Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS Nguyễn Văn Lục - Những Chuỗi Ngày Không Quên...

03 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 40580)
GS Nguyễn Văn Lục - Những Chuỗi Ngày Không Quên...

 

 

Những Chuỗi Ngày Không Quên…

 

 

hinh_1-content


 GS Nguyễn Văn Lục

 

 

 

Mãi đến năm 1970, tôi mới được đổi về Biên Hòa. Kể là trễ. Trễ đủ thứ. Trễ cho chính bản thân mình và trễ vì thời cuộc đã đến giờ Hồi chuông báo tử. Bởi vì, thật ra từ niên khóa 1966, tôi đã được đổi về Sài gòn rồi. Vậy mà chỉ vài tháng sau tôi nhận được lệnh ra Nha trang, trở về nhiệm sở cũ với một lý do chính trị, rất vu vơ. Thêm 4 năm nữa.

Nhưng 4 năm đã cho tôi có dịp được chứng kiến những xáo trộn chính trị đủ thứ suốt dọc từ 1964 đến 1966, rồi tết Mậu Thân 1968. Và ít hay nhiều cũng là vốn sống để tôi chuẩn bị viết các bài sau này như vụ thảm sát tết Mậu Thân.

Đất nước chúng ta khổ lụy nhiều, nhưng dáng đứng đau thương và tủi nhục nhất vẫn là từ miền Trung. Nó có tên là Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, ngay cả Huế. Xin hứa với lòng mình, với bạn bè và giới trẻ của tôi là tôi sẽ viết lại cảnh đời này. Với những cảm nghiệm mà đến quá nửa đời người đến bây giờ vẫn thế. Vẫn đeo đẳng mình. Vẫn vật vờ như đùa cợt.

Cảm tưởng về Biên Hòa như một giải thoát khỏi những ám ảnh chiến tranh và một lịch sử đọa đầy sắp đến hồi chung cục. Miền Trung là nơi mà cuộc sống có muốn vui, cũng không vui cho trọn. Người và thiên nhiên toa rập với nhau làm khó người. Miền Trung cho dù là Nha trang đi nữa, không khí đôi khi vẫn thấy ngộp.

Nhưng ở đây, một cuộc đời mới đã mở ra. Sáng sáng lên Biên Hòa. Từ Sài gòn qua ngã tư Hàng Xanh như một cửa ô thông ra bên ngoài. Từng đám người đủ thành phần ùa ra về ngã Thủ Đức, Biên Hòa. Nào lính Không Quân, nào dân làm sở Mỹ, nào giáo sư các trường trung học. Nào xe nhà binh phóng bạt mạng, nào xe chở hàng, đặc biệt, xe đò Minh Trung, nhãn hiệu Citroen chạy đường Sàigòn-Đàlạt mà đứng xa có cảm tưởng nó sắp rã ra từng mảnh. Xe vespa, một biểu tượng mức sống cao thành thị. Cứ như thế như xô lấn nhau đi ra khỏi thành phố.

Sài gòn như chỗ để trú ẩn, chỗ để về. Và Biên Hòa như chỗ để làm việc, chỗ trả nợ áo cơm, chỗ tạm dung.

Cái hình ảnh từng đoàn xe cộ đủ loại nối đuôi nhau chạy về hướng Thủ Đức hay Biên Hòa kể là khó quên. Nó rất đặc biệt mà cũng rất là ấn tượng chẳng nơi đâu có. Nó cho thấy hai mặt của một cuộc chiến: cái thanh bình giả tạo, ồn ào về đêm của một thành phố chiến tranh là Sàigòn và đổ về bên kia dốc cầu Thị Nghè, Hàng Xanh là không khí chiến tranh với những trại nhà binh Mỹ ở phía tay phải xa lộ. Chạy dài chẳng biết mấy cây số chỉ thấy những trại lính là trại lính. Bộ óc chiến tranh với những kế hoạch hành quân nằm ở đó. Lẽ thua được cũng nằm ở đó.

