Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 33

08 Tháng Mười Một 202011:15 CH(Xem: 10569)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 33
NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 33

 

Thứ hai 26 tháng 10


Phải mất 20 ngày sau khi sinh, Jennifer Laubach mới được gặp hai con trai song sinh của mình.


Là một Controller, chịu trách nhiệm về kế toán, tài chính cho một Công ty Bảo hiểm, Jennifer có thể làm việc từ nhà. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, Jennifer bị sốt, ho, và thở khó khăn. Andre Laubach, cùng tuổi 36 với vợ, cũng bị những triệu chứng y hệt như Jennifer, nhưng nặng hơn, ho nhiều hơn, và khó thở hơn.


Andre có test COVID-19 dương tính, nhưng test của Jennifer là âm tính. 

Cả hai vợ chồng cùng cách ly ở nhà. Không lâu sau đó, dù mới có thai ở tháng thứ 8, nhưng Jennifer có triệu chứng chuyển bụng. Nhà chỉ có hai vợ chồng, Andre vốn bị bệnh suyễn, nên càng lúc càng khó thở, và ho nhiều hơn. Jennifer quyết định lái xe để cả hai vợ chồng cùng vào bệnh viện, nhưng Bác sĩ sản khoa của Jennifer không muốn để Andre đi cùng xe với vợ để bảo vệ cho em bé sắp chào đời và cho cả Jennifer.  


Khi Jennifer rời nhà, Andre đang trong tình trạng bệnh nặng phải vào bệnh viện. Vừa lái xe, cô vừa nghĩ "Không biết mình có còn cơ hội gặp lại Andre?"


Đến bệnh viện, Jennifer được ở trong một phòng cách ly vì các Bác sĩ, và y tá cho là Jennifer cũng đã nhiễm Coronavirus. Mặc dù lo sợ rất nhiều thứ, nhưng Cô tự nhủ mình phải mạnh mẽ, -để sống vì con sắp chào đời- trong bất cứ tình huống nào dù xấu nhất. Sáng sớm hôm sau, Jennifer "vượt cạn" một mình, sinh ra hai em bé trai song sinh.


Dù mẹ tròn con vuông, không có trở ngại, nhưng hai em bé song sinh lập tức được đưa qua phòng cách ly với mẹ để tránh lây nhiễm. Jennifer không được thấy mặt con, như những sản phụ khỏe mạnh bình thường.


Phải đợi đến 20 ngày sau, khi cả hai vợ chồng cùng có COVID-19 test âm tính, họ mới được gặp hai cậu con trai song sinh ra đời sớm 5 tuần: Mitchell, nặng 4 pounds, 3 ounces (khoảng 1.9kg), và Maksim, nặng 3 pounds, 14 ounces (khoảng 1.75kg). May mắn là cả hai đều không bị nhiễm COVID-19


blank

 The Laubach family’s “first meeting”  - Courtesy of  Jennifer & GMA


Mitchell được về nhà với cha mẹ sau 22 ngày được nuôi trong trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em sinh thiếu tháng. Nhưng Maksim "mảnh mai" hơn thì vẫn phải ở lại bệnh viện thêm một thời gian nữa.


"Vượt cạn" một mình trong hoàn cảnh đặc biệt, vượt qua thử thách cuộc đời, và may mắn có một kết quả hạnh phúc, Jennifer gởi lời khuyên đến với bạn bè. Xin ghi lại nguyên văn của cô như một nhắc nhở cho nhiều người khác:


"Tôi chỉ muốn mọi người nhìn Coronavirus một cách nghiêm chỉnh,và đừng nghĩ là những người thân yêu sẽ mãi mãi ở cạnh mình. Xin gởi lời chia buồn chân tình từ tận đáy lòng của tôi đến tất cả những người không may trong đại dịch, không có được một kết quả hạnh phúc như ý muốn"


***


Thứ ba 27 tháng 10


Sau ngày bầu cử vào ngày thứ ba đầu tháng 11 hàng năm ở Mỹ luôn có vui buồn ở các ứng cử viên và cổ động viên của họ.


