Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Diệp Hoàng Mai - BÊN SÔNG SÀI GÒN CHIỀU NHẠT NẮNG

07 Tháng Ba 20151:24 SA(Xem: 21250)
Diệp Hoàng Mai - BÊN SÔNG SÀI GÒN CHIỀU NHẠT NẮNG


BÊN SÔNG SÀI GÒN CHIỀU NHẠT NẮNG

 

bensongsaigon_11

Buổi sáng ngày ba tháng ba, tôi nhận email của thầy Lê Quí Thể. Thầy cho biết không liên lạc được với thầy Trịnh Hồng Hải, qua hai số điện thoại do tôi cung cấp. Tôi bèn email hẹn thầy Thể ngay trong ngày, tôi sẽ ghé nhà thầy Hải và gọi điện trực tiếp sang Mỹ, để hai thầy “gặp” lại nhau trên phone.

 

Tôi đến nhà thầy Hải buổi trưa, rồi gọi điện cho thầy Thể. Nhưng hỡi ơi! Số máy của thầy Thể … ngoài vùng phủ sóng. Tôi gọi miết, vẫn không liên lạc được. Thầy Hải cười xòa:

-  Tôi cũng mong gặp lại Thể, để hỏi Thể chỉ một câu thôi…

-  Câu gì vậy thầy?

-  Thế, bây giờ Thể đã chịu mang giày chưa?...

 

Hai thầy trò cười dòn, câu chuyện xoay quanh chủ đề “thầy Lê Quí Thể” xưa và nay. Tôi gọi điện cho thầy Thể thêm lần nữa, rồi đành “botay.com” luôn. Tôi chào thầy Hải ra về, trong lòng buồn những … năm chục phút.

 

Ghé quán café nghỉ trưa, vừa chuyện trò với cô đồng nghiệp trẻ, tôi vừa tẩn mẩn check email. À, có email mới của thầy Lê Quí Thể nữa nè “ cô gọi cho tôi theo số 0126 711 05XX…”  Thì ra thầy Thể vừa đổi số phone, hèn gì tôi gọi thầy hoài không được. Đang gõ vài hàng chữ hẹn thầy Thể trưa ngày mai, chợt tôi nhận ra:

-  Ủa, số phone này đâu phải ở Mỹ?

Tôi gọi ngay cho thầy theo số phone mới, tiếng máy reo vui nhưng chủ nhân không lên tiếng. Tôi ngưng gọi, gửi tin nhắn cho thầy “ Thầy ơi, thầy đang ở Sài Gòn phải không? Em gọi thầy theo số máy này, nhưng không được…”

 

Khi thầy Thể gọi lại cho tôi, tôi mới biết mình đã ghi nhầm số phone của thầy Hải. Trong quãng đời không còn trẻ của mình, đã có lắm phen tôi tưởng mình rủi nhưng cuối cùng lại hóa cơ may. Nếu như trí nhớ của tôi không “ chập chờn điện nước” như thế này, thì làm sao tôi có “duyên” gặp lại thầy Lê Quí Thể thêm lần nữa? Không bỏ lỡ dịp, tôi mời thầy Thể dùng bữa cơm chiều. Thầy cười hiền hòa trong máy:

-  Tôi nhờ cô mời hai người bạn thân của tôi là Trịnh Hồng Hải và Lâm Tấn Văn. Tôi thấy cô cũng có duyên… ăn, nên tôi mời cô luôn. Bữa cơm chiều nay là tôi lo, cô đừng có mà … lộn xộn.

 

Tôi vui quá chừng, vội vàng gọi điện cho hai “bạn thân xưa” của thầy Lê Quí Thể. Biết tôi chuẩn bị đón tiếp thầy giáo cũ, anh bạn đồng nghiệp thân thiết đã gửi tặng tôi chai vang Pháp thiệt ngon. Anh còn “tư vấn” cho tôi chọn quán ăn thoáng mát bên sông Sài Gòn, không gian êm đềm thích hợp cho buổi họp mặt gia đình và những người thân. Không phải ngày cuối tuần, nên quán ăn không đông khách lắm. Các em phục vụ biết tôi tiếp đãi thầy giáo cũ, đã ưu ái thêm trên bàn ăn vài đóa hoa tươi…

 

bensongsaigon_1

 

Tôi đưa đôi “bạn thân xưa” của thầy Lê Quí Thể đến điểm hẹn, vừa kịp lúc bên sông Sài Gòn nhạt phai màu nắng. Gió từ lòng sông chưa làm rối nổi mái tóc ngắn của tôi, nhưng cũng đủ làm không gian quán ven sông dịu mát. Chiếc taxi thứ hai, đưa thầy Thể đến nơi chỉ sau tôi chừng dăm phút. Bảy mươi lăm tuổi, nhưng thầy Trịnh Hồng Hải vẫn nhanh nhẹn bước ra đón tiếp bạn hiền, đồng thời giải đáp luôn thắc mắc của chính mình:

-  À, bây giờ Thể đã chịu mang giày rồi đấy!...