Dù rằng sự có mặt đông đảo của những trại lính Mỹ với hàng 10 ngàn công nhân Việt làm cho họ. Hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến vẫn không rõ mặt. Mà ngược lại nó cho người ta cảm tưởng chiến tranh có đó, nhưng vẫn như ở nơi nào khác. Cũng vậy, hàng chục ngàn binh sĩ Việt Nam đủ loại của quân đoàn 3, của căn cứ không quân Biên Hòa. Nhưng nó cho ta cái cảm tưởng an bình của một hậu cứ mà chẳng bao giờ người ta có một ý niệm, dù là mơ hồ của một cuộc thua trận sắp tới.

Khắp nơi là lính, đi đâu cũng thấy họ như thể một thứ lính công chức, đánh nhau như có giờ, có thời khóa biểu nhất định. Sáng đi chiều về. Không thấy những bộ đồ trận rằn ri bám bụi. Không nón sắt hay súng ống lỉnh kỉnh với đôi giầy bốt cố hữu. Người lính chiến là không có ở đây. Chỉ có một hậu cứ an toàn nhất, ổn định nhất và đáng tin tưởng nhất.

Cứ nhìn các cô nữ giáo sư có chồng sĩ quan để thấy rằng đời lính là cuộc đời lên hương lắm. Trong số đó, chưa có nữ giáo sư nào là góa phụ. Và biết đâu chừng còn gói nhẹm một niềm hãnh diện là vợ sĩ quan cấp tá trở lên.

Quần áo các sĩ quan là phẳng phiu, gương mặt người nào cũng đóng khung một đôi kính đen trùm lấy mặt, súng lục đeo bên hông lủng lẳng như một món trang sức cho đàn ông, biểu dương phái tính hơn là vũ khí giết người. Nhiều người gọi đùa là lính kiểng.

Trong các quán ăn buổi trưa ở một thành phố hậu cứ, rất nhiều lính tráng có mặt. Phần đông là một đám sĩ quan Không Quân mặc đồ bay. Có cái đẹp và hấp dẫn của bộ đồ ấy, từ những túi là túi với nhiều fermeture. Sao nhiều túi đến thế, túi trên, túi đầu gối, túi trước ngực. Với mầu xám xanh rất là Không Quân. Họ đi lại như những tài tử ciné đóng phim trở về hơn là sau một trận đi ném bom. Họ cố tạo ra cái vẻ hào hùng, trẻ trung. Nơi họ, bản chất chiến tranh với hùng khí của nó đi liền với nam tính.

 

 *

Chẳng ai nói ra, nhưng tại ngôi trường này, tự nhiên ai cũng thấy là có hai thành phần Giáo Sư. Giáo Sư tại chỗ và Giáo Sư tại Sàigòn. Hiệu Trưởng cũng ở Sài gòn. Hình ảnh đó cũng là hình ảnh của nhiều Giáo Sư mỗi sáng thứ hai. Khi thì đi cùng các bạn như Kiều Tiên, lúc nào cũng với cặp mắt kính mầu và chiếc áo dài màu xanh lốm đốm hoa. « Long con », tên gọi vui đùa và trìu mến, hay đi với cha Yến, Hiệu Trưởng trường Khiết Tâm.

Tôi đã hội nhập rất nhanh vào đám bạn bè ấy. Nhanh đến độ chẳng hiểu từ lúc nào, tôi trở thành là họ. Buổi sáng Biên Hòa, vẫn còn đủ thì giờ để ghé làm một tô hủ tiếu khô «rất Biên Hòa» trước khi vào lớp học. Bát nước dùng mùi dầu mè, có chút hành lá điểm trang húp một cái trước khi ăn tiếp. Buổi trưa thì kéo cả đám đi ăn. Hôm nào mắc xoa mạt chược thì vội vã một miếng bánh mì thịt.