Ông David Andahl, một người đã bị COVID-19 chấm dứt cuộc đời ở tuổi 55 vào ngày 5 tháng 10,  một tháng trước khi  đắc cử trong cuộc đua Dân biểu ở Tiểu bang North Dakota, nơi ông sinh ra và lớn lên. David yêu đời sống nông trại của quê hương North Dakota của mình nên đã  tốt nghiệp North Dakota State University với một chuyên ngành không phải trường Đại học nào cũng có: "Animal Science"


(Tưởng cũng nên biết, từ đầu thế kỷ 21, trong vòng 20 năm qua ở Mỹ, trước David Andahl, đã có ít nhất là năm ứng cử viên đã qua đời trước khi họ được dân địa phương tín nhiệm bầu họ là người đại diện cho mình. Tùy luật của từng tiểu bang, Thống đốc tiểu bang sẽ bổ nhiệm người thay thế, hoặc người về nhì trong cuộc bầu cử sẽ được coi là người thắng cử)


Ông Andahl  gắn bó với quê hương của mình đến nỗi nhiều khi người ta quên mất cái tên  trên khai sinh, giấy tờ của ông, mà chỉ biết đến ông với nickname "Dakota Dave" .


blank

                                        In Memory of David Andahl (1964-2020) - Courtesy of the Andahl family


Sau khi có COVID-19 test dương tính, ông Andahl được điều trị trong bệnh viện, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ông xuôi tay nhắm mắt một tháng trước ngày bầu cử, lúc đó tên của ông đã có trên phiếu bầu.

Ông mất đúng vào lúc tiểu bang miền Trung Bắc của Mỹ đang báo động về việc gia tăng đều đặn số bệnh nhân COVID-19 mới kể từ trung tuần tháng 8 năm nay.


Trời càng lạnh, Coronavirus càng tung hoành nhiều hơn. Cầu mong nhân loại sớm đánh bại được kẻ thù vô hình nguy hiểm này để không chỉ có North Dakota mà cả nước Mỹ, cả thế giới về lại được "đường xưa lối cũ" bình yên.


***


Thứ tư 28 tháng 10


Hầu hết các nước ở Châu Âu đang trải qua lần lockdown (đóng cửa) thứ hai vì đại dịch COVID-19.

Khởi đầu là Pháp (trong nhiều ngày có cả  số người nhiễm Coronavirus lẫn số người chết hàng ngày cao nhất Âu Châu) đến Anh, Đức rồi Ý, Slovenia, Đan Mạch, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nga, Hòa Lan...

Chiến tranh với kẻ thù vô hình nguy hiểm Coronavirus không tốn bom đạn,  nhưng cũng có giới nghiêm, cũng có vệ binh quốc gia có mặt trên khắp nẻo đường đất nước để bắt buộc những người ngoan cố phải tuân thủ lệnh lockdown. 


Đặc biệt ở Slovenia (một quốc gia nhỏ ở Trung Âu, nằm lọt thỏm giữa Ý, Áo, Hungary và Croatia), bạo loạn đã xảy ra giữa cảnh sát và những người biểu tình.

Một số khá đông người tập trung ở trước Quốc hội Slovenia ở thủ đô Ljubljana biểu tình phản đối lệnh lockdown. Biểu tình thành bạo động khi những người biểu tình ném chai thủy tinh, đá, và cả bom xăng vào cảnh sát. Vệ binh quốc gia dùng hơi gas và canon bắn hơi nước vào đám đông lên đến vài trăm người biểu tình.


Khắp thế giới, mọi người nhìn cảnh tượng này qua màn hình mà không hiểu tại sao đã thấy rất nhiều quan tài vì COVID-19 mà người Slovenia vẫn chưa đổ lệ? Tại sao "gà nhà lại bôi mặt đá nhau" vì đại dịch cúm Tàu?


Ý vốn là tâm dịch của Châu Âu vào tháng 3 năm nay, đã trả giá khá đắt từ các hợp đồng "con đường tơ lụa" với Tàu, và đã học được nhiều bài học đáng giá bằng vài chục ngàn nhân mạng vì cúm Vũ Hán, tỏ ra có có nhiều kinh nghiệm hơn trong trận chiến thứ hai với COVID-19.

