Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Đỗ Dung - XUÂN XƯA

26 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 38278)
Đỗ Dung - XUÂN XƯA


Xuân Xưa



Đỗ Dung


tet_5-large-content

Hàng năm, cứ tết đến, nhìn cặp bánh chưng xanh, nhìn những rộn ràng mua sắm, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về những ngày tháng cũ, những ngày tháng êm đềm, vui vẻ dưới mái ấm gia đình với một bầy anh chị em đông đúc, quây quần bên cha mẹ, và nhớ xót xa về bà nội tôi, bố tôi, những người đã ngàn trùng xa cách.

Cứ bắt đầu sang tháng chạp, trời hơi se lạnh là mẹ tôi đã lo sửa soạn sắm tết. Trước hết hai mẹ con tôi đi rảo chợ An Đông và chợ Bến Thành để mua vải, mẹ và tôi, là chị lớn của bầy em, lo cắt may cả tuần mới xong cho cả nhà, mỗi người hai bộ quần áo mới và bộ màn mới cho các cửa sổ và cửa ra vào. Sau ngày rằm mẹ tôi xuống chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối mua rau cải, hành về muối dưa; mấy loại củ về phơi làm dưa món; gạo, nếp, đậu, vài ống dang… sửa soạn cho nồi bánh chưng; đồ khô như nấm, bóng, miến, tôm, mực … để nấu cỗ.

Chúng tôi thích nhất nồi bánh chưng ngày tết. Thuở mới di cư, nhà ít người, chúng tôi còn bé nên nồi bánh nhỏ. Khi tôi lớn lên, nhân số gia tăng dần, bố tôi đặt một cái thùng tôn thật to hình khối vuông, cao cả thước để sắp bánh cho dễ. Sau tết, thùng đó được để ở gầm cầu thang, chứa các thứ đồ khô cho khỏi chuột. Sát ngày gói bánh mẹ tôi mới mua lá cho tươi.

Bữa ăn trưa ngày hai mươi sáu tết vừa xong là nhà tôi bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Bà nội tôi chỉ huy việc gói bánh chưng. Chị Tư, người giúp việc cùng mấy chị em tôi tíu tít nghe lệnh của bà, trong khi mẹ tôi lặng lẽ ngồi chẻ lạt. Mẹ chẻ lạt rất khéo, mẹ chọn mua mấy ống dang thẳng, không già lắm, đã được ngâm nước mấy hôm cho dễ chẻ. Mẹ pha ra từng thanh, bản to bằng sợi lạt rồi cứ thế mẹ chẻ thanh giang ấy làm hai rồi lại làm hai, làm hai nữa cho đến khi tước thành sợi lạt mỏng tanh. Chả mấy chốc, mấy ống giang đã trở thành mấy bó lạt trắng phau, mềm mại.

Một thau nếp đã được vo để ngâm, thau đậu xanh còn nguyên vỏ ngâm nước, để ngay bên cạnh. Chúng tôi xúm vào rửa lá. Bà chia mỗi đứa một cái khăn nhỏ để rửa từng chiếc lá dong. Bà nói lá phải rửa thật sạch và lau thật khô thì gói bánh mới ngon và không bị hỏng. Lá sạch đươc cột thành từng bó để dốc lên cho róc nước. Nồi hình vuông nên rất dễ xếp bánh, chị Tư phải rửa nồi sẵn sàng và bố tôi đã xếp sẵn mấy cục gạch ngay gần bờ giếng bên hông nhà để làm ông Táo, ông xếp củi sẵn sàng theo thứ tự củi nhỏ, củi lớn để củi dễ bắt lửa chuyến đầu tiên. Khi củi cháy đều người có phận sự ngồi canh chỉ việc bỏ tiếp củi để giữ lửa cho đến khi chín bánh. Nhà con đông lại thêm tục lệ biếu tết nên mỗi năm nhà tôi gói hơn sáu chục chiếc bánh, cứ một cặp bánh kèm với một hộp trà tàu hoặc một chai rượu tây là thành một phần quà.

