Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ X)

14 Tháng Sáu 20142:36 SA(Xem: 16998)
Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ X)


Sach_moi_NXH-2-large

Kỳ X


Khi mới quen Quỳnh, tôi không mấy rõ về gia đình cô. Tôi lấy Quỳnh chớ tôi đâu lấy gia đình của Quỳnh. Tôi chỉ biết Quỳnh có ông anh là Tuấn. Hắn là bạn học cũ của tôi. Khôn vặt. Láu cá. Ranh mãnh. Tuấn là đứa ưa gây mâu thuẫn giữa bạn bè, rồi làm ra vẻ người tốt đứng ra dàn xếp hòa giải đôi bên.

Tôi chưa bao giờ gặp ba Quỳnh, ngay cả khi chúng tôi đã chung sống với nhau. Tuy vậy, tôi biết rõ trong gia đình của Quỳnh, không một người nào muốn cô lấy tôi. Nhưng mọi người đều biết là không ai có thể ngăn cản được Quỳnh một khi cô đã quyết định, nên đành để mặc cô chọn con đường cô muốn đi. Chúng tôi sống với nhau, dọn vào ở chung với nhau, vì thấy không còn con đường nào khác.

Hãng hàng không Trung Hoa CAL cho Quỳnh nghỉ có lương vì lúc đó chờ ngày sinh, không ngờ Tháng Tư đổ ập xuống, CAL cũng đóng cửa luôn và Quỳnh thất nghiệp. Nhưng làn sóng đỏ trước khi tràn ngập Saigon vào Tháng Tư, nó đã cuốn qua miền Trung từ Tháng Ba. Gia đình Quỳnh có một tiệm bán thuốc tây và trong cơn hỗn loạn, bọn hôi của đã dọn sạch thuốc men không còn để lại một thứ gì ngoài căn nhà trống. Ba Quỳnh sau đó bị bắt đi học tập cải tạo vì thuộc thành phần tư sản. Hơn nữa việc ông quen biết lớn trước Bảy Lăm cũng làm ông mang thêm cái tội giao du “toàn bọn đầu sỏ phản động.”

Mười Tân ngồi im lặng khá lâu, bập bập điếu thuốc trên môi. Tôi thấy ông hết nhìn Quỳnh lại nhìn Tuấn. Khi Quỳnh nói xong, mắt ông ngó xuống mặt bàn, những ngón tay ông gõ nhịp đều đặn trên thành gỗ. Tôi có dịp nhìn kỹ ông. Một mái tóc gần như đã bạc trắng. Một khuôn mặt nhô xương. Hai con mắt vẫn còn sáng. Một vết sẹo lớn trên trán kéo xuống tận mắt trái chẻ ngang đường chân mày.

“Về trường hợp của chú,” ông Mười Tân ngừng lại một lúc, “Anh muốn nói ba của mấy đứa, việc học tập cải tạo là rất cần thiết. Đồng chí bí thư Tỉnh Ủy Phú Khánh là bạn của anh, nhưng anh không muốn can thiệp vụ này. Muốn làm việc lớn người ta phải biết đặt tình cảm cá nhân qua một bên. Vả lại đối với cách mạng chú còn nhiều lợn cợn cần phải làm cho sạch. Chánh sách nhà nước là luôn luôn khoan hồng đối với những ai biết nhận ra lẽ phải...” Tiếng nói ông Mười Tân dịu mà mạnh. Tôi thấy rõ mắt ông tiếp tục chiếu thẳng về phía Quỳnh.

“Vậy theo anh Mười thì điều anh Tuấn nói là đúng hay sao? Buôn bán là một tội lỗi à? Cả cái thế giới này đều là tội lỗi hết trơn hết trọi sao? Còn mấy người trong sạch sống với ai?” Quỳnh nói trong tiếng khóc. Tôi nghe tiếng cô gọi rất nhỏ. Đầu Quỳnh tựa lên vai tôi.

“Tất nhiên buôn bán không phải là cái tội. Nhưng vấn đề là buôn bán như thế nào, buôn bán cái gì, ai buôn bán, buôn bán với ai, thì mới có thể nói là có tội hay không có tội. Dù sao tư sản đã là có tội. Nhưng thôi...” Ông Mười Tân ngập ngừng, “Chẳng lẽ anh phải nói là chính các em cũng nên đi học tập cho thông suốt đường lối chính sách của nhà nước.”