Thủ đô Rome, và các thành phố lớn của Ý như Milan, và Naples đều có giới nghiêm để ngăn cản các thanh niên trẻ tụ họp. Từ kinh nghiệm của tháng 3 năm nay, người Ý nhận ra hầu hết các bệnh nhân COVID-19 đến từ những gia đình có nhiều thế hệ sống cùng nhà, và chính những người trẻ là những người "cõng Coronavirus về cắn người nhà" 


Bác sĩ Walter Ricciardi, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm (có vị trí trong chính quyền Ý tương tự Bác sĩ Anthony Fauci ở Mỹ) hôm nay đã nói với người Ý qua màn ảnh truyền hình:


"Trận dịch trước đây dạy chúng ta, khi chúng ta chưa thể khống chế dịch bệnh, chúng ta  phải giảm thiểu sự lây lan, nghĩa là chúng ta phải hạn chế sự đi lại"


Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trên khắp thế giới đều có lời khuyên giống nhau: “luôn luôn đeo khẩu trang ở nơi công cộng, giữ khoảng cách xã hội hai mét, và chỉ đi ra ngoài khi thật sự cần thiết”. Chỉ đơn giản như thế, nhưng buồn thay một số ít người vẫn chưa thuộc lời khuyên.


***


Thứ năm 29 tháng 10


Lễ Tạ ơn, ngày đoàn tụ gia đình truyền thống hàng năm của Mỹ đang đến rất gần. Người Mỹ có thể không về nhà vào ngày lễ Giáng sinh, có thể đón năm mới (New Year Celebration) với bạn bè, đồng nghiệp, nhưng họ luôn luôn về nhà vào dịp lễ Thanksgiving vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 hàng năm (như người Việt Nam về quê vào dịp Tết Nguyên Đán).


Lễ Tạ Ơn năm nay cũng khác thường như tất cả mọi thứ khác trong mùa đại dịch. Hãy cùng nghe các chuyên gia y tế nói về cách thức tổ chức Thanksgiving của họ năm nay:


 - Tiến sĩ Suzet McKinney, Giám đốc của Illinois Medical District và cũng là Giảng viên môn "Public Health" ở khoa Y, trường Đại học Harvard có một cô con gái đang học Đại học sẽ về nhà một tuần trước lễ Thanksgiving. Ông cho biết trước khi về nhà cô con gái của ông sẽ tự cách ly 14 ngày ở nhà trước khi lái xe 12 tiếng về nhà. Bữa ăn tối ngày Lễ Tạ Ơn của ông năm nay chỉ có hai cha con. Bà cụ thân sinh của ông rất muốn gặp cô cháu nội. Ông dự định hai cha con sẽ đến nhà bà cụ, đeo khẩu trang, nhưng chỉ đứng ngoài, thăm bà cụ qua khung cửa kính. Nếu thời tiết không cho phép, thân mẫu của Bác sĩ McKinney chỉ có thể "gặp" con và cháu nội qua facetime.


- Bác sĩ Diego Hijano thuộc Phân Khoa Bệnh Truyền Nhiễm của Bệnh Viện Nghiên Cứu Nhi khoa ở Memphis Tennessee thì chỉ có một Lễ Thanksgiving vỏn vẹn bốn người: vợ chồng ông và hai cô con gái dưới 14 tuổi, không có khách mời. Gia đình ông sẽ không đi thăm bất cứ thân nhân bạn bè nào vào mùa lễ sắp tới. Ông  nhấn mạnh:

"Mọi người đã mệt mỏi giao tiếp qua màn hình với Zoom, Webex hay Google Hangouts nhưng đó là cách an toàn nhất để thăm nhau."


- Tiến sĩ Corey Casper, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bệnh Truyền Nhiễm ở Seattle, Washington nói về dự định Thanksgiving của mình :

"Chúng tôi quyết định bỏ qua tiệc Thanksgiving năm nay với đại gia đình. Thay vào đó, tôi sẽ tổ chức lễ Tạ ơn với gia đình nhỏ của tôi, những người chung sống cùng mái nhà với tôi. Chúng tôi sẽ thực hiện vài video calls, và gặp những người thân khác qua màn hình. Chúng tôi chọn cách đó vì không muốn khả năng bị nhiễm Coronavirus rất cao khi tụ họp đông người vào tiệc Thanksgiving năm nay mặc dù chúng tôi rất nhớ tất cả thân nhân trong đại gia đình"


- Bác sĩ Ashley Lipps, chuyên gia về Bệnh Truyền Nhiễm ở Trung tâm Y khoa Wexner ở Columbus, thuộc trường Đại học Ohio State University nói về dự tính của mình cho Lễ Tạ Ơn:

"Thanksgiving năm nay sẽ khác với thông lệ. Những năm trước, đại gia đình chúng tôi khoảng hơn 20 người thường có tiệc tối ngày Lễ Tạ Ơn. Vì COVID-19, năm nay, chúng tôi chỉ có tiệc Thanksgiving trong vòng gia đình chỉ bốn người sống cùng nhà. Mặc dù rất buồn khi không có đông đủ mọi người, nhưng điều quan trọng nhất là sức khỏe, để chúng ta sẽ có nhiều, nhiều Lễ Tạ Ơn trong tương lai đông đủ mọi người" .