Sáng sớm hôm sau mẹ tôi đi chợ thật sớm để lấy thịt đã được đặt sẵn ở sạp thịt quen, không quên mua cho bà tai, lưỡi và mũi heo để bà gói giò thủ, mấy cái chân giò để hầm với măng khô. Trong khi chờ vớt gạo, đãi đậu, bà và mẹ tôi pha thit bỏ vào một thau đầy, ướp nước mắm ngon và tiêu trắng xay nhuyễn. Mũi, lưỡi và tai heo cũng được cạo rửa, luộc chín sẵn sàng để bà sẽ thái ra xào với nấm hương, mộc nhĩ, tiêu muối để gói giò.

Đậu xanh đãi vỏ xong bà rắc muối vào rồi bảo xóc đều lên trước khi bỏ vào chõ hấp. Bà chả cần phân lượng, cứ nhắm nhắm, liệu chừng, thế mà ít khi sai lạc. Sau khi đậu chín nhừ bà nói chị Tư lấy muỗng đánh đậu thật tơi rồi nắm lại thành từng cục tròn vừa cho một cái bánh, làm xong xếp cả vào một rổ lớn. Nếp vo sạch, vớt ra mấy cái rá to, bà cứ thò tay vào hũ muối bốc rồi rắc vào rá gạo và sai đứa nào ở gần xóc lên cho đều muối và ráo nước.

Mọi thứ sửa soạn sẵn sàng bà hối thúc mọi người làm cho nhanh để luộc bánh cho kịp vớt không để quá khuya. Thường thì phải nấu liên tục tám tiếng nhưng nồi to nên bà bắt sau khi nước sôi phải để hơn mười tiếng cho bánh chín kỹ. Ba chục cặp bánh gói xong, xếp đầy trên tấm phản gỗ, bà không quên gói mấy xâu bánh tép, những chiếc bánh chưng con con cho các cháu.

Bao nhiêu đầu, đuôi và cuống lá cắt ra được bỏ hết vào đáy thùng để lót, sau đó bà và mẹ tôi xếp bánh thật chặt chẽ vào thùng, khiêng lên bếp mà bố tôi đã xếp sẵn, đổ nước ngập bánh rồi nổi lửa. Bà gọi chị Tư lấy nồi măng khô đã ngâm từ mấy hôm trước rửa thật sạch, đổ đầy nước, để chèn lên mặt bánh vả một nồi nước to cũng đổ nước thật đầy để lên cạnh nồi măng.

Khi nước bắt đầu sôi ùng ục trong nồi bà dặn canh giờ và cứ nước hơi cạn xuống là lấy cái xoong nhỏ có cán làm gáo để múc nước trong nồi chèn đổ xuống nồi bánh rồi lại tiếp nước mới vào nồi chèn. Mùi lá, mùi bánh đã tỏa ra thơm ngát, không gian đã đượm mùi tết.

Chúng tôi ngồi quanh chiếc phản xem bà gói giò thủ. Mấy miếng mũi, lưỡi heo và gần chục cái tai đã được luộc chín mềm, bà thái mỏng hết cho vào một thau, thái mộc nhĩ và nấm hương thành sợi trộn vào, cho tiêu, muối, nước mắm và một ít tiêu còn để nguyên hột. Ướp khoảng nửa tiếng rồi cho vào chiếc chảo to, đặt lên bếp xào kỹ, còn nóng bà đổ vào xấp lá dong đã trần sơ, lau sạch, cứ thế bà vừa gói vừa nắn cho cây giò tròn đều và chắc, rồi lấy lạt buộc chặt . Thoáng một cái là xong mấy đòn giò thủ, bà buộc thành từng cặp và treo lên xà bếp.

Thuở chúng tôi còn bé, buổi tối ngồi canh nồi bánh chưng bà kể truyện cổ tích, có những truyện nghe đến thuộc lòng mà vẫn thích nghe bà kể đi, kể lại. Lớn lên một chút bà dạy chơi tam cúc. Bà có cỗ bài bé chả biết mua từ bao giờ, mỗi năm cứ đến tết mới giở ra chơi.