“Em đã vào sinh hoạt trong Hội Trí Thức Yêu Nước. Em tin là em hiểu rõ đường lối chính sách của đảng và nhà nước.” Tuấn nói chen vào giọng kể lể, “Còn mày, Thăng, tại sao tao không thấy mày xuống hội sinh hoạt với anh em?”

“Tôi à?” Tôi cố nhướng to mắt nhìn xem Tuấn nói với một vẻ mặt như thế nào, nhưng bóng tối đã cho hắn chiếc mặt nạ quá tốt. “Bộ anh nghĩ tôi xứng đáng là một người trí thức sao?”


“Đây không phải là lúc để cãi nhau.” Ông Mười Tân ngừng gõ tay lên mặt bàn, lấy điếu thuốc ra khỏi môi.

“Anh nghĩ là Tuấn chưa biết gì về chính sách đảng và nhà nước ta đâu. Chính mấy ông chủ tịch và phó chủ tịch của hội cũng cần phải sinh hoạt nhiều mới nắm được đường lối chính sách của đảng ta. Nhưng thôi...,” đột nhiên ông Mười Tân đổi giọng, “Hôm nay anh đến đây cốt để thăm Quỳnh, để xem mấy đứa bây sinh sống ra sao. Anh mừng vì thấy Quỳnh không dính líu gì với chế độ ngụy, không phản động, không có nợ máu với nhân dân...”

Ngừng một đỗi lâu, Mười Tân tiếp, “nhưng trường hợp Thăng tôi muốn nói một điều...” ông đổi giọng, bất ngờ xưng là tôi, tôi nhận rõ điều đó, “đời sống của Thăng là không tốt. Tôi biết rõ tên Lý, cha vợ trước của Thăng là một tay tư sản mại bản có cỡ. Tôi cũng có trong tay báo cáo đầy đủ về những liên hệ gia đình tên Phan, một trong mấy tay phản động gộc của ngụy quyền. Tôi không nghi ngờ hành vi của Thăng. Một người như cậu Thăng đây không làm được cái tích sự gì ngoài cái thẩm mỹ học của cậu đâu...”

Tôi không hiểu ông Mười Tân ám chỉ điều gì khi nói đến chữ thẩm mỹ học, “Tuấn có nói với tôi về đám bạn bè văn nghệ của Thăng. Thật tình, tôi không hiểu tại sao Thăng đi dạy học mà chỉ chơi với đám văn nghệ là thế nào? Toàn một bọn phản động đồi trụy. Dù sao tôi muốn nói với Thăng một điều: xã hội mới này không dung nạp cách sống phóng đãng đó đâu. Cải tạo lại nếp sống cũ là điều rất tốt!” Ông Mười Tân bất ngờ đứng dậy ngay khi vừa dứt câu, “Có lẽ tôi phải đi. Tôi có một buổi nói chuyện ở Thành đoàn.”

Tuấn cũng đứng dậy đi theo ông Mười Tân. Tôi thấy Tuấn mặc sơ mi trắng bỏ ngoài quần, cái “mốt” khá thịnh hành sau ngày Ba Mươi Tháng Tư. Tôi nhắm mắt cũng biết thêm là Tuấn đi dép râu.

“Tao phải theo anh Mười.” Tuấn nói tự nhiên.

“Anh không cần nói tôi cũng biết mà!” Quỳnh mỉa mai. Cô đứng dậy kéo tay tôi, tiễn ông Mười Tân ra cửa.

Cả khu Mã Lạng vẫn còn chìm trong đêm Saigon thiếu điện.

Khi đặt chân xuống con hẻm, ông Mười Tân quay lại phía chúng tôi.

“Rất tiếc! Rất tiếc!”

Và ông quày quả bỏ đi. Tuất lọt tọt theo sau. Ngay lúc đó, tôi thấy có hai bóng đen ở cuối ngõ hẻm đi nhanh tới, một người lách ra trước ông Mười Tân, và một người đi sau lưng ông. Như một yếu nhân của một chế độ, Mười Tân được bảo vệ quá cẩn mật. Và bỗng nhiên chữ “rất tiếc!” của Mười Tân vọng lại làm tôi nổi da gà. Tôi mơ hồ hiểu những gì sẽ chờ đợi tôi.