Trong khi tất cả mọi người đều buồn trước một Lễ Tạ Ơn trước mắt khá thầm lặng thì rất nhiều, nhiều con gà Tây mừng vì đã kéo dài cuộc sống ít nhất là một năm nữa. 

Hàng năm có khoảng 46 triệu con gà Tây bị "thảm sát" vào dịp lễ Thanksgiving ở Hoa kỳ. Ít nhất là một phần ba số này sẽ "thoát nạn" vào tháng 11 năm nay.


blank



***


Thứ sáu 30 tháng 10


Hôm qua, 29 tháng 10, người ta tìm thấy cô sinh viên 20 tuổi, Bethany Nesbitt, qua đời ở trong phòng nội trú -của trường Đại học tư Grace College của Thiên chúa giáo ở Winona Lake, Indiana-  trong lúc cô đang tự cách ly theo lời khuyên của bác sĩ.


Bethany là con út trong một gia đình có chín người con. Cô có bệnh suyễn từ nhỏ. Khi trường học khai giảng niên học mới 2020-2021, sinh viên có thể chọn học online từ nhà hay đến trường, hoặc cả hai phương pháp. Bethany chọn đến trường để tập trung theo học năm thứ hai chuyên ngành Tâm Lý học.


Mỗi ngày, Mẹ và các anh chị của Bethany thay phiên nhau gọi điện thoại, hay chat với Bethany để theo dõi sức khỏe của Cô trong thời đại dịch.


blank

   In Memory of Bethany Nesbitt (2000-2020)- Courtesy of Grace College

Vài ngày trước khi mất, Bethany phải vào phòng cấp cứu của bệnh viện vì cảm thấy khó thở. Bác sĩ cho biết Bethany có triệu chứng đã nhiễm Coronavirus nhưng không ở mức độ nghiêm trọng. Vì còn trẻ, cô phục hồi rất nhanh, bệnh viện cho Bethany về phòng nội trú tự cách ly .


Vào ngày 28 tháng 10, Bethany báo cho gia đình biết Cô không còn bị sốt hơn 24 tiếng và không còn cảm thấy khó thở nữa. Bethany lạc quan về tiến triển tốt đó. Chỉ hơn một ngày sau, Cô từ trần vì động mạch trong phổi bị tắc nghẽn, một nguyên nhân làm đa số bệnh nhân COVID-19 phải vĩnh biệt cuộc đời.


Gia đình Bethany cho biết "Đây là một nỗi mất mát suốt đời to lớn suốt đời với gia đình chúng tôi. Chúng tôi khẩn cầu các bạn hãy cẩn thận với đại dịch COVID-19. Xin cầu nguyện cho sức khỏe và sự an toàn cho tất cả mọi người trong mùa lễ hội sắp tới"


Cầu mong Bethany Nesbitt được yên nghỉ bình yên ở nước Trời.


***


Thứ bảy 31 tháng 10


Ngày 22 tháng 10 là ngày cuối cùng Peyton Baumgarth đến trường. Em bị sốt, và phải cách ly ở nhà, không thể đi học. Tình hình sức khỏe của em mỗi lúc một xấu đi. Ba Mẹ của Peyton đưa em vào bệnh viện Nhi đồng Cardinal Glennon ở St. Louis, Missouri. Mặc dù được chăm sóc tận tình, nhưng Peyton đã vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi 13 hôm nay (31 tháng 10) vì biến chứng của COVID-19.


blank

   In Memory of Peyton Baumgarth (2007 -2020) - GoFundMe.com


Hơn 61 ngàn trẻ em ở Mỹ đã có COVID-19 test dương tính chỉ trong tuần lễ vừa qua, con số cao nhất kể từ khi cúm Tàu đến Mỹ vào cuối tháng 2 năm nay theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Nhi Khoa và các Bệnh viện Nhi Khoa  (American Academy of Pediatrics and the Children's Hospital Association)

Cũng theo tổ chức này, đã có hơn 850 ngàn trẻ em có COVID-19 dương tính kể từ đầu năm đến nay, chiếm 11.1% của tổng số bệnh nhân Coronavirus ở Mỹ. Vào trung tuần tháng 4, con số trẻ em bị nhiễm cúm Vũ Hán chỉ có 2% tổng số bệnh nhân.