Sống ở quê hương mới thấy sự thiêng liêng của ngày ba mươi tết. Từ sáng, mẹ cho tháo hết màn cửa cũ xuống, quét màng nhện, lau cửa sổ, lau sàn nhà thật sạch bóng. Bố tôi lo quét dọn bàn thờ, sai trẻ con đánh bộ lư hương, chân nến bằng đồng sáng choang. Năm nào nhà tôi cũng được chú Tám, lính cũ của bố tôi nay đã về hưu, nhà ở Bình Dương có vườn cây cảnh đem biếu một cành Mai thật đẹp. Bố tôi đốt gốc cắm ngay vào cái lọ độc bình. Hoa nở tưng bừng đúng sáng mùng một. Sau khi lo xong nồi bánh chưng, tối hai mươi bảy và hai mươi tám tết nào chị em tôi cũng rủ nhau đi chợ hoa, kén mua cho được một đôi cúc đại đóa thật đẹp và hai chậu quất, quả trĩu cành. Sáng ba mươi tôi được phân công lên chợ hoa phía sau chợ An Đông mua một bó hoa Lay Ơn đỏ tươi và mấy bó huệ trắng để trưng bàn thờ. 
Buổi chiều, ngoài đường vắng hoe, gần như không có người qua lại. Sau khi dọn dẹp, treo màn cửa mới, trang hoàng nhà xong mẹ tôi lo bầy mâm ngũ quả trên mấy bàn thờ, bà lo mâm cơm đón tổ tiên, ông bà. Thông thường cỗ phải đủ bốn món đĩa, bốn món bát, có canh bóng, miến, nấm, bí. Tôi nhớ mãi bà tôi thường nói, con gà chặt ra làm hai, nửa luộc, nửa quay, lòng mề nấu miến, cổ cánh nấu bí. Ngày xưa thật tiện tặn, có một con gà mà pha ra nhiều món thành ra nồi nước dùng phải thêm mực, thêm tôm khô, các loại củ tỉa hoa làm chân tẩy cho ngọt nước. Mâm cúng Ông Táo có cỗ mũ hàng mã và cũng xôi thịt, bánh trái. Sau khi cúng đón Táo Quân và cúng mời tổ tiên, ông bà về ăn tết với con cháu, bà tôi xoay ra lo chiếc bàn thiên.

Bàn thiên bày giữa sân thượng, bà tôi muốn mọi thứ phải tố hảo để tế lễ trời đất, chào đón chúa xuân, cho năm mới được nhiều may mắn, an khang, thịnh vượng. Con gà trống thiến được buộc thành hình con gà quỳ dáng đẹp, cổ thẳng, mỏ ngước lên trời. Sau khi luộc cẩn thận, con gà ngậm bông hoa tươi đặt nằm trên mâm xôi gấc. Đĩa trái cây đủ năm thứ trái và bình hoa Lay Ơn đỏ thắm. Không kể các món đặc biệt tết như bánh chưng, giò chả, mứt, hạt dưa và rượu mùi…

Gần đến Giao Thừa, đèn nến lung linh, Giao Thừa là lúc tống cựu, nghinh tân, lúc trời đất giao hòa, chúa Xuân về ngự trị. Bà và bố mẹ tôi mặc quần áo tề chỉnh, sẵn sàng đợi đúng mười hai giờ đêm là thành tâm khấn vái. Tôi đứng sau cảm được sự linh thiêng, ngước mặt lên trời để làn gió lành lạnh mơn man làn da. Cùng đồng loạt pháo nổ rền vang, rộn rã…Tàn một tuần nhang bà tôi lễ tạ, bố mẹ tôi chúc thọ bà, bà chúc lại bố mẹ tôi rồi bắt chúng tôi đi ngủ để sáng sớm sẽ mặc quần áo mới chúc tết và được tiền lì xì. Tôi còn ở lại sân thượng hưởng gió xuân, hít thở khí trời linh thiêng lúc trời đất giao mùa.