“Thôi mình vào đi em!” Tôi ôm vai Quỳnh.

Tóc Quỳnh đã dài, khá dài. Tôi nghe mùi bồ kết tỏa ra từ mái tóc quen thuộc của người đàn bà đã chia sẻ cùng tôi da thịt. Hai tay Quỳnh vòng qua lưng tôi. Chúng tôi ôm lấy nhau quấn quít như ngày mới quen nhau. Tôi nghe tiếng âm nhạc bay trong gió. Có lẽ rạp Quốc Thanh đã có điện riêng và vở diễn lại tiếp tục. Chúng tôi hôn nhau dưới một bầu trời đêm của Saigon đổi đời. Nhìn sâu vào mắt Quỳnh tôi như thấy lại tất cả cái khu phố nghèo nàn này. Bên tay trái tôi, sâu trong hẻm Mã Lạng này, trước kia chui rúc một số con người nghèo khổ, lợp nhà trên những nấm mồ vô chủ, giờ đây những con người còn cùng cực hơn chen chúc nhau trong những căn nhà che bằng những tấm tôn lỗ chỗ những đầu đinh tựa lên những tấm ván ép nát, cất tạm bợ trên những mồ mả không người thừa nhận. Mấy đứa bé con anh chị Sáu sửa xe đạp đầu hẻm, bụng ỏng ở trần chạy dưới mưa, lội bì bõm trong nước đục bẩn thỉu, thứ nước vọt lên từ những ống cống thành phố.

(Còn tiếp)