 

bensongsaigon_2

 

Không đông, nhưng cũng rất vui. Thầy Trịnh Hồng Hải cho biết, đã bốn mươi năm rồi thầy mới gặp lại “bạn Thể” của thầy. Thầy Lâm Tấn Văn khoe một tấm hình xưa thuộc “hàng” quí hiếm, nhưng thầy “cấm” tôi công bố rộng rãi trên trang nhà. Bây giờ tôi mới được biết, thầy của trường Ngô Quyền xưa nghịch ngợm đúng tầm cỡ “ bậc thầy” lực lượng “thứ ba …”. Thoáng lo ngại sự có mặt của mình, sẽ khiến quí thầy không thoải mái sẻ chia những chuyện thời … tiền sử, nên tôi đặt câu hỏi trước với quí thầy như lời xin phép:

-  Thầy ơi, em có được phép nghe chuyện kể của quí thầy không?...

-  Đâu có sao đâu, em nghe được mà! Bây giờ em đã … lớn rồi, có thể nghe…

-  Thầy ơi, em đâu có lớn đâu. Em chỉ ít già hơn quí thầy thôi!...

 

bensongsaigon_3bensongsaigon_4

Thầy Thể cho tôi biết lý do, thầy đặc biệt quí mến hai đồng nghiệp cũ:

-  Hồi mẹ tôi qua đời, Hải là người bạn gần gũi duy nhất bên tôi. Còn Văn thì khỏi nói rồi, thân thiết với tôi suốt quãng đời dạy học. Sau năm 1975 tôi thất nghiệp, Văn còn nhờ ông anh tìm giúp việc làm cho tôi nữa…

 

Năm 1980, thầy Lê Quí Thể cập bến bình an sau nhiều chuyến hải hành đầy sóng gió. Tỵ nạn ở Canada được tám tháng, thầy Thể định cư ở Hoa Kỳ nhờ sự giúp đỡ vô tư của một người bạn. Biết rõ số phận chiếc bục giảng xưa ra đi không hẹn ngày về, thầy Thể kiên tâm trở lại đời sống học trò nơi giảng đường đại học. Suốt chín năm dài ngày làm đêm học, thầy Thể đã có trong tay văn bằng Master of Engineering. Than ôi, có bằng nhưng không xin được việc. Thầy trở thành “nhà báo” tự do suốt mười năm sau đó. Năm sáu mươi mốt tuổi, thầy Thể mới thi tuyển vô ngạch bưu điện ở LAX, rồi làm công việc kỹ sư bảo trì máy cho đến bây giờ.

 

bensongsaigon_5bensongsaigon_6

Bảy mươi sáu tuổi, nhưng thầy Thể chưa có ý định nghỉ hưu. Bởi nơi làm việc, chỉ cách nhà thầy chừng mươi phút chạy xe. Thứ đến, công việc thầy cũng không nhọc nhằn chi lắm. Và cuối cùng thì, nếu nghỉ việc thì “ tôi biết làm gì cho hết thì giờ nhàn rỗi?...” Thôi thì, cứ đi làm cho có chút … bận rộn vậy! Những ngày nghỉ phép hàng năm, thầy Lê Quí Thể đi du lịch khắp bốn bể năm châu. Thầy đã từng đi “rong rêu” trãi qua năm vòng trái đất này rồi. Chuyện kể của thầy Thể, khiến đứa mê đi “du lịch bụi” như tôi phát thèm… rõ dãi.

 

bensongsaigon_7bensongsaigon_8

Những chuyện buồn vui thời quá khứ cùng đồng nghiệp cũ, học trò xưa … lần lượt được các thầy nhắc nhớ. Rất tếu lâm và vô cùng thú vị, nhưng tôi mạn phép không chia sẻ với anh chị em mình trong bài viết này. Bởi chỉ được nghe kể trực tiếp từ quí thầy, anh chị em mình mới cảm thấy thấy hấp dẫn gấp nhiều lần hơn nghe tôi kể lại… Do thời gian thầy Thể “tạm trú” ở quê nhà còn quá ít oi, tôi chỉ kịp nhắn tin cho “đệ tử ruột” của thầy là anh Đinh Công Hoàng gọi điện thăm thầy mà thôi. Buổi cơm trưa tôi định tổ chức tạm biệt thầy, đã bị “bể show” vào phút 89,9 … rưỡi. Thầy còn khá nhiều việc phải thu xếp, trước khi bay trở về Mỹ.