Dù còn nhỏ, đa số các em đã khỏi bệnh, nhưng cũng không tránh khỏi phải chịu đựng di chứng của bệnh dịch, kéo dài không biết đến bao giờ mới dứt.


Bác sĩ Sally Goza, Giám đốc Trung Tâm Nhi Khoa (American Academy of Pediatrics) của Mỹ cũng cho biết thêm chỉ có 3.5% bệnh nhân trẻ em phải nằm bệnh viện vì COVID-19. Buồn nhất là cho đến cuối tháng 10 năm 2020, chỉ riêng ở Mỹ, đã có 121 trẻ em bị Coronavirus cướp mất cuộc đời. 


Các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ: Alaska, Colorado, Idaho, Montana, New Mexico và Utah có con số bệnh nhân COVID-19 dưới 18 tuổi  tăng đến 125%.

Các tiểu bang Đông Bắc: The Dakotas, Kentucky, Michigan và Wisconsin cũng có số bệnh nhân Nhi khoa nhập viện vì cúm Vũ Hán tăng cao.


Có lẽ vì các em còn nhỏ, chưa cảm nhận được dịch bệnh là gì, và quên không giữ khoảng cách xã hội 6 feet với bạn bè. Nhất là ở bậc Tiểu học, hiểu biết non trẻ của các em về COVID-19 còn rất mờ nhạt, các em không hiểu được sự nguy hiểm của đại dịch khi nhân loại chưa có thuốc chủng ngừa. Nên nếu các em bị nhiễm Coronavirus, có thể các em còn rất trẻ, cúm Tàu không quật nỗi đa số các em, nhưng các em vô tình là nguồn phát tán COVID-19, đưa tai họa đến với gia đình và cả cộng đồng.


***

 

Chủ Nhật 1 tháng 11


Chỉ riêng các nhà hàng ở Mỹ, năm nay tổng số thu nhập bị mất lên đến 240 tỷ dollars. Kỹ nghệ nhà hàng đã tạo ra 2.3 triệu công việc cho người Mỹ.  Đại dịch COVID-19 đã làm cho khoảng 100 ngàn nhà hàng (một phần sáu tổng số nhà hàng ở Mỹ) đã vĩnh viễn đóng cửa, kéo theo hệ quả  cả trăm ngàn người mất việc.

Buồn hơn là theo National Restaurant Association, 40% trong gần nửa triệu nhà hàng (khoảng 200 ngàn) trải dài ở khắp các tiểu bang của Mỹ sẽ không tồn tại nỗi đến tháng 2 năm sau nếu không có sự giúp đỡ từ chính quyền liên bang.


Đã có một lúc giữa đại dịch, Connecticut là tiểu bang mơ ước của người Mỹ vì tỷ lệ bệnh nhân cúm Tàu rất thấp. Giữa mùa thu năm nay, tiểu bang nhỏ xíu ở Đông Bắc này không còn giữ được vị trí đáng tự hào đó nhưng vẫn thuộc nhóm các tiểu bang có nguy cơ lây nhiễm Coronavirus thấp.


Ở thành phố New London nằm trên bờ sông Thames của Connecticut, thành phố nhỏ bình yên rất đẹp, nhiều sương mù (có lẽ vì thế mà được đặt tên là New London), mùa đông rất khắc nghiệt, nhiệt độ luôn luôn dưới 46 độ F (khoảng 8 độ C). Có những ngày tháng giêng (tháng lạnh nhất trong năm ở Mỹ, nhiệt độ ở đây xuống dưới 22 độ F (trừ 5 độ C. Nhiệt độ đông đá là 0 độ C, tương đương 32 độ F). Một nhiệt độ mà dân địa phương vẫn đùa là "đến ác quỷ cũng chạy trốn".