Đã hơn ba mươi năm xa quê hương, bà và bố tôi đã qua đời. Tôi vẫn nhớ về những kỷ niệm xưa, vẫn nhớ những ngày tết rộn ràng nơi ngôi nhà ấm cúng, vẫn nhớ những giây phút thiêng liêng khi tiễn năm cũ đi, đón năm mới tới nơi sân thượng yêu dấu cũ, của một thời mộng mơ, trẻ dại…

Đỗ Dung



Phụ Đính




MÂM CỖ TẾT



Trong đời sống tinh thần của người Việt, Tết Nguyên Đán là khởi đầu cho một năm mới, vận hội mới của gia đình, cộng đồng và cả dân tộc. Thế nên gia đình dù còn khó khăn, người ta vẫn gắng sắm sửa mâm cỗ Tết thịnh soạn để tưởng nhớ ông bà, Tổ tiên, mong Tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, học hành tấn tới, làm ăn phát tài phát lộc.



 Image

Mâm cỗ truyền thống của người miền Bắc.

Ai đó, nếu đã biết qua về mâm cỗ cổ truyền hẳn sẽ thấy mâm cỗ miền Bắc, đặc biệt là mâm cỗ Tết của người Hà Nội thường rất bài bản theo đúng nét cổ truyền của dân tộc. Mâm cỗ Tết miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Cỗ ngày xưa phải bày lên mâm gỗ hoặc mâm đồng, đi cùng với bát chiết yêu và đĩa cây mai.


Image

Số lượng món ăn trên mâm thường mang ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, đủ đầy.

Bốn bát gồm một bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, một bát bóng thả, một bát miến và một bát mọc nấm thả. Ngoài ra, nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm một bát su hào thái chỉ ninh kỹ, một bát chim hầm để nguyên cả con, một bát gà tần hay nhiều gia đình giàu có xưa còn bày thêm bào ngư, vi cá để mâm cỗ thêm đầy đặn, sang trọng.

Bốn đĩa gồm một đĩa thịt gà, một đĩa thịt lợn, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế. Thậm chí nhiều gia đình còn bày thêm đĩa thịt đông - món ăn đặc trưng cho những ngày lạnh miền Bắc, đĩa giò thủ, đĩa xào hạnh nhân, đĩa cá kho riềng, đĩa nộm su hào hoặc nộm rau cần và nem rán. Món tráng miệng có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho... Tuy là nhiều món nhưng mỗi món chỉ bày vào một bát hay đĩa nhỏ nên mâm cỗ Tết vừa đa dạng, hài hòa, lại đẹp mắt.


Image

Cỗ Tết tuy nhiều món nhưng được bài trí gọn gàng, đẹp mắt vào những chiếc bát, đĩa nhỏ.

Ngoài ra, mâm cỗ Tết đầy đủ không thể thiếu được bánh chưng, xôi gấc và đĩa dưa hành nén. Chính vì thế nên mỗi độ Tết đến xuân về lòng người lại xốn xang rạo rực với:
“ Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”

Bánh chưng, dưa hành là cặp đôi không thể thiếu trong ngày Tết.

Ngày nay do cuộc sống bận rộn, phần lớn các gia đình đều làm giản tiện, rất ít người nấu đủ mâm cỗ như xưa. Tuỳ theo mỗi gia đình mà người ta chuẩn bị những món khác nhau, nhưng không thể thiếu các món chính như: bánh chưng, dưa hành, giò lụa, giò thủ, nem, nộm su hào, canh bóng bì, canh măng chân giò, miến nấu và một đĩa xào… để mâm cỗ ngày Tết luôn trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên, may mắn.

(theo Đỗ Linh)