 

bensongsaigon_9
bensongsaigon_10

 

Thôi thì những ly vang đỏ, những nụ cười tươi, những cái siết tay ấm áp nghĩa tình … cũng tạm đủ cho ba thầy và một trò chia sẻ niềm vui nỗi buồn ngày hội ngộ. Bên sông Sài Gòn chiều nhạt nắng, đã thêm một lần lưu dấu kỷ niệm thầy trò của trường trung học Ngô Quyền – Biên Hòa năm xửa năm xưa…

 

Diệp Hoàng Mai

Tháng 03/2015

05 Tháng Năm 2011(Xem: 41405)
Hôm nay, con viết vội vần thơ Khóc Mẹ một chiều gió Thu mưa Mong Mẹ từ đây đời thanh thản Nương cửa Từ Bi cõi Niết Bàn….
05 Tháng Năm 2011(Xem: 48109)
Cảm ơn người đã ghé thăm Mẹ tôi Tiếc đã trễ rồi, Mẹ tôi vừa mất Trễ một chút thôi mà vườn cau thôi xanh ngắt Lá trầu trải vàng một sắc nhớ Mẹ xưa!
05 Tháng Năm 2011(Xem: 129241)
Cảm ơn người đã ghé thăm Mẹ tôi Tiếc đã trễ rồi, Mẹ tôi vừa mất Trễ một chút thôi mà vườn cau thôi xanh ngắt Lá trầu trải vàng một sắc nhớ Mẹ xưa!
29 Tháng Tư 2011(Xem: 133564)
Chưa một lần gặp lại Đã vĩnh biệt muôn đời Lời tạ từ chưa nói Đã vội vàng chia phôi.
26 Tháng Tư 2011(Xem: 67433)
xin mời đến xem phim Bolinao 52 để thấy chị Trịnh Thanh Tùng, một chs NQ đã có mặt trong phim tài liệu Bolinao 52, kể lại kỷ niệm hãi hùng của chị trên đường tìm tự do năm 1988.
20 Tháng Tư 2011(Xem: 131064)
Nhớ không mày, trường Ngô Quyền xưa mình học, Thầy Bảo uy nghi, Hiệu trưởng cũ của mình, Giờ Thầy yếu rồi, bệnh nhiều, thương... thương lắm,
20 Tháng Tư 2011(Xem: 121800)
Quá khứ, kỷ niệm vẫn đeo đuổi tôi như hình với bóng. Quá khứ sẽ tan biến đi khi tôi không còn hiện diện trên cỏi đời nầy nữa. Buồn ơi! chào mi. Niềm vui ở lại.
16 Tháng Tư 2011(Xem: 142833)
Nuôi nuôi nấng nấng Từ đất mọc lên Không dễ gì quên Hoa bâng khuâng tím
10 Tháng Tư 2011(Xem: 137143)
Mụ ao ước nó cưới cho Mụ một cô gái cùng làng để Trâu ta ăn cỏ làng ta, trai làng lấy gái làng ta mới bền. Vậy mà thằng con đích tôn của dòng họ lại phải lòng một cô gái Biên Hòa.
10 Tháng Tư 2011(Xem: 113519)
Trong đêm trường tĩnh lặng, người phụ nữ đau khổ khóc nấc lên: “…Tại sao con tôi ra nông nổi này!? Tại… sao!?...”
10 Tháng Tư 2011(Xem: 127708)
Bài thơ tặng cậu bé Aisawa, nạn nhân của tai nạn sóng thần tại Nhật đã được phổ nhạc và dịch sang Anh ngữ, Nhật ngữ để phổ biến.
06 Tháng Tư 2011(Xem: 52542)
XIN HÃY ĐỢI AISAWA – Thơ Tưởng Dung - Phổ nhạc Phạm Trung – Ca sĩ Minh Quang
04 Tháng Tư 2011(Xem: 146860)
Buổi sáng mù sương rơi đọng đầy tay Xin tỏa ấm người đang lên con dốc Xin bụi đỏ xếp hàng thành ca khúc Mở lời yêu như đã phải lòng nhau
01 Tháng Tư 2011(Xem: 68175)
Anh như tia nắng xuân nồng ấm Nghiêng chiếu đời em vạt cỏ non
01 Tháng Tư 2011(Xem: 122251)
Mây trắng buồn trôi, mây viễn xứ Gió ơi! xin gió chở dùm ta Một chút tâm tư người ở lại Gửi cho bè bạn ở phương xa
27 Tháng Ba 2011(Xem: 133956)
Nhìn lên ảnh Mẹ những ngậm ngùi Nhớ lằn roi nhẹ nhớ không nguôi Con vẫn đi theo đường mẹ dẫn Tạ ơn roi Mẹ giúp nên người.
24 Tháng Ba 2011(Xem: 155780)
Em mơ có một ngày Bên đàn con cháu ngoan Ôn từng trang Sử cũ Rất kiêu hùng VIỆT NAM
21 Tháng Ba 2011(Xem: 132362)
Cả nhà nắng nhạt dần Lẫn vào thung lũng sâu Mặt trời gom nắng lại Khuất xuống chân trời xa .
12 Tháng Ba 2011(Xem: 70534)
Nhạc và lời: Phạm Chinh Đông – Hòa Âm: Đỗ Hải – Ca sĩ: Quốc Duy
11 Tháng Ba 2011(Xem: 72951)
- Thơ Trần kiêu Bạc - Hồng Vân diễn ngâm.
10 Tháng Ba 2011(Xem: 162754)
Tháng ba có một ngày Của bà, mẹ và em Đếm gần hết ngón tay Số tám tròn rực rỡ.