Những bữa ăn trưa là vui nhất. Cái vui nhộn một thời nay khó tìm lại. Tôi không thể quên được những món canh chua cá bông lau và cá kho tộ Biên Hòa. Thêm tí tiêu rắc hoang phí một chút và điểm trang vài miếng ớt. Cũng như những buổi tối thứ ba ở lại nhậu với Lê Quý Thể. Khó tính một chút, cầu kỳ một chút thì lái xe sang Chợ Đồn ăn thịt bò nướng ngói, ăn gà với sôi nếp phồng lên như cái nồi. Thịt rừng cũng chả chê được. Ăn nhậu ở Biên Hòa vẫn có thi vị hơn ở Sàigòn.

Đi về lại buổi chiều thì lỉnh kỉnh hơn. Có khi có thêm cả một bầu đoàn thê tử kéo nhau về như Nguyễn Thế Văn, l’homme qui en savait trop. Một Lê Quý Thể cả đời không sắm nổi đôi giày. Kiều Vĩnh Phúc, beau trai và sau này nổi tiếng một thời ở hải ngoại khi làm trưởng ban Việt Ngữ đài BBC. Và cứ mỗi lần hỏi thăm Long con thì câu trả lời vẫn là: nó vẫn thế. Lần này, chắc tôi phải xem, nó vẫn thế là thế nào. Lâm Tấn Văn khinh khỉnh, cười tủm tỉm. Trịnh Hồng Hải «Thủ Đức» bắt tôi nghĩ đến một Stanley Karnow, rất rành rẽ những truyện hành lang chính trị. Hà Tường Cát, chạy trời không khỏi nắng nên mặt cứ đen như nhọ nồi. Thật ra không hiểu tại sao, tôi thân nhiều với cái đám giáo sư từ Sài gòn lên thay vì ở tại chỗ như Mai Kiến Phúc, Dũng «con» v.v...

Cùng lắm, giáo sư tại chỗ có Nhã Ý như một bông hoa rừng ở Biên Hòa. Hoa rừng không phải để hái vì đã có chủ nên trở thành đối tượng để chúng tôi trêu chọc và để thấy mặt trời mọc lên ở phương đông. Cái hay và cái quý nhất của anh Vương Tú Toàn, chồng của Nhã Ý, anh VTT là một bác sĩ ở Biên Hòa, sống như một hiền triết bên cạnh một bông hoa rừng. Mà hoa rừng thì đâu cần chăm sóc. Mà đã là hoa rừng thì ai ngắm chả được.

Nghĩ lại cái không khí bạn bè này, tôi có cảm tưởng thật dễ chịu, mặc dầu phần lớn tôi không có dịp quen biết và nói chuyện. Bởi vì cách sắp xếp giờ thuận tiện cho Giáo Sư đi về đã đưa đến trình trạng có vị cả năm, tôi không hề gặp.

Đó là cái dở, cái thiếu của loại giáo sư Sàigòn. Cái thiệt thòi này còn thấy rõ, vì ít có cơ hội sống gần học trò. Thầy trò gặp nhau gói gọn trong 55 phút, rồi mỗi người mỗi ngả. Điều này vẫn là một trăn trở đối với tôi sau này. Một tuần có những khi 55 tiếng dạy. Chạy trường như chạy show.

Càng nổi tiếng, càng không còn là người Thầy.

Ông Hiệu Trưởng Bảo thì cũng dân Sàigòn lên mà tôi còn nhớ trong suốt những năm dạy học chưa hề tới nhà một lần. Vì bận, vì đủ thứ, vì đủ cớ để không đến thăm ông được. Sêu tết cũng không có đến là thất kính. Nghĩ lại sau này đến là ngượng. Mà cũng đến là hay. Gặp thì chào hỏi đôi câu. Nhưng vẫn có một dây liên lạc tốt đẹp bất thành văn giữa Hiệu Trưởng và Giáo Sư. Đó là thứ liên lạc bạn bè, đến độ tôi có cảm giác nó vượt khuôn khổ hành chánh. Tôi chẳng bao giờ ké né, hoặc giữ lễ với ông cả. Tôi tự nhiên và bình đẳng trong giao tiếp. Đối với các vị Giám Học, Giám Thị thì tôi lại giữ lễ nhiều hơn. Chẳng hiểu sao nữa.