18 Tháng Hai 2011(Xem: 143116)
Sông ngưng trôi mà đêm chẳng ngừng trôi Đêm qua hết, sông vẫn dòng sông cũ Nước vẫn nước xưa, gió vẫn qua lối nhỏ Chỉ có ngày thơ đi mất theo dòng đời!
11 Tháng Hai 2011(Xem: 57885)
Xin lòng chỉ bâng khuâng Tim chớ nên thổn thức Xưa ta dại, ta khờ Nay ta mãi còn ta!?
10 Tháng Hai 2011(Xem: 136317)
Niềm vui đầu năm đến bất ngờ. Nhờ trang web Ngô Quyền, nhờ kỹ thuật khoa học tiến bộ, nửa thế kỷ sau mình tìm gặp được bạn bè. Xin cảm ơn tấm lòng thành của nhau, của những người xa xứ.
10 Tháng Hai 2011(Xem: 117458)
Đầu năm khai bút viết gì đây? Đào, Mai đua sắc báo Xuân đầy Non sông một dãy bao hoa gấm Tổ quốc triệu người bấy nhiêu mong
10 Tháng Hai 2011(Xem: 131500)
Tôi nhớ câu của St. Ex có lần K. nói: “C’est tellement mystérieux, le pays des larmes.” Mối tình ấy có thật không hay chỉ là trong trí tưởng của tôi?Mối tình ấy có thật không hay chỉ là trong trí tưởng của tôi?
06 Tháng Hai 2011(Xem: 127171)
Thêm một mùa Xuân xa quê hương Ba mươi mấy năm nhớ phố phường Nhớ hàng hoa thắm hàng bánh mứt Nhớ mái học đường, thật thân thương
05 Tháng Hai 2011(Xem: 133205)
Và khi biết anh tuổi Mẹo, Duyên suýt bật cười vì chợt nhớ đến câu “thần chú” của mẹ ngày xưa: “Hợi Mẹo Mùi, là duyên tam hạp”. Mình là tuổi Mùi. Anh ấy là tuổi Mẹo, vậy là tốt duyên rồi!
02 Tháng Hai 2011(Xem: 121622)
hơn 1 tháng nữa bước qua tuổi 61 ta, trở lại một vòng tuần hoàn của cuộc đời. Bất chợt mình ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình. Mình lấy giấy bút ra, tính sổ cuộc đời, 60 mùa xuân mình đã trải qua, có vui buồn lẫn lộn.
31 Tháng Giêng 2011(Xem: 130721)
Anh biết không? Hương vị Tết bên này chỉ mới vừa phảng phất đôi chút chưa kịp đọng lại thì đã bay biến đi đâu mất rồi...
31 Tháng Giêng 2011(Xem: 130471)
Xuân bây giờ, Xuân trải rộng ngàn sau Mãi mãi Xuân trong tình thương của Mẹ Mãi mãi con của những ngày thơ bé Dẫu xa Mẹ rồi lòng mong nhớ nào nguôi.
30 Tháng Giêng 2011(Xem: 125050)
Đông sẽ tàn, Xuân về trời lại xanh. Giọt sương mai tan nỗi nhớ long lanh. Bước thênh thang, con say đời vẫy gọi Mẹ sẽ cười thay giòng lệ mừng rơi.
25 Tháng Giêng 2011(Xem: 48597)
... ông ước ao đám mây trắng ngang trời kia sau khi bay vòng quanh... quả đất tròn sẽ lại bay về đây!
25 Tháng Giêng 2011(Xem: 125016)
Yêu người em vẫn mong chờ Anh đi quên cả trời mơ thuở nào Để em nhỏ giọt lệ sầu Khóc thầm cho mối tình đầu dở dang
23 Tháng Giêng 2011(Xem: 137029)
Mùa Xuân có về cho người ly hương??? Một thoáng rưng rưng -lóng lánh giọt buồn... Bên tách trà xanh-nhớ mùa Xuân cũ Thầm hỏi ngày về ?... xa tít mù sương...
21 Tháng Giêng 2011(Xem: 133773)
Tất cả đi tìm nhau đều gặp gỡ Giữa trời xuân hương nồng ấm an hòa Chỉ riêng em tìm hoài trong nỗi nhớ Một mình chim én nhỏ chẳng mùa xuân
20 Tháng Giêng 2011(Xem: 138672)
Bây giờ muôn nẻo hoàng hôn Ánh trăng vàng võ ngõ hồn xanh xao Trả anh âu yếm ngày nào Bước chân lầm lỡ lạc vào lối yêu.
20 Tháng Giêng 2011(Xem: 129715)
Tình mình trở gót long đong Đại dương hai đứa nghìn trùng cách xa Xuân về sương nhỏ lệ hoa Chuỗi sầu giăng mắc ngõ nhà còn vương
20 Tháng Giêng 2011(Xem: 131369)
Xuân về lòng chạnh nhớ thêm Những ngày xưa cũ êm đềm giấc mơ Trăm thương ngàn nhớ đôi bờ Gởi người phiêu lãng mộng chờ kiếp sau