19 Tháng Giêng 2011(Xem: 127092)
Cám ơn và hẹn gặp lại các thân hữu nhé ! Mây trắng ngang trời đã quay về và sẽ quay về nữa… , rồi mây trắng lại bay đi…
17 Tháng Giêng 2011(Xem: 138747)
Mãi cho đến bây giờ, mỗi tuần chị đều ăn khoai lang, không phải vì thích loại củ ngọt bùi mầu vàng cam, không vì phải ăn độn...
14 Tháng Giêng 2011(Xem: 212824)
biển về trãi cát em nằm giao thừa sóng hát thì thầm ca dao ru em giấc mộng xuân đầu một nhành hoa biển lộc vào tay em
14 Tháng Giêng 2011(Xem: 156272)
Xuân áo bay trên triền sông bát ngát Rợp hoa vàng nắng đổ hát say mê Chiếc đò ngang rẽ nước sông xanh mát Chở yêu thương, chở trọn vẹn câu thề.
12 Tháng Giêng 2011(Xem: 169567)
Tựa Đề: Đôi Tay Mùa Đông. Nhạc & Lời : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải Ca Sĩ : Quang Sáng
08 Tháng Giêng 2011(Xem: 130726)
Em vẫn yên lặng chờ anh đến Cho em thêm ánh nắng mùa XUÂN Vườn nhà mình hoa vàng có nở... Trước sân thềm cỏ có còn xanh???
07 Tháng Giêng 2011(Xem: 128611)
Đối với tôi, môn học nào với thầy – cô nào lại không để lại những kỷ niệm khó phai trong lòng của một người học trò.
07 Tháng Giêng 2011(Xem: 125859)
Như mây trắng ngang trời Biết có về chốn cũ? Hương xưa cơn sóng gợn Nhạt nhòa bước thời gian
07 Tháng Giêng 2011(Xem: 128992)
Hôm nay lại dự tiệc nhà anh chi Kiệt Chung, ngoài Thầy Cô và bè bạn lại có sự tham dự số đông đồng hương Biên Hòa và thân hữu.
06 Tháng Giêng 2011(Xem: 59296)
Anh lại đi trời đông mưa lay lắt Giot nhớ thương giăng mờ mịt sông chiều Ba nhịp cầu đìu hiu hoàng hôn vắng Một mình em trở lại đếm sầu rơi.
06 Tháng Giêng 2011(Xem: 140837)
Yêu dã quỳ em lao đao ngơ ngẩn Chờ mãi trên đồi lãng đãng hoàng hôn Quên mùa nào thì hoa vàng bừng nở Rợp đường xưa yêu dấu phủ đầy hồn.
31 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 54182)
Nầy anh người của xa xăm Nhớ tìm sông nhé âm thầm gió lay Đông về lá chết còn bay Ngày mai xa lắc vẫn say dáng người
30 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 172658)
Cảm ơn người đã vui gieo hạt Trên đất phì nhiêu tuổi thơ nầy Thương từng đôi mắt tròn trong vắt Giữ được hồn quê trong tuyết bay.
23 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 57632)
Có người đã nhắc nhở đến nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên và các bài thơ về Giáng sinh của ông. Trong không khí của ngày Noël năm nay, có lẽ chúng ta cũng nên nhắc lại những bài thơ ấy.
23 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 141611)
Miền đông tuyết trắng ngoài sân Ca-Li mưa gió hoa tàn lá rơi Đông về buồn lắm anh ơi! Xứ người lạc lõng cuối đời tha hương...
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 110393)
Cảm giác mỗi mùa Giáng Sinh tuyệt vời đến nỗi tôi tưởng như mỗi năm một lần, mình lại là đứa trẻ thơ mới lên tám tuổi, hình ảnh con búp bê tật nguyền lại chập chờn trở lại trong trí nhớ, y như năm nào tôi còn bế nó trên tay.
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 137393)
Hôm nay đó, ta trở về Phố cũ Sài gòn xưa, đã đổi mặt thay tên Nghe đắng cay và mặn chát môi mềm Còn đâu nữa Sài gòn đầy kỷ niệm...
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 58238)
Mây nhớ mùa đông bay lang thang Buồn ủ ê theo lá úa vàng Giăng hờ hững chờ đông phong lạnh Thả sương chiều rơi xuống mênh mang.
18 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 137144)
Ngày xưa ấy tôi và các bạn còn rất trẻ, hầu hết các Thầy Cô cũng rất trẻ. Ngày xưa ấy cách nay hơn năm mươi năm. Tuổi học trò, thời thơ mộng, thời gian đẹp nhất của con người nay còn đâu.
17 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 49915)
có phải em vừa say rượu thánh? vì anh, đôi mắt tỏ nghìn câu có phải tiên thiên đang chớp cánh? tháng chạp huy hoàng rợp ánh sao
17 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 71990)
Cùng cất tiếng hát với tôi người ơi, cho mưa thôi rơi trên đường đời, về nơi có quê hương nắng ấm tươi đẹp mãi
16 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 173676)
Xin em giữ giùm một tiếng chuông ngân Rúc vào chăn êm còn vang chuông đổ Cất cho anh chút chuông lùa qua khe cửa Chuông của Nhà Thờ, chuông của tim anh!
16 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 143038)
Em viềt cho anh bài thơ cuối Tình lắm xót xa lẩn ngọt ngào Con tim có muôn điều thầm kín Biết bao giờ anh hiểu vì sao ?
15 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 139834)
Cám ơn anh và mối tình đầu Chan chứa cả tấm lòng nhân hậu Cho em sống một đời êm ả Giáng Sinh về, thêm yêu người thiết tha!
15 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 136563)
Nếu có thể - Em xin làm cơn gió thoảng Mang đến bên Anh một chút lãng mạn tình Nếu có thể - Em hóa hạt cát mịn màng Làm Anh cay mắt trong muôn vàn nỗi nhớ…
14 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 134489)
Tình ơi, đá nát vàng tan. Sao em còn mãi đa đoan nỗi niềm?
11 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 50026)
Những bông hoa cuối mùa, dường như vẫn giữ lại trong lòng Ngọc biết bao kỷ niệm một thời tuổi trẻ dễ thương nhất của cuộc đời, mà những kỷ niệm ấy như những tiếng chuông mùa Giáng Sinh, vẫn ngân nga trong lòng nàng mỗi mùa Giáng Sinh trở lại.
09 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 128064)
Thư tình anh gửi lần đầu Em còn cất giữ những câu tình nồng Bây giờ em đã sang sông Còn mong chi nữa để lòng đớn đau