Ông là người cởi mở, bỏ qua, không chấp nhiều chuyện nhỏ.

Nhưng ghi lại đây như một kỷ niệm đẹp để thấy cái đời đi dạy chẳng phải luồn cúi ai, chẳng phải biếu xén phiền hà, chẳng trên dưới bao nhiêu.

 

*

Đời Giáo Sư là tự do nhất so với tất cả các ngành nghề công chức khác.

Bởi vì một lẽ đơn giản, công chức mà không phải công chức. Bởi vì không hề có mảy may trong đầu nghĩ đến chức tước, nghĩ đến ngạch trật. Có chức tước, có quan quyền, con người dễ đâm hèn. Là có quỵ lụy, là có mất cá tính người.

Giáo Sư là Giáo Sư, suốt đời là giáo sư. Nói ra thì nó buồn cười như thế đấy. Và tất cả uy tín người Thầy nằm trong việc giảng dạy. Tất cả cái uy tín nằm trong đôi mắt của học trò.

Nói chi đến những giờ rảnh. Tuần 15 tiếng dạy chính thức, có thể gói trọn hai ngày. Còn lại là tự do. Ôi tự do, ta quý ngươi!

Sau này, khi tuổi đã nghiêng. Đã nhiều lần. Nói cho đúng hơn, nhiều đêm, tôi vẫn có những giấc mơ đi dạy. Sáng ra lại tiếc. Và lần nào mơ cũng thấy mình dạy hay cả.

Cuộc đời ông Thầy gắn liền vào thế giới học trò. Đó là cái may mắn thứ hai cho ông Thầy và đó là nguồn vui bất tận. Chả bao giờ múc cho cạn. Cho nên, làm Thầy mà không tìm thấy ở đó một niềm vui thì đó là một điều bất hạnh.

Tôi đã chẳng bao giờ nếm mùi bất hạnh cả. Và đến tuổi này, không chắc còn tuổỉ nghiêng nữa mà có thể là tuổi ngả. Tôi cảm nghiệm được rằng cái biên giới giữa Thầy trò. Quá đẹp. Tôi chả có thể nói khác được. Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp không nói ra lời. Đối với bạn bè là những điều trân quý và đối với học trò là những kỷ niệm. Đời tôi sinh ra là như thế với nhiều mảnh vụn làm nên cuộc sống hiện sinh. Hiện sinh trong cuộc đời và hiện sinh trong đời người. Nói cho cùng, có đôi chút mơ mộng, chút tuổi trẻ, chút gửi gắm, chút nhắn nhe, chút nghịch ngợm, chút tạm dung, chút tạm thời, chút gần nhưng cũng thật xa.

Cũng vừa đầy mà cũng vừa trắng tay.

Bây giờ thì điều quan trọng không còn là lúc để tỏ bày mà cùng ngồi với nhau mà nhắc lại. Nhắc lại cả những chuyện nhỏ đến không đáng nhắc. Càng không đáng nhắc lại càng là chuyện. Chả có gì xa hoa cả, chả có gì là không cảm động.

Lúc ấy là thường, là không cảm động. Bây giờ không là thường nữa và là cảm động. Cái gì cũng làm mình cảm động hết. Lúc trẻ thì để cười, bây giờ thì rơm rớm. Đừng xua đuổi những kỷ niệm ấy, vì đôi khi, đó là những gì đẹp nhất trên đời còn lại.

Chúng ta giầu là ở chỗ đó và ai nghèo thì cũng ở chỗ đó. Và ai muốn giầu thì bây giờ vẫn có thể giầu trong cái ngày hội ngộ, trùng phùng sắp tới. Và lúc ấy, chúng ta có thể ngớ ngẩn, ú ớ: cuộc đời đẹp quá, cuộc đời ơi!

Chúc mọi người những ngày đoàn tụ vui tươi và hạnh phúc từ khắp nơi trở về.

