôi nấng nấng Từ đất mọc lên Không dễ gì quên Hoa bâng khuâng tím
10 Tháng Tư 2011(Xem: 137103)
Mụ ao ước nó cưới cho Mụ một cô gái cùng làng để Trâu ta ăn cỏ làng ta, trai làng lấy gái làng ta mới bền. Vậy mà thằng con đích tôn của dòng họ lại phải lòng một cô gái Biên Hòa.
10 Tháng Tư 2011(Xem: 113494)
Trong đêm trường tĩnh lặng, người phụ nữ đau khổ khóc nấc lên: “…Tại sao con tôi ra nông nổi này!? Tại… sao!?...”
10 Tháng Tư 2011(Xem: 127666)
Bài thơ tặng cậu bé Aisawa, nạn nhân của tai nạn sóng thần tại Nhật đã được phổ nhạc và dịch sang Anh ngữ, Nhật ngữ để phổ biến.
06 Tháng Tư 2011(Xem: 52525)
XIN HÃY ĐỢI AISAWA – Thơ Tưởng Dung - Phổ nhạc Phạm Trung – Ca sĩ Minh Quang
04 Tháng Tư 2011(Xem: 146820)
Buổi sáng mù sương rơi đọng đầy tay Xin tỏa ấm người đang lên con dốc Xin bụi đỏ xếp hàng thành ca khúc Mở lời yêu như đã phải lòng nhau
01 Tháng Tư 2011(Xem: 68145)
Anh như tia nắng xuân nồng ấm Nghiêng chiếu đời em vạt cỏ non
01 Tháng Tư 2011(Xem: 122223)
Mây trắng buồn trôi, mây viễn xứ Gió ơi! xin gió chở dùm ta Một chút tâm tư người ở lại Gửi cho bè bạn ở phương xa
27 Tháng Ba 2011(Xem: 133906)
Nhìn lên ảnh Mẹ những ngậm ngùi Nhớ lằn roi nhẹ nhớ không nguôi Con vẫn đi theo đường mẹ dẫn Tạ ơn roi Mẹ giúp nên người.
24 Tháng Ba 2011(Xem: 155740)
Em mơ có một ngày Bên đàn con cháu ngoan Ôn từng trang Sử cũ Rất kiêu hùng VIỆT NAM
21 Tháng Ba 2011(Xem: 132328)
Cả nhà nắng nhạt dần Lẫn vào thung lũng sâu Mặt trời gom nắng lại Khuất xuống chân trời xa .
12 Tháng Ba 2011(Xem: 70516)
Nhạc và lời: Phạm Chinh Đông – Hòa Âm: Đỗ Hải – Ca sĩ: Quốc Duy
11 Tháng Ba 2011(Xem: 72934)
- Thơ Trần kiêu Bạc - Hồng Vân diễn ngâm.
10 Tháng Ba 2011(Xem: 162733)
Tháng ba có một ngày Của bà, mẹ và em Đếm gần hết ngón tay Số tám tròn rực rỡ.