Vậy mà dân địa phương, đa số là người gốc Anh, và số còn lại là người gốc Ý, gốc Pháp, và gốc Tây Ban Nha, hay gốc Ba Lan... có nguồn gốc từ Châu Âu vẫn yêu New London của họ.

 (Như đa số người Mỹ gốc Á  gắn bó với California, và Texas vì ở đây có hình ảnh của nắng ấm, của quê nhà)


Những nhà hàng ở đây biết tên của từng khách hàng ở địa phương. Khi đại dịch bùng phát ở Mỹ, các nhà hàng bị đóng cửa lockdown đúng vào mùa xuân ấm áp, mùa ăn nên làm ra của các cơ sở thương mại nhỏ ở New London, Connecticut.



blank

Downtown New London, CT - Courtesy of M. Scott Brauer  &  NBC News


Tương tự như thế, Anthony D'Angelo, người Mỹ gốc Ý, chủ của nhà hàng Tony D's được dân địa phương yêu thích với món Pizza truyền thống của Ý làm chế biến theo kiểu Mỹ, nhân nhiều hơn vỏ bánh, chủ và khách biết ý của nhau.


Sáu tháng đóng cửa vì đại dịch là một thiệt hại rất lớn cho Anthony và cho cả cộng đồng New London. Việc cho mở cửa nhà hàng được đặt bàn ăn ngoài trời gần như là việc không thể thực hiện được với Tony D's  vì tiệm ăn của Anthony nằm ở một góc đường downtown khá hẹp. Để sống còn, Anthony bán thêm ravioli tươi và nhiều loại mì ống, hay nui truyền thống của Ý. Giải pháp này tương đối ổn thỏa cho đến hết mùa thu. Như mọi năm, ở New London, dân địa phương ít ra đường vào mùa đông lạnh giá băng.


Anthony và chủ các nhà hàng khác vẫn cầu nguyện và hy vọng ở một mùa xuân năm tới khí hậu ấm lên, và sẽ có thuốc ngừa đại dịch. 

Người ta có nghị lực tranh đấu để tồn tại nhờ hy vọng ở một ngày mai tươi sáng hơn. Sau cơn mưa trời lại sáng...