 

 

 

04 Tháng Sáu 2009(Xem: 70430)
Buồn vui là những đóm lửa. Những đóm lửa nhen nhóm hồn tôi. Tro tàn là những bài thơ này. Làm sao khơi dậy những đóm lửa rực rỡ bằng chút tro tàn đong đầy niềm đam mê, chung thủy của một thời đã xa xôi không thể tìm lại được.
03 Tháng Sáu 2009(Xem: 70253)
Tình đầu sương khói mong manh Nhặt gom kỷ niệm để dành tặng nhau...
03 Tháng Sáu 2009(Xem: 70157)
Nơi đây cũng có dòng sông Tình em chỉ chảy trong lòng sông xưa...
02 Tháng Sáu 2009(Xem: 18536)
Xe đã về bến…chợ ABC bình yên vào lúc 9 giờ tối Chúa Nhật 19 tháng 8. Cám ơn quý Thầy Cô và Ban Tổ Chức Hội CHS Ngô Quyền đã tạo được một chuyến đi “làm nên lịch sử” nối kết hai miền Nam Bắc về chung một mối, một nhà.
02 Tháng Sáu 2009(Xem: 37791)
Ba mươi năm sau, bên đời lưu lạc, ở tuổi nửa đời người, các cô, các bé ngày xưa mới biết một số Thầy Cô cũ đã từng là học trò Ngô Quyền như mình. Dù muộn màng, “Một góc Thầy Trò” xin được giới thiệu “Những CHS NQ trên bục giảng” để vinh danh các CHS NQ cũng là các Thầy Huỳnh Quan Phận, Diệp Cẩm Thu; các Cô Hà Thị Nhung, Liêng Tuấn Tài, Phạm Thị Hạnh.
27 Tháng Năm 2009(Xem: 87030)
  Trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường, chúng ta quả thực rỏ ràng thấy được: Gốc cây trường trung học Ngô Quyền đã có nhiều cành ngọn và Nguồn trường xưa đã tỏa rộng khắp nơi.
26 Tháng Năm 2009(Xem: 37603)
Dưới đây là lá thư của CHS NQ Võ Thị Tuyết Mai, và những bạn bè, đồng nghiệp đã gửi cho Cô Ma Thị Ngọc Huệ, khi được tin Thầy Nguyễn Phong Cảnh từ trần vào ngày 4 tháng 1 năm 2006 tại California.
23 Tháng Năm 2009(Xem: 32741)
Trong đại gia đình Ngô Quyền hầu như ít nhiều ai cũng biết đến Thầy Vũ Khánh Thành. Thật vậy, ngoài lãnh vực giáo dục, từng là Giáo sư dạy môn Triết học tại trường Ngô Quyền chúng ta năm xưa. Từ lúc định cư tại Anh Quốc đến nay, Thầy không ngừng tích cực dấn thân hoạt động trên bình diện xã hội, văn hóa và chính trị cho cộng đồng Việt Nam tại đây.
17 Tháng Năm 2009(Xem: 67736)
Tình ta như đóa hoa quỳnh Đêm về chớm nở cuộc tình phai mau
17 Tháng Năm 2009(Xem: 67927)
Giáo đường xưa em theo anh xin lễ Nhưng bây giờ đường vắng chỉ mình em
15 Tháng Năm 2009(Xem: 77719)
Ở Việt Nam, mùa hè bắt đầu với những cành phượng đỏ nở rực cả góc trời, với tiếng ve kêu ra rả buồn xót xa, thì ở đây chỉ có hoa “jacaranda” và nắng ấm. Không biết từ bao giờ tôi đã yêu thích màu hoa “jacaranda”, thích ngang qua những con đường có trồng hoa rợp bóng, nhìn những cánh tím nhỏ li ti trải đầy trên đất, thêu từng mảng trên không, tôi cảm thấy dường như mình đang đi trong một giấc mơ.
14 Tháng Năm 2009(Xem: 75144)
Cha tôi cũng thường nói nhiều người trên đời này ưa làm anh hùng đến nỗi quên rằng mình có một bà mẹ. “Úi trời, làm anh hùng mà không có mẹ thì làm anh hùng mà chi!”
07 Tháng Năm 2009(Xem: 82254)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…
30 Tháng Tư 2009(Xem: 37356)
Được sự đồng ý của tác giả – CHS NQ Nguyễn Ngọc Xuân - một bức thư rất cảm động gởi cho Thầy giáo cũ (Thầy Nguyễn Văn Phố) , “ Một góc Thầy Trò ” xin mời bạn cùng đọc lời tâm tình của một học sinh rất giỏi với Thầy giáo dạy Toán thời anh Xuân còn ngồi ghế NQ.
21 Tháng Tư 2009(Xem: 64552)
Biên Hùng xa vắng đã lâu Về đây bổng nhớ còn đâu thuở nào...
19 Tháng Tư 2009(Xem: 70695)
Buồn ơi, sao chẳng nên lời Mà trong đáy mắt một trời thương đau! Kiếp sau xin giữ đời nhau, Thay ân tình đã đi vào thiên thu…
19 Tháng Tư 2009(Xem: 68238)
Có đôi khi, tôi nằm nghe tiếng khóc buồn rầu như lời kinh vực sâu rót vào lòng, thương đau!
14 Tháng Tư 2009(Xem: 88312)
Cám ơn trận mưa đêm nay, đã đưa tôi trở về thăm lại những nhánh sông đời đã từ lâu rẽ nguồn, khuất lối. Mưa ở quê người chắc không sao bằng mưa ở quê nhà, nhưng dù là kẻ lạ, cũng xin được tri ân những giọt mưa đã làm tươi mát, rực rỡ thêm phần đất mà biết bao người Việt tha hương đã chọn làm nơi trú ẩn và làm một cõi để đi về.
08 Tháng Tư 2009(Xem: 70205)
SÁNG Thức giấc buồn thiu. Mưa rơi hiu hắt Người qua đìu hiu Lòng vắng tiêu điều!
08 Tháng Tư 2009(Xem: 65584)
Tình cứ đến, cứ như chồng vở cũ, Mở từng trang là từng chữ… yêu người. Cho ta viết bài hoan ca vô tận, Cho người về nhớ mãi phút thanh xuân!
07 Tháng Tư 2009(Xem: 66472)
Anh làm sao hiểu được. Những cánh buồm ký ức có thể mang chở tình yêu của chúng ta trở về, nguyên vẹn, tràn đầy .
06 Tháng Tư 2009(Xem: 71995)
Mưa rơi! mưa rơi! Đường chưa quên lối Sao nghe lạc loài Nhịp chân bối rối Theo mưa tìm ai?
06 Tháng Tư 2009(Xem: 67895)
Tháng ba hương bưởi thơm nồng Bỗng tha thiết nhớ một dòng sông xưa. Công viên dưới bóng hàng dừa Em, anh tình tự buổi trưa thuở nào.
06 Tháng Tư 2009(Xem: 67711)
Lần cuối gặp em lúc lập Đông, Đồn anh đóng mãi tận Bình Long. Thân trai chinh chiến đâu ai biết, Em ở Đồng Nai mãi ngóng trông.
31 Tháng Ba 2009(Xem: 69817)
Nắng reo bài tháng ba Lên bát ngát hoa vàng Trong khu vườn êm ả...
30 Tháng Ba 2009(Xem: 71755)
Ngày đầu một năm giở tờ lịch mới lòng như lá rơi chờ cơn bão nổi.
29 Tháng Ba 2009(Xem: 67647)
Biên Hòa giờ này còn đâu trường cũ. Một thuở hồn nhiên, ấp ủ tình đầu! Em ở bên này, tìm trong ký ức, Khung cửa, bậc thềm, góc lớp…chìm sâu!
29 Tháng Ba 2009(Xem: 66253)
Ở một góc đời em đã có, Những ô cửa nhỏ, bậc thềm quen. Sân nắng giờ chơi, trường lớp cũ. Quay lưng, còn nhớ thuở êm đềm?