Nguyễn Trần Diệu Hương

Mùa bầu cử trong đại dịch khác thường ở Mỹ




07 Tháng Giêng 2010(Xem: 75327)
Vạn dặm đường xa, vạn dặm xa Khói chiều vương vấn bóng quê nhà Lòng nặng lòng nghe hoàng hôn xuống Một khối tình em, một mẹ già
07 Tháng Giêng 2010(Xem: 71572)
Cho tôi nhìn thấy nụ cười, Ở trên môi những cuộc đời tối tăm. Cho mây về phố trưa nằm, Làm mưa trôi hết lỗi lầm ra sông.
27 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 76058)
Cúi xuống bờ dậu nghe nao nao Mẹ ngày hè cũng như tháng giá Ngẩng lên thấy mồ hôi ướt áo Vai mẹ gầy như cánh hạc xa
26 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 74228)
Nhắc lại năm xưa tuổi còn thơ dại Áo trắng tan trường kẻ đón người đưa Một thoáng thầm yêu giấu trong sách vở Ấp ủ lâu ngày hoa mộng thành thơ
26 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 75419)
Mùa xuân nghiêng bờ vai Ngắ m đào mai rực rỡ Trắng tinh chùm hoa đại Tỏa ngan ngát mùi thơm
19 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 32741)
Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung chẳng hạn cả lớp mê thơ và đã tập tành làm thơ từ một giờ Quốc Văn sôi nổi, lý thú của Thầy Nguyễn Văn Phú.
18 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 77053)
Anh về cõi trời mây Niết bàn muôn tia sáng Nghiệp chướng hết buộc ràng Nơi phương trời giải thoát
18 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 74621)
Mỗi người một hướng đi Tôi ra ngoài sương gió Trung Nam phân nhị Kỳ Xuân Thu đồng nhất Ngộ
17 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 59949)
Ngày hay tin bạn mất Mây tím buồn rưng rưng Hai phương trời cách biệt Ôi tiếc nhớ vô cùng
10 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 74399)
Trên đường về lặng lẽ Ôm nỗi buồn trong tay Đông ngâm bài thơ cũ Mắt lệ nhòa không hay!
09 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 77445)
Rồi cơn đau buốt niềm riêng Anh sa trường bước vào miền chiến chinh Chờ anh mòn mỏi chờ anh    Bóng khuya vàng khuyết nửa vành trăng nghiêng
04 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 83489)
Áo trắng bây giờ xa thật xa, Gối mộng em vào giấc mơ hoa, Anh vẫn cô đơn đời sương gió, Vàng Thu áo trắng đã nhạt nhòa....
03 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 84586)
Sông buồn vẫn bóng hàng dừa Sóng tình lạc lõng đong đưa nỗi sầu   Mình em ngồi đếm vì sao Sương khuya bạc áo hồn đau khóc thầm
01 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 82903)
Mười bảy năm sau tôi trở lại Nhà cũ, vườn xưa ̣đổi khác rồi Giòng sông thơ ấu không còn nửa Trăng buồn lơ lững...bóng ̣đơn côi...
29 Tháng Mười Một 2009(Xem: 86430)
Em nghĩ cô như dòng sông rộng Ôm nước về chở nặng phù sa Đắp vào em chỗ bờ nông cạn Kiệt sức mình sông vẫn thiết tha
28 Tháng Mười Một 2009(Xem: 92349)
Có một người gõ cánh cửa thời gian* Thấy tháng ngày qua bỗng nhiên dừng lại Thấy nắng hè không còn trên đường cũ Một chút mùa vàng đã bước vào thu.
28 Tháng Mười Một 2009(Xem: 88666)
Tôi trở về đây vào cuối Thu Phi Trường còn đó, gió vi vu Rừng cao su nắng xuyên cành lá Đất đỏ hôm nào thấm giọt mưa
27 Tháng Mười Một 2009(Xem: 82649)
Mùa thu nắng hao gầy trên tán lá Hong chưa khô tóc cỏ ướt sương mù Mây bay về chập chùng không vội vã Gió heo may qua đường vắng vi vu
27 Tháng Mười Một 2009(Xem: 82657)
buổi sáng mùa thu bất ngờ về phố chở buồn ren rén quá giang chở ký ức xa chở mất mát chìm
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 63223)
Em về, bỏ lại vầng trăng Cho tôi ngồi ngắm mỗi lần thu sang Bến tình lững chiếc đò ngang Bến đời tôi ngập lá vàng... chờ em!
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 63807)
Ta vẫn trải sầu theo tiếng thơ Em đi mắt lạnh mấy thu chờ Đường tình em bước thênh thang quá Nhớ giữ dùm ta ánh mắt xưa!
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 81139)
Mùa thu về hai phương trời cách biệt Lá bên nào cũng vàng úa như nhau!
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 82442)
Nghiêng câu lục bát cho đầy Cho Thu thêm ấm cho dài nhớ thương Đêm nầy nghiêng sợi mưa tuôn Nghiêng qua cho đổ lá buồn Thu ơi!
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 83684)
Mùa thu ơi! khoan đi chờ ta với Xin ít mây, xin ít nắng hanh vàng Xin một tí hương thầm nơi hoa cúc Xin nửa vầng trăng rất đổi dịu dàng
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 84762)
nợ tình mỏng, mà nặng đeo mỗi thu như mỗi dày theo tuổi đời hơi may gợn, nhắc bồi hồi một bờ mây, đã, cuối trời quan san...
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 100294)
Chỉ còn vài ngày nữa là thành phố Adelaide, nơi tôi đang cư  ngụ sẽ vẫy tay chào mùa đông để chính thức bước vào mùa xuân. Ngày đã trở nên dài ra và trời đã bắt đầu ấm áp trở lại.
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 93930)
Cầm tờ thư của cô tôi ấp nhẹ vào ngực. Ơi! cô giáo nhân ái còn hơn bà tiên trong thần thoại đã dang tay cứu tôi trong nhiều lần khốn khó. Thời gian đi qua thật lâu rồi nhưng tất cả những gì về cô tôi đều nhớ. Bảy năm trời lớn lên từ một mái trường nên mãi mãi ngôi trường Ngô Quyền thân yêu ấy là một ngăn nhớ êm đềm trong quả tim tôi.
16 Tháng Mười Một 2009(Xem: 63664)
                       Đông về lá rụng sương rơi Nhớ anh em thấy bồi hồi ngày qua......